Tin khắp nơi – 10/07/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Biểu tình sau vụ cảnh sát Mỹ bắn người

Biểu tình tiếp tục lan rộng ở Hoa Kỳ nhằm phản đối vụ cảnh sát bắn chết người da đen ở bang Minnesota và Louisiana.

Nhiều đường phố bị chặn ở Minnesota, trong lúc các thành viên Đảng Báo Đen Mới đối đầu với cảnh sát ở Baton Rouge, Louisiana.

Tuy đa số các cuộc tuần hành ôn hòa nhưng hàng chục vụ bắt bớ cũng đã diễn ra.

Tình hình ở Dallas vẫn căng thẳng. Đây là nơi năm cảnh sát bị một người da đen ám sát trong cuộc biểu tình.

Mức báo động an ninh được nâng cao ở sở cảnh sát sau khi có nhiều đe dọa nặc danh được đưa ra. Tuy nhiên khám xét ở bãi đậu xe cảnh sát nhằm tìm “một người đáng nghi” không tìm thấy gì.

Biểu tình phản đối cảnh sát giết hại dân thường nổ ra sau cái chết của Philando Castile ở Minnesota và Alton Sterling ở Louisiana.

Ở St Paul, Minnesota, đêm qua, cảnh sát bị ném pháo hoa, chai lọ và gạch đá trong cuộc biểu tình gần đường xa lộ liên bang, gây tắc nghẽn.

Giơ nắm đấm

“Đây là đêm thứ năm xảy ra biểu tình ở Baton Rouge, nơi không chỉ có sự giận dữ mà có cả cơn thịnh nộ”, theo phân tích của Laura Bicker, phóng viên của BBC từ Baton Rouge:

“Mỗi đêm, cuộc tụ tập lại căng thẳng hơn và cảnh sát đáp lại bằng các lực lượng được vũ trang chống bạo loạn.

“Hai bên đối mặt, thường là chặn nhau ở đường cao tốc chính bên ngoài trụ sở cảnh sát.

“Đôi khi lực lượng chính quyền dàn hàng ngang và lao vào đám đông bắt giữ một số người.

“Trước đó, hàng trăm người tuần hành tới tòa nhà Louisiana State Capitol và đứng trên bậc thềm với nắm tay siết chặt giơ cao – cách chào biểu tượng của sức mạnh người da đen,” phóng viên của chúng tôi phân tích.

Đối mặt

Lực lượng chức năng nói một số cảnh sát bị thương do pháo hoa và đã thực hiện một số bắt giữ. Người biểu tình cho biết cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su.

Ở Baton Rouge, hàng trăm người biểu tình tập trung bên ngoài sở cảnh sát cũng như ở cửa hàng nơi Alton Sterling bị bắn chết và cùng hô lên: “Không có công lý! Thì không có hòa bình!”

Căng thẳng gia tăng khi các thành viên có vũ trang của Đảng Báo Đen Mới đứng đối mặt với cảnh sát trang bị chống bạo động. Luật pháp ở Louisiana cho phép tự do mang vũ khí.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng nước Mỹ không chia rẽ như một số người nói.Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Người biểu tình Lorena Ambrosio nói với hãng tin Reuters: “Tôi thấy mình bị ám ảnh, tôi rất buồn và giận dữ khi thấy xác chết của người da đen ngày càng chồng chất.”

Các cuộc biểu tình khác cũng diễn ra ở Nashville, Indianapolis và thủ đô Washington, tuy Tổng thống Obama đã nỗ lực làm giảm căng thẳng.

Trong chuyến đi châu Âu, ông nói: “Trước hết, dù tuần này có đau buồn tới đâu đi nữa, tôi tin tưởng chắc chắn rằng nước Mỹ không chia rẽ như một số người nói.

“Chúng ta bắt đầu cho rằng có sự phân cực khổng lồ này, và chúng ta đang quay trở lại tình huống thời những năm 60, điều đó là không đúng. Chúng ta không thấy có bạo loạn và chúng ta không thấy cảnh sát bắt bớ những người biểu tình ôn hòa.”

Hôm thứ Năm 07/07, năm sĩ quan cảnh sát da trắng bị bắn chết bởi một người da đen tên là Micah Johnson, trong một cuộc biểu tình nhằm phản đối việc cảnh sát giết người da đen.

Hai người chết trong tuần vừa qua đã dẫn đến biểu tình lan rộng tại Hoa Kỳ.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160710_police_shooting_protests_arrests

 

Anh gửi 50 binh sỹ tới Afghanistan

Anh sắp gửi 50 nhân viên quân sự tới Afghanistan để đào tạo và tư vấn cho các lực lượng an ninh ở quốc gia châu Á này.

Họ sẽ gia nhập số 450 binh lính Anh hiện diện tại Afghanistan – và sẽ hỗ trợ các nỗ lực chống khủng bố và cung cấp các hoạt động đào tạo, huấn luyện lãnh đạo.

Giới chức nói các binh sĩ sẽ không được tham gia vào các hoạt động chiến đấu chống Taliban.

Theo lịch trình, quân Anh sẽ rời khỏi Afghanistan trong năm nay nhưng hiện thời hạn này đã được gia hạn tới năm 2017.

Anh sẽ không giảm thiểu vai trò trên thế giới. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi sử dụng sức mạnh của mình, kể cả thông qua Nato, để truyền bá các giá trị của Anh và những điều mà chúng tôi xác tínThủ tướng Anh David Cameron

Thông báo về việc triển khai binh sỹ tại một hội nghị thượng đỉnh NATO tại Warsaw, ông Cameron nói rằng điều cần thiết mà Nato tiếp tục làm là “làm việc với chính phủ Afghanistan và các lực lượng an ninh Afghanistan để giúp giữ đưa những kẻ khủng bố ra khỏi nước này”.

Ông cho biết “Anh sẽ làm nhiều hơn để đào tạo cán bộ ở Afghanistan”, trong khi triển khai “thêm 50 nhân viên để cung cấp thêm huấn luyện, đặc biệt là cho lực lượng không quân Afghanistan”.

Ông cũng thông báo các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu về việc thay thế các tàu ngầm lâu niên mang hệ thống tên lửa hạt nhân Trident vào ngày 18 tháng Bảy.

Không giảm vai trò

Thông báo này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố trong tuần này về việc làm chậm lại quá trình rút quân Mỹ khỏi Afghanistan.

Trong số quân bổ sung được Anh triển khai, 21 người sẽ tham gia vào nhiệm vụ chống khủng bố, 15 người tham phát triển lãnh đạo tại học viện đào tạo sĩ quan quân đội Afghanistan và 13 người sẽ tham gia hỗ trợ sứ mệnh của Nato.

Ngoài ra, Anh là gia hạn khoản tài trợ trị giá 70 triệu Bảng một năm cho các lực lượng an ninh Afghanistan đến năm 2020, cam kết thêm 178 triệu Bảng bổ sung cho chính phủ Afghanistan của Tổng thống Ashraf Ghani.

Ông Cameron cho biết việc triển khai nhấn mạnh quyết tâm của ông rằng nước Anh cần tiếp tục đóng một vai trò hàng đầu trên trường thế giới bất chấp cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh châu Âu.

“Anh sẽ không giảm thiểu vai trò trên thế giới.

“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi sử dụng sức mạnh của mình, kể cả thông qua Nato, để truyền bá các giá trị của Anh và những điều mà chúng tôi xác tín”, ông Cameron nói thêm.

