Venezuela «bán đứng» vấn đề Biển Đông như thế nào
Hội nghị thượng đỉnh Phong trào Phi Liên Kết, ở Porlamar, đảo Margarita, Venezuela, ngày 17/09/2016 – RONALDO SCHEMIDT / AFP
Theo Tú Anh – 27-09-2016
Vì sao phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye bị chận trong thượng đỉnh phong trào Phi Liên Kết ? Hoàn Cầu Thời Báo, thuộc xu hướng chủ chiến tại TC chỉ trích Singapore gây áp lực đòi Phong Trào Phi Liên Kết (NAM) đưa phán quyết của Toà Trọng Tài vào bản tuyên bố chung nhân thượng đỉnh lần thứ 17 tại Venezuela. Chuyện gì đã xảy ra? Hư thực ra sao?
Trước hết, trong bài tổng kết về thượng đỉnh các nước không liên kết tại Venezuela trong hai ngày 17 và 18/09/2016, Hoàn Cầu Thời Báo cho là phái đoàn Singapore đã gây sức ép, buộc hội nghị phải đưa phán quyết của Toà Trọng Tài La Haye, phủ nhận đòi hỏi chủ quyền của TC, vào văn kiện làm cơ sở cho tổ chức hoạt động trong ba năm tới. Đại diện của Singapore còn dùng lời lẽ nặng nề để công kích những thành viên chống lại ý định đưa phán quyết La Haye vào hồ sơ Biển Đông.
Theo trang mạng The Straites Times của Singapore ngày 27/09/2016, đại sứ Singapore tại Bắc Kinh đã cực lực phản đối cáo buộc của Hoàn Cầu Thời Báo và yêu cầu tờ báo này phải đăng cải chính «thông tin dối trá». Đề nghị này không được đáp ứng.
Qua phóng viên của The Straites Times và đại sứ Singapore tại Bắc Kinh, độc giả biết rõ một số sự kiện mà dường như Hoàn Cầu Thời Báo không muốn cho công luận TC am tường:
Một là chính nước Lào, với tư cách chủ tịch luân lưu của ASEAN, từ tháng 7, đã thông báo với Iran, chủ tịch Các Nước Phi Liên Kết về nhu cầu «cập nhật hóa» tình hình Biển Đông nhân thượng đỉnh vào tháng 9 tại Venezuela . Hồ sơ Biển Đông được ASEAN chuẩn bị từ hai tháng trước chứ không phải hấp tấp đưa ra vào giờ chót như báo đảng TC cáo buộc.
Điểm thứ hai là khi Venezuela thay Iran làm chủ tịch, thì Caracas từ chối yêu cầu của ASEAN ghi thêm phán quyết La Haye vào chương Biển Đông.
Điểm thứ ba, là từ khi Biển Đông được đưa vào hồ sơ Đông Nam Á vào năm 1992, mỗi lần họp thượng đỉnh Phi Liên Kết, hồ sơ Biển Đông bao giờ cũng được «cập nhật hóa», trừ lần này.
Trước lập trường của Venezuela, xem thường quyền lợi của các thành viên ASEAN, trưởng đoàn Lào Kham-Inh Khitchadeth đã tỏ thái độ « thất vọng ». Ông nhấn mạnh, Biển Đông là vấn đề «sinh tử của hoà bình, ổn định, an ninh và hợp tác của Đông Nam Á».
Câu hỏi đặt ra là vì sao Venezuela bất chấp quyền lợi của các thành viên Đông Nam Á trong nhóm Phi Liên Kết? Vì sao cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Hoa không đưa tin đa chiều? Và vì sao không đăng bài phản bác của đại sứ Singapore cho người TC suy xét?
Theo Tân Hoa Xã, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 22/09, ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố TC sẽ gia tăng hợp tác giúp Venezuela đối phó với khủng hoảng kinh tế. Caracas được Bắc Kinh cho vay 50 tỷ đôla, trả nợ bằng dầu hỏa. Đầu năm 2015, tổng thống Nicolas Maduro bay sang Bắc kinh cầu cứu và xin triển hạn thời gian trả nợ.