Lái phụ cầm lái vụ chìm phà Nam Hàn
Theo BBC – 04:40 GMT – thứ sáu, 18 tháng 4, 2014
Các điều tra viên thảm họa chìm phà ở Nam Hàn nói thời điểm tàu chìm, một trong các lái phụ đang cầm lái chứ không phải thuyền trưởng.
Hiện chưa rõ nguyên nhân lật phà, nhưng các chuyên gia cho rằng nó có thể đâm phải đá ngầm hoặc chuyển hướng quá đột ngột, gây mất cân bằng bên trên.
Hoạt động tìm kiếm những người sống sót đang gặp nhiều trở ngại do thời tiết xấu, nước đục và chảy xiết.
Các lực lượng ứng cứu khẩn cấp cho biết tính đến nay, 25 người bị xác nhận là đã thiệt mạng và 271 người khác vẫn mất tích sau khi con tàu chở 475 hành khách bị lật úp hôm 16/4.
Nhà chức trách nói 179 người đã được giải cứu. Hầu hết các hành khách là học sinh từ cùng một trường trung học.
Tổng thống Hàn Quốc đã thị sát hiện trường vụ chìm tàu và kêu gọi các nhân viên cứu hộ hành động “khẩn trương”.
Bà Park Geun-hye nói thời gian đang ngày càng ít đi và mỗi phút, mỗi giây đều cực kỳ quan trọng.
Hãng thông tấn Yonhap của Nam Hàn trước đó cho biết một người mang quốc tịch Nga và hai người Trung Quốc nằm trong số những người mất tích.
‘Vô cùng hổ thẹn’
Các thợ lặn hải quân đang phải vật lộn với gió mạnh và dòng nước chảy xiết nhưng cho đến nay vẫn chưa thể tiến vào khoang tàu nào, chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Tây của lực lượng tuần duyên Nam Hàn, ông Kim Soo-hyun, cho biết.
Trong buổi họp báo ngày 17/4, ông Kim cũng cho hay các nhà điều tra đang làm rõ thông tin nói chiếc phà đã đi lệch khỏi lộ trình được định sẵn.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân nào đã khiến con tàu nghiêng hẳn sang một bên và sau đó lật úp, chỉ chừa lại một phần nhỏ của thân tàu trên mặt nước, tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng có thể nó đã va phải chướng ngại vật dưới nước.
Thân nhân của các hành khách cũng tỏ ra nghi ngờ về vai trò của thuyền trưởng chiếc phà, người đang bị cảnh sát chất vấn.
Trong thông điệp được phát trên sóng truyền hình, thuyền trưởng Lee Joon-seok nói: “Tôi thực sự xin lỗi và cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Tôi không biết phải nói gì hơn.”
Nhiều tin nói ông này là một trong những người đầu tiên rời bỏ tàu.
Các tàu tuần duyên và hải quân đã phải sử dụng đèn pha và pháo sáng để duy trì hoạt động tìm kiếm trong đêm.
Công tác tìm kiếm hiện đang có sự tham gia của hơn 500 thợ lặn, 171 tàu và 29 máy bay.
Tuy nhiên, những người thân của các hành khách trên tàu đang tụ tập trên đảo Jindo, gần nơi xảy ra vụ tai nạn, cho rằng nỗ lực hiện nay cần được đẩy mạnh hơn nữa. Những người này cũng bày tỏ sự đau buồn và giận dữ đối với bất kỳ ai chịu lắng nghe.
“Đưa con tôi ra khỏi đó! Dù nó còn sống hay đã chết,” một người bố hét lên nhiều lần trước mặt giới chức địa phương.
Nước chảy xiết
Con tàu, có tên là Sewol, đã khởi hành từ cảng Incheon ở phía tây bắc để đến đảo nghỉ mát Jeju nằm ở phía nam.
Hãng thông tấn Yonhap cho biết nằm trong số những người thiệt mạng là một học sinh 17 tuổi, một giáo viên 25 tuổi và một thành viên nữ 22 tuổi của thủy thủ đoàn. Danh tính của các nạn nhân khác vẫn chưa rõ ràng.
Con tàu hiện đang chìm 30 mét dưới mặt nước.
“Chúng tôi đã triển khai tìm kiếm dưới nước năm lần, từ giữa đêm cho đến sáng sớm, nhưng nước đục và chảy xiết hiện đang là những thách thức rất lớn,” ông Kang Byung-kyu, Bộ trưởng An ninh và Hành chính công, cho biết.
Trong khi đó, người đứng đầu lực lượng tuần duyên đã bác bỏ các tin nói ba thợ lặn đã bị nước cuốn trôi và phải được giải cứu.
