Tin khắp nơi – 11/07/2016
Bồ Đào Nha vô địch Euro 2016
Huy BùiViết cho BBC từ London
Bồ Đào Nha giành được danh hiệu quốc tế đầu tiên sau khi đánh bại chủ nhà Pháp ở Euro 2016 để lên ngôi vô địch.
Bàn thắng của Eder vào phút 109 đã chính thức đem về chiếc cúp Vô địch châu Âu cho Bồ Đào Nha.
Vượt qua khó khăn
Thắng Đức ở bán kết, Pháp được đánh giá là đội nhỉnh hơn khi bước vào trận chung kết hôm nay.
Thêm vào đó, đội chủ nhà có vẻ như được thêm lợi thế khi trụ cột Ronaldo của Bồ Đào Nha bị chấn thương và phải rời sân trong nước mắt từ phút 25, khiến đội hình và chiến thuật của đội bóng áo Đỏ bị xáo trộn.
Nhưng trái lại, dù thiếu ngôi sao đang thi đấu cho Real Madrid, Bồ Đào Nha vẫn thi đấu tự tin và đĩnh đạc suốt 90 phút, trước một đội tuyển Pháp còn nguyên vẹn đội hình và có lợi thế từ sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà.
Tuy Quaresma, người vào thay Ronaldo, không còn sự sung sức và cũng không nguy hiểm như đội trưởng của Bồ Đào Nha, đội bóng áo Đỏ vẫn có nhiều cơ hội uy hiếp khung thành thủ môn Hugo Lloris.
Tuy nhiên, trên thực tế Pháp là đội có cơ hội tốt hơn, với hai lần Antoine Griezmann dứt điểm đều bị thủ môn Rui Patricio cản phá được và đáng lẽ Pháp đã thắng trong hiệp chính nếu cột dọc không từ chối cú sút của Andre-Pierre Gignac
Bồ Đào Nha cũng có cơ hội tương tự, nhưng xà ngang đã cứu thua cho Hugo Lloris từ pha dứt điểm của Raphael Guereiro trong hiệp phụ.
Cả hai đội đều có sự may mắn, nhưng phải công nhận Bồ Đào Nha là đội xứng đáng hơn khi họ đã vượt qua khó khăn để đi đến đích cuối cùng.
Khi bất lợi chuyển thành lợi thế
Khi Ronaldo bị chấn thương, có lẽ nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh Pháp chiếm ưu thế và có một trận thắng trong tầm tay khi Bồ Đào Nha mất đi cầu thủ sáng giá nhất và cũng là người có khả năng thay đổi trận đấu.
Cũng từ đây, Bồ Đào Nha phải đổi chiến thuật, không thể thi đấu với sơ đồ 4-1-3-2 mà chuyển sang 4-5-1, với Nani đơn độc trên hàng công.
Nhưng cũng từ sự bất lợi này, Bồ Đào Nha phải thi đấu chặt chẽ hơn, với một chiến thuật chú trọng phòng ngự hơn. Tất nhiên, không thể bỏ qua sự may mắn, nhưng điểm mấu chốt, các cầu thủ áo Đỏ nhận thức được sự bất lợi và từ đó thi đấu tập trung hơn, chặt chẽ hơn.
Các bình luận viên như Alan Shearer, Thiery Henry có nhắc đến hình ảnh Ronaldo rời sân trong nước mắt, khiến đồng đội cảm thấy tiếc khi 12 năm trước, Bồ Đào Nha không thể lên ngôi trên sân nhà, và Ronaldo,năm nay đã 31 tuổi, có thể sẽ không còn cơ hội để có dịp vào thi đấu một trận chung kết, chứ chưa nói đến chuyện nâng cúp vô địch.
Phải chăng có một động lực giúp các đồng đội của Ronaldo muốn làm một điều gì đó cho anh, cho Bồ Đào Nha và hình ảnh cuối trận, khi chỉ còn ít phút, Ronaldo ra sát đường biên, cùng với huấn luyện viên Fernando Santos hò hét và chỉ đạo đồng đội cho thấy cả sự nghiệp của mình, Ronaldo đã chờ đợi giây phút ngày hôm nay rất lâu và đầy cảm xúc. Và đó cũng là hình ảnh đội trưởng Bồ Đào Nha rơi nước mắt trước khi nâng chiếc cúp vô địch.
Thể thức thi đấu còn bất cập
Tuy lên ngôi vô địch, Bồ Đào Nha cũng bị chỉ trích là đội không giành một chiến thắng nào, cùng có ba điểm nhưng lại vào được vòng trong do thể thức thi đấu mới của Euro năm nay, lấy thêm đội thứ ba ở vòng bảng, như nhận định của cự tiền đạo Gary Lineker và cự hậu vệ Rio Ferdinand.
Hiển nhiên, ban tổ chức sẽ phải xem lại số lượng đội tham dự và cách chia bảng, nhưng giải đấu năm nay cũng chính thức khép lại, mà đội giành chức vô địch hoàn toàn xứng đáng. Họ đã vượt qua chủ nhà với tinh thần thi đấu kiên cường và nỗ lực tuyệt vời trong 120 phút, dù thiếu vắng trụ cột từ rất sớm. Ngược lại, Pháp tuy thua trận, nhưng những gì họ làm được ở giải này, cho thấy họ đang là một thế lực bóng đá lớn của châu Âu, với lối chơi thuyết phục nhất ở giải Euro năm nay.
http://www.bbc.com/vietnamese/sport/2016/07/160710_final_euro_2016_france_portugal
‘Không thể quên’ ảnh chụp biểu tình
Các vụ biểu tình đang còn tiếp tục tại Hoa Kỳ sau khi bạo lực giữa người Mỹ gốc Phi và cảnh sát diễn ra vào tuần trước.
Vào ngày Chủ nhật 10/7, hàng chục người biểu tình đã bị bắt giữ tại thành phố Baton Rouge, bang Louisiana, nơi một người đàn ông da màu bị cảnh sát bắn chết vào ngày thứ Ba tuần trước.
Trong bầu không khí căng thẳng sắc tộc dâng cao, và giữa những cuộc tranh luận về phản ứng của lực lượng cảnh sát Mỹ, một bức ảnh đã trở nên nổi bật.
Bức ảnh này được Jonathan Bachman chụp lại. Nhiếp ảnh gia cư trú ở New Orleans đang làm việc cho hãng tin Reuters những ngày gần đây.
Bức ảnh cho thấy một cô gái trẻ mặc váy đứng trước hai nhân viên cảnh sát. Cô gái này tỏ ra bình thản, trong khi những người cảnh sát trang bị vũ khí đầy đủ có vẻ vội vã chuẩn bị trấn áp cô gái.