Thủ tướng Anh cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Obama đã nói với ông là nước Anh sẽ tiếp tục là một đồng minh tin cậy, mạnh mẽ bên ngoài Liên minh châu Âu.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160710_uk_to_send_troops_to_afghanistan

 

TQ: ngoại giao công chúng ‘chưa thành công’

Chiến lược ngoại giao công chúng của Trung Quốc nhằm định hình nhận thức của quốc tế trước phán quyết của tòa trọng tài, nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISAS tại Đại học Quốc gia Singapore nói.

Ông Rajeev Ranjan Chaturvedy bình luận với BBC Tiếng Việt trước khi Tòa trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague công bố phán quyết vào ngày 12/7 sắp tới:

“Việc Trung Quốc nỗ lực thể hiện quan điểm coi phán quyết của Tòa trọng tài là không có giá trị là một phần trong chiến lược ngoại giao công chúng của nước này.

“Ngoại giao công chúng là công cụ đầy sức mạnh để để định hình nhận thức của cộng đồng quốc tế và tập hợp những ủng hộ quốc tế dành cho quốc gia đó,” ông giải thích về hành động Trung Quốc.

Thái độ bất chấp phán quyết sẽ cho thấy sự nước đôi trong lời nói và hành động của Trung QuốcNhà nghiên cứu Rajeev Ranjan Chaturvedy

“Song song với việc tiến hành tất cả các biện pháp nội bộ để xử lý vấn đề , Trung Quốc cũng tranh thủ tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia bạn bè. Nỗ lực của Trung Quốc nhằm để tránh né và làm mờ nhạt tính hợp pháp của phán quyết này thông qua ủng hộ trong khu vực và quốc tế,” ông Rajeev nhận định

Những ngày vừa qua, trước thềm phán quyết của Tòa trọng tài PCA, Trung Quốc tiến hành tập trận gần quần đảo Hoàng Sa.

Các đại sứ Trung Quốc liên tục đăng nhiều bài viết nói về chủ quyền của nước này trên báo chí, truyền thông quốc tế. Nhà nghiên cứu từ viện ISAS gọi đây là “ngoại giao công chúng”.

‘Nước đôi’

“Tuy nhiên cho tới giờ, Trung Quốc chưa thành công lắm trong việc thuyết phục các quốc gia xung quanh và các nước lớn về lập trường của mình trên Biển Đông,” ông nhận định.

“Phán quyết của tòa có giá trị pháp lý nhưng không thể áp đặt hành động của Trung Quốc, vốn ngay từ đầu đã từ chối quyền tài phán của tòa. Bắc Kinh có thể sẽ cố dạy cho Manila và các nước xung quanh một bài học và tăng cường ảnh hưởng chiến lược hơn nữa.”

“Nếu Trung Quốc không tuân thủ phán quyết, như bây giờ ta đang thấy, điều này có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của họ. Thái độ bất chấp phán quyết sẽ cho thấy sự nước đôi trong lời nói và hành động của Trung Quốc, dẫn đến những tổn thất không thể khắc phục trong mối quan hệ Trung Quốc – Asean.

“Việc nước này tăng cường chế giễu quyết định của tòa qua các kênh chính thức và không chính thức đều sẽ làm phức tạp thêm tình hình và tăng nguy cơ xảy ra đối đầu.”

‘Khẩu chiến’

Nguy cơ chính là ở Biển Đông một sự việc nhỏ trên biển cũng có nguy cơ dẫn đến xô xát quân sự và leo thang thành căng thẳng. Song những động thái như vậy có lẽ sẽ chỉ xảy ra sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tớiNhà nghiên cứu Rajeev Ranjan Chaturvedy

“Phán quyết có thể khuyến khích những quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trong khu vực này tạo ra các thách thức pháp lý với Trung Quốc. Nhu cầu bức thiết là phải có phương pháp phòng tránh khủng hoảng và cơ chế xuống thang căng thẳng.”Các nước lớn và các tổ chức tầm khu vực có thể gây áp lực ngoại giao bằng các biện pháp xây dựng lòng tin hàng hải và có lẽ thiết lập đường dây nóng giữa Trung Quốc và các nước lớn.”

Khi được hỏi về những vấn đề nảy sinh sau phán quyết của tòa PCA, mà dư luận cho là có thể có lợi cho Philippines hơn, ông Chaturvedy nói:

“Tôi không tin sẽ có chiến tranh, dù là kịch bản xấu nhất. Cả Trung Quốc và Philippines đều đã có đủ vấn đề nội bộ và nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang rất hạn chế.”

“Sẽ khó có đột phá nào trong tranh chấp Biển Đông trong vài năm tới, dù tranh chấp này sẽ có thể là một trong những trường hợp tồi tệ nhất đe dọa hòa bình và an ninh khu vực.”

“Trung Quốc có thể thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và xây dựng các căn cứ mới, Hoa Kỳ cũng có thể tăng cường các hoạt động tự do hàng hải.

“Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể sẽ có va chạm nhau, dẫn đến những cuộc khẩu chiến và phô diễn sức mạnh quân sự.

“Tuy nhiên, nguy cơ chính là ở Biển Đông một sự việc nhỏ trên biển cũng có nguy cơ dẫn đến xô xát quân sự và leo thang thành căng thẳng.

“Song những động thái như vậy có lẽ sẽ chỉ xảy ra sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới,” nhà nghiên cứu người Ấn Độ từ Singapore nói với BBC.

Mời quý vị tham khảothêm về Ý nghĩa phán quyết vụ kiện Biển Đông tại đây

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/07/160710_scs_china_public_diplomacy

 

Campuchia: nhà hoạt động bị bắn chết

Ông Kem Ley, nhà bình luận chính trị và chỉ trích chính quyền Campuchia bị bắn chết, theo truyền thông nước này.

Báo chí dẫn lời cảnh sát nói ông bị sát hại tại một trạm xăng ở thủ đô Phnom Penh và vẫn chưa rõ động cơ vụ tấn công.

Một nghi phạm bị bắt giữ sau đó, vẫn theo truyền thông.

Ông Kem Ley tham gia các nhóm hoạt động ở cấp cơ sở, thường lên tiếng chỉ trích chính quyền Thủ tướng Hun Sen.

Hơn hai thập niên

Campuchia trở thành quốc gia dân chủ đa đảng từ năm 1993 nhưng các nhóm đối lập cáo buộc thủ tướng điều hành hệ thống độc đoán và bạo lực.

Ông Hun Sen, lãnh đạo Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), đã dẫn dắt đất nước này trong hơn hai thập niên.

CPP thắng trong cuộc tổng tuyển cử gây tranh cãi năm 2013, với 68 ghế so với 55 ghế của phe đối lập là Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP).

CNRP ban đầu tẩy chay các vị trí ở quốc hội nhưng sau đó đã đạt được thỏa thuận với CPP.

Hồi tháng 7/2014, biểu tình nổ ra sau khi chính quyền quyết định đóng Công viên Tự do, dẫn tới xung đột bạo lực.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160710_cambodia_activist_shot_dead

 

Cảnh sát siết an ninh sau bắn tỉa Dallas

Cảnh sát Dallas đưa ra tín hiệu an toàn, nhiều giờ sau khi mức độ an ninh được nâng lên tại trụ sở cảnh sát trong thành phố.

Họ nói đã nhận được một đe dọa nặc danh, hai ngày sau khi 5 cảnh sát bị giết.

