Chuyên gia Phạm Chi Lan: “Là người đóng thuế, tôi phản đối vay vốn Trung Quốc!”

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chuyên gia Phạm Chi Lan: “Là người đóng thuế, tôi phản đối vay vốn Trung Quốc!”

 

[Nhắn ông Phạm Bình Minh] Đừng đốt sách Thầy, phí cơm Bu
Phạm Văn
Chúng tôi kỳ vọng vào ngài giống như sự tin tưởng lời dặn của cụ Nguyễn Phi Khanh với Nguyễn Trãi nơi biên ải.
Chiến lược của Trung Quốc cho Việt Nam vay vốn được xem như một kênh đầu tư hiệu quả, an toàn [đối với họ], kèm theo các điều kiện ranh ma khác hẳn với nguồn vốn vay từ các quốc gia khác. Chúng ta cần nhận diện ý đồ của họ như sau:
1. Về chính trị: Tạo mối quan hệ là nước giúp đỡ cho cho Việt Nam phát triển. Thông qua đó áp đặt yêu sách và kiềm chế VN từng vấn đề cụ thể.
2. Về đầu tư: Chọn các dự án chủ yếu về giao thông, xây dựng, khai khoáng, điện, nhà máy sản xuất nhiều thải loại ra môi trường. Đi cùng dự án là gói tín dụng và nhà thầu, nhà cung cấp thiết bị của doanh nghiệp TQ.
3. Về đấu thầu: Hạ giá thầu xuống mức thấp để thắng thầu. Quá trình thực hiện là quá trình điều chỉnh thiết kế làm phát sinh kinh phí dự án, mà ta thường gọi là đội vốn, có dự án gấp 3 lần so với phê duyệt ban đầu.
4. Về công nghệ: Họ tuồn công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, gây ô nhiễm hoặc chủng loại thiết bị kém chất lượng, sức cạnh tranh hàng hóa thấp vào công trình, dự án.
5. Về thi công: Họ đưa cán bộ kỹ thuật, lao động phổ thông sang thi công. Thầu phụ và lao động Việt Nam mất việc ngay trên sân nhà.
6. Về xã hội: Nam công nhân sang làm việc, lấy vợ người Việt, mua đất làm nhà, xây dựng cuộc sống gia đình.
7. Về rủi ro: Mọi rủi do về tín dụng, về SXKD kém hiệu quả, thua lỗ, phá sản, gây ô nhiễm môi trường … thì phía Việt Nam chịu (Các dự án như Boxit Tây Nguyên, Đạm Ninh Bình, Thép Thái Nguyên, đường sắt trên cao ở Hà Nội… là những ví dụ).
Bạn nào có thông tin, ý kiến hay xin trao đổi, bổ sung cho đầy đủ.
Ông này vừa có phiếu bầu cao nhất ở QH! Thật là phí, bố ông ta là cụ Nguyễn Cơ Thạch đã thấy nguy cơ xâm lược VN của bọn TQ và cụ đã chống lại chủ trương theo TQ, cụ đã đúng. Nay thằng con của cụ lại chống lại đường lối đó. Thật là kì quái, ông ta chỉ vì lợi riêng mà bất chấp thực tế là TQ đang tìm cách để nô dịch VN.
Lạc Nguyễn Quang
Xung quanh đề xuất đang có dư luận trái chiều mới đây về vay một ngân hàng của Trung Quốc 300 triệu USD để làm đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ đã bày tỏ sự phản đối.
Thưa bà, gần đây Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có đề xuất vay vốn 300 triệu USD của một ngân hàng Trung Quốc để phát triển cao tốc Vân Đồn – Móng Cái Bà bình luận gì về đề xuất này?
Có cần thiết vay nợ làm cao tốc?
– Tôi có nghe và cảm thấy rất lo lắng. Trước tiên là chúng ta cần xem xét sự cần thiết làm 1 tuyến cao tốc này trong bối cảnh phải đi vay hay không khi nợ công đang lớn. Bên cạnh đó, cơ chế vay vốn sẽ thế nào, giao hết cho tổng thầu Trung Quốc hay sao?
clip_image001
Bộ GTVT đề xuất vay Trung Quốc 300 triệu USD để làm đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, thuộc tỉnh Quảng Ninh (ảnh minh họa)
