Tin Biển Đông – 25/09/2016
Không quân TC tập trận trên Biển Hoa Đông
Không quân TC ngày 25/09/2016 thông báo huy động hơn 40 chiếc máy bay oanh tạc và các loại phi cơ trong cuộc thao diễn quân sự tại vùng biển tây Thái Bình Dương. Bắc Kinh không nói rõ về thời điểm cuộc tập trận.
Hãng thông tấn Reuters trích lại thông cáo của bộ Quốc Phòng TC theo đó, Không quân nước này đã tiến hành một cuộc tập trận định kỳ, trong vùng nhận dạng phòng không AZID trên vùng Biển Hoa Đông. Mục đích của đợt tập trận lần này, nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, phản ứng kịp thời trước những « mối đe dọa đối với không phận và an ninh của Trung Quốc»
Reuters nhắc lại, năm 2013 Bắc Kinh đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không AZID trên vùng Biển Hoa Đông, bất chấp sự chống đối mạnh mẽ của Nhật Bản và Mỹ.
Không quân TC cho biết máy bay và oanh tạc cơ được huy động cho cuộc diễn tập lần này đã bay ngang qua vùng eo biển Miyako, nằm giữa hai đảo Miyako và Okinawa của Nhật Bản. Đối với TC, eo biển Miyako được coi là cửa ngõ chiến lược mở ra Thái Bình Dương
Cuộc tập trận của Không quân TC trong vùng Tây Thái Bình Dương lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh vẫn căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong vùng Biển Hoa Đông.
Cũng trong tháng 9/2016, Không quân TC đã tiến hành một cuộc tập trận tại eo biển Bashi nằm giữa Đài Loan và Philippines.
Theo http://vi.rfi.fr/chau-a/20160925-khong-quan-trung-quoc-tap-tran-tren-bien-hoa-dong
Ngoại trưởng Mỹ-ASEAN họp tại New York
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry chiều ngày 23/9 gặp gỡ những người đồng cấp ASEAN tại New York, trong đó có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Phạm Bình Minh.
Phát biểu khai mạc, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh ASEAN có vai trò trung tâm trong các vấn đề an ninh khu vực Đông Nam Á.
Về vấn đề Biển Đông, ông Kerry khẳng định Hoa Kỳ “tin rằng những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cần được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với các nguyên tắc và phán quyết pháp lý rõ ràng, chứ không phải bằng cách cưỡng ép”.
Ông nói thêm Mỹ và ASEAN có chung mối quan tâm về việc cần duy trì luật pháp quốc tế và thuyết phục tất cả các quốc gia có liên quan ở Biển Đông cần kiềm chế để giảm căng thẳng.
Ông cho rằng hiện nay ASEAN “có vai trò rất rõ ràng cần phải thể hiện trong việc hoàn tất cuộc đàm phán quan trọng về bộ quy tắc ứng xử có ý nghĩa”, cũng như trong việc “ngăn cản hoạt động quân sự hóa các tiền đồn, và tôn trọng cơ chế ngoại giao và pháp lý”.
Về vấn đề Bắc Triều Tiên, Ngoại trưởng Kerry phát biểu rằng Mỹ và ASEAN cũng chia sẻ các lợi ích giống nhau. Ông nêu ra việc ASEAN cũng như toàn thế giới “đã lên án một cách đúng đắn vụ thử hạt nhân mới nhất của CHDCND Triều Tiên”, gọi đó là một mối đe dọa đối với sự ổn định trong khu vực và là một sự vi phạm trắng trợn nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Ngoại trưởng Kerry khẳng định “Hoa Kỳ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ công dân của mình và bảo đảm các cam kết an ninh của chúng tôi đối với các đồng minh”. Ông chỉ ra rằng mỗi quốc gia “đều có trách nhiệm hợp tác trong việc cưỡng hành mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt”.