Bức ảnh này được chụp ở bên ngoài trụ sở cảnh sát thành phố Baton Rouge, vài ngày sau vụ việc cảnh sát bắn chết ông Alton Sterling.
Reuters nói cô gái trong bức ảnh, chụp hôm thứ Bảy, sau đó đã bị tạm giữ. Tuy nhiên không có nhiều thông tin về danh tính cô gái này.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160711_black_lives_matter_iconic_photo
Dallas: Kẻ giết cảnh sát ‘có kế hoạch lớn hơn’
Người đàn ông bắn chết năm cảnh sát ở Dallas và làm bị thương bảy người đã lên kế hoạch cho một cuộc tấn công lớn hơn, cảnh sát trưởng của thành phố nói.
Micah Johnson, 25 tuổi, đã tức giận trước những vụ giết người da đen gần đây của cảnh sát và muốn giết các viên cảnh sát da trắng, cảnh sát Dallas cho biết.
Cảnh sát trưởng David Brown cho biết ông “tin” là Johnson đã có một kế hoạch lớn hơn.
Ông nói với kênh CNN rằng Johnson, một cựu chiến binh, dường như đã thực hành cách cho các thiết bị phát nổ.
Ông Brown cũng cho biết cảnh sát đang cố tìm ý nghĩa của chữ “RB” mà Johnson viết bằng máu của chính mình, gần nơi ông này bị giết do chất nổ điều khiển từ xa của cảnh sát.
Các nhân viên cũng đọc một cuốn ghi chép được tìm thấy trong nhà của Johnson mà ông Brown nói rằng “khó giải mã”.
Ông Brown cũng tiết lộ là trong suốt hai giờ thương thuyết hôm thứ Năm tuần trước, ông Johnson đã chế giễu cảnh sát.
“Chỉ đơn giản là ông ta đã nói dối với chúng tôi – diễn trò, cười nhạo chúng tôi, hát, hỏi xem ông ta đã hạ sát được bao nhiêu [cảnh sát] và ông ta muốn giết thêm một số nữa và ở đó có bom.”
“Vì vậy, đã không đạt được tiến bộ trong đàm phán…Tôi bắt đầu cảm thấy rằng chỉ trong một giây, ông ta sẽ xông vào chúng tôi và giết thêm nhiều người nữa trước khi chúng tôi có thể giết ông ta,” ông Brown nói thêm.
Johnson thực hiện vụ tấn công ở Dallas vào khi đang diễn ra một cuộc biểu tình phản đối người da đen bị chết do bàn tay của cảnh sát.
Cái chết của Philando Castile ở St Paul, bang Minnesota, và Alton Sterling ở Baton Rouge, bang Louisiana, tuần trước đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình trên khắp các thành phố của Mỹ.
Tại Baton Rouge, tới 40 người đã bị bắt giữ vào hôm Chủ nhật tại một cuộc biểu tình phản đối.
Một số người biểu tình đã hô vang: “Không có công lý, không có hòa bình!” khi trong tình trạng án binh bất động với cảnh sát chống bạo động.
Tại Virginia, những người biểu tình đã chặn một thời gian ngắn một đường cao tốc liên bang ở Portsmouth. Họ diễu hành ủng hộ phong trào Tính mạng người da đen là quan trọng.
Các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn bất chấp nỗ lực của Tổng thống Barack Obama cố làm dịu căng thẳng.
Trên chuyến viếng thăm Tây Ban Nha hôm Chủ nhật, ông yêu cầu chấm dứt tình trạng bạo động chống lại cảnh sát.
“Bất cứ khi nào chúng ta những người đang lo ngại về sự công bằng trong hệ thống tư pháp hình sự lại quay ra tấn công các nhân viên cảnh sát thì như vậy các bạn đang làm hại đến chính sự nghiệp này,” ông nói.
Cũng trong ngày Chủ nhật, Tòa Bạch Ốc cho biết ông Obama sẽ tới Dallas vào hôm thứ Ba. Ông sẽ nói chuyện tại một lễ tưởng niệm.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160711_dallas_shooting_killer_larger_attack
Lo ngại bạo lực ở Kashmir
Đang có nhiều quan ngại về khả năng bạo lực gia tăng tại khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý, sau khi một cảnh sát chết đuối khi xe hơi của ông bị đẩy xuống hồ, theo lời cảnh sát.
Tuy nhiên, một số tin tức khác lại nói chiếc xe này không bị đẩy xuống hồ mà tự rơi xuống sau khi người cảnh sát mất lái vì tránh những hòn đá do đám đông ném vào xe.
Ít nhất 30 người chết và nhiều người khác bị thương trong vụ đụng độ xảy sau cái chết của một nhà người lãnh đạo nổi tiếng của phong trào ly khai.
Burhan Wani, 22 tuổi, đã thiệt mạng trong một cuộc đọ súng với quân đội Ấn Độ vào thứ Sáu tuần trước.
Đây là vụ bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều năm vừa qua tại vùng đất bất ổn Kashmir mà cả Ấn Độ và Pakistan đang tranh chấp.
Điểm nóng Kashmir đã châm ngòi cho các cuộc chiến giữa hai quốc gia này trong vòng 60 năm qua.
Trong vùng lãnh thổ phần lớn do người Hồi giáo sinh sống, một vài nhóm quân sự đã cầm vũ khí chiến đấu đòi độc lập hoặc đòi gia nhập cùng với Pakistan.
Đợt bạo lực nghiêm trọng gần đây nhất là vào mùa hè năm 2010 khi hơn 100 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình phản đối Ấn Độ sau khi cảnh sát bắn chết một thiếu niên.
Burhan Wani là ai?
Ông Burhan Wani chủ yếu được nhớ tới là người làm sống lại hình ảnh khởi nghĩa vũ trang tại vùng đất Kashmir do Ấn Độ quản lý.
Sinh ra trong một gia đình thượng lưu ở Kashmir, Wani bắt đầu sự nghiệp quân sự vào tuổi 15 cùng với người anh của mình, vì bị cảnh sát “đánh vô cớ”.
Những tin nhắn bằng video của Wani trở nên rất phổ biến trên Internet ở Kashmir. Những đoạn băng này thường có chủ đề về bất công bằng xã hội ở Ấn Độ, và sự cần thiết của việc giới trẻ đứng lên chống lại sự cường quyền.
Nhà chức trách Ấn Độ nói Wani đã trở thành biểu tượng thuyết phục những cậu bé địa phương ở Kashmir cầm lấy vũ khí chiến đấu, cũng như góp phần gia tăng sự ủng hộ của người địa phương cho phong trào ly khai.
