Tin tức Biển Đông – 15/07/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Manila tiến thoái lưỡng nan với Vành Khăn

Theo phân tích của hãng tin Reuters, chính phủ Philippines có thể giành chiến thắng trong vụ kiện TC biển Đông, nhưng trên thực tế thì Manila không thể gọi là thắng lợi trong vùng biển chiến lược khi nói về Đá Vành Khăn.

Những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy từ những chòi canh ọp ẹp được TC xây dựng từ hai thập kỷ trước, nay bãi đá được nới rộng trên một diện tích lớn hơn 500 sân bóng đá, trong đó có một đường băng dài 3 km với nhiều nhà cửa trang hoàng, những bãi đất có thể diễu hành được và có cả một hệ thống radar chằng chịt.

Theo phán quyết được Tòa Trọng tài đưa ra vào hôm thứ Ba 12/07 thì bãi đá và tất cả những gì trên đó thuộc về Philippines một cách hợp pháp, bất kể thời gian và những gì được xây mới trên đó cũng không thay đổi được điều này.

Tuy vậy, trong tuyên bố công khai về phán quyết của tòa án, Manila đã thận trọng và kêu gọi phản ứng một cách “tỉnh táo và có kiềm chế”. Các quan chức Philippines hiểu rằng họ không có nhiều hy vọng lấy lại Đá Vành Khăn ngay tức thì dựa theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở Hague.

“Vấn đề này cần thời gian, không chỉ năm hay 10 năm nữa,” một quan chức cao cấp của Hải quân Philippines nói với yêu cầu không được tiết lộ danh tính đối với vấn đề nhạy cảm này.

Vị quan chức này còn nói, “trục xuất người Trung Hoa ra khỏi khu vực đó là bất khả thi”.

Đáp trả một cách cương quyết

Bắc Kinh, không chỉ từ chối tham gia phiên tòa mà còn nói phán quyết không có giá trị pháp lý đối với chủ quyền của TC ở biển Đông và tái khẳng định chủ quyền đối với Đá Vành Khăn và nhiều hòn đảo khác.

Vào hôm thứ Năm, 14/07, tờ Nhân dân Nhật báo đăng một bức ảnh trên trang nhất cho thấy một chiếc máy bay dân sự hạ cánh tại sân bay Vành Khăn, với hai lá cờ TC tung bay từ khoang lái.

“Như tôi đã nói từ trước, phán quyết sẽ không có tác dụng,” phát ngôn viên bộ Ngoại giao TC Lục Khảng trả lời, khi được hỏi liệu TC sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền ở Đá Vành Khăn.

“Cũng nhân dịp này, tôi muốn nói rằng nếu bất cứ ai dùng phán quyết của Tòa Trọng tài để có những hành động khiêu khích, chống lại lợi ích của Trung Quốc, chúng tôi sẽ có sự đáp trả một cách cương quyết,” phát ngôn viên Lục Khảng nói với báo giới.

Các chuyên gia ở TC cho rằng Tòa Trọng tài không có quyền hạn để bắt buộc các bên thực thi theo phán quyết nên nước này chắc chắn sẽ không giảm đi các hành động ở khu vực biển Đông.

“Phán quyết của Tòa Trọng tài quá chung chung nên có thể nói là không giải quyết được vấn đề,” chuyên gia luật Quốc tế của Đại học Vũ Hán Hà Hiển Dị nói.

Một số chuyên gia TC khác thì nói phán quyết là chi tiết và kỹ lưỡng, dù các quan chức TC luôn nói không xác đáng.

Một số lãnh đạo cao cấp thì cảm thấy như bị giáng một đòn đau điếng trước thái độ hoàn toàn chống lại TC.

“Thật là đáng ngạc nhiên khi mà một nhóm quan tòa kiêu ngạo chỉ ngồi một chỗ (ở châu Âu) và đưa ra quyết định thế nào là bãi đá và thế nào là một hòn đảo,” một học giả ở Bắc Kinh nói.

“Điều này chỉ làm tăng thêm sự đồng lòng của giới lãnh đạo và thái độ của Trung Quốc thêm cứng rắn, bao gồm cả về quân sự. Sẽ không có chuyện Trung Quốc lùi bước.”

Các tiếp cận “rón rén” của Manila cho thấy nước này hiểu rõ những rủi ro, quan chức Philippines nói.

“Chúng ta nên chừa đường cho những hành động giữ thể diện vì Trung Quốc sẽ phải đối diện với sức ép khủng khiếp từ trong nước,” quan chức Hải quân Philippines nói. “Chúng tôi không muốn Đảng Cộng Sản Trung Quốc bị lật đổ bởi những cái đầu nóng trong lực lượng Quân đội Nhân dân. Điều này rất là nguy hiểm.”

