Tin khắp nơi – 09/07/2016
Thảm họa ở Dallas khiến TT Obama cắt ngắn chuyến công du Âu Châu
Vụ 5 nhân viên cảnh sát bị giết ở thành phố Dallas đã khiến Tổng Thống Obama cắt ngắn chuyến công du Âu Châu bớt 1 ngày.
Quyết định này không thay đổi các kế hoạch của nhà lãnh đạo Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh NATO đang bế mạc tại Warsaw hôm nay, sau khi các nước thành viên đồng ý về các nỗ lực mới nhằm răn đe Nga đe doạ các thành viên NATO ở sườn phía Đông của liên minh.
Trong một thông báo ra sáng sớm hôm nay, Thứ Bảy, người phát ngôn của Tòa Bạch ốc Josh Earnest cho hay Tổng Thống Obama đã nhận lời mời của Thị trưởng Dallas Mike Rawlings để đến thăm Dallas vào đầu tuần tới.
Vẫn theo ông Earnest, vào cuối tuần tại Tòa Bạch ốc, Tổng Thống Obama sẽ tiếp tục làm việc để vận động người dân ủng hộ cảnh sát và các cộng đồng, tìm những điểm đồng thuận bằng cách thảo luận các ý kiến về chính sách hầu giải quyết những sự phân biệt chủng tộc dai dẳng còn tồn tại trong hệ thống công lý hình sự Mỹ.
Tổng Thống Obama dự tính du hành sang Tây Ban Nha vào chiều tối Thứ Bảy như đã định trước tuy nhiên sẽ huỷ bỏ một chặng dừng chân ở Seville, nơi ông lẽ ra sẽ đến viếng giáo đường thành phố Seville, cung điện hoàng gia và hội kiến cùng Quốc vương Felipe VI. Vào ngày Chủ nhật, Tổng Thống Obama sẽ phát biểu trước các binh sĩ Mỹ trú đóng tại một trạm hải quân ở Rota.
Hôm qua, Tổng Thống loan báo Mỹ sẽ gửi gần 1000 binh sĩ tới Ba Lan trong khuôn khổ một lực lượng được các giới chức mô tả là khiêm tốn có mục đích răn đe hành động gây hấn của Nga.
Các thành viên NATO cũng đạt thoả thuận về việc triển khai lực lượng tới các quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia, và Lithuania, trong khuôn khổ cuộc triển khai lớn nhất của liên minh kể từ khi chấm dứt Chiến tranh lạnh, theo lời các giới chức NATO.
Theo các giới chức Mỹ, kinh nghiệm ở Ukraine là yếu tố dẫn tới quyết định của NATO chuyển trọng tâm của họ từ “trấn an sang răn đe” liên quan tới nước Nga.
Vấn đề chủ yếu được Tổng Thống Obama tập trung chú ý ngày hôm nay về phần lớn là vấn đề Ukraine, nơi mà Nga không cho thấy dấu hiệu nào sẽ chấm dứt sự can thiệp của họ, sau hơn 2 năm.
Trước khi lên đường sang Tây Ban Nha, Tổng Thống Obama theo kế hoạch sẽ gặp gỡ các lãnh đạo của các đồng minh NATO chủ yếu của Mỹ, là Anh, Pháp, Đức, Ý và Tổng Thống Ukraina Petro Poroshenko.
Tòa Bạch Ốc: Vụ bắn cảnh sát ở Dallas không liên hệ tới khủng bố
Cảnh sát thành phố Dallas (bang Texas, Hoa Kỳ) cho biết vụ nổ súng hôm 7/7 gây thương vong 5 cảnh sát trong một cuộc biểu tình là một cuộc tấn công ‘được tính toán kỹ’ và được thực hiện bởi một số người. Chiều ngày 8/7, Tòa Bạch Ốc loan báo vụ việc không liên quan đến khủng bố nội địa hay quốc tế.
Cuộc tấn công mà các giới chức thành phố gọi là ‘đột kích’ nổ ra vào giờ chót của một cuộc tuần hành phản đối cảnh sát da trắng ở Minnesota và Louisiana mấy ngày trước bắn chết 2 người đàn ông da đen. Trước khi bị cảnh sát hạ sát, một nghi phạm ở Dallas nói với cảnh sát rằng hết sức ‘phẫn nộ’ về các vụ bắn người của cảnh sát thời gian gần đây, theo lời cảnh sát trưởng thành phố Dallas, David Brown.
Quân đội Mỹ xác nhận một trong những nghi can mà báo chí nói tên là Micah Xavier Johnson từng là một binh sĩ Lục quân Trừ bị đã phục vụ tại Afghanistan. Ba người khác chưa được xác định danh tính đang bị câu lưu liên hệ tới cuộc tấn công.
Trong cuộc họp báo ngày 8/7, cảnh sát trưởng thành phố Dallas, David Brown, cho biết trong lúc bị cảnh sát bao vây, một nghi phạm tên là Johnson đã nói với người đứng ra thương lượng rằng ‘muốn giết người da trắng, đặc biệt cảnh sát da trắng’. Vẫn theo nguồn tin vừa kể, người này tuyên bố đơn phương hành động không có liên kết với tổ chức nào.
Cảnh sát trưởng Dallas nói nghi can này sau đó bị cảnh sát hạ sát trong một vụ kích nổ sau khi các cuộc thương lượng bất thành. Cảnh sát đã dùng một quả bom robot kích hoạt một thiết bị nổ gần vị trí của nghi phạm.
Sau đó trong ngày 8/7, ông Brown cho biết điều tra cho thấy ‘đây là cuộc tấn công được hoạch định, tính toán rất kỹ, một bi kịch tội lỗi do các nghi can này gây ra.’
Cảnh sát trưởng Dallas khẳng định: ‘Chúng tôi sẽ không dừng tay cho tới khi nào đưa được những kẻ liên hệ ra trước ánh sáng công lý.’
Sáng ngày 8/7, thị trưởng thành phố loan báo có 7 cảnh sát và 2 thường dân bị thương trong cuộc đột kích này.
Nghi phạm cũng cảnh cáo rằng có bom cài trong thành phố và một gói đồ khả nghi đã được đội rà bom của thành phố phát hiện gần vị trí vụ tấn công.
Thoạt đầu các giới chức thành phố nói có nhiều tay súng tham gia vụ việc này nhưng chưa rõ chi tiết về con số cụ thể. Cảnh sát trưởng Dallas cho hay trong số những nghi can đang bị câu lưu có một phụ nữ. Hai nghi can còn lại đang bị thẩm vấn, ông Brown nói, có người nhìn thấy họ mang những chiếc túi ngụy trang, khiến cảnh sát đuổi theo.
