Bài toán TC trước thượng đỉnh G-20

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bài toán TC trước thượng đỉnh G-20
Một đảng viên đảng cộng sản TC dùng hai điện thoại di động chụp ảnh trong buổi lễ kỷ niệm kỷ niệm 95 năm thành lập đảng cộng sản TC tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 1/7/2016. – AFP phot
Theo Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA, 2016-08-17

Ba tuần nữa, Thượng đỉnh của nhóm G-20 gồm lãnh đạo của Liên hiệp Âu châu cùng 19 quốc gia có sản lượng kinh tế cao nhất thế giới sẽ họp tại thành phố Hàng Châu của TC. Vào dịp này, lãnh đạo quốc gia đăng cai tổ chức hội nghị năm nay tránh nói về tranh chấp ngoài Đông Hải và trách nhiệm của Bắc Kinh mà đề nghị các nước chú ý đến hồ sơ kinh tế.

Hồ sơ kinh tế TC

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, năm nay, hội nghị cấp cao của nhóm G-20 sẽ họp tại thành phố Hàng Châu của Trung Quốc vào hai ngày mùng bốn mùng năm tháng tới. Xuyên qua các phiên họp chuẩn bị cho kỳ họp thượng đỉnh này, người ta được biết lãnh đạo Bắc Kinh sẽ tránh đề cập tới hồ sơ nóng nhất là những tranh chấp ngoài biển Hoa Đông và Hoa Nam của họ với trách nhiệm rất nặng của Bắc Kinh mà yêu cầu các quốc gia tham dự hãy cùng thảo luận về hồ sơ kinh tế. Theo dõi việc chuẩn bị Thượng đỉnh G-20 này, ông có ý kiến ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thượng đỉnh G-20 năm nay có nhiều ý nghĩa hơn các kỳ họp trước của lãnh đạo 19 quốc gia giàu mạnh nhất thế giới và của Liên hiệp Âu châu vì một số lý do.

Nhìn trong dài hạn thì từ năm 1975 về sau, hội nghị của Khối G-7 gồm bảy nước công nghiệp hóa dẫn đầu thế giới vẫn có tầm quan trọng đặc biệt. Bảy nước đó là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý và Canada, với sản lượng kinh tế cao nhất và nền chính trị dân chủ nhất, nên nguyên thủ của họ mà hội họp thì có ảnh hưởng đến thế giới. Nhưng thế giới đã thay đổi từ Thế kỷ 21, với sự xuất hiện của các nền kinh tế gọi là “tân hưng”, là các nước mới phát triển có sản lượng kinh tế cao hơn trước.

Lãnh đạo xứ này vẫn loay hoay với biện pháp vay tiền kích thích kinh tế và chất lên một núi nợ trong khi chưa thể cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước. – Nguyễn-Xuân Nghĩa

Vì vậy từ năm 2008, người ta định chế hóa hội nghị hàng năm của các nước gọi là nhóm G-20, gồm bảy nước công nghiệp hóa và 12 nước tân hưng, cộng thêm Liên hiệp Âu châu. Nhóm G-20 thật ra không là tổ chức thống nhất như Liên hiệp quốc hay khối G-7 và chỉ là diễn đàn của các nước có sản lượng kinh tế cao nhất. Từ G-7 đến G-20 ta thấy ra sự chuyển dịch của trọng tâm kinh tế thế giới khi sản lượng kinh tế của khối G-7 chỉ chiếm 46% sản lượng thế giới so với 85% là sản lượng tổng cộng của nhóm G20.

Tuy nhiên, trong 12 nước mới phát triển vẫn còn nhiều quốc gia chưa có dân chủ, cũng chẳng có tinh thần trách nhiệm trong hợp tác như thế giới trông đợi, điển hình là trường hợp của Tầu và  Nga là hai quốc gia đang gây sóng gió cho các lân bang. Dù Bắc Kinh hay Moscow không muốn, thì nhiều nước vẫn có thể nêu vấn đề về những sóng gió này, như Liên Âu về vụ Ukraine hay Nhật Bản về tranh chấp chủ quyền ngoài Đông Hải khi ngư thuyền Trung Quốc có tầu tuần duyên hộ tống đã vào cướp cá trong vùng quần đảo Senkaku của Nhật.

Lý do quan trọng thứ ba là Thượng đỉnh G-20 nhóm họp sau vụ khủng hoảng Liên Âu với việc Vương Quốc Anh quyết định ra khỏi tổ chức và khi trào lưu chống tự do mậu dịch và toàn cầu hóa đang thắng thế tại nhiều nước dân chủ và công bằng xã hội cùng chủ quyền quốc gia đang trở thành hai mối quan tâm lớn của thế giới. Vì vậy, tôi nghĩ là lãnh đạo Bắc Kinh như Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ nhắc đến hai mối quan tâm đó khi khai mạc hội nghị, nhưng thực chất thì vẫn để che giấu những vấn đề quá lớn trong nội tình của họ.

