Ukraine: Putin áp đặt quan điểm
Phần lớn báo Pháp hôm nay 18/04/2014 đều nêu bật trên trang nhất sự kiện kế hoạch tiết kiệm của tân Thủ tướng Pháp Manuel Valls gây bất bình không ít trong cánh tả. Bên cạnh đó, thời sự quốc tế được chú trọng nhiều nhất là thỏa thuận đạt được hôm qua trong cuộc họp 4 bên về Ukraina tại Genève, kêu gọi xuống thang. Báo Pháp nhân dịp này tập trung phân tích vị thế của nước Nga và ông Putin.
Tờ La Croix đã dành tựa mở đầu bản tin trên trang nhất, nhìn thấy một ông «Putin trong tư thế vững như bàn thạch». Tờ báo nhắc lại rằng trong lúc đàm phán diễn ra tại Genève, Tổng thống Nga đã tái khẳng định tại Matxcơva ý muốn buộc thế giới công nhận nước ông là một cường quốc bảo thủ.
Trong bài xã luận, tờ báo phân tích thế đứng của Ukraina hiện nay, được cho là rất đơn độc. Trước lời đe dọa của ông Putin sẵn sàng sử dụng vũ lực, theo tờ báo, Kiev chỉ còn cách là tuân theo ý định của điện Kremly muốn biến Ukraina thành một liên bang. Nếu không, thì sẽ phải chuẩn bị cho chiến tranh. Có điều, theo ghi nhận của La Croix, không ai ở Châu Âu muốn điều đó, và cũng không được chuẩn bị cho điều đó, ít ra là trên mặt chính thức.
Ukraina quả là đang rất cô đơn. Đất nước này cũng không có một hiệp ước phòng thủ nào với NATO. Trong nội bộ thì Ukraina lại có bản sắc đa dạng, với miền Đông, miền Tây không cùng một giấc mơ, nếu có chăng một giấc mơ chung, thì đó là hòa bình.
Sau thỏa thuận hôm qua, La Croix nhìn thấy là Ukraina có lẽ sẽ tránh khuấy động thêm trên mặt ngoại giao, mà tập trung vào công việc phát triển, để dần dần nắm lại vận mệnh của mình.
Đối với Nga, La Croix cho là ông Putin có vẻ đang trong thế mạnh, biết khéo léo sử dụng luật pháp quốc tế. Một mặt luật quốc tế khẳng định tính bất khả xâm phạm của đường biên giới, nhưng một mặt khác lại khẳng định quyền dân tộc tự quyết.
Tổng thống Nga theo tờ báo, đang đưa ra hình ảnh một nước Nga lớn mạnh, trong lúc mà dân số nước này giảm dần và kinh tế bị lệ thuộc vào giá dầu khí. Tờ báo kết luận : Putin có lẽ nên tập trung nhiều hơn vào tình hình nước Nga.
Tại các vùng phía đông Ukraina, như ở thành phố Donbass, nơi có đông đảo quần chúng thân Nga, không phải ai cũng thích ông Putin. Nếu có người xem ông là một cứu tinh, thì đối với người khác, ông chi là một kẻ độc tài. Cũng có người oán trách : Tình hình đối đầu ở đây là do Nga thúc đẩy, nếu không có Putin thì những chuyện này không xẩy ra.
Genève: Cơ may cuối cùng cho Ukraina?
Báo Le Figaro trong bài xã luận trang nhất tựa đề «cơ may cuối cùng», cũng đánh giá, thỏa thuận hôm qua, là cử chỉ đầu tiên để tháo ngòi quả bom nổ chậm Ukraina. Nó hàm ý là Kiev, đang bị suy yếu, sẽ phải tranh thủ thời cơ, hầu nắm bắt cơ may cuối cùng nhằm tránh được họa chiến tranh. Và Nga như thế sẽ phải từ bỏ các chiến dịch gây bất ổn, những lời hù dọa can thiệp vũ trang.
Dĩ nhiên theo Le Figaro, bấy nhiêu đấy chưa đủ. Một giải pháp chính trị bền vững phải tôn trọng ít ra 3 điểm : Sự toàn vẹn lãnh thổ của phần còn lại của Ukraina; tổ chức bầu cử tự do, và mở ra thượng lượng giữa những người Ukraina với nhau về một quyền tự trị rộng lớn hơn cho các vùng phía đông.
Liên quan đến Nga, sau khi liên tục sử dụng lá bài đọ sức cho đến nay, ông Putin, để tỏ thiện chí, ông phải đứng bên ngoài cuộc đối thoại quốc gia ở Ukraina.
Ở trang trong Le Figaro trở lại cuộc ‘đối thoại’ trực tiếp của Tổng thống với người dân Nga hôm qua trên đài truyền hình. Tờ báo khen tài khéo «diễn tuồng» của ông Putin, rất biết cách dàn dựng: Đối với Washington và Bruxelles, ông tỏ ra rất mềm mỏng, để cho thấy ông là người chừng mực, biết xử sự…
Báo Les Echos cũng ở trang trong, có cùng nhận xét, cho là ông Putin đã đóng vai trò «người cha đất nước» để trấn an người dân Nga.
Riêng về tình hình nước Pháp, Le Monde nhìn thấy là tân Thủ tướng Valls đang gây rạn nứt trong cánh đa số ở quốc hội. Tờ báo giải thích: Dân biểu đảng Xã hội đã phẫn nộ trước các biện pháp tiết kiệm mà Thủ tướng phác họa.
Đồng nghiệp Le Figaro nói đến «những người nổi dậy trong đảng Xã hội thách thức Manuel Valls». Les Echos chạy tựa na ná: «Kế hoạch Valls: Phong trào nổi dậy lan tỏa trong cánh đa số».