Chủ tịch Tập Cận Bình có những động thái thắt chặt quyền lực kể từ khi lên nắm quyền gần bốn năm trước và chưa có dấu hiệu nào cho thấy có những hành động như vậy.

Chỉ là Thềm lục địa

Phán quyết về Đá Vành Khăn là một trong những phán quyết quan trọng nhất của toàn bộ phán quyết dài 479 trang từ Tòa Trọng tài, xem xét về chủ quyền lãnh thổ đối với những bãi ngầm, bãi đá và bãi cạn nằm dọc theo tuyến đường hàng hải quan trọng.

Tòa cũng bác bỏ đường chín đoạn mà Bắc Kinh đưa ra trong vòng 69 năm qua, tuyên bố chủ quyền gần hết cả khu vực biển Đông và bác bỏ mọi căn cứ pháp lý mà Bắc Kinh đưa ra liên quan chủ quyền đảo và các khu đặc quyền kinh tế, các chuyên gia về luật nói.

Đá Vành Khăn là khu vực giàu tài nguyên mà TC chiếm giữ ở phía đông, cách khoảng 300 km đối với phía tây đảo Palawan của Philippines và cách khoảng 1.100 km từ đảo Hải Nam của TC, là khu vực nằm trọn vẹn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.

Tòa Trọng tài cho rằng TC tiến hành việc xây dựng, được đẩy mạnh kể từ sau 2014, để tuyên bố chủ quyền, là bất hợp pháp và làm “trầm trọng” thêm tranh chấp, chiếu theo Công ước Liên hợp Quốc về Luật biển mà Manila đã khởi kiện ra tòa vào năm 2013.

Các vị quan tòa đồng thuận với luật sư bên phía Philippines, dựa vào bằng chứng là những ảnh chụp vệ tinh, thông tin từ lịch sử và từ khảo sát, bao gồm cả những ghi chú của hoa tiêu TC để chỉ ra rằng, Đá Vành Khăn-về mặt pháp lý- chỉ là thềm lục địa, nổi lên khi thủy triều xuống.

Các luật sư đưa bằng chứng rằng bãi đá có tên TC cổ là Mỹ Tế Phục- tên tiếng Anh là Mischief, là nhằm mục đích chứng minh TC đã sử dụng và làm chủ khu vực biển Đông trong 2.000 năm qua. Ngày nay TC gọi Đá Vành Khăn là Đá Mỹ Tế.

Khả năng xung đột

Các quan chức quân sự và ngoại giao trong khu vực nói Vành Khăn có thể là điểm gây nên sự xung đột trong bối cảnh khu vực sẽ tiếp tục có căng thẳng trong nhiều tháng sau khi có phán quyết.

Khu vực khác bao gồm Bãi Scarborough (Hoàng Nham), là ngư trường truyền thống của Philippines đã bị TC chiếm đóng từ 2012 và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas), nơi có một nhóm binh lính Philippines đóng quân trên một chiếc tàu bị mắc cạn đã mục nát.

Mỹ cũng đang quan sát Đá Vành Khăn một cách chặt chẽ và thường xuyên cảnh báo TC không được xây dựng thêm trên hòn đảo thuộc về Philippines, là đồng minh quân sự của Mỹ.

Vào hôm thứ Tư vừa qua, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Dan Sullivan đã yêu cầu các tàu chiến của Mỹ di chuyển đến gần Đá Vành Khăn như một động thái đảm bảo cho tự do hàng hải trong khu vực.

Một quan chức bộ Quốc phòng Mỹ nói với Reuters rằng nếu có xảy ra đối đầu trong khu vực, hải quân và không quân Mỹ sẽ có những hành động nhằm bảo vệ tự do hàng hải.

Manila, ngược lại, không muốn có thêm những hành động khiêu khích TC.

“Họ đang giận dữ vào lúc này,” Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói với Reuters. “Cảm xúc đang dâng cao và chúng tôi không muốn cho họ có thêm lý do để có những hành động bạo lực.”

Theo http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160715_da_vanh_khan_scs

 

TC chặn tàu Philippines vào bãi cạn Scarbourough

Theo Trọng Thành

Sau phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ngày 12/07/2016, phóng viên một hãng truyền hình Philippines, cùng tàu cá nước này tìm cách tiếp cận bãi cạn Scarbourough, nhưng đã bị tuần duyên TC ngăn chặn.

