Tin Việt Nam – Thứ Tư 29/1/2014
1. Hai ngân hàng bị hại ‘sẽ kháng kiện’
2. Sau Vietinbank, sắp tới phiên Agribank?
3. VietJetAir sắp ký hợp đồng mua 62 chiếc Airbus
1. Hai ngân hàng bị hại ‘sẽ kháng kiện’
Hai ngân hàng bị hại trong vụ Huyền Như, ngân hàng ACB và Navibank, nói sẽ kháng kiện phán quyết của tòa trong đó gạt bỏ trách nhiệm của VietinBank.
Trong phiên sơ thẩm kết thúc hôm thứ Hai 27/1, Hội đồng xét xử kết luận rằng VietinBank không hay biết về hành vi phạm pháp của Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên cán bộ ngân hàng, và do vậy không phải chịu trách nhiệm.
Tòa án cũng yêu cầu Huyền Như hoàn trả số tiền gần 4,000 tỷ đồng mà bà bị buộc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời tuyên án chung thân cho bà.
Trong số các ngân hàng bị hại có ba ngân hàng, và đại diện cho hai trong số đó là Ngân hàng Thương mại Á châu (ACB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank) tuyên bố sẽ kháng cáo.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm đại diện Navibank, nói hôm 28/1 rằng Navibank “không chấp nhận quyết định của tòa bác yêu cầu đòi VietinBank phải trả tiền gửi của Navibank. Ông Nghiêm nói trong vòng 15 ngày đơn kháng kiện sẽ được gửi để ra tòa phúc thẩm.
Ông cũng cảnh báo vụ Huyền Như sẽ gây giảm sút lòng tin nghiêm trọng vào hệ thống ngân hàng nhà nước vì “VietinBank là ngân hàng vốn nhà nước”, cũng như gây hoài nghi về nền tư pháp.
Tương tự, luật sư Lê Thanh Hải đại diện cho ACB cũng được báo trong nước dẫn lời nói “sẽ kháng cáo bản án”. Báo Lao Động dẫn lời ông Hải nói: “ACB khẳng định hợp đồng gửi tiền của ACB là hợp đồng thật, chữ ký thật, con dấu thật, tiền của ACB đã được chuyển hợp pháp vào VietinBank; VietinBank đã hạch toán tài sản của VietinBank”.
“Nếu VietinBank quản lý tiền gửi của khách hàng một cách chặt chẽ, an toàn thì Huyền Như không thể chiếm đoạt được.” Luật sư Hải khẳng định: “Trách nhiệm của VietinBank là rõ ràng, hiển nhiên”.
Quan ngại của ACB, theo luật sư Hải, là với tư cách một ngân hàng, “ACB lo lắng niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng sẽ mất đi”. Về phần mình, luật sư Bùi Quang Nghiêm nói: “Tuy hy vọng mỏng manh, nhưng chúng tôi vẫn phải kháng kiện.”
Danh sách bị hại trong vụ Huyền Như bao gồm 9 tổ chức, 3 ngân hàng và 3 cá nhân, số tiền bị chiếm đoạt gần 4,000 tỷ đồng, khoảng 200 triệu đôla. – theo BBC
2. Sau Vietinbank, sắp tới phiên Agribank?
Agribank GỬI gần 424,000 tỷ đồng, 14 tỷ đôla và 829 triệu Euro tại các tổ chức tín dụng khác trái quy định. Agribank cũng NHẬN tiền gửi 52,384 tỷ đồng, 357 triệu đôla và 16 triệu Euro của các TCTD khác trái quy định.
Báo cáo kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho thấy, dù Luật về các tổ chức tín dụng, từ ngày 1/1/2011 không có nghiệp vụ gửi tiền và nhận tiền gửi giữa các tổ chức tín dụng, nhưng năm 2011, Agribank vẫn thực hiện gửi tiền và nhận tiền gửi có kỳ hạn với các tổ chức tín dụng khác.
