Tin Việt Nam – 22/09/2016
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh: Bản án được biết trước
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Một bản án không có chứng cứ buộc tội
Bản án phúc thẩm đối với ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho thấy những dự báo của người hiểu chuyện không hề sai so với điều mà người ta gọi là án bỏ túi. Mặc Lâm có chi tiết một ngày trước phiên xử và sau khi có kết quả bản án như sau:
Sau hơn chín tiếng đồng hồ chờ đợi của hàng ngàn người bên ngoài tòa án, cuối cùng tòa Phúc thẩm tuyên y án cho ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh 5 năm tù và bà Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù.
Ông Nguyễn Hữu Vinh bị cơ quan an ninh điều tra Bộ công an bắt khẩn cấp vào ngày 05 tháng 05 năm 2014 cùng với bà Nguyễn Thị Minh Thúy, người cộng sự của ông trong việc post các bài viết mà chính quyền cho là có nội dung xấu lên trang blog Anhbasam cũng như hai trang Dân Quyền và Chép Sử Việt.
Chúng tôi rất đáng tiếc vụ án này đã diễn ra không dân chủ, tranh tụng như ban đầu ông chánh án chủ tọa hứa hẹn.
-LS Trần Vũ Hải
Phiên tòa sơ thẩm ngày 23 tháng 03 năm 2016 tuyên ông Vinh 5 năm tù giam, bà Thúy 3 năm tù giam theo điều 258 Bộ luật hình sự.
Vào lúc 7 giờ sáng của ngày xử án phúc thẩm, đường vào Toà án cấp cao tại Hà Nội bị chặn nhiều phía. Những biện pháp này nhằm ngăn chặn những người ủng hộ ông Nguyễn Hữu Vinh tới gây áp lực trước cổng tòa án như từng xảy ra nhiều lần trước đây. Tuy nhiên cũng có khoảng vài mươi người cầm giấy viết tay phản ứng phiên tòa nhưng không có ai bị bắt.
Lúc 10 giờ sáng nhà báo Phạm Thành có mặt trong những người tới ủng hộ ông Nguyễn Hữu Vinh kể lại ngay trong lúc công an dằn co với dân chúng:
“Hiện nay chúng tôi đang đứng trước cửa Tòa tối cao xét xử Ba Sàm. Chúng tôi đứng cách tòa hàng nửa cây số nhưng mà an ninh vẫn tiếp tục xua đuổi chúng tôi không cho chúng tôi ủng hộ. Nói là phiên tòa công khai nhưng có cho ai vào đâu, an ninh dày dặc các nơi, chúng tôi chỉ có khoảng 4-5 chục người thôi còn xét xử thì chắc khoảng 12 giờ mới xong.”
Cùng lúc ấy trên trang mạng xã hội hàng chục video live được đưa lên, trong đó một ý kiến đáng chú ý được chúng tôi ghi nhận như sau:
“Người ta bắt anh Ba Sàm cùng với cộng sự của anh vì điều luật 258. Trong khi điều 258 của Bộ luật hình sự Việt Nam là một điều luật vi hiến, trái lại và đi ngược lại các quyền tự do các quyền chính đáng của con người đã được công nhận trong công ước quốc tế cũng như các luật quốc tế khác. Đây là điều luật được đặt ra nhằm bỏ tù những người có tiếng nói thẳng thắn và phản biện các vấn đề xã hội gây bất lợi cho vị trí chế độ cũng như sự cầm quyền của chế độ độc tài của cộng sản Việt Nam
Chừng nào điều 258 chưa được bác bỏ những người bị bỏ tù oan như anh Ba Sàm, chị Nguyễn Thị Minh Thúy và rất nhiều blogger khác sẽ vẫn chưa dừng lại và có thể ngày mai, ngày kia có thể là tôi. Đây không phải là điều bất công duy nhất còn những điều bất công khác, những điều xảo trá khác nữa, những tai họa những đau hổ khác nữa dưới rất nhiều hình thức mà một ngày nào đấy sẽ chạm đến bạn, gia đình bạn hoặc những người chung quanh bạn.”
Một ngày trước khi phiên tòa phúc thẩm bắt đầu Luật sư Trần Quốc Thuận, một trong sáu luật sự bảo vệ quyền lợi cho ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy chia sẻ nhận xét, ông nói:
“Đây là một bản án không có chứng cứ buộc tội. Chứng cứ buộc tội gần như là không đảm bảo. Bản án sơ thẩm đã dựa vào những chứng cứ không hợp pháp để buộc tội cho Nguyễn Hữu Vinh Ba Sàm. Nếu chỉ tuân theo pháp luật của Việt Nam thôi thì với tinh thần mới của Bộ luật tố tụng hình sự mới thì anh Nguyễn Hữu VInh chẳng có tội gì. Còn với ngành tư pháp Việt Nam, tòa án Việt Nam thì làm sao mà lường được?”
Bà Lê Thị Minh Hà vợ của ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh cho biết bà không hề nghĩ tới việc Tòa phúc thẩm có giảm án cho chồng bà hay không mà quan trọng nhất là bà cùng với các luật sư đấu tranh cho sự vô tội của ông Nguyễn Hữu Vinh. Vì vô tội nên không có lý do gì để xin giảm án cả:
“Tính thời hạn giam giữ thì chúng tôi cũng đã khó chấp nhận. Tức nhiên bình thường thì người ta cho rằng cứ thoát khỏi nhà tù là được rồi nhưng tôi lại không bao giờ có suy nghĩ ấy mặc dù bọn họ cũng rất nhiều lần đề nghị giảm án, nhưng mà chồng tôi có tội đâu mà giảm án?