Theo AP, ngày 14/07, một chiếc tàu đánh cá chở các phóng viên của kênh truyền hình Philippines ABS-CBN tới khu vực này, thoạt tiên bị một tàu cá TC ngăn cản, tiếp theo đó, tuần duyên TC xuất hiện buộc tàu phải đổi hướng.

Chiểu theo phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, các tàu chấp pháp của TC đã hành xử trái phép khi cản đường các tàu Philippines tại khu vực này. Scarbourough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cách bờ biển TC khoảng 1.000 km. TC chiếm quyền kiểm soát địa điểm này từ năm 2012.

Ngay sau sự cố nói trên, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay một lần nữa kêu gọi các bên liên quan trong hồ sơ Biển Đông kiềm chế. Theo ông, chính sách của Philippines là tìm ra một giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông, và tiếp tục nỗ lực làm giảm các căng thẳng trong khu vực.

Philippines muốn cử cựu tổng thống đàm phán với TC.

Chủ trương của tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là tiếp tục đối thoại với TC. Phát biểu tại Club Filipino, ngoại ô thủ đô Manila, ngày 14/07, tổng thống Duterte một lần nữa nhấn mạnh: «Chiến tranh không phải là một giải pháp ».

Nguyên thủ Philippines chính thức đề nghị cựu tổng thống Fidel Ramos, 88 tuổi, đứng đầu phái đoàn tới TC đàm phán về Biển Đông, trên cơ sở phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực. Cựu tổng thống Fidel Ramos, cầm quyền từ 1992 đến 1996, là người có công lớn trong việc xây dựng Nhà nước Philippines hậu độc tài.

Theo http://vi.rfi.fr/chau-a/20160715-tq-chan-tau-philippines-tai-bien-dong

 

TC có thể xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Biển Đông

Theo Thùy Dương

Ngày 15/07/2016, AFP dẫn nguồn tin phương tiện truyền thông nhà nước TC cho biết, vài ngày sau khi Tòa Trọng Tài Quốc Tế bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, TC có thể sẽ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân di động trong vùng biển này.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times), trích dẫn Công Ty Hạt Nhân Quốc Gia Trung Hoa (CNNC), cho biết “việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ngoài khơi sẽ hỗ trợ việc kiểm soát thật sự của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Tờ báo trích dẫn một báo cáo nói rằng “nhà máy điện hạt nhân trên biển sẽ được sử dụng” trên các hòn đảo và rạn san hô ở Trường Sa trong vùng biển đang có tranh chấp “để đảm bảo nước ngọt “.

Vẫn theo bản báo cáo, “trước đây, việc cung cấp nước ngọt cho quân đồn trú ở Biển Đông không được đảm bảo, nước ngọt chỉ được cung cấp bởi nhờ các thuyền chở theo thùng nước”  “trong tương lai, khi hệ thống điện và hệ thống năng lượng ở Biển Đông được tăng cường, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại trên khu vực Biển Đông”.

Ngày 15/07, báo cáo ban đầu trên đã bị xóa khỏi tài khoản xã hội WeChat của Tổng Công Ty Hạt Nhân Quốc Gia Trung Hoa, và một nhân viên của công ty nói với AFP rằng “cần khẳng định” độ chính xác của thông tin.

Trong cùng ngày, một trang web được Nhà nước hỗ trợ trích lời kỹ sư Vu Hán Siêu (Zhu Hanchao) của Liên Đoàn Công Nghiệp Đóng Tàu Trung Hoa cho biết 20 nhà máy điện hạt nhân trên biển đang được xây dựng.

Nhưng Vu Hán Siêu nói thêm rằng các nhà máy điện hạt nhân sẽ được triển khai đến tận các mỏ dầu ở biển Bột Hải, ngoài khơi phía đông bắc của TC, chứ không phải trong vùng Biển Đông. Liên Đoàn Công Nghiệp Đóng Tàu Trung Hoa chưa được liên lạc để đưa ra bình luận.

Kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân trên biển được Bắc Kinh đưa vào chương trình phát triển 5 năm (2016-2020). Dự án sẽ được Công Ty Hạt Nhân Quốc Gia Trung Hoa khởi động vào năm 2019, sau đó sẽ được chuyển giao cho Tổng Công Ty Hạt Nhân Trung Hoa vào năm sau. Nhưng địa điểm chính xác của các cơ sở này vẫn chưa được xác định.

Điện hạt nhân đã được sử dụng trên biển cho các tàu sân bay và tàu ngầm, nhưng dường như TC chưa bao giờ sử dụng điện hạt nhân cho mục đích dân sự. Nga được cho là cũng đang xây dựng một dự án tương tự.

