Tin Việt Nam – 23/09/2016
Nhiều trẻ VN ‘bị đưa vào Scotland’
Hơn 100 trẻ em đã bị đưa lậu vào Scotland từ 2011 – hơn một nửa là từ Việt Nam, theo số liệu BBC có được.
Khoảng một phần tư bị bắt làm trong các xưởng cần sa, một phần tư khác phục vụ tình dục.
Có những em phải làm lao động nô lệ, và những em khác bị ép làm trong các tiệm làm móng.
Trường hợp từ Việt Nam
Sang bị một băng đảng người Việt bắt khi em mới 10 tuổi.
Bố mẹ em qua đời, và em không có cách nào tự vệ.
Bị bắt ăn xin, đánh giày trên phố, em cũng bị băng nhóm thường đánh đập.
Vài năm sau, Sang được lệnh ngồi trong phía sau xe tải.
“Em bị bảo phải vào, nếu không bị đánh chết,” Sang kể.
Những tháng sau đó, Sang bị đưa đi như động vật trên các chuyến xe – thường không có thức ăn và nước – đi qua những nước như Nga, Pháp.
Em nhớ đi theo mình còn có nhiều trẻ em Việt Nam và châu Phi.
Khi hành trình dừng lại ở Glasgow, em bị nhốt trong một ngôi nhà.
“Một người giơ súng ra dọa, nói nếu em trốn, sẽ bị giết.”
Khi cảnh sát lục soát căn nhà vài tháng sau, em mới biết đã ở Scotland.
Nay Sang đang nhận giúp đỡ của tổ chức Migrant Help.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160923_viet_trafficked_children_scotland
Cựu Thủ tướng VN ‘chỉ chia sẻ kinh nghiệm’
Truyền thông nhà nước ở Việt Nam hoặc cải chính hoặc rút bài trước đó đưa tin cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng làm ‘giảng viên’ cho lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuối ngày 23/9/2016, báo Đất Việt, Diễn đàn của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đăng tin cho hay ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Thủ tướng Chính phủ không giảng dạy ở lớp cán bộ này của Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh.
Trong bài báo có tựa đề “Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không dạy lớp cán bộ TP.HCM”, tờ báo điện tử này dẫn lời một quan chức Việt Nam, ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện trên, cho biết:
“Dù rất muốn mời nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng tham gia giảng dạy tại trường tuy nhiên, do ông quá bận nên không thu xếp được lịch.
Dù rất muốn mời nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng tham gia giảng dạy tại trường tuy nhiên, do ông quá bận nên không thu xếp được lịch. Ông chỉ tham gia nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm trong các báo cáo chuyên đề của trườngPGS. TS. Trần Hoàng Ngân
“Ông chỉ tham gia nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm trong các báo cáo chuyên đề của trường”, ông Ngân được dẫn lời nói.
Trước đó, Sài Gòn Giải Phóng online, có bài “Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm giảng viên Học viện cán bộ TPHCM“, trong đó nói:
“Sáng 19-9, Học viện Cán bộ TPHCM đã khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 400 cán bộ lãnh đạo, quản lý của TPHCM (đối tượng 3) năm 2016.”
“Các học viên tham dự khóa học là lãnh đạo các sở ngành, quận huyện, một số cơ quan báo chí… được chia thành 4 lớp.”
‘Kinh nghiệm quản lý’
“Giảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp, là các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy có nhiều kinh nghiệm như: nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, GS.TS Hoàng Chí Bảo, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua…,” vẫn theo tờ báo là cơ quan truyền thông của Đảng bộ và chính quyền TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, bài báo với thông tin này hiện đã không còn tồn tại trên Sài Gòn Giải Phóng.
Bài báo trên Vietnamnet đưa thông tin tương tự cũng đã bị rút và hàng loạt các báo điện tử hoặc phiên bản báo điện tử khác có đưa tin trên cũng đã báo lỗi không thể truy cập được bài hoặc đường link bài vị thay thế, trong đó có báo Giao Thông.
Hiện chưa rõ nguyên nhân của việc vì sao các báo trên rút bài mà không có thông báo lý do tới bạn đọc.
Tuy nhiên, trên trang mạng của Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh vẫn lưu thông tin theo đó, trong mục ‘Báo cáo viên’ cho thấy nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có tên trong danh sách tham gia.