Ông kêu gọi các nước làm việc cùng nhau để “đảm bảo rằng CHDCND Triều Tiên phải trả giá cho hành động nguy hiểm của họ”. Ngoại trưởng Mỹ nói hành động như vậy là một phần trong nỗ lực làm cho Bắc Triều Tiên thấy “cần phải đàm phán và cư xử như mọi quốc gia khác biết tuân thủ pháp luật và làm việc để phi hạt nhân hóa bán đảo”.
Đáp lại phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman nói nước ông và mọi thành viên ASEAN đánh giá cao vai trò của Hoa Kỳ trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Ông Aman nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng đánh giá cao vai trò xây dựng của Hoa Kỳ trong việc giúp chúng tôi phát triển một cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ thông qua các cơ chế do ASEAN lãnh đạo hướng tới nhận thức rõ ràng hơn về vai trò trung tâm và sự thống nhất của ASEAN”.
Ngoại trưởng Malaysia cũng chỉ ra rằng hợp tác giữa ASEAN và Mỹ đã mở rộng và trở nên sâu sắc hơn trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, kể cả về chống khủng bố, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, di cư bất thường, và các vấn đề hàng hải.
Đại diện cho ASEAN, Ngoại trưởng Malaysia khẳng định “chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ để tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta và tất cả các lĩnh vực cùng quan tâm”.
Trong cuộc họp, các ngoại trưởng Mỹ và ASEAN đã thảo luận thêm về vấn đề Biển Đông và tình hình khu vực cũng như quốc tế, kể cả các thách thức phi truyền thống như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và biến đổi khí hậu.
Một cán bộ ngoại giao Việt Nam cho các phóng viên đi theo đoàn biết rằng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao csvn Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN và các đối tác tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Minh cũng đề nghị các nước liên quan thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chia sẻ với phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kêu gọi sớm hình thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông.
Trong những năm gần đây, cùng với chính sách xoay trục sang châu Á, Hoa Kỳ ngày càng nhìn nhận rằng ASEAN là một tổ chức quan trọng và có ảnh hưởng. Ngoại trưởng Mỹ nói tại cuộc họp hôm 23/9 rằng ASEAN “là trung tâm đối với tất cả các mục tiêu và sáng kiến của chúng tôi ở châu Á”.
Mỹ và ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong năm 2015. Năm tới, hai bên sẽ kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao.
Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á gọi tắt là ASEAN gồm có các nước Việt Nam, Brunei, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Theo http://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-my-asean-hop-tai-new-york-/3523241.html
Trung Cộng đưa máy bay không người lái tàng hình đến Biển Đông
Trung Cộng sắp điều động máy bay không người lái tàng hình đến Biển Đông để giám sát hơn 3.5 triệu km vuông vùng biển tranh chấp.
Báo mạng Sputnik của Nga cho hay, hai hệ thống máy bay không người lái ZC-5B và ZC-10 do Trung Cộng sản xuất sẽ khảo sát quần đảo Senkaku tức Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, cùng nhiều khu vực rộng lớn ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với nhiều quốc gia.
Tờ Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh dẫn lời ông Li Yingcheng, tổng giám đốc công ty TopRS, nói rằng Trung Cộng cần có thông tin chính xác về địa chất của các rạn san hô và đảo ở hai vùng biển vừa nêu, nhằm phục vụ cho việc cắm mốc phân giới lãnh hải và bảo đảm các lợi ích, an ninh hàng hải của nước này. Theo ông Li, các máy bay không người lái sẽ được trang bị hệ thống điều hướng Beidou, tương đương với Google Maps, và có thể bao quát trọn vẹn những vùng lãnh thổ lên tới 80 hải lý. Máy bay không người lái ZC-5B được thiết kế đặc biệt để vẽ bản đồ và khảo sát các rạn san hô ở ngoài khơi, có phạm vi hoạt động 1,400 km và có thể làm việc tới 30 giờ.
Hồi tháng 7, Tòa Trọng Tài Thường Trực ở The Hague, Hoà Lan, phán quyết Trung Cộng không có quyền lịch sử đối với khu vực “đường lưỡi bò” bao trùm hầu hết Biển Đông. Bắc Kinh phản đối phán quyết này.
Huy Lam / SBTN