Tại sao các chương trình nghị sự của G-20 lại lạc đề?
Tác giả: Valentin Schmid, Epoch Times | Theo Dịch giả: Long V – 11 Tháng Chín , 2016
Phân tích Tin tức
Tăng trưởng toàn diện, năng lượng xanh, tăng cường thương mại, và sự chuyển trọng điểm từ việc quản lý khủng hoảng tài chính sang lập kế hoạch dài hạn – đó là những mục tiêu chính thức của G-20 họp năm 2016 tại Hàng Châu, TC.
Và sẽ không phải là thật tuyệt sao nếu như các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới đột ngột đổi đề tài khi họ họp vào ngày 4-5 tháng 9, quên đi những vấn đề khổng lồ về kinh tế, và tập trung vào một tương lai thịnh vượng?
Nhưng thực tế không như thế và có những động chạm rất lớn bên dưới bề mặt, đặc biệt là liên quan đến quốc gia tổ chức. Ngoài tình hình địa chính trị rất lộn xộn ở Biển Nam Trung Hoa, TC phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước.
Cả phương Tây lẫn TC đều không biết làm thế nào để đối phó với sản lượng dư thừa của TC và các vấn đề về nợ mà không làm hỏng cả nền thương mại thế giới và toàn cầu hóa, chưa nói đến việc thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và năng lượng xanh.
“Trung Quốc tức giận với hầu hết mọi nước vào lúc này”, một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh nói với báo The Fiscal Times. “Đó là một bãi mìn cho Trung Quốc”.
Ảnh hưởng toàn cầu
Mặc dù hệ thống tài chính của TC là khá khép kín, nhưng sự tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia, như Brazil và Australia, phụ thuộc vào mức tiêu thụ hàng hóa khổng lồ của TC. Các quốc gia khác như Hoa Kỳ, tuy không phải là phụ thuộc sống còn vào dòng vốn TC đổ vào, nhưng đã quen thuộc với việc bán trái phiếu kho bạc và bất động sản New York để mua hàng hóa giá rẻ của TC.
Lý tưởng nhất, là phương Tây sẽ khuyến khích TC trong nhiệm vụ chính thức của mình để cải cách và tái cân bằng nền kinh tế để chuyển từ nền kinh tế sản xuất hàng xuất khẩu và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trở thành một nền kinh tế hướng về dịch vụ và tiêu thụ nhiều hơn.
Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ và của hầu hết châu Âu với TC sẽ giảm. Người tiêu dùng Trung Hoa sẽ có thêm thu nhập để tiêu thụ trong nước, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ phương Tây thay vì sản vật.
Nếu có một ngày tiền tệ TC sụt giá 20%, hệ thống tài chính thế giới sẽ sụp đổ. -Hugh Hendry, quản lý danh mục đầu tư chính, quản lý tài sản Eclectica
“Những cải cách cơ cấu cần thiết sẽ làm cho TC trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Tất cả các nền kinh tế khác sẽ được hưởng lợi”, nhà kinh tế độc lập Andy Xie đã viết trong tờ South China Morning Post.
Các nhà lãnh đạo TC và phương tiện truyền thông nhà nước đã nhiều lần nhấn mạnh là họ chưa đạt được mục tiêu này. “Những gì được lên kế hoạch không phải chỉ là một sự chữa cháy tạm thời: Chính phủ nước tôi đã chống lại cám dỗ của việc nới lỏng định lượng và của việc giảm giá đồng tiền cạnh tranh. Thay vào đó, chúng tôi chọn cải cách cơ cấu”, Tân Hoa Xã dẫn lời Thủ tướng Lý Khắc Cường, cho biết nước này không có kế hoạch B.
Lãnh đạo quốc gia Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách trong một cuộc họp của Nhóm lãnh đạo Trung ương vì tăng cường cải cách toàn bộ (Central Leading Group for Deepening Overall Reform). “Trung quốc cần tập trung nhiều hơn vào cải cách hệ thống kinh tế và cải thiện các cơ chế cơ bản hỗ trợ cho quá trình cải tổ”, Tân Hoa Xã đã viết về một tuyên bố được công bố bởi nhóm này.
