Về Một Nền Y Tế Việt Nam Tương Lai – Mai Thanh Truyết

Cac Bai Khac

No sub-categories

Về Một Nền Y Tế Việt Nam Tương Lai – Mai Thanh Truyết

Vào năm 1945, Việt Nam có 47 bịnh viện với tổng cộng 3.000 giường bịnh và chỉ có một bác sĩ cho 180.000 dân. Tuổi thọ người dân kéo dài trung bình 34 tuổi. Số bịnh viện tăng lên đến 713 năm 1979 với 205.700 giường và có một bác sĩ cho 1.000 dân. Tuổi thọ người dân cũng tăng lên 63 tuổi. Và hiện này, 2013, tuổi thọ của đàn ông Việt là 72, và đàn bà là 76 tuổi.

Vào giữa thập niên 1980, có tất cả sáu trường Y khoa và Dược khoa, và khoảng 40 trường cán sự y tế toàn quốc.

Sưu tầm trên mạng toàn cầu, số bịnh viện công được tính đến 12/2010 là: Hà Nội có 20 bịnh viện; Hải Phòng, 2; Quảng Ninh, 2; hái Nguyên, 5; Huế Đà Nẵng, 4; Sài Gòn, 11. Đối với các tỉnh thành khác, bịnh viện tỉnh chưa đủ tiêu chuẩn để được xem là một bịnh viện đúng nghĩa cho nên không tính vào trong con số trên. Ngoài ra, con số bịnh viện tư do tư nhân hay các tập đoàn ngoại quốc cũng chiếm một tầm quan trọng không kém. Tuy nhiên, số bịnh viên tư chỉ nằm phục vụ cho một thiểu số người giàu mà thôi, ước tình chưa đầy 5% bịnh nhân nhập viện. Theo ước tính, năm 2012, khoảng 40.000 người Việt trong nước (dĩ nhiên là người giàu và cán bộ) đi ra ngoại quốc chữa bịnh tiêu tốn 2 tỷ Mỹ kim!

Về Y tế công cộng chỉ bắt đầu phát triển trong những năm gần đây, mặc dù khái niệm về vấn đề nầy đã được khơi dậy vào năm 2002 qua Hội Y tế Cộng cộng Việt Nam (Viet Nam Public Health Association-VPHA) thành lập ngày 6/6/2002. Mục tiêu của Hội là phối hợp, giúp đở, cùng nghiên cứu chính sách y tế công cộng, cùng khai triển ý thức cộng đồng trong vấn đề nầy.

Trường Y tế Công cộng ở Việt Nam cũng vừa được thành lập vào năm 2010. Chương trình Sức khỏe Thần kinh và Yểm trợ Tâm lý xã hội (Mental Health & Psychosocial Support) do Cơ quan phi chính phủ quốc tế (INGO) yểm trợ đã được thiết lập tại Hà Nội ngày 16/6/2013. Thêm nữa, khoa Y tế Công cộng đã được nâng lên cấp Cao học (master) vào ngày 4/2/2013 tại 7 Đại học ở Việt Nam như Trường Y tế Công cộng Hà Nội v.v…

Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng vấn nạn về y tế cộng đồng ở Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn phôi thai vì nhiều lẽ:

1-    Ý thức người dân chưa cao,

2-    Giới hạn của nhà nước trong vấn đề nhân sự y tế và ngân sách,

3-    Đặc biệt hơn cả là nhà nước chưa đặt tầm quan trọng trong việc bảo vệ và phòng ngừa sức khỏe cho người dân.

Bài viết nầy nhằm mục đích gợi ý một số việc cần làm để có một chính sách y tế thích hợp, đáp ứng được phần nào nguyện vọng của người con Việt trong tương lai một khi Việt Nam có được một chánh quyền biết lo cho dân và vì dân.

