TC không tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày Mao qua đời – TC: Di sản cồng kềnh của Mao
Ngày 09/09/2016 là tròn 40 năm kể từ ngày Mao Trạch Đông qua đời. Nhưng ở TC, không một buổi lễ chính thức nào được tổ chức để tưởng niệm Mao. Đảng Cộng Sản Trung Hoa không muốn làm lu mờ hình ảnh của Mao, người vẫn đang được dân chúng tôn thờ. Tuy nhiên, hiện nay, đang có một cá nhân khác cũng được tôn thờ không kém gì Mao: đó là Tập Cận Bình.
Từ Thượng Hải, thông tín viên RFI Angélique Forget cho biết thêm chi tiết:
“Trước bảo tàng đảng Cộng Sản Trung Hoa – một công trình được xây theo phong cách truyền thống với gạch màu đỏ và màu ghi, Trương Thụy Hồ An đang chụp ảnh. Bà đã vào thăm và rất thích bảo tàng, nhất là khu vực trưng bày về Mao Trạch Đông. Bà Trương Thụy Hồ An nói: Ông ấy là một người vĩ đại. Tôi khâm phục ông ấy. Khắp nơi ở TC cũng như trên thế giới, mọi người phải làm giống tôi vậy.
Mặc dù nhiều ngàn người đã chết dưới thời Cách Mạng Văn Hóa, nhưng Mao Trạch Đông vẫn được nhiều người yêu thích. Trong khu phố cổ ở Thượng Hải, một khu du lịch, Dương Linh Lâm bán đủ mặt hàng mang dấu ấn của Mao. Cô nói: Hàng của tôi đáp ứng đủ mọi sở thích: tôi bán áo phông, các miếng dính nam châm, các bộ bài in hình khuôn mặt của Mao. Và tôi bán được rất nhiều.
Trên các kệ hàng của cửa hàng bên cạnh, người ta lại thấy khuôn mặt của một lãnh đạo chính trị khác, đó là Tập Cận Bình, chủ tịch đương nhiệm của TC. Trong số các mặt hàng được bầy bán, có những cuốn lịch khổ lớn màu đỏ in ảnh Tập Cận Bình và vợ. Người bán hàng nói: Thường thì, người ta mua lịch theo cặp: một cuốn treo trong phòng khách, còn một cuốn treo trong phòng ngủ. Đây là cặp vợ chồng được dân chúng yêu thích. Cũng giống Mao, Tập Cận Bình coi chủ nghĩa tôn thờ cá nhân là công cụ để thống trị.” – Theo RFI
***
Ngày 09/09/1976, Mao Trạch Đông qua đời. Ngày nay, 40 năm sau, di sản của nhân vật này vẫn còn đè nặng trên đời sống chính trị và xã hội TC. Trong một bài phân tích công bố ngày 08/09/2016, hãng tin Pháp AFP đánh giá: Đây quả là một di sản “cồng kềnh” đối với đảng Cộng Sản Trung Hoa, đi đâu cũng thấy, nhưng nói đến thì thật là khó.
Đối với AFP, tính chất cồng kềnh phải được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hình ảnh của Mao Trạch Đông được in trên những tờ giấy bạc mà người dân sử dụng hàng ngày, xác của ông thì vẫn còn ngự trị ngay tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh, dưới sự quan sát của một bức chân dung khổng lồ treo trên tường Cấm Thành nhìn ra quảng trường Thiên An Môn, lăng mộ của ông tại nơi này luôn luôn được các giới chức hay người dân tứ phương đến viếng.
Thế nhưng, theo giới phân tích, di sản mà Mao để lại vẫn là một vấn đề không dễ xử lý đối với đảng Cộng Sản Trung Hoa ngày nay, và đối với đương kim chủ tịch đảng là Tập Cận Bình.
Mao Trạch Đông = Lênin + Stalin
Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Frank Dikotter, chuyên gia về thời kỳ Mao Trạch Đông tại đại học Hồng Kông, nhận thấy rằng Mao vừa là một Lênin, vừa là một Stalin của đảng Cộng Sản Trung Hoa: “Như Lênin, Mao đã đưa đảng Cộng Sản lên nắm quyền và như Stalin, Mao đã phạm những tội ác chống nhân loại khủng khiếp”.
Với ước vọng là biến đất nước Trung Hoa thành một thiên đường xã hội chủ nghĩa, Mao đã không từ bỏ bất kỳ một hành vi thái quá nào để thực hiện ước mơ đó.
Đồng sáng lập đảng Cộng Sản Trung Hoa năm 1921, Mao nắm quyền 28 năm sau, sau khi đánh thắng Nhật và quân đội Tưởng Giới Thạch. Ngày 01/10/1949, Mao tuyên bố sự ra đời của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, ngay trước quảng trường Thiên An Môn.
Và cơn ác mộng đối với người Trung Hoa bắt đầu: Bị nỗi lo “phản cách mạng” ám ảnh, Mao đã ra lệnh tiến hành hàng loạt những vụ đàn áp, thanh trừng được cho là đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng.