Cho tới ngày hôm nay, trước khi xử án một ngày thì tất cả luật sư đều cho rằng anh Nguyễn Hữu Vinh vô tội cơ mà thì làm sao mọi người cứ quan tâm đến chuyện giảm án? Vô tội vì với nhà nước pháp quyền này mọi thứ đều được chỉ định thì cần gì quan tâm đến hy vọng hay không? chỉ cần mình cố gắng làm một cái gì mình còn có thể làm được để chứng minh cái bản án sơ thẩm là sai trái và vi phạm pháp luật.”
Bà Thuyên mẹ của chị Nguyễn Thị Minh Thúy một đồng sự với ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh tỏ ra phấn khởi trong niềm hy vọng con mình sẽ được thả ngay trong ngày hôm nay, bà nói với chúng tôi:
“Tôi hy vọng nó sẽ giảm án vào ngày mai và cũng là ngày nó cho về. Tất cả mọi vật tôi đã đặt trước mỗi lần thăm nuôi Thúy nhưng vừa rồi tôi chẳng đặt gì cả, kề cả công an ở B14 tôi cũng bảo họ rằng tôi từ biệt các anh tôi sẽ không bao giờ tới đây nữa. Tôi hy vọng lắm anh ạ.”
Khi mở đầu phiên tòa ông có nói rằng sẽ nghe đầy đủ các bên nhưng thực chất cuối cùng tất cả những lập luận tranh luận của chúng tôi mà Viện kiểm sát không đối đáp được và thậm chí nhiều lúc chủ tọa đã đỡ cho kiểm sát viên nên không còn khách quan của phiên tòa và đã y án đối với hai bị cáo.
-LS Trần Vũ Hải
Bà Đinh Ngọc Thu, người điều hành blog Ba Sàm, sau khi Nguyễn Hữu Vinh bị bắt bà Thu vẫn liên tục điều hành trang blog này ngày càng có nhiều người vào xem hơn, thậm chí số người truy cập còn lớn hơn lúc trước, chia sẻ với chúng tôi về phiên phúc thầm hôm nay bà cho biết:
“Rất khó có thể đoán được điều gì sẽ diễn ra ở phiên xử ngày mai, vì những thông tin mà tôi nhận được, tình hình có vẻ hơi căng thẳng. Được biết, lần này họ không gửi giấy báo vào cho anh Vinh và cô Minh Thúy, mà chỉ báo bằng miệng rằng phiên xử phúc thẩm sắp diễn ra. Đây là một kiểu khủng bố tinh thần trước phiên xử.
Nhưng mà tôi vẫn mong hai người sẽ được giảm án. Nếu anh Vinh được giảm bớt 2 năm, bản án còn 3 năm, và cô Minh Thúy được giảm xuống còn 2 năm rưỡi, thì họ đã sắp thi hành xong bản án. Tính đến hôm nay, cả hai người đã ở tù gần 2 năm 5 tháng. Tôi luôn cầu mong họ sớm được trả tự do.”
Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất cũng từng bị xét xử cùng với tội danh 258 mà ông Nguyễn Hữu Vinh ngày hôm nay, chia sẻ kinh nghiệm của ông như sau:
“Người ta chỉ chủ yếu là có xử thôi chứ nó được ấn định từ lâu lắm rồi. Người xét xử đó họ cũng không thể nào làm khác đi được. Ở một phiên phúc thẩm chỉ có thay đổi khi có xảy ra trong hai trường hợp thứ nhất bị cáo có tình tiết mới gì đó mà tòa phúc thẩm xem xét lại và quyết đinh. Thứ nhì, mà điều này rất quan trọng, đó là bị cáo nhận tội rồi thành thật xin giảm án, cin tha tội thế này thế nọ. Nhưng cái đó đối với anh Vinh Ba Sàm cũng như tôi thì không lẽ anh Vinh đứng ra nhận tội và xin khoan hồng sao? Và anh Vinh cũng quá biết chuyện này vì anh từng là sĩ quan an ninh cao cấp mà. Cho nên việc xử án nặng hơn hay là nhẹ hơn hay để họ tuyên vô tội thì gần như không thể vì khác gì họ tự vả vào mặt họ?
Bản án như thế nào có nặng hơn hoặc nhẹ hơn nói thật là không quan trọng vào lúc này vì người ta đã bắt giam rồi thì bản án nhẹ hơn hay nặng hơn cũng không thuyết phục được Ba Sàm.”
Sau khi bản án được đưa ra với kết quả y án luật sư Trần Vũ Hải người bị chánh án đuổi ra khỏi tòa trước khi nghị án nửa giờ cho chúng tôi biết:
“Chúng tôi rất đáng tiếc vụ án này đã diễn ra không dân chủ, tranh tụng như ban đầu ông chánh án chủ tọa hứa hẹn. Khi mở đầu phiên tòa ông có nói rằng sẽ nghe đầy đủ các bên nhưng thực chất cuối cùng tất cả những lập luận tranh luận của chúng tôi mà Viện kiểm sát không đối đáp được và thậm chí nhiều lúc chủ tọa đã đỡ cho kiểm sát viên nên không còn khách quan của phiên tòa và đã y án đối với hai bị cáo.”
Dư luận quan tâm cho rằng vụ án Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh cũng như phiên xử bà Cấn Thị Thêu hai ngày trước không những không làm chùn chân những người muốn lên tiếng cho thực trạng dân chủ nhân quyền cho Việt Nam mà còn gây cho người dân tâm lý không còn sợ hãi và hàng trăm Cấn Thị Thêu hay Ba Sàm khác đã xuất hiện trong cộng đồng.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/basam-sentence-a-predictable-verdict-09222016084842.html
Vấn đề An sinh Xã hội ở Việt Nam hiện nay
Anh Vũ, thông tín viên RFA
Chuyện xác người bó chiếu chở bằng xe máy ở Sơn La đã khiến dư luận xã hội đã đặt câu hỏi về trách nhiệm trong những chính sách an sinh xã hội (ASXH) của nhà nước.
