Obama hối tiếc Mỹ ném bom ở Lào

Cac Bai Khac

No sub-categories

Obama hối tiếc Mỹ ném bom ở Lào

Tổng thống Hoa Kỳ nói về “bổn phận đạo đức” vì cuộc ném bom lớn nhất lịch sử tại Lào nhưng không xin lỗi.

Những trái bom, như một người Lào nhớ lại, “rơi như mưa”, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho biết khi thăm Lào, chuyến thăm đầu của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm.

“Xét về lịch sử của chúng tôi ở đây, tôi tin rằng Hoa Kỳ có một bổn phận đạo đức để giúp Lào lành vết thương,” ông nói.

Ông dẫn chiếu tới những đợt ném bom bí mật và hủy diệt lớn của Mỹ tại Lào trong Chiến tranh Việt Nam trong thập niên 1960 và 1970.

Khoảng 90 triệu USD sẽ được chi trong hơn ba năm để gỡ bỏ bom chùm và vật chưa nổ khác.

Trong 20 năm qua Mỹ chỉ chi 100 triệu USD cho hoạt động này.

Tuy nhiên ông Obama đã không nói lời xin lỗi cho hoạt động ném bom.

Vào hôm thứ Ba, Tổng thống Obama mô tả Lào là quốc gia bị ném bom nặng nề nhất trong lịch sử.

Trung bình cứ mỗi phút có tám trái bom được thả xuống trong Chiến tranh Việt Nam trong khoảng từ 1964 tới 1973 – nhiều hơn số bom dùng trong cả Thế chiến Hai.

Mỹ tiến hành 580,344 phi vụ ném bom ở Lào, thả 260 triệu trái bom – tương đương với 2 triệu tấn bom đạn, với nhiều mục tiêu tại nam và bắc nước này trong nỗ lực cô lập lính Cộng sản Bắc Việt.

Hầu hết các thiết bị này là bom chùm sát thương cá nhân. Người ta ước tính có khoảng 30% tổng số bom này không phát nổ.

Mười trong số 18 tỉnh của Lào được mô tả là “bị ô nhiễm bom nghiêm trọng” vì có nhiều thiết bị chưa nổ.

Các tổ chức rà phá bom mìn ước tính khoảng 288 triệu bom chùm và khoảng 75 triệu bom chưa nổ nằm rải rác ở Lào sau khi chiến tranh kết thúc.

Bom chùm được thả từ trên không và tiếp đất ở diện rộng và rất khó xác định.

Các loại bom này là mối đe dọa lớn với dân thường, đặc biệt là trẻ em vì trông giống đồ chơi, trong nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc.

Công ước về Bom chùm, được 108 quốc gia phê chuẩn trừ Hoa Kỳ, cấm tàng trữ, sử dụng và chuyển giao hầu như tất cả bom chùm hiện có, và tạo điều kiện rà phá bom mìn chưa chưa nổ.

Lào nhiều khả năng yêu cầu mở rộng các cam kết của công ước này nhằm xử lý bom mìn chưa nổ khi các quốc gia thành viên Công ước nhóm họp vào lần tới là tháng 8 năm 2020. – BBC