Chuyện đổi đời của người Việt từ Thái Lan đến Canada gần 2 năm sau
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016-09-22
2016-09-22
Ngày 13 tháng Mười Một năm 2014, 28 trong số 105 người từ Việt Nam chạy qua Thái Lan để tránh bị bắt hay bị sách nhiễu và sống bất hợp pháp hơn hai mươi năm tại Thái Lan, chính thức đặt chân tới Canada. Đến ngày 25 tháng Mười Một 2014, thêm 39 người Việt trong hoàn cảnh tương tự cũng đến Canada rồi tỏa đi những nơi gần xa như Toronto, Missisauga, Vancouver, Edmonton, Calgary vân vân…
Từ năm 2014 đến năm 2015 tổng cộng có 85 người chia làm 5 nhóm, nhờ kết quả vận động của luật sư Trịnh Hội cùng tổ chức VOICE ở Philippines, lần lượt đến Canada theo chương trình Private Sponsorship được cộng đồng người Canada gốc Việt đứng ra gánh vác. Giúp người lưu lạc từ Thái Lan qua một cuộc sống mới với hồ sơ di trú hợp lệ, điều mà họ từng khao khát và không bao giờ gặp trong hơn hai thập niên sống lây lất tại một nước không xa Việt Nam là mấy, luật sư Trịnh Hội:
“Từ năm 2006, Trịnh Hội cùng các anh chị thiện nguyện viên trong VOICE sang Thái Lan để bắt đầu thành lập danh sách và sau đó tranh đấu bằng cách gặp những dân biểu những thượng nghị sĩ và cuối cùng là gặp được ông tổng trưởng Bộ Di Trú Canada lúc đó là ông Jason Kenney.
Lúc đó em 15 hay 16 tuổi gì đó, trốn ra ngoài thì được Cha Peter Namwong đưa vô trong rẫy, nhờ những người làm rẫy dạy tiếng Thái. Khi tiếng đỡ đỡ tôi mới lên Bangkok, xin vô một tiệm may vừa may vừa phụ việc. -Anh Lâm Phước Xe
Cũng may mắn là sau 6 năm tranh đấu thì cuối năm 2012 ông Jason Kenney quyết định cho đồng bào sang Canada qua diện nhân đạo với hai điều kiện. Thứ nhất là phải tìm được những người bảo trợ lo cho họ trong một năm đầu tiên. Điều kiện thứ hai là chúng ta phải trang trải mọi chi phí.
Từ cuối năm 2012 cho đến bây giờ VOICE đã hợp tác với nhiều tổ chức như Liên Hội Người Việt Canada, sau đó là những hội đoàn khác kể cả chùa Hoa Nghiêm ở Vancouver hoặc nhóm VOICE Canada, cùng đứng ra gây quĩ cho đủ số tiền mà chúng ta phải trả cho chính phủ Canada cũng như trang trải mọi chi phí ở Thái Lan. Trong hai năm rất nhiều cá nhân rất nhiều tổ chức giúp đỡ thì mới có ngày hôm nay.
Từ Toronto, chủ tịch VOICE Canada Đỗ Kỳ Anh bổ túc:
Với chương trình Private Sponsorship thì một gia đình qua mình phải có năm người bảo lãnh. Năm người bảo lãnh đó phải bảo đảm những người mới qua không phải là gánh nặng của chính phủ, phải bảo đảm cuộc sống cho những người mới sang tối thiểu là một năm.
Và theo tin mới nhất từ VOICE Canada, ngày mai tức ngày 23 tháng Chín này, 19 người Việt cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan hai ba chục năm qua sẽ đến Canada cũng trong danh sách vận động giúp đỡ của VOICE.
Ông Nam Lộc, cựu giám đốc Chương Trình Di Trú Tị Nạn thuộc Tổng Giáo Phận Los Ageles, California, sát cánh với VOICE trong vai trò cố vấn bao năm qua, cho biết:
Lần này thì tổng cộng có 28 người đạ được phỏng vấn mà hoàn tất thủ tục đến giờ này được 19 người được chấp thuận. Lần này cũng không khác những lần trước là tôi cũng xin được tình nguyện dùng khả năng và kinh nghiệm của mình để tháp tùng và hướng dẫn đồng bào qua những thủ tục về di trú, mua vé máy bay cho họ, đưa họ đến Toronto vào ngày thứ Sáu, chỉ giản dị như vậy thôi.