Theo chương trình của trường, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bốn buổi “báo cáo” từ 11 đến 14/10 về “Kinh nghiệm trong quản lý nhà nước”.
Còn theo cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam, ông Dũng có trình độ học vấn “cử nhân Luật” và “lý luận chính trị cao cấp”; cựu Thủ tướng Việt Nam cũng được nhận bằng Tiến sỹ danh dự của một số đại học nước ngoài, trong đó có Thái Lan, theo truyền thông Việt Nam.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160923_ex_pm_tandung_as_lecturer
VN giải thích việc dạy tiếng Nga, Trung
Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam lên tiếng giải thích về kế hoạch thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc.
Ngoại ngữ thứ nhất mang tính bắt buộc, nhưng cho phép học sinh lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc.
Ngoài ra tiếng Nhật, từ 2011, đã được đưa vào trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai tùy theo “nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học”.
Bộ Giáo dục Việt Nam cho biết với ngoại ngữ thứ hai, không bắt buộc, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh.
Từ ngoại ngữ thứ nhất, học sinh có thể chọn thêm một trong năm tiếng trên làm ngoại ngữ thứ hai.
Tiếng Đức và tiếng Hàn mới đây cũng được thí điểm như ngoại ngữ thứ hai ở một số nơi.
Ngoại ngữ bắt buộc được dạy trong 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12.
Ngoại ngữ thứ hai thực hiện từ lớp 6 đến lớp 12.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160923_day_ngoai_ngu_vn
Phúc thẩm Ba Sàm và điều 258
Việc làm của ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh ‘có sức ảnh hưởng lớn’ tới suy nghĩ của nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội, trong khi điều 258 được đem ra xét xử và khép tội blogger nổi tiếng này cùng cộng sự là tội danh thuộc lĩnh vực ‘trật tự, hành chính’ chứ không phải là ‘xâm phạm an ninh quốc gia’, theo quan điểm của một luật sư từ Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của BBC Việt ngữ hôm 23/9/2016, Luật sư Nguyễn Hà Luân, một trong sáu luật sư tham gia tranh tụng tại phiên phúc thẩm xét xử cựu Trung tá an ninh Việt Nam và đồng sự Nguyễn Thị Minh Thúy, nêu quan điểm:
Theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam 1999, thì điều 258 là một tội danh thuộc loại ‘Tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính’ chứ không phải loại tội ‘Xâm phạm an ninh quốc gia’ như một số người vẫn quan niệm
“Trước hết, tôi thấy cần giải thích rằng, theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam 1999, thì điều 258 là một tội danh thuộc loại ‘Tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính’ chứ không phải loại tội ‘Xâm phạm an ninh quốc gia’ như một số người vẫn quan niệm,” luật sư nói.
Sau đây là cuộc trao đổi giữa BBC với Luật sư Nguyễn Hà Luân:
BBC: Có tin nói tại phiên phúc thẩm, Viện kiểm sát khước từ tranh biện với luật sư?
Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) không khước từ tranh biện, mà là tranh biện không đến cùng của từng vấn đề để làm sáng tỏ sự thật. Có thể nhận xét rằng, tại phiên xử này, đại diện VKS đã có sự tranh biện tốt hơn so với phiên toà sơ thẩm. Tuy nhiên, vai trò của VKS khi buộc tội là ” phải có nghĩa vụ chứng minh” cho lập luận buộc tội của mình vẫn không được thực hiện đúng quy định.
Các Luật sư chỉ yêu cầu họ phải thực hiện cụ thể, có căn cứ pháp luật và không được nói chung chung để rồi suy đoán chủ quan và không phù hợp với quy định của pháp luật về tố tụng, nhưng họ không đáp ứng được yêu cầu đó.
Chứng cứ là hợp pháp?
Quan điểm của VKS là chứng cứ thu thập được là hợp pháp và đã tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Lập luận của VKS là: Các chứng cứ được in trực tiếp từ máy tính thuộc sở hữu của 2 bị cáo, các máy tính này chỉ có các bị cáo dùng và bảo mật… như vậy, việc thu thập và chuyển hoá dữ liệu điện tử thành bản in giấy đó là hợp pháp.