Cộng thêm đó là những chính sách sai lầm như bước “Đại Nhảy Vọt” về kinh tế đã phá tan nền nông nghiệp và gây nên nạn đói cuối thập niên 1950 làm hàng chục triệu người chết. Cuộc “Cách Mạng Văn Hóa” sau đó (1966-1976) cũng đã để lại dấu ấn kinh hoàng trong xã hội Trung Hoa.
Tội ác tày trời nhưng chỉ là 30% sai so với 70% đúng
Thế nhưng, sau khi “Người Cầm Lái Vĩ Đại” qua đời, đảng Cộng Sản Trung Hoa đã nhanh chóng “tổng kết” quá trình Mao «cầm lái » con thuyền Trung Hoa trong một nghị quyết dài để đi đến kết luận : Mao là “một nhà Mác-xít lớn, một nhà cách mạng, một chiến lược gia và lý luận gia vĩ đại của giai cấp vô sản” nhưng cũng đã phạm phải một số “sai lầm thô thiển”.
Bản đánh giá nói trên thường được tóm tắt bằng công thức “70% đúng và 30% sai”, và theo sử gia Dikotter, quan điểm trên cho đến nay vẫn thế, cho dù Trung Hoa đã thay đổi rất nhiều từ sau những cải cách của Đặng Tiểu Bình để rồi trở nên cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới.
Đối với ông Dikotter, tại Trung Hoa, “không thể nào nói đến uy tín, hình ảnh, tiếng tăm của Mao mà không đụng đến nền tảng của đảng Cộng Sản Trung Hoa”.
Mất trí nhớ tập thể
Đặc biệt là từ thời đương kim chủ tịch TC Tập Cận Bình, được xem như lãnh đạo TC hùng mạnh nhất từ sau Mao Trạch Đông, chế độ Bắc Kinh còn tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo sao cho ai cũng phải nói giống nhau về Mao. Tập Cận Bình đã lên tiếng chống lại cả chủ thuyết phủ nhận lịch sử, lẫn chủ nghĩa tự do mới, điều được xem như là một lời cảnh cáo gián tiếp đối với những ai tôn sùng hoặc chỉ trích thời kỳ Mao.
Theo Wang Fei-Ling, chuyên gia về TC tại trường Georgia Institute of Technology, “hầu như có một sự mất trí nhớ mà chính quyền tạo nên liên quan đến tổng kết thực sự của thời kỳ Mao”.
Việc chỉ trích thẳng thừng Mao Trạch Đông hay thời kỳ Mao trị vì tại TC ngày nay là một điều rất nguy hiểm, một xướng ngôn viên đài truyền hình TC mới đây đã phải thôi việc chỉ vì trên một đoạn video nhân một buổi tối vui chơi với bạn bè anh đã hát một bài chế nhạo Mao.
Ngược lại thì ca ngợi thời Mao cũng là một cách để chỉ trích đường hướng tư bản mà kinh tế TC đang đi theo.
Jessica Chen Weiss, đại học Cornell, New York nhìn thấy là vào lúc này, từ người dân, cho đến giới nghệ sĩ, các nhà hoạt động xã hội tại TC, tất cả đều phải luồn lách tùy theo những giới hạn không rõ ràng của những gì được xem là “đúng đắn” về mặt chính trị.
Tuy nhiên di sản của Mao được cảm nhận tùy theo hoàng cảnh cá nhân, như phân tích của sử gia Jeff Wasserstrom: “Một công nhân thất nghiệp sẽ có xu hướng lý tưởng hóa thời kỳ Mao những năm 1950, xem nông dân như những “người chủ đất nước” và hứa hẹn một việc làm suốt đời cho những người như người công nhân này”.
Ngược lại thì những nạn nhân cuộc Cách Mạng Văn Hóa xem Mao như “một kẻ bị lão hóa có những quyết định sai lầm đưa TC vào hỗn loạn”.
Mạnh hơn cả chúa Giê-xu
Nhưng cũng có những người Trung Hoa thật sự tôn sùng Mao, xem ông như thánh thần. Một nữ giáo sư Trung Hoa về tư tưởng Mao Trạch Đông giải thích: “Không ai hoàn hảo cả. Cách Mạng Văn Hóa là một sai lầm phạm phải trên con đường đi đến chủ nghĩa xã hội với đặc thù Trung Quốc… Vào thời đó, ít ai được biết đến với hào quang như thế, ngay chúa Giê Xu cũng không bằng”.
Đối với ông Dikotter, mối liên hệ giữa những lãnh đạo TC hiện nay với Mao Trạch Đông mang tính nhận thức cá nhân hơn là trên sự tôn kính.
Đối với những người này, sự hỗn loạn thời kỳ Mao giống như là một “bí mật trong gia đình”. Phần đông lãnh đạo TC và gia đình của họ có dính dáng, hay dấn thân vào thời kỳ Mao, kể cả gia đình của Tập Cận Bình. Tất cả các thành phần trong Đảng đều không muốn có một đánh giá khách quan, phân tích thật sự của lịch sử.
Giáo sư Dikotter kết luận: “Vì quyền lợi của họ, chân dung của Mao phải nằm vững chắc ở quảng trường Thiên An Môn”. – Theo RFI