Formosa trả tiền, nhà nước lãnh tiền, người Dân lãnh gạo mốc

Cac Bai Khac

No sub-categories

Formosa trả tiền, nhà nước lãnh tiền, người Dân lãnh gạo mốc
Cánh Dù lộng gió (Danlambao)  Ai là người có quyền ký cho Formosa thành lập Công Ty tại Hà Tĩnh? Xin thưa Thủ Tướng ký, Ai là kẻ chỉ đạo cho Thủ Tướng ký, xin thưa Bộ Chăn Trâu (Chính Trị). Xin hỏi cuối cùng ai phải chịu trách nhiệm, xin được trả lời cả cái đảng tham nhũng, tham tiền. Đảng CSVN là nhân tố gây ra thảm trạng Formosa, coi như CSVN rước Voi về giày mả tổ.
CSVN rất biết, khi xả chất thải trực tiếp ra Biển, thì Biển chết, Cá cũng chết, Hải Sản sẽ lần hồi kiệt quệ, nhưng chúng nó cứ nhắm mắt làm ngơ ký lấy tiền chia nhau bỏ túi, ai chết mặc ai, tiền Thày bỏ túi.
Bây giờ có lẽ bọn chúng cũng đã thấm thía, vì trót dại nhận lời và tiền của Formosa rồi, bởi vậy cứ ngậm tăm không dám hó hé hay lên tiếng, sẽ lòi ra mỗi ông nhận của nó bao nhiêu, nhất quyết bằng mọi giá phải bảo vệ cho bằng được con Rắn mà chúng nó cõng vào cắn Gà nhà, đầu độc Biển miền Trung.
Từ ngày phát hiện ra 2 cái ống xả thải trực tiếp ra Biển 3 tỉnh miền Trung đâm ra sợ nhiều thứ, sợ Biển ô nhiễm, sợ ăn hải sản nhiễm độc, sợ thất nghiệp chết đói. Vì từ xưa đến giờ 3 tỉnh miền Trung sống bằng nghề Biển, nay không ai dám ra biển, không ai, dám ăn Cá thì đi kéo Cá về bán cho ai, bỏ mối cho ai? Để ở nhà ăn cũng lo sợ nhiễm bệnh Ung Thư về lâu về dài, mà không ăn thì lấy gì để ăn hằng ngày.
CSVN đã không lường được hậu quả khi người Dân 3 tỉnh miền Trung xúm nhau đòi đuổi cổ Formosa ra khỏi VN. Vì họ biết rằng mấy chục năm nữa Biển VN cũng không cải thiện được như cũ, vì chất thải xả ra Biển số thì trôi theo dòng nước ra khơi, số thì chìm lắng xuống đáy Biển nằm im một chỗ khiến hải sản chết dần chết mòn, chết từ trong trứng nước, càng ngày càng cạn kiệt, chưa nói tới những bè nuôi của Tư Nhân bị đổ đi vì hàng loạt Cá, Tôm chết do nhiễm chất độc Formosa thải ra.
Có 2 nguyên nhân khiến cho CSVN phải câm họng, không dám hé môi, lên tiếng phản đối Formosa.
1- Động đến dàn Anh Tàu Cộng.
2- Động đến túi tiền đã nhận của Formosa, đút lót.
Vì thế chúng quyết tâm bằng mọi giá bảo vệ Formosa tới cùng, tìm đủ mọi cách để bao che, lấp liếm cho Formosa kể cả không tính thuế 50 năm.
Hết ông này trấn an Dân Chúng là do Tảo độc, do Thủy Triều đỏ, do sức ép dưới Biển. Chúng lừa đảo người Dân bằng cách chụp hình tắm Biển chỗ nào an toàn, ăn Hải Sản đem từ đâu tới rồi chụp hình quay phim nói là Biển và Cá đã An Toàn, chất độc đã tự khắc phục, nên người Dân cứ yên tâm tắm Biển và ăn Hải Sản Biển, đâu biết rằng nhiều vụ sau đó đã được chở đi cấp cứu sau khi ăn Hải Sản như khách Du lịch ở Nha Trang, mấy người Dân ở Hà Tĩnh.
Chúng tìm kế hoãn binh để cứu Formosa, xúm lại bày mưu tính kế để Formosa nhận và xin lỗi, bồi thường 500 triệu Dollar, nhưng cho tới nay 3 tỉnh miền Trung chưa ai nhận được đồng nào bồi thường của Formosa, mà chỉ nghe ông TTg Phúc tuyên bố sẽ hỗ trợ cho người Dân vay với lãi xuất thấp. Sao kỳ vậy cà? Tiền Formosa bồi thường cho người Dân 3 tỉnh miền Trung mà đem cho vay tính lãi xuất thấp là sao? Có mưu đồ gì? có thật là tiền của Formosa hay tiền ở đâu lòi ra? Chỉ thấy người Dân lãnh được ít ký gạo mốc trong kho gọi là hỗ trợ.
Thôi thì nói toạc ra là tiền của chúng ông, nên chúng ông không dám phát không cho ai, chỉ dám cho vay lãi xuất thấp đi cho nó khỏi rách chuyện việc gì cứ phải úp mở đau đầu. Còn cái Công Ty Formosa thì hãy chờ đấy, người Dân 3 tỉnh miền Trung rất phẫn nộ, coi chừng tới đây họ sẽ hất toàn bộ quý vị xuống Biển ra khỏi VN đấy, báo trước cho quý vị chuẩn bị. Nếu CSVN cứ tiếp tục bao che cho Formosa, thì cũng cứ sẵn sàng khăn gói lên đường với Formosa cho chắc ăn. Các ông ở lại thì người Dân sẽ tính sổ các ông một lượt lúc đó có hối cũng không kịp./.
Ngày 27/08/2016