Từ lập luận khẳng định các tài liệu giấy in đó là của ông Vinh, bà Thuý. VKS suy đoán theo hướng buộc họ phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung của các bài viết đã được in ra giấy.
BBC: Vậy các luật sư đã trả lời thế nào, thưa ông?
Điều 258. Bộ Luật hình sự nước CHXHCNVN
Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân:
Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Chúng tôi cho rằng chứng cứ dùng để kết tội ông Nguyễn Hữu Vinh và cô Minh Thuý là không hợp pháp.
Do các chứng cứ đó được thu thập không đúng quy định. Lập luận này dựa trên căn cứ: Việc thu thập và chuyển hoá dữ liệu điện tử sang các tài liệu ( giấy in ..) đã không được thực hiện đúng quy định (Điều 5 Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT – Bộ Công an – Bộ quốc phòng – Bộ Tư pháp – Bộ Thông tin truyền thông – Viện KSND tối cao – TAND tối cao ngày 10/9/2012).
Do thu thập và chuyển hoá không đúng quy định, các tài liệu đó không thể được coi là chứng cứ hợp pháp để cáo buộc tội trạng cho ông Vinh và cô Thuý.
BBC: Theo ông, việc y án cho ông Vinh và bà Thúy có là chỉ dấu của những án liên quan đến Điều 258 sẽ luôn bị xử nặng?
Tôi không nghĩ như vậy. Toà án vẫn luôn cân nhắc từng trường hợp, kể cả sự cân nhắc đó khiến người bị cáo buộc vi phạm điều 258 phải chịu mức án nặng hoặc nhẹ hơn so với mức độ “gây hại” đã bị cáo buộc.
Việc ông Vinh đã làm có sức ảnh hưởng lớn tới suy nghĩ của nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội.
Đối với điều 258 và nội dung của nó, chắc chắn trong một thời gian dài nữa sẽ tiếp tục có tác động đến xã hội Việt Nam với tư cách là một điều luật hình sự . Đây là một điều luật đã, đang và sẽ không được cụ thể hoá, nên việc áp dụng điều luật này sẽ không có sự thống nhất.
Trên đây là ý kiến và quan điểm riêng của Luật sư Nguyễn Hà Luân, mời quý vị theo dõi thêm tin bài của BBC Việt ngữ liên quan phiên xử phúc thẩm tại đây và tại đây.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160923_basam_and_article_258
Việt-Mỹ thảo luận giảm thiểu khác biệt
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phạm Bình Minh, ngày 22/9, gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Tony Blinken, tại New York. Phái đoàn do hai ông dẫn đầu đã bàn thảo về giảm thiểu khác biệt giữa hai nước cũng như nhiều vấn đề song phương và quốc tế khác.
Cùng tham gia cuộc gặp về phía Mỹ là Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russell và Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Tom Malinowski. Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh và Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Nguyễn Phương Nga.
Thông tin của đoàn Việt Nam cung cấp với báo chí cho hay ông Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh tại cuộc gặp rằng Việt Nam và Mỹ cần tiếp tục đối thoại ở các cấp, nhất là cấp cao, để thúc đẩy hợp tác, đồng thời giảm thiểu các khác biệt giữa hai nước “vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.
Vẫn theo thông tin từ đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Blinken nhắc đến việc hai bên cần tiếp tục đối thoại và trao đổi các đoàn ở các cấp để xử lý các vấn đề khác biệt còn tồn tại. Ông cho rằng các hoạt động đó giúp thúc đẩy hợp tác thực chất và mối quan hệ trong nhiều lĩnh vực.
VOA đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Mỹ để có thông tin cân bằng và sẽ cập nhật khi có trả lời của Bộ.
Việt-Mỹ lâu nay vẫn còn nhiều khác biệt quan điểm về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam và hai vấn đề này vài tháng gần đây lại nổi lên, dường như đưa quan hệ Mỹ-Việt vào một giai đoạn khó khăn.
Vài giờ trước khi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, một tòa án ở Hà Nội đã xử phúc thẩm và tuyên y án tù 5 năm và 3 năm lần lượt đối với hai blogger viết về chính trị là ông Nguyễn Hữu Vinh, còn được biết đến với biệt danh trên mạng là Anh Ba Sàm, và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy.
Trước đó ít ngày, một tòa án khác ở Hà Nội đã kết án 20 tháng tù đối với nhà đấu tranh vì đất đai Cấn Thị Thêu.
