Chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’ của TBT Trọng sẽ đi đến đâu?
Nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh. |
Lê Anh Hùng
14/09/2016
Sau hơn một tháng “biến mất” đầy bí ẩn, ngày 6/9 vừa qua, cựu Phó Chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh bất ngờ xuất hiện trở lại trên truyền thông khi chủ động gọi điện cho phóng viên báo Thanh Niên biết là giữa tháng 7/2016 ông ta đã ký đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang xin ra khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đến ngày 29/8 thì ký đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy xin ra khỏi Đảng.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang lại cho biết là mãi đến ngày 8/9, họ mới nhận được văn bản giải trình của ông Trịnh Xuân Thanh, trong đó ông ta có đề đạt “nguyện vọng” xin ra khỏi Đảng.
Những thông tin trái chiều trên khiến dư luận bàn tán xôn xao, đặc biệt là trong bối cảnh thời gian qua đã xuất hiện những đồn đoán về khả năng ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt, để rồi bây giờ thiên hạ lại rộ lên nghi vấn là ông ta đang ở nước ngoài.
Vụ Trịnh Xuân Thanh từng được không ít người coi là phát pháo hiệu mở màn cho chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lấy “cảm hứng” từ những gì đang diễn ra ở Trung Quốc dưới “triều đại” Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, những diễn biến liên quan đến Trịnh Xuân Thanh thời gian qua và nhất là vụ làm đơn “xin ra khỏi Đảng” mới đây của ông ta lại khiến người ta không khỏi phải đặt ra câu hỏi: Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đi đến đâu?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần đánh giá “quyết tâm” của TBT Nguyễn Phú Trọng cũng như bối cảnh diễn ra “chiến dịch” nói trên.
‘Quyết tâm’ của Tổng Bí thư
Ngày 9/6/2016, lần đầu tiên, ông Nguyễn Phú Trọng lên tiếng chỉ đạo kiểm tra, kết luận vụ xe tư nhân gắn biển xanh ở Hậu Giang cũng như những “di sản” của Phó Chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.
Đến ngày 18/7/2016, Văn phòng Trung ương Đảng lại có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng về các công việc cần làm tiếp sau khi có Thông báo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh.
Một vụ việc mà đích thân người đứng đầu Đảng CSVN phải hai lần công khai chỉ đạo thì theo lẽ thường quyết tâm của ông ta hẳn phải cao lắm. Ấy vậy nhưng, điều đó lại chỉ đánh lừa được những ai quá cả tin.
Trong cuộc tiếp xúc với cử tri ngày 6/8/2016, TBT Nguyễn Phú Trọng đã cho thiên hạ thấy “quyết tâm” của mình cao đến mức nào khi phát biểu: “Những vụ như Trịnh Xuân Thanh, phải làm chắc chắn, thận trọng, hiệu quả, đồng thời giữ cho được ổn định để phát triển đất nước.” Và bằng chứng cho yêu cầu “chắc chắn, thận trọng, hiệu quả” và “ổn định” đó của ông TBT là việc Uỷ ban Kiểm tra Trung ương bắt đầu làm việc tại Bộ Công Thương để “làm rõ về một số vấn đề trong quá trình bổ nhiệm nhân sự dưới thời nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng” từ ngày 10/8/2016, với thời gian kiểm tra dự kiến là… 60 ngày. Chỉ mỗi một việc làm rõ một số vấn đề trong quá trình bổ nhiệm nhân sự, với trọng tâm là vụ luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, mà thời gian làm việc kéo dài tới 2 tháng thì xem ra phải gọi mục đích chính của cuộc kiểm tra là “câu giờ” mới đúng. Và vì thế việc xử lý Trịnh Xuân Thanh cùng các cá nhân liên quan khó có thể được coi là mục đích chính của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” do ông TBT phát động.
Dường như quá “sốt ruột” với cung cách làm việc của kẻ đang chủ trương “xử lý” mình nên, theo những gì mà báo chí cả “lề đảng” lẫn “lề dân” đăng tải, ông cựu Phó Chủ tịch Hậu Giang đã gửi đơn “xin ra khỏi Đảng” rồi chuồn ra nước ngoài rồi ung dung, trước khi lên tiếng trên truyền thông nhà nước, công khai thách thức ông TBT cũng như cả hệ thống chính trị.
Mục đích của ông Nguyễn Phú Trọng
Từ đầu tháng 4/2016, đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Miền Trung đã trở thành chủ đề thời sự đặc biệt, thu hút sự quan tâm của không chỉ hầu như mọi người dân Việt Nam trong và ngoài nước mà cả cộng đồng quốc tế.