Video các vụ nổ súng được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy dân chúng tháo chạy khi nghe tiếng súng bán tự động. Một clip khác chiếu cảnh một tay súng bắn một cảnh sát.
Cảnh sát công bố hình ảnh nhân vật ‘bị chú ý’ sau vụ nổ súng ngày 7/7 là một người đàn ông da đen võ trang trong trang phục ngụy trang tham gia cuộc tuần hành. Đương sự sau đó đã ra trình diện nhà chức trách và một mực quả quyết rằng không liên can tới vụ việc.
Hôm nay 8/7, nhiều khu vực ở downtown thành phố Dallas vẫn còn bị phong tỏa trong lúc giới thực thi pháp luật tiến hành điều tra vụ nổ súng. Đây là sự việc đẫm máu nhất đối với ngành thực thi luật pháp Mỹ kể từ các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Thị trưởng Dallas, ông Mike Rawlings, yêu cầu những người làm việc trong khu trung tâm thành phố nơi xảy ra nổ súng tránh xa khu vực này.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gọi đây là một ‘cuộc tấn công tội lỗi, hèn hạ, có tính toán’ nhắm vào các cảnh sát viên thi hành nhiệm vụ. Ông ra lệnh treo cờ rũ tại Tòa Bạch Ốc cũng như tại tất cả các địa điểm và cao ốc công cộng trong 4 ngày để vinh danh những cảnh sát thiệt mạng và những người bị thương.
Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Loretta Lynch loan báo Bộ Tư pháp sẽ cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ cần thiết nào trong quá trình điều tra.
Bắc Triều Tiên phóng tên lửa từ tầu ngầm nhưng lại thất bại
Bắc Triều Tiên đã phóng thử một phi đạn đạn đạo từ một tàu ngầm, nhưng hình như phi đạn này phát nổ sau khi được phóng đi.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc nói động cơ của phi đạn hoạt động nhưng phát nổ tại vị trí 10 km trên không. Theo hãng tin Yonhap, phi đạn chỉ bay được vài km trên mặt nước.
Một vụ phóng thử tương tự hồi tháng Tư năm nay cũng thất bại.
Hãng tin của Hàn Quốc cho hay Bình Nhưỡng đã phóng phi đạn từ một tàu ngầm có trọng tải 2.000 tấn vào khoảng trưa thứ Bảy từ vùng duyên hải phía Đông Bắc Triều Tiên gần thành phố Sinpo.
Các giới chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói họ không thể xác nhận phi đạn đã bay xa tới đâu hoặc phi đạn rơi xuống nơi nào, nhưng nói rằng người Bắc Triều Tiên đã “liên tục vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc bằng cách liên tục phóng các phi đạn đạn đạo.”
Người phát ngôn của Hải quân Hoa Kỳ, Trung Tá Gary Ross đã ra thông báo nói rằng “Chúng tôi cực lực lên án hành động này và các vụ phóng thử phi đạn khác của Bắc Triều Tiên hồi gần đây, vốn vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nghiêm cấm các vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo.”
Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng lên án hành động này.
Vụ phóng thử phi đạn diễn ra 1 ngày sau khi Hàn Quốc và Hoa Kỳ tuyên bố sẽ triển khai một hệ thống phòng thủ phi đạn tiên tiến ở Nam Triều Tiên, để đối phó với mối đe doạ đến từ Bắc Triều Tiên có trang bị vũ khí hạt nhân.
Loan báo này đã lập tức bị Trung Quốc phản đối, cũng như Nga và Bình Nhưỡng.
Các nhà phân tích an ninh nói rằng có phần chắc là Bắc Triều Tiên không có công nghệ để thực hiện thành công các vụ phóng tên lửa từ các tàu ngầm, nhưng họ thừa nhận rằng Bình nhưỡng đang đạt được những tiến bộ lớn hướng tới mục tiêu đó.
Trung Quốc, đồng minh chủ yếu của Bắc Triều Tiên, hối thúc chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un hãy quay lại bàn đàm phán và huỷ bỏ chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy những hỗ trợ kinh tế và bảo đảm về an ninh.
Mỹ trục xuất hai nhà ngoại giao Nga về vụ tấn công cảnh sát ở Moscow
Hoa Kỳ đã trục xuất hai nhà ngoại giao Nga để trả đũa vụ cảnh sát Nga tấn công một nhà ngoại giao Mỹ ở Moscow.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby hôm qua nói rằng hai giới chức Nga không được nêu danh tính đã bị trục xuất hôm 17/6, gần 2 tuần lễ sau khi, theo lời ông, một nhân viên canh gác Nga tấn công một nhà ngoại giao Mỹ bên ngoài khuôn viên Đại sứ quán Mỹ ở Moscow.
Một băng video phát tán trên đài truyền hình nhà nước Nga NTV hồi đầu tuần chiếu cảnh một người đàn ông vừa bước ra khỏi một chiếc taxi ngay trước sứ quán và lập tức bị một lính canh Nga tấn công, ngay sau khi nhân viên này bước ra khỏi chốt canh. Hai người vật lộn trên mặt đất trong một lúc trước khi người đàn ông bò vào được một cánh cửa của toà nhà.
Ông Kirby nói vụ tấn công diễn ra ngay sau khi nhà ngoại giao Mỹ khai danh tính và nhân thân với viên lính canh.
Ông Kirby nói: “Hành động tấn công này hoàn toàn vô cớ và đe doạ sự an toàn của nhân viên của chúng tôi.”
Trước đó trong tuần, một nữ phát ngôn viên Nga cáo buộc quan chức Mỹ là một nhân viên tình báo CIA chìm, đã từ chối không xác nhân danh tính, mà còn đấm vào mặt của người lính canh.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói thay vì nhân viên CIA mà theo bà biết lúc đó đang giả dạng, người đó có thể là “một kẻ khủng bố, một phần tử cực đoan, một kẻ đánh bom tự sát.”
Ông Kirby bác bỏ lời tố cáo của Nga rằng người đàn ông trong cuộc là một nhân viên tình báo CIA.
Bạo động leo thang, hàng ngàn người rời Cộng hòa Trung Phi
Lisa Schlein
đang tháo chạy sang Chad và Cameroon để tránh tình trạng bạo động leo thang trong nước.
Cơ quan này cho biết hơn 5600 người tị nạn từ Cộng hòa Trung Phi đã chạy sang Chad và 555 người khác sang Cameroon kể từ giữa tháng sáu tới nay. Làn sóng di cư mới nhất xuất phát vì bạo động leo thang diễn ra gần 6 tháng sau cuộc bầu cử đưa ông Faustin Archange Touadera lên làm Tổng thống.
