Văn minh công nghiệp sụp đổ trong 15 năm tới?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Văn minh công nghiệp sụp đổ trong 15 năm tới?
Bích chương giới thiệu bộ phim Demain/Ngày mai

RFI – Trọng Thành – Thứ tư, ngày 07 tháng chín năm 2016

Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, những hậu quả kinh hoàng và khó lường do Trái đất bị hâm nóng vì khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tốc độ diệt vong nhanh chóng của sinh giới, cũng như một loạt suy thoái môi trường ghê gớm khác là những thực tế khốc liệt ngày càng ít người không công nhận. Trái đất dường như sắp quá tải. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội đặt câu hỏi: Đâu là tương lai của nền văn minh công nghiệp, mô hình kinh tế trụ cột của nhân loại từ hơn hai thế kỷ nay ?

Về chủ đề này, chương trình tạp chí « C’est pas du vent » của RFI giới thiệu cuốn sách mới «Comment tout peut s’effondrer?» (Mọi thứ có thể sụp đổ như thế nào?) của hai nhà khoa học Pháp: Kỹ sư nông học Pablo Servigne, chuyên gia về nông nghiệp sinh thái và chuyển đổi hệ thống và nhà tư vấn kinh tế – sinh thái Raphael Stevens.

Cuốn «Comment tout peut s’effondrer?», dày 206 trang, được viết với một văn phong kể chuyện hóm hỉnh, đầy hình ảnh, nhẹ nhõm và khá dễ hiểu, với các đúc kết được chắt lọc từ rất nhiều nghiên cứu cơ bản về lĩnh vực hệ trọng này, có thể trở thành cuốn sách gối đầu giường đối với nhiều bạn đọc Pháp ngữ. Ngay cả khi không đồng quan điểm với các tác giả, đọc sách này ắt hẳn cũng mang lại nhiều điều bổ ích.

Cỗ xe sắp hết xăng, rời chính lộ

Để nói về nguy cơ tan vỡ của nền văn minh công nghiệp, các tác giả đưa ra hình ảnh «chiếc xe hơi». Vào đầu kỷ nguyên công nghiệp, chỉ một số ít quốc gia tham gia chuyến đi. Sau một giai đoạn khởi động từ từ, kể từ sau Thế chiến Hai, xe tăng tốc. Hiện nay, tốc độ xe đã lên đến cực điểm. Cho đến nay, hầu hết các nước trên thế giới đã có mặt trên xe. Sau một vài dấu hiệu động cơ gằn lại và tỏa khói, cây kim chỉ vận tốc run lên bần bật. Liệu xe tiếp tục bò lên? Xe khựng lại? Hay lao dốc? (chương 1).

Theo các tác giả cuốn «Mọi thứ có thể sụp đổ như thế nào?», chiếc xe chở nhân loại chúng ta đã rời khỏi trục đường chính, đang lao xuống thung lũng trên một lộ trình bất định, với đầy chướng ngại vật và tầm nhìn gần như bằng không. Một số hành khách trên chuyến xe hiểu rằng chiếc xe rất mong manh, nhưng người lái thì không nhận ra, và vẫn tiếp tục nhấn mạnh chân ga.

Theo hai nhà khoa học, một loạt các chỉ báo cho thấy khả năng tăng trưởng, được coi là «vô hạn» của nền kinh tế thế giới xét về mặt toán học, nay đều có thể nói đã «kịch trần»: về dân số, về GDP, về tiêu thụ các tài nguyên (nước, năng lượng…), sử dụng phân bón, khí thải gây hiệu ứng nhà kính…

Chiếc xe hơi chở các quốc gia công nghiệp đứng trước hai thách thức. Thứ nhất là động cơ của «chiếc xe hơi», tuy vẫn còn sung sức, nhưng lâm vào tình trạng «nhiên liệu» sắp cạn kiệt. Thứ hai là, tốc độ quá nhanh của xe khiến khả năng quan sát giảm mạnh và nguy cơ tai nạn gia tăng (chương 2).

