Biển Đông « hậu phán quyết » – 14/07/2016
Biển Đông sau phán quyết về Đường Lưỡi bò
Bàn tròn thứ Năm của BBC và các khách mời tuần này thảo luận về tình hình an ninh, chủ quyền trên Biển Đông sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở Hague trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Mời quý vị bấm vào đây để theo dõi cuộc Tọa đàm được bắt đầu từ lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam, ngày hôm nay, thứ Năm, 14/7/2016.
Bàn tròn thứ Năm lần này có sự tham gia của các chuyên gia và nhà nghiên cứu chính trị, pháp lý và bang giao quốc tế từ Việt Nam và hải ngoại.
Trong đó có Giáo sư Ngô Vĩnh Long, từ Đai học Maine, Hoa Kỳ.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, từ Đại học George Mason, Hoa Kỳ.
Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Giao, từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Vũ Cao Phan, từ Đại học Bình Dương.
Nhà báo Ngô Ngọc Văn, từ BBC World Service, London.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/07/160714_hangout_post_pca_southchinasea
Biển Đông: Mỹ và ‘ngoại giao thầm lặng’
Ý kiến trái chiều từ Mỹ về việc dùng phương pháp ‘ngoại giao thầm lặng’ hay dùng ‘sức mạnh quân sự’ trong tranh chấp Biển Đông.
Hoa Kỳ dùng phương pháp ‘ngoại giao thầm lặng’ để thuyết phục Việt Nam, Philippines, Indonesia và các quốc gia châu Á khác không có động thái hung hăng nhằm lợi dụng phán quyết PCA, quan chức chính quyền Mỹ cho hay.
Reuters hôm 13/7 dẫn lời một quan chức Mỹ muốn ẩn danh nói: “Những gì chúng tôi muốn là trấn tĩnh để những vấn đề này có thể được giải quyết một cách hợp lý thay vì cảm tính”.
Thông điệp này được gửi thông qua các đại sứ quán Hoa Kỳ ở nước ngoài và sứ quán nước ngoài tại Washington.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và quan chức cấp cao khác cũng đích thân gửi thông điệp đến một số nước, nguồn tin cho biết.
“Đây không phải là nỗ lực tập hợp các nước trong khu vực chống lại Trung Quốc vốn đặt giả định sai lầm rằng Hoa Kỳ đang dẫn đầu một liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc”, quan chức nói thêm.
Những nỗ lực làm dịu căng thẳng ở Biển Đông sau phán quyết PCA không thành sau khi Đài Loan cử một chiến hạm đến khu vực này và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố với thủy thủ rằng họ có nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải của đảo quốc này.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ hy vọng sáng kiến ngoại giao của họ sẽ thành công hơn ở Indonesia, quốc gia muốn đưa hàng trăm ngư dân đến quần đảo Natuna để khẳng định chủ quyền và ở Philippines, quốc gia có ngư dân đã bị hải quân Trung Quốc xua đuổi.
Trung Quốc đang lặp lại đề nghị nối lại đàm phán song phương giữa Bắc Kinh và Manila, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng đây là thời điểm để mọi thứ “đi đúng hướng” sau vụ kiện “trò hề”.
Trong khi đó, AP dẫn lời ông Dennis Blair, cựu đô đốc Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương nói tại một phiên điều trần Quốc hội Mỹ hôm 13/7: “Hoa Kỳ nên sẵn sàng dùng ‘sức mạnh quân sự’ để chống lại sự xâm lược của Trung Quốc tại một rạn san hô đang tranh chấp ngoài khơi Philippines.
Lời khuyến nghị Ủy ban Thượng viện của ông Blair được đưa ra một ngày sau phán quyết PCA.
“Mục tiêu không phải là châm ngòi cuộc chiến với Trung Quốc tại Bãi Scarborough, nhưng nhằm thiết lập một giới hạn về ‘cưỡng bức quân sự’, ông Blair nói.
”Tôi nghĩ rằng chúng ta cần khuyến khích Trung Quốc nhượng bộ về một số mục tiêu của họ”.
Philippines là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng hiệp ước của họ không rõ ràng về việc liệu Hoa Kỳ có bảo vệ họ trong lãnh thổ tranh chấp.
AFP hôm 14/7 tường thuật Philippines kêu gọi Bắc Kinh ‘tôn trọng’ phán quyết PCA.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh, Á – Âu (ASEM) hôm 15/7 ở Mông Cổ cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
“Bộ trưởng Yasay sẽ thảo luận cách tiếp cận hòa bình và dựa trên luật pháp của Philippines về biển Tây Philippines (Biển Đông) và điều cần thiết là các bên tôn trọng phán quyết, ” thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines viết.
‘Giải pháp hòa bình’
Hôm 14/7, báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết nước này có thể giải quyết vấn đề lãnh thổ thông qua đàm phán, chỉ ra rằng họ đã đạt thỏa thuận với Việt Nam về biên giới biển ở Vịnh Bắc Bộ và các cuộc đàm phán đang diễn ra với Nam Hàn.
Trong khi đó, hôm 13/7, hai máy bay dân sự của Trung Quốc đã hạ cánh xuống đá Subi và đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, một động thái mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết sẽ làm gia tăng căng thẳng hơn là hạ nhiệt.
“Chúng tôi [Hoa Kỳ] không có lợi ích gì tại Biển Đông ngoài niềm tin về quyền tự do hàng hải”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner nói trong cuộc họp báo hôm 13/7.
“Những gì chúng tôi muốn thấy không phải là cuộc leo thang căng thẳng và chúng tôi muốn tất cả các bên tranh chấp có thời gian để cân nhắc cho giải pháp hòa bình ở phía trước.”
Tuy nhiên, nếu nỗ lực này thất bại, và leo thang thành đối đầu quân sự, các lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ đang chuẩn bị duy trì quyền tự do hàng hải tại vùng biển tranh chấp, một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết hôm 13/7.
Ben Cardin, quan chức Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông ít có khả năng nổ ra nếu Việt Nam, Philippines, Indonesia và các nước khác hợp tác với Hoa Kỳ hơn là tự tìm giải pháp.
“Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc muốn đối đầu với Hoa Kỳ,” ông nói với các phóng viên. “Họ [Trung Quốc] không ngại đối đầu với một chiếc tàu cá Việt Nam nhưng họ không muốn đối đầu với Hoa Kỳ.”
Phán quyết PCA được trông đợi là chủ đề chính của Hội nghị cấp cao Asean diễn ra cuối tháng 7/2016 tại Lào. Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sẽ tham dự sự kiện này, theo Reuters.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/07/160714_us_quiet_diplomac_pca
Trung Quốc ‘nên tôn trọng phán quyết’
Philippines nói Bắc Kinh nên tôn trọng phán quyết của tòa quốc tế bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thông cáo viết, Ngoại trưởng Perfecto Yasay của Philippines sẽ đưa ra vấn đề này trong hai ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu bắt đầu vào thứ Sáu 15/07.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng tham dự hội nghị.
Tòa trọng tài thường trực phán quyết hôm 12/07 rằng yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông không có cơ sở pháp lý.
Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận phán quyết.
Quốc gia này cho rằng tòa không có quyền tài phán và các hoạt động trong khu vực của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng.
‘Không phù hợp’
Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (Asem) ở Ulaanbaatar, Mông Cổ vào thứ Sáu và thứ Bảy là cuộc gặp ngoại giao đa phương chủ chốt đầu tiên kể từ khi có phán quyết về Biển Đông.
Tham dự hội nghị có 53 lãnh đạo từ châu Á và châu Âu, trong đó có các quốc gia như Việt Nam và Malaysia – cũng tuyên bố chủ quyền lãnh hải trong khu vực.
Đây là cuộc họp đầu tiên chính quyền mới của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xuất hiện trên chính trường thế giới.