Thực trạng
ASXH là các chương trình hành động của nhà nước, nhằm thúc đẩy phúc lợi của người dân thông qua các biện pháp hỗ trợ, để đảm bảo quyền tiếp cận các điều kiện sống tốt hơn.
Gần đây, câu chuyện người nhà chị Lò Thị Phanh ở tỉnh Sơn La, do hoàn cảnh nghèo khó không có tiền thuê xe ô tô chở xác, thân nhân đã phải mua chiếc chiếu bó xác lại, cột sau xe máy để chở về nhà.
Bà Nguyễn Trang Nhung, người đã tự ra ứng cử độc lập Đại biểu Quốc Hội khóa 14 thấy rằng, quyền ASXH cơ bản cho người dân đã được khẳng định tại HP năm 2013, tuy nhiên những hiện tượng như hình ảnh “xác người bó chiếu” hiện nay còn quá nhiều. Theo bà, điều đó đã phản ảnh toàn cảnh vấn đề ASXH ở VN hiện nay. Bà nhận xét:
“Cần nhìn nó như một vấn nạn, bởi vì đây không phải là trường hợp duy nhất mà đã có các trường hợp tương tự trước đây và ngay cả sau này. Vụ việc đã diễn ra trong một thời gian dài tại tỉnh nghèo khó như ở Sơn La mà nó vẫn tiếp tục duy trì như vậy mà không có một biện pháp nào cả. Về trách nhiệm xét trên diện rộng thì thuộc về chính quyền địa phương và Chính Phủ.”
Đánh giá về toàn cảnh vấn đề ASXH ở VN hiện nay, TS. Lê Đăng Doanh hiện là thành viên của UB chính sách phát triển LHQ, nguyên Giám đốc Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thấy rằng, công tác bảo đảm ASXH đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực: xoá đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm, ưu đãi người có công …. Tuy nhiên theo ông, việc bảo đảm ASXH vẫn còn bất cập và yếu kém: giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách thu nhập của các tầng lớp dân cư còn lớn… Ông nói:
“Vấn đề ASXH ở VN hiện nay đang đứng trước các thách thức rất lớn, những người nghèo ở vùng núi và các đồng bào dân tộc còn tỷ lệ rất cao. Vấn đề họ phải bó chiếu để chở xác bằng xe máy về nhà, thì tôi nghĩ đó là các vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết. VN hiện nay đang gặp những khó khăn trong vốn ngân sách cũng như việc phát triển kinh tế, vì thế tôi nghĩ rằng đó là vấn đề cần phải nỗ lực lâu dài mới có thể giải quyết được.”
VN hiện nay đang gặp những khó khăn trong vốn ngân sách cũng như việc phát triển kinh tế, vì thế tôi nghĩ rằng đó là vấn đề cần phải nỗ lực lâu dài mới có thể giải quyết được.
– TS. Lê Đăng Doanh
Nhận xét về kết quả vấn đề ASXH ở VN trong thời gian qua, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng, thành công đáng chú ý của vấn đề ASXH ở VN là hệ thống bảo hiểm XH và y tế, nhằm chia sẻ rủi ro đã trợ giúp thiết thực, đặc biệt là người nghèo. Bà cho biết:
“ASXH cũng tiếp tục là một vấn đề mà VN phải tiếp tục và quan tâm rất nhiều trong quá trình phát triển của mình. Trên thực tế, nhu cầu của XH đối với vấn đề ASXH luôn lớn hơn khả năng thực tế mà nhà nước có thể đáp ứng các nhu cầu đó. Nhưng nhà nước cũng đã chấp nhận cung cấp bảo hiểm cho các người nghèo để đảm bảo cho họ khi đau ốm thì cũng có thể đến bệnh viện để chữa trị.”
Đồng thời bà Phạm Chi Lan cho biết thêm rằng, vấn đề ASXH đang là một gánh nặng của nền kinh tế và đây là bài toán hết sức phức tạp. Theo bà cần thiết phải huy động từ các nguồn lực khác trong xã hội. Bà bày tỏ:
“Mạng lưới ASXH của VN với khả năng tài chính hiện nay thì không có cách nào có thể bù đắp được cho tất cả những người dân bị thua thiệt trong hoàn cảnh đó. Nếu nhìn thực trạng chung thì vấn đề ASXH của VN là một gánh nặng hay một món nợ lớn mà cả nhà nước và nền kinh tế đang phải gánh chịu hiện nay.”
Bà Nguyễn Trang Nhung đồng ý rằng, việc phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các tổ chức XHDS, cần phải được chú trọng. Theo bà, đây là điều mà các tổ chức XHDS hiện nay chưa ý thức được đầy đủ, tuy nhiên bà cũng bày tỏ sự lo ngại trước các chính sách hiện nay của nhà nước đối với các hoạt động của các tổ chức XHDS. Bà nói:
“Các cá nhân hay các tổ chức XHDS họ biết, song họ chưa biết đó là vấn nạn để cảnh tỉnh xã hội, bởi vì họ không biết điều này trên một tầm hiểu biết đủ để có thể thấy trách nhiệm của mình như là một thành phần có trách nhiệm liên đới trong các vấn đề của xã hội.”
Cách giải quyết
Bà Phạm Chi Lan thấy rằng, việc các cá nhân hay các tổ chức xã hội tham gia công việc tương trợ lẫn nhau đã có từ lâu và được nhà nước khuyến khích. Bà khẳng định:
“Trên thực tế ở VN, các tổ chức XHDS hay các cá nhân hỗ trợ hay giúp đỡ cho những người khác thì đã diễn ra rất nhiều rồi, và nhà nước VN theo tôi nghĩ thì họ cũng không ngăn cản các việc đó. Vì thế tôi nghĩ, không có bất cứ một rào cản nào về mặt luật pháp hay chính sách cấm đoán những người làm thiện nguyện đó đâu.”