Hai nhà hoạt động khác là Nguyễn Hữu Thiên An và Nguyễn Hữu Quốc Duy bị Việt Nam tuyên án tù hồi cuối tháng 8.
Đầu tháng 9, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã giải tỏa chùa Liên Trì trong khuôn khổ một dự án phát triển đô thị dẫn đến việc hai dân biểu Mỹ kêu gọi đưa Việt Nam trở lại danh sách Các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC).
Hồi tháng 5, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Obama thăm Hà Nội và dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, nhà chức trách Việt Nam đã tạm giữ một số nhà hoạt động mà ông Obama dự kiến sẽ gặp.
Các vụ việc này làm nhiều nước và các tổ chức nhân quyền hết sức chú ý và quan ngại, cho dù cùng lúc Việt Nam vẫn tỏ ra đẩy mạnh quan kinh tế và ngoại giao với phương Tây, đặc biệt là Mỹ và EU.
VOA được biết ngoài việc bàn thảo các biện pháp giảm thiểu khác biệt, tại cuộc họp hôm 22/9, hai đoàn Việt-Mỹ cũng đã chia sẻ các đánh giá về tình hình chính trị, an ninh trong khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Hai bên đã thảo luận về việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý. Tuy nhiên, các quan chức trong đoàn không cho báo chí biết thêm thông tin cụ thể.
Trước cuộc gặp song phương, cũng ở New York, ông Phạm Bình Minh đã gặp gỡ với các đại diện của hơn 20 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ ở các ngành nghề, trong đó có Intel, UBS, MasterCard, Medlife, Walmart và Cocacola.
Một cán bộ ngoại giao Việt Nam và đại diện của một doanh nghiệp lớn của Mỹ cho VOA biết thông điệp chính của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Phạm Bình Minh, là kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục làm ăn lâu dài, đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, và tận dụng các cơ hội do Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mở ra.
Vị đại diện doanh nghiệp đề nghị không nêu tên nói với VOA rằng tuy đầu tư của Mỹ vào Việt Nam chưa thuộc nhóm 5 nước đầu tư nhiều nhất, nhưng chính phủ Việt Nam vẫn coi trọng thu hút đầu tư Mỹ vì các thế mạnh của Mỹ đặc biệt về công nghệ, về sự nghiêm túc trong quan hệ đối tác và tuân thủ luật lệ.
Nguồn tin này cho biết thêm chính phủ Việt Nam cũng đánh giá cao các doanh nghiệp Mỹ vì họ nằm trong số các doanh nghiệp nước ngoài đi đầu về hoạt động cộng đồng.
Vì các phẩm chất này, vẫn theo nguồn tin vừa kể, nhiều đoàn cấp cao của Việt Nam sang Mỹ để thúc đẩy đầu tư cho Việt Nam và cuộc gặp hôm 22/9 cũng là diễn đàn để các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục cam kết với Hà Nội về làm ăn và đầu tư ở Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam, đến hết năm 2015, tổng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam là hơn 11,3 tỷ đôla, đứng thứ 8 trong số các nước đầu tư trực tiếp nhiều nhất vào Việt Nam.
Kim ngạch thương mại hai nước đạt 41,3 tỷ đôla trong năm 2015.
http://www.voatiengviet.com/a/viet-my-thao-luan-giam-thieu-khac-biet/3521400.html
Sửa chữa sai lầm 20 năm ở ĐBSCL
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Biến đổi khí hậu, thủy điện các nuớc thượng nguồn làm giảm lưu lượng nước sông Mekong về Việt Nam. Nhưng việc phát triển đê bao ồ ạt ở đồng bằng sông Cửu Long để tăng diện tích sản xuất lúa, đặc biệt làm lúa vụ ba trong mùa lũ, đã làm cho khả năng chống hạn mặn ở khu vực này bị hạn chế, nếu chưa phải là vô hiệu hóa.
Các nhà khoa học đã nhiều năm liên tục báo động về việc hệ thống đê bao, bờ bao dài 13.000 km đã phá vỡ thiên nhiên, làm mất vùng trữ lũ khổng lồ ở khu vực tứ giác Long Xuyên. Ngày 20/9/2016 tại Đồng Tháp, trong cuộc tọa đàm với chủ đề ‘Tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện thích nghi với biến đổi khí hậu”, Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ đã hé lộ một chút hy vọng, khi ông đề cập tới việc phải nhất quyết giữ lại Đồng Tháp Mười.