Bộ Ngoại giao Philippines nói ông Yasay, đại diện cho Tổng thống Duterte, sẽ “bàn thảo trong bối cảnh kế hoạch của Asem về cách tiếp cận hòa bình và dựa trên luật pháp của Philippines trên Biển Đông và sự cần thiết đối với các bên tôn trọng quyết định gần đây”.
Đây là phát biểu mạnh mẽ nhất của Philippines cho tới nay về phán quyết.
Ông Duterte có cách tiếp cận hòa giải hơn người tiền nhiệm Benigno Aquino, nói rằng Philippines muốn chia sẻ tài nguyên tự nhiên với Trung Quốc ở các vùng tranh chấp nếu tòa phán quyết có lợi cho Philippines.
Quốc gia này ban đầu khen ngợi phán quyết là “quyết định bước ngoặt”, nhưng không tổ chức lễ mừng.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với đa phần Biển Đông, nói hội nghị thượng đỉnh “không phải là nơi phù hợp để bàn” về vấn đề này.
“Không nên đưa vấn đề này vào nghị trình,” Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu nói với hãng tin Reuters.
‘Phản đối chính thức’
Phán quyết hôm thứ Ba do Philippines đề nghị thiết lập tòa trọng tài dưới Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà cả hai nước cùng tham gia ký kết.
Philippines nói Trung Quốc vi phạm “quyền chủ quyền và gây “nguy hại nghiêm trọng tới môi trường rạn san hô” do xây dựng các đảo nhân tạo.
Phán quyết này mang tính bắt buộc nhưng Tòa Trọng tài Thường trực không có quyền hạn thực thi.
Hôm thứ Năm 14/07, Trung Quốc nói đã gửi phản đối chính thức sau khi Úc thông báo sẽ tiếp tục thực thi quyền di chuyển trên Biển Đông sau khi có phán quyết bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh, Reuters đưa tin.
Ngoại trưởng Julie Bishop cũng nói Úc ủng hộ quyền tương tự của các quốc gia khác.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, ông Lục Khảng, nói Trung Quốc đã chính thức phản đối “phát biểu sai” của Úc và Trung Quốc hy vọng Úc sẽ không hành động làm tổn hại tới hòa bình và ổn định trong khu vực.
“Thực lòng mà nói, tôi hơi sốc trước bình luận của bà Bishop,” ông Lục Khảng nhận xét.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160714_philippines_scs_ruling_respect
‘Việt Nam chưa vội kiện vụ Biển Đông’
Quốc PhươngBBC Việt ngữ
VN có thể sẽ ‘chưa cần vội’ Trung Quốc về chủ quyền biển đảo, sau khi Philippines ‘đã thắng kiện’ trong vụ việc Tòa Trọng tài thường Trực quốc tế ở The Hague mới đây bác bỏ tuyên bố chủ quyền theo bản đồ đường chín đoạn của Bắc Kinh, theo một nhà nghiên cứu chiến lược ngoại giao từ Hà Nội.
Trong khi đó, theo một Đại biểu Quốc hội Việt Nam, việc ngư dân Việt Nam phản đối Trung Quốc ‘dùng vũ lực’ với các ngư dân người Việt đánh bắt trên vùng biển, ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền của Việt Nam là ‘có căn cứ’.
Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) là chủ đề củaBàn tròn Thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ, được phát trực tuyến trên kênh Youtube của chúng tôi từ lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam, ngày 14/7.
Trước hết, bình luận với BBC hôm 13/7/2016 về phán quyết mới ra của Tòa thường trực PCA tại Hà Lan trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế (CSSD), nói:
“Tôi thấy phán quyết của Tòa án ở The Hague không nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông, nhưng nó tạo ra cơ sở pháp lý để thúc đẩy giải quyết vấn đề này. Tôi nghĩ phán quyết của Tòa án thuận lợi cho Philippines và nó bất lợi cho Trung Quốc.”
Trường Sa thì Việt Nam đã ủng hộ vụ kiện và những phán quyết của Tòa án vừa rồi, thì còn đưa ra một vụ kiện gì nữaTiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường
Khi được hỏi Việt Nam sẽ có động thái gì cụ thể sau khi Tòa án ở The Hague đã bác bỏ tuyên bố đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, nhà nghiên cứu nói:
“Việt Nam sẽ thuận theo tình hình, còn tất nhiên cái này là một sự phát triển của các phán quyết của Tòa án (quốc tế), nó là một sự phát triển rất quan trọng. Việt Nam tiếp tục theo dõi và phối hợp với các bên liên quan để làm thế nào giải quyết vấn đề Biển Đông được thuận lý, thuận tình, nhưng cái này không phải một hai chuyện mà giải quyết được…”
Và nhà nghiên cứu chiến lược ngoại giao nói thêm: “Việt Nam cũng không vội vã gì, tôi nghĩ là cứ thuận theo thời thế và cũng phối hợp với các bên hữu quan để thúc đẩy vấn đề giải quyết Biển Đông theo những phương thức hòa bình và phù hợp với lợi ích của Việt Nam.”
Trước câu hỏi liệu nhà nước và chính quyền Việt Nam có sẽ ‘kiện Trung Quốc’ hay không, để thu hồi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và với Gạc Ma, cùng một số đảo, đá và bộ phận khác thuộc quần đảo Trường Sa, nay do Trung Quốc nắm chủ quyền, ông Nguyễn Ngọc Trường đáp:
“Việt Nam chủ trương tiếp tục cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền của mình tại Hoàng Sa, còn có sử dụng pháp lý quốc tế để kiện hay không thì luôn luôn là một vấn đề đặt ra, nhưng theo tôi trước mắt sẽ có ít có cơ sở để nói Việt Nam sẽ thực hiện một vụ kiện như vậy…
“Trường Sa thì Việt Nam đã ủng hộ vụ kiện và những phán quyết của Tòa án vừa rồi, thì còn đưa ra một vụ kiện gì nữa,” nhà nghiên cứu nói với BBC.
‘Ngư dân có căn cứ’
Cũng hôm thứ Tư, ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội Việt Nam, thuộc đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị, bình luận với BBC về kết quả phiên tòa ở The Hague mà Philippines được cho là đã thắng kiện, ông nói:
“Tất cả các nước, dù nước lớn hay nước nhỏ, đều phải tuân theo phán quyết đó và chúng tôi thấy rằng nếu đã trọng tài quốc tế, hoặc là một tổ chức quốc tế nào đó người ta đó có ý kiến hoặc có lên tiếng về vấn đề đó.
“Tất cả các nước phải tuân theo vì nó cũng chính là xuất phát từ việc tôn trọng phán quyết quốc tế và chúng ta sống trong một xã hội tuân theo pháp luật và đặc biệt là các luật pháp quốc tế, luật biển và các luật khác, thì tôi nghĩ bất kỳ nước nào cũng nên tôn trọng.”
Khi được hỏi liệu Quốc hội Việt Nam có ủng hộ hay không nếu các ngư dân Việt Nam ‘kiện Trung Quốc’ về việc ngư trường truyền thống của họ bị ảnh hưởng, họ bị tàu Trung Quốc ‘tấn công, đánh đắm, bắt giữ’, trong khi, tài nguyên thiên nhiển trên vùng Biển mà họ làm ăn, đánh cá lâu đời bị ‘phá hoại nghiêm trọng’, Đại biểu Lê Như Tiến đáp:
Việt Nam đã có nhiều biện pháp và tìm nhiều giải pháp để lên tiếng, kể cả ngoại giao cũng như các con đường khác. Chúng tôi thấy rằng ngư dân Việt Nam mà phản đối như thế rất là có căn cứĐại biểu Quốc hội Lê Như Tiến
“Với tư cách là Đại biểu Quốc hội, chúng tôi rất lên án việc dùng vũ lực đối với các ngư dân của Việt Nam.
“Và các cơ quan ngoại giao, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc dùng vũ lực đối với ngư dân đánh bắt trên vùng biển mà vùng biển ấy là vùng biển của Việt Nam.
“Việt Nam đã có nhiều biện pháp và tìm nhiều giải pháp để lên tiếng, kể cả ngoại giao cũng như các con đường khác.