Nguyên Lam: Chúng ta bước vào phần chính của đề tài, thưa ông, những vấn đề nội bộ của kinh tế Trung Quốc là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi đoán là lãnh đạo Bắc Kinh sẽ nói đến những thành tựu kinh tế của họ khi Trung Quốc cũng theo bước chân các nước tiên tiến mà xuất nhập khẩu nhiều sản phẩm có giá trị cao hơn. Tức là thay vì bán hàng chế biến loại rẻ tiền thì đã xuất khẩu các mặt hàng điện tử hay máy móc tối tân hơn và thay vì nhập loại nguyên nhiên vật liệu sơ đẳng thì mua các sản phẩm có hàm lượng kinh tế cao hơn và đầu tư hải ngoại của họ thì trút vào những ngành sản xuất chiến lược hơn. Nhưng nếu đã nhìn vào toàn cảnh thì ai cũng thấy sự chuyển dịch về phẩm đó vẫn chỉ có giá trị biểu kiến vì hai lý do.

Thứ nhất, các nước kia đã phát triển với chính trị dân chủ và xã hội công bằng hơn nên đấy mới là sức mạnh thật của quốc gia, trường hợp tiêu biểu nhất chính là Nam Hàn, là tấm gương của Bắc Kinh. Thứ hai, kinh tế Trung Quốc vẫn quá lệ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu nên chưa theo kịp nhiều nước tiên tiến khác mà lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy như lãnh đạo Bắc Kinh vẫn nói từ ba năm nay. Sau cùng, có lẽ cũng nên thấy kinh tế không là tất cả vì trong số 12 nước vừa gia nhập câu lạc bộ các nước giàu nhất thì có quốc gia đang bị nguy cơ khủng hoảng nội bộ, như Nga, Brazil, Saudi Arabia, hay Turkey, v.v. chủ yếu là vẫn thiếu dân chủ. Đấy cũng là một bài học cho Việt Nam.

Nguyên Lam: Thưa ông, về kinh tế Trung Quốc thì tuần qua, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đã có một báo cáo thường niên không lấy chi là lạc quan, ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta không chỉ có phúc trình IMF mới công bố hôm 12 mà nhiều ngân hàng đầu tư hay trung tâm nghiên cứu quốc tế đã đề cập đến kinh tế Trung Quốc từ nhiều giác độ khác nhau, được chính Bắc Kinh gián tiếp xác nhận qua các thống kê của họ.

Thí dụ như IMF cho là viễn ảnh ngắn hạn của kinh tế xứ này có chiều hướng cải thiện nhưng Trung Quốc vẫn bị các vấn đề nguy kịch là gánh nợ quá lớn của doanh nghiệp, hay số nợ của hệ thống ngân hàng chui trị giá hai nghìn 900 tỷ là một tai họa khó tránh, hoặc nạn tẩu tán tư bản năm nay cũng bằng năm ngoái, có thể lên tới một ngàn tỷ đô la. Định chế quốc tế này khuyến cáo rằng Bắc Kinh cần chấn chỉnh hoặc thậm chí giải thể các doanh nghiệp nhà nước bị lỗ lã và chấp nhận một đà tăng trưởng thấp hơn.

Trong khi đó, thống kê của Bắc Kinh cho biết lượng đầu tư cố định của Tháng Bảy đã giảm. Nhưng con số tiêu cực ấy còn che giấu hai sự kiện đáng ngại khác là nạn sa sút đầu tư của khu vực tư doanh so với quốc doanh từ cuối năm ngoái và chuyện thứ hai, Bắc Kinh vẫn cứ phải bơm tiền kích thích kinh tế. Hệ thống thông tin kinh tế Bloomberg thì cho rằng tính đến cuối Tháng Sáu, tổng số nợ không sinh lời của Trung Quốc còn cao hơn Tổng sản lượng kinh tế của Việt Nam trong suốt năm 2015.

Tổng hợp lại, tập đoàn ngân hàng Hongkong Shanghai Bank của Anh, gọi là HSBC, nhận định rằng kinh tế Trung Quốc hút tiền nhanh hơn in tiền, là điều cực kỳ quái lạ! Nói vắn tắt thì lãnh đạo xứ này vẫn loay hoay với biện pháp vay tiền kích thích kinh tế và chất lên một núi nợ trong khi chưa thể cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Trong cái rừng thống kê đó, người ta khó thấy ra các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị của lãnh đạo Bắc Kinh….

Lãnh đạo toàn quyền quyết định

 

000_Hkg8459998.jpg-400.jpg
Chủ tịch TC Tập Cận Bình (phải) và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF Christine Lagarde tại Bắc Kinh ngày 8/4/2013. AFP photo

Nguyên Lam: Chính là vì vậy mà thính giả của chúng ta mới cần một cái nhìn tổng hợp và Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho hình ảnh tổng hợp đó. Thưa ông, bài toán kinh tế của Trung Quốc nằm ở đâu mà ông nhắc tới các vấn đề xã hội và chính trị của lãnh đạo?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta cứ lầm tưởng rằng hệ thống chính trị độc tài của Trung Quốc có ưu điểm hơn hệ thống dân chủ vì lãnh đạo có toàn quyền quyết định về việc phân phối tài nguyên sao cho có lợi nhất về kinh tế. Sự thật lại chẳng đơn giản như vậy.