1-    Giáo dục

Có thể nói, trong bất cứ lãnh vực nào nhằm phát triển quốc gia, giáo dục là một yếu tố hàng đầu cần lưu ý. Nâng cao ý thức y tế cộng đồng cần phải lồng khung vào chương trình giáo dục. Muốn vậy, trường học cần phải hiện diện khắp nơi. Tùy theo điều kiện dân số và điều kiện phát triển cùng tài nguyên từng vùng, các trường tiểu học, trung học đệ nhứt cấp, đệ nhị cấp, trường kỹ thuật, thậm chí trường đại học cần được mở rộng. Đặc biệt ở những vùng xa, việc chiếu cố xây dựng trường ốc cần phải lưu tâm hơn nữa để nâng cao dân trí trẻ em và người dân. Cần khơi dậy khẩu hiệu “Một trường cho mỗi làng”.

Đối với những vùng sâu và xa, vùng cao nguyên với người thiểu số, việc xây dựng trường tiểu học và trung học đệ nhứt cấp cũng là một nhu cầu thiết yếu vì làm như thế ngoài việc tạo điều kiện cho người dân ở những vùng nầy được nâng cao dân trí mà còn ý thức được vấn đề an toàn vệ sinh cùng tạo dựng một môi trường thông cảm và thông hiểu nhau vì cùng nói cùng một ngôn ngữ. Việc làm nầy tiện lợi đôi đường.

Địa điểm cùng chuyên khoa trong việc xây dựng trường ốc cần phải được đặt để đúng theo nhu cầu của dân chúng trong vùng. Không thể xây dựng trường kỹ thuật nuôi cá ở vùng chuyên trồng mía như ở Quảng Ngãi. Cũng như không xây trường dạy kỹ thuật trồng mía và làm đường ở Hậu Giang như đề án cùa Ts Nguyễn Trân, Ủy ban Phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long với dự án xây dựng nhà máy làm đường từ miá với công xuất 500.000 tấn đường/năm năm 2010. Dĩ nhiên, dự án chì là một dự án treo, bỏ dở nửa chừng!

Có trường học khắp nơi, dân trí mới được nâng cao, từ đó ý thức về y tế công cộng sẽ tăng trưởng theo thời gian và việc giải quyết những chứng bịnh truyền nhiễm như sốt rét, lao, kiết lỵ, thương hàn v.v… sẽ dễ dàng hơn. Người dân sẽ ý thức được việc phòng bịnh hơn chữa bịnh, và sự an toàn vệ sinh thường thức cần được lưu tâm hơn trong chương trình giáo dục học đường.

2-    Hệ thống vệ sinh công cộng và trong trường ốc.

Vấn đề nước sạch là một vấn đề thiết yếu của mọi quốc gia trên thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, 90% dân số Việt Nam có khả năng tiếp cận với nguồn nước nhưng 25% người dân đang sống trong những vùng nước đã bị ô nhiễm trầm trọng. Nguyên do là nguồn nước đã bị ô nhiễm hóa chất do kỹ nghệ và rác thải gia cư cùng kỹ nghệ. Cũng chính nguồn nước bị ô nhiễm kéo theo các bịnh truyền nhiễm như sốt rét, bịnh nhiễm trùng đường ruột và kiết lỵ cũng như ảnh hưởng lên dây chuyền thức ăn qua thực phẩm và là một sức trì chánh cho việc phát triển kinh tế quốc gia.

Theo ước tình của LHQ, vào năm 2010, chỉ 18% nhà ở nông thôn, 12% trường học nông thôn, và 37% trạm y tế trên toàn quốc có nhà vệ sinh tương đối theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh.

Vì vậy, tạo nên nguồn nước sạch trong các đường ống dẫn hay trong các giếng, người dân có lợi tức hạn chế sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn nước sạch. Đặc biệt hơn nữa, phần lớn các trường học ở các địa phương nhỏ hầu như không cung cấp nguồn nước sạch cho các em giải khát, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của các em.