“Chúng tôi thấy rằng ngư dân Việt Nam mà phản đối như thế rất là có căn cứ,” Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam nói với BBC.
Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan đã ra phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền căn cứ trên ‘đường chín đoạn’ hay còn gọi là ‘đường lưỡi bò’ trên Biển Đông, theo đó Tòa khẳng định không có bằng chứng lịch sử cho thấy Trung Quốc có đặc quyền kiểm soát vùng biển và nguồn tài nguyên tại khu vực có tranh chấp này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức tuyên bố không chấp nhận và không công nhận phán quyết này của phiên tòa. Trong khi đó, về phía mình, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines tuyên bố tôn trọng phán quyết của Tòa án và kêu gọi Trung Quốc cũng tôn trọng phán quyết của tòa bác bỏ tuyên bố chủ quyền như trên của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mời quý vị bấm vào đây để theo dõi Bàn tròn Thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ với chủ đề Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/07/160713_viet_post_pca_ruling
Biển Đông : Trung Quốc đe dọa « đáp trả kiên quyết » nếu bị khiêu khích
Bắc Kinh hôm nay 14/07/2016 đe dọa sẽ « kiên quyết đáp trả » trong trường hợp bị khiêu khích, sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA) ra phán quyết kết luận yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc bao trùm hầu như toàn bộ Biển Đông là bất hợp pháp. Cũng trong hôm nay Hà Nội đã phản đối các hành động gần đây của Bắc Kinh tại Biển Đông, nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Trung Quốc vô cùng giận dữ trước phán quyết của tòa quốc tế, nhấn mạnh sẽ không tôn trọng bản án của định chế mà Bắc Kinh cho rằng không có thẩm quyền. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) tuyên bố : « Nếu ai đó muốn tiến hành một hành động khiêu khích chống lại các lợi ích an ninh của Trung Quốc trên cơ sở phán quyết này, thì Trung Quốc sẽ đáp trả một cách kiên quyết ».
Báo chí Bắc Kinh mới đây loan tin hai máy bay dân sự Trung Quốc hôm qua đã hạ cánh thành công xuống hai phi đạo mới được xây dựng trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef). Trung Quốc cũng tuyên bố đã hoàn tất bốn hải đăng và động thổ ngọn hải đăng thứ năm trên các đá thuộc quần đảo Trường Sa.
Các động thái này diễn ra vào thời điểm Tòa Trọng Tài ở La Haye hôm thứ Ba 12/7 ra phán quyết bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
Từ Hà Nội, Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình hôm nay yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động làm phức tạp thêm tình hình.
Trong cuộc họp báo hôm nay, ông Lê Hải Bình tuyên bố : « Bất chấp phản đối của Việt Nam và sự quan ngại của cộng đồng quốc tế, những hoạt động nêu trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam là phi pháp, và không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ». Ông tái khẳng định Việt Nam « có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử » tại hai quần đảo trên.
AP ghi nhận, mặc dù cùng đòi hỏi chủ quyền trên một số thực thể tại Biển Đông với Philippines, Việt Nam hoan nghênh phán quyết của PCA và là quốc gia thành viên ASEAN có quan điểm mạnh mẽ chống lại Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ nghiên cứu phán quyết của tòa quốc tế trước khi đưa ra lời bình luận.
Hãng tin Reuters trích dẫn Tân Hoa Xã cho biết thêm, cũng trong hôm nay thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) trong cuộc gặp người đồng cấp Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, bên lề hội nghị thượng đỉnh Âu-Á ở Mông Cổ, đã nói rằng ông hy vọng Việt Nam sẽ cùng với Trung Quốc giữ gìn hòa bình và ổn định tại Biển Đông.
Biển Đông : Manila kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài
Philippines hôm nay 14/07/2016 đòi hỏi Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) La Haye, theo đó, tuyên bố yêu sách của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ Biển Đông là bất hợp pháp.
Trung Quốc giận dữ trước phán quyết, khẳng định sẽ không tuân thủ đồng thời cảnh báo các đối thủ về nguy cơ khu vực sẽ trở thành « chiếc nôi chiến tranh ».
Ban đầu Manila tránh đưa ra lời yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng bản án, vì tân tổng thống Rodrigo Duterte muốn xoa dịu quan hệ với người láng giềng hùng mạnh. Nhưng Philippines hôm nay đã phải cao giọng trong một thông cáo, nói rõ ý định của ngoại trưởng Perfecto Yasay trong hội nghị thượng đỉnh Âu-Á (ASEM) sẽ diễn ra trong hai ngày 15 và 16/7 tại Mông Cổ, với sự hiện diện của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố ngoại trưởng Yasay sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận tại ASEM, và nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng phán quyết mới đây của PCA.
Theo AFP, chỉ riêng việc đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng Tài ở Oulan-Bator là đủ để chọc giận Bắc Kinh, từ nhiều năm qua đã làm mọi cách ngáng chân Manila để vấn đề không trở thành đa phương. Hôm thứ Hai 11/7, Trung Quốc đã nói rằng chủ đề này không thể nằm trong chương trình nghị sự ASEM vì « không phù hợp ».
Nhưng Bắc Kinh có vẻ khá cô đơn, vì thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm nay trước khi lên đường đến Mông Cổ đã tuyên bố muốn nghe thảo luận về những bất đồng tại Biển Đông.
Trung Quốc yêu sách hầu như toàn bộ chủ quyền vùng biển – khoảng 2,6 triệu/3 triệu kilomet vuông – dựa trên bản đồ « đường 9 đoạn » tự vẽ trong thập niên 40, với lý lẽ là nước đầu tiên đã khám phá, đặt tên và khai thác Biển Đông.
Nhưng PCA hôm 12/7 khẳng định « đường lưỡi bò » Trung Quốc « không hề có cơ sở pháp lý », bác bỏ « quyền lịch sử », tuyên bố Bắc Kinh đã vi phạm chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế của Manila.
Hoa Kỳ và Úc đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết. Nhưng Bắc Kinh cảnh báo nguy cơ xung đột, nói rằng quyết định của Tòa Trọng tài là « một mảnh giấy lộn ». Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) biện luận : « Đừng để Biển Đông trở thành chiếc nôi của chiến tranh ». Trung Quốc cũng đe dọa thiết lập « vùng nhận dạng phòng không »(ADIZ) trên Biển Đông. Tờ China Daily hăm dọa : « Bắc Kinh buộc phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, kể cả các xung đột quân sự tiềm năng ».
Dưới thời tổng thống Benigno Aquino, người đã tiến hành kiện lên Tòa án Trọng tài Thường trực, quan hệ với Trung Quốc trở nên giá lạnh. Người kế nhiệm, Rodrigo Duterte nhiều lần nói rằng muốn sưởi ấm quan hệ và thu hút đầu tư Trung Quốc vào các dự án hạ tầng lớn, ngỏ ý muốn thảo luận trực tiếp. Tuy nhiên Bắc Kinh cho biết sẽ không bao giờ nhượng bộ về vấn đề chủ quyền.
VN lợi hay hại sau phán quyết PCA?
Nguyễn Ngọc LanNghiên cứu sinh Tiến sỹ, Khoa Luật, ĐH Cambridge
Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA) ra phán quyết chung cuộc vụ Philippines kiện Trung Quốc về ‘Đường Chín Đoạn’, hay còn gọi là ‘Đường Lưỡi Bò’ trên Biển Đông. Nội dung phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. BBC Tiếng Việt đã có cuộc trao đổi qua email với Nguyễn Ngọc Lan, Nghiên cứu sinh Tiến sỹ, Khoa Luật, Đại học Cambridge, về sự kiện này.
1. Ý nghĩa của phán quyết này?
Phán quyết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối hai bên tranh chấp mà còn đối với toàn bộ các quốc gia liên quan trên Biển Đông.
Phán quyết khẳng định việc sử dụng biện pháp tài phán trong việc giải quyết tranh chấp một cách hoà bình là một lựa chọn hoàn toàn khả thi và đem lại kết quả tích cực.