Một bãi đậu xe gần đó đã được lục soát để tìm “người tình nghi” nhưng không tìm thấy gì. Lực lượng đặc nhiệm SWAT trước đó đã được triển khai tại tòa nhà trụ sở chính.

Hôm thứ Năm, năm sĩ quan cảnh sát da trắng bị bắn chết bởi một người da đen tên Micah Johnson, trong một cuộc biểu tình.

Cuộc tuần hành nhằm chống lại việc cảnh sát giết người da đen. Hai người chết trong tuần đã dẫn đến biểu tình toàn quốc tại Hoa Kỳ.

Cảnh sát Dallas nói sĩ quan có sử dụng chó nghiệp vụ đã lục soát bãi đậu xe nhưng hóa ra chẳng có gì.

Trong một thông cáo trước đó hôm thứ Bảy 9/7, cảnh sát nói: “Phòng cảnh sát Dallas nhận được một đe dọa nặc danh chống lại lực lượng hành pháp khắp thành phố và đã tiến hành các biện pháp phòng bị nhằm thắt chặt an ninh.”

Một xe có vũ trang đã được đưa lại gần trụ sở chính ở trung tâm Dallas và các cảnh sát có vũ trang hạng nặng được người ta thấy trong khu vực, theo hãng tin AP tường thuật.

Nhưng AP nói người dân vẫn có thể đi bộ tự do xung quanh tòa nhà.

Cảnh sát yêu cầu phóng viên ngừng tất cả tường thuật trực tiếp xung quanh trụ sở chính “vì an toàn của các sĩ quan của chúng tôi,” phóng viên James Cook của BBC tường thuật.

Vụ xả súng xảy ra cuối ngày thứ Năm trong lúc diễn ra biểu tình.

John, người đã bị giết trong cuộc xung đột, ủng hộ các nhóm dân quân người da đen ủng hộ bạo lực chống cảnh sát.

Cảnh sát trưởng Dallas David Brown nói Johnson đã nói với một người đàm phán rằng ông ta muốn giết người da trắng, đặc biệt là cảnh sát da trắng, vì ông giận dữ với các vụ bắn người da đen gần đây do cảnh sát gây ra.

Vụ tấn công xảy ra sau khi cảnh sát bắn chết Philando Castile ở Minnesota và Alton Sterling ở Louisiana.

“Thể hiện sự đoàn kết”

Trước đó, hôm Thứ Bảy 9/7, Tổng thống Barack Obama nói Hoa Kỳ “không chia rẽ như nhiều người nói” khi đề cập đén các vụ bắn giết liên quan đến người Mỹ gốc Phi.

Ông nói người Mỹ là “tất cả các dân tộc, tất cả xuất thân”, bao gồm rất nhiều người đang biểu tình, đều bị choáng vì vụ giết người ở Dallas.

Ngoài 5 cảnh sát thiệt mạng, bảy người khác cũng bị thương hôm Thứ Năm 7/7. Hai công dân cũng bị thương.

Johnson 25 tuổi, theo cảnh sát cho biết người này hành động đơn độc. Tay súng đã bị giết bởi chất nổ điều khiển từ xa đưa vào bãi đậu xe nơi hắn ẩn nấp sau khi xả súng.

Tên này là thành viên của Lực lượng Dự bị Lục quân Hoa Kỳ từ năm 2009 – 2015, và đã từng phục vụ ở Afghanistan.

Thiết bị chế tạo bom, súng trường và tạp chí chiến trường được tìm thấy trong căn hộ của tay súng ở ngoại ô Dallas tại Mesquite.

Một số vụ tấn công bằng súng liên quan đến cảnh sát và dân thường đã xảy ra ở một số nơi tại Hoa Kỳ sau khi hai người da đen bị bắn chết tại Minnesota và Louisiana.

Lãnh đạo của tổ chức Black Lives Matter đã lên án vụ xả súng ở Dallas nhưng nói các cuộc tuần hành đã lên kế hoạch, trong đó có “Cuối tuần Giận dữ” ở Philadelphia vẫn sẽ được tiến hành.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160710_dallas_shootings_all_clear

 

Đại sứ Trung Quốc viết báo về Biển Đông

Rebecca BaileyBBC News

Trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực sắp ra phán quyết về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông, các đại sứ Trung Quốc đã viết hàng loạt bài trên các báo nước ngoài suốt vài tháng qua.

Phán quyết của vụ Philippines kiện được nhiều người trông đợi sẽ không có lợi cho Trung Quốc, nhưng cũng không ngăn được các đại sứ nước này cố gắng thuyết phục thế giới là Trung Quốc đã đúng.

Các hãng truyền thông nói tiếng Anh của Trung Quốc đã công bố một video tiếng Anh dễ thương giải thích về lịch sử khu vực và có cả các chuyên mục trên website dành cho phân tích và thảo luận về vấn đề này.

Nhưng vài tháng qua, các đại sứ Trung Quốc khắp thế giới cũng nhắm vào báo chí nước ngoài, viết bài có ký tên đăng trên các tờ báo quốc gia để nói về trường hợp của Trung Quốc.

Phán quyết về Biển Đông của Tòa trọng tài

Philippines đã đưa vụ kiện lên Tòa trọng tài thường trực tại The Hague yêu cầu phán quyết kỹ thuật về phạm vi lãnh hải có thể tuyên bố chủ quyền trên cơ sở việc sở hữu các khu vực bờ biển, đảo và rạn san hô.

Phán quyết được trông đợi không có lợi cho Trung Quốc, và thậm chí có thể đi xa đến mức vô hiệu hóa toàn bộ tuyên bố đường chín đoạn của nước này, chiếm đến 90% khu vực biển tranh chấp.

Trung Quốc nói không tham gia vào phiên tòa và cũng không công nhận thẩm quyền của Tòa thường trực.

‘Toàn cầu’

Các bài báo không giống hệt nhau, mặc dù công bằng mà nói chúng khá giống nhau. Không có gì đáng ngạc nhiên, các bài báo trung thành nghiêm ngặt với quan điểm của chính phủ [Trung Quốc] trong tranh chấp.

Có lẽ cũng không có gì sốc lắm khi các đại sứ Trung Quốc tại các quốc gia như Hoa Kỳ và Úc cố gắng khiến người dân quốc gia sở tại quan tâm đến vụ kiện mà họ liên quan. Họ đã từng làm vậy trong quá khứ, vì thế cũng dễ hiểu với phán quyết sắp tới vào ngày 12/7, họ cũng sẽ làm vậy.

Bạn có thể tự hỏi điều gì sẽ tác động đến các quốc gia nhỏ như Cyprus, cách xa hàng ngàn dặm so với vụ việc.

Vậy vấn đề ở đây là gì? Cuối cùng thì, công việc của một đại sứ vẫn là tuyên truyền về lợi ích quốc gia khi ở nước ngoài.

“Trong quá khứ, đã từng có những đợt tăng cường truyền thông như vậy, nhưng thường chỉ vào dịp các lãnh đạo Trung Quốc đến thăm quốc gia nào đó. Rất hiếm khi xuất hiện kiểu tiếp cận toàn cầu thế này,” Giáo sư Kerry Brown, một chuyên gia chính trị Trung Quốc từ trường King’s College London nói.

“Gần như chắc chắn là một đợt thúc đẩy có phối hợp từ trung tâm để đại sứ và các đại diện viết các bài báo đó, và tích cực đưa ra những thông điệp như vậy.”