Cuộc bầu cử mở ra hy vọng về một nền hòa bình lâu dài sau 3 năm chiến tranh khiến hàng ngàn người chết và gần 1 triệu người thất tán. Phát ngôn nhân của UNHCR, bà Melissa Fleming, nói hy vọng đó giờ đây dường như đã bị tan vỡ.
Bà cho đài VOA biết làn sóng di cư hiện nay khởi sự từ hôm 12/6 khi xảy ra đụng độ giữa những nông dân và những người chăn gia súc địa phương ở Tây Bắc Cộng hòa Trung Phi.
Vẫn theo lời bà, tình hình ở Cộng hòa Trung Phi hết sức mong manh và người ta e rằng các vụ đụng độ này có thể dẫn tới một làn sóng nhiều người tị nạn hơn nữa đổ qua các nước láng giềng.
UNHCR cho biết hoạt động nhân đạo cho hơn 300 ngàn người tị nạn từ nước Cộng hòa Trung Phi tại Chad và Cameroon đang gặp khó khăn tài chính và làn sóng người tị nạn mới càng làm gia tăng những khó khăn đó.
Cơ quan này kêu gọi 225 triệu đô la cung cấp hỗ trợ cần thiết cho những người tị nạn từ Cộng hòa Trung Phi trong năm nay, nhưng cho tới nay mới chỉ nhận được 11% số này, tương đương 24,7 triệu đô la.
http://www.voatiengviet.com/a/bao-dong-leo-thang-hang-ngan-nguoi-roi-cong-hoa-trung-phi/3410354.html
Thượng đỉnh NATO tại Warsaw: quan trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh
Luis Ramirez
Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này được xem là quan trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Quan ngại về thái độ ngày càng hung hăng, quyết đoán của Moscow trên sườn đông của NATO, các quan chức Hoa Kỳ nói liên minh đang chuyển từ tư thế bảo đảm an toàn cho các nước thành viên NATO sang ngăn cản bước tiến của Nga. Phóng viên đài VOA tại Châu Âu, Luis Ramirez, tháp tùng Tổng thống Barack Obama và tường trình từ hội nghị thượng đỉnh NATO tại Warsaw.
Nga không phải là vấn đề duy nhất trong tâm trí các nhà lãnh đạo đặt chân tới sân vận động quốc gia Warsaw tham dự 2 ngày hội nghị thượng đỉnh. Một mối quan tâm khác chính là việc Anh rời khỏi Liên hiệp Châu Âu.
Với Tổng thống Obama, đàm phán với các quan chức EU nằm hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Ông Obama nói: ‘Cuộc họp của chúng ta diễn ra tại thời điểm mà tôi nghĩ là ai cũng biết là rất quan trọng đối với Liên hiệp Châu Âu.’
Câu hỏi lớn từ các nhà lãnh đạo NATO là việc Anh rời khỏi EU có ý nghĩa thế nào đối với liên minh.
Tổng thống Obama lên tiếng trấn an: ‘Việc Anh biểu quyết tách khỏi EU khiến người ta lo lắng về tương lai hội nhập của Châu Âu, và rất tiếc là việc này đã khiến một số người cho rằng toàn bộ trọng tâm an ninh-thịnh vượng của Châu Âu đang sụp đổ. Có những người nêu câu hỏi rằng việc này có ý nghĩa thế nào đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Cho phép tôi nói rằng, như vẫn thường xảy ra trong những thời khắc thay đổi, sự cường điệu này là không đúng.’
Nhưng chủ đề lớn trong chương trình nghị sự chính thức của NATO lần này chính là Nga. Các hành động tiếp diễn của Moscow ở Ukraine cùng những mối đe dọa mà các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan cảm nhận từ Nga cũng có nghĩa là những lời cam đoan với các thành viên rằng NATO sẽ bảo vệ họ không còn được xem là đủ.
Giới chức Mỹ cho biết trọng tâm của NATO, lần đầu tiên trong một phần tư thế kỷ, đang chuyển từ việc cam đoan bảo vệ các nước thành viên sang hành động ngăn cản Nga.
Để làm được điều đó, NATO hiện có một lực lượng ‘sẵn sàng cao độ’ gồm 13 ngàn quân tại Tây Ban Nha, con số lớn nhất trong lịch sử NATO.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh cũng đang bổ sung thêm một lực lượng ‘khiêm tốn’ gồm bốn tiểu đoàn NATO tại các nước vùng Baltic và Ba Lan.
Thủ đô Ba Lan, nơi diễn ra việc ký kết Hiệp ước Warsaw giữa các nước liên kết với Liên Xô trước đây, nay lại là nơi diễn ra các nỗ lực mới chống lại Nga.
Tác hại tàn phá của El Nino kéo dài
Joe Capua
Chu kỳ khí hậu gọi là El Nino gây hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng tại Đông và Nam Phi đã kết thúc, nhưng tác hại tàn phá của hiện tượng này vẫn tiếp diễn, đặc biệt đối với trẻ em, theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF).
Trong phúc trình mới công bố nhan đề ‘Chưa kết thúc’, UNICEF cho biết đợt El Nino gần đây là một trong những đợt có sức tàn phá dữ dội nhất được ghi nhận.
Bà Patsy Nakell, trưởng phụ trách truyền thông đơn vị đảm trách các dịch vụ dành cho Châu Phi trong tổ chức UNICEF tại Johannesburg, phát biểu: ‘Cơ bản, chúng ta bắt đầu hứng chịu El Nino từ cuối năm ngoái và tác hại vẫn còn tới tận hôm nay dù hiện tượng thời tiết này đã qua, đặc biệt tại khu vực Đông và Nam Phi bị ảnh hưởng El Nino nặng nề nhất.’
Hạn hán và lũ lụt phá hủy mùa màng và đẩy giá thực phẩm leo thang tại các khu vực vốn đã có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao kinh niên.
Bà Nakell cho biết hơn 50 triệu người bị ảnh hưởng bởi El Nino bao gồm 26,5 triệu trẻ em và trên 1 triệu em trong số này cần được điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính trầm trọng.
Bà nói: ‘Cơ bản là các em có chiều cao quá thấp so với lứa tuổi và điều đó ảnh hưởng suốt cuộc đời các em. Vấn đề không thể giải quyết chỉ bằng cách cung cấp thực phẩm. Đây không phải là tình trạng suy dinh dưỡng thông thường, mà còn đi kèm với những sự can thiệp khác, chẳng hạn như vấn đề nước sạch, điều trị chống sốt rét và HIV và những vấn đề còn lại.’
