Vụ dân đánh công an: bốn người bị bắt
Nhà trưởng công an xã bị đập phá
Theo BBC – 09:27 GMT – thứ ba, 15 tháng 4, 2014
Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã bắt giam bốn người dân ở xã Bắc Sơn để điều tra về tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ sau vụ đụng độ ở địa phương này hôm thứ Sáu ngày 10/4, Cổng thông tin điện tử Công an Hà Tĩnh cho biết.
Thông tin do Thiếu tá Nguyễn Hoài Việt, trưởng Công an Thạch Hà thông báo. Vụ bắt giữ diễn ra ba ngày sau khi xảy ra xung đột.
BBC đã tìm cách liên lạc với giới chức địa phương, nhưng đều không được hoặc bị từ chối.
Trong vụ việc xảy ra ngày 10/4 mà nguyên nhân được cho là phản đối ‘công an bắt người vô cớ’, người dân xã Bắc Sơn ‘đã tấn công và bắt giữ bốn công an viên’, theo báo chí trong nước.
Người dân Bắc Sơn được cho là đang phản đối dự án xây dựng Công viên nghĩa trang Vĩnh hằng ở địa phương mà theo họ sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân trong khi chính quyết vẫn nhất quyết triển khai.
Trong lúc này, nhiều tờ báo là cơ quan ngôn luận của chính quyền trung ương và tỉnh Hà Tĩnh đã lên tiếng đòi ‘xử lý nghiêm’ người dân đánh công an ở Hà Tĩnh.
Trưởng công an từ chức
Bốn người bị bắt là Lê Văn Tình, 24 tuổi, Dương Hữu Tình, 39 tuổi, Nguyễn Thị Thuần, 24 tuổi và Trần Hậu Thuần, 42 tuổi, theo trang chủ của Công an Hà Tĩnh.
Cũng theo trang này thì vụ việc này được công an tỉnh ‘tập trung chỉ đạo’ và đang ‘củng cố hồ sơ để tiếp tục bắt giữ một số đối tượng liên quan’.
Những người bị bắt này có thể sẽ bị truy tố về tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ và ‘Bắt giữ người trái pháp luật’.
Cũng liên quan đến vụ ở xã Bắc Sơn, báo chí trong nước đưa tin trưởng công an xã Bắc Sơn là ông Nguyễn Khắc Sơn đã nộp đơn xin từ chức.
Báo Thanh Niên dẫn lại lý do được viết trong đơn từ chức của ông Sơn là ‘không có điều kiện đảm bảo cuộc sống gia đình’ và ‘khả năng không đảm đương được chức trưởng công an xã hiện nay’.
Người dân Bắc Sơn đã phản ứng rất quyết liệt với chính quyền
Tờ báo này còn dẫn lời ông Sơn nói thêm là ông ‘chịu quá nhiều sức ép từ phía người dân địa phương và các cơ quan chức năng cấp trên’ và ‘nhiều ngày trở lại đây ông và người thân trong gia đình bị nhiều người đe dọa, uy hiếp là sẽ giết chết bất cứ lúc nào’.
“Không chỉ riêng gia đình tôi mà hiện nhiều cán bộ xã khác cũng không dám ra khỏi nhà và đã gửi người thân đi nơi khác để đảm bảo an toàn tính mạng,” ông Sơn được dẫn lời nói.
Chính quyền Việt Nam lâu nay rất nhạy cảm với việc người dân chống đối chính quyền. Trước đó, vụ xô xát giữa công an và giáo dân ở Mỹ Yên, Nghệ An, cũng bị báo chí trong nước đồng loạt đả kích.
Dân sai hoàn toàn?
Một số tờ báo là tiếng nói chính thức của Đảng CSVN và chính quyền ở trung ương và địa phương đều gọi những người dân này là ‘quá khích’.
Các tờ báo này đều không đả động gì đến lý do dẫn người dân đến hành động phản kháng như trên và yêu cầu phải ‘xử lý nghiêm’.
Theo tường thuận của trang nhà của Công an Hà Tĩnh thì trong vụ bắt giữ ông Trương Văn Trường hôm 10/4, người trước đó được cho là đã có hành vi ‘ném đá’ vào nhà cán bộ xã, công an ‘có đủ tài liệu chứng cứ’.
Theo trang này thì Trường và người nhà đã ‘chống đối quyết liệt’ khiến dân làng kéo đến ‘vây ráp, cản trở, tạo áp lực’.
Báo Hà Tĩnh, cơ quan ngôn luận của chính quyền Hà Tĩnh, cho biết ‘mặc dù được giải thích việc bắt Trường là căn cứ theo pháp luật nhưng một số người dân đã manh động, xông vào cản trở lực lượng chức năng’.
Báo Tuổi Trẻ cho biết văn phòng ủy ban xã đã phải sơ tán hồ sơ giấy tờ
Trong bài báo có tiêu đề: ‘Cần xử lý nghiêm các đối tượng quá khích, manh động tại xã Bắc Sơn’, báo Hà Tĩnh dẫn lời Chủ tịch huyện Thạch Hà Nguyễn Phi Quang nói rằng ‘một số người dân chưa hiểu đầy đủ tính chất của dự án (Công viên Vĩnh hằng) nên lôi kéo người khác cản trở’.
“Cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân… đồng thời phải cương quyết, xứ lý nghiêm minh, triệt để các đối tượng quá khích, manh động để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, làm gương cho các vụ việc và các địa phương liên quan khác và tránh được hệ lụy đáng tiếc khác,” ông Quang được dẫn lời nói.
Dư luận đòi xử lý?
Báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong một bài xã luận hôm 12/4, bình luận rằng ‘dư luận đòi hỏi cần nghiêm trị các đối tượng manh động này để giữ nghiêm phép nước’.
Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ đã dẫn lời một người dân địa phương dẫn ra các nguyên nhân họ chống đối dự án nghĩa trang này là: dân bị mất nhiều đất canh tác, ô nhiễm nguồn nước ngầm mà dân đang dùng, thu hẹp khu chăn nuôi của dân, ảnh hưởng cảnh quan môi trường…
Tờ báo này còn dẫn lời chủ tịch xã Bắc Sơn là ông Trần Bá Hoành cho biết ‘cán bộ đảng viên trong xã không đồng thuận với dự án’ nhưng ‘vì là cấp dưới’ nên phải tuân thủ cấp trên.
Khi được BBC liên lạc hỏi về vấn đề này, ông Dương Công Tự, bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn đã từ chối trả lời vì ‘đang bận họp’.