Nói về vai trò của các cá nhân và tổ chức xã hội trong công việc tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong cộng đồng hiện nay. Từ Sài gòn, một vị Bác sĩ Bệnh viện ở bệnh viện công, đề nghị giấu danh tính bày tỏ:
Mạng lưới ASXH của VN với khả năng tài chính hiện nay thì không có cách nào có thể bù đắp được cho tất cả những người dân bị thua thiệt trong hoàn cảnh đó.
– Bà Phạm Chi Lan
“Trong trường hợp cụ thể thì ở Sài Gòn ở một số nơi họ cũng đã làm, mà việc làm đơn giản nhất là những bữa cơm cho những bệnh nhân nghèo và người nhà của họ. Điều đó có thể thấy ở một số bệnh viện và đã được triển khai.”
Trả lời câu hỏi, về biện pháp nhằm tăng hiệu quả của vấn đề ASXH, nhằm phục vụ người dân ở mức cao nhất có thể, TS. Lê Đăng Doanh khẳng định:
“Vấn đề ở đây là phải giải quyết cơ chế tài chính, tăng nguồn thu và giảm chi để có thể chi một cách hợp pháp và cũng như chi bền vững được. Cho nên đây không phải là vấn đề một khuyết tật của một cá nhân, mà vấn đề cần phải giải quyết bằng cơ chế.”
Chúng tôi đã liên lạc với Viện nghiên cứu các vấn đề Xã hội, để tìm hiểu về các chính sách ASXH trong vấn đề y tế, một cán bộ yêu cầu giấu danh tính cho biết:
“Các chính sách đảm bảo về ASXH cho người bệnh của các cơ quan nhà nước quản lý, như BHXH hiện nay cần có chính sách hỗ trợ đối với các bệnh nhân cũng như người có hoàn cảnh khó khăn.”
Trong bài viết “Chở xác người bằng xe máy: Buồn hơn cả chuyện buồn” mới đây, nhà báo Nguyễn Thông viết rằng,“Cứ nghĩ đến cảnh hai chân người chết thò khỏi chiếu phía sau xe máy trên suốt con đường dài, chả mấy ai cầm lòng được. Nó không chỉ đơn thuần là hình ảnh nói lên cuộc sống bần cùng của một bộ phận nhân dân mà ở góc nhìn nào đó nó còn tạo nên một bộ mặt xã hội. Gam màu xám, u tối. Có cảm giác những chính sách an sinh xã hội dường như chưa hề đến những nơi này, với những con người này. Mà lỗi không phải ở họ.”.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-social-services-work-in-vietnam-av-09222016105102.html
‘Truyền thông dân’ và ‘phản ứng quan’
Tọa đàm bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ và các khách mời thảo luận về chủ đề ‘Truyền thông dân’ và ‘phản ứng quan’, nhân một số sự kiện được dư luận Việt Nam quan tâm gần đây khi một số quan chức có phản ứng về truyền thông mạng xã hội thông qua các kênh chính thức, một điều được cho là khá hiếm ở quốc gia Đông nam Á với dân số hơn 90 triệu dân.
Các khách mời tham gia Bàn tròn Thứ Năm hôm 22/9/2016 của BBC Việt ngữ gồm nhà báo Mạc Việt Hồng, tham gia từ Warsaw, Ba Lan, phóng viên Phạm Lan Phương (tức Khải Đơn) của BBC Việt ngữ, tham gia từ Bangkok, Thái Lan và nhà nghiên cứu, blogger từ Việt Nam.
‘Rất nhanh và đáng mừng’
Hôm 21/9, trong bài viết có tựa đề ‘Mạng xã hội VN rọi đèn hai bí thư Đảng’, phóng viên của BBC Việt ngữ từ Bangkok viết:
“Phản ứng của các bí thư Hà Giang, Thanh Hóa trước thông tin trên mạng xã hội được nhà hoạt động và các trí thức đánh giá là “rất nhanh” và “đáng mừng”.
“Cuối tuần qua mạng xã hội ở Việt Nam lan truyền thông tin bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến có con riêng và cung cấp tài sản “nhiều chục tỉ đồng” cho một viên chức sở xây dựng Thanh Hóa.
“Đồng thời, cư dân mạng cũng chia sẻ cáo buộc rằng tám người thân của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan của tỉnh.
“Rất nhanh sau đó, cả ông bí thư Thanh Hóa và Hà Giang đều có trả lời trên báo chí tại Việt Nam về sự việc liên quan đến họ.
“Thông thường, các lãnh đạo tại Việt Nam hiếm khi trả lời các tin đồn hoặc thông tin từ mạng xã hội.
“Ông Hoàng Văn Dũng, nhà hoạt động của nhóm Con Đường Việt Nam nhận định các vị trên “đã phản ứng rất nhanh với mạng xã hội” và cho rằng “tức là người ta rất quan tâm”.
“Tôi cho rằng cộng đồng mạng có sức mạnh. Chắc chắn là thế, bởi vì những sự kiện nào bên tuyên giáo chỉ định không được đăng thì dù mạng xã hội có lên tiếng đến mấy thì nó cũng chỉ nằm trên mạng xã hội. Chứ còn những sự kiện như ông Triệu Tài Vinh hay ông bí thư Thanh Hóa thì không nằm trong sự kiểm duyệt của Ban tuyên giáo thì người ta sẽ phải phản ứng ngay lập tức,” ông Dũng được phóng viên của chúng tôi trích lời nói.
Mời quý vị bấm vào đường link này để theo dõi Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160922_hangout_vn_social_media_impacts
Dân Hà Tĩnh đòi bồi thường thiệt hại
Hơn 1000 hộ gia đình tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, gửi đơn đến Quốc hội và Chính phủ “yêu cầu chi trả tiền bồi thường thiệt hại” vì môi trường biển bị tàn phá.
