Mỹ lần đầu công khai đơn vị THAAD tại đảo Guam

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mỹ lần đầu công khai đơn vị THAAD tại đảo Guam
Tin Hàn Quốc

Đăng tải : 2016-07-19

Quân đội Mỹ đã lần đầu công khai trước truyền thông Hàn Quốc về căn cứ tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) tại đảo Guam. Quyết định này của Washington nhằm kiểm chứng hệ thống ra-đa của THAAD, bác bỏ những tranh cãi kịch liệt trong dư luận Hàn Quốc cho rằng THAAD có thể gây nguy hại tới sức khỏe con người. Kết quả đo sóng điện từ phát ra từ ra-đa của THAAD là 0,007%, trong giới hạn cho phép theo Luật sóng điện từ của Hàn Quốc. Kết quả này chứng tỏ rằng những lập luận cho rằng sóng điện từ của THAAD có thể gây hại cho con người là hoàn toàn không có căn cứ. Tuy nhiên, những tranh cãi xoay quanh việc bố trí THAAD tại Hàn Quốc dự kiến sẽ không dễ dàng ngay lập tức lắng xuống.

Đo sóng điện từ của ra-đa THAAD ở đảo Guam
Quân đội Mỹ hôm 18/7 (theo giờ địa phương) đã công bố về đơn vị THAAD mà nước này bố trí tại căn cứ không quân Andersen tại đảo Guam trước các quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và giới truyền thông. Đây là lần đầu tiên quân đội Wsahington đồng thời công bố đơn vị THAAD với giới truyền thông cả trong và ngoài nước. Quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã sử dụng thiết bị đo sóng điện từ cầm tay để đo sóng điện từ phát ra từ ra-đa của THAAD (AN/TPY-2). Địa điểm tiến hành đo là sân huấn luyện của căn cứ Andersen, cách nơi đặt ra-đa 1,6 km. Việc lựa chọn địa điểm đo có khoảng cách như trên là do xét tới địa điểm dự kiến triển khai THAAD tại huyện Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc, sẽ cách nhà dân gần nhất khoảng 1,5 km. Mức sóng điện từ cao nhất đo được tại đây là 0,0007 W/m² (Watt trên mét vuông). Đây là mức tương đương với 0,007% của 10 W/m², trong giới hạn cho phép đảm bảo không gây ảnh hưởng tới cơ thể con người căn cứ theo Luật sóng điện từ của Hàn Quốc. Một quan chức quân đội khẳng định giá trị này không vượt quá mức sóng điện từ có thể phát ra trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, đảo Guam là nơi có địa hình bằng phẳng, trong khi đơn vị THAAD dự kiến triển khai tại huyện Seongju có vị trí cao hơn mực nước biển trên 300 m, dẫn đến khả năng tác động từ sóng điện từ tại đây thậm chí sẽ nhỏ hơn so với ở đảo Guam.

Ảnh hưởng dự kiến đối với dư luận Hàn Quốc
Dù những ảnh hưởng của sóng điện từ phát ra từ tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao của Mỹ đã được kiểm chứng, những tranh cãi xoay quanh việc triển khai lá chắn tên lửa này vẫn còn đó. Một số ý kiến khăng khăng không tin tưởng vào những căn cứ khoa học đưa ra, một số khác lại thổi phồng về khả năng nhỏ nhất có thể xảy ra sự cố do bất cẩn, gây ra thiệt hại. Nói cách khác, những tranh cãi này đã vượt ngoài phương diện khoa học hay lô-gic thông thường. Để giải quyết được tận gốc vấn đề này, Chính phủ Tổng thống Park Geun-hye không còn cách nào khác là phải dập tắt những lập luận vô căn cứ, vừa tích cực thuyết phục người dân huyện Seongju.

Đọc thêm:

Hàn Quốc và Mỹ quyết định triển khai THAAD  open the window of AOD

Đăng tải : 2016-07-17

Title

Hàn Quốc và Mỹ đã quyết định triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) tại huyện Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc. Trước nhiều ý kiến phản đối quyết định này cả ở trong và ngoài nước, Tổng thống Park Geun-hye nhấn mạnh rằng đây là vấn đề liên quan tới sự tồn vong của Hàn Quốc. Bà khẳng định ngoài việc đối phó với uy hiếp hạt nhân và tên lửa từ Bắc Triều Tiên, THAAD sẽ không nhắm vào, cũng như không xâm phạm lợi ích an ninh của một quốc gia thứ ba nào khác.