BBC liên lạc với nhiều đại sứ Trung Quốc để hỏi liệu đó có phải là các bài báo được trả tiền không nhưng không nhận được phản ứng nào.

Theo mẫu?

Rất nhiều bài báo bắt đầu với quan sát tổng thể như sau: “Ngày nay vấn đề Biển Đông là một chủ đề nóng với truyền thông quốc tế” (đăng trên báo Fiji Sun) hoặc thế này: “Gần đây, vấn đề Biển Đông được quốc tế chú ý đến” (Từ Cyprus Mail)

Sau đó các bài báo đi đến các luận điểm:

– Có sự thông tin sai/hiểu sai về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc – Các hòn đảo (Trung Quốc gọi là Nam Sa) đã là của Trung Quốc từ thời cổ đại – Quá trình kiện lên tòa trọng tài đơn phương do Philippines tiến hành – Về mặt song phương, đàm phán tại địa phương vẫn đang được tiến hành – Chủ quyền lãnh thổ không nằm trong phạm vi của Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Một số bài viết có kết cấu như bài luận, trong khi một số khác được viết chia thành nhiều luận điểm.

Các bài báo làm người ta thấy như được viết theo mẫu sẵn, nhưng chúng phải như vậy vì tuân thủ chặt chẽ giọng điệu của chính phủ về vấn đề, vốn có thể trở thành vấn đề nhạy cảm.

Có một vài phiên bản khác tùy theo khu vực – Đại sứ Trung Quốc ở Anh, ông Lưu Hiểu Minh, đến mức quả quyết khi ông cảnh báo “Hãy ngừng đùa với lửa trên Biển Đông”, trên bài báo xuất hiện ở tờ Star của Malaysia kêu gọi cách tiếp cận của Malaysia với vấn đề Biển Đông nên được coi như mẫu mực với các tranh chấp khác. (Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền các đảo trong khu vực nhưng ít ồn ào hơn so với các quốc gia như Philippines.)

Các bài báo trên phù hợp với khuôn mẫu rộng hơn là Trung Quốc muốn cho thấy ý kiến quốc tế đang đứng về phía họ – hay ít nhất là, một vài trong số đó.

Trung Quốc cũng không có vẻ chọn lọc lắm với những ai ủng hộ mình trong tranh chấp Biển Đông – chính phủ nước này nói có hơn 40 quốc gia đã ủng hộ Trung Quốc.

Danh sách gồm nhiều quốc gia ở xa và đa dạng về khu vực như Sierra Leone và Slovenia.

“[Các bài báo này] trước hết cho thấy Trung Quốc lo lắng đến thế nào về tác động của phán quyết khi được công bố, và cho thấy họ đã nỗ lực tích cực đến mức nào để sử dụng báo chí và truyền thông phương Tây để đưa điệp của họ đi,” Giáo sư Kerry Brown nói.

“Tôi ngờ rằng chúng ta sẽ còn thấy nhiều bài như vậy hơn nữa.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160710_scs_china_foreign_media

 

Khám phá vũ trụ bằng tàu ngầm

Marcus Woo

Trong tất cả những phi thuyền được thiết kế để khám phá Hệ Mặt Trời, có lẽ đây là chiếc thú vị nhất. Nó không phải là phi thuyền mà là một tàu ngầm – với hình dáng một quả ngư lôi.

Tuy nhiên, không giống như những chiếc tàu ngầm khác, nó được thiết kế để khám phá những vùng biển ở các hành tinh khác.

Điểm đến là Titan, mặt trăng lớn nhất của Sao Thổ và là nơi duy nhất bên ngoài Hệ Mặt Trời có nhiều chất lỏng trên bề mặt.

Trong khi các đại dương của Trái Đất chứa đầy nước, đại dương ở Titan lại tràn ngập chất lỏng methane và ethane – những thứ mà ở Trái Đất ấm áp thường tồn tại dưới dạng khí.

Titan rất lạnh, khoảng âm 180 độ, đến nỗi những chất ở dạng chất lỏng này tạo nên các môi trường có thể chứa sự sống.

Những nơi tiềm năng để triển khai tàu ngầm này sẽ là một số trong nhiều hồ và đại dương lớn của Titan.

Đại dương lớn nhất là Kraken Mare. Không ai biết nó sâu bao nhiêu, nhưng nhiều khả năng sẽ từ khoảng vài trăm mét và diện tích khoảng 400 nghìn cây số vuông, lớn hơn năm lần so với Hồ Superior ở Bắc Mỹ.

Khó có khả năng chúng ta sẽ tìm thấy cá ngoài hành tinh đang bơi ở Kraken Mare. Thế nhưng có thể có những vi sinh vật. Trong lúc tìm kiếm sự sống, chiếc tàu ngầm sẽ phải đi qua những vùng nước lạ (hay nói đúng hơn là những vùng chất lỏng methane), khám phá thế giới ngoài hành tinh theo cách hoàn toàn khác.

Tàu vũ trụ đầu tiên và cho đến nay là duy nhất từng đáp xuống Titan là tàu thám hiểm European Huygens của châu Âu, vốn đã thu thập được dữ liệu về khí quyển và các đám mây của nơi này trong chuyến hạ cánh hồi 2005.

Hơn một thập niên qua, phi thuyền Cassini của Nasa đã nghiên cứu hệ thống Sao Thổ và Titan, tìm hiểu các biển của nó bằng radar và thu thập các dữ liệu căn bản về bề mặt chất lỏng.

Nhưng độ sâu của các vùng biển có chất lỏng này thì chưa được khám phá.

“Chúng tôi không biết có gì ở đó,” Steve Oleson, một kỹ sư tại Trung Tâm Nghiên cứu Glenn của Nasa, hiện đang dẫn đầu quy trình thiết kế tàu ngầm, nói.

“Chúng tôi có thể gửi tới một chiếc thuyền, nhưng hãy nghĩ đến khi con người khám phá đại dương. Chúng ta không biết ở dưới đáy là gì.”

Chiếc tàu ngầm chỉ mới ở giai đoạn lên ý tưởng. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã hoàn thành giai đoạn một của việc nghiên cứu – thiết kế hình dạng của chiếc tàu ngầm. Họ đã dựng lên một mẫu tàu dài sáu mét có thể thám hiểm 3.000 cây số của Kraken Mare trong 90 ngày, với tốc độ 1km/giờ.

Tuy nhiên, khả năng khám phá nhiều địa điểm và môi trường là thế mạnh của tàu ngầm. Tàu tự hành Mars Opportunity chỉ đi được chưa tới 45km, và nó hoạt động đến nay đã được 12 năm.

Tàu ngầm có thể khám phá phần trầm tích ở đáy biển và xem các thành phần chất trong biển thay đổi thế nào theo độ sâu. Nó có thể nghiên cứu thời tiết và bờ biển, tìm kiếm dấu hiệu của sự thay đổi mực nước biển và những tung tích về lịch sử thời tiết của Titan.

Nó sẽ nghiên cứu các chất và địa hình trong một thế giới giống với Trái Đất hơn bất cứ nơi nào trong Hệ Mặt Trời.

Titan và Trái Đất là hai thế giới duy nhất trong Hệ Mặt Trời có mưa rơi xuống bề mặt, lấp đầy các hồ và các biển được kết nối bởi các dòng sông và sông nhánh. Trong khi đó, khí quyển của Sao Hoả hoặc Sao Kim rất nhiều gas. Áp lực khí quyển của Titan chỉ lớn hơn Trái Đất một lần rưỡi tính ở mức ngang mực nước biển.