Bức thư đề ngày 22/9/2016 đề nghị Quốc hội và Chính phủ trích hơn 2 ngàn tỉ đồng từ số tiền 11.500 tỉ đồng mà họ mô tả là Công ty Formosa đã thanh toán toàn bộ để bồi thường cho hơn 1.100 hộ dân.
“Không chỉ có những nạn nhân trực tiếp là ngư dân, những người làm công việc hậu cần nghề biển, mà còn có cả những người làm trong ngành nghề dịch vụ như kinh doanh nhà hàng, nhà nghỉ, và người buôn bán nhỏ lẻ khác.
“Số tiền yêu cầu bồi thường của từng hộ gia đình được tính dựa trên thiệt hại thu nhập trung bình trên thực tế trong 6 tháng qua, thiệt hại tài sản vật chất dùng cho việc sản xuất kinh doanh, tổn hại tinh thần, và thiệt hại thu nhập trung bình trong 5 năm tới do hậu quả tàn phá môi trường biển bởi Công ty Formosa gây ra,” bức thư viết.
Được biết vào ngày 15/9/2016 chính quyền Hà Tĩnh đã tổ chức buổi họp với người dân ở đây để phổ biến thông tin về việc kê khai thiệt hại, nhưng đã vấp phải sự phản đối của người dân ở đây.
“Họ đã bỏ ra về mà không thực hiện sự kê khai theo bảng mẫu hướng dẫn của chính quyền đưa ra.
“…Bên cạnh đó, những người bị thiệt hại cũng không đồng ý với thời gian tính thiệt hại của chính quyền là chỉ bồi thường thiệt hại trong 6 tháng (từ tháng 4 đến tháng 9), vì họ cho biết căn cứ vào kết quả khoa học được công bố, để phục hồi lại trạng thái ban đầu của môi trường biển phải mất từ 50 đến 70 năm tới,” thông cáo viết.
Trong bức thư cử người đại diện cho họ là một linh mục và một luật sư nói rằng nếu Chính phủ không trích từ số tiền 11.500 tỉ đồng mà Công ty Formosa đã chuyển đầy đủ cho Chính phủ để chi trả bồi thường thiệt hại thực tế cho họ, thì trong vòng 15 ngày nữa, hơn một ngàn hộ dân này sẽ đồng loạt tiến hành khởi kiện Formosa ra tòa án có thẩm quyền.
Một số luật sư tham gia Liên danh Phục vụ Công lý đã tới Hà Tĩnh trong vài tháng qua để trợ giúp hàng ngàn hộ dân khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại do phía công ty Formosa gây ra.
Báo cáo của chính phủ Việt Nam nói vụ cá chết ở miền trung ảnh hưởng hàng trăm ngàn người.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân, được dẫn lời nói tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 14 hồi tháng Bảy rằng việc Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả nghiêm trọng cho 4 tỉnh ven biển miền Trung.
“Cử tri và nhân dân cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý Nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường,” ông Nhân nói.
Một báo cáo khác được mô tả là vừa được gửi đến Quốc hội cho biết Chính phủ Việt Nam nói: “Theo Chính phủ, tính toán sơ bộ thì sự cố ô nhiễm biển miền Trung đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100 nghìn người, do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và 176.285 người phụ thuộc”.
Vào đầu tháng 8 đã có nhiều cuộc xuống đường với khẩu hiệu về vấn đề môi trường biển và công ty Formosa đã diễn ra tại khu vực Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Trước đó trong tháng Năm hàng ngàn người xuống đường tại các thành phố lớn trong đó có Hà Nội và TP. HCM yêu cầu làm rõ trách nhiệm vụ cá chết này.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160922_ha_tinh_compensation_request
VN phản đối Đài Loan hoạt động ở Ba Bình
Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối Đài Loan “âm thầm xây dựng một số cơ sở trên đảo Ba Bình” tại quần đảo Trường Sa.
Người phát ngôn Lê Hải Bình nói hôm 22/9 rằng Việt Nam đang xác minh thông tin này.
“Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Trường Sa.”
“Vì vậy, việc phía Đài Loan chiếm đóng và tiến hành các hoạt động tại khu vực này là hoàn toàn phi pháp và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.”
Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm thứ Tư tuyên bố họ đang yêu cầu Google làm mờ các hình ảnh về một số cơ sở xây cất trên Biển Đông, hãng tin Reuters nói.
Những hình ảnh được nhắc tới, theo các chuyên gia, trông có vẻ như là các cơ sở quân sự mới xây cất trên đảo Ba Bình (mà Đài Loan gọi là đảo Itu Aba, còn Trung Quốc gọi là đảo Thái Bình), là hòn đảo thuộc Trường Sa do Đài Bắc quản lý ở Biển Đông.
Báo South China Morning Post phát hành từ Hong Kong hôm thứ Ba nói rằng các cấu trúc mới “được xây ở bờ biển phía tây đảo Ba Bình, xung quanh một cấu trúc hình tròn hiện vẫn đang được xây cất trong đảo”, và các cấu trúc mới này chưa hề có trong các hình ảnh vệ tinh chụp được hồi tháng Giêng năm nay.
Việc tiết lộ hoạt động xây cất trên đảo Ba Bình có thể làm gia tăng căng thẳng ở vùng lãnh hải có tranh chấp, nơi Trung Quốc tiến hành xây các bãi đậu trực thăng và các công trình khác khiến các nước có tranh chấp và Hoa Kỳ quan ngại.
Nga – Trung tập trận
Trong số các câu hỏi tại buổi họp báo có phần hỏi về phản ứng của Việt Nam sau khi Trung Quốc và Nga tổ chức tập trận chung trên Biển Đông.
Ông Lê Hải Bình trả lời: “Là quốc gia ven biển và cũng là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam cho rằng mọi hoạt động, bao gồm cả các hoạt động quân sự tại khu vực Biển Đông, cần phải tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.”
“Việt Nam cũng mong tất cả các quốc gia đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại khu vực Biển Đông cũng như ở châu Á-Thái Bình Dương.”
