Tiền TC có phải “chìa khóa vạn năng” cho Thủ tướng Hun Sen?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tiền TC có phải “chìa khóa vạn năng” cho Thủ tướng Hun Sen?

HỒNG THỦY – 08/08/16

(GDVN) – Hun Sen vẫn hy vọng giành chiến thắng bằng cách bơm tiền Trung Quốc vào nền kinh tế các địa phương ở Campuchia.
Ngày 3/8 The Cambodia Daily dẫn lời Phó Thủ tướng Campuchia Hor Namhong cho biết, sự phát triển của Campuchia “không thể tách rời” tiền viện trợ của Trung Quốc.
Tờ báo lưu ý, phát biểu của ông Hor Namhong xuất hiện sau khi Campuchia khiến các nước láng giềng ASEAN bức xúc vì Phnom Penh gạt Biển Đông khỏi tuyên bố chung của hội nghị Ngoại trưởng ASEAN.
Khi tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia bà Bố Kiến Quốc, ông Hor Namhong nói: “Sự phát triển của Campuchia hiện nay không thể tách rời tiền viện trợ của Trung Quốc.”
Người phát ngôn chính phủ Campuchia ông Phay Siphan đồng ý với phát biểu này của ông Hor Namhong với bình luận: “Nếu không có tiền đầu tư của Trung Quốc, chúng tôi sẽ chẳng đi đến đâu.”
Trung Quốc đã liên tục tăng viện trợ cho Campuchia. Trong năm 2014 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa cung cấp cho Campuchia từ 500 triệu đến 700 triệu viện trợ hàng năm. Ngoài ra còn các khoản vay ưu đãi khác.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: SCMP.
Nhà nghiên cứu Campuchia ông Ou Virak đã bình luận trên The Cambodia Daily: “Tôi nghĩ rằng sẽ không công bằng để đánh giá cao vai trò của Trung Quốc với sự phát triển ở Campuchia. Mọi sự đánh giá nên dành cho người dân, chứ không phải (chính phủ) Campuchia hay Trung Quốc.” [1]
Bình luận về những gì Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhận được từ Trung Quốc, Luke Hunt – cựu Trưởng đại diện AFP tại Campuchia và hiện là giáo sư Đại học Pannasastra, Campuchia viết trên South China Morning Post ngày 7/8:
“Tiền Trung Quốc khoảng 15 tỉ USD trong 2 thập kỷ qua đã giúp nền kinh tế Campuchia tràn đầy sinh lực. Hun Sen nhận thức sâu sắc rằng, sự suy thoái tài chính của ân nhân phương Bắc cộng với sự mất giá của đồng nhân dân tệ có thể làm tổn hại cơ hội của mình trong cuộc bầu cử năm 2018.
Trong khi 3 năm trước CPP đã giành chiến thắng với tỉ lệ thấp nhất từ trước tới nay giữa những cáo buộc về gian lận bầu cử.
Ủng hộ của Hun Sen đối với yêu sách hàng hải của Bắc Kinh thể hiện qua hội nghị ASEAN gần đây ở Lào, nơi một lần nữa chính phủ của ông cản trở các nỗ lực thiết lập một chương trình đa phương nhằm giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, đã khiến dư luận xem nhà lãnh đạo tại chức lâu nhất khu vực như một người phá hoại đoàn kết trong khối.”
Ou Virak thì nói với Luke Hunt: “Campuchia mất ngày càng nhiều tính hợp pháp trên trường quốc tế, và hệ quả của nó là dù đúng hay sai, lập trường của Campuchia luôn bị hoài nghi.” [2]
Tiền Trung Quốc cũng khó giúp Hun Sen chiếm được cảm tình của cử tri trẻ tuổi Campuchia
Luke Hunt nhận định, 65% dân số Campuchia ở độ tuổi dưới 30 và có suy nghĩ rất khác với cha mẹ họ, những người đã chứng kiến đống đổ nát sau 3 thập kỷ chiến tranh.
Cam kết của ông Hun Sen về an ninh và cảnh báo xảy ra nội chiến nếu CPP mất quyền lực chỉ có một chút ý nghĩa với những người đang cần việc làm và được trả lương, muốn được chia sẻ cuộc sống phồn vinh và có xu hướng ủng hộ phe đối lập.
Cái chết của nhà phân tích chính trị đối lập Kem Ley bị ám sát với 250 ngàn người tham dự đám tang, đưa tang suốt quãng đường 90 km từ Phnom Penh đến ngôi làng của ông nói lên nhiều điều.
Chính phủ Campuchia không hỗ trợ duy trì trật tự. Các cây xăng không bán xăng cho những người đưa tang Kem Ley. Tuy nhiên việc này không ngăn được người dân từ những ngôi làng nghèo khó đưa tang ông Kem Ley, dân chúng cũng tự nguyện cho xăng và nước uống dọc đường đưa tang.
Sự kiện này với người Khmer không kém gì lễ tang Quốc vương Sihanouk năm 2013 hay đón Sam Rainsy lưu vong trở về cùng năm, theo Luke Hunt.
Thủ tướng Hun Sen chỉ có thể “khát khao lòng sùng kính” như vậy từ phía người dân trong bối cảnh ảnh hưởng của ông suy giảm do những thay đổi về nhân khẩu học.

