Các vấn đề Tân Cương – Ngụy Kinh Sinh (Người dịch: Lê Minh Nguyên)

Cac Bai Khac

No sub-categories

Các vấn đề Tân Cương – Ngụy Kinh Sinh (Người dịch: Lê Minh Nguyên)

I. Những khái niệm khác nhau về người Duy Ngô Nhĩ, độc lập của Tân Cương, và khủng bố.
Người Duy Ngô Nhĩ, phong trào độc lập Tân Cương, và những nguời khủng bố là ba khái niệm hoàn toàn khác nhau, nhưng thường bị nhầm lẫn bởi một số người. Các cuộc tấn công khủng bố gần đây tại Côn Minh chiếm gần phân nửa số tin tức và phương tiện truyền thông trực tuyến ở Trung Quốc. Hơn 90% nội dung không phân biệt rõ ràng giữa 3 khái niệm và mối quan hệ của nó, và đã đưa đến sự dẫn dắt cực kỳ nguy hiểm trong dư luận ở Trung Quốc. Hầu hết các cuộc diệt chủng trong lịch sử được thực hiện theo sự dẫn dắt của loại quan điểm thiên vị này.

Người Duy Ngô Nhĩ là một sắc tộc, giống như chúng ta người sắc tộc Hán Trung Hoa. Họ làm việc siêng năng, và hy vọng sẽ sống một cuộc sống gia đình giàu có và hạnh phúc. Tại sao họ lại muốn ghét dân tộc Hán? Điều đó không có ý nghĩa. Có phải một số người Hán Trung Hoa không quen với lối sống của người Duy Ngô Nhĩ, giá trị văn hoá của họ?, và thậm chí cả mùi hôi cơ thể do ăn thịt cừu, và cả đến những câu chuyện diễu cợt về họ. Có một số phim hài nổi tiếng đem sự khác biệt về phong cách sống, chẳng hạn như ăn thịt cừu nướng và âm giọng, làm thành trò đùa. Trong khi đó, con nguời chúng ta không phải giống nhau và được đúc ra từ một cái khuôn.

Hơn nữa, không chỉ có các nhóm sắc tộc khác nhau, thậm chí có những người giữa các tỉnh cũng khác nhau và giữa các khu vực cũng khác nhau, và cung cách của những người cùng nhóm cũng khác nhau. Không bao giờ có những giọt nước giống nhau trong thế giới này, dù cho trong cùng một sắc tộc. Cho dù chúng ta là gì, nếu chúng ta muốn sống hòa thuận với nhau, chúng ta phải rộng luợng với nhau. Nhịp điệu hài hòa sẽ cao hơn khi nguời này tìm ra những điều tốt đẹp ở người khác, vì nó sẽ không chỉ làm cho chúng ta có thể sống hòa thuận với nhau, mà chính chúng ta còn có lợi ích lớn nhờ vào điều này.

Tôi ngưỡng mộ những nguời của thế hệ cũ ở Bắc Kinh. Như một thành phố cổ, Bắc Kinh là nơi sinh sống của các chủng tộc khác nhau từ khắp nơi trên thế giới. Người Bắc Kinh đã không chỉ học được sự rộng luợng về các tập quán và các nền văn hóa khác nhau, mà còn đặc biệt làm tốt trong việc tìm ra những ưu điểm của người khác. Ngay cả khi họ không thể tự học lấy những điều hay, thì ít ra họ thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt. Trong khi tôi còn là một công nhân, có những sư phụ già hỏi tôi: các vị đại lão Lạt Ma trong Đền Vĩnh Hòa làm trà bơ rất độc đáo, con có thể nào hỏi xem họ làm như thế nào để học và thỉnh thoảng pha để chúng ta thưởng thức được không? Tôi đã thực hiện cuộc tìm hiểu và biết được nó không dễ dàng, và tôi đã bỏ cuộc.

Có đủ các hạng người đến từ khắp nơi khác nhau của Trung Quốc, hoặc thậm chí các nơi khác nhau trên thế giới đến ở Bắc Kinh. Họ đã học được một nền văn hóa sống hài hòa với những người khác mình. Nó giống như văn hóa ở Hoa Kỳ hiện nay, với khả năng khoan dung, cũng như cảm nhận được những lợi ích của những nền văn hoá dị biệt. Thế thì từ đâu mà chúng ta lại lâm vào những xung đột sắc tộc hiện đại?