Người phát ngôn ngoại giao Việt Nam cũng bình luận về phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Trung Quốc về việc Nga không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.
“Việt Nam nhiều lần khẳng định chủ trương giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm cả các tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đề cao sự tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160922_ngoai_giao_vn_tra_loi
Thứ trưởng về hưu ‘xin nhà, xin xe’
Thứ trưởng về hưu lại xin lập hội, “xin nhà, xin xe, xin ngân sách”, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam phê phán.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân được trang tin VOV dẫn lời nói, bà “biết rất rõ chuyện có nhiều thứ trưởng về hưu là có Hội ra đời, rồi xin nhà, xin xe, xin ngân sách, thậm chí xin biên chế.”
Nữ Chủ tịch Quốc hội Việt Nam phát biểu tại phiên họp thứ ba Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 22/9.
Báo Lao Động dẫn thêm lời bà: “Vừa rồi biết sắp ra đời Luật về hội này, có một số Bộ trưởng gặp tôi, nói lo lắm bởi ở bộ của họ đã có một số Hội rồi, mà Hội nào cũng ra đời chính đáng, cứ đeo bám xin tiền, xin chỗ làm việc, xin xe thì rất là mệt.”
“Tôi nói cứ yên tâm, ra đời luật thì phải có nguyên tắc hoạt động rất rõ ràng.”
Phát biểu của bà diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị soạn thảo dự luật về hội.
Cùng nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn nói “trong dự thảo Luật về hội, chúng tôi đề nghị đối với cán bộ công chức lãnh đạo từ cấp vụ trở lên, sau 5 năm nghỉ hưu mới được tham gia thành lập, sáng lập, ban lãnh đạo của hội,” báo Lao Động tại Việt Nam đưa tin này.
Tại Việt Nam, hội được coi là “tổ chức tự nguyện”, “tự quản” “tự bảo đảm kinh phí hoạt động” và “Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật”, theo nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Nghị định này cũng nói các hội được nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của nhà nước giao.
Bà Kim Ngân nói “các Hội này hoạt động rất tốt, huy động nguồn lực xã hội hoạt động tốt, nhưng quá nhiều thành ra việc đi vận động doanh nghiệp, vận động tài trợ cũng khiến doanh nghiệp than vãn”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160922_thu_truong_ve_huu
Vì sao “Việt Nam không vội thông qua TPP do bầu cử ở Mỹ”?
Trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/9/2016, chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bất thần bật ra một phát ngôn về việc Việt Nam phê chuẩn hiệp định TPP sẽ cần căn cứ vào chủ trương của ban chấp hành trung ương đảng, và kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Chỉ mới vào tháng 8/2016, chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đang chuẩn bị tích cực để quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua TPP, có thể vào cuối năm nay.
Trước đó nữa, không có bất cứ biểu hiện công khai nào cho thấy chính quyền Việt Nam trì hoãn bỏ phiếu thông qua TPP. Cũng chẳng có dấu hiệu nào từ “trung ương đảng” chỉ đạo cho quốc hội phải “thận trọng” đối với tiến trình bỏ phiếu TPP.
Vậy vì sao lại có chuyện “Việt Nam không vội thông qua TPP do bầu cử ở Mỹ”?
Những thông tin gần nhất cho thấy tình hình TPP là bất lợi cho nhiều quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam. Vào tháng 7/2016, ứng cử viên Hillary đã thẳng thừng tuyên bố không ủng hộ TPP vì một số lý do. Sau đó thông tin quốc tế cho biết ứng cử viên Trump cũng không ủng hộ hiệp định thương mại này. Đây là tình thế hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam, vì Mỹ là quốc gia đóng vai trò quyết định trong TPP, và quá khó để tổng thống mới của Mỹ nhanh chóng thông qua hiệp định này, cho dù tổng thống hiện thời là Obama vẫn luôn khích lệ thông qua càng sớm càng tốt.
Công cuộc vận động để tham gia vào TPP của chính quyền Việt Nam từ năm 2010 có nguy cơ xôi hỏng bỏng không. Không chỉ Việt Nam mà cả những nước khác cũng vậy…
Có thể hình dung tâm trạng thật sự hụt hẫng của giới lãnh đạo Việt Nam khi nhìn vào gương mặt của Hillary và Trump. TPP vẫn được coi là cứu cánh đối với nền kinh tế đã trôi vào năm thứ 8 suy thoái liên tiếp ở Việt Nam, là cần cẩu để trục vớt cho những gì còn sót lại từ sau triều đại bị coi là “phá chưa từng có” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. TPP cũng là một trong những mấu chốt để ổn định – ít nhất trên lý thuyết – sự tồn tại của đảng cầm quyền ở Việt Nam.
Nhưng bây giờ thì tất cả đều phải chờ đợi. Giới chính khách Mỹ chờ đợi, phần lớn thế giới chờ đợi, và giới lãnh đạo Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Quốc hội và đảng có lẽ rất sợ “cầm đèn chạy trước ô tô”, vội vàng bỏ phiếu thông qua TPP nhưng sẽ bị “hố”. Việc Hillary hoặc đặc biệt là Trump thắng cử tổng thống Mỹ có thể dẫn đến những thay đổi, thậm chí là thay đổi rất lớn về chính sách đối ngoại, trong đó TPP chỉ là một phần.
Hẳn nhiên, Bộ ngoại giao Việt Nam – cơ quan tham mưu không chỉ cho chính phủ mà cho cả Bộ chính trị nước này – đang theo dõi rất sát tình hình bầu cử ở Mỹ. Khả năng quốc hội CSVN thông qua sớm nhất đối với TPP sẽ chỉ có thể diễn ra vào kỳ họp đầu năm 2017, nếu tình hình có chút ánh sáng.
Còn nếu không thuận lợi, TPP sẽ bế tắc và Việt Nam cũng thế.