=====

 

Thực hư việc nhà nước cấp gạo mốc hỗ trợ ngư dân Kỳ Anh 
Xuân Nguyên, thông tín viên RFA
2016-08-28
14169638_140357453078463_1041175551_n.jpg

Gạo cứu trợ bị mốc.

Gần đây trên mạng xã hội Youtube xuất hiện video nói về tình trạng chất lượng gạo cứu trợ cho ngư dân ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh chất lượng quá kém. Theo như nhân vật trong Video – bà Trần Thị Xoan ở Đông Yên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, số lượng gạo bà được cấp khi nấu lên thì đến gà, chó cũng không ăn được.

Điều này đã khiến dư luận xã hội bức xúc và đặt câu hỏi rằng: ‘Thực hư vụ việc này ra sao?’

Kể về xuất xứ của video nói trên, bà Trần Thị Xoan nói với chúng tôi:

“Hôm đó tôi tình cờ ra ngoài biển, thấy anh phóng viên gì đó lại hỏi, em chào chị, chị cho em phỏng vấn được không? Tôi liền hỏi lại, anh là ai mà muốn phỏng vấn tôi? Anh phỏng vấn tôi về vấn đề gì? 

Anh ấy nói, chị cho em hỏi một là về gạo hỗ trợ của nhà nước có chất  lượng kém, điều thứ hai là về sức khỏe của con em ở đây. Tôi nói: Nếu chỉ như vậy tôi sẽ trả lời.”

Phó chủ tịch xã Kỳ Lợi, và ông Thắng ở Thị xã Kỳ Anh có về đây để kiểm tra, xác thực xem có hay không việc gạo cứu trợ bị mốc? Họ có đến nhà tôi để kiểm tra và thấy có gạo mốc, tiếp đó họ đến nhà cô Xoan để kiểm tra và đã xác thực là gạo cứu trợ bị mốc.
– Ông Trần Xuân Hoa

Trả lời câu hỏi chất lượng gạo thực tế do nhà nước cứu trợ cho ngư dân vào thời điểm tháng 5/2016 có chất lượng như thế nào?

Ông Sáng – một người dân ở Kỳ Phương, Kỳ Anh cho biết:

“Không, đó là người ta nói vậy thôi, đồng ý là gạo không ngon, nhưng mà người chịu khó ăn thì người ta trộn gạo đó với gạo ngon thì cũng ăn bình thường.”

Ông Lạng – trưởng Hội đồng Mục vụ giáo xứ Quý Hòa nhận xét:

“Chất lượng gạo rất dở, không ăn được, mà chỉ có cách là bán đi và bán với giá rất rẻ, sau đó mua gạo khác mà ăn chứ không ăn được gạo đó. Thứ nhất không còn có chất lượng nên không ai ăn, thứ hai gạo đó ăn không hết để sẽ hư. Dân cả xứ ai cũng vậy cả, ai cũng phải bán để mua lại gạo khác, cái đó hoàn toàn là sự thật.”

Còn bà Hiểu – một người dân ở Kỳ Hà, Kỳ Anh thì cho rằng:

“Gạo bị mốc, xanh ở đâu thì tôi không biết, nhưng chỗ tôi đây thì không mốc, không xanh gì cả, có điều gạo rất khô. Khi nấu nếu không cho nhiều nước thì cơm sẽ khô, còn nếu đổ nhiều nước thì cơm sẽ nhạt.”

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – một nhà hoạt động xã hội, người đã từng lăn lộn cùng nhân dân khu vực Vũng Áng, từ sau thời điểm biển nhiễm độc do Formosa Hà Tĩnh xả thải. Nhận xét về chất lượng gạo do nhà nước cung cấp hỗ trợ cho ngư dân, ông nói:

“Khi còn ở Vũng Áng, tôi cũng ghi nhận rằng, số gạo mà bà con nhận được từ phía chính quyền địa phương là không đảm bảo chất lượng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi thông thường người ta xuất gạo từ những kho dự trữ lương thực, mà gạo dự trữ ở kho dự trữ lương thực thường là để quá lâu nên chất lượng gạo không thể đảm bảo bằng gạo mới được.”

Bịa đặt thông tin bôi xấu chính quyền?

Trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội có dư luận cho rằng, chính quyền thị xã Kỳ Anh và công an Hà Tĩnh đã đe dọa bà Trần Thị Xoan, vì lý do mà theo họ cho rằng video nói trên là bịa đặt và nhằm bôi xấu chính quyền, đồng thời họ đe dọa bà Xoan rằng, sẽ bắt giam bà về hành vi nói trên.

 

xoan.jpg
Bà Trần Thị Xoan trả lời phỏng vấn về gạo hỗ trợ của nhà nước. Youtube screenshot

 

Chúng tôi đã tiếp xúc với bà Trần Thị Xoan, thì được bà cho biết cụ thể diễn biến của vụ việc nói trên như sau, theo bà khoảng 9:00 sáng ngày 9/8/2016, có một cán bộ công an điện về dọa bà vì đã trả lời phỏng vấn về vấn đề ‘gạo kém chất lượng’, viên công an dọa sẽ bắt giam bà đưa về đồn. Bà cho biết:

“Gạo tôi nhận sao tôi trả lời vậy. Không phải riêng tôi mà còn nhiều người như thế, thực trạng sao thì tôi nói vậy, tôi có nói khống, có vu khống gì cho đảng cộng sản, cho chính quyền đâu.”

Bà Xoan cũng cho chúng tôi biết thêm, hôm qua có phó chủ tịch xã Kỳ Lợi, và một nhân viên ngoài văn phòng thị xã về gặp tôi, để kiểm chứng gạo của tôi có sự thực sự mốc hay không? Đi cùng với hai cán bộ trên có một số bà con trong xóm đi theo và chứng thực chuyện gạo mốc là có thật.

Theo ông Trần Xuân Hoa, đại diện cho bà con ở thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi cho biết, chất lượng gạo xấu là có thật, tới mức không thể ăn được. Ông khẳng định:

“Ngày 26/8/2016, ông phó chủ tịch xã Kỳ Lợi, và ông Thắng ở Thị xã Kỳ Anh có về đây để kiểm tra, xác thực xem có hay không việc gạo cứu trợ bị mốc? Họ có đến nhà tôi để kiểm tra và thấy có gạo mốc, tiếp đó họ đến nhà cô Xoan để kiểm tra và đã xác thực là gạo cứu trợ bị mốc.”

Đánh giá về trách nhiệm của nhà nước, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn thấy rằng, đây là việc thể hiện sự vô trách nhiệm của nhân viên nhà nước, đồng thời là sự thờ ơ trước nỗi đau của ngư dân. Điều đó đã cho thấy sự thiếu sót trong khâu điều hành quản lý của bộ máy nhà nước. Ông tiếp lời:

Đã 4 – 6 tháng trời rồi, từ tháng 4 đến tận bây giờ, trong khi nhà nước chỉ hỗ trợ cho một người 15kg gạo, mà thực trạng gạo là gạo mốc.
– Ông Trần Xuân Hoa

“Đang tồn tại một vấn đề rất lớn trong việc tổ chức cứu trợ của nhà nước, của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Tức là ngay cả khi chính phủ ban bố chính sách ở Hà Nội, thì ở các cấp chính quyền địa phương việc thực hiện rất chậm chạp và tiềm ẩn rất nhiều tiêu cực. Nó cũng cho thấy việc kiểm soát của chính quyền Trung ương đối với các cấp thừa hành ở địa phương rất là thiếu sâu sắc. Và cuối cùng người thiệt hại vẫn là ngư dân, cư dân địa phương ở đây.”

Chúng tôi đã liên lạc với Công an thị xã Kỳ Anh để hỏi về diễn biến của vụ việc này, đã được xác minh và có kết luận cụ thể ra sao, tuy vậy cán bộ công an từ chối trả lời và yêu cầu liên lạc với cơ quan có thẩm quyền.

Trả lời câu hỏi, bà có suy nghĩ gì về vụ việc nói trên và tương lai trong những ngày sắp tới?

Bà Xoan thấy rằng, bà hết sức lo lắng về cuộc sống của bản thân và gia đình. Bà bày tỏ:

“Bây giờ thực sự là chết đói rồi, bởi vì dân thì bám vào biển. Đời ông bà, cha mẹ bám vào biển, bây giờ đã 4 – 6 tháng trời rồi, từ tháng 4 đến tận bây giờ, trong khi nhà nước chỉ hỗ trợ cho một người 15kg gạo, mà thực trạng gạo là gạo mốc.”

Theo báo Người Lao động cho biết, tại xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã xảy ra tình trạng mỗi hộ dân được hưởng 300.000 đồng từ chủ trương hỗ trợ ngư dân sau thảm họa cá chết. Tuy nhiên khi nhận tiền về, lãnh đạo chính quyền đã bớt xén lại mỗi hộ 50.000 đồng với lý do ‘để làm sân hội trường thôn’. Những người mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều cho rằng, các khoản hỗ trợ của nhà nước đối với ngư dân sau sự cố môi trường, bị bớt xén, xà xẻo là chuyện có thật.