Tưởng Niệm Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy Lần Thứ 26 – Nguyễn Hữu Ninh
Nhân ngày tưởng niệm 26 năm của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, thiết nghĩ không có gì hay hơn là ôn lại những hoạt động, những di ngôn của Người lúc sinh tiền để rút ra những bài học cho các thế hệ đi sau giang tay gánh vác, bắt tay vào hành động.
Phận Trai Thời Chiến
Cố Giáo sư sinh năm 1924 và mất năm 1990, chưa đầy 66 năm ở dương thế. Một lẽ rất khác thường, con người thiên tài ấy đã tự đi trên tốc độ ánh sáng của sự thu thập, lưu trữ kinh nghiệm cuộc sống thoáng qua vào trong tâm trí, một cách quá nhanh nhẹn, chính xác. Con người đó không có lần thử lại thứ hai. Hùng khí Việt đã hun đúc nên chàng thanh niên 19 tuổi sáng tác những bài thơ hùng tráng, ca ngợi những anh tài Việt, những trận đánh vẽ vang, lưu chiến sử của dân tộc, phô ra cùng nhân loại.
Năm 21 tuổi đã gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng, sinh hoạt chính trị, viết báo, đi làm cho tới năm 25 tuổi dùng toàn thời gian cho đoàn thể và tự học để lấy bằng tú tài. Năm 31 tuổi Giáo sư đã được chỉ định qua Pháp. Từ đó, Giáo sư đã vừa đi làm vừa học, hoàn tất học vấn với bằng Tiến sĩ Chính Trị Học năm 1963, được coi là luận án xuất sắc nhất trong năm.
Về nước. Đến năm 1964, Giáo sư thành lập đảng Tân Đại Việt với chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn quốc gia, dân chủ và khoa học. Sau đó, Giáo sư cùng với các đảng phái khác, các dân sự độc lập thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến.
Ra hải ngoại, thành lập Liên Minh Dân Chủ Việt Nam năm 1981 với đường lối và sách lược đấu tranh diễn giải trong các tập tài liệu huấn luyện cán bộ, tổ chức và kiện toàn cơ cấu, lôi cuốn sự gia nhập của mọi tầng lớp vào đoàn thể. Sau đó, thành lập Tổ chức Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do, vận động các Dân biểu, Thượng Nghị Sĩ, các Nhân sĩ gia nhập tổ chức này. Liên lạc trong ngoài nước Việt nam để liên kết, quy hoạch chương trình hành động…
Trong thời chiến, Giáo sư đã tận năng lực, còn sống thì còn tát, không đầu hàng trước định mệnh, kiên trì cho đến hơi thở cuối cùng, trong ngày đại hội lần thứ I của LMDC VN tại Hòa Lan. Giáo sư mất đi như một dũng tướng đầy khí phách trên mặt trận, với anh em, với chiến hữu. Ông đã vạch một con đường đi xuyên suốt cho Việt Nam, phải có Dân chủ cho đất nước, mọi người sum vầy, góp tài, lực với nhau trong tình thương huyết thống, đầy trí huệ đưa đất nước tiến lên. Ông đã để lại không biết bao nhiêu công trình sáng tác, thơ, sách, báo, phỏng vấn…
Phải nói, suốt cuộc đời mình, cố Giáo sư dồn cả cho đất nước, cho đại cuộc. Nếu ông sinh ra trong một đất nước an bình thì chỉ mong muốn làm một nhà giáo để truyền thụ các chuẩn mực tri thức, cuộc sống cho các thế hệ trẻ Việt Nam. Nhưng trong thời chiến, đối đầu với cái ác, đồ giả, lừa lọc, phản trắc, mất gốc nên phải xoay lại cơ đồ…
Dân Chủ Và Niềm Phấn Đấu Không Ngừng
Khi đã vạch ra một lối đi Dân chủ tất yếu cho VN, thì Giáo sư đã phấn đấu không ngừng cho mục đích đó. Dân chủ như ở phương Tây đã áp dụng thành công cả hàng trăm năm, đã phát triễn quốc gia của họ không ngừng về mọi mặt. Dân chủ Tự do đã tạo nên cơ hội cho con người phát tiết ra được toàn thể sự ưu tú của phận làm người để tỏa sáng, bay bổng trên bầu trời bao la; để chia vui sẻ buồn với đồng bào, đồng loại, tịnh tiến thái bình, an lạc.