Lê Dung / SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/vi-sao-viet-nam-khong-voi-thong-qua-tpp-do-bau-cu-o-my.html
Đi đưa tin cưỡng chế đất đai, phóng viên bị đánh bầm dập
Trong một vụ cưỡng chế được cho là sai quy trình, một phóng viên của VTC News nhận được tin nhắn của người dân nên đến để đưa tin. Tại đây, anh đã bị ông phó chủ tịch xã ra lệnh cho công an, dân quân khống chế, giật máy ảnh đánh đập đến phải nhập viện.
Phóng viên bị đánh đập là anh Đỗ Thanh Hải cho biết, sự việc xảy ra vào sáng ngày 21/9/2016. Người dân xã Cư Kpô (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) báo tin cho anh việc chính quyền xã đang tiến hành cưỡng chế đất đai để làm nhà văn hóa là không đúng quy trình.
Anh Hải cùng một số đồng nghiệp khác đến hiện trường, gặp ông Nguyễn Văn Mùi, phó Chủ tịch xã Cư Kpô, người trực tiếp chỉ đạo buổi cưỡng chế để xin đưa tin. Thay vì đồng ý, ông Mùi đã dùng loa cầm tay ra lệnh cho Lê Tuấn Anh, trưởng công an xã và dân phòng tại đó xúm lại khống chế, đánh đập, giật máy ảnh, laptop và đưa anh ra ngoài.
Hành vi bạo lực này đã bị các đồng nghiệp đi cùng ghi hình lại và tung lên mạng ngay sau đó.
Bản thân anh Hải sau khi bị hành hung đã phải nhập viện để điều trị. Rất may vết thương không nặng nên anh được xuất viện sau đó.
Đến chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Huệ- Chủ tịch xã Cư Kpô đã mời anh Đỗ Thanh Hải lên trụ sở để xin lỗi về hành động bạo lực, hành hung phóng viên của lực lượng công an dưới quyền lãnh đạo của ông. Ônng Huệ nói rằng, việc công an dùng vũ lực để khống chế, đánh đập anh Hải là “hành động mời không đẹp”!
Tuy muốn ngỏ lời xin lỗi anh Hải nhưng ông Huệ lại từ chối đền bù những đồ vật bị hư hại, như máy chụp hình, laptop và những linh kiện khác. Theo ông Huệ, do anh Hải đến nơi cưỡng chế mà không xin phép xã, nên đồ đạc bị hư thì ráng chịu.
Cùng chung quan điểm với ông Huệ còn có trưởng công an huyện Krông Búk, ông Đỗ Văn Xuyền. Ông Xuyền nói hành vi “mời” như vậy là không đẹp! Ông Xuyền hứa sẽ chấn chỉnh ngay các công an viên đã hành hung phóng viên, nhưng hoàn toàn không nhắc đến việc phải xử lý theo đúng luật pháp.
Ngọc Quân / SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/di-dua-tin-cuong-che-dat-dai-phong-vien-bi-danh-bam-dap.html
Cựu cán bộ cao cấp kêu gọi CSVN
đối thoại với giới bất đồng chính kiến
Ông Chu Hảo- một cựu viên chức cao cấp CSVN, vừa lên tiếng kêu gọi mở các cuộc đối thoại giữa đại diện của nhà cầm quyền CSVN và giới bất đồng chính kiến.
Ông Chu Hảo, cựu thứ trưởng Bộ Công nghệ và Môi trường Cộng sản Việt Nam trong một bài viết nói rằng, vụ bắn chết hai viên chức nhà nước cao cấp tại tỉnh Yên Bái vừa qua là một ví dụ điển hình đáng lo ngại cho thấy các cuộc tranh chấp quyền lực có thể làm bùng nổ bạo động.
Ông này cho rằng cần phải mở các cuộc đối thoại giữa các cán bộ lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam và các nhà tranh đấu trong hoà bình trong nội bộ đảng cũng như nhân dân trong nước, kể cả hải ngoại.
Ông Chu Hảo cũng nhận định rằng tầng lớp ủng hộ các đảng phái đối lập và các tổ chức xã hội dân sự hiện nay chưa đủ mạnh để tạo ảnh hưởng đối với chính quyền. Nhưng sẽ khó tránh nguy cơ xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát như vụ nổ súng mới đây tại tỉnh Yên Bái, nếu nhà cầm quyền CSVN không chủ động mở các cuộc đối thoại để đáp ứng đòi hỏi của họ.
Vụ tấn công tại Yên Bái vừa qua gây chấn động trên dư luận xã hội. Hiện tượng này được số đông dư luận xem như là hậu quả của một cuộc tranh giành quyền lực và đấu đá trong nội bộ, liên quan đến tham nhũng tại địa phương.
Có lẽ vì quá chán ghét giới lãnh đạo CSVN hiện nay, nên đa số cư dân mạng đã bày tỏ sự hoan nghênh đối với hành vi giết người của nghi can.
Ông Chu Hảo nói rằng sự kiện nói trên là dấu hiệu của mối đe doạ sự bất ổn xã hội và chính trị, vì người dân nổi giận, bắt đầu phản ứng trước nạn tham nhũng, và không còn chút niềm tin nào đối với những người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền.
Ông Chu Hảo hiện là giám đốc Nhà Xuất Bản Trí Thức đặt văn phòng tại Hà Nội, đã phát hành nhiều cuốn sách dịch thuật kinh điển về chính trị, triết học, văn hoá, xã hội và tôn giáo.
Nói đến vấn đề đối thoại, một ý kiến khác là nhà báo Phạm Chí Dũng phỏng đoán có thể đến cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018, khi CSVN phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện về phá sản kinh tế, vỡ nợ ngân sách, phản kháng xã hội bùng nổ và có thể cả một cuộc tấn công vừa phải của Trung Cộng, thì giới quan chức lãnh đạo CSVN mới ngó ngàng đến việc đối thoại với một số tổ chức xã hội dân sự độc lập.