Đó là lý do của buổi gây quĩ ở Toronto ngày 4 tháng Chín vừa qua, nhằm kiếm thêm chi phí cũng như phương tiện cho 19 người sắp đến mà VOICE Canada sẽ đưa đón và bảo trợ bước đầu.
Buổi gây quĩ có sự tham dự đông đảo của những người đến Canada trong 5 đợt trước. Họ đã vui vẻ đóng góp gọi là của ít lòng nhiều để mong có thể tiếp tay phần nào cho người đến sau. Hôm ấy, Thanh Trúc đã gặp những khuôn mặt rạng rỡ, tự tin, những thay đổi tích cực sau gần hai năm trở thành thường trú nhân hợp pháp của Canada.
Anh Lâm Phước Xe, mồ côi từ nhỏ, theo người cô từ vùng kinh tế mới Xuân Mộc, tỉnh Đồng Nai, vượt biên sang Thái Lan năm 1989. Rớt thanh lọc rồi bị cưỡng bách hồi hương, năm 1996 anh trốn khỏi trại tị nạn Sikew:
Lúc đó em 15 hay 16 tuổi gì đó, trốn ra ngoài thì được Cha Peter Namwong đưa vô trong rẫy, nhờ những người làm rẫy dạy tiếng Thái. Khi tiếng đỡ đỡ tôi mới lên Bangkok, xin vô một tiệm may vừa may vừa phụ việc.
Nhóm 39 người Việt cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan hơn hai thập niên tại phi trường quốc tế Vancouver của Canada, ngày 25/11/2014.
Anh chuyển việc nhiều lần, từ nghề may qua nghề mộc rồi phụ hồ rồi thợ hàn sắt, bị bắt nhiều lần và lần nào cũng phải lót tiền cho cảnh sát để khỏi bị nhốt. Sau 25 năm sống và làm việc không có giấy tờ ở Thái Lan, anh Lâm Phước Xe được VOICE giúp cho đi định cư tại Vancouver, Canada, ngày 25 tháng Mười Một 2014, chuyển xuống Toronto đi làm một tháng sau đó:
Sự giúp đỡ bên đây rất nồng ấm, chẳng hạn họ đến chia xẻ buổi đầu tiên, hai tháng đầu họ trả giùm tiền mướn nhà, lo quyên góp cho chút đỉnh, những gì mình thiếu thốn họ lo đầy đủ hết. Công ăn việc làm thì anh Đỗ Kỳ Anh cũng chạy đôn chạy đáo kiếm việc làm cho. Trong vòng chỉ có một tuần em đã đi làm rồi, em làm marble (gạch bóng)
Gần hai năm qua Canada, nay anh Lâm Phước Xe đã có cuộc sống và thu nhập tương đối khá khi chuyển sang làm việc trong công ty của người Ý chuyên xây sửa và lót gạch bóng cho các tư gia:
Bây giờ thì tự lãnh làm luôn về xây dựng, sửa bếp, tủ bếp, sửa chữa nhà cho người ta. Bây giờ cuộc sống ổn định, gần hai năm đã có đồ nghề này kia đầy đủ để đi làm. Đầu tien nhất là cám ơn chính phủ Canada và cám ơn người Việt của mình tại Canada. Giờ hạnh phúc nhất là trong gia đình thì con đuộc học hành đàng hoàng, hơn nữa cái may mắn là qua đây sanh được đứa con trai. Cuộc sống hiện bây giờ em thấy em quá good.
Không còn sợ hãi
Ông Nguyễn Văn Tùng, phạm tội hoạt động chính trị tại Việt Nam, vượt đường bộ sang Thái Lan năm 1990, qua nhiều trại tị nạn lớn nhỏ , từng rạch bụng tự sát để phản đối việc bị cưỡng bách hồi hương, trốn ra ngoài năm 1997 vì sợ bị trả về Việt Nam :
Từ trong trại tị nạn mà tới ra ngoài là 25 năm. Mình không có giấy tờ, đi trốn ở miền quê, sống trong rừng trong rú thì không bị bắt nhưng sau này trốn về thành phố thì bị bắt nhiều lần. Nếu không có tiền chung thì họ nhốt.