Giới chức này giải thích thêm về mối liên hệ giữa HIV/AIDS, El Nino và suy dinh dưỡng: ‘Đây là một khu vực của thế giới mà cơ bản đã trở thành tâm điểm đại dịch AIDS. Như chúng ta biết, chẳng hạn, hạn hán, các biến đổi khí hậu khác, và những tình trạng khẩn cấp có thể gây ảnh hưởng tai hại đến tỷ lệ nhiễm HIV. Con số này có thể lên tới 11% sau một đợt hạn vì hạn hán tác động đến khả năng tiếp cận thực phẩm. Những người đang điều trị HIV thường không uống thuốc khi bụng đói. Họ không uống thuốc bởi khả năng tiếp cận thực phẩm bị cản trở bởi tình trạng khẩn cấp này.’
Ngoài những tác động kéo dài của El Nino, phúc trình của UNICEF cũng cảnh báo một hiện tượng thời tiết khác gọi là La Nina.
Bà Nakell cho biết: ‘La Nina chính là hình ảnh tương phản của El Nino. El Nino đi kèm với nguy cơ cao hơn về hạn hán và thiếu nước. La Nina có ảnh hưởng hoàn toàn ngược lại, nghĩa là có nhiều khả năng bị mưa nhiều hơn mức thường. Về ngắn hạn, nghe có vẻ như đây là một điều tốt sau một đợt hạn dài. Nhưng vấn đề là sau một trận hạn kéo dài, mặt đất không có khả năng hút nước được tốt, dẫn tới lũ lụt chẳng hạn, và còn có thể gây ra tình trạng xói mòn.’
Báo cáo của UNICEF nói: ‘El Nino của năm 2015-2016 cho thấy chúng ta cần gia tăng sự chuẩn bị trong tình huống khẩn cấp, giảm rủi ro thiên tai và gia tăng các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu.’
Theo sau hậu quả của El Nino, trong số các dịch vụ mà UNICEF đang cung cấp có việc điều trị tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nặng, cung cấp chăm sóc y tế khẩn cấp và nước sạch, tiêm chủng cùng các dịch vụ khác về HIV.
UNICEF nhấn mạnh: ‘Cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ gia tăng nếu thế giới không hành động ngay bây giờ.’
http://www.voatiengviet.com/a/tac-hai-tan-pha-cua-el-nino-keo-dai/3409790.html
Thêm 10 bang nữa kiện chính quyền Obama về chỉ dẫn sử dụng nhà vệ sinh
Thêm 10 bang nữa của Mỹ đang đệ đơn kiện chính quyền Obama về những chỉ dẫn cho biết nhà vệ sinh nào trong trường học mà học sinh chuyển đổi giới tính có thể sử dụng.
Đơn kiện đệ trình hôm thứ Sáu có nghĩa là gần một nửa trong số 50 bang của Mỹ đã chính thức chống đối những chỉ dẫn liên bang đưa ra hồi gần đây khuyến nghị các trường công lập cho phép học sinh sử dụng nhà vệ sinh tương ứng với giới tính mà họ tự nhận, thay vì giới tính được ghi trên giấy khai sinh.
Những nhà phân tích pháp lý nhận định diễn biến mới nhất này làm tăng khả năng rằng tranh cãi giới tính rốt cuộc sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.
Đơn kiện mới lập luận rằng chính phủ liên bang né tránh luật đã có từ lâu trong những chỉ dẫn mới ban hành. Đơn kiện đệ trình tại tòa án liên bang ở thành phố Lincoln, bang Nebraska, nói lịch sử lập pháp không ủng hộ “cách diễn dịch từ ‘giới tính’ khác hơn là giới tính của một người được xác định về mặt giải phẫu và di truyền.”
Ngoài bang Nebraska, nguyên đơn chính trong vụ kiện, còn có các bang Arkansas, Kansas, Michigan, Montana, North Dakota, Ohio, South Carolina, South Dakota và Wyoming. Những bang này theo bước 12 bang khác đã kiện chính phủ liên bang vào tháng 5 về chính những chỉ dẫn này của chính quyền Obama.
Các bang lập luận rằng những thay đổi về chính sách trường học liên bang nên được Quốc hội định đoạt, không phải Tòa Bạch Ốc. Bộ Tư pháp Mỹ đã bác bỏ lập luận này, nói rằng luật quyền dân sự liên bang, trong đó cấm kì thị dựa trên giới tính, cung cấp cơ sở pháp lý cho những chỉ dẫn của Bộ.
Khi công bố những chỉ dẫn vào tháng 5, Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch nói: “Không có chỗ cho tình trạng kì thị trong những trường học của chúng ta.”
Những chỉ dẫn của Bộ Tư pháp không mang tính ràng buộc, nhưng những hệ thống trường học có thể mất hàng triệu đôla hỗ trợ liên bang nếu không làm theo chỉ dẫn.
Trận chiến chính trị về chuyện nhà vệ sinh cho người chuyển đổi giới tính thu hút sự chú ý vào đầu năm nay khi những quan chức thành phố Charlotte của bang North Carolina thông qua một sắc lệnh chống kì thị, trong đó có một điều khoản cho phép những người chuyển đổi giới tính sử dụng nhà vệ sinh tương ứng với giới tính mà họ tự nhận. Những nhà lập pháp cấp bang ở North Carolina đã bác bỏ sắc lệnh của thành phố bằng một luật bắt buộc những người chuyển đổi giới tính sử dụng nhà vệ sinh công cộng phù hợp với giới tính được ghi trên giấy khai sinh của họ.
Cuộc tranh luận cấp bang mở rộng ra cả nước khi Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng luật của North Carolina vi phạm Đạo luật Quyền Dân sự liên bang, và tuyên bố nó không thể được thi hành. Cả Bộ Tư pháp và North Carolina đã đệ đơn kiện nhau về vấn đề này.
Bộ Tư Pháp Mỹ sẽ hỗ trợ cuộc điều tra về vụ đột kích cảnh sát ở Dallas
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, hiện đang ở Poland để dự hội nghị thượng đỉnh NATO, sẽ trở về Washington vào đêm Chủ nhật, 1 ngày sớm hơn dự định.
Nhã lãnh đạo Mỹ mô tả các vụ nổ súng ở Dallas là “một cuộc tấn công ác độc, có tính toán trước, và đê hèn” nhắm vào cảnh sát đang thi hành nhiệm vụ của họ. Ông hạ lệnh treo cờ rũ tại Tòa Bạch ốc và tất cả các công ốc, các công viên trong 4 ngày để vinh danh những người đã chết và bị thương trong vụ này.
Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Loretta Lynch nói rằng Bộ Tư Pháp sẽ cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho cuộc điều tra ở Dallas. Bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson hôm thứ Sáu nói rằng kẻ nổ súng không có liên hệ nào được biết với các tổ chức khủng bố quốc tế.