“Về cơ bản, con người có thể bước đi trên bề mặt của Titan với áo parka dày và mặt nạ dưỡng khí,” Ralph Lorenz, một nhà khoa học hành tinh tại Đại học Johns Hopkins, nói.

Thế nhưng đó chưa phải là những thứ thú vị nhất.

Sự sống mà chúng ta biết đến yêu cầu nước ở dạng lỏng, và các nhà khoa học nghĩ chúng ta cần một loại chất lỏng – như methane lỏng – để tạo tiền đề cho sự sống.

“Về vấn đề điều này có hiệu quả hay không, đây không phải là câu hỏi mà chỉ suy luận và lý thuyết suông thì sẽ không thể giải quyết được,” Jason Barnes, một nhà khoa học hành tinh ở Đại học Idaho, nói.

“Chúng ta cần bước ra ngoài đó và đo đạc, thử nghiệm để biết được.”

Một trong những giải pháp là tìm kiếm những mẫu hoá chất có thể xác nhận sự sống. Ví dụ, phân tử tạo thành các khối protein, được gọi là acid amino, có các kết cấu là hình ảnh phản chiếu của nhau. Một acid amino có thể thuận tay trái hoặc phải, Loen giải thích, và những gì liên quan tới sự sống trên Trái Đất đều thuận tay phải.

Lý thuyết ở đây là việc tìm ra một acid amino thuận tay trái hay phải ở biển trên Titan có thể là dấu hiệu của sự sống, Lorenz nói.

Kế hoạch hiện nay là để cho chiếc tàu ngầm khám phá Titan một mình. Nhưng các nhà khoa học có thể sẽ gửi một tàu vũ trụ bay theo quỹ đạo để gửi tín hiệu và thông tin liên lạc về Trái Đất. Nhóm nghiên cứu sẽ cần phải suy nghĩ cách để đưa tàu ngầm đến đó.

Hiện nay, họ cho rằng có thể để tàu ngầm bên trong một phi thuyền vũ trụ cỡ nhỏ, như chiếc Boeing X-37. Khí quyển của Titan đủ dày để phi thuyền có thể trượt xuống Kraken Mare, sau đó phi thuyền sẽ chìm xuống nước khi thả tàu ngầm ra.

Hiện nhóm nghiên cứu vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức về kỹ thuật. Ví dụ, nitrogen tan trong biển, như carbon dioxide trong một ly Coke. Quan ngại ở đây là độ ấm của máy cung cấp ngăn lượng của tàu ngầm sẽ khiến nitrogen sủi lên.

“Nếu nó sủi lên chỉ cần một chút, nghiên cứu của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng,” Oleson nói.

Thế nhưng vẫn còn khá nhiều thời gian để tìm ra câu trả lời.

Nếu dự án tàu ngầm thành công, chúng tao sẽ phải đợi đến năm 2040 nó mới đi vào hoạt động. Nó sẽ khám phá Kraken Mare vào khoảng giữa thập niên 2040, vào mùa hè ở Titan, khi mặt trời chiếu sáng cả ngày và khi một đường dây liên lạc trực tiếp với Trái Đất đã được thiết lập.

Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.

http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/07/160710_the-space-submarine-hunting-the-solar-system-for-aliens_vert_fut

 

Vụ thử tên lửa của Bắc Hàn ‘đe dọa nghiêm trọng’ thế giới

Chỉ huy chiến dịch quân sự của NATO nói rằng vụ thử tên lửa mới nhất của Bắc Hàn là một “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với khu vực Thái Bình Dương cũng như toàn thế giới.

Bắc Hàn thực hiện vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm cuối ngày 8/7 từ thành phố cảng Sinpo.

Các chỉ dấu ban đầu cho thấy tên lửa dường như đã rơi xuống vùng Biển Nhật Bản.

Trong khi đó, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc nói rằng động cơ tên lửa đã được kích hoạt, nhưng phát nổ ở độ cao khoảng 10 km trên không trung.

Một vụ phóng thử tên lửa tương tự mà Bắc Hàn thực hiện hồi tháng Tư cũng thất bại.

Nói với các phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw, Ba Lan, hôm 9/7, Tướng Curtis M. Scaparrotti của Mỹ, Chỉ huy lực lượng đồng minh tối cao ở châu Âu (SACEUR) thuộc NATO, nói rằng Bắc Hàn hiện sử dụng tên lửa Musudon với tầm bắn trong khu vực, nhưng có thể học hỏi từ các vụ phóng tên lửa này để áp dụng cho các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Khi được hỏi liệu ông có quan ngại về khả năng một tên lửa của Bắc Hàn có thể đánh trúng Hoa Kỳ, vị tướng này nói là “có”.

Vụ phóng tên lửa của Bắc Hàn được thực hiện một ngày sau khi Hoa Kỳ và Hàn Quốc thông báo kế hoạch triển khai một hệ thống phòng thủ có tên viết tắt là THAAD trên bán đảo Triều Tiên để đề phòng các chương trình phát triển phi đạn đạn đạo và hạt nhân tiếp diễn của Bắc Hàn.

Trung Quốc, Nga và Bắc Hàn hôm 8/7 phản đối mạnh mẽ việc triển khai hệ thống THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc, đồng thời kêu gọi hai nước ngưng việc này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu đại sứ Hàn Quốc và Mỹ tới để phản đối.

Bắc Kinh cũng đồng thời thúc giục đồng minh Bắc Hàn trở lại bàn đàm phán và từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ và các bảo đảm về an ninh.

http://www.voatiengviet.com/a/vu-phong-ten-lua-cua-bac-han-de-doa-toan-the-gioi/3410750.html

 

Nga trả đũa, trục xuất hai nhà ngoại giao Mỹ

Nga cho biết họ đã trục xuất hai nhà ngoại giao Mỹ sau khi Hoa Kỳ có hành động tương tự tiếp theo sau một sự cố có liên hệ tới một nhà ngoại giao Mỹ và một nhân viên bảo vệ an ninh ở Moscow.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga công bố hôm nay nói các quan chức Mỹ đã bị trục xuất hồi tháng 6.

Thông báo của Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói rằng các nhân viên sứ quán Mỹ đã bị tuyên bố là “người mà sự hiện diện không được hoan nghênh” tại Nga vì những hoạt động không phù hợp với quy chế ngoại giao của họ.

Nga tố cáo những người này là nhân viên tình báo CIA.

Mỹ hôm 17/6 trục xuất hai nhà ngoại giao Nga để đáp trả vụ xô xát giữa cảnh sát Nga và một nhà ngoại giao Mỹ ở Moscow.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby hôm thứ Sáu nói rằng hai quan chức Nga không được nêu danh đã bị trục xuất gần 2 tuần lễ sau khi một nhân viên an ninh Nga tấn công một nhà ngoại giao Mỹ bên ngoài khuôn viên đại sứ quán Mỹ ở Moscow.

Một băng video phổ biến trên đài truyền hình nhà nước Nga NTV hồi đầu tuần chiếu cảnh một người đàn ông vừa bước ra khỏi một chiếc taxi ngay trước sứ quán và lập tức bị một nhân viên bảo vệ Nga tấn công, ngay sau khi nhân viên này bước ra khỏi chốt canh. Hai người vật lộn trên mặt đất một lúc trước khi người đàn ông bò vào được một cánh cửa của toà nhà.