Cản ngại thứ hai là hệ thống vệ sinh trong trường học. Rất nhiều trường không có hệ thống nầy, thậm chí nhiều trường ốc mới cất trong vài nằm trở lại đây cũng không xây được. Cũng có rất nhiều trường tuy có hệ thống cầu tiêu tiểu nhưng lại không hệ thống dội rửa cho nên nơi nầy biến thành trung tâm của bao nhiêu mầm bịnh. Có nhiều lý do lý giải cho sự kiện trên, nhưng lý do quan trọng nhứt là do sự móc ngoặc hay việc rút ruột dự án…Nhiều trẻ em sau khi đi học về bị bón và bị căn bọng đái (urine retention) vì phải nín tiểu tiện trong thời gian nhiều giờ ở lớp học.

Do đó, việc thiết lập các hệ thống vệ sinh và hệ thống nước uống ở những nơi công cộng và trong trường học là một biện pháp hữu hiệu trong việc phòng chống bịnh tật và bảo vệ sức khỏe cho con em chúng ta. Và đây cũng là một vấn đề ưu tiên cần được giải quyết một khi đất nước có được tự do.

3. Xây dựng các trạm y tế ở xã, quận, tỉnh

Theo báo cáo của nhà cầm quyền hiện tại, kể từ năm 2008, 99% xã ở Việt Nam đều có cơ sở chăm sóc sức khỏe sơ khởi (primary health care facilities). Mỗi cơ sở cung cấp dịch vụ chích ngừa miễn phí cho trẻ em, chữa trị và cung cấp thuốc cho các chứng bịnh thông thường và bịnh tiêu chảy cùng nhiễm trùng đường hô hấp v.v…Cơ sở cũng phụ trách việc giáo dục về vệ sinh thường thức, về chăm sóc trẻ em.

Đó là trên căn bản báo cáo và giấy tờ chính thức.

Nhưng trên thực tế thì sao?

Qua bài viết “Tình trạng Y tế Việt Nam” của cùng tác giả, người đọc đã rõ năm với năm là mười là dưới ánh mặt trời xã hội chủ nghĩa, không có dịch vụ nào là “miễn phí” được cung cấp do “nhà nước” cả. Từ đứa trẻ đi học mẫu giáo, chưa được ngồi chính thức vào lớp học, phụ huynh đã phải trả hằng bao nhiêu lệ phí, chưa kể lệ phí “phong bì” cho cán bộ và thầy cô nữa. Và một khi đã vào trường lớp cũng như đã nhập viện rồi thì biết bao lệ phí chính thức và không chính thức khác làm điên đầu các bậc làm cha mẹ và thân nhân người bịnh. Do đó, tình trạng bỏ học nửa chừng cũng như nhắm mắt chờ chết vì không kham nỗi các chi phí “ma quỹ” trên là chuyện “thường ngày ở huyện” ở Việt Nam ngày nay.

Điều nầy nói lên thêm một lần nữa là xã hội Việt Nam hiện tại vẫn còn cần rất nhiều khối óc và bàn tay đóng góp cho việc xây dựng các trạm y tế căn bản cho tương lai.    

Xây dựng một nền móng ban đầu để cho người dân chất phác miền quê, miền cao nguyên, những vùng còn cách xa các đô thị còn vững tin rằng những người điều hành quốc gia còn lưu tâm đến những phúc lợi căn bản và thiết thực cho những người cùng khổ của đất nước. Nông dân và công nhân trong quá khứ là hai lực lượng “xung kích” có công đầu cho cuộc “giải phóng” quê hương, và trong hiện tại, cũng có công đầu mang lại ngoại tệ nặng cho quốc gia. Nhưng hiện tại, chính họ lại là hai tầng lớp công dân đông nhứt nước, ước tính độ 80% phải chịu thiệt thòi nhiều nhứt và đang sống trong tình trạng nghèo đói so với nếp sống sa đọa của đại thiểu số cầm quyền, có thể tiêu tốn hàng ngàn Mỹ kim trong một đêm…