Lệnh giới nghiêm bị đe dọa
Trong diễn biến mới nhất vào ngày Chủ Nhật, căng thẳng tích tụ trong những ngày cuối tuần đã khiến một đám đông ở Jhelum ném đá vào chiếc xe của một cảnh sát. Sau đó họ đẩy chiếc xe ra một con sông nơi người cảnh sát chết đuối trong đó, theo lời cảnh sát.
Nhưng một số nguồn tin khác lại nói chiếc xe tự rơi xuống hồ khi người cảnh sát này cố tránh đám đông.
Người thiệt mạng được nhận dạng là Feroz Ahmad, nằm trong số những cảnh sát không chính quy tham gia cùng lực lượng chức năng trong các chiến dịch ở Kashmir.
Phóng viên BBC nói căng thẳng sẽ tiếp tục dâng cao cho đến thứ Hai do đám đông Kashmir có thể tìm cách vi phạm lệnh giới nghiêm.
Tình hình dẫn tới việc đình chỉ cuộc hành hương tôn giáo phổ biến đến ngôi đền Amarnath khiến cho 15000 người theo đạo Hindu từ bang Jammu lân cận bị kẹt lại, truyền thông Ấn Độ đưa tin.
Hơn 2000 người hành hương đang trên đường đến ngôi đền này đã được di chuyển bằng máy bay ra khỏi vùng Kashmir, nhân viên cảnh sát nói với BBC.
Điều gì dẫn đến bạo lực
Bạo lực tại Kashmir bùng phát từ vụ cái chết của một người có tên Burhan Wani, người đứng đầu của nhóm nổi dậy lớn nhất tại đây là Hizbul Mujahideen.
Hàng nghìn người đã tham dự lễ tang của Wani tại thị trấn Tral, khoảng 40 km (25 dặm) phía Nam của Srinagar vào ngày thứ Bảy.
Trụ sở cảnh sát và địa điểm quân sự đã bị tấn công sau những đụng độ trong đám tang. Một vài tòa nhà đã bị cháy rụi, cảnh sát cho biết thêm.
Chính phủ quốc gia Ấn Độ hứa sẽ điều tra cáo buộc về bạo lực của cảnh sát đối với những người biểu tình không có vũ khí.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160711_kashmir_mob_drowned_cop
Bạo lực và trả đũa bị lên án sau vụ bắn chết cảnh sát Dallas
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lên án việc sử dụng bạo lực như một phương tiện để tạo ra thay đổi sau vụ bắn chết 5 cảnh sát viên ở Dallas, bang Texas. Thông tín viên Michael Bowman tường thuật rằng trong khi căng thẳng giữa các cộng đồng thiểu số và lực lượng thi hành công lực không có gì mới, việc sát hại những nhân viên cảnh sát đã làm chấn động đất nước và gây khó khăn thêm cho cuộc đối thoại vốn đã gay go về sự an toàn của công chúng tại Hoa Kỳ.
Đau đớn và buồn rầu bao trùm thành phố Dallas trong khi sự phẫn nộ vẫn âm ỉ ở Minnesota và Louisiana sau các vụ nổ súng giết những người đàn ông da đen dưới tay lực lượng thi hành công lực địa phương. Đang có mặt ở Tây Ban Nha, Tổng thống Obama góp ý về vấn đề này:
“Bất cứ hành vi bạo lực nào nhắm tấn công các nhân viên cảnh sát đều là một tội ác không thể chấp nhận được và cần phải truy tố.”
Các cuộc điều tra sơ khởi cho thấy kẻ nổ súng ở Dallas có thể đã âm mưu thực hiện các cuộc tấn công còn lớn hơn thế nữa nhắm vào cảnh sát, để trả thù điều mà một số người cho là bạo lực của cảnh sát nhắm vào các thiểu số sắc tộc. Các giới chức Mỹ nói việc tự cho phép mình quyền thi hành công lý, là điều không thể được dung chấp.
Trong Chương trình ABC Tuần này Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson tuyên bố:
“Bạo lực không bao giờ là câu giải đáp. Đòi một con mắt lấy một con mắt thì tất cả mọi người sẽ mù. Bây giờ là thời điểm để hàn gắn vết thương, để thương tiếc, và thời điểm để xây những chiếc cầu nối và đối thoại với nhau.”
Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà Donald Trump nói: “Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ an toàn trở lại.”
Các diễn biến kinh hoàng đã gây tiếng vang trong các chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ.
Ông Donald Trump phát biểu:
“Một cuộc tấn công tàn bạo nhắm vào lực lượng cảnh sát của chúng ta là một cuộc tấn công vào đất nước và gia đình của chúng ta. Chúng ta phải sát cánh với lực lượng thi hành công lực, mà chúng ta phải ghi nhớ là lực lượng giữa nền văn minh và tình trạng hoàn toàn hỗn loạn.”
Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton nói:
“Chúng ta không thể, chúng ta không được bêu xấu các nhân viện cảnh sát của chúng ta. Người Mỹ da trắng cần lắng nghe tốt hơn khi người Mỹ gốc Châu Phi lên tiếng, nói về những rào cản có thể trông thấy, hoặc không trông thấy được mà họ phải đối phó hàng ngày.”
Nếu lắng nghe người khác nói là một mục tiêu, thì Tổng thống Mỹ đề nghị như sau về cách tốt nhất để truyền đi thông điệp này. Tổng thống Obama nói:
“Tôi chỉ muốn nói rằng tất cả mọi người quan tâm tới các vụ nổ súng của cảnh sát, hoặc về thành kiến đối với một thành phần sắc tộc nào đó trong hệ thống pháp lý hình sự, rằng duy trì một tiếng nói trung thực, nghiêm túc và tôn trọng người khác sẽ giúp huy động xã hội Mỹ đem lại thay đổi thực sự, và đó là mục tiêu cuối cùng của chúng ta.”
Hiện giờ thì cảm xúc vẫn dâng lên đến cao độ ở thành phố Dallas và cả những nơi khác.
http://www.voatiengviet.com/a/bao-luc-tra-dua-bi-len-an-sau-vu-ban-chet-canh-sat-dallas/3413134.html
Bắc Hàn ‘cắt đứt mọi liên lạc với Mỹ’
Bắc Hàn tuyên bố đã cắt đứt một trong các đường dây liên lạc cuối cùng với Hoa Kỳ để trả đũa việc Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với lãnh tụ Kim Jong Un vì các vi phạm về nhân quyền.
Hôm nay, Bình Nhưỡng cho biết đã thông báo với Hoa Kỳ về việc cắt đứt mọi kênh liên lạc ngoại giao với Washington, từng được thực hiện thông qua các văn phòng của Liên Hiệp Quốc ở New York.
Tuần trước, ngoài các lệnh trừng phạt đối với quốc gia nghèo khó này vì kiên quyết theo đuổi chương trình hạt nhân, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt với cá nhân ông Kim và một số quan chức Bắc Hàn.