Ông Kirby nói vụ tấn công diễn ra hôm 6/6 sau khi nhà ngoại giao Mỹ khai danh tính và nhân thân với nhân viên bảo vệ.

Ông Kirby nói: “Hành động tấn công này hoàn toàn vô cớ và đe doạ sự an toàn của nhân viên của chúng tôi.”

Trước đó trong tuần, một nữ phát ngôn viên Nga cáo buộc quan chức Mỹ là một nhân viên tình báo CIA chìm, đã từ chối không xác nhân danh tính mà còn đấm vào mặt của người bảo vệ.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói “thay vì nhân viên CIA mà được biết lúc đó đang cải trang, người ấy có thể là một kẻ khủng bố, một phần tử cực đoan hoặc một kẻ đánh bom tự sát.”

Ông Kirby bác bỏ lời tố cáo của Nga rằng người đàn ông trong cuộc là một nhân viên tình báo CIA.

Ông Kirby nói lập luận của Nga cho rằng viên cảnh sát lúc ấy đang bảo vệ sứ quán chống một người không biết danh tính, đơn giản là sai với sự thực”.

http://www.voatiengviet.com/a/nga-tra-dua-truc-xuat-hai-nha-ngoai-giao-my/3410721.html

 

Võ sĩ Tây Ban Nha bị bò tót húc chết

Một võ sĩ đấu bò người Tây Ban Nha đã bị bò tót húc chết hôm 9/7 trong trận đấu được truyền hình trực tiếp.

Victor Barrio, 29 tuổi, là một võ sĩ đấu bò tót chuyên nghiệp. Anh thiệt mạng vì bị sừng bò tót húc xuyên ngực trong trận đấu bò ở thị trấn Teruel ở miền đông Tây Ban Nha.

Đây là lần đầu tiên một võ sĩ đấu bò tót thiệt mạng ở Tây Ban Nha trong thế kỷ này.

Lần cuối cùng một võ sĩ bị bò húc chết ở Tây Ban Nha là vào năm 1985.

Máy quay truyền hình ghi lại cảnh con bò tót húc anh Barrio lên cao rồi sau đó liên tiếp dùng sừng đâm vào phía ngực phải của anh.

Theo tờ El Pais, trong thế kỷ trước, có 134 người, trong đó có 33 võ sĩ đấu bò, thiệt mạng vì bò tót ở Tây Ban Nha.

Hiện mỗi năm có khoảng 2 nghìn cuộc đấu bò tót diễn ra ở Tây Ban Nha, nhưng con số này đang có chiều hướng giảm, và một số nơi như Catalonia thậm chí còn cấm đấu bò tót.

Trong một vụ khác cũng xảy ra vào thứ Bảy, một người đàn ông đã tử vong trong khi chạy đua với bò tót ở Pedrequer.

Truyền thông Tây Ban Nha đưa tin rằng nạn nhân đang giúp một người khác thì bị bò húc vào họng và bụng.

Trong khi đó, trong lễ hội chạy đua với bò ở Pamplona hôm 9/7, một người đàn ông Nhật Bản 33 tuổi bị bò húc vào ngực, và một người Tây Ban Nha bị thương ở tay.

Ngoài ra, còn có 12 người khác cũng bị thương trong cuộc chạy đua với bò tót.

Theo Reuters, BBC, VOA

http://www.voatiengviet.com/a/vo-si-tay-ban-nha-bi-bo-huc-chet/3411096.html

 

Bão Nepartak tràn vào Trung Quốc

Một số vùng duyên hải của Trung Quốc hôm nay đã bị ảnh hưởng bởi mưa to, gió lớn và triều cường sau khi bão Nepartak đổ bộ vào tỉnh Phúc Kiến.

Theo cơ quan dự báo thời tiết của Trung Quốc, để tránh bão, hàng trăm nghìn người đã phải sơ tán trước khi bão ập vào thành phố duyên hải Thạch Sư với sức gió lên tới 100 km một giờ.

Truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin về những ngọn sóng cao tới 5 mét chiều 9/7, giờ địa phương.

Tại một số khu vực, giao thông công cộng, trong đó có đường sắt cao tốc, và hệ thống nước đã bị ảnh hưởng.

Hiện chưa có thông tin về thương vong. Theo dự báo, cơn bão sẽ suy yếu khi nó tràn sâu qua vùng Tuyền Châu. Hiện vẫn còn có các quan ngại về khả năng lở đất và lụt lội vì mưa to.

Ở phía đông Trung Quốc, trước đó, ít nhất hai người thiệt mạng và 72 người bị thương khi bão Nepartak tràn vào Đài Loan, gây ra mưa to và gió lớn, làm mất điện.

Còn tại Philippines, bão Nepartak gây lũ lụt hôm 8/7, khiến trường học và các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa.

Trong khi đó, theo báo chí trong nước, ngày 9/7, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thông báo tiếp tục hủy 3 chuyến bay đến Đài Loan, Trung Quốc.

Theo VOA, VTV

http://www.voatiengviet.com/a/bao-nepartak-tran-vao-trung-quoc/3410728.html

 

Đảng Lao động đối lập thừa nhận thua cuộc bầu cử toàn quốc ở Australia

Đảng Lao động đối lập của Australia hôm Chủ nhật đã thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử toàn quốc, 8 ngày sau khi cuộc đầu phiếu kết thúc.

Thủ lĩnh Đảng Lao động, ông Bill Shorten nói rằng ông tin rằng Thủ tướng Malcolm Turnbull và chính phủ liên minh của ông sẽ giành đủ số ghế để tiếp tục quyền hành.

Ông Shorten cho biết ông đã gọi điện chúc mừng ông Turnbull.

Ông Turbull sau đó nói rằng liên minh bảo thủ của ông sẽ tiếp tục nắm quyền trong nhiệm kỳ 3 năm lần thứ hai.

Tuy nhiên, trong lúc phiếu vẫn còn đang được kiểm, hiện chưa rõ liệu liên minh của ông Turnbull có giành đủ số ghế để thành lập chính phủ đa số hay không, hay buộc phải liên minh với các nhà lập pháp của các đảng độc lập và thiểu số để thành lập một chính phủ thiểu số.

Các đảng cần phải chiếm được ít nhất 76 trong tổng số 150 ghế ở Hạ viện thì mới thành lập được chính phủ đa số.

Do việc đi bỏ phiếu là bắt buộc tại Australia, rất nhiều cử tri đến phòng phiếu hôm thứ Bảy tuần trước để bỏ phiếu cho cuộc bầu cử liên bang. Cuộc bầu cử lần này có sự tham gia của một số đảng nhỏ, trong đó có một ứng cử viên của đảng Xanh và những đảng độc lập.

Mặc dù biến đổi khí hậu, di dân và giáo dục là những đề tài then chốt trong các cuộc vận động tranh cử, kinh tế dường như là yếu tố quyết định của kết quả bầu cử.

Việc Anh quốc rút khỏi Liên hiệp Âu châu đã gây ra xao động tại Australia, và các thủ lĩnh chính trị đặt vấn đề an ninh kinh tế làm trọng tâm của các cuộc vận động tranh cử.

http://www.voatiengviet.com/a/dang-lao-dong-doi-lap-thua-nhan-thua-cuoc-bau-cu-toan-quoc-o-australia/3411226.html

 

Nhật Bản bầu cử thượng viện

Cử tri Nhật Bản hôm nay đi bỏ phiếu bầu chọn một nửa số đại biểu cho Tham Nghị viện – tức là thượng viện ít quyền lực hơn của quốc hội nước này.