Phán quyết này, cùng với Phán quyết về thẩm quyền tháng 10/2015, bác bỏ rất nhiều luận điểm thường được Trung Quốc sử dụng nhằm chối bỏ khả năng áp dụng các biện pháp tài phán để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Phán quyết cho thấy Toà Trọng tài mặc dù phải đối mặt với một vụ tranh chấp rất phức tạp và cực kì nhạy cảm về mặt chính trị vẫn có thể đưa ra quyết định về các vấn đề pháp lý quan trọng.
Phán quyết góp phần khẳng định vai trò của luật quốc tế và tinh thần thượng tôn pháp luật, và khẳng định rằng trước luật pháp, các quốc gia đều bình đẳng như nhau.
Về mặt nội dung, Tòa Trọng tài đã thiết lập các chuẩn mực pháp lý đối với các yêu sách trên biển, qua đó khẳng định vai trò trung tâm của UNCLOS và luật quốc tế nói chung trong các tranh chấp về biển.
Tòa cũng đã làm rõ các yêu sách vốn từ trước đến nay hết sức mơ hồ về mặt pháp lý mà Trung Quốc duy trì tại Biển Đông, từ đó làm rõ phạm vi tranh chấp. Phán quyết mở đường cho các nỗ lực tiếp theo để giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hoà bình và công bằng nhất, thông qua các cơ chế song phương hay khu vực.
Mặc dù phần lớn sự chú ý đều dồn vào các phần của phán quyết liên quan đến đường chín đoạn và quy chế đảo, các vấn đề khác mà Toà xem xét như nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của Trung Quốc đối với các hành vi của ngư dân Trung Quốc trên biển, đối với hành vi của các tàu chấp pháp Trung Quốc, đối với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên biển và bồi đắp đảo đe doạ đến môi trường biển, việc Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, đều cung cấp cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia khác trên Biển Đông, chịu ảnh hưởng bởi các hành vi này, có thể phản đối và có các biện pháp phù hợp.
2. Trung Quốc nói không chấp nhận phán quyết này và cho rằng PCA không có quyền tài phán đối với tranh chấp trên Biển Đông, vậy điều gì sẽ xảy ra sau vụ kiện này?
Trung Quốc luôn tuyên bố không chấp nhận thẩm quyền của Toà trọng tài theo Phụ lục VII, mặc dù theo quy định của UNCLOS, một khi quốc gia trở thành thành viên của Công ước, quốc gia đó mặc nhiên đã công nhận thẩm quyền của các cơ quan tài phán được thành lập theo Công ước, bao gồm Toà trọng tài.
Mặc dù Trung Quốc không tham gia quá trình tranh tụng cũng như tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Toà Trọng tài, UNCLOS quy định một phán quyết của cơ quan tài phán theo Công ước mang tính ràng buộc đối với các bên tranh chấp.
Điều này có nghĩa là Trung Quốc, với tư cách là thành viên của Công ước có nghĩa vụ thực thi pháp quyết này. Việc Trung Quốc không thực thi phán quyết đồng nghĩa với việc Trung Quốc vi phạm quy định của luật quốc tế.
Tuy nhiên, cần phải thừa nhận là luật quốc tế không có một cơ chế cưỡng chế bắt buộc có thể áp dụng đối với quốc gia.
Nói cách khác, trong trường hợp Trung Quốc nhất quyết không tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài, về lý thuyết, Philippines khó có một cơ chế cưỡng chế nào để ép buộc Trung Quốc phải thực thi.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong lịch sử giải quyết tranh chấp quốc tế theo con đường tài phán, rất hiếm có trường hợp nào mà các quốc gia lại chống đối hoàn toàn phán quyết của một toà quốc tế.
Việc tuân thủ có thể không diễn ra ngay lập tức và đầy đủ, nhưng về lâu dài, có thể thấy phán quyết của toà có tác động quan trọng trong việc thay đổi hành vi, thái độ của các quốc gia có liên quan và các quốc gia có xu hướng thực hiện các hành động của mình theo hướng phù hợp với những gì mà toà quốc tế yêu cầu.
Đối với vụ kiện này, Trung Quốc có thể sẽ không tuân thủ phán quyết ngay lập tức, và các tuyên bố chính thức của Trung Quốc sẽ vẫn luôn khẳng định phán quyết không ảnh hưởng gì đến mình.
Một số chuyên gia lo ngại rằng Trung Quốc có thể sẽ trở nên hung hăng hơn trên Biển Đông như một cách để đáp trả lại phán quyết, ví dụ như tiếp tục đẩy mạnh cải tạo đảo, thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ).
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cũng có nhận định rằng đây có thể chỉ là phản ứng ban đầu.
Về lâu dài, khó có thể mong chờ Trung Quốc sẽ tuyên bố chấp nhận phán quyết, nhưng dưới sức ép của các quốc gia có liên quan, cũng như của cộng đồng quốc tế dựa trên phán quyết, Trung Quốc có thể sẽ dần có những điều chỉnh trong quá trình đàm phán với các quốc gia khác trong khu vực.
Cần lưu ý rằng Philippines cũng từng tuyên bố rằng quốc gia này xem vụ kiện là là bước đầu tiên, chứ không phải biện pháp cuối cùng để giải quyết toàn bộ tranh chấp Biển Đông một cách hoà bình.
Image copyrightTWITTER
3. Việt Nam có thể tham khảo điều gì từ vụ kiện này trong trường hợp muốn giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc trên Biển Đông bằng biện pháp pháp lý?
Trong trường hợp Việt Nam muốn sử dụng biện pháp tài phán để giải quyết tranh chấp với Biển Đông, vụ kiện này có một số vấn đề đáng lưu ý về khía cạnh pháp lý:
Thứ nhất, việc sử dụng bằng chứng trong quá trình tranh tụng: Phán quyết của Toà có nhắc đến và xem xét rất nhiều bằng chứng trước khi đưa ra kết luận.
Toà đã làm rõ giá trị của các loại bằng chứng khác nhau, ví dụ như bằng chứng lịch sử, bằng chứng từ hình ảnh vệ tinh, các khảo sát hàng hải, bản đồ địa lý v.v…
Toà cũng từ chối xem xét một số bằng chứng do Philippines đưa ra và Toà cũng tìm kiếm các bằng chứng một cách độc lập. Việc thu thập bằng chứng và sử dụng bằng chứng như thế nào phục vụ các lập luận pháp lý là vấn đề quan trọng mà một quốc gia khi tham gia trang tụng cần phải lưu ý để có thể đảm bảo xây dựng bộ hồ sơ một cách tốt nhất.
Thứ hai, một vụ tranh chấp khi đưa ra trước toà quốc tế sẽ phải trải qua một giai đoạn kéo dài vài năm để đi đến phán quyết cuối cùng.
Vụ tranh chấp này kéo dài ba năm, có thể được xem là tương đối ngắn so với thời gian trung bình để giải quyết một tranh chấp trước toà (một vụ kiện trước Toà án Công lý quốc tế – ICJ – có thể kéo dài đến hơn một thập kỷ).
Tuy nhiên điều này đòi hỏi quốc gia tham gia phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, nhân lực, chuyên môn, tinh thần để có thể theo đuổi vụ kiện một cách tốt nhất, đặc biệt trong hoàn cảnh mà quốc gia bị kiện chắc chắn sẽ tạo rất nhiều áp lực để chối bỏ giá trị của vụ kiện.
4. Phải chăng tòa không công nhận quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông nghĩa là cũng không công nhận quyền lịch sử của các nước khác, như Việt Nam?
Cần phải có sự phân biệt giữa các khái niệm pháp lý khác nhau: chủ quyền với đảo (territorial sovereignty), quyền lịch sử (historic rights) và quyền chủ quyền (sovereign rights).
Khái niệm đầu liên quan đến việc xác định ai có chủ quyền đối với đảo (đất), hai khái niệm sau liên quan đến quyền của quốc gia đối với việc sử dụng các nguồn tài nguyên ở các vùng nước xung quanh các đảo (biển).