Tuy nhiên, TC đã không hoàn toàn làm đúng theo những cải cách, việc này sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn ngắn hạn, và chính quyền địa phương không được chuẩn bị để giải quyết cho các công nhân có việc làm không ổn định. Tới 6 triệu người sẽ mất việc làm vì chương trình tái cân bằng, và tỷ lệ thất nghiệp chính thức có thể lên tới 12,9%, theo một báo cáo của công ty nghiên cứu Fathom Consulting.
Ví dụ, tỉnh Hà Bắc lẽ ra phải đóng cửa, giảm sản xuất 18,4 triệu tấn thép trong năm 2016. Nhưng đến cuối tháng 7, nơi này chỉ mới đóng cửa giảm 1,9 triệu tấn, theo Goldman Sachs.
Các nền kinh tế Australia, Brazil, Nga và Nam Phi – những nước xuất khẩu hàng hóa chính yếu – đang phát triển chậm lại do sức nhập khẩu của TC đã sụp đổ, giảm 14,2 % chỉ trong năm 2015, theo Tổ chức Thương mại Thế giới. Trong năm 2015, nhập khẩu hàng hóa thế giới giảm 12,4 %, trong khi xuất khẩu hàng hóa thế giới giảm 13 %.
Việc thương mại thế giới sụp đổ này đã xảy ra ngay cả trước khi TC bắt đầu thực thi mục tiêu giảm sản lượng dư thừa của mình, tự do hóa tài khoản vốn, và thả nổi đồng tiền của mình.
Thay vào đó, TC đã và đang mua thời gian bằng cách đẩy mạnh tín dụng trong nền kinh tế và chi tiêu tín dụng này cho cơ sở hạ tầng đầu tư thông qua các công ty nhà nước và chính quyền địa phương, trong khi ngưng việc đầu tư vào các công ty tư nhân (private companies).
Vấn đề nợ
TC cũng đã yêu cầu các ngân hàng không nên đẩy các công ty thanh toán nợ trễ vào sự phá sản, mà thay vào đó nên chuyển số nợ của họ thành loại tín dụng tuần hoàn hoặc là chuyển nợ thành vốn cổ phần.
Câu hỏi thực sự cho phương Tây và TC là họ có thể chịu được bao nhiêu tổn thất trong ngắn hạn để đạt được mục tiêu cải cách của TC và đạt được sự tái cân bằng sang nền kinh tế người tiêu dùng.
“Để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính mà sẽ gây hại cho TC và thế giới, các chính phủ cần thắt chặt mức ràng buộc ngân sách, để cho một số công ty bị phá sản, ghi nhận các khoản lỗ (recognize the losses) trong hệ thống tài chính và tái cơ cấu vốn (recapitalize) các ngân hàng khi cần thiết. … Lịch sử cho thấy rằng việc giúp người lao động và cộng đồng thì tốt hơn là cố gắng giữ cho các công ty sống sót mà không có triển vọng thành công”, Viện Brookings phát biểu trong một bài báo về chủ đề này.
Tuy nhiên, những biện pháp đề xuất, mà về lâu dài sẽ tốt cho TC và thế giới, không thể xảy ra mà không làm xáo trộn hệ thống tài chính toàn cầu trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư tỷ phú Jim Rogers xác định chính xác các vấn đề chính trong một cuộc phỏng vấn với Real Vision TV: “Chắc chắn là tôi muốn thấy nhiều các tác nhân thị trường hơn ở khắp mọi nơi, kể cả ở TC. Nếu điều đó xảy ra, có thể bạn sẽ thấy giá trị của đồng tiền biến động mạnh hơn”.