Hơn nữa, làm đường cao tốc trên khá nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Ở đó từng có những dự án gây bất lợi cho Việt Nam như địa phương từng cho họ làm 1 khu sân golf án ngữ vị trí quan sát quốc phòng quan trọng.
Làm tiếp con đường này có mang lại lợi ích cho khu vực Đông Bắc hay không thì đây là câu hỏi lớn, cần giải thích. Đặc biệt với Trung Quốc, tham vọng của họ không hề suy giảm, không hề che giấu là làm một con đường hai vành đai hoặc đường tơ lụa trên biển… Tất cả cái đó, có đáng để Việt Nam làm cao tốc ở chỗ nhạy cảm hay không chứ chưa nói vốn của ai.
Tại sao bà lại lo lắng khi vay vốn của ngân hàng Trung Quốc để làm đường? Cũng có người cho rằng đây cũng là một nguồn lực để Việt Nam tận dụng phát triển?
– Vốn vay đúng là nguồn lực, dù giá rẻ nhưng chúng ta cũng phải xét toàn cục. Tôi nói như này, dự án giao thông của Trung Quốc tại Việt Nam như đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là minh chứng và bài học. Việt Nam vay 1 đồng nhưng giờ đắt thêm gấp 3 đồng rồi mà vẫn chưa xong. Vay của họ [bị] ràng buộc đủ mọi thứ, trong khi rất nhiều nghi ngờ về chất lượng công trình rồi. Quyết liệt như ông Đinh La Thăng đã từng phải thốt lên, vay của Trung Quốc bây giờ đành phải chịu, không làm gì được.
Tại sao vết xe đổ [dã rõ] như thế, điều tệ hại chưa kết thúc thì lại lao vào cái mới? Chúng ta thừa biết vay vốn của Trung Quốc thì phải đi kèm nhiều điều kiện: Vốn của người ta thì công nghệ của người ta, thầu phụ của người ta thậm chí lao công cũng của người ta nốt, vật tư của người ta hết. Họ cho vay để bán hàng họ, tạo việc làm cho họ, trong khi thời gian tiến độ và chất lượng chúng ta không kiểm soát được.
Vốn Trung Quốc, bài học xương máu ở đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Nếu chúng ta giỏi trong giám sát thì cũng [đã] không để cho Cát Linh – Hà Đông chậm như vậy, không để cho đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ 18 liên tiếp. Thế thì tất cả bài học đó rất rõ rồi. Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hiện nhạy cảm đến mức, ngay cả những người dân bình thường cũng không muốn vay mượn của Trung Quốc. Vậy tại sao các cơ quan Nhà nước lại cứ muốn nhảy vào?
Ngoài các dự án hạ tầng thì rất nhiều dự án liên quan đến Trung Quốc như dự án Nhà máy thép Thái Nguyên, các dự án xi măng, thủy – nhiệt điện… đủ các thứ. Bất cứ dự án nào của Trung Quốc cũng đầy dẫy vấn đề. Là người đóng thuế, tôi không ủng hộ vay vốn Trung Quốc vì chỉ mang lại lợi cho Trung Quốc mà tác hại cho Việt Nam là rất lớn.
Phải nói thên là Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi tăng trưởng, đi kèm là các công nghệ cũ được thay bằng công nghệ mới, vật liệu cũ bằng vật liệu mới, và vòng đời của các công nghệ, kỹ thuật cũ này sẽ được xuất khẩu sang các nước khác qua ODA, qua vốn vay.
Bài học này chính bản thân các nước Châu Phi thì họ đã nhận ra rồi, đi kèm vốn rẻ của Trung Quốc là nhiều rủi ro về tài nguyên, ô nhiễm môi trường… Điều tôi đau chính là quá nhiều bài học đau xót vậy mà các người trách nhiệm tại Việt Nam vẫn chưa rút được kinh nghiệm, tôi không hiểu được.
Làm đường thông thương tốt với Trung Quốc?