Quyết định triển khai THAAD
Trong cuộc họp cố vấn Phủ Tổng thống vào hôm 11/7, bà Park phát biểu rằng trên cương vị Tổng thống, bà có nghĩa vụ phải bảo vệ người dân và đất nước. Tổng thống nhấn mạnh quyết định triển khai lá chắn tên lửa này trên bán đảo Hàn Quốc đã được xem xét trên phương diện nhằm bảo đảm sự tồn vong của quốc gia cũng như của người dân Hàn Quốc. Bên cạnh đó, bà cam kết THAAD sẽ không nhắm tới nước thứ ba nào khác ngoài Bắc Triều Tiên, nhằm bác bỏ những phản đối từ phía Trung Quốc và Nga.

Trước đó, vào hôm 8/7, Seoul và Washington đã công bố chính thức về quyết định triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao trên bán đảo Hàn Quốc như một biện pháp phòng thủ, nhằm bảo vệ người dân Hàn Quốc cũng như lực lượng quân đội hai nước trước những uy hiếp hạt nhân và tên lửa từ Bắc Triều Tiên. Vào hôm 13/7, Chính phủ Hàn Quốc công bố địa điểm bố trí THAAD là huyện Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang.

Tổng thống Park Geun-hye hôm 14/7 đã đích thân chủ trì cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia (NSC). Tại đây, bà nhấn mạnh rằng Hàn Quốc sẽ không thể tồn tại nếu bị cuốn theo những tranh cãi do bất đồng ý kiến giữa các bên liên quan mà bỏ quên vấn đề an ninh quốc gia và sự an toàn của người dân. Bà cho rằng đã tới lúc chấm dứt mọi tranh cãi không cần thiết liên quan tới việc bố trí THAAD. Tổng thống Park cũng trấn an người dân huyện Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, nơi đặt hệ thống tên lửa này, khẳng định THAAD hoàn toàn an toàn đối với sức khỏe người dân.

Tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao
THAAD là một hệ thống phòng thủ tên lửa, có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo ở độ cao từ 40 km tới 150 km. Một đơn vị THAAD dự kiến được triển khai tại Hàn Quốc gồm một hệ thống ra-đa dò tên lửa TPY-2 TM, sáu bệ phóng và 48 tên lửa đánh chặn. Hệ thống ra-đa này còn được gọi là chế độ đánh chặn giai đoạn cuối (TBR·Terminal-based Radar), được lắp đặt phần mềm để dẫn đường chính xác cho tên lửa đánh chặn ở giai đoạn cuối, khi tên lửa của quân địch đang lao xuống.

Hiện quân đội Hàn Quốc đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không mô hình Hàn Quốc (KAMD). Đây là một hệ thống đánh chặn tầm thấp có độ cao dưới 40 km. KAMD chủ yếu bao gồm tên lửa Patriot PAC-2 và PAC-3, và tên lửa đất đối không tầm trung “Chulmae”. Tuy nhiên, hệ thống phòng thủ này bị hạn chế với giả định đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan của Bắc Triều Tiên, có tầm cao trên 1.400 km. Việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc sẽ tạo ra một mạng lưới phòng thủ đa tầng trước uy hiếp tên lửa từ miền Bắc, cho phép đánh chặn lần một ở tầm trung cao và đánh chặn lần hai ở tầng thấp.

Phản đối và tranh cãi
Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nga đang phản đối quyết liệt việc triển khai THAAD trên bán đảo Hàn Quốc. Đó là bởi các nước này lo ngại ra-đa của THAAD sẽ phát hiện được hệ thống tên lửa của nước mình và vô hiệu hóa các tên lửa này.

Phe đối lập tại Hàn Quốc cũng đang lên tiếng phản đối việc triển khai THAAD, cho rằng lá chắn tên lửa này không hiệu quả trong phòng thủ uy hiếp tên lửa từ miền Bắc, ngược lại còn là cái cớ để Bình Nhưỡng xoay chuyển tình thế, khiến tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa miền Bắc trở nên khó khăn hơn. Trong khi Đảng vì Nhân dân công khai phản đối việc triển khai THAAD, đảng Dân chủ đồng hành cho rằng quá trình Chính phủ đưa ra quyết định bố trí lá chắn tên lửa này là không hợp lý.

Người dân huyện Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang hôm 13/7 đã tới Bộ Quốc phòng để phản đối, yêu cầu Chính phủ rút lại quyết định này. Trong cuộc gặp với người dân địa phương, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo tuyên bố ông sẽ trực tiếp thử nghiệm về sóng điện từ phát ra từ ra-đa của THAAD. Đây là điều mà người dân lo ngại nhất vì cho rằng sóng này có thể gây nguy hại tới sức khỏe con người. Phía quân đội khẳng định hệ thống này sẽ không gây ra bất cứ vấn đề nào tới sức khỏe và sự an toàn của người dân, đồng thời cam kết sẽ tiến hành các biện pháp phòng ngừa triệt để. Tuy nhiên, những cam kết này sẽ khó dập tắt hoàn toàn sự bất an trong dư luận xoay quanh việc triển khai hệ thống này.