Một trong những hoài bão của cố Giáo sư, ngoài Tự Do, Độc Lập, Hoà Bình – là Dân Bản và Trung Lập. Dân bản hàm chứa Dân chủ, quyện nhuyễn tính nhân bản, đồng bào, tình tự thương yêu, đùm bọc, chăm lo như đại gia đình trong đó. Để rồi có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia, hết lòng dồn hết tâm trí với đồng bào, với đất nước. Cái riêng và chung là một thực thể hổ tương như âm có dương và trong dương có âm. Cố Giáo sư đã viết:
“Dân Bản có nghĩa là lấy dân làm gốc cho quốc gia và cho mọi hoạt động chánh trị. Đây là một chủ trương được người Trung Hoa thời cổ nêu ra và được dân tộc Việt Nam thâu nhận từ ngàn xưa. Lý tưởng dân bản đã đưa các chánh quyền quân chủ tốt ngày xưa đến chủ trương bảo vệ người dân chống sự hiếp bức của kẻ nhiều thế lực và làm cho dân no ấm. Với chánh sách quân điền tức là chánh sách chia ruộng đều cho dân áp dụng không ngừng từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, các chánh quyền quân chủ Việt Nam trước đây đã giúp cho mọi người dân có được mảnh đất nhỏ để cày cấy mà mưu sinh. Vậy, lý tưởng dân bản có những nét giống với lý tưởng xã hội hiện tại. Nhưng nó khác với lý tưởng xã hội hiện tại ở chỗ nó không phải xây dựng trên chủ trương giai cấp tranh đấu và sự hận thù mà xây dựng trên sự đoàn kết và sự thương mến giữa các giới người khác nhau trong dân tộc. Dùng lý tưởng dân bản làm tiêu ngữ, chúng ta vừa làm sống lại một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam vừa giải quyết các vấn đề xã hội một cách thích hợp, vừa tránh dùng chữ xã hội chủ nghĩa đã bị nhơn dân Việt Nam nhờm gớm từ khi bọn cộng sản chiếm được cả nước Việt Nam và áp dụng chánh sách xã hội chủ nghĩa dựa vào sự hận thù và giai cấp tranh đấu làm cho nhơn dân Việt Nam khổ sở điêu linh.
Trung Lập Pháp Lý Liên Minh Dân Chủ Việt Nam cũng chủ trương theo qui chế trung lập pháp lý như Thụy Sĩ, Thụy Điển hay Áo. Chủ trương này khác với chủ trương theo chánh sách trung lập cũng được gọi là chánh sách phi liên kết. Trong thực tế, các nước tự xưng là theo chánh sách trung lập hay phi liên kết phần lớn đã theo hẳn siêu cường này để chọi siêu cường kia. Trong khi đó, qui chế trung lập pháp lý mà Liên Minh chủ trương là một qui chế được quốc tế nhìn nhận. Quốc gia theo qui chế này không Liên Minh quân sự với bất cứ nước nào khác, không để cho bất cứ nước nào khác dùng lãnh thổ mình để tấn công nước thứ ba, và đứng ngoài các cuộc tranh chấp võ trang giữa các nước khác. Chủ trương trung lập theo qui chế pháp lý quốc tế phù hợp với chủ trương hỏa bình. Nó không ngăn cản dân tộc Việt Nam tự võ trang để tự vệ chỉ đòi hỏi dân tộc Việt Nam khước từ dùng võ lực để xâm lấn nước khác hay tham dự các cuộc tranh chấp võ trang giữa các nước khác.” Tài Liệu Huấn Luyện Trung Cấp Tập II trang 548 và 550.
Áp dụng trung lập pháp lý sẽ tránh được cảnh nước này bỏ thì còn có nước khác giúp đỡ, tránh cảnh bị bỏ rơi, bán đứng, phản bội như Việt Nam Cộng Hòa trong thời Mỹ thao túng chính trường miền Nam Việt Nam. Việt Nam ở gần Trung Hoa, một nước lớn, cần phải giữ được nền tự chủ và hòa khí với họ như cha ông chúng ta đã làm.
Được như vậy, đất nước mới có an bình, vui hưởng để kiến thiết đưa đất nước đi lên; làm cho dân giàu nước mạnh, an cư lạc nghiệp.