Sớm hôm nay, 11/7, Bắc Hàn đe dọa sẽ có “hành động cụ thể” sau khi Washington và Seoul thông báo các kế hoạch triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi ở Hàn Quốc.
Bình Nhưỡng đưa ra lời đe dọa một vài ngày sau khi Mỹ và Hàn Quốc công bố kế hoạch triển khai hệ thống viết tắt là THAAD trên bán đảo Triều Tiên, sau khi Bắc Hàn thực hiện một loạt các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, địa điểm và thời gian triển khai không được công bố.
Không chỉ Bắc Hàn mà Trung Quốc và Nga cũng lên án việc triển khai, đồng thời thúc giục Washington và Seoul ngưng ngay việc này.
Hôm nay, 11/7, Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye tuyên bố rằng hệ thống THAAD chỉ nhằm mục đích phòng thủ trước Bắc Hàn, và không nhắm vào bất kỳ nước nào khác.
http://www.voatiengviet.com/a/bac-han-cat-dut-moi-lien-lac-voi-my/3413197.html
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Iraq thảo luận về các biện pháp kế tiếp
Carla Babb
Việc lực lượng Iraq mới chiếm lại một căn cứ không quân chính ở gần Mosul đánh dấu sự hoàn tất “10 mục tiêu chiến lược” hướng tới việc đánh bại Nhà nước Hồi giáo. Đó là nhận định của một giới chức quốc phòng cấp cao của Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter đến Iraq hôm nay để bàn luận với các nhà lãnh đạo Iraq và chỉ huy Hoa Kỳ ở thực địa về những mục tiêu kế tiếp trong chiến dịch này khi Căn cứ Không quân Qayyarah, nằm cách Mosul khoảng 60 kilomet về phía nam nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng An ninh Iraq.
Ông Carter nói với các phóng viên trước khi đến Iraq: “Điểm quan trọng của việc chiếm được sân bay là có thể thiết lập một trung tâm không quân và tiếp liệu ở ngay vùng lân cận với Mosul. “
Một giới chức cấp cao không muốn nêu danh tính nói, “Qayyarah dứt khoát là con cá lớn trong danh sách đó vì tầm quan trọng chiến lược của nó.”
Trong chuyến đi Iraq lần thứ tư với tư cách bộ trưởng quốc phòng, ông Carter sẽ họp với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi và Bộ trưởng Quốc phòng Khaled al-Obeidi ở Baghdad, và sẽ nói chuyện qua điện thoại với ông Masoud Barzani, tổng thống vùng Kurdistan của Iraq.
10 mục tiêu chiến lược là gì?
Hồi tháng 12 năm ngoái và tháng giêng năm nay, Tổng thống Barack Obama và ông Carter đã đề ra 10 mục tiêu chiến lược – một số mang tính địa dư, một số mang tính chức năng – cần thiết phải diễn ra trước khi lực lượng an ninh Iraq, các chiến binh Peshmerga người Kurd và lực lượng Syria chống Nhà nước Hồi giáo có thể chiếm lại Raqqah và Mosul, thủ đô trên thực tế và là cứ địa lớn nhất của Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Việc chiếm lại Hit, Rupta và Ramadi ở Iraq là những bước chủ chốt hướng tới việc tách rời các chiến trường Iraq và Syria, theo lời một giới chức quốc phòng cấp cao. Thiết lập một căn cứ hoạt động ở Makhmour đã từng được coi là một bước thiết yếu trong việc bao vây Mosul.
Về phía Syria, Shaddadi nằm trên con đường từ Raqqah đến Mosul, cũng được coi là trọng yếu để cốt lõi của Nhà nước Hồi giáo có thể bị “xẻ đôi,” theo bộ trưởng Carter, bóp nghẹt sự di chuyển người và đồ tiếp liệu giữa hai thành phố.
Tháng trước, Đại tá Chris Garver, phát ngôn viên của liên minh có trụ sở ở Baghdad đã nói với các phóng viên rằng việc lực lượng đối lập được Hoa Kỳ huấn luyện bao vây Manbij đã chiếm được một “cứ điểm” của chiến binh nước ngoài của Nhà nước Hồi giáo.
Khởi đầu chương trình huấn luyên và trang bị bên trong vùng đông bắc Syria là một trong 10 mục tiêu khác, theo lời một giới chức quốc phòng thứ hai.
Cuộc chiến Mosul hình thành
Kế hoạch bao vây Mosul ở miền nam đòi hỏi 2 gọng kìm: Makhmour ở miền đông nam và Qayyarah ở miền tây nam. Một con số nhỏ lực lượng Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc thăm dò địa điểm chớp nhoáng tại căn cứ không quân, nhưng không ở lại đó.
Việc lực lượng an ninh Iraq gắng sức chiếm lại Qayyarah là một thao tác phòng vệ lớn nhất kể từ khi quân đội Iraq tiến chiếm Kuwait, mà các giới chức cho là phơi bày một mức độ tinh vi chưa từng thấy trong cuộc chiến.
Đồng thời, 2 lữ đoàn Peshmerga được sự trang bị và thậm chí một số được sự tài trợ của Hoa Kỳ đang hoàn tất việc bao vây từ phía bắc.
Ông Carter nói, “Hai gọng kìm đó cũng quan trọng ngang với các gọng kìm từ phía nam.” Trong chuyến thăm Iraq lần trước, ông Carter đã loan báo Hoa Kỳ sẽ cung cấp 415 triệu đôla tài trợ cho lực lượng của người Kurd, thông qua Baghdad, sau khi nền kinh tế Kurd bị tác động nặng của tình trạng sụt giá dầu trên toàn thế giới.
Một giới chức quốc phòng cấp cao xác nhận Hoa Kỳ đã hoàn tất mục tiêu sơ khởi là huấn luyện 12 lữ đoàn cho cuộc chiến giành lại Mosul, mà các cấp chỉ huy cho là con số cần thiết cho trận chiến ồ ạt này.
Khói bốc lên sau các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu chống lại các chiến binh IS, Iraq, 29/5/2016.
Hoa Kỳ dự tính làm hơn nữa
Nhưng trong khi mục tiêu đã đạt được, giới chức Hoa Kỳ này nói có thể vẫn cần đến sự huấn luyện thêm cho các nhóm đó. Chẳng hạn như, khi cuộc chiến giành lại Ramadi có liên quan đến hết lớp thiết bị nổ tự chế này đến lớp khác, lực lượng Hoa Kỳ đã cung cấp sự huấn luyện chống thiết bị nổ tự chế cho các binh sĩ đã từng được huấn luyện các kỹ năng khác trước đây.