Thị trưởng Dallas Mike Rawlings xác nhận tin 5 nhân viên cảnh sát bị giết ở thành phố này của bang Texas hôm thứ Năm, và kẻ tấn công là một người đàn ông vũ trang đơn độc được nhận diện là Micah Johnson.
Trong một vụ lùng soát nhà riêng của Johnson hôm thứ Sáu, các nhân viên điều tra của cảnh sát Dallas tìm thấy các vật liệu để chế bom, nhiều áo chống đạn, súng ống đạn dược, và một cuốn sổ cá nhân về các chiến thuật giao chiến.
Vụ tấn công mà các giới chức thành phố miêu tả là một vụ “đột kích”, diễn ra vào lúc kết thúc một cuộc biểu tình phản đối vụ các cảnh sát viên da trắng giết chết hai người đàn ông da đen ở Minnesota và Louisiana trong tuần này.
Người đàn ông vũ trang nói với cảnh sát rằng ông “bức xúc” về các vụ nổ súng của cảnh sát hồi gần đây, theo Cảnh sát trưởng Dallas David Brown.
Quân đội Hoa Kỳ xác nhận đương sự là một cựu binh sĩ thuộc lực lượng trừ bị đã từng phục vụ ở Afghanistan.
Một số buổi lễ cầu nguyện đã được tổ chức tại nhiều thành phố Mỹ để tưởng niệm những người đã chết trong thảm hoạ này, tại Dallas, các lãnh đạo cộng đồng tưởng niệm các nhân viên cảnh sát đã bị giết hại trong vụ đột kích.
Trên bình diện quốc tế, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon lên án vụ giết hại cảnh sát ở Dallas nói rằng “không có gì có thể biện minh cho hành vi bạo lực này.”
Các nhà lãnh đạo thế giới khác cũng ngỏ lời chia buồn về các vụ bắn giết cảnh sát ở Dallas, gồm có Thủ Tướng Canada Justin Trudeau, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk.
Bộ Tư pháp Mỹ theo dõi cuộc điều tra vụ nổ súng ở Minnesota
Bộ Tư pháp Mỹ hôm thứ Sáu loan báo sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc ở bang Minnesota, nơi một người đàn ông bị một cảnh sát bắn chết trong xe tối thứ Tư.
Philando Castile, một nhân viên trường công lập 32 tuổi người da đen, tử vong chỉ vài phút sau khi được đưa đến bệnh viện.
David Jacobs, phát ngôn viên Bộ Tư pháp, nói: “Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục theo dõi cuộc điều tra của Cục Điều tra Hình sự Minnesota về cái chết của Philando Castile và sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ nếu cần.”
Sở Cảnh sát St. Anthony ở Minnesota, phụ trách cộng đồng Falcon Heights nơi vụ nổ súng xảy ra, ra một thông cáo nói rằng viên cảnh sát nổ súng đã được cho nghỉ phép có trả lương “theo tiêu chuẩn,” nhưng không cho biết thêm chi tiết về vụ việc. Quyền cảnh sát trưởng Jon Mangseth đọc thông cáo ngắn gọn này tại một cuộc họp báo vào sáng sớm thứ Năm và không trả lời bất kỳ câu hỏi nào.
Phát ngôn viên Jacobs cho biết Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tiến hành điều tra thêm và “xem xét vấn đề này theo luật ứng dụng của liên bang.”
Tuy nhiên Bộ có cách tiếp cận khác trong vụ Alton Sterling, một người đàn ông da đen bị cảnh sát bắn chết tại bang miền nam Louisiana.
Ông Jacobs cho biết Văn phòng FBI ở thành phố New Orleans, Phòng Dân quyền của FBI và Văn phòng Công tố viên Hoa Kỳ cho Khu vực Trung Louisiana đã mở một cuộc điều tra quyền dân sự về cái chết của Sterling.
Ông nói: “Bộ Tư pháp sẽ thu thập tất cả những thông tin và bằng chứng hiện có và tiến hành một cuộc điều tra công bằng, toàn diện và vô tư. Vì cuộc điều tra còn đang diễn tiến nên chúng tôi chưa thể bình luận gì thêm vào lúc này.”
Video của vụ việc đã lan truyền rộng rãi trên mạng và khơi lên sự phẫn nộ khắp cả nước, cũng như những cuộc biểu tình và những buổi cầu nguyện tại thành phố Baton Rouge, thủ phủ của bang Louisiana.
Hôm thứ Năm, những cuộc biểu tình với hơn 1.000 người đã diễn ra ở các bang Minnesota, Illinois và Texas.
Nhưng tại thành phố Dallas ở Texas, những cuộc biểu tình này đã biến thành bạo lực khi ít nhất một tay súng bắn tỉa giết chết năm sĩ quan cảnh sát và làm bị thương ít nhất 10 người. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất nhắm vào cảnh sát kể từ những vụ tấn công khủng bố vào ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Ủy ban điều tra ở Hạ viện Mỹ thông qua phúc trình về vụ tấn công ở Libya 2012
Ủy ban của Hạ viện Mỹ điều tra vụ án Benghazi ngày 8/7 thông qua báo cáo về các vụ tấn công đẫm máu nhắm vào lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Libya hôm 11/9/2012.
Lúc xảy ra vụ này, bà Clinton là Ngoại trưởng và hiện nay bà đang là ứng viên sắp được đảng Dân chủ đề cử trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016. Tuy không tìm thấy bà Hillary Clinton có sai phạm nào, nhưng báo cáo dày 800 trang cho thấy bà đã dùng một máy chủ email cá nhân trong công tác và việc này chưa được chấp thuận.
Ủy ban điều tra với đa số thành viên là các nghị sĩ bên đảng Cộng hòa đã biểu quyết với tỷ lệ 7-4 thông qua bản báo cáo.
Các nghị sĩ bên đảng Dân chủ đã đệ trình báo cáo riêng của họ liên quan đến các cuộc tấn công năm 2012 khiến đại sứ Chris Stevens và 3 công dân Mỹ thiệt mạng.
Chủ tịch ủy ban, Trey Gowdy, hôm nay 8/7 cho biết một tiến trình xem xét lại các chứng cớ có thể có về khai man mở ngõ khả năng bà Clinton và các nhân chứng khác có thể bị điều tra thêm.
Tháng 10 năm ngoái, bà Clinton điều trần với lời tuyên thệ rằng bà chưa hề dùng máy chủ email cá nhân để gửi hay nhận các thư điện tử được xếp loại thông tin mật trong thời gian làm Ngoại trưởng.
Bà cũng cho biết chỉ sử dụng 1 thiết bị di động cho cả các email công và tư vì lý do tiện lợi, và đã giao nộp cho Bộ Ngoại giao tất cả các email của mình.