Song Châu / SBTN
Cục trưởng chống tham nhũng
đòi điều tra tài sản nữ trưởng phòng Sở Xây Dựng Thanh Hóa
Sau khi trên mạng có tin đồn về mối liên hệ ngoại tình giữa Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến với một nữ trưởng phòng thuộc Sở Xây Dựng tỉnh Thanh Hóa, người đứng đầu Cục Chống Tham Nhũng thuộc Thanh Tra Chính Phủ Cộng Sản Việt Nam nói rằng cần điều tra về khối tài sản được cho là “kếch xù” của người phụ nữ này.
Truyền thông trong nước hôm Thứ Tư 21/09 dẫn lời ông Phạm Trọng Đạt, cục trưởng Cục Chống Tham Nhũng, cho biết Thanh Tra Chính Phủ cũng sẽ khuyến cáo tỉnh Thanh Hóa tự xem xét nội vụ.
Trong cuộc phỏng vấn với báo Dân Việt, ông Đạt nói rằng mọi quan chức cấp trưởng phòng đương nhiên phải kê khai tài sản hàng năm, cho nên người phụ nữ vừa kể nhất định phải kê khai tài sản, và tỉnh Thanh Hóa cần phải xác minh.
Cuối tuần qua, mạng xã hội lan truyền một bài viết kèm theo nhiều hình ảnh nói về mối quan hệ tình cảm giữa ông Trịnh Văn Chiến và nữ Trưởng phòng nhà và Bất động sản Sở Xây dựng Thanh Hóa – Trần Quỳnh Anh
Theo thông tin này, Trương Quỳnh Anh sở hữu rất nhiều biệt thự sang trọng ở khu đô thị Bình Minh, khu du lịch FLC Sầm Sơn trong tỉnh Thanh Hóa, quận Thanh Xuân của Hà Nội, một quần thể sân tennis ở Đồng Chiệc thuộc thành phố Thanh Hóa, và nhiều xe hơi hạng sang.
Thông tin trên mạng xã hội còn cho biết do có quan hệ tình ái với ông Trịnh Văn Chiến, người đã có vợ, Trần Quỳnh Anh từ một nhân viên tạp vụ đã được đưa lên vị trí Trưởng phòng nhà và Bất động sản của Sở Xây dựng và được cho nhiều tài sản. Một nguồn tin còn cho biết dự kiến, cô sẽ được nhậm chức Phó giám đốc Sở Xây dựng trước khi hạ sinh cháu thứ hai với ông Chiến cuối năm nay.
Sau khi thông tin tràn lan trên mạng, ông Trịnh Văn Chiến đã lên tiếng với báo chí trong nước, xác định thông tin vừa kể là vu khống, bịa đặt. Ông Chiến là quan chức thứ hai của chế độ CSVN trong vòng vài ngày phải lên tiếng trước công luận về các cáo buộc trên mạng xã hội, một việc cho đến nay rất hiếm khi xảy ra.
Trước đó, có thông tin trên mạng nói nhiều người thân của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh giữ những vị trí chủ chốt trong các cơ quan của tỉnh. Ông Vinh đã không bác bỏ toàn bộ các thông tin này, nhưng quả quyết với báo chí rằng các vụ bổ nhiệm cho người thân của ông đã diễn ra “đúng quy trình”.
Huy Lam / SBTN
Giám đốc bệnh viện Phú Quốc biến xe cấp cứu thành xe tư
Sau khi gỡ bỏ băng ca xe cứu thương, một giám đốc bệnh viện ở đảo Phú Quốc đã lắp thêm ghế ngồi, biến chiếc xe cứu thương của bệnh viện thành xe riêng của mình.
Báo mạng VnExpress đưa tin, Sở Y Tế tỉnh Kiên Giang hôm Thứ Ba 20/09 ra quyết định kỷ luật ông Nguyễn Đức Phát, giám đốc Bệnh Viện Đa Khoa huyện Phú Quốc, chỉ bằng hình thức “khiển trách”, trong khi có nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Theo kết luận điều tra, Bệnh viện Đa khoa huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được Bộ Y Tế CSVN cấp một chiếc xe cứu thương. Giám đốc Nguyễn Đức Phát đã tự ý gỡ bỏ phần băng ca của chiếc xe cứu thương rồi lắp thêm ghế, biến chiếc xe cứu thương thành một chiếc xe 7 chỗ ngồi để cho riêng ông sử dụng đi làm và đi học.
Ngoài ra, ông giám đốc bệnh viện còn bị cáo buộc khai chi phí đổ xăng cho chiếc xe này tới hơn 1,000 lít xăng từ năm 2013 đến tháng 6 năm 2015.
Cùng thời gian này, ông Phát bị cho là có nhiều sai phạm trong việc mua sắm các vật liệu, hoá chất xét nghiệm hết hơn 4.5 tỷ đồng, tương đương 200,000 Mỹ kim. Ông cũng bị tố giác là không sử dụng nhu liệu miễn phí của các công ty trong tỉnh cung cấp, mà đặt mua các nhu liệu quản trị và máy điện toán cho các khoa trong bệnh viện, hết 400 triệu đồng, tương đương gần 18,000 Mỹ kim.
Mặc dù có những sai phạm kể trên, nhưng tháng 6 vừa qua, ông Phát chỉ bị kỷ luật với hình thức khiển trách về mặt Đảng và chính quyền nhưng vẫn được bổ nhiệm lại chức danh Giám đốc bệnh viện.
Giới hữu trách tỉnh Kiên Giang cho hay họ đang xem xét lại quy trình tái bổ nhiệm đối với ông Phát, khi ông này có quá nhiều sai phạm từ nhiệm kỳ trước.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/giam-doc-benh-vien-phu-quoc-bien-xe-cap-cuu-thanh-xe-tu.html