Sự hỗ trợ kỹ thuật của Hoa Kỳ có phần chắc sẽ cần đến để san bằng cách biệt bởi vì Nhà nước Hồi giáo đã phá nổ các cây cầu dẫn vào Mosul, và việc huấn luyện cảnh sát cũng có thể phải cần đến để giúp ổn định hóa thành phố một khi đẩy bật được Nhà nước Hồi giáo.
Ông Carter cho hay ông sẽ nói chuyện với ông Abadi về “toàn bộ những phương tiện tiếp sức” đã tỏ ra hữu hiệu chống lại kẻ thù, như yểm trợ không lực, thiết bị, tiếp liệu và hậu cần.
Ông Carter nói, “Chúng tôi sẽ cung cấp thêm nữa nếu và khi nào Lực lượng An ninh Iraq có thể tận dụng các phương tiện này, và Thủ tướng Abadi yêu cầu chúng.”
Hội đồng Bảo an yêu cầu chấm dứt ngay chiến sự ở Nam Sudan
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi hai nhà lãnh đạo của Nam Sudan kiểm soát lực lượng vũ trang đối thủ của họ, và cảnh báo rằng những vụ tấn công tiếp diễn nhắm vào thường dân và những cơ sở của Liên Hiệp Quốc có thể cấu thành tội ác chiến tranh.
Đại sứ Nhật Bản Koro Bessho, chủ tịch hiện thời của cơ quan gồm 15 thành viên này, phát biểu thay mặt hội đồng vào tối Chủ nhật tại thành phố New York, sau hơn ba giờ tham vấn khẩn cấp về cuộc khủng hoảng ở thủ đô Juba. Ông gọi tình hình trên thực địa là một “tình huống khẩn cấp” và nói rằng ít nhất một binh sĩ gìn giữ hòa bình người Trung Quốc đã thiệt mạng và nhiều binh sĩ gìn giữ hòa bình người Rwanda bị thương.
Không có ước tính chính thức về số người thương vong vào cuối Chủ nhật, và vẫn chưa rõ liệu quân đội trung thành với Tổng thống Salva Kiir hay những người ủng hộ Phó Tổng thống Riek Machar có tuân theo những đòi hỏi của Liên Hiệp Quốc hay không. Đài phát thanh địa phương ở thủ đô trước đó cho hay tới 276 người chết, trong khi một phát ngôn viên cho ông Machar nói ít nhất 150 người thiệt mạng, với hàng chục người khác bị thương.
Đại sứ Bessho cũng thúc giục hai ông Kiir và Machar “thực lòng theo đuổi việc thi hành đầy đủ và ngay lập tức thỏa thuận hòa bình [năm 2015]” vốn đã kết thúc cuộc nội chiến kéo dài hai năm gây tàn phá ở quốc gia nghèo túng này.
Cả hai nhà lãnh đạo hôm thứ Bảy đã cùng nhau đưa ra lời kêu gọi giữ yên ổn ở thủ đô, nhưng chẳng có ích gì.
Những nhân chứng cho biết chiến sự hôm Chủ nhật ảnh hưởng tới một khu trại của Liên Hiệp Quốc dành cho người tản cư lần thứ hai trong mấy ngày qua, và cũng nhắm vào một căn cứ của phiến quân ở thủ đô. Trong một diễn biến riêng rẽ, một phát ngôn viên cho ông Machar nói với hãng tin Reuters rằng tư gia của phó tổng thống đã bị những người trung thành với ông Kiir tấn công. Tin này chưa được xác nhận ngay lập tức.
Ông Kiir, người thuộc sắc dân Dinka, và ông Machar, người thuộc bộ tộc Nuer, đã chiến đấu với nhau trong cuộc nội chiến kéo dài hai năm nổ ra sau khi Tổng thống sa thải ông Machar vào năm 2013. Kể từ khi đó, ông Machar Machar đã được phục chức theo thỏa thuận hòa bình đạt được vào cuối năm ngoái mà cũng đưa tới sự hình thành một chính phủ đoàn kết chuyển tiếp.
Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo chưa ai đưa ra được một kế hoạch khả thi để hợp nhất lực lượng của họ.
Mỹ chuyển nghi can khủng bố người Yemen đi khỏi Guantanamo
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ đã thuyên chuyển một nghi can khủng bố người Yemen đi khỏi cơ sở giam giữ của Mỹ tại Vịnh Guantanamo ở Cuba, bàn giao cho chính phủ Ý câu lưu.
Một thông cáo hôm Chủ nhật cho biết vụ thuyên chuyển Fayiz Ahmad Yahia Suleiman đã được Ban Chuyên trách Thẩm duyệt Guantanamo đồng lòng chấp thuận sau khi xem xét toàn diện trường hợp này. Thông cáo cho biết Ban Chuyên trách thẩm định những yếu tố trọng yếu, bao gồm những vấn đề an ninh tiềm năng, trước khi chấp thuận vụ thuyên chuyển.
Nhà chức trách cho biết còn lại 78 tù nhân tại Guantanamo sau khi Suleiman được chuyển đi. Tổng thống Barack Obama đã cam kết sẽ đóng cửa cở sở gây tranh cãi này trong thời gian ông tại nhiệm.
Ông Obama đã ra một sắc lệnh hành pháp vào năm 2009 chỉ thị dần dần đóng cửa Guantanamo, nơi mà những người chỉ trích nói rằng giam giữ hàng trăm tù nhân (một số người bị giam giữ suốt nhiều năm) mà không có cáo buộc chính thức và cũng không đưa ra xét xử. Những nỗ lực của ông đã bị những nhà lập pháp Đảng Cộng hòa phản đối mạnh mẽ, viện dẫn những nguy cơ an ninh tiềm năng đến từ việc đóng cửa cơ sở này.
Suleiman, giờ 41 tuổi, bị đưa tới cơ sở này vào năm 2002 và lần đầu tiên được đề nghị cho thuyên chuyển vào năm 2010.
Những tài liệu của Mỹ được báo The New York Times công bố vào năm 2008 mô tả Suleiman, sinh ra ở Ả-rập Saudi, là một phần tử chủ chiến được huấn luyện ở Afghanistan và đã chiến đấu cùng Taliban. Ông ta cũng được cho là một trong bảy chiến binh thánh chiến cùng đi với Osama bin Laden ở Afghanistan vào năm 2001 khi trùm khủng bố này trốn chạy khỏi liên minh do Mỹ dẫn đầu săn lùng ông ta trong những tuần sau những vụ tấn công ngày 11 tháng 9 nhắm vào Mỹ.
Tài liệu này cũng mô tả ông ta được huấn luyện làm nhân viên cứu thương và bào chế thuốc độc ở Kandahar, Afghanistan. Trước đó ông ta đã chiến đấu tại Bosnia trong những cuộc chiến tranh Balkans vào những năm 1990.