Liên minh đương quyền của Thủ tướng Shinzo Abe theo trông đợi sẽ giành chiến thắng, bất chấp những hoài nghi của cử tri về các chính sách kinh tế và ý định của ông Abe thay thế điều khoản từ bỏ quyền phát động chiến tranh trong hiến pháp hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai của Nhật Bản.

Ông Abe nêu rõ trong cuộc vận động tranh cử rằng chưa đủ thời gian để người dân cảm nhận được kết quả của chính sách tiền tệ của ông, được mệnh danh là “Abenomics.”

Ông Abe hôm thứ Bảy phát biểu tại Tokyo: “Abenomics chưa bao giờ thất bại, nhưng mới chỉ thực hiện được nửa đường. Việc mà tất cả chúng ta phải làm là thúc đẩy chính sách này một cách mạnh mẽ và vững vàng.”

Các nhà phê bình nói rằng bất chấp sự bất mãn đối với các chính sách tài chánh bảo thủ “Abenomics,” phe đối lập vẫn không có khả năng đưa ra các chính sách thuyết phục để thay thế.

Các nhà phân tích nói rằng nếu ông Abe giành được hai phần ba số ghế trở lên trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, ông sẽ có điều kiện sửa đổi hiến pháp chủ hòa hậu chiến tranh của Nhật Bản lần đầu tiên. Tuy nhiên cần phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý cho việc này, và nhiều người dân Nhật Bản vẫn ủng hộ chủ trương của hiến pháp hòa bình.

Một số người Nhật đồng ý với ông Abe rằng cần phải sửa đổi hiến pháp bởi vì lo sợ về khủng bố đang ngày càng tăng, cùng với nỗi lo về một nước Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và sự hung hãn của quân đội Trung Quốc.

Cuộc đầu phiếu hôm nay là cuộc bầu cử đầu tiên sau khi tuổi được đi bầu hạ từ 20 xuống 18 tuổi. Nhật Bản không xác định được số người thực sự đi bỏ phiếu trong tổng số hơn 2 triệu cử tri mới có quyền đi bầu, và họ sẽ bầu cho ai.

http://www.voatiengviet.com/a/nhat-ban-bau-cu-thuong-vien/3411191.html

 

Bị tràn ngập rác thải, Hồng Kông cáo giác Trung Quốc

Thụy My

Hôm nay, 10/07/2016, trưởng đặc khu Hồng Kông  tuyên bố số rác thải tràn ngập vùng duyên hải trong những tuần lễ gần đây là từ Trung Quốc. Ông cho biết sẽ thảo luận với chính quyền Quảng Châu để chấm dứt hiện tượng này.

Các nhà bảo vệ môi trường đã công bố trên mạng xã hội những hình ảnh bãi biển ngập đầy rác, trong đó có các chai lọ, bao bì nhựa mang nhãn hiệu bằng chữ Hoa giản thể, được sử dụng ở Hoa lục chứ không phải ở Hồng Kông.

Sau khi đi một vòng vùng duyên hải, ông Lương Chấn Anh nói với báo chí tại Đại Tự Sơn, hòn đảo lớn nhất Hồng Kông, rằng rác thải sinh hoạt từ Hoa lục tràn sang có thể do mưa lũ ở miền nam Trung Quốc trong những ngày gần đây. Lượng rác tăng cao gấp nhiều lần so với thường lệ khiến lực lượng công nhân vệ sinh Hồng Kông phải làm việc quá sức.

Ông Lương Chấn Anh tuyên bố : « Đây là tình thế đặc biệt, chúng tôi sẽ bàn bạc với chính quyền Quảng Châu ».

Bản thân Hồng Kông lâu nay cũng đã vất vả với vấn đề rác thải. Theo tổ chức phi chính phủ « HK Clean Up », lượng rác mỗi ngày tại đây lên đến trên 16.000 tấn, trong đó có 1,3 triệu chai nhựa, 1.000 tấn túi nhựa và một số lượng lớn bao bì đủ loại. Rác sinh hoạt từ các hộ gia đình được đổ vào các bãi rác đã quá tải.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160710-bi-tran-ngap-rac-thai-hong-kong-cao-giac-trung-quoc

 

Syria: Trực thăng Nga bị bắn rơi, hai phi công thiệt mạng

Tú Anh

Bộ Quốc Phòng Nga xác nhận hai phi công tử thương khi chiếc trực thăng võ trang Mi-25 bị phe nổi dậy ở Syria bắn hạ gần thành phố cổ Palmyra. Trong khi đó, chế độ Damas bị kiện trong hai vụ giết bác sĩ và nhà báo.

Theo một viên chức của bộ Quốc Phòng Nga được Interfax trích dẫn thì hôm thứ Bảy 09/07/2016, một chiếc trực thăng võ trang của Nga đang tấn công vào một toán chiến binh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech ở vùng Palmyra thì bị hết đạn và bị trúng đạn của phe thánh chiến. Trực thăng bị bốc cháy nhưng cố bay về được vùng do quân đội Damas kiểm soát. Cả hai phi công đều tử thương.

Mạng tuyên truyền Amak của Daech đăng tải hình ảnh chiếc trực thăng của Nga cháy thành than.

Trong khi đó, mặt trận Al Nostra – cánh tay nối dài của Al Qaida tại Syria, tỏ ra năng động hơn bao giờ hết. Chủ nhật 10/07, phe này cố phá chốt chặn của quân đội chính phủ Syria tại Aleppo, bất chấp thiệt hại nặng nề.

Bên lề thượng đỉnh NATO, nguyên thủ và thủ tướng các cường quốc Mỹ, Anh Pháp, Đức, Ý trong liên minh quốc tế chống Daech bày tỏ ưu tư trước thế đang lên của mặt trận Al Nostra tại Syria. Theo phân tích của các nhà lãnh đạo Tây phương thì Daech đang thua thấy rõ, nhưng ngược lại, Al Nostra càng ngày càng mạnh lên. Do vậy, họ quyết định phối hợp chống lại cánh tay nối dài của Al Qaida tại Syria để đề phòng « một nhóm khác » trỗi lên.

Chế độ Bachar al Assad bị kiện tội sát nhân

Trong khi đó, toà án Mỹ và Pháp nhận đơn kiện chính quyền Syria tội giết người.

Tại Paris, thân nhân bác sĩ Syria Hicham Abdul Rahman ,37 tuổi, chết trong nhà giam của chế độ Damas năm 2014, nộp đơn xin điều tra về tội tra tấn và giết người. Bác sĩ Hicham Abdul Rahman bị mật vụ Syria bắt giam sau khi ông chăm sóc những người biểu tình bị đàn áp.

Còn tại Washington, thân nhân nữ phóng viên quá cố Marie Colvin của Sunday Times nộp đơn kiện chế độ Bachar al Assad hạ sát nhà báo vào năm 2012. Quân đội Syria bắt được cuộc điện đàm của phóng viên Sunday Times, và cho máy bay ném bom toà nhà làm « trung tâm báo chí » trong khu vực do đối lập võ trang kiểm soát.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160710-truc-thang-nga-bi-ban-roi-hai-phi-cong-thiet-mang

 

Bầu cử Nhật : Shinzo Abe hy vọng thắng ở Thượng viện

Cử tri Nhật hôm nay 10/07/2016 bầu lại phân nửa trong số 242 ghế ở Thượng viện với nhiệm kỳ 6 năm.