Sau nhiều thế kỷ phát triển, chiếc xe hơi ngày càng hoàn thiện hơn, rộng rãi hơn, tiện nghi hơn, hiện đại hơn. Nhưng cái giá để trả cho «những thành tựu» này là quá lớn: Xe (dường như) đã bị cố định vào một hướng, chân ga bị cột lại, chỉ có thể tăng, chứ không thể giảm tốc. Việc điều chỉnh để thích nghi, tránh thảm họa, dường như là bất khả.

Trong phần một «Các dấu hiệu của sự sụp đổ», các tác giả nhấn mạnh một loạt yếu tố cho thấy nền kinh tế dựa trên năng lượng giá rẻ đang lùi vào quá khứ (1), trong khi hiệu suất của các năng lượng tái tạo mới được coi là không đủ. Mà một nền năng lượng giá rẻ chính là nền tảng của tăng trưởng. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính, tín dụng – liên hệ mật thiết với hệ thống khai thác năng lượng hóa thạch – cũng đang trong tình trạng hụt hơi.

Cần một môn khoa học về sự sụp đổ

Trái đất nóng lên, phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, các thiên tai diễn ra dồn dập, khó dự đoán hơn. Theo một nghiên cứu, được công bố trên tạp chí khoa học Nature năm 2009, được cập nhật năm 2015, có 9 ranh giới tuyệt đối cần thiết cho sự sống của con người trên hành tinh không thể bị xâm phạm. Mà, theo các tác giả cuốn sách về viễn cảnh sụp đổ, chỉ riêng việc xâm phạm các ngưỡng về Khí hậu và Đa dạng sinh thái đã đủ để đưa loài người vào thảm họa khôn lường (chương 3).

Tuy nhiên, theo các tác giả, mức độ «khủng hoảng» kinh tế-tài chính và khí hậu-sinh thái hết sức trầm trọng hiện nay đã không được giới cầm quyền chính trị và kinh tế nhận thức đúng mức. Viễn cảnh sụp đổ của toàn bộ nền văn minh công nghiệp và thậm chí của toàn bộ Hệ sinh thái – Hành tinh là điều còn ít người chấp nhận đối diện.

Ông Raphel Stevens tâm sự: «Chúng ta thiếu một môn khoa học về sự sụp đổ của ‘‘nền văn minh’’ của chúng ta, nền văn minh đương đại. Chúng tôi muốn xây dựng một môn khoa học liên ngành, tự trang bị cho mình những hiểu biết của nhiều bộ môn khoa học, để phân tích về những gì xảy ra với xã hội chúng ta ngày hôm nay. (…) Chúng tôi không lạc quan, cũng không bi quan, chúng tôi cũng không sáng tạo ra gì mới, mà chỉ tổng hợp lại các nghiên cứu khoa học từ ba, bốn, năm năm trở lại đây, khoảng 3.000 bài báo và 300 cuốn sách.

Có một khoảng cách rất lớn giữa các sản phẩm của giới khoa học và hiểu biết của công chúng bình thường, chúng tôi muốn lấp đầy khoảng trống này. Nỗ lực của chúng tôi là cập nhật các hiểu biết trong lĩnh vực sinh thái học».

Mô hình dự báo-dấu hiệu dự báo-trực cảm

Ông Raphel Stevens giới thiệu một công cụ quan trọng của môn khoa học về sự sụp đổ: «Đó là các mô hình ‘‘Meadow’’ (2), mô hình ‘‘Handy’’. Các mô hình không trực tiếp dự báo tương lai, mà là công cụ để hình dung khả năng chuyển hóa của hệ thống… Chúng ta có hai mô hình tuyệt vời. Theo mô hình Handy (Human And Nature DYnamical), sự bất bình đẳng xã hội, bất bình đẳng về kinh tế, là các nhân tố dẫn đến sụp đổ. Xã hội càng bất bình đẳng, sẽ càng sớm sụp đổ, và điều này là chắc chắn. Mà trong xã hội chúng ta hiện nay, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, và điều này rất nguy hiểm. Điều này khiến xã hội chúng ta trở nên rất mong manh.

(…) Mô hình Meadow, ra đời vào năm 1972, là một mô hình rất vững chắc. Sau hơn 40 năm tồn tại, mô hình này vẫn chưa bị bác bỏ. Dựa trên việc phân tích các cuộc khủng hoảng trước đây, mô hình Meadow dự báo nền văn minh công nghiệp (nhiệt năng) của chúng ta sẽ sụp đổ trong nửa đầu thế kỷ XXI. Căn cứ vào các biểu đồ trong cuốn sách này, có thể thấy chúng ta đang đứng bên bờ vực của tiến trình.