Một số nhà chức trách thừa nhận những hành khách còn lại khó có khả năng sống sót.
“Thật lòng mà nói, tôi nghĩ khả năng tìm thấy bất cứ ai còn sống gần như là con số 0,” một lãnh đạo tuần duyên nói với phóng viên AFP trên một tàu cứu hộ.
Hải quân Hoa Kỳ đã gửi tàu đổ bộ USS Bonhomme Richard để hỗ trợ cho công tác tìm kiếm.
Tàu cần trục dự kiến sẽ có mặt tại hiện trường vụ tai nạn trong ngày 18/4.
‘La hét và chen lấn’
Chiếc phà đã gửi tín hiệu cầu cứu vào lúc 9:00 sáng giờ địa phương, tức 7:00 sáng giờ Hà Nội, khi đang ở vị trí cách đảo Byungpoong khoảng 20km, trước khi chìm hai tiếng sau đó, các nguồn tin cho biết.
Khoảng 325 hành khách trên tàu là học sinh từ trường trung học Danwon ở thành phố Ansan, gần thủ đô Seoul, đang trên đường đi dã ngoại ở đảo Jeju cùng với 15 giáo viên.
Những vụ tai nạn trên biển nghiêm trọng của Hàn Quốc
- 1970: Chìm tàu chở khách Namyoung khiến 323 người thiệt mạng
- 1993: Chìm Phà Seohae khiến 292 người thiệt mạng
- 2007: Chìm tàu chở hàng Eastern Bright khiến 14 thủy thủ mất tích
- 2009: Chìm tàu chở hàng Orchid Pia sau một vụ va chạm khiến 16 thủy thủ mất tích
Những người sống sót nói họ nghe thấy một tiếng va chạm lớn, trước khi con tàu bắt đầu rung chuyển và nghiêng sang một bên.
Một số hành khách đã kịp nhảy xuống biển với áo phao trên mình và bơi đến gần các tàu cứu hộ và tàu thương mại ở gần đó.
Tuy nhiên một số người sống sót cho biết họ đã được thủy thủ đoàn yêu cầu không dịch chuyển.
“Chúng tôi đã đợi 30-40 phút sau khi được thủy thủ đoàn yêu cầu không dịch chuyển,” một học sinh được hãng thông tấn AFP dẫn lời nói.
“Sau đó mọi thứ nghiêng sang một bên, khiến mọi người bắt đầu la hét và chen lấn nhau để thoát ra ngoài,” học sinh này nói thêm.
Koo Bon-hee, một hành khách 36 tuổi, nói với hãng thông tấn AP rằng hoạt động cứu hộ đã “không được làm tốt”.
“Nếu mọi người nhảy xuống nước … Họ có thể vẫn còn sống. Nhưng chúng tôi lại được yêu cầu không rời khỏi tàu.”
Hàng chục người trong số những hành khách được giải cứu mang thương tích trên mình, nhà chức trách cho biết.
Một số người bị kẹt trên tàu đã kịp gửi tin nhắn đến người thân.
“Bố, đừng lo. Con đang mặc áo phao và con đang ở cạnh các bạn nữ khác. Chúng con vẫn còn bên trong tàu, ở khu vực hành lang” một nữ sinh nói với bố, thông tấn AFP đưa tin.
Tuy nhiên, trong một tin nhắn sau đó, nữ sinh này cho biết cô không thể thoát ra ngoài.
“Tàu bị nghiêng quá nhiều. Hành lang chật kín người.”
Mặc dù vậy, nhà chức trách không cho rằng những tin nhắn với nội dung về cảnh tượng trên tàu được gửi đi gần đây là từ những người còn kẹt bên trong.
Ông Kim Young-boong, đại diện từ công ty sở hữu chiếc phà, đã lên tiếng xin lỗi.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ sự đồng cảm đối với các nạn nhân và gia đình của họ. Chính phủ Nhật cũng ngỏ ý hỗ trợ Nam Hàn trong công tác tìm kiếm – động thái thể hiện thiện chí hiếm có giữa hai nước láng giềng lâu nay vẫn có nhiều căng thẳng.
Trong một cuộc họp báo hôm 17/4, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã ngỏ lời “chia buồn sâu sắc” đến gia đình các nạn nhân và khẳng định Hoa Kỳ sẽ luôn sát cánh cùng Nam Hàn.
Các nhà quan sát cho biết đây có thể là vụ tai nạn trên biển nghiêm trọng nhất của Hàn Quốc trong hơn 20 năm qua.