Chúng ta hãy bắt đầu từ một ví dụ thực tế. Trong khi tôi đang bị giam giữ tại nhà tù Thanh Hải, tôi nhận thấy một hiện tượng lạ. Các cán bộ Cộng sản gần như nhất trí phân biệt đối xử với các sắc tộc thiểu số, đến mức độ lố bịch. Ví dụ, họ coi bất cứ điều gì liên quan đến Tây Tạng là thấp kém hơn. Chó mastiff Tây Tạng mà bây giờ rất phổ biến ở Trung Quốc bị coi là dở, đến mức độ mà họ chỉ công nhận nếu loài chó này được phối giống với các giống chó khác của Trung Quốc. Vô lý nhất là họ đã không xem bơ bò yak như bơ mà nguời phương Tây thưởng thức: “Làm thế nào mà người Tây Tạng có thể có được loại thực phẩm cao cấp như vậy?” Vì vậy, khi tôi nói với họ rằng bơ từ bò Tây Tạng thực sự ngon hơn so với bơ thường, họ gần như cười vỡ bụng: “Cuối cùng chúng tôi tìm thấy một cơ hội để bác bỏ Ngụy Kinh Sinh!”

Chỉ sau khi họ ăn tối tại một nhà hàng phương Tây ở Tây Ninh (Xining) theo đề nghị của tôi, họ mới thực sự thừa nhận cả hai loại bơ đều ngon như nhau.

Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận ra loại hệ tư tưởng phân biệt đối xử này từ những người bình thường ở Trung Quốc. Nó từ đâu đến? Dần dần, tôi phát hiện ra rằng nó bắt đầu từ khi quân đội và cảnh sát Cộng sản vào các khu vực này. Chế độ cộng sản đã tẩy não bằng “tư tưởng tiên phong” học được từ Liên Xô cũ, mà Liên Xô đã dùng để đối xử với tất cả các sắc tộc của vùng Siberia và Viễn Đông, coi là man rợ, bao gồm cả nguời Trung Hoa và nguời Đại Hàn đã sống ở vùng Viễn Đông này.

Trong ý thức hệ của họ, những người này không phải là con người, qua khẩu hiệu “tiên phong vào khu vực không người”.

Sự đầu độc người dân ý thức hệ kỳ thị này được nuôi dưỡng và truyền bá từ thế hệ này sang thế hệ khác, và còn lây lan sang những người nhập cư mới. Những sắc tộc khác cảm nhận rõ sự phân biệt đối xử của người Hán Trung Hoa, đang chiếm những tầng lớp cao trong xã hội. Vì vậy, sự ghẻ lạnh sắc tộc phát triển thành xung đột sắc tộc, và dần dần phát triển thành thù hận. Cho dù có một số chính sách ưu đãi đối với đồng bào sắc tộc thiểu số, nhưng nó không bù đắp được thực tế của sự phân biệt đối xử và thiếu lòng tự trọng. Có thể nhiều người vẫn có sự nô lệ mạnh hay yếu, nhưng vẫn còn một số lượng lớn những người không chấp nhận sự đàn áp. Cũng giống như nguời Hán Trung Hoa của chúng ta, họ đã tổ chức thành các nhóm bí mật để kháng chiến. Lịch sử này là nguồn cội cho các nhóm tìm kiếm sự độc lập của Tân Cương.

Hơn một thập kỷ trước, những nhóm ủng hộ Tân Cương độc lập đã tổ chức thành công Hội nghị người Duy Ngô Nhĩ Thế giới. Mặc dù quan điểm của các nhóm khác nhau, họ vẫn thông qua được một số nghị quyết. Một trong những nghị quyết đó là không làm hại người dân vô tội và tránh xa chủ nghĩa khủng bố. Một nghị quyết khác, chủ truơng đoàn kết với tất cả các nhóm sắc tộc ở Tân Cương để đấu tranh cho độc lập, và từ chối sự phân biệt chủng tộc ngược lại. Hai nghị quyết này ngay lập tức nhận được lời khen ngợi từ người Hán Trung Hoa ở nước ngoài. Phong trào Độc lập Tân Cương đã đạt được nhiều sự đồng tình và ủng hộ, trong đó có cả nguời Hán Trung Hoa ở Tân Cương.

Rủi thay, những chính sách tốt này đã bị tan vỡ. Một số người đã được Taliban và nhóm dầu khí Ả Rập đào tạo và hỗ trợ, càng ngày càng rời xa hơn. Không chỉ là họ bị tẩy não bởi chủ nghĩa khủng bố, mà họ còn được huấn luyện cho chủ nghĩa khủng bố. Họ trở về Tân Cương để phát triển tổ chức và thực hiện cái gọi là Thánh Chiến Jihad. Trong quá khứ tôi đã không hoàn toàn hiểu chủ nghĩa khủng bố được dùng như thế nào. Tôi cứ luôn luôn nghĩ rằng nó là chiến thuật của kẻ hèn nhát: đâm và bắn lén từ một chỗ nấp, vì thiếu can đảm để chiến đấu mặt đối mặt.