Theo http://vi.rfi.fr/chau-a/20160715-trung-quoc-co-the-xay-dung-cac-nha-may-dien-hat-nhan-tren-bien-nam-trung-quoc

 

Biển Đông : EU bất đồng nội bộ vì phán quyết của Tòa

Theo Thu Hằng

Liên Hiệp Châu Âu bị chia rẽ trước thất bại của TC trong vụ kiện về Biển Đông. 28 thành viên không thể cùng đồng tình với phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực : một số nước được TC hậu thuẫn, trong khi đó một số nước khác cũng có tranh chấp lãnh hải tương tự như tại Biển Đông.

Theo hãng tin Reuters, bất chấp áp lực của Hoa Kỳ muốn Liên Hiệp Châu Âu bày tỏ ủng hộ về vấn đề này, cho đến nay, toàn khối vẫn không thể đạt được đồng thuận về một bản tuyên bố chung, để mặc các nhà ngoại giao tự xoay sở với những từ ngữ có thể chấp nhận được cho cả 28 thành viên.

Liên Hiệp Châu Âu cho biết không đưa ra quan điểm về vụ tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila, với phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye vào ngày 12/07/2016 về việc TC vi phạm chủ quyền kinh tế của Philippines.

Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục bày tỏ lo ngại về việc TC quân sự hóa các đảo và bãi cạn tại Biển Đông, nơi trung chuyển đến 5,000 tỷ đô la thương mại mỗi năm. Bruxelles tuyên bố luật pháp quốc tế phải được tôn trọng tại đây.

Chính vụ tranh chấp hàng hải tương tự giữa Slovenia và Croatia, hai thành viên của Liên Hiệp, đã cản trở Bruxelles có phản ứng chung. Croatia đã rút khỏi một phiên trọng tài vào năm 2015 cũng tại Tòa La Haye vừa ra phán quyết về tranh chấp tại Biển Đông giữa TC và Philippines. Croatia muốn không đề cập đến UNCLOS trong bản tuyên bố, để các chính phủ khác thất vọng, cũng như các quan chức cao cấp của Liên Hiệp có mặt tại hội nghị ASEM diễn ra tại Mông Cổ vào ngày 15/07/2016.

Một quan chức ngoại giao ẩn danh nói với Reuters rằng «Chúng tôi có thể ra tuyên bố rằng bản phán quyết của Tòa Án Quốc Tế cần được tôn trọng» song các cuộc thảo luận về chủ đề này vẫn đang được tiến hành.

Nhiều nhà ngoại giao cho biết, thêm vào những khó khăn trên, các nước Đông Âu như Hungary đã được TC vận động hành lang trong những tháng gần đây. Bắc Kinh đã cung cấp nhiều hợp đồng béo bở và các dự án đầu tư, đổi lại Hungary ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về nhiều điểm, từ Biển Đông đến các tranh chấp thương mại với Bruxelles. Trong khi đó, Anh và Pháp là hai nước kêu gọi TC không leo thang căng thẳng trong khu vực Biển Đông.

Theo nhiều nhà phân tích, chính những chia rẽ như vậy đã khiến Liên Hiệp Châu Âu tỏ ra im lặng về vấn đề trật tự hàng hải quốc tế và có thể là nguyên nhân làm suy yếu vị thế của khối.

Trong khi chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk đã công khai đề cập đến phán quyết của Tòa tại Bắc Kinh thì ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu, bà Federica Mogherini, lại tỏ ra cẩn thận khi nói khối 28 nước không đưa ra lập trường về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, mặc dù bà kêu gọi tất cả các nước tôn trọng UNCLOS. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker lại tập trung bình luận về củng cố các mối quan hệ đầu tư và tìm giải pháp cho vấn đề sản xuất dư thừa thép.

 

Trung-Nhật có thể « xích mích » sau phán quyết về Biển Đông

Theo Thu Hằng

Thất bại của Bắc Kinh trong vụ kiện về những đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông mà Philippines khởi kiện năm 2013 có thể sẽ tác động đến tranh chấp giữa TC với Nhật Bản tại biển Hoa Đông.

Nhận định trên của ông J. Berkshire Miller, giám đốc Hội đồng Thái Bình Dương về Chính sách Quốc tế (Council on International Policy) ở Los Angeles, được tờ The Diplomat đăng trong số ra ngày 14/07/2016.

Theo chuyên gia này, căng thẳng trên biển Hoa Đông tập trung vào nhiều mặt, không chỉ đơn thuần là tranh chấp lãnh thổ giữa Tokyo và Bắc Kinh đối với quần đảo Senkaku mà TC gọi là Điếu Ngư. Hai bên cũng đang bất đồng về các vấn đề tài nguyên ở biển Hoa Đông khi Bắc Kinh tiếp tục xích gần hơn vào khu đặc quyền kinh tế của Nhật Bản để thăm dò khí đốt tự nhiên.