Cho dù chính sách kinh tế của chính phủ không còn gây háo hức, thủ tướng Shinzo Abe đã chuẩn bị cho một chiến thắng, thậm chí thắng lớn. Liên minh giữa đảng bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa cầm quyền đã nắm đa số ở Hạ viện, và có thể sửa đổi Hiến pháp chủ hòa hiện tại nếu kiểm soát được hai phần ba Thượng viện.

Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles tường trình :

« Tại Tokyo, phe đối lập vận động tranh cử dựa trên nguy cơ nếu thủ tướng Shinzo Abe thắng thế trong cuộc bầu cử Thượng viện, ông sẽ tìm cách sửa đổi Hiến pháp chủ hòa.

Nhà chính trị học Yoshio Hotta nhận định : Thủ tướng che giấu người dân Nhật việc sửa đổi Hiến pháp là mục tiêu tối hậu của ông trong cuộc bầu cử này. Ông Shinzo Abe tránh né chủ đề. Là một người thực tế, ông biết rằng đa số dân Nhật vốn yêu chuộng hòa bình.

Hiến pháp hòa bình do người Mỹ soạn thảo vào cuối cuộc chiến, chưa bao giờ được sửa đổi kể từ năm 1947 đến nay. Đối với cánh hữu dân tộc chủ nghĩa đang nắm quyền, một Hiến pháp do Hoa Kỳ áp đặt là một điều sỉ nhục.

Phe đối lập gióng lên tiếng chuông báo động : cánh hữu lợi dụng mối đe dọa Trung Quốc để tái lập quyền tham chiến. Nhưng cánh tả đối lập không được lắng nghe. Cầm quyền từ năm 2009 đến 2012, phe tả tỏ ra bất lực trong việc điều hành đất nước và xử lý tai nạn nguyên tử ở Fukushima.

Cho dù chiến thắng, ông Shinzo Abe vẫn chưa thể sửa đổi được Hiến pháp, vì đồng minh chính trong liên minh của ông vốn chủ hòa. Nhưng ông Abe chuẩn bị cho tương lai, và dành cho người kế nhiệm công việc biến Nhật Bản thành một quốc gia có thể tham chiến như những nước khác ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160710-bau-cu-nhat-shinzo-abe-hy-vong-thang-o-thuong-vien

 

Thượng đỉnh NATO : Obama khẳng định luôn ủng hộ châu Âu

Thụy My

Châu Âu luôn có thể trông cậy vào Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua, 09/07/2016, khẳng định như trên, sau hội nghị thượng đỉnh trong đó khối NATO chứng tỏ sự đoàn kết trước thách thức khủng bố và nước Nga.

Ông Obama tuyên bố : « Trong những ngày rủi ro hay tốt lành, châu Âu đều có thể trông cậy vào Hoa Kỳ. Luôn luôn như thế ». Tuy nhiên ông cũng nhắc nhở các đồng minh là không nên dựa hoàn toàn vào nước Mỹ về mặt an ninh.

Hai năm sau hội nghị thượng đỉnh ở Newport (xứ Wales), thế trận mới đã mở ra tại châu Âu sau khi Nga dùng vũ lực sáp nhập Crimée. Tại Vacxava lần này, NATO đã thống nhất được quan điểm chiến lược ở phương Đông.

Cả 28 người đứng đầu các quốc gia thuộc NATO đã quyết định triển khai bốn tiểu đoàn, tức khoảng 4.000 quân tại các nước vùng Baltic và Ba Lan – một thách thức chưa từng có trước Nga kể từ sau chiến tranh lạnh. Tuy nhiên trong suốt hội nghị, NATO và các nhà lãnh đạo đều tái xác nhận mong muốn đối thoại với Matxcơva, cho rằng Nga không phải là « mối đe dọa trước mắt ». Một gói hỗ trợ tổng thể cũng được dành cho Ukraina, chủ yếu nhằm tăng cường năng lực quân sự.

Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg khẳng định : « Chúng tôi rất đoàn kết ». Một nhà ngoại giao Pháp nhận xét : « Thường thì hội nghị NATO 99% rất chán nản và 1% phấn khích, nhưng lần này là một thượng đỉnh rất đồng thuận ».

Brexit tiếp tục khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng ông Barack Obama bác bỏ việc làm lại từ đầu. Về phía Pháp, tổng thống François Hollande lo ngại quan hệ giữa Hoa Kỳ và châu Âu sẽ thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ý nói ứng cử viên Donald Trump và những lời hứa mị dân của ông này. Thủ tướng sắp từ chức của Anh, David Cameron tái khẳng định sự gắn bó với NATO.

Khối NATO còn tiến hành một loạt các cuộc tập trận – đến 240 cuộc trong năm nay, và thành lập một lực lượng phản ứng nhanh có thể can thiệp trong vòng 48 giờ, một sự biểu dương sức mạnh trước những hành động của Nga tại Ukraina. Chiến dịch « Hỗ trợ tuyệt đối »với 12.000 quân tại Afghanistan được kéo dài đến 2017, và các quốc gia thành viên cam kết ủng hộ tài chính cho lực lượng an ninh nước này đến 2020. Trên mặt trận phía nam, NATO tham gia chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo qua việc huấn luyện quân Irak và cung cấp các phi cơ trinh sát AWACS.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160710-thuong-dinh-nato-obama-khang-dinh-luon-ung-ho-chau-au

 

Nạn kỳ thị chủng tộc tiếp tục chia rẽ nước Mỹ

Các sự kiện xảy ra trong tuần qua tại Louisiana, Minnesota và Texas chứng tỏ sự căng thẳng giữa các chủng tộc tiếp tục hiện hữu tại Hoa Kỳ.

Tuy nhìn nhận điều này nhưng tổng thống Barack Obama nhấn mạnh rằng đã có được những tiến bộ, và ông bác bỏ mọi so sánh với nạn bạo động trong thập niên 60 và 70.

Từ Washington, thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet gửi về bài tường trình :

« Khi bầu lên tổng thống da đen đầu tiên, người dân Mỹ hy vọng đưa đất nước mình vào kỷ nguyên hậu kỳ thị chủng tộc. Trong lúc ông Barack Obama chuẩn bị rời Nhà Trắng, niềm hy vọng này đã tiêu tan. Đó chỉ là ảo ảnh. Tâm trạng thất vọng bao trùm, một số người còn cho rằng tình hình đang trầm trọng thêm.

Không đồng tình với nhận định này, ông Obama nói : « Đã không xảy ra những vụ nổi dậy, không có việc cảnh sát tấn công những người biểu tình ôn hòa. Chúng ta phải đảm bảo rằng mình không thường xuyên nghĩ về điều tệ hại nhất thay vì điều tốt đẹp nhất, và nếu như thế, tôi tin rằng chúng ta sẽ tiếp tục đạt được những tiến bộ ».

Ông Barack Obama cố gắng giữ một vị trí quân bình không làm hài lòng một ai. Người da đen muốn ông lên án cảnh sát một cách nặng nề nhất, trong khi người da trắng cáo buộc ông không bảo vệ họ đúng mức. Tổng thống quay về Washington sớm 24 tiếng đồng hồ để triệu tập một hội nghị đặc biệt tại Nhà Trắng, trước khi đến Dallas. Ông khẳng định rằng đất nước không bị chia rẽ như người ta nói. Nhưng người Mỹ thì không tin chắc như vậy. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160710-nan-ky-thi-chung-toc-tiep-tuc-chia-re-nuoc-my