Vụ kiện này không liên quan đến chủ quyền đối với các đảo, vì Philippines không đưa vấn đề này ra trước Toà và bản thân Toà cũng không có thẩm quyền để giải quyết vấn đề này.
Philippines chỉ yêu cầu Toà bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với toàn bộ vùng nước trên Biển Đông dựa trên “quyền lịch sử”.
Toà tuyên bố rằng UNCLOS đã quy định một vùng biển có tên “vùng đặc quyền kinh tế” có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, và trong vùng biển này quốc gia có “quyền chủ quyền”, tức là đặc quyền trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Sự ra đời của vùng đặc quyền kinh tế và “quyền chủ quyền” đặt dấu chấm hết cho các yêu sách dựa trên “quyền lịch sử” để yêu sách các vùng biển vốn thuộc quyền chủ quyền của các quốc gia khác.
Như vậy, Toà bác bỏ yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với các vùng biển trên Biển Đông.
Việt Nam chưa từng yêu sách “quyền lịch sử” đối với toàn bộ vùng biển ở Biển Đông.
Yêu sách của Việt Nam đối với các vùng biển trên Biển Đông đều dựa trên cơ sở các vùng biển như vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo UNCLOS.
Lập trường của Việt Nam là Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử đế chứng mình chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là một vấn đề liên quan đến chủ quyền đối với đảo, là vấn đề hoàn toàn khác.
Hơn nữa, bản thân Toà Trọng tài cũng nói rõ các bằng chứng lịch sử để chứng minh chủ quyền đối với đảo sẽ khác các bằng chứng lịch sử để chứng minh quyền lịch sử đối với các vùng biển. Hai vấn đề này khác biệt nhau.
Vì thế phán quyết của Toà Trọng tài không đồng nghĩa với việc Toà bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên các bằng chứng lịch sử, cũng như không bác bỏ tuyên bố của Việt Nam đối với các vùng biển trên Biển Đông phù hợp với UNCLOS.
5. Tòa phán quyết ‘không cấu trúc’ nào ở Trường Sa được có vùng đặc quyền kinh tế.
Điều này có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt là những chi tiết phán quyết dựa trên đặc điểm tự nhiên, không tính những gì Trung Quốc đã xây cất thêm?
Tuyên bố của Toà Trọng tài rằng không có cấu trúc nào ở Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là một điểm quan trọng và có ý nghĩa, dù có gây khá nhiều bất ngờ cho giới quan sát (không phải vì nội dung của tuyên bố, mà vì Toà đã chấp nhận tuyên bố một vấn đề, tuy quan trọng và cần thiết, nhưng không được Philipppines yêu cầu).
Tuyên bố này tác động không chỉ đối với Philippines và Trung Quốc là hai bên tranh chấp, mà còn tất cả các quốc gia khác hiện có yêu sách đối với Trường Sa. Mỗi quốc gia vì thế phải đánh giá tác động cụ thể của tuyên bố này đối với chính sách của mình trên Biển Đông.
Phán quyết này góp phần bác bỏ hoàn toàn yêu sách Biển Đông của Trung Quốc dựa trên “đường chín đoạn”.
Điều này là bởi vì mặc dù Trung Quốc chưa từng đưa ra một lời giải thích chính thức nào đối với yêu sách đường lưỡi bò, các hành vi của Trung Quốc cũng như giới học giả cho thấy Trung Quốc có thể dựa trên hai cơ sở chính là (i) quyền lịch sử (đã bị Toà bác bỏ) hoặc(ii) đường chín đoạn là đường biên giới ngoài của các vùng nước được tạo ra bởi các đảo trong quần đảo Trường Sa.
Với việc tuyên bố rằng các thực thể trong quần đảo Trường Sa không thể tạo ra vùng biển rộng tới 200 hải lý, và vì thế không thể có thể vùng biển rộng như đường chín đoạn, Toà đã bác bỏ hoàn toàn mọi cơ sở mà Trung Quốc có thể dựa vào để yêu sách đường chín đoạn.
Việc Toà tuyên bố các thực thể địa lý chỉ có thể được xem xét dựa trên điều kiện tự nhiên, cùng với tuyên bố rằng việc xây dựng, cải tạo đảo là làm trầm trọng tranh chấp, đã khẳng định tính phi pháp của các hoạt động bồi đắp, xây cất đảo của Trung Quốc.
Việc Toà xác định các thực thể ở quần đảo Trường Sa chỉ có thể có tối đa một vùng biển 12 hải lí cũng góp phần thu hẹp các vùng biển chồng lấn trên Biển Đông, vì thế làm thu hẹp các vùng biển tranh chấp.
Dựa vào phán quyết, các quốc gia liên quan có thể tiến hành xác định rõ ràng hơn vùng biển nào là vùng biển có tranh chấp, để từ đó tiến hành đàm phán, phân định hay khai thác chung nếu phù hợp.
Trong quá trình Toà lý luận về quy chế đảo theo điều 121 UNCLOS, Toà cũng đã làm rõ các yêu cầu pháp lý để một thực thể có thể được xem là đảo, đảo đá hay bãi nửa nổi nửa chìm.
Phán quyết vì thế tạo ra chuẩn mực pháp lý khách quan đối với điều 121 mà các quốc gia khác có thể áp dụng trong các tranh chấp khác, ví dụ như đối với các thực thể trong quần đảo Hoàng Sa, hay các thực thể trong tranh chấp ở Biển Hoa Đông.
Phán quyết là một án lệ rất quan trọng không chỉ đối với việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông mà còn đối với sự phát triển của luật biển quốc tế nói chung.
Đây là lần đầu tiên một phán quyết của Toà quốc tế phân tích và làm rõ các điều khoản quan trọng của UNCLOS như Điều 121, lần đầu tiên một toà quốc tế tuyên bố một quốc gia vi phạm nghĩa vụ thiện chí theo Điều 300 UNCLOS.
Vì thế, tác động của phán quyết chắc chắn sẽ vượt ra khỏi phạm vi của tranh chấp Biển Đông và sẽ là nguồn luật quan trọng để các quốc gia khác trên thế giới tham khảo trong quá trình áp dụng UNCLOS và luật biển nói chung.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/07/160714_nguyenngoclan_comments_pca_verdict
Cựu đô đốc Mỹ : Hoa Kỳ nên bảo vệ Scarborough của Philippines
Hoa Kỳ nên sẵn sàng sử dụng vũ lực để đối phó với việc Trung Quốc xâm chiếm một rạn san hô đang có tranh chấp ngoài khơi bờ biển của Philippines. Trên đây là khuyến cáo của ông Dennis Blair, một cựu chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, trong một phiên điều trần Quốc Hội vào ngày 13/07/2016, một ngày sau khi Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye bác bỏ yêu sách đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo ông Blair, mục tiêu không phải là để đối đầu với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough đang có tranh chấp với Philippines, mà là để thiết lập một giới hạn cưỡng chế quân sự. Ông nói : « Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có một số ranh giới rõ ràng và sau đó khuyến khích Trung Quốc thỏa hiệp về một số mục tiêu của họ ».
Philippines là một đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng thỏa thuận giữa hai nước không nêu rõ ràng về việc liệu Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho quốc phòng của Philippines trong trường hợp tranh chấp lãnh thổ hay không.
Ông Blair, cũng từng là giám đốc tình báo quốc gia, nhận định Trung Quốc đã trở nên xa dần các nước láng giềng bằng các hành động hung hăng của mình ở Biển Đông, bao gồm cả việc cải tạo các bãi đá, xây dựng các đường bay và cảng biển ở quần đảo Trường Sa.
Ông khuyến cáo Hoa Kỳ nên có bước tiếp cận một cách cẩn thận sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế nhằm tạo cơ hội cho Bắc Kinh thay đổi đường lối.