Tóm lại, môt trạm xá trong tương lại và nhứt là trong giai đoạn kiến thiết ban đầu không đòi hỏi một cơ ngơi đồ sộ. Nhưng có thể chỉ là một gian nhà nhỏ độ 4×6 mét, trong đó chứa một kệ thuốc, một tủ lạnh một giường để khám bịnh và một hệ thống nước lạnh và nóng. Người phụ trách có trình độ một điều dưỡng viên là đủ. Về thuốc, ngoài những loại thuốc thông thường thuốc nóng sốt, thuốc cầm tiêu chảy, cầm máu và một số trụ sinh trị bịnh đường ruột, thuốc ho, thuốc cảm cùng dụng cụ băng bó vết thương thông thường. Thiết nghĩ, địa phương nào cũng có khả năng đóng góp của người dân do dịch vụ chung nầy.

4. Bịnh viện chuyên khoa, Nhà bảo sanh

Ở Việt Nam co hai hệ thống bịnh viện, bịnh viện công do nhà nước quản lý và tư do cá nhân hay tổ hợp điều hành. Hệ thống bịnh viện tư tăng nhanh kể từ năm 1989, khi chính sách đổi mới y tế ra đời. Đa số, bịnh viện tư lúc ban đầu phụ trách việc chữa trị cho bịnh nhân trong ngày, việc năm bịnh viện rất ít xảy ra. Tuy nhiên trong những năm gần đây, vì một số bịnh viện công bị quá tải, người giàu có có khuynh hướng nhập viện do tư nhân làm chủ vì điều kiện tương đương với các cơ sở ngoại quốc.

Lý do người viết nêu ra đề mục trên đây là vì tử xuất của:

1-    Trẻ em dưới năm tuổi quá cao (15 trên 1000 em),

2-    Bịnh liên quan đến máu,

3-    Tai nạn đường phố,

4-    Bịnh đường phổi, và

5-    Các bịnh truyền nhiễm.

Các bịnh trên đều chiếm hàng đầu trong tỷ lệ tử vong của toàn quốc.

Do đó, hướng tương lai cần thiết là có tối thiểu một bịnh viện đa khoa trên tất cả 64 tỉnh và các thành phố lớn, và bịnh viện nầy phải có tầm vóc và khả năng chữa trị đúng mức các bịnh trên.

Sở dĩ, cần có ở các tỉnh để thời gian di chuyển của bịnh nhân từ những quận xã xa thuận lợi hơn.  Hệ thống xe cấp cứu cũng cần luôn hiện diện nơi bịnh viện để chuyển vận bịnh nhân kịp lúc. Từ đó nguy cơ tử vong của bịnh nhân sẽ được sút giảm.

Hiện tại, các bịnh viện lớn, tối tân có tương đối đầy đủ dụng cụ và máy móc cùng bác sĩ chuyên môn, nhưng hầu hết đều tập trung ở các đô thị như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng và Thái Nguyên. Chính sự phân bố không đồng đều nầy làm cho bộ mặt xã hội Việt Nam bị phân vùng nghèo-giàu rõ rệt. Và cũng chính sự không đồng đều nầy làm cho số tử vong tăng cao và thương tật càng nhiều vì việc chữa trị để quá trễ hoặc không được chiếu cố đến.

Số bác sĩ và cán bộ y tế chuyên môn đào tạo không tương xứng, và không theo tỷ lệ thích ứng với nhu cầu qua đà gia tăng dân số, lại thêm việc chạy theo lợi nhuận của những nhân sự kể trên làm cho cả hệ thống y tế công cộng vốn đã có quá nhiều sơ hở mà nay càng đi vào chỗ bế tắt, không giải quyết được.