Từ đã lâu, lãnh đạo Bắc Kinh biết rằng nếu muốn kinh tế phát triển chứ không chỉ tăng trưởng mà thiếu phẩm chất và thừa tai họa về môi sinh và tài chính thì phải có liều thuốc vừa “bổ” vừa “tả” theo kiểu Đông y. “Bổ là giải tỏa rào cản cho tư doanh có thể đầu tư và tạo thêm của cải cùng việc làm theo quy luật tự do của thị trường, và tả là cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước kém hiệu năng mà đầy tham nhũng.

Về mặt tích cực thì hồi Tháng Sáu, Quốc vụ viện, là Hội đồng Chính phủ của Bắc Kinh công bố nhiều chỉ dẫn mới để kích thích đầu tư của tư doanh và qua Tháng Bảy thì còn giải tỏa điều lệ đầu tư cho nước ngoài vào các khu tự do thương mại trong lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng kết quả thì chưa thể có ngay được.

Ngược lại, về mặt tiêu cực là số phận của các doanh nghiệp nhà nước thì cuối Tháng Hai năm nay, Bắc Kinh loan báo việc sa thải một số công nhân viên của khu vực quốc doanh từ hai ngành sản xuất dư thừa là than và thép. Tức là họ biết rằng phải chấn chỉnh khu vực này với cái giá chính trị và xã hội là làm gần hai triệu người mất việc trong tương lai. Nhưng bây giờ IMF cho là họ cần sa thải tám triệu lao động dư dôi thì làm sao giải quyết mà không bị khủng hoảng xã hội?

Tập Cận Bình có thể tập trung quyền lực vào trong tay mình nhưng chẳng thể nào phù phép để tạo ra tám triệu việc làm và tránh được hiện tượng doanh nghiệp vỡ nợ dây chuyền. – Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, phải chăng các chế độ độc tài vẫn có thể mạnh tay sa thải nhân công để đạt thành tích kinh tế và đấy mới là ưu thế cao hơn các chế độ dân chủ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta không nên quên là Trung Quốc và Việt Nam có chế độ độc tài đảng trị, trong đó một đảng chính trị có toàn quyền quyết định về kinh tế lẫn chính trị. Nhưng, hệ thống chính trị ấy được xây dựng từ dưới lên, với các đảng viên có đặc quyền trên thượng tầng phải dựa vào đảng viên cao cấp có đặc lợi ở dưới, từ các địa phương.

Hệ thống đó mới giải thích vai trò của khu vực kinh tế quốc doanh là trung tâm ban phát đặc lợi và đục khoét nền kinh tế quốc dân. Ở trên có thể nói tới việc sa thải hai triệu hay tám triệu công nhân  của các doanh nghiệp nhà nước, đấy là chuyện trừu tượng và duy ý chí, chứ ở dưới thì đảng viên cán bộ địa phương khó chấp hành chỉ thị này của thượng cấp vì sẽ gây ra động loạn xã hội khi lao động bị sa thải mà không có việc làm mới.

Vì vậy, trung ương Bắc Kinh cứ ban hành chỉ thị cho vui, chứ tại các tỉnh thì chính các đảng viên cao cấp lại trì hoãn hoặc phá hoại chỉ thị đó vì sợ loạn. Thời thịnh đạt với đà tăng trưởng trên 10% thì khu vực quốc doanh này là các trung tâm đặc quyền và đặc lợi, ngày nay khi đà tăng trưởng chỉ còn 5-6% thì đấy là các trung tâm cưỡng chống cải cách mà trung ương không thể dễ dàng ban hành biện pháp kỷ luật.

Nguyên Lam: Khi nhìn ra mâu thuẫn giữa trung ương và các địa phương của chế độ độc tài đảng trị, có lẽ người ta còn thấy ra một mâu thuẫn khác của lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay. Đó là làm sao tạo ra công ăn việc làm cho quần chúng lao động khi đà tăng trưởng sẽ tất yếu suy giảm và cần lực đẩy là tiêu thụ nội địa mà số tiêu thụ đó còn quá thấp vì các hộ gia đình còn quá nghèo. Sự thể có là cái vòng luẩn quẩn này không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng sự thể còn nguy kịch hơn vậy vì một lý do quốc tế nữa. Trung Quốc quá lệ thuộc vào xuất khẩu mà lượng hàng nhập khẩu vào các thị trường Âu-Mỹ khó tăng nên họ chết kẹt và sẽ kêu gọi các nước trong Thượng đỉnh G-20 này. Ở bên trong thì tiêu thụ nội địa chưa tăng nên họ tiếp tục bơm tiền kích thích sản xuất tức là tiếp tục vay tiền đầu tư và chất lên một núi nợ sẽ đổ.

Tập Cận Bình có thể tập trung quyền lực vào trong tay mình nhưng chẳng thể nào phù phép để tạo ra tám triệu việc làm và tránh được hiện tượng doanh nghiệp vỡ nợ dây chuyền. Đấy mới là bối cảnh sóng gió của Thượng đỉnh G-20, dù Bắc Kinh tránh nói đến sóng gió ngoài Biển Đông!

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích này.