Đằng sau sự cố chấn động nhân tâm này có trách nhiệm của nhiều cá nhân và tổ chức. Song, như chúng tôi đã chỉ ra trong bài “Thảm hoạ Formosa Hà Tĩnh: tội ác mang tên Nguyễn Phú Trọng” trên VOA ngày 18/8/2016, với tư cách Chủ tịch Quốc hội khoá XII rồi Tổng Bí thư khoá XI và XII, ông Nguyễn Phú Trọng chính là người phải chịu trách nhiệm cao nhất. Đó là lý do khiến ông ta đã không hề hé răng lấy nửa lời về thảm hoạ môi trường thế kỷ này suốt mấy tháng liền, kể cả khi ông ta vào thăm và làm việc tại Hà Tĩnh rồi đến Kỳ Anh để “kiểm tra tiến độ” dự án Formosa Hà Tĩnh ngày 22/4/2016.
Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” “theo cách Nguyễn Phú Trọng” ra đời trong bối cảnh đó, nên không có gì khó hiểu khi ông ta và bộ sậu thân tín luôn tìm cách thu hút sự chú ý của dư luận về vụ việc hầu mong vớt vát uy tín cá nhân sau thảm hoạ Formosa Hà Tĩnh.
Rốt cuộc, Trịnh Xuân Thanh tuy chỉ là “võ sỹ hạng ruồi”, nhưng đằng sau ông ta lại là những “tên tuổi” như Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Công Thương), Tô Huy Rứa (Trưởng ban Tổ chức Trung ương khoá XI), và đặc biệt là hai ông trùm khét tiếng Hoàng Trung Hải (cựu Phó Thủ tướng gốc Tàu, đương kim Bí thư Thành uỷ Hà Nội) và Nguyễn Tấn Dũng (cựu Thủ tướng Chính phủ khoá XII và XIII). Đụng đến bầy hổ đó thì làm sao có thể “giữ cho được ổn định để phát triển đất nước” như mong muốn của ông Nguyễn Phú Trọng được.
Chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phê chuẩn cho “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải, “cha đẻ” của Formosa Hà Tĩnh, làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế vào ngày 2/8/2007, rồi đưa ông ta vào Bộ Chính trị trước khi trở thành Bí thư Thành uỷ Hà Nội sau Đại hội XII vừa qua.
Chưa hết, trước thềm Đại hội XI của Đảng hồi đầu năm 2011, để đánh bại ứng cử viên sáng giá nhất lúc bấy giờ là Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Phú Trọng đã bắt tay với liên minh ma quỷ Hoàng Trung Hải – Nguyễn Tấn Dũng – Nông Đức Mạnh, những kẻ bị tố cáo những tội ác khủng khiếp suốt từ năm 2008 mà vẫn chưa được giải quyết. Nghĩa là giữa họ đã có những “bí mật” và “giao kèo” mà nếu lộ ra thì ông Nguyễn Phú Trọng không thể tiếp tục yên vị trên chiếc ghế Tổng Bí thư. Ông ta bất lực trước sự tác oai tác quái của các nhóm lợi ích – đến mức phải mếu máo khi đọc diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khoá XI – là vì thế. Và nếu không có sự đạo diễn và hiệp sức mang tính quyết định của một vài thế lực hùng mạnh khác, đặc biệt là (cựu) Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, thì còn lâu ông ta mới đủ sức đánh bại được Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội XII vừa qua.
Tóm lại, mục đích của ông Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, theo cách gọi vừa kỳ vọng vừa châm biếm của công chúng Việt Nam, là hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi đại thảm hoạ Formosa mà ông ta là người phải chịu trách nhiệm cao nhất, đồng thời cố bôi phết thứ son phấn rẻ tiền lên khuôn mặt ngày càng già nua và hắc ám của cá nhân ông ta nói riêng và Đảng CSVN nói chung.
Thật không may cho ông Giáo sư Tiến sỹ chuyên ngành “xây dựng đảng”, ngay cả một “võ sỹ hạng ruồi” như Trịnh Xuân Thanh trước khi “cao chạy xa bay” cũng đã kịp giáng vào mặt ông ta những đòn choáng váng. Việc Ban Bí thư (buộc phải) họp và bỏ phiếu “khai trừ Đảng” đối với Trịnh Xuân Thanh hôm 9/9 vừa qua sau khi đối tượng đã gửi đơn xin ra khỏi Đảng lại càng khiến hình ảnh người đứng đầu Đảng CSVN thêm phần thảm hại dưới mắt công chúng.
Chưa biết ông Nguyễn Phú Trọng có kịp trấn tỉnh và lấy lại sinh khí để kiểm soát tình hình sau vụ việc vừa qua hay không, nhưng chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” do ông ta phát động thì coi như đã phá sản rồi, ngay cả khi ông ta có tóm được Trịnh Xuân Thanh đi chăng nữa. Đây là kết cục không khiến bất kỳ ai tỉnh táo phải ngạc nhiên. Nó chỉ diễn ra quá sớm so với mong muốn và trù liệu của ông Nguyễn Phú Trọng mà thôi.