Cũng như bao người Việt bất hợp pháp khác trên đất Thái, ông Tùng kể tiếp, khi lỡ bị cảnh sát bắt thì việc đầu tiên nên khai mình là người Kampuchia để lúc bị đẩy trả qua biên giới mới có thể tìm tìm đường trở lại Thái dễ dàng hơn. Làm thuê làm mướn được bao nhiều tiền thì gần như cứ phải chi hết cho những chuyện như vậy. Cuộc sống cứ thế mà bấp bênh trốn tránh cho đến khi được một vị linh mục người Thái gốc Việt, Cha Peter Namwong, kết nối cho gặp VOICE, ông Nguyễn Văn Tùng được Canada nhận. Ngày 13 tháng Mười Một 2014, ông đến Vancouver:
Cũng nhờ cộng đồng người Việt bên Canada này kiếm công ăn việc làm, so với bên Thái thì nói rõ là cuộc sống coi như ổn định, thoải mái hơn. Voice Canada đưa tôi vào làm trong một hãng kẹo. Qua đây sống có tự do hết khổ rồi, sợ hãi qua đi, tất cả mọi thứ qua hết rồi, giờ sống có tự do nhiều hơn, sợ hãi thì không có nữa.
Từ trong trại tị nạn mà tới ra ngoài là 25 năm. Mình không có giấy tờ, đi trốn ở miền quê, sống trong rừng trong rú thì không bị bắt nhưng sau này trốn về thành phố thì bị bắt nhiều lần. Nếu không có tiền chung thì họ nhốt. -Ông Nguyễn Văn Tùng
Người tị nạn thứ ba, anh Cao Lê Vũ, vượt biển đến Thái Lan từ năm 1990:
Em đi có một mình, rớt thanh lọc rồi bị cưỡng bách hồi hương. Thực sự em lúc đó còn được ở lại trong trại vì em làm thiện nguyện cho cơ quan cung cấp nước, em bơm nước cho toàn trại. Đầu năm 1997 em quyết định trốn trại, đi thẳng qua Kampuchia ở đó 3 tháng.
Nhờ người thân ở Mỹ móc nối với linh mục Peter Namwong bên Thái, anh Cao Lê Vũ trở lại Thái Lan, lên Bangkok sinh sống bằng đủ nghề tay chân cho tới năm 2007 thì được luật sư Trịnh Hội và tổ chức VOICE giúp lập hồ sơ xin tị nạn tại một nước thứ ba. Sau 9 năm chờ đợi, anh Cao Lê Vũ đến Canada ngày 24 tháng Tư năm 2015:
Đưa người ra khỏi Thái Lan là vô cùng khó mà em thấy anh Hội làm được là điều phi thường không diễn tả nỗi. Cuộc sống ngày hôm nay, cái giá trị mà tụi em có ngày hôm nay thì phải không bao giờ quên VOICE.
Em có tên ở Vancouver, sau rồi mới qua Toronto, được một năm và năm tháng rồi đó. Ngày xưa ở bên Thái Lan tụi em sống lén sống lút hai mươi mấy năm, dẫu gì tụi em cũng phải bươn chãi phải luồn lách để mà sinh tồn. Bây giờ em thấy được cái chính danh của mình, mình có tên có tuổi, thể hiện con người của mình. Cuộc sống ở Canada là mình thấy cái văn minh của họ, cái khoa học tiến bộ của họ, con người có quyền có tiếng nói, thật sự là tự do.
Em đi làm ở nhà máy in, đồng tiền mình làm ra có giá trị bằng sức lực đích thật của mình, mình thấy là mình lo được cho gia đình mà đôi khi cuộc sống bên kia mình lo cho mình cũng chưa đủ nữa. Cái vui thứ hai là hiểu được giá trị của đồng tiền làm ra, biết được tài khoản mỗi thang mỗi lên, mọi người rất vui và rất hài lòng.
Đáng nói nhất, anh Cao Lê Vũ chia sẻ tiếp, là thời gian và công sức mà các thiện nguyện viên trong cũng như ngoài VOICE Canada bỏ ra để tiếp đón, hướng dẫn, đưa rước người mới đến đi làm giấy tờ và đi khám sức khỏe trước khi giới thiệu cho họ kiếm việc làm. Chính vì lẽ đó, Cao Lê Vũ khẳng định, anh cũng sẽ đối xử tương tự như vậy với 19 người từ Thái Lan qua Canada ngày mai:
Cái quí giá nhất bên này là thời gian, người Việt Canada, vừa của tổ chức VOICE vừa của cộng đồng người Việt, đã bỏ ra thời gian rất quí báu để giúp đỡ cho tụi em, đó là điều mà tụi em không thể nào quên được. Qua đây thì bước đầu mình được nhiều người giúp đỡ, thì bây giờ mình sẽ tiếp tay cho cộng đồng và tiếp tay cho VOICE, mình sẽ nói kinh nghiệm trực tiếp và thấu đào hơn mà bản thân những người mới được định cư như tụi em đây, chia sẻ và nói cho họ hiểu cuộc sống bắt đầu từ như thế nào.