Tôi đã bị sốc khi một trong những nhà lãnh đạo của phong trào Độc lập Tân Cương hỏi tôi trong riêng tư rằng liệu chủ nghĩa khủng bố có chỗ dùng hay không. Hóa ra là họ đã giữ niềm hy vọng về cách của những người khủng bố Palestine đã sử dụng để đuổi những người Do Thái địa phương. Họ nghĩ rằng chủ nghĩa khủng bố có thể xua đuổi người Hán Trung Hoa địa phương để làm cho họ được đa số, và sau đó họ có thể giành được độc lập thông qua đa số phiếu. Đây thực là một ý tưởng kinh hãi và rất ngu. Chỉ nguời điên mới có ý tưởng như vậy.

Chúng ta người Hán Trung Hoa không nên tiếp tục ở trên con tàu kỳ thị sắc tộc của chế độ Cộng sản và không nên đồng lõa với cái ác. Chúng ta cần phải có một sự phân biệt rõ ràng giữa người Duy Ngô Nhĩ bình thường và những kẻ khủng bố, và không nên dán nhãn Duy Ngô Nhĩ trên bất kỳ vấn nạn gì gặp phải. Nếu chúng ta không phân biệt giữa đúng và sai, sớm hay muộn, chế độ sẽ đẩy dân chúng vào thế phải nổi loạn, dẫn đến sự nhuộm máu của chiến tranh sắc tộc.

 

II. Ủng hộ phong trào độc lập, đấu tranh chống khủng bố, và chống đàn áp nhân dân bằng các phương tiện khủng bố và bạo lực

 

Tấn công khủng bố ở Côn Minh lại một lần nữa đã đặt vấn đề Tân Cương vào sự chú ý của mọi người. Có đủ các loại bày tỏ, và tất cả đều có lý do của nó. Ví dụ, vấn đề sắc tộc và vấn đề tôn giáo v.v… đều là mục tiêu. Ít nhất các vấn đề này là những lý do quan trọng làm tăng cường các cuộc xung đột sắc tộc.

Nhưng tôi muốn hỏi: xung đột sắc tộc đã luôn luôn tồn tại, tại sao nó lại không quá dữ dội trong quá khứ? Xung đột tôn giáo trong những năm 1960s và 1970s thậm chí còn tồi tệ hơn bây giờ, vậy thì tại sao những biểu hiện của các xung đột này không lan lây như bây giờ, và nhanh chóng kích hoạt các sự cố với quy mô quần chúng lớn? Có lẽ còn có các yếu tố khác quan trọng hơn mà nó không nhận được đầy đủ sự chú ý, hoặc thậm chí còn bị cố tình che dấu bởi chính quyền Trung Quốc.

Ví dụ, tham nhũng, áp bức, khoảng cách giàu nghèo, phân biệt đối xử trong công việc, và như vậy, thực sự không phải là vấn đề của những năm 1950s và 1960s, hoặc nếu là những vấn đề thì chúng tương đối nhỏ không gây quá nhiều bất bình cho người dân tại thời điểm đó. Tình hình ở Tân Cương thì cũng tương tự như những nơi khác trong nội địa Trung Quốc lúc bấy giờ, khi mọi người chỉ quan tâm đến đời sống và cải cách chế độ Cộng sản.

Có những người ủng hộ sự độc lập của Tân Cương lúc đó, chứ không phải chỉ mới nổi lên bây giờ. Hơn nữa, ít nhất có vài nhóm ủng hộ độc lập Tân Cương vào lúc đó được chính Đảng Cộng Sản nuôi dưỡng, và thậm chí họ tham gia vào chính quyền, quân đội và các tổ chức Đảng Cộng sản. Nhưng họ không gây ra bất kỳ biến động lớn nào, vì không có cơ sở quần chúng cho sự độc lập Tân Cương. Sự khởi xuớng bởi một vài người đã không dẫn đến một phong trào thực sự.