Việc xây dựng đường cao tốc, sẽ giúp Việt Nam khai thác thị trường tiêu thụ của Trung Quốc, giúp kinh tế Việt Nam xuất khẩu, giảm nhập siêu từ nước này, đó là giả thuyết hợp lý?
– Vấn đề của Việt Nam là chơi với Trung Quốc vừa có lợi thế, nhưng vừa có thách thức lớn. Nhưng tôi cảm nhận được qua các con số thì Việt Nam được hưởng lợi rất ít mà thách thức phần lớn. Bây giờ để cải thiện nhập siêu từ Trung Quốc phải tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế chứ không chỉ dựa vào việc làm một con đường.
Quan hệ thương mại với Trung Quốc không trở ngại vì do con đường. Hàng năm Việt Nam nhập khẩu hàng chục tỷ USD từ Trung Quốc, cả trên đường bộ, đường biển, hàng không. Đó có phải là khó khăn do con đường hay không? trong khi xuất khẩu của ta sang Trung Quốc èo uột lại bảo thiếu đường.
Cải thiện phải cải thiện ở chỗ khác. Trong các tuyên bố của Trung Quốc, họ vẫn nói cải thiện thương mại với Việt Nam, nhưng họ nhập cái gì? Toàn nguyên liệu thô, đào hết mỏ nọ đến mỏ kia. Rồi trong việc nhập khẩu của phía Trung Quốc, cũng có nhiều bài, thủ thuật như: nhập khẩu gạo kém chất lượng, chè trộn phân lân rồi đi rêu rao chất lượng của Việt Nam xấu để chúng ta mất thương hiệu.
Bà phản đối nhưng đặt giả sử làm con đường cao tốc là thiết yếu, vậy bà có sáng kiến gì? Hơn nữa, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nước này vẫn không phải là chủ nợ của Việt Nam, các nhà tư bản Trung Quốc không phải nhà đầu tư lớn, sao chúng ta phải lo?
– Hiện nay, theo quan sát của tôi Trung Quốc không phải là đối tác đầu tư, nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Các dạng đầu tư của Trung Quốc chủ yếu là qua bỏ thầu giá rẻ, tổng thầu EPC khá phổ biến. Hiện đã hơn 90% tổng thầu ở Việt Nam là rơi vào tay Trung Quốc. Giá bỏ thầu của họ rẻ nhưng rồi thời gian lại bị kéo dài, giá tăng lên.
Nếu hiện nay, chúng ta cần làm, thì hình thức kêu gọi vốn bằng hợp tác công tư (PPP) là hình thức hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay còn có nhiều vấn đề như chi phí quá cao, có rất nhiều cái thiếu minh bạch, bản thân các dự án không có chủ đầu tư tốt cho nên bức xúc cho xã hội, nghi ngờ PPP. Tôi phải nhấn mạnh, bản chất phương thức PPP như BOT làm đường là không xấu, nhưng vì mình làm tồi nên không kêu gọi được dự án tốt, không vì thế mà nói PPP không tốt được, trong khi thế giới đã rất nhiều dự án.
Tuy nhiên, phía các đơn vị đưa ra đề xuất lại cho rằng, không thu hút được các nhà đầu tư theo phương thức PPP vì tổng vốn dự án quá lớn lên đến 300 triệu USD, không nhà đầu tư nào đáp ứng được?
– Tôi cho rằng, nếu dự án lớn ta chia nhiều cấu phần, phần nào đấu thầu tư nhân, kêu gọi được vốn của tư nhân thì ta làm triệt để nhằm giảm đầu tư ngân sách. Còn phần nào khó quá, tư nhân chê, không ai nhận thì Nhà nước đứng ra làm. Đấy là [đối với những] dự án cấp thiết, quan trọng.
Các cơ quan Nhà nước đã thử kêu gọi chưa hay mới đưa đề án ra đã nói rằng tư nhân họ không làm. Các anh có kêu gọi tư nhân chưa mà vội kết luận tư nhân không muốn tham gia vào. Mới đề xuất dự án mà đã giao hẳn cho tổng thầu, giao hẳn như vậy thì đâu còn quy trình để chúng ta quản lý, giám sát nữa, đấu thầu hay chọn lựa nữa.
Xin trân trọng cảm ơn bà.
Nguyễn Tuyền (thực hiện)
Phụ lục