SaigonTimes Online trích lời Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn khẳng định, Đồng Tháp Mười tuy có những công trình can thiệp về thiên nhiên, nhưng vẫn còn cơ may cuối cùng cho việc trữ nước, để rửa mặn cho cả Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa khô. Nhà khoa học về biến đổi khí hậu nói rằng, cần phải thay đổi tư duy, phải ngưng ngay việc mở đê bao sản xuất lúa vụ ba, chuyển những dự án thoát lũ ra biển Tây thành dự án gọi là “giữ lũ”. Vẫn theo lời Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, chỉ còn Đồng Tháp Mười mới cứu được Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng cần chấp nhận sản lượng lúa sụt giảm và có một số nông dân bị ảnh hưởng.
Cơ hội cuối cùng
Trả lời Nam Nguyên vào tối 22/9/2016, Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn giải thích rõ hơn về đề xuất của ông:
“Để chống lại hạn mặn hiện nay thì phải tìm cách giữ nước cho Đồng bằng sông Cửu Long. Coi lại vùng trũng nào có thể giữ nước được thì hiện nay chỉ có Đồng Tháp Mười là còn có cơ may trữ nước được. Tại vì vùng đó là vùng ngập sâu, các đê bao không có nhiều, chỉ có vùng phía Tây Đông Tháp Mười là có đê bao, còn vùng phía Đông giáp Long An thì chưa có đê bao nhiều. Tôi có đề nghị giữ lại vùng đó đừng có phát triển đê bao nữa và thiết lập một số công trình để giữ nước lũ lại, để dành cho mùa khô sắp tới. Sẽ dùng lượng nước đó để bổ sung cho những vùng bị thiếu nước và cũng không cần mở rộng diện tích canh tác lúa như hiện nay và nếu cần thì chỗ nào không đủ nước thì sẵn sàng bỏ lúa để trồng loại hoa màu khác tiết kiệm nước hơn. Đó là cơ may để có thể giảm bớt thiệt hại do khô hạn.”
Để chống lại hạn mặn hiện nay thì phải tìm cách giữ nước cho Đồng bằng sông Cửu Long. Coi lại vùng trũng nào có thể giữ nước được thì hiện nay chỉ có Đồng Tháp Mười là còn có cơ may trữ nước được.
– Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn
Hệ thống đê bao khép kín để chống lũ, bảo vệ nhà cửa và sinh mạng người dân cùng với dự án thoát lũ ra biển Tây, được khởi động trong thập niên 1990 dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sau đó tất cả các địa phương nằm trong vùng ngập lũ đều cố gắng thực hiện càng nhiều đê bao càng tốt, để tăng diện tích trồng lúa.
Lúc đầu nông dân rất phấn khởi vì có thể làm thêm vụ lúa thứ ba, thậm chí 7 vụ hai năm bên trong hệ thống đê bao khép kín. Sản lượng lúa gia tăng thấy rõ, đưa Việt Nam vào tốp 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Tuy vậy các chuyên gia cũng đã cảnh báo trong vô vọng là làm lúa vụ ba về lâu dài không có lợi, đồng ruộng không được nước lũ làm vệ sinh, dịch bệnh sẽ phát triển, đất không được bồi dưỡng phù sa sớm bạc màu, nông dân sẽ tốn nhiều chi phí vì phải sử dụng nhiều phân bón. Sử dụng nhiều phân bón cũng là nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Một con kênh khô cạn ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hôm 8/3/2016. AFP photo.
Trên quan điểm khoa học, Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Chiếm giảng dạy ở Khoa Tài nguyên Môi trường Đại học Cần Thơ từng giải thích với chúng tôi:
“Chẳng qua là người dân thấy cái lợi ích trước mắt, khi mà phát triển được ba vụ thì năng suất lúa sẽ thêm và hy vọng thêm thu nhập. Nhưng mà xét cho kỹ về mặt môi trường và phát triển bền vững thì cơ cấu đê bao khép kín như vậy thì không đạt hiệu quả, phải nói thẳng như thế. Khi khép kín như vậy thì trong những năm đầu tiên vì đất còn màu mỡ cho nên có khả năng cho năng suất, nhưng về lâu dài 5-7-10 năm thì một số nông dân đã thấy được cái đê bao khép kín không mang lại hiệu quả tốt hơn và cá không còn, mùa lũ cá không vào được. Thứ hai nữa các thứ phân bón, thuốc trừ sâu không được thoát đi mà tồn đọng trong đất ở vùng lúa ba vụ nằm trong đê bao.”
