Lịch sử 120 năm của phong trào Olympic
Điểm khởi phát của phong trào Olympic hiện đại là từ khi bá tước người Pháp Pierre de Coubertin thành lập Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế CIO đầu tiên vào năm 1894 với ý tưởng tiếp nối và hiện đại hóa các cuộc tranh tài thể thao của Olympic cổ đại.
Vị bá tước Pháp đã chọn Hy Lạp để làm sống lại các cuộc tranh tài thể thao cổ đại bởi đất nước này chính là nơi phát tích ra các trò chơi thể thao cổ xưa. Nhưng vào lúc đó, Hy Lạp là một đất nghèo khó vì các cuộc chiến tranh liên miên, việc tổ chức một sự kiện lớn không dễ gì. Nhờ có một đại gia giàu có của Hy Lạp tên là Georges Averoff tài trợ cho 1 triệu drachme, đơn vị tiền Hy lạp lúc đó, mà bá tước Pierre de Coubertin đã thực hiện được ý tưởng lớn. Chỉ trong khoảng thời gian 18 tháng, một sân vận động Olympic bằng đá cẩm thạch trắng đã được dựng lên có thể đón tới 60 000 khán giả. Đó chính là cái nôi của phong trào Olympic hiện đại.
Tuy nhiên ngày hội đầu tiên diễn ra khá kín tiếng. Chỉ có chưa đầy 300 vận động viên, trong đó người Hy Lạp chiếm tới 2/3. Chỉ có 14 nước ở 3 châu lục có thể cử đại diện đến tranh tài tại Athens khi đó. Chương trình thi đấu ban đầu cũng khá nghèo nàn, chỉ có 9 môn thể thao và đại hội kéo dài từ ngày 6 đến 15 /04/1896. Đó là các môn : điền kinh, đua xe đạp, đấu kiếm, thể dục, vật, bơi, cử tạ, tennis và bắn cung.
Kết qủa chung cuộc của kỳ Thế vận hội đầu tiên : Hy Lạp giành chiến thắng tuyệt đối với 50 « vị trí danh dự » tức 3 ngôi đầu vì lúc đó Olimpic chưa có huy chương xếp hạng, Hoa Kỳ chiếm 19 vị trí, Đức 14 và Pháp 11.
Điểm khởi đầu của Thế vận hội Olympic hiện đại đó chưa thể gọi là thành công thực sự về mặt tranh tài thể thao nhưng những nhà tổ chức đi tiên phong đã chứng minh có thể duy trì các cuộc gặp gỡ thi đấu thể thao như vậy một cách đều đặn.
Cũng từ đó phong trào Olympic hiện đại bắt đầu có những bước chập chững, vừa đi vừa tìm kiếm hoàn thiện về mặt tổ chức, bổ sung các môn thi đấu, đôi khi người ta còn đưa vào chương trình thi đấu những môn chơi rất ngây ngô. Chúng ta trở lại với những bước đi ban đầu của Thế vận hội mùa hè Olympic :
Thế vận hội 1900 : Bốn năm sau thành công ở Athens, nhà sáng lập phong trào Pierre de Coubertin đưa Thế vận hội về với quê hương mình tổ chức tại Paris. Nhưng vị bá tước có thể đã bị thất vọng lớn vì vào thời điểm đó, sự kiện thể thao lớn này đã hoàn toàn bị che lấp bởi cuộc Triển lãm Hoàn cầu cùng với sự xuất hiện ấn tượng của Tháp Eiffel. Thế là kỳ Thế vận hội lịch sử của Pierre de Coubertin đã diễn ra âm thầm lặng lẽ, không lễ khai mạc cũng như bế mạc, cho dù sự kiện này đã kéo dài kỷ lục từ ngày 20/5 đến 28/10/1900 ở nhiều địa điểm khắp thủ đô Paris và cả nước Pháp. Các môn thi đấu của Thế vận hội Paris cũng rất độc đáo với các môn như nhảy cao không lấy đà, leo dây hay bơi cùng chướng ngại vật…
Nghĩ lại sau đó ít lâu, ông Pierre de Coubertin đã phải thốt lên rằng « thật kỳ diệu là phong trào Olympic sống được với kỳ Thế vận hội như vậy ».
