Nữ dân biểu Canada gốc Việt và nhân quyền Việt Nam
Vào tháng Sáu năm nay, bà Vũ Minh Khánh vợ của tù nhân chính trị Luật sư Nguyễn Văn Đài có mặt tại quốc hội Liên bang Canada để trình bày về trường hợp của chồng mình. Giúp đỡ bà Khánh trong các cuộc gặp mặt các giới chức Canada có nữ dân biểu trẻ tuổi Anne Quach Minh Thu. Bà Anne Quach Minh Thu là thành viên đảng Tân dân chủ của Canada, năm nay 34 tuổi, được bầu làm Hạ nghị sĩ liên bang hai lần, năm 2011 và 2015. Cha mẹ bà là người Việt Nam đến Canada tị nạn sau biến cố 1975.
Từ Canada bà Anne Quach Minh Thu dành cho Kính Hòa một cuộc trò chuyện về nhân quyền Việt Nam .
Kính Hòa: Thưa bà, câu hỏi đầu tiên là với tư cách thành viên của Quốc hội Canada, bà thấy cuộc đấu tranh vì nhân quyền bên trong Việt Nam như thế nào?
Bà Anne Quach Minh Thu: Tôi nghĩ rằng cuộc đấu tranh vì nhân quyền bên trong Việt Nam rất quan trọng, rất chính danh. Vì thế mà mỗi lần tôi có cơ hội gặp các vị đại diện của chính quyền Việt Nam, Ngài Đại sứ, hay là ai đó nói chuyện với tôi về Việt Nam thì tôi đều nói về tầm quan trọng của nhân quyền, và tầm quan trọng bảo vệ quyền ấy. Tôi nghĩ rằng tất cả con người sống trên hành tinh này đều có quyền được tôn trọng những quyền cơ bản, điều đó rất quan trọng đối với tôi, cũng như tất cả những thành viên của Hạ viện, vì chúng tôi đại diện cho khu vực bầu cử của chúng tôi, và cả nước Canada. Trên bình diện quốc tế chúng tôi muốn cải thiện điều kiện sống của những người xung quanh chúng ta.
Bởi vì Việt Nam và Canada có quan hệ với nhau về ngoại giao, văn hóa, kinh tế, vì thế rất quan trọng chuyện đề cập tới vấn đề nhân quyền, điều đó là một trong những giá trị mà tôi tôi trọng, tôi rất hài lòng khi làm việc theo hướng đó.
Kính Hòa: Bà đã giúp đỡ vợ của một luật sư bị cầm tù tại Việt Nam cất lên tiếng nói khi bà ấy sang Canada, bà có ngại là điều ấy sẽ làm xấu đi quan hệ của bà với các nhà ngoại giao Việt Nam ở Ottawa không?
Bà Anne Quach Minh Thu: Tôi đã đề nghị các bạn tôi trong đảng Tân Dân chủ, như là phát ngôn nhân Hélène Laverdière ở bộ ngoại giao, Cheryl Hardcastle ở tiểu bang nhân quyền quốc tế của Hạ viện, gửi một lá thư tới Bộ trưởng Bộ ngoại giao Stephane Dion để nêu lên trường hợp của ông Nguyễn Văn Đài. Vợ ông ấy là bà Vũ Minh Khánh đã đến đây nói về trường hợp của chồng bà để cho ông Bộ trưởng ngoại giao có thể nêu lên vấn đề nhân quyền trong các quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng điều đó là quan trọng nếu chúng ta muốn tiếp tục quan hệ ngoại giao với Việt Nam cũng như với những quốc gia khác, khi chúng ta có những mối quan hệ thương mại, trao đổi sinh viên, quan hệ văn hóa, thì chúng ta muốn những người Canada đến Việt Nam, những người Việt Nam đến Canada có thể nói những vấn đề về nhân quyền mà không bị đe dọa. Tôi nghĩ là tôi không cần phải đặt câu hỏi là điều đó được những người đại diện Việt Nam đón nhận như thế nào. Tôi nghĩ là nên tố cáo những bất công theo một cách thức ngoại giao và tôn trọng nhau. Đó là những điều tôi làm mỗi khi gặp các vị đại diện Việt Nam hay Ngài Đại sứ. Không phải lúc nào họ cũng đồng ý những gì tôi nói. Và tôi nghĩ việc quan trọng ở đây là nói chuyện được với những người đó, tạo ra một lối mở hướng về tự do, và một ngày nào đó chúng ta có thể cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Người Việt tại Canada
Kính Hòa: Bà vừa là một nhà chính trị Canada, và cũng là người gốc Việt Nam, từ vị trí đó bà thấy sự hội nhập của cộng đồng người Việt vào xã hội Canada như thế nào?
Bà Anne Quach Minh Thu: Chúng ta có nhiều nhà hoạt động nghệ thuật, thể thao ở Canada là người Việt Nam, tôi có thể đưa cho ông một danh sách những người Việt đoạt những giải thưởng ở Canada, những trường hợp rất vinh dự. Chúng ta có những bác sĩ, luật sư, nhạc sĩ, giáo sư. Người Việt hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống Canada. Từ khi những người đầu tiên đến đây, tức là những thuyền nhân tị nạn, người Việt dấn thân vào mọi mối quan tâm của đất nước Canada. Tôi rất tự hào mình là thành viên của một cộng đồng như vậy.
Ngoài ra còn có sự giao hòa văn hóa nữa, từ khi người Việt đến, ngoài những nhà hàng Việt Nam còn có những sự kiện văn hóa nữa, chẳng hạn như tổ chức lễ Tết ở Montreal chẳng hạn, cả cộng đồng dân cư đều chung vui, đẹp tuyệt vời. Đó là sự chia sẻ văn hóa với nhau, những nền văn hóa song hành với nhau, phát triển hài hòa với nhau, tôi rất tự hào về điều đó. Tôi không phải là người Việt Nam đầu tiên là thành viên Hạ viện Canada, nếu tôi nhớ không lầm thì tôi là người thứ ba. Và tôi nghĩ là sẽ còn nữa. Và như thế là chúng ta sẽ có những cách nhìn khác nhau, suy nghĩ khác nhau, và đó là nền dân chủ.
Kính Hòa: Câu hỏi cuối cùng thưa bà, là một phụ nữ thuộc nhóm thiểu số, bà có khó khăn gì không khi vươn lên làm chính trị tại Canada?
Bà Anne Quach Minh Thu: Nói chung mọi sự diễn ra tốt đẹp. Tại khu vực bầu cử của tôi, ở thành phố lớn, nơi có đại đa số người dân là người Quebec da trắng, thì cứ nghĩ là sẽ gặp khó khăn, nhưng mà thực ra là ngược lại. Người ta dễ dàng chấp nhận tôi, một phụ nữ trẻ Việt Nam, và khuyến khích tôi. Có người nghĩ là tôi không nói được tiếng Pháp, rồi họ ngạc nhiên một cách thú vị khi tôi nói tôi là giáo viên dạy tiếng Pháp, họ rất vui. Họ nhìn những thành quả tôi làm được chứ không nhìn xem tôi thuộc sắc tộc nào. Người ta công nhận những việc làm của tôi, nhìn tôi như một người của cả cộng đồng mà không phân biệt nguồn gốc chủng tộc. Tôi rất mong mọi người có thể có những trải nghiệm đẹp như thế của tôi.
Kính Hòa: Xin cám ơn bà. – RFA