Thử hỏi lương tâm người bác sĩ và tám lời thề Hippocrates có còn văng vẳng trong trong tim người y sĩ xã hội chủ nghĩa ngày hôm nay hay không?

5. Dược phẩm

Vấn đề nầy cũng là một vấn đề nhức nhối cho những người quản ý đất nước tương lai. Hiện tại, thuốc men ở Việt Nam đắt hơn 50 lần so với thuốc mua ở ngoại quốc (thuốc hiệu-brand name) và gấp 10 lần so với thuốc tương đương (generic). Chính điều nầy là nguyên nhân đầu tiên làm cho bịnh nhân phải…chờ chết vì gia đình không có khả năng mua thuốc để chữa trị.

Đây là một vấn nạn quốc gia, đo đó người quản lý đất nước cần phải kiểm soát và tạo mọi quyết định cứng rắn trong việc xuất nhập cảng nguyên liệu để sản xuất thuốc cũng như việc phân phối công bằng nhân sự y tế về những vùng xa sau khi ra trường thay vì tập trung vào những thành phố lớn.

Thuốc cần sản xuất đủ để phân phối cho khắp nơi để tránh việc bán quá giá, bán lậu hay đầu cơ tích trử, nhứt là đối với những loại thuốc chích ngừa mỗi khi có dịch bịnh.

Thuốc cần kiểm soát chặt chẽ tránh việc tuôn ra thị trường lậu cũng như tránh tệ trạng thuốc giả.

Điều hòa được việc phân phối lượng thuốc, giữ giá cả vừa phải để mọi người dân có thể tiếp cận được là một công tác lớn cho việc phục hồi nền y tế công cộng quôc gia vậy.

6. Bảo hiểm y tế

Sĩ số người già ngày càng tăng ở Việt Nam (trên 60 tuổi được xem như là “người già”). Việc tiếp cận với y tế công cộng là một điều hầu như bất khả thi, đặc biệt đối với người dân sống xa các thành phố lớn. Đa số là dân nghèo. Để “gọi là” giúp đở những người nầy, cs Việt Nam thành lập một quỹ có tên “Quỹ Chăm sóc Sức khỏe cho Người nghèo” (Health Care Funds for the Poors- HCFP) từ năm 2002.

Số người già ở Việt Nam chiếm 6,2% dân số năm 2006, dự kiến sẽ tăng lên 13,4% năm 2025.

Theo báo cáo của WB năm 2005, ngân sách dành cho Y tế là 7US$/người/năm. Chi phí nầy gồm ngân sách của nhà nước, nhà cầm quyền địa phương, và do đóng góp của người dân. Điều nầy nói lên tính bất hữu hiệu của một chính sách y tế quốc gia. Do đó, hầu hết chi phí cho bịnh viện, thuốc men v.v…tất cả là do tiền túi của bịnh nhân và gia đình.

Từ 10 năm qua, Việt Nam cố gắng rập khuôn theo chính sách bảo hiểm y tế quốc gia theo mô hình của Thái Lan qua Văn phòng An ninh Sức khỏe Quốc gia (National Health Security Office – NHSO) của xứ nầy. Thái Lan hiện có một hệ thống bảo hiểm y tế tương đối hoàn chỉnh cho 48 triệu người dân. Chính phủ Thái thiết lập một chương trình y tế nhằm bảo vệ người dân và cố gắng “không để sót” một ai không được phục vụ.

Nhưng dù có qua kinh nghiệm Thài Lan, chính sách bảo hiểm y tế của Việt Nam vẫn là con đường mờ mịt trong tương lai. Cũng chính vì vậy, các tệ trạng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân như đã viết trong bài “Hiện trạng Y tế Việt Nam” vẫn là nỗi kinh hoàng của bịnh nhân một khi vướng bịnh.