Năm 1904 : Sau Paris, đến lượt kỳ Thế vận hội Saint-Louis, bang Missouri Hoa Kỳ cũng lại phải nếm mùi thất bại. Trong tổng số 680 vận động viên tham dự đến từ 12 quốc gia thì có 580 vận động viên Mỹ. Phương tiện đi lại khó khăn bởi phải đi tàu thủy dài ngày qua Đại Tây Dương khiến nhiều nước không thể cử vận động viên đến được, kể cả Pháp.
Kỳ Thế vận hội này ghi nhận một bê bối đầu tiên, đó là vận động viên Mỹ Fred Lorz giành chiến thắng trong cuộc đua marathon đã bị phát hiện dùng cả « xe hơi » trên đường đua và anh đã bị tước thành tích.
Đây cũng là kỳ Thế vận hội mà lần đầu tiên, huy chương vàng được trao cho người thắng cuộc. Tất nhiên đoàn Mỹ dẫn đầu với 79 chiếc huy chương vàng đầu tiên. Lịch sử sẽ còn lưu lại ở kỳ Thế vận hội Saint –Louis này với việc tổ chức sự kiện mang nặng màu sắc phân biệt chủng tộc đó là Olympic dành cho người da màu.
Năm 1908 : Thành phố Luân Đôn lần đầu đón sự kiện thể thao tầm thế giới sau khi Roma bỏ cuộc. Kỳ Thế vận này đã được nước Anh tổ chức khá quy củ trên quy mô lớn. Ngày 13/7 với sự hiện diện của hoàng gia Anh, 2000 vận động viên đại diện cho 22 quốc gia đã diễu hành khai mạc Thế vận hội. Đây cũng là kỳ thế vận hội đầu tiên chính thức ấn định lại cự ly chạy marathon là 42,195 km. Đó cũng là khoảng cách chính xác của điểm xuất phát từ lâu đài Windsor và đích là sân vận động White City.
Nhờ có sự tổ chức tốt và trình độ thi đấu thể thao cao, cùng với đông đảo số lượng vận động viên tham gia ở kỳ thế vận hội Luân Đôn này mà phong trào Olympic hiện đại bắt đầu thu hút được sự quan tâm của các nước. Cũng tại Thế vận hội Luân Đôn 1908, thì mới xuất hiêện ba loại huy chương vàng – bạc –đồng cho ba thứ hạng đầu tiên của môn thi đấu.
Olympic 1912 được chuyển qua Stockholm, Thụy Điển. Đây là kỳ Thế vận hội đánh dấu bước thành công mới. Không những sự kiện trở nên đại chúng hơn vì lần đầu tiên có đại diện của cả 5 châu lục tới so tài ( khoảng 2500 vận động viên của 28 nước), mà còn bởi Thế vận hội đã diễn ra trong một thời gian ngắn hơn từ ngày 05/05 đến 22/07.
Dường như phong trào Olympic hiện đại đã lấy được đà phát triển từ kỳ Thế vận hội Stockholm này. Không may là chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra và, kỳ Thế vận hội 1916 dự kiến tổ chức ở Berlin đã bị hủy.
Tám năm sau đó, 1920, Thế vận hội Olympic xuất hiện trở lại ở Anvers. Thành phố cổ của Bỉ này bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến đã được chỉ định không lâu, sau khi thế chiến thứ nhất kết thúc. Kỳ Thế vận hội này, nước Đức và các đồng minh của họ bị loại khỏi cuộc chơi, chỉ hội tụ được 29 quốc gia tham dự.
Lần đầu tiên xuất hiện lá cờ 5 vòng tròn Olympic theo ý tưởng của bá tước Pierre de Coubertin và lễ tuyên thệ của vận động viên.
