Trump: Di dân sẽ bị sàng lọc kỹ trước khi được nhận vào Mỹ
Donald Trump hôm thứ Hai kêu gọi áp dụng biện pháp “thanh lọc kỹ”, kể cả về mặt ý thức hệ, để bảo đảm chỉ có những người chia sẻ các giá trị Mỹ và tôn trọng nhân dân Mỹ mới có thể di dân sang Hoa Kỳ.
Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà vạch ra các chính sách di trú và đối ngoại của ông hôm thứ Hai trước sự đồng tình của một đám đông ủng hộ ở Youngstown, bang Ohio, có lúc hô to: “Trump, Trump Trump” khiến bài phát biểu của ông nhiều lần bị gián đoạn.
Donald Trump nói nếu đắc cử, ông sẽ áp dụng một chính sách di trú khắt khe. Những người muốn di dân sang Mỹ sẽ phải trải qua một tiến trình thanh lọc cực kỳ gắt gao để bảo đảm Hoa Kỳ ngăn chận những kẻ ủng hộ cố chấp và hận thù, không tin vào hiến pháp Mỹ di dân sang Hoa Kỳ.
Donald Trump nói ông sẽ tạm thời đình chỉ chương trình di dân từ những khu vực mà ông mô tả là “bất ổn và nguy hiểm nhất thế giới, có quá trình ủng hộ chủ nghĩa khủng bố”.
Ông nói làn sóng di dân vào Hoa Kỳ hiện nay quá lớn để có thể được “thanh lọc một cách thích đáng.”
Nếu trở thành Tổng thống, Trump nói chính sách đối ngoại của ông sẽ tập trung vào việc quét sạch sự lan truyền của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Ông tuyên bố bất cứ ai chia sẻ mục tiêu đó đều là đồng minh của Mỹ.
Trump liệt kê một danh sách dài các cuộc tấn công khủng bố do các phần tử cực đoan Hồi giáo thực hiện tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Ông cam kết sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế về làm cách nào đấu tranh chống “ý thức hệ của sự chết, là điều cần phải tiêu diệt.”
Trump tấn công cả Tổng thống Barack Obama lẫn Hillary Clinton trong cương vị Ngoại trưởng, về “sự thiếu phán xét về tình hình Iraq, Syria và Libya”, theo nguyên văn lời ông.
Nhưng ông có vẻ lảng xa tuyên bố gây nhiều tranh cãi của mình, khi ông gọi ông Obama là “người sáng lập ra Nhà nước Hồi giáo – IS”. Thay vào đó Trump nói “những lời lẽ và hành động ngây ngô” của ông Obama đã cởi trói nhóm Nhà nước Hồi giáo, và “không còn nghi ngờ gì, đã tạo điều kiện cho nhóm khủng bố này sinh sôi nảy nở.”
Vẫn theo ông, Hillary Clinton thiếu “năng lực về cả tinh thần lẫn thể chất” để có thể đương đầu với Nhà nước Hồi giáo, mặc dù ông không giải thích chi tiết ý ông muốn nói gì.
Ngay trước khi Trump phát biểu, Hillary Clinton và Phó Tổng thống Joe Biden vận động tại Scranton, bang Pensylvania, tiểu bang nhà của ông Biden. Tại đây cả hai thành viên Đảng Dân chủ này đặt nghi vấn về “tính khí, trí tuệ, và những phẩm chất” mà Trump cần có để giành chiếc ghế trong Toà Bạch Ốc.
Biden nói: “Trong lịch sử Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ, chưa từng có một ứng cử viên được đề cử nào mà lại thiếu kiến thức và ít được chuẩn bị để có thể đối phó với vấn đề an ninh quốc gia của chúng ta, cho bằng ông Donald Trump.”
Hillary Clinton thì chế nhạo tuyên bố của ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà, nhất mực cho rằng ông biết nhiều về Nhà nước Hồi giáo và các điều kiện ngoài hiện trường ở Iraq hơn là các tướng lãnh Mỹ.
Clinton sau đó viết trên trang Twitter:
“Bất cứ lúc nào nghe ông Trump đề cập tới chính sách đối ngoại, hãy tưởng tượng ông ta trong Phòng Tình hình tại Toà Bạch Ốc, làm các quyết định cho tất cả chúng ta.”
Trong khi đó tờ Wall Street Journal, một tờ báo có truyền thống bảo thủ thường ủng hộ các lý tưởng của Đảng Cộng hoà, nói Trump “đang trên đường đi đến thất bại trong một cuộc đua lẽ ra có thể thắng.”
Nhật báo này mạnh mẽ đả kích Trump trong một bài xã luận đăng hôm thứ Hai, nói rằng Trump thích xem các chương trình hội thoại trên truyền hình hơn là đọc các tài liệu về chính sách, và ông thích những đám đông tại các cuộc tập hợp chính trị hơn là một chương trình vận động có tổ chức, và rằng cái phong cách “nổ súng trước khi suy nghĩ” của ông đang khiến nhiều thành viên Đảng Cộng hoà và những người có chính kiến độc lập lảng xa.
Tờ Wall Street Journal nói nếu các lãnh đạo Đảng Cộng hoà không thể buộc Trump nhanh chóng thay đổi phong cách ấy, thì họ “sẽ không có sự lựa chọn nào khác hơn là đánh giá ứng cử viên Trump như một nhân vật không có mảy may hy vọng nào sẽ thành công”. Tờ báo nói Trump cần phải “ngưng quy lỗi cho mọi người khác, và quyết định liệu ông có muốn cư xử như một nhân vật thực sự muốn trở thành Tổng thống.”
Cũng trong ngày thứ Hai, báo The New York Times tường thuật các nhà điều tra chống tham nhũng người Ukraine đang điều tra liệu Chủ tịch của chiến dịch vận động của Trump Paul Manafort có nhận một khoản tiền lên tới hàng triệu đôla từ chính đảng thân Nga của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych hay không.
Manafort từng là một cố vấn của Yanukovych trước khi Tổng thống bị lật đổ này chạy khỏi Ukraine trong một cuộc nổi dậy của quần chúng vào năm 2014.
Tờ The Times tường thuật rằng tên Manafort đã xuất hiện trong một tài liệu kế toán cho thấy 12,7 triệu đôla đã được dành riêng cho ông. Cơ quan chống tham nhũng Ukraine đang tìm hiểu xem liệu món tiền thanh toán một lần này có bị đánh cắp từ các tài sản của chính phủ Ukraine hay không.
Tuy nhiên, hiện không có chứng cớ là ông Manafort đã nhận được món tiền này, và ông miêu tả lời cáo buộc ấy là “không có cơ sở, ngớ ngẩn và phi lý.” – Theo VOA