Cơ chế đồng thuận” của ASEAN: Lá bài chính trị không sáng suốt

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cơ chế đồng thuận” của ASEAN: Lá bài chính trị không sáng suốt

 

  • 26/07/2016

    Mạnh Kim

    Bản tin AP hôm nay, 25-7-2016, tường thuật: “Trung Quốc đã ghi một chiến thắng ngoại giao rõ ràng khi ngăn chặn được ASEAN chỉ trích việc Trung Quốc mở rộng lãnh thổ tại biển Đông, ngay cả khi vài nước trong tổ chức này là nạn nhân của hành động Bắc Kinh”. Bản tuyên bố chung đưa ra hôm nay, sau cuộc họp các ngoại trưởng, đề cập việc ASEAN “tiếp tục lo ngại sâu sắc những diễn biến đang xảy ra lẫn gần đây” tại biển Đông. Bản tuyên bố không có một từ nào về “Trung Quốc”. Bản tuyên bố cũng không đá động đến sự kiện phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) từ đơn kiện Philippines.

    Đây không phải lần đầu ASEAN bất thành trong việc tìm tiếng nói chung về biển Đông và hành vi bành trướng Trung Quốc. Cuộc họp ngày 14-6-2016 tại Côn Minh giữa ASEAN và Trung Quốc (nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại) đã kết thúc trong không khí bất hòa. Bắc Kinh đã dùng ảnh hưởng và sức mạnh kim tiền để buộc Campuchia và Lào ngăn chặn bản tuyên bố chung về biển Đông, dù hầu hết ngoại trưởng ASEAN đã đạt thỏa thuận cùng công bố. Trước đó, năm 2012, ASEAN cũng kết thúc hội thảo mà không có tuyên bố chung (lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm tổ chức này).

    Việc dùng “cơ chế đồng thuận” của ASEAN là một lá bài chính trị không sáng suốt. Đặt lá bài này lên bàn cờ biển Đông lại càng vô nghĩa, bởi không phải tất cả các nước trong ASEAN có mâu thuẫn chủ quyền với Trung Quốc. ASEAN là một tổ chức, trong thực tế, chỉ thuần túy “mua vui cũng được một vài trống canh”. Kinh tế là yếu tố chính trong quan hệ ASEAN chứ không phải chính trị. Đó là yếu tố mà Trung Quốc sử dụng để khống chế ASEAN thông qua các quan hệ kinh tế với từng thành viên. Bắc Kinh cũng dễ dàng loại bỏ được “cơ chế đồng thuận chính trị”, nếu có hoặc nếu ai đó nỗ lực đạt được, bằng sức mạnh kim tiền. Đừng trách Campuchia hoặc Lào “ngậm tiền” Bắc Kinh trong khi điều đó có lợi cho quốc gia họ.

    Sẽ là rất trẻ con nếu nói Campuchia “ăn cháo đá bát” hoặc “trở mặt phản thùng” với “người anh lớn” Việt Nam. Hãy tự hỏi tại sao “người anh lớn” giờ không còn “đủ lớn” để Campuchia dựa vào. Chính trị là trò chơi thủ đoạn mang yếu tố lợi ích quốc gia. Tại sao Việt Nam không còn đủ “thủ đoạn” để lôi kéo Campuchia và chứng tỏ cho nước này thấy lợi ích quốc gia của họ được gì, nếu họ tiếp tục gắn bó với “nhà bảo trợ chính trị” Việt Nam, thay vì trở mặt quay lại gần gũi hơn với Trung Quốc? Hơn nữa, cũng cần thấy thêm rằng, nếu giận dữ và hậm hực trước sự “tráo trở” của Campuchia đối với Việt Nam thì cũng nên đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam không dám “tráo trở” quay mặt lại với Trung Quốc?

    Có lẽ không bình thường khi mà Việt Nam, dường như, luôn mong chờ các thành viên ASEAN ủng hộ, đối với một vấn đề mà (hầu hết) họ không có liên quan tranh chấp. Chẳng ai có thể “giúp” ra tuyên bố nếu không phải là chính mình cho một vấn đề liên quan đến tương lai và số phận dân tộc mình. Campuchia hay thành viên nào đó trong ASEAN có thể, mai đây, sẽ hối hận vì đặt cược vào lá bài ngoại giao với Bắc Kinh nhưng Việt Nam lẽ ra đã phải hối hận từ rất lâu, khi nhúng chân quá sâu vào quan hệ với một kẻ lưu manh từ trong bản chất như Trung Quốc.