Ông Hun Sen hà tất phải giải thích: “Việt Nam không phải ông chủ của tôi”?

Trong khi đó Hun Sen vẫn hy vọng giành chiến thắng bằng cách bơm tiền Trung Quốc vào nền kinh tế các địa phương ở Campuchia, còn đầu tư từ các nước phương Tây vào Campuchia đang sụt giảm đáng kể. [2]
Cá nhân người viết cho rằng, khi Trung Quốc chi tiền để mua ảnh hưởng hay sự ủng hộ cho một mục đích, ý đồ chính trị nào đó của họ thì Bắc Kinh luôn “chọn giá đúng” và “trả giá đúng”.
Tuy nhiên với việc Trung Quốc nuôi dưỡng Khmer Đỏ năm xưa lẫn việc cung cấp hỗ trợ tài chính, chơi với tất cả đảng phái chính trị và nhân vật chính trị có ảnh hưởng tại Campuchia hiện nay thì ngài Hun Sen có lẽ chỉ được hậu đãi khi còn là Thủ tướng và có giá trị lợi dụng đối với Bắc Kinh.
Với việc trang bị tận răng, từ điện thoại di động đến xe hơi cho Bộ Ngoại giao, từ quân trang đến súng ống vũ khí cho quân đội, tài trợ hoàn toàn tiền xây dựng 35% tổng chiều dài hệ thống giao thông đường bộ Campuchia, khó có thể tin rằng Bắc Kinh làm điều này chỉ vì “tình hữu nghị” mà không có mục đích khác. [3]
Do đó khi thời cuộc đổi thay, hoặc giả Bắc Kinh cảm thấy cần phải thay đổi thì họ có đủ đòn bẩy và nguồn lực tạo ra sự thay đổi.
Trung Quốc “không can thiệp” vào công việc nội bộ của Campuchia như cách phương Tây vẫn làm qua những khác biệt về nhân quyền, nhưng cái bóng Bắc Kinh dường như đã phủ lên mọi mặt đời sống chính trị tại Campuchia và sẵn sàng điều chỉnh nếu thấy đất nước Chùa Tháp “chệch hướng”.
Trong lúc rót viện trợ cho chính phủ Thủ tướng Hun Sen, Trung Nam Hải không quên thi ơn mưa móc đến các đảng phái chính trị khác, điển hình là trả tiền thuê nhà cho tới điện nước giúp đảng bảo hoàng Funcinpec. [4]
Bởi vậy, cá nhân người viết thiết nghĩ tiền Trung Quốc hoàn toàn không phải chìa khóa vạn năng đối với Thủ tướng Hun Sen.
Đầu tư từ Trung Quốc với những mặt trái và hệ lụy của nó, dù có tăng bao nhiêu cũng không mua được sự ủng hộ của cử tri, nếu nó không đem lại sự thay đổi tích cực trong chất lượng cuộc sống của người dân.
Bầu cử tại Campuchia và tương lai sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Hun Sen là công việc nội bộ của Campuchia.
Cá nhân người viết tin rằng, người Việt Nam luôn mong muốn các nước láng giềng trong đó có Campuchia hòa bình, ổn định, phát triển và có đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định của khu vực cũng như quan hệ song phương. Còn mọi sự lựa chọn và quyết định cho tương lai thuộc về người dân mỗi nước.
Tài liệu tham khảo:
Hồng Thủy