Tại sao bây giờ lại có cơ sở cho phong trào độc lập Tân Cương? Trong thực tế, nó có cùng tần số như những người bức xúc chống cộng khác trong nội địa Trung Quốc. Tham nhũng, bất công xã hội, sự bất bình đẳng, nhũng lạm trong ngành tư pháp v.v… là những nguyên nhân gốc rễ khơi dậy sự tức giận của người dân. Tác dụng tích tụ và chồng chất lên trên của những yếu tố này đã dẫn đến sự gia tăng của ý muốn chống lại chính quyền và tâm lý hận thù cán bộ, cùng giới giàu có trong nội địa Trung Quốc. Ở những vùng sắc tộc thiểu số, những vấn đề này có khuynh hướng hội tụ với những sự kỳ thị sắc tộc và tôn giáo đang ẩn tàng ở bên phía dưới, hậu quả là làm đùn đẩy các vấn đề sắc tộc và tôn giáo lên trên bề mặt.

Hơn nữa, trong các khu vực sắc tộc thiểu số, kết hợp những vấn đề này với các vấn đề sắc tộc và tôn giáo gần như là không thể tránh khỏi. Trong những vùng này, chẳng hạn như ở Tân Cương, có những lực lượng đòi độc lập và ly khai tôn giáo tồn tại và hoạt động từ nhiều năm trước. Trong một môi trường không có ánh sáng mặt trời và mưa, họ giống như những hạt giống vùi trong đất. Tuy nhiên, khi đến thời gian có môi trường thích hợp, sẽ ngay lập tức đâm chồi bắt rễ. Vì vậy, trong các khu vực sắc tộc thiểu số, tham nhũng và bất công của các quan chức, tất cả hầu như đều chảy về các vấn đề sắc tộc và tôn giáo.

Ví dụ như, ở phần phía nam của Tân Cương, tương đối nghèo và thiếu giáo dục, các lãnh tụ tôn giáo (Imam) được trọng vọng nhất. Trong thời kỳ phát triển mạnh các nhà thờ Hồi giáo của những năm 1980s, đương nhiên có những phần tử cực đoan tôn giáo cùng các thành viên muốn thúc đẩy đòi độc lập di chuyển vào. Họ sử dụng vị trí được trọng vọng này của tôn giáo để truyền bá hận thù sắc tộc và kỳ thị tôn giáo. Nhưng tôi nghĩ hiệu quả không cao và phong trào chỉ phát triển trong sự chuyển động chậm và có quy mô nhỏ. Đó là bởi vì không có xung đột xã hội quá nghiêm trọng. Quan hệ thân hữu và sự tin cậy giữa nhân dân được tích lũy qua nhiều năm cũng như truyền thống, không dễ bị phá hủy ngay lập tức và hoàn toàn.

Nhưng khi khoảng cách giữa người giàu và người nghèo gia tăng, các quan chức chính quyền ngày càng trở nên bất công thối nát, và tất cả các cấp của ngành tư pháp đã hoàn toàn trở thành tay sai cho người giàu và kẻ mạnh, người ta bắt đầu bị mịt mờ và rối loạn. Nguời ta đi tìm kiếm một lời giải thích hợp lý để lấy lại sự bình tĩnh của trạng thái tâm thần ở các nhà thờ Hồi giáo, bài học thường ngày của tất cả các tín đồ ngoan đạo. Một số người Duy Ngô Nhĩ có trình độ với mức văn hóa và giáo dục tương đối cao đã có những phân tích riêng của họ, và không nhất thiết lôi kéo mọi vấn nạn về các vấn đề sắc tộc và tôn giáo.

Tuy nhiên, đa số người nghèo ở khu vực phía nam của Tân Cương thuờng bị bao vây bởi sự nghèo đói và sự thiếu hiểu biết của chính họ. Ngoài những giáo sĩ Imam trong nhà thờ Hồi giáo, ít có ai xung quanh có hiểu biết và đáng tin cậy. Do đó những hạt giống đã bắt đầu bén rễ một cách nhanh chóng. Các tệ nạn xã hội được mô tả là tệ nạn của những kẻ phi Hồi giáo, những bất công xã hội và bất bình đẳng được miêu tả là sự áp bức và bóc lột của người Hán Trung Hoa chống lại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Ngay cả các quan chức nguời Duy Ngô Nhĩ ở cấp cơ sở, sự bóc lột và áp bức người Duy Ngô Nhĩ của các quan chức này được tiện lợi mô tả là tay sai của nguời Hán Trung Hoa và là những kẻ phản bội lại người Duy Ngô Nhĩ.

Trong thực tế, lập luận này là rất hợp lý và nối mạch. Nó cũng giống như những lời lừa dối của Đảng Cộng sản, và có thể được tin tưởng dễ dàng bởi những người thiếu hiểu biết về thế giới bên ngoài. Đa số những người Duy Ngô Nhĩ có kiến ​​thức sẽ biết rằng biện luận này chỉ là sự gian lận thấp kém, một ngụy biện để che giấu những dối trá ở bên trong. Tuy nhiên, với người nghèo thiếu hiểu biết thì nó là bó rơm mà họ thèm nắm bắt để được nổi, trên một con tàu đang chìm, nó là cái gì duy nhất còn được tin cậy. Những hạt giống của xung đột sắc tộc và tôn giáo do đó được bắt đầu lớn lên ở hạ tầng cơ sở.