Trong cuộc điều trần trước Quốc hội hôm thứ ba, Giám đốc FBI, James Comey, nói bà Clinton và các đồng nghiệp tại Bộ Ngoại giao đã ‘cực kỳ bất cẩn’ trong việc xử lý các tài liệu mật trao đổi qua lại thông qua một máy chủ email cá nhân bà đặt tại tư gia ở New York.
Ông Comey cũng cho biết bà Clinton đã dùng nhiều thiết bị để gửi và nhận các email mật.
Tuy nhiên, ông nói qua hàng ngàn email của bà Clinton, toán điều tra FBI không tìm ra bằng chứng cho thấy bà ‘rõ ràng, cố ý’ tìm cách vi phạm luật pháp Mỹ và rằng ‘không một công tố viên nào có thể truy tố bà’ dựa vào các bằng chứng tìm thấy trong cuộc điều tra.
Tay súng ở Dallas hành động đơn độc
Các viên chức Mỹ tin rằng Micah Johnson, người đàn ông bị cáo buộc đã giết năm viên cảnh sát trong vụ nổ súng khi diễn ra cuộc biểu tình tuần hành tại Dallas, đã hành động một mình.
“Chúng tôi rin rằng thành phố nay đã an toàn,” Thị trưởng Mike Rawlings nói.
Các nguyên liệu chế tạo bom, súng trường, đạn dược được tìm thấy tại nhà của Johnson, người cuối cùng đã bị cảnh sát giết chết.
Cuộc biểu tình tại Dallas là để phản đối vụ cảnh sát giết người da đen và các cuộc tuần hành tương tự đã thu hút hàng ngàn người trên khắp các thành phố của Mỹ hôm thứ Sáu.
Các cuộc tuần hành diễn ra sau cái chết của hai người Mỹ da đen do bị cảnh sát bắn chết: Philando Castile ở Minnesota và Alton Sterling ở Louisiana.
Trưởng cảnh sát Dallas, David Brown, và Bộ trưởng Nội vụ Mỹ, Jeh Johnson, cũng nói tay súng này dường như đã hành động một mình, mặc dù Thống đốc bang Texas, Greg Abbott, nói cảnh sát sẽ “tiếp tục lần theo mọi dấu vết … để bảo đảm rằng chúng tôi loại bỏ mọi nghi phạm hay những kẻ tòng phạm có thể có”.
Năm viên cảnh sát đã thiệt mạng và bảy người bị thương trong cuộc tuần hành hôm 7/7.
Nghi phạm Micah Johnson, 25 tuổi, đã bị giết khi cảnh sát sử dụng thuốc nổ gắn vào một robot để chấm dứt tình trạng đối đầu căng thẳng tại một khu nhà, nơi kẻ này cầm cự.
Các quan chức cho biết rằng một số cuộc tấn công bằng súng nhắm vào cảnh sát và dân thường đã diễn ra sau các vụ bắn người da đen ở Minnesota và Louisiana.
Tại Tennessee, một cựu quân nhân người da đen đã giết một phụ nữ và làm bị thương ba người khác, trong đó có một viên cảnh sát khi ông nổ súng trên đường cao tốc vào hôm thứ Năm trước khi xảy ra vụ bắn súng ở Dallas. Sau khi bị bắt ông Lakeem Keon Scott nói với các nhà điều tra rằng ông thấy bất an trước tình trạng bạo lực của cảnh sát đối với Mỹ da đen.
Tại Missouri hôm thứ Sáu, một viên cảnh sát đã bị bắn từ sau lưng khi ông đi về xe tuần tra của mình để kiểm tra bằng lái xe của một người da đen mà ông dừng xe. Antonio Taylor, 31 tuổi, sau đó đã bị bắt nhưng động cơ của vụ bắn viên cảnh sát này còn chưa được xác định.
Tại Georgia cũng hôm thứ Sáu, một viên cảnh sát đã bị bắn khi ông được điều động tới giúp một người đàn ông gọi điện báo là xe của ông ta bị hỏng giữa đường. Hiện cũng chưa rõ động cơ của vụ nổ súng này.
Sáng sớm thứ Bảy tại Houston, cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông mà họ nói là đã chĩa súng vào các viên cảnh sát trên một con phố. Các tin trên Twitter theo chủ đề #Alvabraziel nói rằng ông là một người da đen và một số nói rằng ông đã bị bắn 10 lần và người ta đặt câu hỏi liệu ông có vũ khí hay không.
Tại Atlanta, thủ phủ của bang Georgia tối hôm thứ Sáu, hàng ngàn người đã tuần hành phản đối những vụ nổ súng của cảnh sát bắn người trong thời gian gần đây và mặc dù các ngả đường đã bị chặn nhưng các cuộc tuần hành đã diễn raôn hòa.
Biểu tình ôn hòa
Tiếng súng nổ lúc 20:45 giờ địa phương tối thứ Năm 7/7 (08:45 sáng thứ Sáu 8/7 giờ Hà Nội) khi người biểu tình tuần hành trong thành phố.
Cảnh sát nói vụ tấn công được lên kế hoạch và thực hiện một cách kỹ lưỡng.
Cuộc biểu tình diễn ra sau vụ bắn chết hai người da đen là Philando Castile ở Minnesota và Alton Sterling ở Louisiana.
Tổng thống Barack Obama, người hiện đang có mặt tại hội nghị của Nato ở Ba Lan, gọi đây là “cuộc tấn công hung hãn, có tính toán và đáng khinh bỉ, vào người thi hành công vụ”. Ông nói cả thành phố Dallas đau buồn và “cộng đồng cảnh sát Hoa Kỳ cảm thấy nỗi mất mát này”.
Phát biểu trước đó, ông Brown nói các nghi phạm được cho là phối hợp với nhau dùng súng bắn vào cảnh sát khi cuộc tuần hành chuẩn bị kết thúc.
Hai tay bắn tỉa bắn từ trên cao xuống, nhắm vào lưng các cảnh sát viên.
Cảnh sát trưởng nói:” Chúng tôi cho là các nghi phạm này đã tìm các vị trí … nhằm bắn chết và gây thương tích cho càng nhiều nhân viên công vụ càng tốt”.
Vụ Dallas là vụ gây thương vong nhiều nhất cho lực lượng cảnh sát Hoa Kỳ kể từ sau vụ tấn công 11/9/2001.
Các cảnh sát viên sau đó bao vây một bến đỗ xe gần trường El Centro, nơi tay súng đang cầm cự.
Thị trưởng Dallas Mike Rawlings nói hai người dân thường, một đàn ông và một phụ nữ, cũng bị thương trong vụ này.
Ông nói trên chương trình Today của đài NBC rằng các nghi phạm bị tạm giữ “chưa hợp tác” và “không khai báo gì”.
