Ngoại trưởng Kerry bác bỏ ám chỉ Mỹ dính líu vào âm mưu đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry bác bỏ những gợi ý rằng Washington dính líu trong âm mưu đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ sáu vừa qua.
Ngoại trưởng Kerry nói với đài truyền hình CNN hôm Chủ nhật rằng “chúng tôi nghĩ đó là một điều vô trách nhiệm khi cáo buộc Mỹ dính líu” vào âm mưu đảo chính này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc ông Fethullah Gulen, một giáo sĩ ẩn dật đang sống ở bang Pennsylvania của Mỹ, chủ mưu vụ đảo chính này và đòi dẫn độ ông Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan thường nói đến những “kẻ chủ mưu” là những người mà ông nói có xu hướng phá hoại Thổ Nhĩ Kỳ trong điều hình như ông mập mờ ám chỉ phương Tây nói chung, và cụ thể hơn là Hoa Kỳ.
Hôm thứ bảy, Bộ trưởng Lao động Suleyman Soylu tố cáo Washington đứng sau âm mưu đảo chính này.
Trong cuộc điện thoại hôm thứ bảy, ông Kerry nói với Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu rằng “những ám chỉ hay tuyên bố công khai về bất kỳ vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính thất bại đều hoàn toàn sai và có hại cho quan hệ song phương.”
Ông Kerry nói với đài CNN rằng Thổ Nhĩ Kỳ chưa chính thức yêu cầu dẫn độ ông Gulen, và rằng ông yêu cầu ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ có đề nghị chính thức. Ông nói “Mỹ không dung chứa bất cứ ai.”
Ông Gulen bác bỏ cáo buộc ông đứng sau âm mưu đảo chính, và cũng bác bỏ việc ông biết bất cứ ai chủ mưu vụ này.
Tiếp tục trấn áp
Tổng thống Erdogan hứa sẽ tẩy sạch những kẻ dính líu trong âm mưu đảo chính này. Ông nói: “Giai đoạn quét sạch những con virút này sẽ tiếp tục ở mọi cấp trong chính phủ. Giống như là virút ung thư, chúng lan truyền ra khắp chính phủ.”
Khoảng 6.000 người đã bị bắt giữ. Truyền thông nhà nước loan tin rằng một phụ tá của ông Erdogan nằm trong số những người bị câu lưu, và đã có trát bắt một cố vấn quân sự hàng đầu của ông Erdogan là Đại tá Ali Yazici. Hiện chưa rõ ông Yazici có dính líu trong vụ đảo chính bất thành hay không, và vai trò của ông là gì.
Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag nói giới hữu trách Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy nhanh việc bắt giữ những người bị tình nghi, trong đó có các thẩm phán, và sĩ quan quân đội, và các binh sĩ. Trong số những người bị bắt giữ có tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh, Đại tướng Erdal Ozturk, người có thể bị truy tố tội phản bội.
Các quan chức quân đội cấp cao khác đã bay sang nước láng giềng Hy Lạp bằng máy bay trực thăng và xin tị nạn chính trị. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nói một vài người trong số những người chạy trốn được cho là nằm trong số những kiến trúc sư của cuộc đảo chính
Khôi phục luật tử hình đang được xem xét
Trong cuộc nói chuyện ngay bên ngoài tư dinh với những người kêu gọi tử hình những “kẻ phản bộ,” Tổng thống Erdogan nói việc áp dụng hình phạt tử hình không thể chần chừ được nữa. Ông nói “Chúng tôi không thể làm ngơ trước yêu cầu này.”
Phát biểu của ông thường xuyên bị gián đoạn bởi lời kêu gọi “chúng tôi muốn phạt tử hình” từ đám đông, và ông Erdogan đáp lại rằng “Chúng tôi lôi lắng nghe yêu cầu của đồng bào. Trong một xã hội dân chủ, bất cứ điều gì người dân muốn, họ sẽ được.”
Ông Erdogan nói ông sẽ thảo luận với các đảng đối lập, nhưng ông cũng nói rằng “Chúng tôi sẽ không chần chừ về quyết định này quá lâu, bởi vì những kẻ âm mưu đảo chính tại đất nước này phải trả giá.”
Thổ Nhĩ Kỳ đã ngưng thi hành án tử hình từ năm 1984, và luật tử hình được chính thức bãi bỏ vào năm 2004 trong một nỗ lực gia nhập Liên hiệp Âu châu.
Đám tang
Hôm Chủ nhật, hàng ngàn người tham dự các tang lễ của những người thiệt mạng ở Istanbul và Ankara. Những lời cầu nguyện được đồng thanh xướng lên tại 85.000 đền thờ Hồi giáo trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ vào lúc giữa trưa cho những người đã thiệt mạng.
Tổng thống Erdogan đã khóc tại đám tang của trưởng cuộc vận động tranh cử của ông và người con trai tuổi thiểu niên của ông này. Hai người này đã thiệt mạng khi các binh sĩ phản bội nổ súng vào những người biểu tình tại cầu Bosporus ở Istanbul tối thứ sáu.
Tin tức về số người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trong cuộc đảo chính rất khác nhau, nhưng số liệu mới nhất vào tối 16 tháng 7 là 265 người chết, trong đó có nhiều dân thường. Tình hình vẫn căng thẳng ở Istanbul, Ankara và một số thành phố cấp tỉnh khác, và đã có tin vẫn còn các vụ bạo lực lẻ tẻ.