‘Bộ Ngoại giao quyết định bắt thả tù?’
Bộ Ngoại giao có vai trò ra sao cùng với Bộ Công an trong các quyết định bắt hay thả tù nhân chính trị như đang diễn ra mới đây, theo ông Đặng Xương Hùng.
Theo BBC – 18:33 GMT – chủ nhật, 13 tháng 4, 2014
Đặng Xương Hùng nói Bộ Ngoại giao và Bộ Công an chia sẻ vai trò quyết định bắt hay thả ai.
Cựu quan chức Vụ phó Bộ Ngoại giao Việt Nam phân tích các mục tiêu mà Hà Nội muốn đạt được để đổi lại cho lần thả tù nhân chính trị và lương tâm đang diễn ra và cho rằng Bộ Ngoại giao có vai trò cao trong quyết định “bắt hay thả” ai.
Trao đổi với BBC hôm 13/4/2014 từ Thụy Sỹ, Đặng Xương Hùng, nguyên Lãnh sự Việt Nam tại Geneva nói:
“Bắt ai, thả ai, thì cái này tất nhiên nó được Bộ Ngoại giao và Bộ Công an quyết định thôi,
“Tôi nghĩ rằng chắc phân tích của Bộ Ngoại giao hiện nay cho thấy là khi mà ta (Việt Nam) đã vào Hội đồng Nhân quyền (LHQ), nhất là khi ta đã ký Công ước chống tra tấn, rồi ta đã kiểm điểm định kỳ, rồi trước những dấu hiệu khả quan của TPP,
“Thì Bộ Ngoại giao mới đề xuất lên rằng trước tình hình đó, cần phải cải thiện hình ảnh về nhân quyền ở Việt Nam, trước mắt thả những tù nhân chính trị, thì cái này sẽ được bàn với Bộ Công an, rồi đưa ra Bộ Chính trị, Bộ Chính trị sẽ có những quyết định như vậy.”
‘Năm mục tiêu chính’
“Thứ nhất là giảm sức ép; giảm ảnh hưởng đối với ông bạn láng giềng (Trung Quốc); tạo thêm bạn mới, tạo thêm những liên minh mới; những lợi ích làm ăn về kinh tế và tạo hình ảnh”
Hùng cho rằng Việt Nam có năm mục tiêu chính và cũng là các động cơ đằng sau quyết định thả các tù nhân mới đây, trong đó có các ông Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Vi Đức Hồi, Nguyễn Hữu Cầu.
Ông nói: “Thứ nhất là giảm sức ép; giảm ảnh hưởng đối với ông bạn láng giềng (Trung Quốc); tạo thêm bạn mới, tạo thêm những liên minh mới; những lợi ích làm ăn về kinh tế và tạo hình ảnh,”
“Tạo hình ảnh nhất là Việt Nam sau khi đã vào Hội đồng Nhân quyền, rồi những cam kết của Việt Nam trong tôn trọng nhân quyền cũng là một trong những nhu cầu tạo ảnh hưởng và tôi nghĩ rằng đợt rồi Bộ Ngoại giao, tiếng nói đã lên trong vấn đề thuyết phục được các đối tượng liên quan, để mà có những thay đổi như vừa rồi.”
Theo cựu quan chức ngoại giao, một mục tiêu rất lớn mà Việt Nam đang nhắm là gia nhập vào Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), được cho là một động thái giúp Việt Nam giảm đi lệ thuộc vào Trung Quốc, nhưng do đó, Việt Nam phải cải thiện thành tích nhân quyền của mình để đáp ứng điều kiện.
“TPP là một trong những bước đi của Việt Nam để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, tất nhiên tôi nghĩ rằng Trung Quốc không khoái lắm trong cái này, những thay đổi, nhất là những thay đổi về tư duy, Trung Quốc không khoái lắm bởi vì Trung Quốc luôn muốn Việt Nam nhất nhất phải đi theo cách mà Trung Quốc muốn,” Hùng nói với BBC.