1. Vay tiền Trung Quốc làm đường Móng Cái – Vân Đồn: quy trình bán nước?

Lê Anh Hùng
clip_image003
Cửa khẩu Móng Cái.
Lời cảnh báo hơn 2 năm trước…
Ngày 9/4/2014, trang mạng của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã đăng bài “Trục đường cửa ngõ chiến lược Móng Cái – Hạ Long sẽ rơi vào vòng kiểm soát của Trung Quốc?”. Trong bài viết, chúng tôi đã cảnh báo nguy cơ trục đường Móng Cái – Hạ Long sẽ rơi vào vòng kiểm soát của Trung Quốc thông qua việc Việt Nam vay vốn của họ để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường này.
Ngày 23/5/2015, VOA lại đăng bài “Vì sao TQ cấm làm đường gần biên giới, còn VN lại mở toang cửa ngõ biên giới với TQ?”. Bài viết nêu lên một thực tế là để đề phòng Việt Nam tấn công qua biên giới, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã ngưng một dự án làm đường của chính quyền một thành phố nằm gần biên giới Trung – Việt.
Trong khi đó, phía Việt Nam lại gần như mở toang cửa ngõ biên giới với Trung Quốc bởi tất cả các hướng tiến quân chính của Trung Quốc trong cuộc xâm lược Việt Nam tháng 2/1979 là Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu đều đã hoặc sắp có đường cao tốc nối từ biên giới Việt – Trung về Hà Nội. Trước khi chiến sự nổ ra, các tuyến đường cao tốc này đã và đang góp phần đắc lực giúp Trung Quốc thực hiện âm mưu thôn tính Việt Nam về mặt kinh tế.
…và thực tế hiện tại
Hơn hai năm sau lời cảnh báo nói trên, công chúng Việt Nam đang xôn xao và tỏ thái độ rất bất bình trước tin Bộ Giao thông Vận tải lại đề xuất vay vốn Trung Quốc để xây dựng tuyến cao tốc Móng Cái – Vân Đồn. Dự án xây dựng đường cao tốc này gồm 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 đầu tư nền đường 4 làn xe, mặt đường 2 làn xe, tổng chiều dài 96km, tốc độ thiết kế 80-100km/h; nhà tài trợ là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, với vốn vay dự kiến 304,9 triệu USD trên tổng số 382 triệu USD tổng mức đầu tư.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Dân trí ngày 28/7 vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bày tỏ thái độ ủng hộ việc vay vốn Trung Quốc để thực hiện dự án trên.
Trước băn khoăn của phóng viên khi nêu những hậu quả nhãn tiền của việc Việt Nam vay vốn Trung Quốc để thực hiện dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông, PTT kiêm Ngoại trưởng của Việt Nam đã thản nhiên phát biểu: “Khi đánh giá dự án tiến triển nhanh hay chậm, nó không chỉ có một nguyên nhân, có rất nhiều nguyên nhân khác như có thể do quá trình giải phóng mặt bằng chậm, có nguyên nhân sử dụng hiệu quả các nhà thầu phụ… Chứ không phải do đồng tiền nó làm chậm mà sử dụng thế nào cho hiệu quả thì cơ quan, đơn vị triển khai phải biết sử dụng. Nhưng thực tế, chúng ta cũng phải nhìn nhận, nếu dùng nguồn vốn vay mà dự án bị kéo dài thì vốn vay càng đắt lên, thời gian trả nợ kéo dài, thời gian ân hạn ngắn lại. Chúng ta không triển khai nhanh thì sẽ thiệt hại nhiều” (!!!).
Quy trình bán nước?
Trong bài “Bàn tay ‘lông lá’ của Bắc Kinh đã nắm được PTT Phạm Bình Minh trong vụ đường cao tốc Móng Cái – Vân Đồn?”, nhà văn Phạm Viết Đào – người từng lập một blog chuyên đăng các tư liệu về cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc từ 1979-1990 rồi bị bắt ngay trước ngày Chủ tịch VN Trương Tấn Sang đi thăm Trung Quốc hồi tháng 6/2013 – đã viết:
“Qua cách trả lời của PTT Phạm Bình Minh, chúng ta thấy ông tách các khoản ODA của Trung Quốc ra thành 2 công đoạn: công đoạn vay tiền và công đoạn triển khai dự án bằng tiền vay. Theo cách biện giải của PTT Phạm Bình Minh thì các hệ lụy phần lớn thường xảy ra từ các dự án có nguồn vốn ODA từ Trung Quốc ở công đoạn 2: ‘… do quá trình giải phóng mặt bằng chậm, có nguyên nhân sử dụng hiệu quả các nhà thầu phụ… Chứ không phải do đồng tiền nó làm chậm mà sử dụng thế nào cho hiệu quả…’
Với cách ngụy biện này, PTT Phạm Bình Mình muốn chỉ ra: hệ lụy là do khâu ‘triển khai’ dự án chứ không do khâu ‘đi vay tiền’. Với cách lập luận này, ông đã bật đèn xanh cho Bộ GTVT có thể vay ODA từ Trung Quốc…”
Nhà văn Phạm Viết Đào còn vạch trần động cơ đằng sau thái độ hữu hảo, tốt bụng của Trung Quốc khi cho Việt Nam vay với lãi suất ưu đãi để phát triển cơ sở hạ tầng. Tuyến đường cao tốc này sẽ kết nối vùng kinh tế Quảng Châu – Quảng Đông phát triển của Trung Quốc với khu vực cảng biển miền bắc Việt Nam, qua đó tạo thuận lợi cho sự lưu thông hàng hóa của Trung Quốc sang Việt Nam, bóp chết nền sản xuất trong nước, cũng như thông qua cửa ngõ Việt Nam để thâm nhập các thị trường khác. Nguy hiểm hơn, vùng Vân Đồn – Quảng Ninh vốn là địa bàn sinh sống của hàng vạn người Hoa trước đây, họ đã quay về Trung Quốc sau chiến dịch nạn kiều 1978-1979; việc Trung Quốc cấp vốn để xây tuyến đường cao tốc sẽ tạo điều kiện cho người Hoa quay lại địa bàn này sinh cơ lập nghiệp vì họ còn nhiều quan hệ tại đây.
Ông viết tiếp: “Khi Việt Nam vay được khoản tiền 7000 tỷ này của Trung Quốc rồi, các nhà thầu Trung Quốc sẽ vào thi công, Đảng CS Trung Quốc lại chỉ đạo các nhà thầu này giở ra bao chiêu trò, gây ra biết bao hệ lụy cho đất nước, cho nhân dân Việt Nam, cho môi trường sinh thái, gây ra các vấn nạn xã hội và cho cả bản thân nền kinh tế…”
Vụ việc mới nhất liên quan đến bàn tay lông lá của Bắc Kinh này lại càng đặc biệt đáng lo ngại bởi thời gian qua, chúng tôi đã vạch trần việc Trung Quốc bày ra rất nhiều mưu kế hết sức tinh vi và quỷ quyệt nhằm mục đích chiếm lĩnh những vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng trên khắp Việt Nam, trong khi các quan chức dính líu đến thảm hoạ Formosa ở Miền Trung thì đang ra sức biện bạch rằng họ đã làm “đúng quy trình”.
Xem ra, mối bận tậm của các vị “đầy tớ nhân dân” ở Việt Nam không phải là những hệ luỵ sâu rộng về chính trị – kinh tế – xã hội cũng như an ninh – quốc phòng từ các quyết sách của họ, mà chỉ là việc liệu những quyết sách đó có diễn ra “đúng quy trình” hay không thôi.
Những “quy trình” dẫn đến hàng loạt hiểm họa “made in China” như Formosa Hà Tĩnh hay dự án cao tốc Móng Cái – Vân Đồn kia là gì nếu không phải là quy trình bán nước?
L.A.H.
* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.​

2. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lên tiếng về việc vay Trung Quốc gần 7.000 tỷ đồng làm đường cao tốc

An Ngọc

Không quan trọng là vay của nước nào, mà vấn đề là phải sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, đáp ứng được điều kiện và tiêu chuẩn để đảm bảo Việt Nam có khả năng vay, trả nợ tốt nhất.