Do đó, một chính sách y tế toàn diện là một nhu cầu cấp bách cho tương lai, trong đó, ngoài việc thiết lập trạm xá, phòng cứu cấp khắp nơi, chính sách bảo hiểm y tế cần phải tỏa rộng đến mọi người dân. Và, sự đóng góp cho việc mua bảo hiểm y tế cá nhân tùy thuộc theo lợi tức của người dân, nghĩa là người giàu đóng nhiều, nghèo đóng ít hơn, nghèo quá thì được miễn cho phí.

Có làm được như vậy, nỗi đau của người dân sẽ vơi đi phần nào và nhà cầm quyền có thể tiếp cận với người dân một cách gần gũi hơn. Và khoảng cách giữa giàu-nghèo về vật chất sẽ không là một cản ngại cho việc chăm sóc sức khỏe toàn dân.

7. Ngân sách đài thọ cho bảo hiểm y tế   

Đây là một vấn đề hóc búa cho tất cả các nhà quản lý quốc gia trên thế giới. Chính Hoa Kỳ cũng đang nhức nhối vì làm thế nào để có đủ chi phí đài thọ cho chương trình y tế toàn diện trên. Đối với các quốc gia có dân số ít, như các quốc gia Bắc Âu (Thuy Diển, Đan Mạch, Hòa Lan v.v..) với dân số trên dưới 10 triệu dân, việc bảo đảm của chính phủ tương đối dễ dàng và người dân không cần phải trả một chi phí y tế nào cả.

Riêng tại Việt Nam, dân số hiện nay đã trên 90 triệu và lợi tức đầu người còn quá thấp và được cai trị dưới một chính sách do cơ chế chuyên chính vô sản làm nền, đo đó, không thể nào vận động cũng như thực thi được chính sách trên.

Trong tương lai, ngân sách chu toàn cho chính sách y tế công cộng và bảo hiểm y tế cần được huy động theo chiều hướng thiện nguyện và đóng góp của quốc tế, nếu chính quyền tương lai thể hiện được tinh thần phục vụ quốc dân và thuyết phục được thế giới. Đó là:

–       Người dân đóng góp theo tinh thần tự nguyện, tùy theo khả năng của mình trong việc xây dựng trạm xá, phòng cấp cứu v.v…

–       Tiếp theo, nhà cầm quyền địa phương phải chịu trách nhiệm cho chi phí điều hành và quản trịc các cơ sở trên.

–       Cũng không quên kêu gọi sự giúp đở của các quốc gia phát triển trên thế giới cùng những cơ quan quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng Thế giới v.v… cùng các NGO khắp nơi.

–       Về nhân sự: Người Việt hải ngoại cần theo người người Do Thái khi trở về quê hương lập quốc năm 1948. Họ dám bỏ tất cả cơ ngơi ổn định, và sự tiện nghi nơi quê người để về xây dựng lại quê hương trên dãy sa mạc khô cằn. Và nay, Do Thái là một cường quốc nguyên tử.

Thay lời kết

Trên đây là những gợi ý sơ khởi cho một chính sách y tế công cộng cho một Việt Nam tương lai. Vì không là một chuyên viên chuyên môn trong lãnh vực y tế và quản trị y tế, người viết chỉ mong được góp vài suy nghĩ vào việc xây dựng quê hương trong tương lai.  Sự đóng góp ý kiến của những người con Việt còn tha hương hay trong nước rất cần thiết trong giai đoạn kiến quốc nầy.

Gương Do Thái còn đó!

Gương Nhật Bản sau đệ nhị thế chiến cũng còn đây!

Và gần đây nhứt, trí thức và nhân tài Miến Điện ở ngoại quốc lần lượt trở về xây dựng quê hương đáp lời mời gọi của Tổng thống Miến Điện, Thein Sein.

Tại sao không là 300.000 chuyên viên, trí thức, nhân tài Việt ở hải ngoại không thể đáp lời sông núi một khi Đất và Nước thoát khỏi ách nô lệ của cs Bắc Việt?

Mai Thanh Truyết