Tuy nhiên, sẽ còn bất lợi hơn cho thương mại thế giới và hệ thống tài chính toàn cầu. Nếu TC muốn ghi nhận những những khoản lỗ mà họ đã tích lũy qua 15 năm phân bổ sai nguồn vốn, nước này sẽ phải tái cơ cấu vốn cho các ngân hàng đến khoảng 3 ngàn tỷ đô la Mỹ.
TC không thể làm điều này mà không có sự can thiệp nặng từ các ngân hàng trung ương, loại động thái mà Lý Khắc Cường muốn tránh. Ngược lại, người để dành tiền ở TC sẽ cố gắng để đưa tiền ra nước ngoài nhiều hơn nữa để bảo vệ sức mua cho tiền của họ.
Chỉ tính riêng trong năm 2015, TC mất 676 tỷ $ trong dòng vốn chảy ra nước ngoài, chủ yếu là do người dân và các công ty muốn đa dạng hóa danh mục tiết kiệm của họ, phần lớn số tiền tiết kiệm đó đã được giữ trong hệ thống ngân hàng TC.
Nếu như TC tái cơ cấu nợ doanh nghiệp và tái cơ cấu vốn các ngân hàng trên quy mô lớn, thì đồng tiền sẽ mất giá trị ít nhất 20 %, theo các chuyên gia.
Sự sụp đổ giao dịch
Bởi vì TC là một nước có ảnh hưởng lớn như vậy, với việc xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 4 nghìn tỷ đô la Mỹ trong năm 2015, một sự mất giá đồng tiền 20% của tiền TC sẽ phá hủy các cơ chế giá hiện tại cho các nước nhập khẩu và xuất khẩu trên thế giới – đảm bảo đó là một kịch bản hủy diệt chung.
“Thế giới vậy là xong. Đồng euro sụp đổ; đơn giản là không còn đồng euro trong kịch bản đó. Tất cả mọi thứ mất hiệu quả. Không có thế giới nếu như có ngày tiền Trung Quốc giảm giá trị 20 %. Thị phần của Trung quốc trong thương mại thế giới chưa bao giờ cao hơn… sản xuất toàn cầu sẽ bị tiêu hủy”, Hugh Hendry, trưởng quản lý danh mục đầu tư của Eclectica Asset Management, nói với Real Vision TV.
Đối với bản thân TC, là nước nhập khẩu ròng về nguồn cung cấp thực phẩm, sự mất giá đồng tiền sẽ làm cho các nhu yếu phẩm trở nên còn mắc hơn nữa đối với đại đa số người dân, tạo thêm tình trạng bất ổn xã hội bên cạnh các áp lực thất nghiệp.
Vì vậy, tình huống của TC là tiến thoái lưỡng nan. Ngay cả phương Tây sẽ không ủng hộ một kịch bản giảm giá tiền nhanh chóng và đau khổ, và cũng không phải đang ở tình thế tốt nhất để cung cấp nhiều giải pháp thay thế.
Các tùy chọn khác, có lẽ được thảo luận sau hậu trường G-20, là một “kịch bản Nhật Bản”. TC sẽ không ghi nhận các khoản nợ xấu, sẽ giữ cho các công ty “zombie” sống sót, và sẽ ngăn tiền chảy ra nước ngoài, không thực hiện chương trình cải cách đầy tham vọng của mình.
“Thay cho một sự điều chỉnh nhanh chóng, cách tiếp cận điều chỉnh dần dần sẽ để lại cho chúng ta hậu quả của một thời gian dài dư thừa sản lượng, những áp lực giảm lạm phát (disinflationary), và suy giảm tăng trưởng và lợi nhuận danh nghĩa (nominal growth and returns) trong nền kinh tế”, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley phát biểu trong một ghi chú.
TC, phương Tây và Nhật Bản có cùng một vấn đề nợ quá mức và không có cách nào thích hợp để thoát khỏi nó. Bằng việc không nói rõ những vấn đề thực tế và thay vào đó lại chọn các đề tài tốt đẹp, G-20 đã thừa nhận thất bại trong việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề này.