Mỹ kêu gọi Campuchia ‘điều tra kỹ’ vụ sát hại ông Kem Ley
Hoa Kỳ bày tỏ “sự đau buồn” trước vụ giết hại nhà hoạt động Kem Ley ở Phnom Penh, và kêu gọi Campuchia tiến hành một cuộc điều tra “tường tận và công bằng”.
Trong tuyên bố phát đi hôm 10/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: “Chúng tôi hết sức đau buồn và quan ngại trước các tin tức về vụ giết hại nhà bình luận chính trị nổi tiếng của Campuchia, tiến sỹ Kem Ley. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu xa tới gia đình, bạn hữu và đồng nghiệp của ông”.
Ông Kirby cho biết Hoa Kỳ “theo dõi sát vụ này”, đồng thời thúc giục chính quyền Campuchia bảo đảm rằng quá trình điều tra được thực hiện “tường tận và công bằng”.
Trong khi đó, hôm nay, 11/7, hàng nghìn người đã dự tang lễ ông Kem tại thủ đô, một ngày sau khi ông bị bắn chết giữa thanh thiên bạch nhật bên trong một cửa hàng tạp hóa ở Phnom Penh.
Một số người nói cái chết của ông Kem Ley là một “vụ sát hại vì động cơ chính trị,” trong khi Thủ tướng Hun Sen kêu gọi bình tĩnh.
Vụ sát hại ông Kem xảy ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng giữa ông Hun Sen và phe đối lập muốn thách thức quyền lực của vị Thủ tướng trong các cuộc bầu cử địa phương năm 2017, và bầu cử toàn quốc năm 2018.
Thi thể của ông Kem sẽ được quàn tại một ngôi chùa ở Phnom Penh trong 10 ngày để người dân tới viếng.
Theo Bộ Nội vụ Campuchia, một nghi can 38 tuổi đã bị bắt giữ và thú nhận sát hại nhà hoạt động 46 tuổi do tranh cãi về tiền bạc.
Tuy nhiên, một số người dân tỏ ra hoài nghi về lý do này, cho rằng vụ giết hại có động cơ chính trị.
Một tòa án hôm 11/7 cho biết nghi can chưa bị truy tố.
Trong khi đó, Thủ tướng Hun Sen lên án vụ giết người, và thúc giục người dân giữ bình tĩnh trong khi chính quyền tiến hành cuộc điều tra.
Theo Reuters, VOA
http://www.voatiengviet.com/a/my-keu-goi-campuchia-dieu-tra-ky-vu-sat-hai-ong-kem-ley/3413329.html
Tổng thống Mỹ đến thăm Tây Ban Nha, ca ngợi nước đồng minh
Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi mối quan hệ của Mỹ với Tây Ban Nha là một “tình hữu nghị” với “những lợi ích kinh tế và an ninh chung” và cảnh báo rằng hai nước phải mang tính đa thành phần trong một xã hội ngày càng mang tính toàn cầu.
Ông Obama phát biểu sau khi hội kiến Thủ tướng tạm quyền Mariano Rajoy ở Madrid hôm Chủ nhật: “Chúng ta có một thế giới đang hội nhập nhanh chóng và mang tới những cơ hội hết sức to lớn, nhưng nếu những sắp xếp về thể chế của chúng ta không bảo đảm sự đa thành phần, nếu chúng ta không phối hợp hữu hiệu về những vấn đề kinh tế và an ninh thì nó có thể đề ra những nguy hiểm rất lớn.”
Ông Obama nói thiếu sự đa thành phần trong những vấn đề thế giới có thể khiến người dân khắp thế giới cảm thấy lạc lõng, gây nên xung đột, nhập cư hàng loạt, và tạo ra những nơi trú ẩn an toàn cho chủ nghĩa khủng bố.
“Nếu sự hội nhập toàn cầu không làm lợi cho tất cả mọi người, nếu nó chỉ đơn giản làm lợi cho tầng lớp thượng lưu, và ta nhìn thấy sự bất bình đẳng gia tăng, và mọi người cảm thấy bị bỏ lại đằng sau, thì khi đó sẽ có chủ nghĩa dân túy đơn thuần thường gây nên sự chia rẽ, và điều đó chẳng tốt cho ai cả,” ông Obama nói thêm.
Cuộc gặp gỡ giữa ông Obama và ông Rajoy diễn ra trong bối cảnh Tây Ban Nha đang vật lộn với tỉ lệ thất nghiệp cao và vẫn chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị gây nên bởi hai cuộc tổng tuyển cử mà trong đó không có đảng nào giành chiến thắng rõ rệt.
Từ khi nền dân chủ được hồi phục vào những năm cuối thập niên 1970, một đảng trung tả và một đảng trung hữu đã thay nhau nắm quyền trong nền chính trị của Tây Ban Nha. Nhưng phe cánh tả nổi dậy đã ngăn chặn những đảng thống trị hình thành được một chính phủ.
Tổng thống Obama cũng gặp gỡ những nhà lãnh đạo cánh tả và Quốc vương Felipe của Tây Ban Nha ở Madrid.
Chuyến công du Tây Ban Nha đã được cắt ngắn để ông Obama có thể về thành phố Dallas, bang Texas, nơi mà năm cảnh sát đã bị một người đàn ông người Mỹ gốc Phi bắn chết trong một vụ phục kích. Giới hữu trách cho biết người đàn ông này tức giận về những vụ cảnh sát nổ súng hồi gần đây làm chết hai người đàn ông người Mỹ gốc Phi ở bang Louisiana và Minnesota.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Obama trong tư cách tổng thống tới Tây Ban Nha, là nước Châu Âu lớn nhất vẫn chưa đón tiếp ông. Ông đến Tây Ban Nha sau khi tham dự một hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Warsaw, Ba Lan.
http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-my-den-tay-ban-nha-ca-ngoi-nuoc-dong-minh/3411533.html
Tòa Án Trọng Tài Thường Trực : Những điều cần biết
Ngày mai 12/07/2016 Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA – Permanent Court of Arbitration), một định chế ít được biết đến sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến Biển Đông.
Năm 2013, Manila đã hướng về tòa án quốc tế đặt ở La Haye, yêu cầu các thẩm phán tuyên bố các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh bao trùm lên hầu hết vùng biển chiến lược này, là bất hợp pháp. Theo Philippines, các yêu sách này vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện, tuyên bố sẽ không tuân thủ mọi phán quyết, dù đã phê chuẩn UNCLOS.
1 – Tòa Án Trọng Tài Thường Trực là gì ?
