Tin Việt Nam – 24/09/2016
Học sinh Phú Yên mỗi ngày bơi hai lượt qua sông
Một nhóm học sinh cấp 2 mỗi ngày phải bơi qua một con sông hai lần, chỉ để đến được trường trong những ngày gần đây.
Sự việc xảy ra ở trường phổ thông dân tộc bán trú Đinh Núp thuộc xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Báo Tuổi Trẻ vừa đăng tải một số hình ảnh được thầy giáo Đặng Ngọc Thành của trường Đinh Núp chụp vào chiều Thứ Ba 20 tháng 9, sau giờ tan trường. Các em học trò người dân tộc thiểu số ở thôn Phú Lợi tự bơi, hoặc bám vào “phao” là những can nhựa rỗng, hoặc được cha, anh cõng trên lưng bơi qua dòng sông rộng khoảng 15 mét.
Thầy Đặng Ngọc Thành cho biết, ông mới đến nhận việc tại trường Đinh Núp trong năm học này. Những ngày gần đây, khi Phú Yên bước vào mùa mưa, nước con sông Bà Đài dâng lên rất nhanh. Sông sâu và chảy xiết, nhưng mỗi buổi sáng, ông lại thấy có một nhóm chừng 14 học sinh ở thôn Phú Lợi bên kia sông phải bơi khoảng qua sông để đến trường thuộc thôn Phú Giang bên này.
Hiệu trưởng trường Đinh Núp là ông Bùi Văn Hương cho hay, bình thường thì sông Bà Đài cạn, học sinh ba thôn phía bắc là Phú Lợi, Phú Đồng, Phú Hải lội qua để đến trường. Nhưng đến mùa đông thì nước lớn, chính quyền địa phương có tổ chức đò để chở học sinh qua sông. Tuy nhiên, ông không biết vì sao mùa mưa lũ năm nay đã đến, mà xã Phú Mỡ chưa tổ chức đò đưa học sinh qua lại.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/hoc-sinh-phu-yen-moi-ngay-boi-hai-luot-qua-song.html
Phóng viên báo Tuổi Trẻ bị cảnh sát hình sự tấn công
Vụ phóng viên Quang Thế Hải của báo Tuổi Trẻ bị một số cảnh sát mặc thường phục tấn công như phim hành động, gây bất bình trên truyền thông chính thức cũng như mạng xã hội.
Những hình ảnh được báo chí chính thức phổ biến cho thấy công an thường phục phi thân đá và đấm vào đầu gây thương tích cho phóng viên Quang Thế Hải, cũng như giật và làm hư máy ảnh của anh.
Vụ tấn công xảy ra sáng 23/9 khi phóng viên báo Tuổi Trẻ đi tìm hiểu vụ một tài xế tử vong dưới chân cầu Nhật Tân, huyện Đông Anh Hà Nội. Những người tấn công phóng viên Quang Thế Hải đã được Thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh xác nhận là cảnh sát hình sự dưới quyền ông.
Sáng nay 24/9 Sở Công an Hà Nội đã giao văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra xác minh vụ việc. Trước đó cũng trong buổi sáng Hội Nhà báo Việt Nam đã gửi văn bản tới Công an Hà Nội đề nghị nhanh chóng làm rõ vụ việc để tránh điều gọi là tạo tiền lệ xấu. Ông Phan Hữu Minh Trưởng ban kiểm tra Hộ Nhà báo Việt Nam nói với VnExpress rằng, hành vi xâm phạm than thể nhà báo, cản trở gây khó dễ cho việc tác nghiệp là trái với Luật Báo chí cũng như quyền hành nghề của nhà báo trên lãnh thổ Việt Nam.
Quảng Nam:
không gặp nguy cơ vỡ đập liên hoàn nhờ thủy điện bậc thang
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Thủy điện bậc thang
Sau khi đường ống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 bị vỡ, chính quyền địa phương Quảng Nam lên tiếng trấn an người dân rằng sự cố này không thể gây nguy cơ vỡ đập liên hoàn nhờ có thủy điện bậc thang.
Ông Huỳnh Khánh Toàn, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam, nói rằng nhờ hệ thống bậc thang mà thủy điện trên xả nước thì thủy điện dưới sẽ chủ động tích nước, nước sẽ xả theo bậc thang trên xuống các thủy điện bậc thang dưới cùng.