Được biết, hệ thống đê bao và bờ bao vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long có tổng chiều dài 13.000 km, trong đó riêng bờ bao chống lũ tháng 8 để bảo vệ lúa hè thu dài 7.000 km. Nông dân đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua 20 năm sống và canh tác trong các đê bao, ba vụ lúa quanh năm bao gồm đông xuân, hè thu và thu đông. Cho đến cuối tháng 6/2016 Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn vẫn kêu gọi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tối đa lúa vụ ba, để bù sản lượng sụt giảm hồi đầu năm. Sự kiện này cho thấy, cả Chính phủ lẫn người dân đều chưa sẵn sàng cho bất cứ kế hoạch nào, tiến tới phá bỏ đê bao từng phần hoặc toàn phần.
Bỏ đê bao dân đi đâu
Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Phó Viện Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ nhận định:
“Theo tôi bây giờ chuyện phá đê bao là rất khó, bởi vì người dân sống ở trong đê bao, nhà cửa làng xã, đường xá, mùa màng cây trái, mồ mả ở vị trí thấp, bây giờ phá đê bao thì ảnh hưởng người dân rất nhiều. Bây giờ chỗ nào lỡ làm rồi thì tạm thời để như vậy, khi nào người dân thấy cần thiết phải trữ nước lại thì họ di dời nhà cửa ở đâu được, thì từng bước mình sẽ khôi phục dần dần. Nhưng điều quan trọng bây giờ là đừng có mở rộng thêm nữa và giữ lại những chỗ nào chưa có đê bao bằng cách làm ra những hệ thống giữ lũ lại, thì lúc đó cơ may còn có nước để sử dụng cho mùa khô.”
Bên lề cuộc tọa đàm mang tên ‘Tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện thích nghi với biến đổi khí hậu’ Thời báo Kinh tế Saigon Online trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về thủy điện và môi trường. Theo vị chuyên gia, vùng Tứ giác Long Xuyên hiện có 1.100 km2 diện tích nằm bên trong đê bao để sản xuất lúa vụ ba và điều này khiến không gian trữ lũ nhanh chóng giảm xuống, từ mức 9,2 tỉ m3 nước vào năm 2.000 xuống chỉ còn 4,5 tỉ m3 vào năm 2011, tức không gian chứa nước lũ đã giảm hơn một nửa.
Nhưng điều quan trọng bây giờ là đừng có mở rộng thêm nữa và giữ lại những chỗ nào chưa có đê bao bằng cách làm ra những hệ thống giữ lũ lại, thì lúc đó cơ may còn có nước để sử dụng cho mùa khô.
– Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn
Tính đến 2016, Đồng bằng sông Cửu Long trải qua ba năm không có lũ lớn, tuy rằng từ bao đời nay mùa nước nổi là một hình ảnh quen thuộc của khu vực này. Nếu không có lũ đủ lớn thì đâu còn câu chuyện thiết lập vùng trữ lũ hay trả lại những vùng ngập lũ cho thiên nhiên. Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn giải đáp câu hỏi này:
“… Không phải năm nào cũng bị khô hạn có thể là vài ba năm khô hạn kéo dài, đến một năm nào đó mưa bão nhiều lên, biến đổi khí hậu làm cho thời tiết thất thường hơn nhưng vẫn có năm có lũ lớn. Người ta nói thủy điện giữ hết nước, điều đó cũng không đúng lắm. Thủy điện đúng là trong mùa khô thì nó giữ nước, nó giữ một phần chứ không cách nào giữ được hết nước lũ sông Mekong được. Nhưng giữ nước cũng phải xả nước để phát điện thì cũng có một phần nước xả về đồng bằng nhưng nó làm cho những qui luật từ trước nay bị thay đổi, lúc nước nhiều nước ít, sự thay đổi một phần là do sự kiểm soát của con người.