Cuộc biểu tình ở Dallas là một trong các vụ biểu tình trên khắp nước Mỹ để phản đối cảnh sát sử dụng vũ khí sát thương đối với người Mỹ da đen.
Philando Castile bị bắn chết khi xe của ông bị cảnh sát dừng lại tại St Paul, Minnesota, hôm thứ Tư 6/7.
Alton Sterling bị cảnh sát bắn chết một ngày trước đó tại Baton Rouge, Louisiana.
Cả hai vụ này đều được ghi hình video, gây công phẫn và tranh luận trên toàn quốc.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160709_dallas_shooter_acts_alone
Toyota cắt thang máy để giảm chi phí
Hãng Toyota, nhà sản xuất xe hơi đứng đầu thế giới nói đã đóng cửa hai trong số tám thang máy tại trụ sở chính của công ty tại Tokyo trong một nỗ lực nhằm cắt giảm chi phí.
Nhiệt độ điều hòa cũng đã được điều chỉnh lại nhằm giải quyết những lo lắng về tình trạng kinh tế thế giới suy thoái, cũng như việc đồng yên tăng giá ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.
Tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường
Những chính sách này không mới. Mục tiêu của việc đóng cửa thang máy là nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên, cũng là lời nhắc lại về cam kết về việc Toyota sẽ tăng sức cạnh tranh bằng việc tiết kiệm và tránh lãng phí.Người phát ngôn hãng Toyota
Toyota nói động thái này giúp công ty “tiết kiệm”. Công ty này cũng đã làm điều tương tự trong thời gian khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy nhiên công ty này không tiết lộ khoản tiền sẽ tiết kiệm được nhờ vào chính sách này.
Người phát ngôn của Toyota nói với BBC, “Những chính sách nói trên là không mới.
“Mục tiêu chính của việc đóng cửa thang máy là nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên, đồng thời cũng là lời nhắc nhở về cam kết về việc Toyota tăng sức cạnh tranh bằng việc tiết kiệm và tránh lãng phí.
“Đồng thời, bên cạnh việc cân nhắc về chi phí, những biện pháp trên cùng với việc sử dụng bóng đèn LED sẽ góp phần bảo vệ môi trường. Ý thức vì môi trường luôn là một giá trị quan trọng của công ty Toyota.
“Vì thế, ở Toyota, chúng tôi luôn chủ động tìm ra những biện pháp sáng tạo để thực hiện những cam kết của mình.”
Tính toán tiền tệ
Hãng Toyota báo cáo đạt lợi nhuận kỷ lục trong ba năm liền sau khi Thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe, đưa ra chương trình kích thích nhằm làm hạ giá đồng yên.
Điều này thúc đẩy việc kinh doanh của những nhà xuất khẩu trong nước. Bởi vì một đồng yên yếu sẽ làm giá xe hơi rẻ hơn đối với những người mua ở nước ngoài.
Trong năm tài chính kết thúc vào tháng Ba năm 2016, Toyota đạt được lợi nhuận kỷ lục là 2,3 ngàn tỷ yên (tương đương 23 tỷ Đô la Mỹ và 17,7 tỷ Bảng Anh).
Ngoài việc cân nhắc về chi phí, những biện pháp trên cùng với việc sử dụng bóng đèn LED sẽ góp phần bảo vệ môi trường. Ý thức vì môi trường luôn là một giá trị quan trọng của công ty Toyota. Ở đây, chúng tôi luôn chủ động tìm ra những biện pháp sáng tạo để thực hiện những cam kết của mìnhNgười phát ngôn của Toyota
Tuy nhiên công ty này cảnh báo lợi nhuận năm nay sẽ giảm sút.
Đồng yên tăng giá mạnh sau khi có kết quả bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi EU vì các nhà đầu tư tin rằng đồng yên có giá trị tích lũy cao vào thời điểm này.
Tiền tệ của Nhật hiện đang được giao dịch ở mức cao nhất trong vòng hai năm trở lại, với giá trị 105 yên đổi lấy một đô la Mỹ.
Dựa vào tỷ giá chuyển đổi trên giữa đồng yên với đồng đô la Mỹ mà công ty Toyota đề xuất lợi nhuận cho năm tài chính hiện tại.
Nếu đồng yên tiếp tục tăng giá, lợi nhuận Toyota kiếm được ở nước ngoài sẽ giảm đi một cách rõ rệt khi kiều hối trở lại và chuyển đổi tại thị trường nội địa.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160709_toyota_save_up_strong_yen
Trung Quốc và cơn sốt cà phê
Jessica Meyers
Năm 2005, Richard Chien mở một quán cà phê đông bắc Trung Quốc, nơi phục vụ 900 ly cà phê môt ngày với giá 6 nhân dân tệ – gần 1 đôla – một ly.
Một thập niên sau, ông dạy một lớp pha cà phê cao cấp ở Bắc Kinh, nơi các học viên dành hàng giờ học cách pha và nếm những cốc cà phê trị giá 6 đôla.
Cà phê đang cạnh tranh với văn hoá uống trà tại Trung Quốc và nhiều khả năng sẽ biến một trong những thị trường cà phê nhỏ nhất thế giới trở thành lớn nhất.
Trung Quốc chỉ tiêu thụ 2% lượng cà phê trên thế giới, tuy nhiên họ đang tái định hình nền công nghiệp này.
“Kinh tế nước này đã thay đổi, con người ngày càng hiểu nhiều hơn về một lối sống khác,” Chien nói. “Trà không còn chiếm thế độc tôn nữa.”
Lượng tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc đã tăng gần gấp 3 lần trong 4 năm qua, theo Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, nhanh hơn bất cứ thị trường lớn nào mà cơ quan này đang theo dõi. Bên cạnh đó, thị trường tiềm năng ở đây là rất lớn, với dân số gần 1,4 tỷ.
Starbucks đã tự tin đến mức lên kế hoạch mở phòng nếm cà phê quốc tế ở Thượng Hải vào năm sau, và tin rằng Trung Quốc sẽ sớm trở thành thị trường hàng đầu của hãng.
Công ty có trụ sở chính tại Seattle, vốn đã mở hơn 2 nghìn cửa hàng ở Trung Quốc, đang lên kế hoạch mở 500 cửa hàng mỗi năm trong 5 năm tới.
Dunkin’ Donuts, một chuỗi cửa hàng cà phê có tiếng khác của Hoa Kỳ, hồi năm ngoái cũng công bố kế hoạch mở chi nhánh tại hơn 1.400 địa điểm trong 20 năm nữa – tăng gần 100 lần.
Tăng trưởng chóng mặt đã biến Trung Quốc thành một nền kinh tế dựa trên tiêu thụ – một phần lớn nhờ tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông thêm.