Cũng có cùng quan điểm trên, ông Kurt Campbell, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và hiện là cố vấn về chính sách châu Á trong chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, nói : « Tôi nghĩ rằng theo thời gian, Trung Quốc sẽ bắt đầu điều chỉnh lập trường của mình, bởi vì họ sẽ nhận ra rằng điều này không nằm trong chiến lược lợi ích tốt nhất của mình ».
Tân đại sứ Mỹ tại Philippines vừa được tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, Sung Kim, cũng trong ngày 13/07/2016 cho biết Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Philippines mà theo ông không nên bị « cưỡng chế và gây áp lực thái quá ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160714-cuu-do-doc-my-hoa-ky-nen-bao-ve-bai-da-ngam-cua-philippines
Trung-Đài đồng thuận : bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài về Biển Đông
Vào lúc quan hệ của Trung Quốc với tân tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đang gặp trục trặc thì hãng tin Bloomberg, ngày 13/07/2016, có bài nhận định «Trung-Đài tìm được điểm đồng thuận : bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài về Biển Đông »
Ngày 13/07, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã điều một tàu khu trục đi tuần tra hải lộ đang có tranh chấp để chứng tỏ « quyết tâm » của chính phủ trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia.
Lệnh điều động tàu hải quân này được đưa ra vài giờ sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực – PCA – phán quyết rằng các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc – và do vậy của Đài Loan – đối với nhiều vùng biển là không có cơ sở pháp lý.
Cụ thể, Tòa cho rằng thực thể tự nhiên lớn nhất trong vùng quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp – Itu Aba hiện do Đài Loan chiếm giữ – chỉ là một bãi đá thay vì là một đảo và do vậy không thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Theo phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Đài Loan, cuộc tuần tra của khu trục hạm đã được lên kế hoạch từ trước, bao gồm cả việc đến tiếp tế cho thực thể mà Đài Loan gọi là Thái Bình (Việt Nam gọi là Ba Bình).
Quyết định triển khai tàu chiến có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực sau phán quyết của Tòa Trọng Tài. Trung Quốc tuyên bố không công nhận thẩm quyền của Tòa và hôm qua, 13/07, đe dọa tìm cách thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở khu vực đang có tranh chấp.
Phán quyết của Tòa, được đưa ra sau khi Philippines kiện, đã bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc dựa theo bản đồ « đường 9 đoạn ». Các đòi hỏi của Trung Quốc chồng lần lên các đòi hỏi của những nước như Malaysia, Việt Nam và Philippines và dựa trên bản đồ được lập ra từ năm 1947. Đài Loan quản lý thực thể Itu Aba (Thái Bình – Ba Bình) từ những năm 1950.
Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin), hôm thứ Tư 13/07, đã ca ngợi các nỗ lực của Đài Loan trong việc bảo vệ các quyền lợi chung của hai bên vốn là kẻ thù trong cuộc nội chiến.
Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ông Lưu nói : « Phán quyết của Tòa Trọng Tài làm tổn hại quyền lợi của tất cả những người Trung Hoa ; vì lợi ích và trách nhiệm chung, cả hai bên cần phải bảo vệ các lợi ích trên biển của mình tại Biển Đông ». Ông còn tố cáo các thẩm phán của tòa án trong vụ này là thiên kiến và không hiểu nổi lẽ thường.
Khi từ chối tham gia vụ kiện, Trung Quốc đã công bố một tài liệu bày tỏ lập trường và hoạt động ở hậu trường để tác động lên Tòa.
Còn Đài Loan, dưới thời tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou), đã gửi tài liệu đến các thẩm phán về trường hợp vùng đặc quyền kinh tế xung quanh Itu Aba, nêu ra lý do là thực thể này có đủ khả năng hỗ trợ cho cuộc sống của con người trên đó.
Bất đồng
Trong thông cáo theo hướng phản ứng của Trung Quốc, hôm thứ Ba 12/07, tổng thống Thái Anh Văn nói rằng phán quyết của Tòa La Haye không có hiệu lực ràng buộc đối với Đài Loan và gây tổn hại cho các quyền lợi của chính phủ Đài Bắc. Nguyên là giáo sư luật, người đã gạt được Quốc Dân Đảng của ông Mã Anh Cửu ra khỏi vị trí lãnh đạo trong một cuộc bầu cử ngoạn mục hồi tháng Giêng, bà Thái Anh Văn đã kêu gọi đàm phán đa phương để thúc đẩy ổn định trong vùng.
Các đề nghị này đã đẩy tân lãnh đạo Đài Loan vào vị thế bất đồng với Mỹ, nước kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa. Các đề nghị này cũng tạo điều kiện hiếm hoi cho một sự đồng thuận giữa bà Thái Anh Văn và các lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong lúc Bắc Kinh vừa cắt đứt các liên lạc với Đài Bắc do việc bà Thái Anh Văn từ khối khẳng định luận điểm hai bên bờ eo biển Đài Loan chỉ là « một nước Trung Hoa ».
Đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn chính thức ủng hộ Đài Loan độc lập. Ông Jerome Cohen, giáo sư luật tại đại học New York, chuyên gia về luật pháp Trung Quốc và là thầy dạy của ông Mã Anh Cửu, nói rằng bà Thái Anh Văn đã phải đấu tranh để « điều chỉnh lại một tình huống không mấy dễ chịu ».
« Sai lầm lớn »
Trên blog của mình, giáo sư Cohen viết hôm thứ Ba 12/07 đã viết : « Phản ứng công khai (của bà Thái Anh Văn) ngày hôm nay bác bỏ quyết định của Tòa là một sai lầm lớn và khác biệt với điều mà ngay cả ông Mã có thể làm ».
« Bà Thái Anh Văn sẽ bị chỉ trích ở Đài Loan là đi theo đường hướng coi thường luật pháp quốc tế của Bắc Kinh vào cùng thời điểm Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc không cho Đài Loan tham gia vụ kiện tại Tòa Án Trọng Tài ».
Báo chí cho biết, các tàu của cơ quan tuần duyên Đài Loan, của các trạm ở Itu Aba cũng như một khu trục khác, tàu Wei-Shine, đã tới thực thể này vào chiều tối hôm thứ Ba.
Ông Nick Bisley, giáo sư về quan hệ quốc tế tại đại học La Trobe, ở Melbourne, Úc, cho rằng, vị thế của bà Thái Anh Văn « thực sự khó khăn » bởi vì các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc và Đài Loan giống nhau. Ông nói : « Vạch ra một hướng đi duy trì được lập trường của Đài Loan nhưng lại không gây ra cảm tưởng là giống Trung Quốc, đó là một công việc rất khó khăn ».
Quyết định của Tòa Án Trọng Tài cho rằng không có một thực thể nào ở Trường Sa là đảo – tức là chỉ có vùng biển xung quanh rộng nhất là 12 hải lý – có thể mở đường cho các cuộc thương lượng giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và các bên tranh chấp khác.
Theo ông Eric Shrim, nguyên là nhà ngoại giao, hiện là cố vấn về chính sách tại Văn phòng luật sư Alston & Birk, trụ sở Washington, thì « đột nhiên, Biển Đông lại có những vùng biển cả rộng lớn, mở cửa cho tự do lưu thông hàng hải. »
« Câu hỏi đặt ra sau đó sẽ là : các bên liên quan hợp tác với nhau như thế nào để bảo đảm an ninh cho các vùng biển cả này ? »
Trường Sa : “ Quần đảo không có đảo ”
Báo trên mạng Asiaone, ngày 13/07/2016 có bài giải thích rõ hơn về chiến thuật của Philippines khi ra điều trần tại Tòa Trọng Tài liên quan đến các thực thể tại Trường Sa, Biển Đông, dưới hàng tựa “ Quần đảo Trường Sa ” : Không hề có đảo nào cả.
Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, hôm thứ Ba 12/07/2016, đã phán quyết rằng không một thực thể nào trong quần đảo Trường Sa là đảo.