Có trụ sở tại La Haye (Hà Lan), Tòa Án Trọng Tài Thường Trực là cơ quan liên chính phủ thường trực đầu tiên nhận đứng ra giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua thủ tục trọng tài và « các phương tiện ôn hòa khác ».
Được khai sinh năm 1899 nhân Hội nghị Hòa bình La Haye lần thứ nhất, do Sa hoàng Nicolas đệ nhị của Nga triệu tập, mục tiêu của tòa án này là tìm kiếm « những phương cách hiệu quả nhất để bảo đảm cho mọi dân tộc lợi ích của một nền hòa bình thực sự và lâu dài ».
Các trọng tài dựa vào những hợp đồng, các thỏa thuận và hiệp ước khác nhau, như của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) hay Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), để giải quyết. Hiện có 116 hồ sơ đang được nghiên cứu.
2 – Tòa Án Trọng Tài Thường Trực có phải là một tòa án thực sự ?
Cái tên Tòa Án Trọng Tài Thường Trực có thể gây hiểu lầm, vì đây không phải là một tòa án theo đúng nghĩa truyền thống, với các thẩm phán tuyên các bản án. Tòa Án Trọng Tài Thường Trực là một định chế thường xuyên, thông qua các phiên trọng tài để giải quyết những bất đồng cụ thể.
Các phiên tòa thường họp kín, không mở rộng cho công chúng hay báo chí, trừ phi có sự đồng ý của đôi bên.
3 – Tòa Án Trọng Tài Thường Trực hoạt động như thế nào ?
Một vụ kiện được đưa ra trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực khi các nỗ lực ngoại giao giữa hai Nhà nước thất bại, hay khi bất đồng xảy ra giữa một Nhà nước và một tổ chức công hoặc tư, hay có thể giữa hai đối tác tư nhân.
Một phiên trọng tài sẽ được chỉ định để phụ trách hồ sơ này. Gồm một, ba hay năm thành viên do các bên tranh chấp chỉ định, phiên tòa này do một trọng tài làm chủ tọa, và trọng tài này cũng phải được các bên đồng ý.
4 – Tòa Án Trọng Tài Thường Trực đặt ở đâu ?
Trụ sở Tòa Án Trọng Tài Thường Trực nằm trong Cung điện Hòa bình ở khu vực ngoại giao của La Haye, chung với Tòa Án Công Lý Quốc Tế (ICJ – International Court of Justice), định chế tư pháp cao nhất của Liên Hiệp Quốc.
5 – Các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực có mang tính ràng buộc ?
Đúng vậy. Tất cả các quyết định của tòa, được gọi là phán quyết, mang tính bắt buộc đối với tất cả các bên tham gia vụ kiện, và phải được thực thi ngay. Tuy nhiên nếu một trong các bên không hài lòng về phán quyết, thì có thể yêu cầu Tòa Án Trọng Tài Thường Trực giải thích.
Nhưng làm thế nào để buộc các bên tôn trọng phán quyết của tòa là một điều rất khó khăn. Việc thực thi phán quyết thường là « gót chân Achille » của các định chế tư pháp quốc tế.
Các Nhà nước làm ngơ hoặc coi thường các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực có nguy cơ bị mất uy tín, cộng đồng quốc tế không còn tôn trọng.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160711-toa-an-trong-tai-thuong-truc-nhung-dieu-can-biet
Vụ kiện Philippines-Trung Quốc : UNCLOS qua 4 câu hỏi
Để giải quyết vụ Manila kiện yêu sách Biển Đông của Bắc Kinh, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực phải dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
1- UNCLOS được đặt ra để làm gì ?
Với ít nhất 320 điều khoản và 9 phụ lục, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển dự trù tất cả các phương diện điều tiết liên quan đến biển và đại dương, từ chủ quyền quốc gia cho đến việc khai thác các nguồn lợi kinh tế đáy biển, hay vấn đề hàng hải, tranh chấp giữa các nước.
2 – Nguyên nhân ra đời của UNCLOS ?
Đã từ lâu chỉ có nguyên tắc tự do trên biển được chấp nhận. Theo Liên Hiệp Quốc, nguyên tắc có từ thế kỷ 17 quy định « các quyền quốc gia và thẩm quyền xét xử liên quan đến các đại dương được giới hạn ở vòng đai hẹp bao quanh vùng duyên hải của một Nhà nước ». Phần còn lại của biển « được cho là mở rộng cho tất cả, không là của riêng một ai ».
Nhưng đến giữa thế kỷ 20, các công nghệ mới ra đời, nhất là kỹ nghệ khai thác dầu khí, đã gây ra căng thẳng dữ dội giữa các cường quốc biển, xung quanh vấn đề đánh cá và khai thác nguồn lợi thiên nhiên.
Năm 1945, Hoa Kỳ đơn phương mở rộng lãnh hải của mình. Tiếp theo là Achentina, Ethiopia, Ả Rập Xê Út, Indonesia, Philippines.
Bị xâm lấn từ khắp nơi và được thèm muốn, đại dương nay chất chứa nhiều mối nguy : tàu ngầm nguyên tử, các tàu chở dầu gây ô nhiễm và nhiều loại vũ khí khác.
Năm 1967, đứng trước « xung đột trước mắt có thể tàn phá các đại dương », đại sứ Malta tại Liên Hiệp Quốc, ông Arvid Pardo đã kêu gọi « một chế độ quốc tế hiệu quả về đáy biển và đáy đại dương ».
3 – UNCLOS ra đời từ bao giờ ?
Được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào tháng 4/1982, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển với 168 quốc gia thành viên, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 16/11/1994 khi được quốc gia thứ 60 phê chuẩn.
4 – Những xung đột nào đã diễn ra ?
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển dự kiến bốn định chế tùy theo chọn lựa nhằm giải quyết bất đồng. Đó là Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển (ITLOS – International Tribunal for the Law of the Sea), Tòa Án Công Lý Quốc Tế (ICJ – International Court of Justice), trọng tài và cuối cùng là trọng tài đặc biệt.
Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển, định chế tư pháp của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển gồm có 21 thành viên độc lập do các Nhà nước liên quan bầu lên, đã xử lý 25 vụ kiện kể từ năm 1997 đến nay.
Trong vụ « cá ngừ vây xanh » chẳng hạn, Úc và New Zealand muốn Nhật Bản chấm dứt việc đơn phương đánh bắt thử nghiệm loại cá này, được tiến hành kể từ tháng 6/1999. Tòa án Quốc tế về Luật Biển đã ấn định hạn ngạch đánh bắt hàng năm, các biện pháp tồn trữ và quản lý hàng tồn.
