Xung đột sắc tộc Miến Điện: Aung San Suu Kyi nhờ Bắc Kinh giúp
Hôm qua 19/08/2016, trong chuyến công du TC, ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi đã gặp chủ tịch TC Tập Cận Bình. Bà Aung San Suu Kyi yêu cầu chính quyền TC hỗ trợ trong việc tìm ra giải pháp chấm dứt các xung đột với nhiều sắc tộc tại vùng biên giới, giáp với TC.
Thông tín viên Rémy Favre tường trình từ Rangoon:
“Trong chuyến công du mang tính chuẩn bị này, Aung San Suu Kyi cần được hậu thuẫn. Hiện tại, nhiều nhóm sắc tộc nổi dậy Miến Điện đang chống lại quân đội tại các vùng biên giới, đặc biệt là phía bắc, suốt dọc theo biên giới với Trung Quốc. Một số thủ lĩnh nổi dậy thậm chí còn ẩn náu trên đất Trung Quốc. Kể từ đầu tháng đến nay, các đụng độ giữa lực lượng nổi dậy Kachin và quân đội, tại các khu vực không xa đất Trung Quốc, đã buộc khoảng 1.500 người phải bỏ nhà ra đi. Nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi biết rằng chìa khóa để giải quyết các xung đột này một phần do Bắc Kinh quyết định.
Sự ủng hộ mà bà Aung San Suu Kyi tìm kiếm trong chuyến công du tuần này ở nước láng giềng hùng mạnh lại càng trở nên quan trọng hơn, vào lúc Aung San Suu Kyi vừa khởi động tiến trình hòa bình trong tháng 8 này. Mười ngày nữa sẽ diễn ra một hội nghị lớn về hòa bình, với các bên tham gia là các nhóm nổi dậy tại Miến Điện, quân đội và chính phủ.
Về phần mình, chủ tịch Trung Quốc hứa hẹn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình này. Đại sứ Trung Quốc tại Miến Điện cũng đã cam kết ủng hộ về tài chính và vật lực cho các nỗ lực hòa bình tại Miến Điện”.
Trong chuyến công du của ngoại trưởng Miến Điện, TC một mặt tuyên bố ủng hộ tiến trình hòa bình tại Miến Điện, mặt khác cũng gây áp lực để chính phủ Miến Điện phải cho khởi động lại dự án xây đập thủy điện khổng lồ Myitsone, bị đình chỉ từ năm 2011, do sự phản đối mạnh mẽ trong công luận Miến Điện. AFP hôm nay, 20/08, trích nhận định trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Hoa, theo đó, “việc tái khởi động dự án này chỉ còn là vấn đề thời gian”.
Đập Myitsone: TC gây áp lực
Nếu được xây dựng, dự án đập Myitsone, công suất 6.000 MW – dự kiến cung cấp 90% lượng điện sản xuất sang TC – sẽ làm ngập hơn 700 km², ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân, chưa kể các tác động hết sức lớn đến địa chất, làm tăng nguy cơ động đất, núi lở. Nhiều phương tiện truyền thông Miến Điện gần đây cảnh báo: Chấp thuận dự án Myitsone là hành động “tự sát về chính trị” đối với tân chính quyền Miến Điện. Trong chuyến công du vừa qua tại TC, ngoại trưởng Aung San Suu Kyi tuyên bố một ủy ban sẽ xem xét dự án đập Myitsone, nhưng không cho biết cụ thể.
Theo Reuters, hôm qua 19/08, một nhóm gồm 60 tổ chức xã hội dân sự Miến Điện tại Rangoon đã gửi thư đến chủ tịch TC, thông qua đại sứ quán TC tại Miến Điện. Bức thư nhấn mạnh với phía TC rằng, kể từ khi dự án đập thủy điện khổng lồ nói trên được xây dựng, nhân dân Miến Điện “đã chưa bao giờ thực sự được hỏi ý kiến”. – Theo RFI