Nhìn chung lại, con người Nguyễn Ngọc Huy thuần khiết, thủy chung, chân thật trước sau như một với đất nước và con người Việt Nam. Cách sống của ông đạm bạc, giản dị. Riêng phần hành động thì đam mê, quyết liệt, đi tới cùng… Văn của Giáo sư chữ dùng chính xác, rõ ràng, khúc chiết, dễ hiểu, lôi cuốn cho nên đã đọc là thích thú và đọc đến hết. Một tác phẩm chính trị vốn đã khô khan, cọng thêm lối văn cô đọng triết lý thì chỉ để trong hàn lâm, để nghiên cứu, có mấy người coi, hoặc đi vào huyền thoại; và nhất là làm sao truyền đạt tới số đông trong quần chúng, làm sao hạ san để nhập thế hành đạo. Văn của Giáo sư là trãi nghiệm cuộc đời, cuộc sống, hành động của một chính nhân quân tử chỉ dạy cho các thế hệ Việt Nam tránh được các lỗi lầm về sau và nên chọn con đường nào mà đi.
Đọc lại trong tập Tài Liệu Huấn Luyện Trung Cấp, tập I trong phần Các Vấn Đề Trọng Đại Cần Phải Được Giải Quyết, có Vấn Đề Kỳ Thị Địa Phương; Vấn Đề Xung Đột Tôn Giáo; Vấn Đề Sắc Tộc Thiểu Số. Cố Giáo sư đã đi ngược giòng lịch sử Việt cả ngàn năm để tìm nguyên nhân, phân tích sự khác biệt tâm lý của Bắc Trung Nam, do hoàn cảnh lịch sử, xã hội và kinh tế tạo ra. Thêm vào các dữ kiện và biến cố chính trị làm cho sự kỳ thị trầm trọng hơn. Kế tiếp cố Giáo sư nói đến hậu quả tai hại của việc kỳ thị cùng đưa ra giải pháp.
Phải nói rằng, không một ai đưa ra diễn giải những vấn đề này một cách mạch lạc, đúng đắn và giải phẩu những chuyện đầy tế nhị này một cách rốt ráo: đưa ra vấn đề, phân tích, lập luận, phương cách giải quyết. Lịch sử Việt dàn trãi trước mặt ông và với cái nhìn thấu đáo, sắc bén và với cách viết theo lối kể chuyện, trong sáng, giản dị, cố Giáo sư làm say mê người đọc.
Khi cố Giáo sư san định chủ thuyết Dân Tộc Sinh Tồn cũng như luận án Đề Tài Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chính Trị Trung Quốc Cổ Thời, Giáo sư đã nặng về lý thuyết, lý luận, suy tư, đưa ra lý lẽ để biện chứng, quy nạp, diễn dịch nhằm thoả mãn nhu cầu tri thức của con người. Cũng như các học thuyết chính trị đã được chấp thuận trong một khuôn khổ, được định luật hóa, hệ thống hóa và giảng dạy trong trường ốc khác với việc làm chính trị mà Giáo sư đang sống động sinh hoạt, đang theo đuổi, đang muốn biến cải. Chính trị ở Việt Nam là những tuyên truyền, rỉ tai, là lường gạt, là độc tài, gian dối, xảo quyệt; là bán nước, là thủ lợi cá nhân, là hạ cấp, là bẩn thỉu… Ở đó không có tình người mà giành giật, giết chóc, cá lớn nuốt cá bé. Căn nhà Việt nam đang cháy phải làm sao dập tắt ngọn lửa đó. Nước Việt đang chênh vênh trên vực thẳm, dân tình ta thán, nước đang bị lệ thuộc và mất dần vào tay Tàu cộng. Trước tình cảnh nước mất nhà tan đó sao không động bi ai? Sao lại ngồi yên được? Giáo sư đã buông xả hoàn toàn như phận tằm nhả tơ, tất cả cho đất nước Việt Nam, cho con người Việt Nam có được Dân Bản, Tự do, Độc Lập, Hoà Bình, Trung Lập.
Như một chí sĩ tức tưởi vì ý nguyện không thành, nhưng hậu thế nhìn về cố Giáo sư như ngôi sao Bắc Đẩu để hướng dẫn tiếp nối sự nghiệp của Người đang còn dang dở. Hình ảnh cuộc đời cố Giáo sư luôn luôn nhắc nhở, thúc dục chúng ta phải làm gì có lợi cho đất nước, đưa nước Việt ra khỏi sự bế tắc, thoát khỏi tình cảnh chậm phát triễn, thân phận nhược tiểu để tung bay vẫy vùng trên bầu trời Tự do.
Vancouver Hè 2016, Ngậm Ngùi Tưởng Niệm lần thứ 26 cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy.
Nguyễn Hữu Ninh
Chủ Tịch UBCHTƯ Liên Minh Dân Chủ VN