Đặc biệt khi cái gọi là cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình đã trở thành đại dịch, tâm lý xã hội đã trở nên rất hung hăng. Sự quan tâm của xã hội được phát triển mạnh về hướng làm thế nào để thật giàu, làm thế nào để tham nhũng, làm thế nào để bắt nạt và khống chế người khác. Hoặc, ít nhất là làm thế nào để người giàu được giàu hơn và nâng cao lợi tức bình quân để tích lũy của cải cho việc thăng cấp. Thậm chí kinh phí cứu trợ cho các vùng nghèo đã bị tham nhũng. Làm sao mà những diễn biến này không gây ra cuộc nổi dậy? Đây là lúc mà phong trào độc lập Tân Cương bên ngoài các nhà thờ Hồi giáo được quần chúng hóa.

Hội Nghị Người Duy Ngô Nhĩ Thế Giới với lập truờng ôn hòa đã nhanh chóng không còn được chào đón. Chủ nghĩa khủng bố cực đoan được coi là tốt hơn để trút sự tức giận và có vẻ như là hiệu quả hơn. Đặc biệt là cho người nghèo, những người không có điều kiện giáo dục và bị đàn áp ở dưới tận cùng của xã hội, chủ nghĩa cực đoan rõ ràng là hấp dẫn hơn. Những kẻ khủng bố đã được đào tạo bởi Taliban và các tổ chức Palestine cũng còn có một cẩm nang tập hợp các phương pháp tẩy não hiệu quả. Mặc dù không thể thuyết phục tất cả mọi người tham gia vào chủ nghĩa khủng bố, nhưng miễn là có một phần nhỏ người được thuyết phục, là nó đủ để sản xuất ra những vụ khủng bố ở khắp mọi nơi. Chủ nghĩa khủng bố không quan tâm là họ cần tuyển bao nhiêu nguời.

Tôi luôn ủng hộ các phong trào độc lập ở Tây Tạng và Tân Cương, bởi vì đó là quyền chính trị cơ bản của người dân. Ở các nước dân chủ, đó là một hoạt động chính trị hoàn toàn hợp pháp được bảo vệ bởi Hiến pháp. Tự quyết là một trong những quyền con người, không nên bị tước đoạt. Nhưng tôi kịch liệt phản đối chủ nghĩa khủng bố, và chống lại việc muốn đạt các mục tiêu chính trị thông qua đe doạ cuộc sống của dân thường. Chủ nghĩa khủng bố là một học thuyết vô liêm sỉ nhất mà chỉ có kẻ hèn nhát mới chấp nhận nó. Và, nếu chủ nghĩa khủng bố thành công, thì nó sẽ chỉ thay thế sự đàn áp này bằng sự đàn áp lớn hơn.

Tôi cũng phản đối sự đàn áp người dân bằng các phương tiện khủng bố và bạo lực. Lời phát biểu gần đây “không có chính trị nhân đạo trong sự thẳng tay đàn áp” của Truơng Xuân Hiền (Zhang Chunxian), Bí thư Đảng Cộng sản ở Tân Cương, vì nó có cùng tầng số của khu vườn khủng bố. Đó là sử dụng chủ nghĩa khủng bố để chống chủ nghĩa khủng bố. Đương nhiên, các mục tiêu thuận tiện nhất mà kẻ khủng bố có thể tìm được là những người dân bình thường. Ông ta có đe doạ những kẻ khủng bố được không? Đó là một sự diễu cợt, và không thể giải quyết vấn đề từ gốc rễ của nó. Ngay cả khi ông ta tạm thời có thể đàn áp được những kẻ khủng bố, và được thăng cấp để nhận một nhiệm sở khác, thì chủ nghĩa khủng bố đã nảy mầm và phát triển vào một hạ tầng xã hội rộng lớn, thay vì bị tiêu diệt bởi một chủ nghĩa khủng bố tạm thời do chính quyền thực hiện. Tình trạng này đang xảy ra khắp nơi trong nội địa Trung Quốc, và sẽ trở thành tai họa cho xã hội Trung Quốc trong một thời gian dài.

http://www.weijingsheng.org/report/report2014/report2014-03/WeiJS140316XinjiangIssues2A810-W519.htm