Đối với bà Huỳnh Thị Chi, đến Canada tháng Mười Một năm 2014 sau hơn 25 năm vất vưỡng tại Thái Lan, sự đổi đời rõ ràng nhất cho chính bà và gia đình là một cuộc sống không còn nỗi sợ hãi:
Qua đây 15 ngày sau là gia đình chị đi làm hết luôn.Bước chân qua đây là chị thấy đầy đủ hết rồi, đi ra mình cũng không sợ ai bắt bớ, không có rụt rè không có giật mình nữa. Thật sự là quá cái tầm ước muốn của mình, mình chỉ ước là ước được tự do thôi.
Hầu như những người mới đến đều khởi sự đi làm chỉ hai ba tuần hay một tháng sau chứ không phải chờ đợi lâu. Chủ tịch VOICE Canada, anh Đỗ Kỳ Anh:
Trong 5 đợt vừa qua thì tất cả mọi người đều có việc làm hết, tất cả các cháu đều đi học hết, cho đến giờ phút này không có một người nào lãnh trợ cấp xã hội hay là gánh nặng của xã hội.
Nhưng Kỳ Anh xin phép nói thêm sự thành công của các anh chị tị nạn từ Thái Lan phần lớn là từ các anh chị đó. Các anh chị đã sống hai mươi mấy năm bên Thái Lan bất hợp pháp, giờ này qua Canada có cuộc sống hợp pháp, được dùng lại tên thật của mình. Kỳ Anh nghĩ các anh chị cũng đã biết rõ ràng đây là cơ hội mới, một trang sách mới cho nên cá nhân mấy anh chị đã cố gắng rất nhiều.
Trong gần hai năm qua, những người tị nạn từ Thái Lan đến Toronto nói riêng được hưởng sự chăm sóc y tế như thế nào. Vẫn lời chủ tịch VOICE Canada Đỗ Kỳ Anh:
Trước hết phải nhắc tới bác sĩ Nguyễn Hoành Khôi là bác sĩ gia đình. Khi những người tị nạn mới đến thì bác sĩ Khôi chích thuốc cho mấy cháu để mấy cháu đi học liền, hay là chích thuốc cho những người bị bệnh. Ở Missisauga thì có bác sĩ Nguyễn Hoành Khôi, ở Toronto thì có bác sĩ Nguyễn Chính và những người khám bịnh miễn phí. Trong giai đoạn đầu những người tị nạn chưa có tiêu chuẩn mua thuốc thì các bác sĩ đã liên lạc với các tiệm thuốc ở đây để xin một số thuốc căn bản cho mỗi gia đình.
Ngoài ra riêng ở Toronto thì có bác sĩ về mắt là bác sĩ Bùi Thanh Phong. Những người mới đến mà có vấn đề về mắt thì bác sĩ Bùi Thanh Phong đều khám hết. Sau khi khám xong bác sĩ còn tặng thêm, người bị cận thị thì tặng kiếng cận thị, người lớn tuổi cần kính lão thì bác sĩ Phong cũng tặng mỗi người một cái luôn.
Ở đây có nha sĩ trẻ Jacqueline Huệ Chi, thì Huệ Chi clean răng, trám răng và nhỗ răng cho mọi người mới đến, có nhiều người trong hai mươi mấy năm ở Thái Lan không hế biết nha sĩ là gì hết.
Đây là những bác sĩ trẻ mà Thanh Trúc hân hạnh gặp gỡ và trò chuyện trong buổi gây quĩ ngày 4 tháng Chín ở Toronto.
Được biết trong 19 người sắp đến Canada ngày mai, 14 người sẽ về Toronto, 3 người đi Ottawa và 2 người đi Calgary.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây tạm ngưng. Thanh Trúc hẹn lại quí vị thứ Năm tuần tới.
Liên lạc góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org