Nói lũ không về là không đúng, lũ về ít chứ không phải là không có lũ. Qui luật của sông Mekong tới mùa mưa là phải có lũ, bởi cuối cùng mưa ở thượng nguồn nó phải chảy xuống đồng bằng sông Cửu Long, nhưng mà nó ít hơn những năm trung bình. Nước trên sông vẫn tràn đầy nhưng nó không ngập nhiều như những năm trước, nhưng những năm trước mình đã không có biện pháp giữ lũ lại mà còn tìm cách đẩy lũ ra biển. Bây giờ phải tìm cách giữ lũ lại.”
Theo đề xuất của nhóm chuyên gia khoa học, chấm dứt việc đẩy lũ ra biển Tây, giảm lúa vụ ba nếu chưa dứt hẳn thì cũng đã giải quyết một phần nhu cầu thiếu nước ngọt. Đồng thời thiết lập những khu trữ lũ qua bảo tồn khu vực chưa có đê bao ở Đồng Tháp Mười, khi có nước về có nơi sẵn sàng để trữ nước thì khả năng đẩy mặn, giữ ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long là hiện thực.
Thế lực nào đang muốn “thanh toán”
Vạn Thịnh Phát và cựu bí thư Lê Thanh Hải?
Việt Nam thời “tư bản dã man”.
Sau khi chiến dịch “chống tham nhũng” được Tổng bí thư Trọng tung ra, đã xuất hiện hàng loạt biểu hiện cho thấy nhiều nhóm quyền lực và lợi ích mới tìm cách “vận dụng” chiến dịch này để thanh toán các nhóm quyền lực và lợi ích cũ. Núi Pháo, MobiFone là những minh họa rất điển hình.
Vào đầu tháng 8/2016 đã bắt đầu tăng cường những dấu hiệu tấn công vào Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương.
Vạn Thịnh Phát được xếp vào hàng những công ty gia đình lớn và bí ẩn nhất Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị là bà Trương Mỹ Lan. Tập đoàn này hiện có vốn điều lệ tới 12,800 tỷ đồng, cao hơn cả Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (9,300 tỷ đồng) và Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức với mức lần lượt là 7,200 tỷ đồng.
Chỉ riêng tại 2 công ty Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã sở hữu lượng cổ phần trị giá tới hơn 6,700 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bà Lan có thể coi là một trong những người giàu nhất Việt Nam, tương đương với ông Dương Công Minh – chủ tịch tập đoàn Him Lam hay bà Lê Thị Thúy Ngà – chủ tịch tập đoàn Nam Cường.
Nhưng cái tên Vạn Thịnh Phát và bà chủ Trương Mỹ Lan lại khá bí ẩn khi thông tin cá nhân rất hiếm hoi được tiết lộ với giới truyền thông.
Cái tên Vạn Thịnh Phát thực sự được chú ý khi tại phiên xét xử bị cáo Dương Tự Trọng ngày 7/1/2014, ông Dương Chí Dũng (anh trai Dương Tự Trọng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam – Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, Bộ Giao thông vận tải) khai nhận 20 tỷ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (TP.HCM) do bà Trương Mỹ Lan làm chủ tịch.
Sau đó, bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội một số bài viết mang tính móc xích về mối quan hệ “đặc biệt” giữa bà Trương Mỹ Lan với ông Lê Thanh Hải – Bí thư thành ủy TP.HCM từ năm 2015 trở về trước. Nhiều dư luận cho rằng nhờ có sự “bảo kê” của Bí thư Hải mà Vạn Thịnh Phát đã giành được nhiều khu đất vàng để kinh doanh bất động sản, mang lại một khoản lợi nhuận khổng lồ cho tập đoàn này.
Sau đại hội 12, ông Lê Thanh Hải bị loại khỏi Bộ chính trị, đương nhiên không còn giữ chức bí thư thành ủy TP.HCM và hiện thời coi như “hạ cánh”. Ông Hải cũng được một số dư luận đồn đoán là “một trong những người giàu nhất Việt Nam”.
Không loại trừ khả năng trong thời gian tới, một thế lực chính trị và tài phiệt nào đó muốn hất cẳng Vạn Thịnh Phát, và do đó cả ông Lê Thanh Hải theo cách ‘của thiên trả địa”.
Lê Dung / SBTN