Tokyo đã cáo buộc Bắc Kinh tiến hành các dự án khí đốt tự nhiên, cho dù các dàn khoan không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, nhưng rất có thể sẽ hút khí đốt từ các mỏ nằm gần đường phân định, bên phía Nhật Bản.

Trong khi đó, căng thẳng vẫn không suy giảm trong các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong vài tháng qua một số sự cố đáng lo ngại đã xảy ra và điều này càng cho thấy tình hình bất ổn ở biển Hoa Đông.

Tháng 06/2016, một tàu khu trục của hải quân TC đã tiến vào vùng tiếp giáp với vùng biển của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư – một hành động chưa từng có trong mối quan hệ căng thẳng. Trước đó, việc xâm nhập vào khu vực đệm – nằm giữa vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia và lãnh hải – chỉ là các tàu hải cảnh TC hoặc các tàu thương mại.

Cũng vào tháng 06/2016, TC đã đưa một tàu do thám của hải quân nước này vào vùng lãnh hải Nhật Bản. Đây là động thái chưa từng có, và mới chỉ xảy ra lần thứ hai, kể từ khi Thế Chiến Thứ II kết thúc. Thực ra, các nước được phép đi qua một cách vô hại vùng biển của các nước khác (như yêu cầu của Bắc Kinh), song không được phép tiến hành các hành vi do thám. Thế nhưng, sự việc này đã xảy ra ở vùng biển gần tỉnh Kagoshima ở cực nam Nhật Bản, cách xa quần đảo Senkaku/Điều Ngư.

Dù vậy, động thái có tính toán của Bắc Kinh được gắn liền với tranh chấp về lãnh thổ và là một dấu hiệu cho thấy TC muốn đa dạng hóa chiến lược thách thức chính quyền Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Việc TC đưa các tàu hải quân vào cuộc tranh chấp là một động thái mang tính rủi ro, đặc biệt khi vẫn chưa có cơ chế tránh khủng hoảng được hai bên thỏa thuận. Tàu chiến của TC vẫn lặp đi lặp lại các cuộc xâm nhập cả vùng lãnh hải Nhật Bản lẫn vùng tiếp giáp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Bắc Kinh cũng tiếp tục tăng đáng kể khả năng hoạt động của các tầu tuần duyên TC và là bậc thầy trong việc chuyển đổi các tầu chiến cũ phục vụ lực lượng tuần duyên. Ngoài ra, TC còn có kế hoạch đóng hai « siêu tàu » để bảo vệ bờ biển của mình, trong đó có một chiếc có trọng lượng rẽ nước 10.000 tấn. Tất cả những động thái này đều nhằm mục đích buộc chính quyền Nhật Bản nhượng bộ ở biển Hoa Đông.

Tiềm năng xảy ra một cuộc đụng độ hoặc một sự cố ngoài ý muốn càng lớn trong những điều kiện như trên. Trong khi đó, các cuộc thảo luận xử lý khủng hoảng – tập trung vào các lĩnh vực hàng hải và hàng không – vẫn tiếp tục do có những bất đồng về việc đưa vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào phạm vi khu vực cần đàm phán.

Trong tháng 11/2013, Bắc Kinh đơn phương công bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Vùng nhận dang phòng không của TC ở biển Hoa Đông cũng đã chồng lấn với ADIZ của Nhật Bản có từ trước.

Căng thẳng trong không phận ở biển Hoa Đông đã khiến Nhật Bản tăng cường trang bị cho Lực lượng Phòng vệ (ASDF) trong vài tháng qua. Và gần đây đã xảy ra một vài sự cố giữa lực lượng quân sự Nhật Bản và các chiến đấu cơ của TC.

Giới chuyên gia quan ngại rằng căng thẳng tại biển Hoa Đông có thể leo thang sau phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông. Bắc Kinh có thể tìm cách gây áp lực với Tokyo, một đồng minh của Hoa Kỳ. Trong những tháng tới, điều quan trọng với Nhật Bản là chuẩn bị tinh thần chống lại những hành động khiêu khích của TC và tiếp tục tập trung vào việc giảm khả năng xảy ra một cuộc đụng độ với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông.

Theo http://vi.rfi.fr/chau-a/20160715-trung-nhat-co-the-%C2%AB-xich-mich-%C2%BB-sau-phan-quyet-ve-bien-dong