Chuyên gia Nga: Tên lửa Việt Nam tại Trường Sa dễ bị dập
Thông tin về việc Việt Nam dường như đã bố trí một số giàn phóng phi tên lửa EXTRA của Israel ra năm địa điểm tại quần đảo Trường Sa rất được báo chí Nga chú ý. Tờ báo mạng Sputnik số ra ngày 14/08/2016 đã trích dẫn một chuyên gia cho rằng động thái này của Việt Nam chỉ có giá trị phô trương, còn khi lâm trận, các giàn pháo của Việt Nam rất dễ bị triệt hạ.
Trong một bài phân tích, tờ Sputnik đã tỏ ý lo ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng tại Biển Đông với việc các nước càng lúc càng tăng cường lực lượng quân sự trong vùng vì không tìm được giải pháp chính trị cho cuộc tranh chấp. Riêng về tranh chấp giữa CSVN và TC, tờ báo Nga nêu bật sự kiện là nhiều chuyên gia phân tích địa lý chính trị Nga cho rằng Matxcơva, một đối tác của cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội, có thể đóng một vai trò then chốt trong việc giải quyết tranh chấp giữa hai nước.
Dĩ nhiên, tờ báo đã nêu lại thông tin được hãng Reuters hôm 10/08 tiết lộ theo đó một số nguồn tin phương Tây đã cho biết là Hà Nội đã cho chuyển một số giàn phóng tên lửa di động từ đất liền ra 5 vị trí khác nhau ở Trường Sa. Theo giới chuyên gia, thì những cơ sở của TC ở các đảo lân cận đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Việt Nam.
Đúng như người ta dự đoán, truyền thông TC đã lên tiếng cảnh cáo là động thái trên của Việt Nam sẽ là một “sai lầm ghê gớm” và nói thêm rằng Việt Nam nên “ghi nhớ và rút ra một số bài học trong lịch sử”, ám chỉ 3 tuần lễ chiến tranh Việt-Trung năm 1979.
Tờ báo Nga đã nhắc lại rằng quần đảo Trường Sa bao gồm khoảng 100 hòn đảo nhỏ, tổng diện tích tính ra không đầy 5 cây số vuông, thức thể lớn nhất là đảo Ba Bình/Thái Bình – tên quốc tế là Itu Aba, chỉ có diện tích khoảng 46 ha. Quần đảo tuy nhiên lại trải rộng trên một vùng biển hơn 400.000 cây số vuông.
Chuyên gia phân tích kiêm nhà báo Nga Boris Stepnov, trên trang PolitRussia, đã ghi nhận thực tế là đám đảo nhỏ đó hiện có 6 bên tranh chấp chủ quyền – Việt Nam, Philippines, TC, Đài Loan, Malaysia và Brunei – cho dù đại đa số các thực thể địa lý có liên quan khó có thể được gọi là đảo.
Riêng về động thái mới nhất của Việt Nam, cho đặt giàn phóng tên lửa trong khu vực, nhà báo Stepnov đánh giá: “Đây là hành động hệ trọng nhất mà Việt Nam thực hiện trong khu vực trong những năm gần đây… Hiển nhiên là động thái đó bắt nguồn từ phán quyết thuận lợi cho Philippines của Tòa án La Haye ngày 12/07, khi cho là yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý”.
Tên lửa di động trên đảo hẹp không có ý nghĩa
Tuy nhiên, tờ Sputnik đã trích dẫn nhà nghiên cứu Vasily Kashin, thuộc Viện Nghiên Cứu Viễn Đông Nga trên nhật báo Nga Kommersant, nhận định là động thái của Việt Nam không có ý nghĩa gì nhiều nếu xét về mặt giá trị quân sự quy ước.
Chuyên gia này giải thích: “Trong một trận chiến thực thụ, sự sống còn của những hệ thống tên lửa này tùy thuộc vào khả năng rút đi nhanh chóng để tránh bị phản pháo”. Cho nên, “khi quyết định bố trí các giàn phóng tên lửa này trên những thực thể chỉ rộng khoảng 100×100 mét, tức là không có chỗ để hoạt động, thì động thái đó chỉ mang tính chất phô trương mà thôi”.
Tờ Sputnik cũng nhắc lại rằng bộ Ngoại Giao TC đã phản ứng trước việc Việt Nam triển khai tên lửa bằng tuyên bố dứt khoát chống lại việc (Việt Nam) chiếm đóng đảo và bãi đá tại Trường Sa của TC… (và) triển khai quân sự và xây dựng trái phép trên đó.
Tuy nhiên, theo Sputnik, nhà báo Stepnov cho rằng, công bằng mà nói, thì “trên các đảo mà họ chiếm đóng ở Trường Sa, TC đã xây dựng những cơ sở được sử dụng cho cả mục tiêu dân sự lẫn quân sự”. Stepnov còn ghi nhận thêm:
“Hơn thế nữa, từ năm 2013, Trung Quốc đã ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng bến cảng… Dĩ nhiên là Trung Quốc cho đấy là những hạ tầng cơ sở dùng cho những mục tiêu hòa bình – có nghĩa là những chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ hay nghiên cứu về lưu thông hàng hải. Tuy nhiên, đối với các nhà phân tích nước ngoài, thì mục tiêu chính của Trung Quốc là tăng cường tiềm năng quân sự trong vùng. Nhất là Trung Quốc đã xây phi đạo trên một số đảo nhân tạo”.
Chuyên gia Nga tuy nhiên đã cho rằng cũng may là một cuộc chiến tranh thực thụ giữa TC và Việt Nam, trước mắt khó xẩy ra. Stepnov giải thích: “Nếu Trung Quốc gây sức ép quá trớn lên Việt Nam, thì Việt Nam sẽ nhờ đến sự che chở của Mỹ, và đó rõ ràng là điều Trung Quốc không muốn…”
Bằng một giọng điệu hóm hỉnh, chuyên gia Nga đã cho rằng như thường lệ, dầu hỏa là nguyên do làm tranh chấp nảy sinh, thế nhưng ở Biển Đông, đó không phải là vấn đề duy nhất và giải thích: “Cứ nhìn yêu sách của Trung Quốc xem: Nó hơi bị quá đáng phải không?” – Theo RFI