Cam Bốt: Bế tắc chính trị sắp được giải tỏa?
Theo RFI
Công luận xứ chùa Tháp hy vọng sau ba ngày Tết Campuchia từ ngày 14 đến ngày 16/04 tới, chính quyền Hun Sen và đảng Cứu Nguy Dân Tộc đối lập sẽ chính thức thông báo thỏa thuận chính trị. Cuộc khủng hoảng kéo dài từ tháng 7/2013 sau cuộc bầu cử bị đối lập và quốc tế tố cáo có gian lận. Tuần qua, sau cuộc thương lượng với lãnh đạo đối lập Sam Rainsy, thủ tướng Hun Sen có vẻ lạc quan sau khi hai bên chấp nhận dung hòa các lập trường đối nghịch.
Từ Phnom Penh, thông tín viên Phạm Phan phân tích:
Cuộc nói chuyện qua điện thoại gần một giờ đồng hồ giữa lãnh đạo phe đối lập, ông Sam Rainsy và Thủ tướng Hun Sen trong ngày thứ Tư 09/04, tạm thời đưa đến các nhượng bộ. Các điểm quan trọng mà hai bên đồng ý gồm:
Thứ nhất, ông Rainsy muốn cuộc bầu cử Quốc hội khóa tới diễn ra sớm hơn, có thể là đầu năm 2016. Trong khi đó, ông Hun Sen muốn cuộc bầu cử diễn ra vào đầu năm 2018. Từ diễn biến này cho thấy, ông Rainsy mặc nhiên chấp nhận kết quả bầu cử hồi tháng 7/2013, và như thế ông Hun Sen vẫn tiếp tục cầm quyền lãnh đạo một cách hợp pháp.
Điểm thứ hai, chính quyền đồng ý sửa lại quy định về truyền thông, theo đó cho phép đối lập mở một đài phát thanh và truyền hình. Đây được coi là thắng lợi nhỏ của phe đối lập. Và cũng là lần đầu tiên từ lúc Cam Bốt bị cai trị theo chính thể gia đình trị của ông Hun Sen từ đầu thập niên 1980, người dân sẽ được theo dõi tin tức từ hệ thống truyền thông đối lập, khác với những gì nhà nước nói.
Thứ ba là hai bên đồng ý cải cách cơ quan bầu cử quốc gia.
Những người ủng hộ ông Sam Rainsy lại không đồng ý cuộc thương thảo này, vì họ từ trước đến nay vẫn kêu gọi hai lãnh tụ đối lập thuộc Đảng Cứu Nguy Dân Tộc là ông Rainsy và ông Kem Sokha phải tiếp tục xuống đường biểu tình đòi bầu cử lại và thay đổi lãnh đạo đất nước. Có thể ông Rainsy sẽ phải bị chống đối từ những người từng ủng hộ ông.
Trong trường hợp, thỏa thuận được thực thi, thì Cam Bốt là quốc gia mà phe đối lập nắm trong tay cơ sở phát thanh và truyền hình, tiến bộ một cách đặc biệt so với Lào và Việt Nam.
Công chúng sẽ nhận được các thông tin từ hai phía mà trước đây chỉ do chính quyền độc quyền phát thanh và truyền hình. Các thông tin hai chiều giúp cho công chúng thấy được trung thực các sự kiện trong nước và trên thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Hun Sen nói, người phó của ông Rainsy là ông Kem Sokha đang ngăn trở việc ký thỏa thuận. Ông Kem Sokha đang ở Mỹ. Sau cuộc nói chuyện với ông Hun Sen, ông Rainsy nói rằng các điểm then chốt trong thỏa thuận phải được sự đồng ý của hai nhân vật hàng đầu trong Đảng Cứu Nguy Dân Tộc.
Có tin nói có sự bất đồng giữa ông Rainsy và ông Sokha. Tuy nhiên theo báo mạng Phnom Penh Post thì ông Rainsy phủ nhận sự chia rẽ này.