Sau khi phỏng vấn Dennis Meadow, đồng tác giả mô hình này, vào năm 2011, tôi đã rơi vào trạng thái trầm cảm trong suốt hai tháng. Đó là điểm khởi đầu cho quyết định đi vào nghiên cứu này của chúng tôi».

Về các công cụ của môn khoa học mới, Raphel Stevens đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của trực giác:

«Đối diện với những biến cố hoàn toàn không thể dự báo, ông Nassim Nicholas Taleb triết gia/cựu giao dịch tài chính (trader) gọi đó là ‘‘những con thiên nga đen’’ (cygnes noirs) hay các biến cố hiếm khi xảy ra. Đây là những gì chúng ta không thể nhìn thấy được, nhưng chúng để lại những dấu ấn trong lịch sử. Về chuyện này, khoa học về xác suất, thống kê bất lực. Vì vậy, chúng ta cần đến trực giác. Chúng tôi tự nhủ : Chúng ta hãy tin tưởng vào trực giác của mình!

Về hiện tại, theo trực giác của chúng tôi, nền văn minh của chúng ta sẽ sụp đổ trong khoảng từ năm 2020 đến 2030. Sau khi đọc tất cả những nghiên cứu nói trên, chúng tôi hoàn toàn không còn nghĩ rằng thời hạn của sự sụp đổ sẽ bắt đầu vào 2050 hay 2100. Tuy nhiên, không có chứng cứ nào để xác nhận điều này.

Một công cụ khác của ngành dự báo là các dấu hiệu cảnh báo. Các chuyên gia về những hệ thống phức tạp biết rằng, trước khi một hệ thống sụp đổ, ngay trước khi đó, có những tiếng ồn rất đặc hiệu, của sự sụp đổ sẽ xảy ra. Các nhà khoa học tìm cách xác định những tiếng động ấy, để dự báo. Cách làm này rất hiệu quả đối với các hệ sinh thái, nhưng đối với lĩnh vực tài chính thì chưa được hoàn bị. (…) Năm 2012, 24 nhà khoa học công bố trên tạp chí Nature một nghiên cứu về các dấu hiệu báo trước về sự sụp đổ của hệ sinh thái trên Trái đất».

Sự mù quáng của giới tinh hoa: Một nhân tố chính dẫn đến sụp đổ 

Trong lịch sự của loài người, đã có nhiều nền văn minh suy tàn hay sụp đổ hoàn toàn, nhưng cũng có một số tái khởi động được trở lại. Chuyên gia về mối quan hệ giữa các xã hội con người và môi trường tự nhiên Mỹ Jared Diamond, tác giả cuốn sách nổi tiếng «Sự sụp đổ» (Collapse: How Societies Choose to Fail or Survive), cố gắng rút ra các bài học về sự sụp đổ từ các nền văn minh cổ đại (chương 9).

Theo ông, cho dù môi trường sinh thái thường là nhân tố quan trọng, đặc biệt trong sự lụi tàn của nhiều nền văn minh, như của người Maya châu Mỹ (thế kỷ IX), người Viking châu Âu (thế kỷ XI), nhân tố chung luôn có mặt trong mọi trường hợp sụp đổ, đó là bình diện «xã hội chính trị». Jared Diamond nhấn mạnh đến sự mù quáng của giới tinh hoa, như là một nhân tố chính dẫn đến sụp đổ. Các xã hội đã đưa ra những quyết định sai lầm trong bối cảnh khủng hoảng, do thiếu khả năng dự đoán.

Về lý do vì sao con người khó nhận ra, khó thừa nhận các thảm họa, cho dù không thiếu thông tin các tác giả đặc biệt chú ý đến những lý giải của nhà triết học Clive Hamilton (3) (chương 10). Trong đó một thực tế phổ biến, đó là ý thức của con người – kết quả của quá trình tiến hóa tự nhiên – vốn không được trang bị để nhận thức “các nguy hiểm mang tính hệ thống và dài hạn”, mà thiên về “đối phó với các đe dọa trực tiếp”. Người ta thường nêu ví dụ về con ếch chịu chết bỏng trong nồi nước mà không nhảy ra để minh họa cho hiện tượng này. (Chưa kể đến các tuyên truyền bóp méo sự thực, mà nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng là những người góp phần [4]).