Trong số nhiều vấn đề đệ trình lên Tòa, Philippines muốn có được một phán quyết về việc liệu một số thực thể ở Biển Đông mà cả Trung Quốc và Philippines đều đòi hỏi có phải là đảo, là bãi đá hay chỉ là thực thể nửa chìm nửa nổi, chiểu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – UNCLOS.
Việc phân định này là quan trọng bởi vì quy chế của thực thể giúp xác định xem thực thể đó có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) và thềm lục địa của nó, có lãnh hải 12 hải lý hoặc không có vùng biển xung quanh.
Trong phán quyết, Tòa Trọng Tài cho biết, trước tiên, đã tiến hành đánh giá kỹ thuật để xem một số bãi san hô mà Trung Quốc đòi hỏi có hay không nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều lên cao. Công việc này cũng dựa nhiều vào các tài liệu lưu trữ và khảo sát lịch sử thủy văn.
Nêu ra Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển phân loại các thực thể trên cơ sở « điều kiện tự nhiên », Tòa nhận định là « nhiều bãi đá ở Biển Đông đã bị thay đổi mạnh mẽ qua các hoạt động bồi đắp và xây dựng gần đây ».
Theo các điều 13 và 121 của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các thực thể trồi lên trên mặt nước khi thủy triều lên cao thì sẽ có ít nhất là vùng lãnh hải 12 hải lý trong khi các thực thể bị ngập chìm khi thủy triều lên cao thì không có lãnh hải.
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, chỉ có « vùng lãnh thổ được hình thành một cách tự nhiên và trồi lên trên mặt nước khi thủy triều lên cao và nuôi sống con người hoặc có đời sống kinh tế riêng – thì có thể coi là đảo, có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa riêng ».
Tòa Án nói rằng nhiều thực thể ở quần đảo Trường Sa hiện nay do nước này hoặc nước khác ở vùng duyên hải kiểm soát và xây dựng trên đó những cấu trúc và duy trì nhân sự. Sự hiện diện vào lúc này của con người trên nhiều thực thể phụ thuộc vào « các nguồn cung ứng và hỗ trợ từ bên ngoài » và nhiều thực thể đã bị thay đổi nhằm nâng cao khả năng sinh sống của con người.
Do vậy, Tòa kết luận rằng tất cả các thực thể nổi lên trên mặt nước khi thủy triều lên cao, ở Trường Sa, kể cả Itu Aba, về mặt pháp lý, là « bãi đá » và chỉ có lãnh hải 12 hải lý.
Tuy không đề nghị Tòa phân xử trong tài liệu đệ trình lên, phía Philippines, trong phần tranh luận tại Tòa, đã nói rằng Itu Aba do Đài Loan chiếm giữ không thể giúp duy trì hoạt động kinh tế và do vậy, không có vùng đặc quyền kinh tế. Nước cờ của Manila là nếu như Itu Aba rộng 48 ha – thực thể lớn nhất ở Trường Sa – không thể coi là đảo thì không một thực thể nào ở đây được coi là đảo.
Tòa đồng ý với Philippines là Đá Gạc Ma (Johnson Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), và Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) là những thực thể nổi, còn Đá Su Bi (Subi Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef), và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), trong điều kiện tự nhiên, là những thực thể chìm khi thủy triều lên. Tuy nhiên, Tòa không đồng ý với Philippines về Đá Ga Ven (Bắc), McKennan và kết luận cả hai đều là thực thể nổi.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160714-truong-sa-%E2%80%9C-quan-dao-khong-co-dao-%E2%80%9D
Phán quyết Biển Đông: Báo chí Philippines hân hoan, nhưng kìm chế
Ngày 12/07/2016, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, thừa nhận lẽ phải thuộc về Philippines trong vụ kiện lịch sử chống lại các yêu sách chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc. Chiến thắng ngoạn mục của chàng David nhỏ bé trước gã khổng lồ châu Á được nhiều chuyên gia ghi nhận là một bước ngoặt đối với khu vực. Thắng lợi này được người Philippines đón nhận như thế nào ?
Trước khi điểm lại một số báo Anh ngữ chính tại quốc gia quần đảo này, xin giới thiệu với quý vị một vài nhận định trong bài « Người Philippines phản ứng như thế nào trước phán quyết về Biển Đông », đăng tải trên trang mạng phân tích thời sự châu Á The Diplomat. Không khó nhận thấy một sự tương phản lớn, giữa phản ứng thận trọng của chính quyền và không khí vui mừng tràn ngập trên các mạng xã hội.
Đọc thêm :Biển Đông: Tòa Án Trọng Tài bác bỏ bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc
Vài giờ sau khi phán quyết được công bố, #Chexit tràn ngập các trang mạng xã hội. #Chexit là cụm từ viết tắt, bắt chước #Brexit (Anh rời châu Âu), được người Philippines sử dụng như một thông điệp hối thúc Trung Quốc rút các cơ sở khỏi vùng biển lấn chiếm trái phép.
Trang mạng báo The Philippines Star (gọi tắt là « Philstar ») cho biết, đông đảo thành viên cộng đồng gốc Philippines tại Hoa Kỳ bày tỏ niềm tự hào về thành công của chính phủ. Philstar dẫn lời tổng biên tập trang web Filam của người Mỹ gốc Phi, « biển Tây Philippines (tức Biển Đông) đã trở lại quyền của chúng tôi, và không có bất cứ ngoại trưởng nào có thể bán nó, hay đem nó ra đổi chác với Trung Quốc ».
Phán quyết La Haye, « thắng lợi của chung »
Nhật báo Philippine Daily Inquirer (gọi tắt là « Inquirer ») đặc biệt chú ý đến các phát biểu của cựu tổng thống Benigno Aquino III, người chủ xướng vụ kiện chống lại Trung Quốc, từ năm 2012. Bài viết « Một chiến thắng cho tất cả» lược thuật tinh thần chính của bản tuyên bố ba trang của ông Benigno Aquino, công bố sau khi Tòa ra phán quyết.
Cựu tổng thống Philippines nhấn mạnh : « (…) thay vì coi phán quyết này là một thắng lợi của bên này đối với một bên kia, cách tốt nhất để đánh giá, đó là phán quyết này là thắng lợi của tất cả », « luật pháp quốc tế trở nên sáng tỏ hơn, qua phán quyết trọng đại này ». Theo kiến trúc sư của vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông, giờ đây người Philippines cũng như những ai quan tâm cần tìm hiểu kỹ lưỡng về nội dung chính của bản phán quyết để có được những hiểu biết đầy đủ về cục diện hiện nay tại Biển Đông.
Đọc thêm : Biển Đông : Bắc Kinh chọn đối đầu hay tuân thủ phán quyết La Haye ?
Trong khi đó, bài « Thời điểm quyết định tại Biển Đông » của một cây bút hàng đầu báo The Manila Times, ông Yen Makabenta, lưu ý đến « thắng lợi áp đảo » của Philippines trong vụ kiện, với bảy chiến thắng trước Bắc Kinh. Bài viết giới thiệu lại quan điểm « gây ngạc nhiên » của chính một học giả Trung Quốc, tại Đại học Phục Đán (Fudan), Thượng Hải (ông Shen Dingli), theo đó « Bắc Kinh cần ‘‘xem xét lại lập trường của mình’’ (…) để giúp cho Trung Quốc giữ được lâu dài hình ảnh ‘‘hữu nghị’’ ».
Cơ hội lớn
Thắng lợi tại La Haye đã mở ra cho Philippines một vận hội mới. Bài xã luận của The Manila Times « Chiến thắng phi thường tại LHQ, nhưng sau đây là gì ? » đưa độc giả trở lại với cuộc sống hàng ngày của những người Philippines gắn bó từ nhiều đời nay, với vùng biển phía tây. The Manila Times nhấn mạnh đến một thực tế bi thảm : « Các ngư dân của chúng ta vẫn thường xuyên bị quấy phá ngoài khơi, bị các đội tàu cá Trung Quốc có vũ trang, được tuần duyên hỗ trợ, tấn công, người Trung Quốc sẽ tiếp tục xua đuổi họ khỏi các ngư trường thuộc chủ quyền của chúng ta. Và tàu Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục đến phá hủy các rặng san hô, và vơ vét các tài nguyên biển quý hiếm của chúng ta ».