Ngoài vụ Philippines kiện Trung Quốc đang được thụ lý, năm 2015 Tòa Án Trọng Tài Thường Trực đã ra phán quyết buộc Matxcơva phải bồi thường cho Hà Lan những thiệt hại do vụ khám xét tàu Arctic Sunrise năm 2013, bị giữ gần một năm trời ở Mourmansk (Nga). Chiếc tàu phá băng mang cờ Hà Lan do Greenpeace khai thác đã tiến hành chiến dịch bảo vệ môi trường, nhắm vào một giàn khoan dầu của tập đoàn Gazprom tại Biển Barents.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160711-vu-kien-philippines-trung-quoc-unclos-qua-4-cau-hoi
Biển Đông: Nhật muốn G7 ra thông cáo khi có phán quyết của Tòa Trọng Tài
Một ngày trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với hầu hết Biển Đông, báo chí châu Á tiết lộ Tokyo đang ráo riết vận động các đối tác trong nhóm G7 để cùng có một tiếng nói chung trên hồ sơ này.
Ngày 11/07/2016, nhật báo Philippines Inquirer và Straitimes của Singapore cùng đưa tin : Nhật Bản trong cương vị chủ tịch luân phiên nhóm G7 sẽ kêu gọi 6 đối tác còn lại trong nhóm cácnước công nghiệp phát triển nhất thế giới nên có « chính sách ngoại giao chủ động» có phản ứng về phán quyết của Tòa Án Trọng Tài La Haye về vụ kiện Biển Đông.
Nhiều nguồn tin tại chỗ cho rằng, nhóm G7 sẽ có một tuyên bố chung kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa và tuân thủ luật pháp, các chuẩn mực quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển.
Đến nay, Trung Quốc vẫn giữ nguyên lập trường : không công nhận thẩm quyền của Tòa, không tham gia vụ kiện do Philippines đứng nguyên đơn. Bắc Kinh báo trước là sẽ không công nhận phán quyết của Tòa.
Báo chí trong khu vực trích dẫn phân tích của các chuyên gia cho rằng, trong quá khứ nhiều nước Đông Nam Á từng tranh chấp chủ quyền biển đảo và đã đưa vấn đề ra trước tòa án quốc tế. Cụ thể là Singapore và Malaysia cùng tranh giành cụm đảo Pedra Branca, ngoài khơi Singapore khoảng 50 cây số. Hồ sơ này đã được giải quyết theo phán quyết của Tòa Án Công Lý Quốc Tế năm 2008 và được cả Singapore lẫn Malaysia cùng tôn trọng. Nhờ vậy và hợp tác song phương vẫn tốt đẹp.
Chủ tịch Viện nghiên cứu An ninh và Hòa bình của Nhật, ông Asashi Nishihara nhắc lại Tokyo đứng ngoài tranh chấp chủ quyền trong vùng Biển Đông nhưng kêu gọi các đối tác trong nhóm G7 ủng hộ các nước đồng minh trong khối ASEAN. Ông nhấn mạnh là châu Âu, cụ thể là Pháp, ban đầu không mấy quan tâm đến khu vực này, nhưng ngày càng chú ý đến tranh chấp ở Biển Đông nhiều hơn, với mục đích bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải.
Tuy nhiên, tiến sĩ Ryoko Nakao, giảng dậy tại đại học Kanazawa, được các tờ báo Á châu trích dẫn, lại tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng, có hai lý do khiến Tokyo nên phản ứng chừng mực trên hồ sơ Biển Đông. Thứ nhất Nhật Bản còn phải xem xét về mức độ thân thiện trong quan hệ giữa Tokyo với Manila kể từ khi tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên cầm quyền. Thứ hai là Nhật Bản cũng sẽ khó xử khi Tokyo vẫn tiếp tục chính sách săn bắt các voi bất chấp phán quyết của Tòa Án Công Lý Quốc Tế.
Tựu chung, theo giáo sư Ryoko Nakano, có nhiều khả năng Nhật sẽ lên tiếng nhưng chỉ nhắc lại những điều cơ bản như kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp lãnh thổ « theo luật pháp » quốc tế.
Bầu cử Thượng viện Nhật: Shinzo Abe có thể sửa đổi Hiến pháp chủ hòa
Trong cuộc bầu cử bán phần Thượng viện Nhật Bản, ngày hôm qua, 10/07/2016, Đảng Tự Do Dân Chủ (PLD) của thủ tướng Shinzo Abe và liên minh đã giành được thắng lợi lớn, có được 70 Thượng nghị sĩ trong số một nửa tổng số ghế (121) phải bầu lại.
Trong nửa phần còn lại, đảng này chiếm giữ 77 ghế. Như vậy, tổng cộng PLD và liên minh có được 147 ghế. Cộng với sự ủng hộ của một số đảng nhỏ khác, thủ tướng Shinzo Abe nghĩ rằng ông có đủ hai phần ba số Thượng nghị cần thiết để tiến hành sửa đổi bản Hiến pháp chủ hòa.Từ Tokyo, thông tín viên Frederic Charles nhận định :
« Chắc chắn thủ tướng Shinzo Abe sẽ tìm cách chấm dứt tình trạng được coi là đặc thù của Nhật Bản kể từ năm1947 đến nay : Đó là bản Hiến pháp chủ hòa. Đây là mối ám ảnh lớn nhất của ông cũng như của cánh hữu dân tộc chủ nghĩa đang rất muốn chia tay với bản Hiến pháp do Hoa Kỳ soạn thảo và áp đặt trong bối cảnh nước Nhật bại trận.
Ông Shinzo Abe sẽ tìm cách thuyết phục công luận rằng Nhật Bản sẽ trở thành một quốc gia có đầy đủ chủ quyền khi sửa đổi được bản Hiến pháp do lực lượng Mỹ chiếm đóng áp đặt và nhờ vậy, Nhật Bản sẽ trở thành một quốc gia bình thường như những nước khác.Đa số dân Nhật gắn bó với bản Hiến pháp chủ hòa, theo đó, nước Nhật từ bỏ tiến hành chiến tranh. Họ tự hào về quy chế bất bình thường này.
Với đầu óc thực tế, ông Shinzo Abe biết được điều này và ông đã tiến hành vận động tranh cử với nội dung chính là phục hồi kinh tế Nhật Bản. Nhiệm kỳ của ông chỉ còn có hai năm nữa, quá ngắn để sửa đổi điều 9 trong bản Hiến pháp quy định là nước Nhật từ bỏ tiến hành chiến tranh. Ông Shinzo Abe sẽ tìm cách thuyết phục công luận theo hướng : nước Nhật có thiện ý chứ không phải bắt buộc từ bỏ tiến hành chiến tranh.
Trung Quốc không bao giờ quên chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, đã có phản ứng. Bắc Kinh nhìn thấy trong thắng lợi của ông Shinzo Abe có yếu tố gây mất ổn định khu vực ».