Trả lời bên hành lang Quốc hội chiều ngày 28/7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ quan điểm ủng hộ với việc vay vốn Trung Quốc để triển khai dự án này, nếu như việc vay vốn, sử dụng vốn tuân thủ được các điều kiện để đáp ứng yêu cầu về hiệu quả đầu tư.
Trước đó, dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được Bộ Giao thông Vận tải trình ra với tổng mức đầu tư trong giai đoạn 1 là 382 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc 304,6 triệu USD, tương đương 6.860 tỷ đồng. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về hiệu quả vay và sử dụng vốn vay từ Trung Quốc khi làm các công trình hạ tầng giao thông.
Vấn đề là vốn vay đáp ứng được nhu cầu
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay Việt Nam đang có nhu cầu lớn trong xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư trong nước mặc dù có, nhưng lại không đủ, nên việc huy động vốn từ các khoản vay, viện trợ ODA của các nước là cần thiết.
“Việc Trung Quốc hay nước nào có ODA, nếu như đáp ứng nhu cầu của chúng ta thì ta sử dụng, chứ không phải là nước này nước kia. Trên cơ sở là nguồn vốn đó có đáp ứng đủ điều kiện của chúng ta hay không, đảm bảo cho chúng ta có khả năng vay, trả nợ và đáp ứng tốt nhất hay không” – Phó Thủ tướng bày tỏ quan điểm.
Trước những lo ngại đặt ra khi cho rằng, nhiều dự án vay vốn từ Trung Quốc luôn đặt ra những điều kiện về nhà thầu, đưa những nhà thầu kém chất lượng, máy móc công nghệ lạc hậu vào triển khai dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng dự án, Phó Thủ tướng cho rằng điều kiện về nhà thầu không phải chỉ riêng Trung Quốc đặt ra.
Theo đó, khi vay vốn ODA thì nước nào có những điều kiện nhất định, trong đó có yêu cầu về nhà thầu. Bởi khoản vay ODA là khoản vay với lãi suất thấp hơn vay thương mại, nên các nhà thầu cũng được quyền tham gia, sử dụng máy móc, thiết bị và đây là điều kiện.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng khẳng định việc vay vốn ODA, kể cả với Trung Quốc, nếu các nhà thầu đáp ứng được nhu cầu, điều kiện mà chúng ta đặt ra, và Việt Nam thấy rằng vay mà có lợi thì vẫn sử dụng nguồn vốn vay này để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đối với những phản ánh liên quan đến trường hợp dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn để lại nhiều hệ quả, được xem là bài học đắt giá trong việc vay vốn Trung Quốc, Phó Thủ tướng cho rằng mỗi dự án nhanh hay chậm có nhiều nguyên nhân.
“Trong nhiều phân tích đã có rồi, có thể do mặt bằng, sử dụng không hiệu quả các nhà thầu phụ, chứ không phải do đồng tiền làm chậm” – Phó Thủ tướng nói.
Quan trọng là sử dụng hiệu quả
Do đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh lại rằng đối với vốn vay ODA, quan trọng không phải vay của nước nào, mà là sử dụng thế nào cho hiệu quả và đó là vấn đề đặt ra với mỗi cơ quan, đơn vị trong sử dụng nguồn vốn này.
Phó Thủ tướng nói: “Nếu chúng ta đã dùng nguồn vay, càng kéo dài thì giá càng đắt hơn, do thời gian trả nợ, thời gian ân hạn ngắn lại, nếu không triển khai nhanh thì bị thiệt hại nhiều”.
Đối với dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Bộ Giao thông vận tải đề nghị áp dụng cơ chế tài chính theo hình thức cấp phát toàn bộ vốn vay nước ngoài cho dự án (vay vốn với điều kiện sẽ chỉ định nhà thầu Trung Quốc thi công).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại tỏ rõ băn khoăn về việc vay vốn Trung Quốc cho dự án này. Cũng bởi, các khoản vay ưu đãi bên mua của Trung Quốc đều là các khoản vay “có ràng buộc, phải sử dụng nhà thầu, công nghệ, máy móc, thiết bị của Trung Quốc”.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần tính toán, so sánh với khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn hoặc chất lượng, công nghệ tốt hơn nhằm giảm rủi ro trong quá trình xây dựng dự án. Đồng thời, cân nhắc chủ trương sử dụng vốn tín dụng ưu đãi bên mua của Trung Quốc cho dự án này.
A.N.

3. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói gì về dự án đường vay Trung Quốc 7000 tỷ đồng?

Như Dân trí đã đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất vay vốn thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (96 km) từ Ngân hàng Trung Quốc với tổng vốn vay khoảng 7000 tỷ đồng. Theo Bộ này, Bộ Ngoại giao cũng đã đồng thuận chủ trương trên. Chiều ngày 28/7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời Dân trí về dự án này:

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: “Nguồn vốn nào đáp ứng yêu cầu của chúng ta thì chúng ta sử dụng”.

Thưa Phó Thủ tướng, được biết là Bộ Ngoại giao cũng ủng hộ việc vay vốn thực hiện dự án trên. Xin cho biết, vì sao Bộ ủng hộ việc này?
Hiện nay, chúng ta có nhu cầu rất lớn trong việc đầu tư, xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chúng ta lại không có nguồn vốn, tuy có một số nguồn vốn trong nước nhưng không đủ để phát triển cơ sở hạ tầng. Như vậy, chúng ta có các khoản vay, các khoản vốn hỗ trợ phát triển (ODA) của các nước cho chúng ta thì việc Trung Quốc hay nước nào đó có nguồn vốn ODA cho chúng ta, đáp ứng yêu cầu của chúng ta thì chúng ta sử dụng. Chứ không phân biệt nước này, nước kia. Cái chính là nguồn vốn đó đáp ứng điều kiện của chúng ta hay không, đảm bảo chúng ta có khả năng vay, trả nợ.
Nhưng nhiều người dân, giới chuyên gia kinh tế cũng có lo ngại khi nhìn vào một số công trình dự án đã từng vay vốn của Trung Quốc trước đây nhưng quá trình triển khai có nhiều vấn đề. Ví dụ như họ cho vay nhưng buộc ta phải nhận nhà thầu Trung Quốc, nhưng nhà thầu đó thực tế năng lực lại yếu, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án, mất hiệu quả vốn vay?
– Nguồn vốn vay ODA của nước nào cũng vậy, cũng kèm theo các điều kiện của các nước cho vay vốn ODA. Không phải Trung Quốc mà các nước khác cũng vậy: Vay ODA của chúng tôi với lãi suất thấp hơn vay thương mại thì phải chấp nhận nhà thầu của chúng tôi tham gia, hoặc sử dụng máy móc, công nghệ của họ… Với các điều kiện như vậy, chúng ta cũng xem xét, nếu vay mà vẫn có lợi thì chúng ta phải sử dụng nguồn lực đó thôi.
Một ví dụ nhãn tiền là Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội), cũng vay vốn Trung Quốc nhưng hậu quả hiện đã khá rõ ràng thì người dân lo ngại là có cơ sở chứ, thưa Phó Thủ tướng?
Phải nói thế này: Khi đánh giá dự án tiến triển nhanh hay chậm, nó không chỉ có một nguyên nhân, có rất nhiều nguyên nhân khác như có thể do quá trình giải phóng mặt bằng chậm, có nguyên nhân sử dụng hiệu quả các nhà thầu phụ… Chứ không phải do đồng tiền nó làm chậm mà sử dụng thế nào cho hiệu quả thì cơ quan, đơn vị triển khai phải biết sử dụng. Nhưng thực tế, chúng ta cũng phải nhìn nhận, nếu dùng nguồn vốn vay mà dự án bị kéo dài thì vốn vay càng đắt lên, thời gian trả nợ kéo dài, thời gian ân hạn ngắn lại. Chúng ta không triển khai nhanh thì sẽ thiệt hại nhiều.
Mạnh Quân (thực hiện)