Cụ thể Agribank gửi 423,943 tỷ đồng, 14 tỷ đôla, 829 triệu Euro tại các tổ chức tín dụng khác. Nhận tiền gửi 52,384 tỷ đồng, 357 triệu đôla và 16 triệu Euro. Trong các giao dịch trên có 19 giao dịch gửi tiền và nhận tiền gửi đối ứng cùng giá trị, kỳ hạn, lãi suất giữa Sở giao dịch với 5 tổ chức tín dụng khác với tổng giá trị 25,200 tỷ đồng và 100 triệu đôla.
Các giao dịch này thực chất là lách quy định về tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng, làm tăng “giả tạo” tổng tài sản trên báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch.
Mặt khác, Agribank còn thực hiện giao dịch gửi tiền, cho vay đối với các tổ chức tín dụng khác, thời hạn 3-5 năm trong khi nguồn vốn cho vay không được xác định thời hạn, làm giảm chức năng dự trữ thanh khoản của nguồn vốn. Cuối 2009, Agribank đã phải vay Ngân Hàng Nhà Nước 5,000 tỷ đồng để xử lý mất cân đối.
Về chấn chỉnh, khắc phục khuyết điểm vi phạm của Agribank trong quá trình thanh tra về giao dịch gửi tiền, cho vay đối với tổ chức tín dụng khác, đến nay, theo Thanh tra Chính phủ, Agribank mới hoàn tất thanh toán trước thời hạn 50 triệu USD với Ngân hàng Liên Việt. – theo Cafef/Trí Thức Trẻ
3. VietJetAir sắp ký hợp đồng mua 62 chiếc Airbus
VietJetAir, công ty hàng không tư nhân hàng đầu của Việt Nam, sẽ chính thức ký kết hợp đồng mua 62 chiếc máy bay Airbus, với khả năng mua thêm 30 chiếc nữa. Tổng giám đốc công ty – Lưu Đức Khanh – cho AFP biết như trên ngày 29/01/2014.
Vào tháng 9/2013, hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam đã cùng với tập đoàn Airbus ký kết bản ghi nhớ mua 62 máy bay Airbus A320 – trong đó có kiểu mới A320Neo tiết kiệm nhiên liệu hơn – với giá tham khảo là 6,1 tỉ đô la. Hợp đồng này cũng kèm theo khả năng có thể mua bổ sung thêm 30 chiếc.
Theo Lưu Đức Khanh, hợp đồng mua “62 máy bay, cộng khả năng để ngỏ mua thêm 30 chiếc bổ sung” sẽ được ký kết nhân hội chợ hàng không Singapore vào tháng tới. Ông không nói cụ thể về kiểu máy bay đặt mua.
Phó giám đốc Airbus phụ trách châu Á, ông Jean-François Laval hồi tháng Chín cho biết bản ghi nhớ ký với VietJetAir có trị giá tổng cộng 9.1 tỉ đô la. Đây là giá tham khảo theo catalogue, vì trên thực tế khách hàng thường được giảm giá đáng kể.
Hãng hàng không VietJetAir hiện có 8 chiếc A320 đang hoạt động theo hợp đồng thuê, và năm ngoái vừa được hãng cho thuê máy bay AWAS của Mỹ giao thêm chiếc thứ 9.
VietJetAir khởi đầu hoạt động từ năm 2011, hiện là công ty hàng không tư nhân hàng đầu của Việt Nam bay 11 tuyến quốc nội lẫn đường bay quốc tế đến Bangkok. Tổng giám đốc Lưu Đức Khanh hồi tháng Chín cho biết ý định phát triển tại thị trường trong nước lẫn nước ngoài, chủ yếu đến các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo VietnamNet, hãng VietJetAir đã thành công trong việc chiếm được 25% thị trường Việt Nam về hành khách, so với 16% của năm 2012, lấn dần thị phần của tập đoàn quốc doanh Vietnam Airlines.
Tuy chinh phục được thị trường quốc nội, nhưng các nhà phân tích cho rằng VietJetAir sẽ phải đối đầu với sự cạnh tranh gay gắt trong phân khúc hàng không giá rẻ tại Đông Nam Á, trước các hãng Air Asia của Malaysia, Lion Air của Indonesia, Tiger Airways của Singapore và Jetstar của Úc. – theo RFI