Bộ Y tế Việt Nam nói hải sản miền Trung chưa hoàn toàn an toàn
Báo chí Việt Nam cho hay hôm 20/9, 3 bộ là Y tế, Tài nguyên và Môi trường, và Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói một số loại hải sản ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình vẫn có chất phenol, có thể không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Tại một cuộc họp với báo chí, 3 bộ đã công bố kết quả xét nghiệm hơn 1.300 mẫu hải sản thuộc 4 vùng biển đã gánh chịu thảm họa môi trường do hãng Formosa ở Hà Tĩnh gây ra, và 3 vùng biển của các tỉnh không bị ảnh hưởng để so sánh.
Bộ Y tế cho biết đã xét nghiệm các hải sản gồm tôm, ghẹ, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý ven biển 4 tỉnh bị ảnh hưởng là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Trong số hơn 1.000 mẫu, có hơn 130 mẫu cho thấy có phenol.
Bộ nói tỉ lệ mẫu nhiễm cao nhất là ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, còn thấp nhất ở biển Lăng Cô – Thừa Thiên Huế. Theo báo chí Việt Nam, bộ đề nghị không sử dụng các loại hải sản nói trên sống trong vòng 20 hải lý.
Đối với các loại hải sản khác, Bộ Y tế khẳng định nhiều loại cá trong đó có cá ngừ, cá thu, cá nục, cá chỉ vàng, cá trích, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, cũng như hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đều an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Bộ nói không có mẫu nào ở tầng nổi phát hiện có phenol.
Nhận xét về việc công bố kết quả này, Kỹ sư Đào Nhật Đình ở Hà Nội, người có 27 năm kinh nghiệm về môi trường công nghiệp, nói với VOA:
“Kết quả này nó không rõ ràng và cũng không dễ hiểu. Thứ nhất là người ta đưa ra kết quả là có phenol ở trong một trăm bao nhiêu mẫu trên 1000 mẫu đấy. Như thế nào là có phenol thì là chuyện khác, bởi vì trong mọi vật chất bằng hữu cơ sống quanh ta đây thì cái nào cũng có phenol cả. Do đó không có khái niệm ‘có phenol và không có phenol’. Cái thứ hai là khu vực ấy cũng là một vạch ở dọc biển, nhưng mà nó không đưa ra những mẫu cụ thể ở khu vực nào nó bị nhiễm ở tầng đáy. Những loài vật đấy nó ăn ở tầng đáy hay là bắt được ở tầng đáy, thì cái đó cũng không rõ ràng”.
Sau khi tin tức về kết quả xét nghiệm được công bố, trên mạng xã hội một số nhà báo và người dân viết rằng với tư cách là người tiêu dùng bình thường, họ rất khó có thể phân biệt được hải sản nào sống trong vùng 20 hải lý. Nhiều người cũng băn khoăn về mức độ độc của chất phenol. Kỹ sư Đình nói rõ hơn về chất này:
“Tôi giải thích đơn giản là trong rượu whisky, có lẽ người Mỹ giàu có lẽ uống hàng ngày, còn tôi chỉ thỉnh thoảng mới uống, thì cái mức phenol của nó từ 0,5 miligram cho đến 80 miligram trên một lít rượu. Mà chúng ta không ai gọi đấy là chất độc cả. Thì nó phụ thuộc vào cái liều lượng mà anh tiêu thụ. Do đó, Bộ Y tế không đưa ra một kết quả nào thì tôi cũng không thể bình luận được nó độc hay không độc ạ”.
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, Bộ Y tế nói bộ đã phối hợp với các chuyên gia nước ngoài để kiểm chứng kết quả tại các phòng xét nghiệm ở một số nước như Nhật Bản, Canada, và Singapore. Bộ nói kết quả của các phòng xét nghiệm nước ngoài “cho thấy sự đồng nhất về kết quả kiểm nghiệm hải sản Việt Nam”.
Nhưng do bộ không công bố các số liệu cụ thể nên cũng dẫn đến nhiều thắc mắc trong công chúng về mức độ đáng tin cậy của lời khẳng định của bộ. Về điều này, ông Đình nhận định:
“Tôi nghĩ là trong tay Bộ Y tế có kết quả cụ thể, chính xác, có thể đối chiếu với phòng thí nghiệm của Nhật hay của Canada, Singapore. Điều ấy ngày nay cũng không khó lắm. Nhưng có thể đấy là những kết quả nó ở dưới. Còn kết quả cụ thể vượt là vượt bao nhiêu thì họ lại không nói, nên tôi không thể bình luận là họ thực tế có làm việc với Singapore và với Nhật Bản để tham chiếu chéo không”.
Tại cuộc họp với báo chí hôm 20/9, Bộ Y tế cũng thông báo tất cả các loại hải sản tại 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh đối chứng đều không phát hiện mẫu nào có Xyanua – chất được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra cá chết hàng loại. Các chỉ số: thuỷ ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt trong hải sản ở 7 tỉnh trên đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn theo quy định.
Tuy nhiên, Kỹ sư Đình và những người có chuyên môn về hóa chất và môi trường cho rằng sự không rõ ràng của Bộ Y tế và nhà chức trách khác về chất phenol vẫn làm người dân lo ngại về hải sản, điều này tiếp tục ảnh hưởng xấu đến sinh kế của những người đánh bắt và buôn bán hải sản.
Về môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ thảm họa môi trường đã giảm theo thời gian. Chất lượng môi trường nước biển tại tất cả các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định Việt Nam, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thuỷ sản và bảo tồn thuỷ sinh. – VOA