Nếu làm thủy điện bậc thang mà có điều hành, tiết chế nước theo đúng luật của nó và có căn cứ khoa học sẽ không gây đến mức những sự cố mà người ta hay đổ lỗi cho nó.
– Phó Giáo sư Tiến sĩ Cao Đình Triều
Trong khi đó thì dư luận trong dân cho rằng thủy điện bậc thang trên Sông Bung 2 và Sông Bung 4 là một trong những nguyên nhân gây khô hạn, sạt lở bờ biển tại Quảng Nam.
Trong lúc hạn hán rồi sạt lở bờ biển tại Quảng Nam hơn hai năm nay chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thời tiết khô hạn khiến lịch thời vụ của nông dân bị đảo lộn, thì người dân bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng thiếu lũ, thiếu phù sa và thiếu nước tưới, những yếu tố cần thiết trong việc canh tác trồng trọt những ngày tới.
Câu hỏi đặt ra ở đây là hệ thống thủy điện bậc thang ở Quảng Nam có phải là nguyên nhân gây ra những tình trạng vừa nêu không. Chuyên gia về thủy điện bậc thang, phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều, viện trưởng Viện Địa Vật Lý Ứng Dụng thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam:
“Bậc thang Sông Bung 2 nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Nam, chuyện đổ lỗi thủy điện bậc thang liên quan đến chuyện sạt lở đất theo kiểu chụp mũ mình là không nên. Nếu làm thủy điện bậc thang mà có điều hành, tiết chế nước theo đúng luật của nó và có căn cứ khoa học sẽ không gây đến mức những sự cố mà người ta hay đổ lỗi cho nó.”
Ông nói vấn đề ở đây là khu vực miền Trung có sông ngắn mà độ dốc cao, nước lại theo mùa, mùa mưa thì có nhưng mùa khô thì không, vì thế cách đắp đập bậc thang là cách đúng về mặt khoa học, nhưng:
“Điều tiết nước như thế nào và thực hiện như thế nào mới là vấn đề phải để ý vì phải đi song song hai lợi ích. Một là lợi ích của thủy điện và hai là lợi ích của nông nghiệp tức lợi ích tưới tiêu, làm sao kết hợp cho nó chuẩn. Thứ hai là điều tiết nước cho thích hợp theo các mùa. Nếu làm được những việc ấy tốt thì thủy điện bậc thang của khu vực ấy là tốt.”
Đó là những điểm tích cực của thủy điện bậc thang ở Quảng Nam, còn mặt tiêu cực của nó, phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều phân tích tiếp:
“Thực ra nói tiêu cực về lý thuyết thì không có nhưng về thực tế thì có. Về chính sách, về cơ sở khoa học thì không sai nhưng về thực tế khi thực hiện cái nhiệm vụ đó thì bài toán là tích nước lúc nào, thoát nước làm sao. Đảm bảo được hai quyền lợi ấy nói thật là bao giờ nó cũng bị xung đột vì lợi ích của nhóm, bên nông nghiệp, bên tưới tiêu và lợi ích của thủy điện. Làm thế nào để kết hợp những cái đấy là trụ cột của rất nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là vấn đề điều hanh của chính phủ. Không bảo đảm được những lợi ích đấy là hỏng rồi.”
Tuân thủ qui trình xây dựng
Trở lại sự cố vỡ đường ống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 mà hậu quả là người dân lo lắng đến mức nêu giả thuyết có thể vỡ đập liên hoàn, phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều giải thích:
“Một đường ống vỡ mà lại liên quan đến bậc thang thì mình cho là không đúng. Vỡ đập liên hoàn và vỡ dòng dẫn khác nhau, bài toán là đập nằm ở vị trí nào, đập trên nằm ở vị trí nào. Khi xảy ra vỡ đập hoặc xảy ra vỡ đường ống mà lũ xuống bao nhiêu thì trong thiết kế người ta đã tính đến chưa? Nếu chưa tính đến mà nó tác động đến vỡ đập bên dưới thì khi ấy mình chưa có bài toàn thì làm sao lại nói thất ngôn thế được.
Khi xây đập thủy điện liên hoàn người ta phải tính hết tất cả những yếu tố về vấn đề vỡ đập, tức là phải có kịch bản vỡ đập. Nói ví dụ bậc 1 là bên dưới, bậc 2 là bên trên. Khi bậc 2 vỡ thì nước ở bậc 1 như thế nào, điều tiết như thế nào. Tất cả những cái ấy trong nghiên cứu là phải làm, nên đừng nói là vỡ trên sẽ vỡ dưới, không phải như thế.