Dự báo sụp đổ không đồng nghĩa với bi quan, tạp chí xin khép lại với một chia sẻ nhiều hy vọng của ông Pablo Servigne, chuyên gia về tính chất dẻo dai của các hệ thống xã hội – sinh thái:

«Chúng ta có những người nhận thức được vấn đề này, có những người không. Trong số những người hiểu ra, có người có được niềm tin, có người không tin.

Những người hiểu ra và có niềm tin, số này không nhiều, nhưng tôi tin rằng họ chuyển sang hành động. Chúng ta gọi họ là những người ‘‘transitionneur’’, những người tham gia vào quá trình chuyển hóa (hệ thống). Đó là những người ý thức được rằng một hệ thống như chúng ta biết đang sụp đổ, và một hệ thống mới đang nẩy sinh (5). 

Điều rất quan trọng là cùng lúc nhận ra : Cái chết (của hệ thống cũ) và sự sinh thành (của cái mới) đang song hành diễn ra. Ngay từ đầu, cho dù không ý thức được hoàn toàn, khi nói đến sự sụp đổ, chúng tôi đã gợi ra cái thế giới đang sinh thành này.

Đây là một cơ hội để nhận ra những rào khóa ngăn cản chúng ta đi đến được một thế giới tốt đẹp hơn. Vì thế, sự sụp đổ có thể coi như một cơ hội, như một sự cởi trói rộng khắp. Để mô tả điều này, tôi sử dụng hình cái cây cổ thụ trong rừng. Cây sồi khổng lồ – xã hội công nghiệp của chúng ta – sụp đổ, chính nhờ sự sụp đổ đó, mà những mầm cây bên dưới có thể vươn lên tìm đến ánh sáng».

Hàng triệu mầm non đang trỗi dậy

Nhà sinh thái học Pháp nhấn mạnh: «Chỉ cần mang lấy cặp kính với cái nhìn dự báo về sụp đổ, có thể thấy khắp nơi trên thế giới hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu những mầm non đang trỗi dậy, từ các sáng kiến nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp cộng sinh với thiên nhiên, đến nền kinh tế – đoàn kết, các đồng tiền địa phương… Chỉ cần xem bộ phim tài liệu ‘‘Demain/Ngày mai’’ (6), cùng với cuốn sách giới thiệu về phim, đã nhận được sự hưởng ứng như thế nào của công chúng, có thể thấy rất nhiều mầm non, đầy sáng tạo, đầy nhiệt huyết. Thực sự là một phong trào toàn cầu, thực sự mang lại niềm phấn khích.

Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh là, điều đó không có nghĩa là phong trào đã thành công.

Điều cơ bản, được thể hiện rất rõ trong cuốn sách là, cho dù có những mầm non như vậy, sự sụp đổ là chắc chắn.

Những mầm non như vậy không phải là các giải pháp. Đó là những con đường cần phải theo, để có thể chống chèo nhằm vượt qua quá trình sụp đổ. Sự sụp đổ là không thể tránh khỏi. Chính bởi vì chấp nhận thực tại sụp đổ, mà chúng ta đến được với những mầm non ấy, nâng niu chúng, tài trợ cho chúng, nhân rộng chúng ra (7). Để đi về phía trước».

***

Được ấn hành năm 2015, không lâu trước Thượng đỉnh COP 21 về khí hậu tại Paris, cuốn “Mọi thứ có thể sụp đổ như thế nào?” đã vang lên như một lời báo động vô cùng khẩn thiết.

Toàn thể các quốc gia trên hành tinh rốt cục đã tìm được một đồng thuận tối thiểu về nguyên tắc, để cùng nhau hướng đến một thế giới nhiệt độ không tăng quá 2°C, thậm chí dưới 1,5°C. Nhưng vấn đề là : Liệu các cam kết về nguyên tắc nói trên trong lĩnh vực này, cũng như các lĩnh vực cơ bản khác, có chuyển được thành hành động đủ nhanh và đủ mạnh, để kịp thời giảm thiểu những hậu quả tàn khốc do phát triển mù quáng bất chấp môi trường – sinh thái, trước khi những thay đổi đạt đến cái ngưỡng không thể vãn hồi?