The Manila Times mỉa mai, để « làm hài lòng cường quốc mạnh và giàu thứ hai thế giới », phải chăng người Philippines « sẽ phải từ bỏ chủ quyền tại vùng biển phía Tây và những gì mà chúng ta coi là thiêng liêng, như danh dự và phẩm giá ». The Manila Times nhắc đến các « Riaz, Bonifacio », những anh hùng lịch sử trẻ tuổi Philippines trong cuộc đấu tranh giành độc lập, để nhắc nhở dân chúng về nỗi bất hạnh không gì tồi tệ hơn sự quy hàng, phản bội.
« Hành động được trông đợi của chính phủ sau chiến thắng La Haye » của Business World, tờ báo thương mại hàng đầu Philippines, hướng thẳng về phía trước, khi kêu gọi chính phủ tiến hành thương thuyết với Trung Quốc, với các phán quyết của Tòa Trọng Tài làm cơ sở. Trả lời Business World qua điện thoại, nhà phân tích chính trị châu Á Richard Heydarian (tác giả cuốn « Asia’s New Battefield : US, China and the Struggle for Western Pacific »), nhắc nhở với thắng lợi này chính quyền Duterte có cơ hội khiến « Bắc Kinh chấp nhận không thực thi vùng nhận dạng phòng không ADIZ tại Biển Đông, rời khỏi bãi cạn Scarborough, không hành hung ngư dân Philippines tại các vùng tranh chấp ».
Chính phủ Duterte thận trọng
Báo chí Philippines cũng thấp thỏm trước các phản ứng sắp tới của tân chính phủ Philippines. Tờ Inquirer dẫn lời một viện tư vấn Philippines Trident Defense, kêu gọi chính phủ « suy nghĩ thật sự chín chắn trước khi quyết định đàm phán trực tiếp với Trung Quốc ». Người đứng đầu think tank này nhấn mạnh « chúng ta tuy là một quốc gia nhỏ, nhưng là một dân tộc chiến binh. (…) Hãy chứng tỏ với họ là chúng ta rất cương quyết ».
Vẫn theo Inquirer, Philippines đã vượt qua được kịch bản « David » tí hon phải một mình đương đầu với gã khổng lồ Goliath khi đưa vụ việc ra tòa, với phán quyết này, Manila ở vào thế đứng mới trong các thương lượng với Trung Quốc, nếu Bắc Kinh « tôn trọng phán quyết của Tòa », như tuyên bố của tân ngoại trưởng Perfecto Yasay hồi tuần trước.
Đọc thêm : Với Duterte, Manila « song đàm hay song đấu » với Bắc Kinh ?
Trang mạng Manila Bulletin – vốn không dành chú ý đặc biệt cho phán quyết về vụ kiện Biển Đông – thì có bài « Philippines hành xử thận trọng », với tiểu tựa « Trung Quốc sẵn sàng làm việc với chính phủ Duterte ». Tờ báo có tuổi đời hơn thế kỷ cho biết chính quyền Manila cẩn thận cho kế hoạch hành động mới, trong bối cảnh giới lập pháp nước này kêu gọi chính phủ nỗ lực khai thác hết các giải pháp ngoại giao với Trung Quốc, để giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông, trước khi yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines cũng cho biết, theo lập trường của tổng thống, quân đội Philippines tỏ ra « chừng mực », để không khiến phía bên kia hiểu lầm là « khiêu khích ».
Trở lại với nhận xét đầu tiên The Diplomat về sự tương phản giữa thái độ hân hoan của dân chúng với phản ứng hết sức kiệm lời của chính phủ Philippines, báo Philstar có bài « Dân mạng hỏi : Yasay (tên ngoại trưởng Philippines), tại sao ông không cười ? ». Một người sử dụng Twitter phàn nàn : « Một quyết định lịch sử có lợi cho đồng bào ta sao lại có thể được tuyên bố với một giọng nói buồn thiu như vậy ». Cùng lúc đó, trên mạng xã hội lan truyền bức hình ngoại trưởng Yasay cười rất tươi bên cạnh đại sứ Trung Quốc. Một dân mạng khác đưa ra lời giải thích : « Lý do ông ấy buồn vì kể từ giờ ông sẽ phải chuẩn bị cho các thương thuyết ngoại giao rất kinh khủng với Trung Quốc ». Thái độ của tân ngoại trưởng đặc biệt khiến nhiều thành viên của Liên đoàn sinh viên Philippines hết sức bất bình.
Biển Đông : Hiệp 2
Sau phán quyết của Liên Hiệp Quốc, Philippines phải chuẩn bị cho một « Hiệp 2 » là nhận định của nhà bình luận Ricardo Saludo trên tờ Manila Times, với hai đối thủ chính là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ba kịch bản chính có thể xảy ra. Một là « đối đầu », hai là « hòa giải » và ba là « xây dựng một nền an ninh chung ». Một yếu tố then chốt của các kịch bản này là việc Trung Quốc gây áp lực buộc Philippines phải từ bỏ hiệp định an ninh song phương với Hoa Kỳ (ECDA), vừa đạt được hồi đầu năm nay, sau rất nhiều nỗ lực.
Bài phân tích của phóng viên, chính trị gia kỳ cựu Francisco Tatad, trên tờ The Manila Times « Điều gì sẽ xảy ra sau phán quyết của Tòa La Haye ? », mô tả thế đi dây của chính quyền Duterte. « Bắc Kinh cứng, Manila mềm », « Lầu Năm Góc lo âu, ông Duterte đả Mỹ »… Theo nhà phân tích, chính quyền Mỹ đã dự đoán trước xu hướng ngả theo cộng sản của tân tổng thống Philippines bằng việc cử tới Manila một đại sứ mới, rất quen làm việc với chế độ cộng sản Bắc Triều Tiên. Chính trị gia Tatad thiên về quan điểm, hướng Philippines đến một chế độ trung lập như kiểu Thụy Sĩ, để khỏi bị kẹt trong cuộc đối đầu giữa hai đại cường, mà vẫn được hưởng các lợi ích do hợp tác kinh tế mang lại. « Thế tiến thoái lưỡng nan » của ông Duterte từng là chủ đề một bài phân tích của nhà chính trị học Philippines Richard Heydrian trên tờ The Diplomat, ít ngày trước khi Tòa ra phán quyết.
Dân chúng ủng hộ rộng rãi
Thắng lợi của Philippines trước Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông là kết quả của một quá trình chuẩn bị hết sức công phu của chính quyền Benigno Aquino III, kể từ sau vụ Trung Quốc tấn công bãi cạn Scarborough năm 2012, khiến Bắc Kinh tự lộ bộ mặt thật là kẻ ưa dùng vũ lực, bất chấp luật pháp. Phán quyết của Tòa La Haye gây bất ngờ – với thắng lợi gần như trên toàn bộ các vấn đề chính mà Manila yêu cầu Tòa giải đáp – nhận được các phản ứng rất khác nhau tại Philippines. Chính quyền của tân tổng thống Duterte – được thừa hưởng các nỗ lực của chính phủ tiền nhiệm – tỏ ra thận trọng trước bước đi kế tiếp, không muốn đẩy Trung Quốc vào thế đối đầu với luật pháp quốc tế.
Phản ứng của chính quyền bị đánh giá là dè dặt, thế nhưng thái độ của người dân Philippines với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là hết sức rõ ràng. Tờ Philstar hôm nay, 14/07/2016, dẫn lại kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới đây, cho thấy 78% người Philippines ủng hộ việc chính phủ Aquino kiện Trung Quốc. 87% tin vào thắng lợi. Chỉ có 12% dự đoán sẽ thua. Trong một chế độ dân chủ, người dân là chủ và chính là sức mạnh của đất
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160714-truyen-thong-philippines-voi-phan-quyet-ve-bien-dong