Tin từ NHK

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin từ NHK

Theo WORLD

Thứ Tư, ngày 13 tháng 7 07:43

Phản ứng của các nước ASEAN về phán quyết của tòa quốc tế

Các nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã có phản ứng về quyết định này, tùy theo lập trường của mỗi nước.

Việt Nam hoan nghênh phán quyết này, theo đó bác bỏ tuyên bố chủ quyền của TC đối với Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Giống như Philippines, Việt Nam cũng có tranh chấp với TC trong vùng biển này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình nói Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm cả các quá trình pháp lý và ngoại giao, cũng như kiềm chế các hành động đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Thái Lan thì vẫn duy trì lập trường trung lập đối với các hoạt động trên biển của TC. Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai phát biểu với các phóng viên trước khi có phán quyết rằng việc tìm kiếm một giải pháp là tùy vào trí tuệ của các nước có liên quan.

Nhật Bản thúc giục TC chấp nhận phán quyết

Chính phủ Nhật Bản thúc giục TC chấp nhận phán quyết mà tòa án trọng tài ở La Haye đưa ra, về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Lãnh đạo TC không chấp nhận phán quyết tòa án này đưa ra hôm thứ Ba, theo đó hoàn toàn bác bỏ tuyên bố chủ quyền của nước này đối với những vùng biển tranh chấp.

Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida Fumio ra tuyên bố kêu gọi các nước liên quan tôn trọng phán quyết của tòa án trọng tài vì giải pháp hòa bình cho những tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa.

Nhật Bản dự kiến tại hội nghị quốc tế sẽ hợp tác với các nước liên quan, thuyết phục TC chấp nhận phán quyết này. Các nước thành viên Hội nghị Á-Âu sẽ họp thượng đỉnh tại Mông Cổ trong tuần này.

Thứ Tư, ngày 13 tháng 7 07:43

Mỹ thúc giục TC chấp nhận phán quyết

Các quan chức chính phủ Mỹ đang thúc giục TC hãy chấp nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế về tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Hôm thứ Ba, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông John Kirby nói rằng Mỹ hy vọng TC và Philippines sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình theo phán quyết đó.

Ông Kirby nói ông hiểu rằng TC đã nói rằng họ sẽ không tuân thủ phán quyết này nhưng điều này không làm thay đổi thực tế rằng đây là một nghĩa vụ mang tính pháp lý buộc phải thực hiện.

Ông Daniel Kritenbrink, lãnh đạo cao cấp phụ trách vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phát biểu tại một diễn đàn tổ chức ở Washington rằng Mỹ không chấp nhận việc tồn tại một bộ luật khác về Biển Nam Trung Hoa có thể gây ảnh hưởng tới trật tự pháp lý quốc tế.

Thứ Tư, ngày 13 tháng 7 07:43

TC: Mỹ phải đưa ra lựa chọn đúng đắn

Đại sứ TC tại Mỹ, Thôi Thiên Khải, nhắc lại rằng TC không muốn quan hệ song phương xấu đi, sau quyết định của tòa án trọng tài ở La Haye về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Hôm thứ Ba, tòa án trọng tài phán quyết rằng việc TC tuyên bố quyền lịch sử trên vùng biển này là không có cơ sở pháp lý.

Thôi Thiên Khải phát biểu như trên tại một viện nghiên cứu chính sách ở Washington vào cùng ngày thứ Ba, sau khi phán quyết được đưa ra.

Thôi nhắc lại khẳng định rằng Mỹ, chứ không phải TC, đáng bị khiển trách vì châm ngòi căng thẳng trên Biển Nam Trung Hoa. Thôi cho rằng căng thẳng gia tăng ở khu vực này sau khi Mỹ bắt đầu hướng trọng tâm đến châu Á-Thái Bình Dương.

Nhưng Thôi nói thêm, vấn đề lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa không nên trở thành vấn đề giữa Mỹ và TC. Thôi hy vọng Mỹ sẽ có lựa chọn đúng đắn vì quan hệ song phương.

Thứ Tư, ngày 13 tháng 7 07:43

Tiêu điểm: Ảnh hưởng có thể có của phán quyết tòa án trọng tài

Trong mục tiêu điểm hôm nay, Phó giáo sư Jimbo Ken của trường đại học Keio bình luận về phán quyết mà trọng tài quốc tế vừa đưa ra.

Ông Jimbo:
Phán quyết này có nghĩa là TC không có nền tảng pháp lý cho các hoạt động quân sự hóa Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), trong đó có cả việc bồi đất. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng. Theo tòa án trọng tài, trong số 7 đảo nhân tạo TC xây dựng, một vài đảo không phải là đảo đá, mà chỉ là những bãi đất sẽ chìm xuống biển khi thủy triều lên cao. Trong số đó có các đảo nhân tạo ở rặng san hô Mischief (tức Đá Vành Khăn) và Subi, nơi TC xây dựng các đường băng dài 3.000 mét. Những bãi đất chìm khi thủy triều lên cao không thể là cơ sở để thiết lập lãnh hải và không phận. Vì thế, nếu quân đội Mỹ thực hiện các chiến dịch gần các bãi đất này, TC không có nền tảng pháp lý nào để chỉ trích Mỹ. Tôi tin rằng phán quyết đã làm lung lay cơ sở cho tham vọng tăng cường sự hiện diện trên biển của TC.

Tôi cho rằng TC sẽ tiếp tục bác bỏ phán quyết của tòa án trọng tài. Nhưng lập trường cứng rắn của nước này có thể có thay đổi. Dưới thời tổng thống mới, Philippines đang thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác tương đối với TC. Điều này có thể làm Bắc Kinh nới lỏng chính sách đối với Manila và cố gắng phần nào đó đạt được thỏa thuận song phương.

Kể từ trước khi có phán quyết, chính phủ Nhật Bản đã thúc đẩy trật tự hàng hải dựa theo luật pháp. Cho nên bây giờ khi phán quyết đã được đưa ra, tôi tin là chính phủ đã sẵn sàng hỗ trợ hết sức để tạo nên trật tự ổn định ở Biển Nam Trung Hoa. Điều quan trọng là chính phủ phải nỗ lực ngoại giao để động viên các bên liên quan, đặc biệt là các nước ASEAN, nhất trí tôn trọng phán quyết, vì phán quyết này chỉ có hiệu lực khi tất cả các bên đều chấp nhận.

Tuy nhiên, những nỗ lực ngoại giao theo đuổi giải pháp nói trên có thể sẽ thất bại và đi đến kết quả là các bên liên quan phải xem xét khả năng xảy ra một vài xung đột nghiêm trọng. Trong tình huống như thế, các bên liên quan, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, cần phải nỗ lực hết sức để tăng cường năng lực giám sát trên biển để ngăn chặn TC đơn phương thực hiện bồi đất. Ví dụ, tôi nghĩ chính phủ Nhật Bản sẽ nghiên cứu các biện pháp, trong đó có việc tích cực giúp đỡ Philippines củng cố lực lượng tuần tra bờ biển và hệ thống thông tin. Nhật Bản sẽ phải cùng lúc thúc đẩy các bước này.