____

(1) Nếu như, vào đầu thế kỷ XX, khai thác dầu mỏ mang lại siêu lợi nhuận (trung bình bỏ một lãi 100), thì hiện nay hiệu suất đầu tư năng lượng giảm xuống chỉ còn 1 : 10 đến 1 : 20 đối với dầu mỏ quy ước, và 1 : 2 và 1 : 4 đối với dầu cát, hay 1 : 5 đối với dầu đá phiến. Ngoại trừ thủy điện (đã phát triển gần tới ngưỡng, và không kể đến các tác hại ghê gớm về môi trường), nhiều loại hình được coi là tái tạo khác cũng phải cần rất nhiều sự hỗ trợ của chính các loại năng lượng hóa thạch và hiệu suất cũng không cao. Từ 1 : 2,5 đối với năng lượng mặt trời, đến 1 : 18 với năng lượng gió (với những tính chất bất lợi của loại hình năng lượng này, như không ổn định và khó tích trữ) (trang 35).

(2) Mô hình Meadow trong “Báo cáo của câu lạc bộ Roma” (được công bố năm 1972), dự đoán nền văn minh công nghiệp sẽ sụp đổ vào khoảng từ 2015 đến 2025. Báo cáo Roma đưa ra nhiều khuyến cáo để ngăn ngừa viễn cảnh này. Theo mô hình Meadow, được cập nhật năm 2004, còn một chút cơ may cho khả năng thoát khỏi sụp đổ, với ba điều kiện :

a – Dân số tối đa là 7,5 tỷ năm 2040 (giảm 0,5 tỷ so với dự kiến) ; b – ổn định phát triển công nghiệp ở mức chỉ tăng 10% so với năm 2000, và phân phối công bằng các thành tựu phát triển ; c – giảm mức độ suy thoái của đất đai, cùng lúc với tăng hiệu suất nông nghiệp.

(3) Trong cuốn « Requiem for a Species: Why We Resist the Truth about Climate Change/Chuông nguyện hồn chúng sinh: Vì sao chúng ta chối bỏ sự thật về biến đổi khí hậu».

(4) Chiến lược xóa tan những nghi ngờ về tính độc hại đã các ngành công nghiệp thuốc lá, a-mi-ăng, thuốc trừ sâu…. áp dụng thành công trong suốt nhiều thập kỷ. Trước COP 21 tại Paris, rất nhiều thượng đỉnh về khí hậu đã rơi vào thất bại một phần cũng do các tuyên truyền reo rắc hoài nghi, được nhiều nhà khoa học tiếp tay.

(5) Đối lập với những «Transitionneur» là những người «Survivaliste/Prepper», chủ trương thân ai nấy lo. Bộ phim Úc nổi tiếng Mad Max, của đạo diễn George Miller, mô tả cuộc chiến tàn khốc của ngày tận thế với cuộc đại khủng hoảng dầu mỏ.

(6) Bộ phim Demain, với tiểu tựa ‘‘Un nouveau monde en marche/Một thế giới mới đang ra đời’’, được phát hành tại 27 quốc gia. Riêng tại Pháp, phim thu hút hơn 1 triệu khán giả, một hiện tượng hiếm có với phim tài liệu.

(7) Các tác giả cuốn sách đặc biệt chú ý đến đóng góp của Phong trào đô thị chuyển hóa – Transition towns, khởi sự từ thị trấn Totnes nước Anh năm 2006, với nhà nông học Rob Hopskin, nay đã lan tỏa ra hàng chục quốc gia.

Các nhạc phẩm giới thiệu trong tạp chí

* Khúc dạo đầu vở nhạc kịch rock « Le monde est stone/Một thế giới chai cứng». Soạn nhạc : Michel Berger (1978)
* Ca khúc «Objectif Terre » (Hành tinh khóc) của Ridan (2007)
* Ca khúc «Merci ma planète/Xin cảm ơn Trái Đất » của Dominique Dimey (2008)