Năm 1924, Thế vận hội Olympic trở lại Paris. Đây là kỳ Thế vận hội thực sự thành công về mặt thể thao, mặc dù công chúng Pháp vẫn dửng dưng với sự kiện. Thủ đô Pháp đã dành cho 3000 vận động viên đến từ 44 quốc gia một sự đón tiếp rất chu đáo cả trong sinh hoạt cũng như điều kiện thi đấu. Làng Olympic đầu tiên được xây dựng ở kỳ Thế vận hội này. Bên cạnh đó là sân vận động 60 000 chỗ ngồi tại thành phố Colombes và một bể bơi Olympic thực thụ cũng đã được xây dựng. Cũng tại kỳ Thế vận hội này, với 99 huy chương trong đó có 45 vàng giành được, người Mỹ biểu tượng cho câu nói : “ Citius, altius, fortius- Xa hơn, cao hơn, mạnh hơn” sau này trở thành khẩu hiệu chính thức của Olympic hiện đại.
Năm 1928: Thế vận hội được tổ chức tại Amsterdam ghi dấu ấn bằng hai cái mới: Xuất hiện nữ vận động viên điền kinh, đây là điều mà bá tước de Coubertin phản đối, và lửa thiêng Olympic được đốt lên trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Amsterdam đón nhận Thế vận hội năm đó trong sự phản đối của nữ hoàng Hà Lan Wilhelmine vì bà coi Thế vận hội là biểu hiện dị giáo.
Một cái đầu tiên khác xuất hiện đó là hãng Coca-Cola. Đoàn thể thao Mỹ đã mang theo đến Amsterdam 1000 két đồ uống có ga này. Đó cũng chính là manh nha cho mối quan hệ đối tác gắn kết của hãng đồ uống hàng đầu thế giới này với phong trào Olympic.
Năm 1932: Thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau vụ đổ vỡ chứng khoán 1929 ở Mỹ. Thế nhưng Thế vận hội Los Angeles được tổ chức từ ngày 30/07 đến 14/08/ 1932 vẫn thu được thành công. Ở kỳ Thế vận hội này, lần đầu tiên đồng hồ bấm giờ tự động được đưa vào sử dụng cũng như là lần đầu tiên xuất hiện bục danh dự dành cho vận động viên giành 3 thứ hạng cao nhất cùng với việc kéo cờ cử quốc thiều của nước có vận động viên vô địch. Trong thời điểm khó khăn phải tiết kiệm, vận động viên Pháp và Ý phải cắt khỏi khẩu phần bữa ăn thứ đồ uống mà họ vẫn cho là không thể thiếu được, đó là rượu vang.
Tiếp đó năm 1936 Thế vận hội mùa hè được tổ chức tại nước Đức dưới chế độ của Hitler và lần đầu tiên các cuộc thi đấu được truyền hình. Hitler muốn tận dụng Thế vận hội như là dịp tuyên truyền cho sức mạnh tuyệt đối của nước Đức quốc xã đã cho tổ chức một kỳ Olympic tốn kém và hoành tráng. Trước khi tổ chức sự kiện, chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế lúc bấy giờ là công tước Baillet-Latour và chủ tịch Ủy ban Olympic Mỹ Avrey Brundage đã phải yêu cầu Hitler cam kết không để bất cứ một hành động kỳ thị chủng tộc nào xảy ra.
Kỳ Olympic Berlin 1936 đã diễn ra hoành tráng và cũng rất thành công về mặt thể thao với số lượng vận động viên tham gia đông nhất từ trước tới đó : 3900 vận động viên của 49 đoàn tham dự. Nhưng sau đó nước Đức châm ngòi nổ cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 và phong trào Olympic hiện đại lại bị gián đoạn thêm 8 năm nữa mới trở lại Luân Đôn năm 1948.
Từ đó trở đi cứ đều đặn 4 năm một lần, vận động viên thể thao thế giới lại có dịp gặp nhau trong các cuộc so tài trong các kỳ Thế vận có quy mô ngày càng lớn và trình độ thi đấu thể thao ngày càng cao.