Hai ứng viên Tổng thống Mỹ tranh cãi về Nga và Putin
Ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton đang đặt nghi vấn về việc ông Trump bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh có những cáo buộc nói rằng tin tặc Nga xâm nhập máy tính tại trụ sở của Đảng Dân chủ. Trong khi đó, đối thủ của bà, ông Donald Trump tuyên bố ông “không có mối quan hệ nào” với ông Putin.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ Hillary Clinton hôm qua, 31/7, cáo buộc đối thủ Đảng Cộng hòa Donald Trump “trung thành tuyệt đối” với những mục tiêu chính sách của Nga. Ông Trump từng gợi ý rằng nếu đắc cử, ông có thể sẵn lòng chấp nhận việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.
Trong những cuộc phỏng vấn riêng biệt trên các chương trình tin tức, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ tranh cãi về cách thức Hoa Kỳ đối phó với Nga và Tổng thống Vladimir Putin.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nói trên chương trình “Fox News Sunday” rằng quan điểm của ông Trump về Nga khơi ra “những vấn đề an ninh quốc gia” cũng như các nghi vấn về tính khí của một người có thể trở thành tổng tư lệnh của Mỹ.
Bà nói: “Chúng ta biết rằng Donald Trump đã cho thấy một điều rất đáng lo ngại là ông ta sẵn lòng hậu thuẫn Putin, ủng hộ Putin, chẳng hạn như nói rằng NATO sẽ không đến giải cứu những nước đồng minh nếu họ bị xâm lăng, hay nói về chuyện dỡ bỏ lệnh trừng phạt mà Mỹ và Châu Âu cùng áp đặt đối với các quan chức Nga, vì hành vi gây hấn của Nga tại Crimea và Ukraine.”
Bà nói thêm rằng “cơ quan tình báo Nga đã xâm nhập” hệ thống máy tính đặt tại trụ sở của Đảng Dân chủ ở Washington, và nói thêm rằng đã thu xếp cho WikiLeaks “công bố nhiều email đó”. Các email này cho thấy rằng giới lãnh đạo đảng ưu ái bà hơn đối thủ của bà là Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, trong chiến dịch tranh cử kéo dài nhiều tháng nhằm giành lấy đề cử của Đảng Dân chủ.
Trong một cuộc phỏng vấn khác hôm Chủ nhật, người sáng lập WikiLeaks Julian Assange từ chối cho biết nguồn gốc của các email mà tổ chức của ông đã nhận được. Mỹ chưa công khai cáo buộc Nga xâm nhập máy tính của Đảng Dân chủ, nhưng các chuyên gia máy tính cho biết họ tin rằng đó là điều đã xảy ra.
Một tuần trước, WikiLeaks đã công bố hơn 19.000 email của các lãnh đạo Đảng Dân chủ, trong bối cảnh các thành viên của đảng tề tựu về đại hội toàn quốc của họ để công bố bà Clinton là ứng cử viên tổng thống năm 2016 của đảng, mở đường cho bà trở thành người phụ nữ đầu tiên đại diện một chính đảng lớn của Mỹ chạy đua vào Nhà Trắng.
Còn về phần ông Trump, trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC News, nói rằng ông “không có mối quan hệ” nào với ông Putin và chưa bao giờ gặp gỡ hay điện đàm với Tổng thống Nga. Nhưng trùm bất động sản này nói rằng: “Nếu đất nước của chúng ta hòa thuận với Nga, đó sẽ là một điều tuyệt vời.”
Ông Trump nói: “Nếu chúng ta có thể có một mối quan hệ tốt với Nga, và nếu Nga giúp chúng ta diệt trừ Nhà nước Hồi giáo thì đó sẽ là một điều tích cực, vì thành thật mà nói, tôi thấy là chúng ta sẽ tiết kiệm được biết bao nhiêu tiền của và cứu được biết bao nhiêu sinh mạng.”
Ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa gợi ý rằng người Crimea thà trở thành một phần của nước Nga hơn là Ukraine. Đây được coi là một lập trường trái ngược với chính sách của Mỹ. Tổng thống Barack Obama đã áp đặt các biện pháp chế tài kinh tế đối với Moscow, hiện vẫn còn hiệu lực, sau vụ Nga sáp nhập lãnh thổ này của Ukraine.
Trong khi đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ diễn ra tuần trước, ông Trump đã kêu gọi Nga xâm nhập máy tính của bà Clinton để tìm ra 33.000 email mà bà đã xóa sau khi làm Ngoại trưởng Mỹ từ năm 2009 đến năm 2013. Trong khoảng thời gian đó, bà đã sử dụng một máy chủ email riêng, không được bảo mật, thay vì một máy chủ email được bảo đảm an ninh của chính phủ.
Sau khi vấp phải chỉ trích, một ngày sau đó, ông Trump nói rằng mình “nói mỉa” khi đưa ra phát biểu này.
Suốt nhiều tháng qua, bà Clinton đã thừa nhận việc bà sử dụng máy chủ email cá nhân là một sai lầm, và nói rằng những email mà bà đã xóa có tính riêng tư, không liên quan đến công việc chính phủ.
Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) mới đây kết luận rằng bà đã “cực kỳ bất cẩn” khi xử lý những thông tin bảo mật chứa trong 30.000 email liên quan đến công việc chính phủ, nhưng FBI cho biết không đề nghị truy tố bà về vụ này. – VOA