Đại sứ Trung Cộng viết báo về Biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đại sứ Trung Cộng viết báo về Biển Đông

Trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực sắp ra phán quyết về việc Trung Cộng tuyên bố chủ quyền trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông, các đại sứ TC đã viết hàng loạt bài trên các báo nước ngoài suốt vài tháng qua.

Phán quyết của vụ Philippines kiện được nhiều người trông đợi sẽ không có lợi cho TC, nhưng cũng không ngăn được các đại sứ nước này cố gắng thuyết phục thế giới là TC đã đúng.

Các hãng truyền thông nói tiếng Anh của TC đã công bố một video tiếng Anh dễ thương giải thích về lịch sử khu vực và có cả các chuyên mục trên website dành cho phân tích và thảo luận về vấn đề này.

Nhưng vài tháng qua, các đại sứ TC khắp thế giới cũng nhắm vào báo chí nước ngoài, viết bài có ký tên đăng trên các tờ báo quốc gia để nói về trường hợp của TC.

Phán quyết về Biển Đông của Tòa trọng tài

Philippines đã đưa vụ kiện lên Tòa trọng tài thường trực tại The Hague yêu cầu phán quyết kỹ thuật về phạm vi lãnh hải có thể tuyên bố chủ quyền trên cơ sở việc sở hữu các khu vực bờ biển, đảo và rạn san hô.

Phán quyết được trông đợi không có lợi cho TC, và thậm chí có thể đi xa đến mức vô hiệu hóa toàn bộ tuyên bố đường chín đoạn của nước này, chiếm đến 90% khu vực biển tranh chấp.

TC nói không tham gia vào phiên tòa và cũng không công nhận thẩm quyền của Tòa thường trực.

‘Toàn cầu’

Các bài báo không giống hệt nhau, mặc dù công bằng mà nói chúng khá giống nhau. Không có gì đáng ngạc nhiên, các bài báo trung thành nghiêm ngặt với quan điểm của chính phủ [TC] trong tranh chấp.

Có lẽ cũng không có gì sốc lắm khi các đại sứ TC tại các quốc gia như Hoa Kỳ và Úc cố gắng khiến người dân quốc gia sở tại quan tâm đến vụ kiện mà họ liên quan. Họ đã từng làm vậy trong quá khứ, vì thế cũng dễ hiểu với phán quyết sắp tới vào ngày 12/7, họ cũng sẽ làm vậy.

Bạn có thể tự hỏi điều gì sẽ tác động đến các quốc gia nhỏ như Cyprus, cách xa hàng ngàn dặm so với vụ việc.

Vậy vấn đề ở đây là gì? Cuối cùng thì, công việc của một đại sứ vẫn là tuyên truyền về lợi ích quốc gia khi ở nước ngoài.

“Trong quá khứ, đã từng có những đợt tăng cường truyền thông như vậy, nhưng thường chỉ vào dịp các lãnh đạo TC đến thăm quốc gia nào đó. Rất hiếm khi xuất hiện kiểu tiếp cận toàn cầu thế này,” Giáo sư Kerry Brown, một chuyên gia chính trị Trung Hoa từ trường King’s College London nói.

“Gần như chắc chắn là một đợt thúc đẩy có phối hợp từ trung tâm để đại sứ và các đại diện viết các bài báo đó, và tích cực đưa ra những thông điệp như vậy.”

BBC liên lạc với nhiều đại sứ TC để hỏi liệu đó có phải là các bài báo được trả tiền không nhưng không nhận được phản ứng nào.

Theo mẫu?

Rất nhiều bài báo bắt đầu với quan sát tổng thể như sau: “Ngày nay vấn đề Biển Đông là một chủ đề nóng với truyền thông quốc tế” (đăng trên báo Fiji Sun) hoặc thế này: “Gần đây, vấn đề Biển Đông được quốc tế chú ý đến” (Từ Cyprus Mail)

Sau đó các bài báo đi đến các luận điểm:

– Có sự thông tin sai/hiểu sai về tuyên bố chủ quyền của TC – Các hòn đảo (TC gọi là Nam Sa) đã là của Trung Hoa từ thời cổ đại – Quá trình kiện lên tòa trọng tài đơn phương do Philippines tiến hành – Về mặt song phương, đàm phán tại địa phương vẫn đang được tiến hành – Chủ quyền lãnh thổ không nằm trong phạm vi của Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Một số bài viết có kết cấu như bài luận, trong khi một số khác được viết chia thành nhiều luận điểm.

Các bài báo làm người ta thấy như được viết theo mẫu sẵn, nhưng chúng phải như vậy vì tuân thủ chặt chẽ giọng điệu của chính phủ về vấn đề, vốn có thể trở thành vấn đề nhạy cảm.

Có một vài phiên bản khác tùy theo khu vực – Đại sứ TC ở Anh, Lưu Hiểu Minh, đến mức quả quyết khi cảnh báo “Hãy ngừng đùa với lửa trên Biển Đông”, trên bài báo xuất hiện ở tờ Star của Malaysia kêu gọi cách tiếp cận của Malaysia với vấn đề Biển Đông nên được coi như mẫu mực với các tranh chấp khác. (Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền các đảo trong khu vực nhưng ít ồn ào hơn so với các quốc gia như Philippines.)

Các bài báo trên phù hợp với khuôn mẫu rộng hơn là TC muốn cho thấy ý kiến quốc tế đang đứng về phía họ – hay ít nhất là, một vài trong số đó.

TC cũng không có vẻ chọn lọc lắm với những ai ủng hộ mình trong tranh chấp Biển Đông – chính phủ nước này nói có hơn 40 quốc gia đã ủng hộ TC.

Danh sách gồm nhiều quốc gia ở xa và đa dạng về khu vực như Sierra Leone và Slovenia.

“[Các bài báo này] trước hết cho thấy TC lo lắng đến thế nào về tác động của phán quyết khi được công bố, và cho thấy họ đã nỗ lực tích cực đến mức nào để sử dụng báo chí và truyền thông phương Tây để đưa điệp của họ đi,” Giáo sư Kerry Brown nói.

“Tôi ngờ rằng chúng ta sẽ còn thấy nhiều bài như vậy hơn nữa.” – Theo BBC
|