Một đường ống bị vỡ chẳng liên quan gì đến câu chuyện bậc thang cả mà đấy là do công trình, do anh tuân thủ qui trình xây dựng, tuân thủ qui trình lúc nào thì được xả lũ.
– Phó Giáo sư Tiến sĩ Cao Đình Triều
Hậu quả thì thực ra xấu cho cả hai bên, người dân địa phương thì chịu cảnh mất mát tổn thất là do vỡ đường ống dẫn đến. Bản thân của chủ đầu tư cũng thiệt thòi. Bây giờ phải tìm kiếm nguyên nhân tại sao xảy ra vỡ đường ống.
Có nhiều cái phải để ý, đánh giá, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Một đường ống bị vỡ chẳng liên quan gì đến câu chuyện bậc thang cả mà đấy là do công trình, do anh tuân thủ qui trình xây dựng, tuân thủ qui trình lúc nào thì được xả lũ. Còn thủy điện bậc thang cái gì có lợi thì mình nói là có lợi, cái gì chưa được và chưa được chỗ nào thì phải phân tích rõ ràng. Nói nôm na Việt Nam mình mà thủy điện theo dạng bậc thang là nhiều.”
Nói về những hệ thống thủy điện bậc thang ở Việt Nam thì lớn nhất nước và có công suất cao nhất là thủy điện bậc thang Sông Đà của miền Bắc. Thủy điện bậc thang lớn thứ nhì nằm trên vùng sông Vu Gia – Thu Bồn của miền Trung, và thứ ba là hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Đồng Nai.
Đây là những nơi mà các khoa học gia, chuyên gia địa vật lý hay động đất thường cảnh báo là phải cẩn trọng, điều nghiên kỹ càng chứ không thể chặt khúc dòng sông hay phá rừng đắp đập rồi viện cớ vào tiềm năng cũng như tận thu tối đa lợi ích thủy điện mà quên đi tính bền vững, phù hợp môi trường cũng như thích ứng với sự biến đổi khí hậu.
Tổng Công Ty Đường Sắt
xin 21 triệu Mỹ kim trả nợ lương và nợ nhà thầu
Do nợ lương nhân viên, tiền vật liệu, tiền lời chồng chất từ các khoản vay, Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam (VNR) đã xin Thủ Tướng CSVN cho phép Bộ Giao Thông Vận Tải ứng trước 471 tỷ đồng (gần 21 triệu Mỹ kim) để trả nợ.
Truyền thông trong nước hôm 23/09 đồng loạt thông báo VNR vừa có công văn gửi Thủ Tướng Cộng Sản Việt Nam, báo cáo về việc thực hiện các công trình khẩn cấp và đề nghị một số giải pháp cho tổng công ty đang gặp khó khăn. VNR đang nợ các nhà thầu 471 tỷ đồng từ năm 2013. Các nhà thầu này trước đây trực thuộc tổng công ty, nhưng nay đã được cổ phần hoá. Một số công ty đã thoái hết vốn, số còn lại đang tiếp tục thoái vốn. Vì vậy, việc thanh toán nợ với VNR không thực hiện được. Các công ty này hiện đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không có kinh phí để trả nợ tổng công ty, phải nợ lương công nhân, nợ tiền vật liệu và nợ tiền lời ngân hàng. Mỗi năm các khoản nợ phát sinh số tiền lời hơn 45 tỷ đồng, tương đương 2 triệu Mỹ kim.
Riêng VNR, hồi đầu tháng 9 này cũng bị Thanh Tra Chính Phủ công bố hàng loạt sai phạm. Trong đó, có cáo buộc VNR đang nắm trong tay hệ thống hạ tầng đường sắt khổng lồ, nhưng kinh doanh trì trệ, làm thất thoát vốn. Ngoài ra, VNR còn bị phát giác đã tổ chức gần 200 đoàn quan chức đi nước ngoài với chi phí hơn 620 triệu Mỹ kim. Các đoàn quan chức này tiếng là đi nước ngoài học hỏi, nhưng thực chất là đi du lịch bằng kinh phí của tổng công ty.
Huy Lam / SBTN