Ngày càng có nhiều người Trung Quốc ra nước ngoài và nếm espresso ở Nhật hoặc ngồi viết bài trong những quán cà phê ở Mỹ. Khác với những người đi trước, thế hệ trẻ ở Trung Quốc đang bước vào thời đại mà khắp nơi là các tiệm cà phê.
“Giá cà phê phù hợp với túi tiền ở đây,” Jeffrey Towson, một giáo sư về đầu tư tại Đại học Bắc Kinh, nói. Món đồ uống này vẫn là thứ tốn kém với nhiều người Trung Quốc, ông nói, nhưng là thứ xa xỉ mà người ta vẫn đủ sức chi trả.
Cà phê cũng không bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế đang nguội dần đà tăng trưởng nóng của Trung Quốc – nơi mà nhu cầu cho các món hàng hoá khác đang giảm dần. Dân số khổng lồ của nước này và thị trường gần như chưa được khai thác mang lại cơ hội lớn chưa từng có.
Một người ở Trung Hoa đại lục uống trung bình ba tách cà phê một năm – điều khiến nước này thuộc hàng tiêu thụ cà phê thấp nhất thế giới, chỉ cao hơn các nước như Sudan và Bắc Hàn.
Trong khi đó, người Mỹ uống trung bình 363 tách cà phê một năm và người Anh 250 tách, theo hãng nghiên cứu Euromonitor International.
Nhu cầu cà phê ở Trung Quốc sẽ ‘thay đổi hoàn toàn chuỗi cung ứng toàn cầu’, Shaun Rein, giám đốc điều hành của China Market Research Group đặt tại Thượng Hải, nói.
Người trồng cà phê sẽ phải nghĩ cách sản xuất một số lượng lớn để đáp ứng, ông nói, và vị cà phê sẽ phải được điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị của Trung Quốc.
“Điều này đã xảy ra trong quá khứ, khi mà nhu cầu vượt nguồn cung khiến giá cà phê tăng vọt, cho đến khi các nông trại có thể trồng nhiều hơn.”
Hãng này ước tính lượng tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm, và Rein nói phụ nữ dưới 30 tuổi sẽ góp phần quan trọng cho điều này.
“Họ đang chuyển từ việc sở hữu túi Louis Vuitton sang sở hữu những trải nghiệm,” ông nói. “Cà phê là một phần của điều đó.”
Zhang Zheyuan, một nhà thiết kế 24 tuổi, là minh chứng của sự thay đổi này. Cô mới tốt nghiệp đại học và chuyển đến Thượng Hải, nơi cô bắt đầu tìm kiếm nơi uống cà phê. “Những nơi đó luôn thân thiện và dễ chịu, vì vậy tôi thích ngồi học hoặc gặp gỡ người khác ở đó,” Zhang, người mới bắt đầu uống cà phê hồi năm ngoái khi du học ở Úc, nói.
“Vấn đề là khó mà tìm một nơi bán cà phê ngon ở Trung Quốc,” cô nói.
Starbucks muốn lấp đầy chỗ trống đó.
“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó chúng tôi có nhiều cửa hàng tại Trung Quốc hơn Hoa Kỳ,” CEO của Starbucks Howard Schultz nói với CNBC hồi tháng Năm.
Chỉ riêng ở Thượng Hải đã có khoảng 1.000 cửa hàng, biến nơi đây thành một trong những nơi có mật độ Starbucks dày đặc nhất.
Các quán cà phê có wifi và máy lạnh, nơi những người bạn có thể gặp gỡ để tán gẫu, nơi các doanh nhân có thể ngồi họp, vẫn là điều thu hút khách hàng hơn là sản phẩm được bày bán.
Nestle – hãng sản xuất cà phê uống liền Nescafe, hiện đang chiếm lĩnh thị trường tại đây. Nhiều người Trung Quốc chọn uống loại cà phê pha sẵn với giá chỉ dưới một đôla. Các quán cà phê hiếm khi mở cửa trước 9 giờ sáng, và hầu hết khách hàng thường đến uống muộn hơn giờ đó nhiều.
Một chiếc máy rang cà phê màu đỏ được đặt cạnh cửa sổ tại cửa hàng cà phê của Jiang Zhen tại Bắc Kinh. Ông sử dụng chiếc máy này để tạo ra loại hạt cà phê phù hợp với khẩu vị của Trung Quốc – ít đắng và ít cafeine hơn.
Thế nhưng giá cà phê không hề rẻ. Một tách cà phê ở cửa hàng ông được bán với giá cao nhất là 10 đôla, nơi gần với các cửa hàng có bán bánh bao hấp giá 20 cent, hay bát mỳ bò giá 3 đô la.
Năm ngoái, lượng cà phê và nước trái cây được bán ra tại cửa hàng của Jiang là ngang nhau. Năm nay, cà phê được tiêu thụ ở cửa hàng ông đã gấp đôi nước trái cây. Ông cũng bán cà phê giao tận nơi với giá 50 cent một ly đến các văn phòng.
Jiang, một người đàn ông nhanh nhẹn, hiện đang ở tuổi 40, so sánh cà phê với một công ty mới khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. “Chúng tôi đang tìm cách mang lại cà phê ngon và lành mạnh hơn,” ông nói.
Cả mùi vị và giá cả có thể là mối nguy cho thị trường cà phê đang phát triển tại Trung Quốc, nhất là bên ngoài các thành phố.
“Nếu bạn so sánh một tiệm cà phê tại Trung Quốc, nhất là những tiệm cao cấp, với các tiệm ở California hay Boston, lượng cà phê họ bán ra mỗi ngày thấp hơn,” Peter Radosevich, một thương gia tại Royal Coffee, nói. “Hiện thì lượng tiêu thụ chưa phải là thật cao.”
Để món đồ uống này thực sự thành công tại Trung Quốc, các nhà cung cấp phải thuyết phục những vùng ít khách du lịch hơn rằng cà phê có thể được sử dụng bên cạnh hoặc thay thế trà.
Và đó là lý do mà những trường đào tạo như China Barista & Coffee School ra đời.
Jiang Tao, một người đang theo học tại đây, từng làm phóng viên tại đài CCTV, và bà đang hy vọng có thể mang những kỹ năng học được để áp dụng tại quê nhà ở Lan Châu, một thành phố công nghiệp nằm bên hai bờ sông Hoàng Hà ở phía tây bắc Trung Quốc.
“Những người theo truyền thống không hiểu cà phê ngon là như thế nào,” Jiang, 38 tuổi, nói. “Tôi có trách nhiệm giới thiệu cho họ.”
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.
Thấy nguyên liệu bom ở nhà tay súng Dallas
Các nguyên liệu chế tạo bom, súng trường, đạn dược được tìm thấy tại nhà nghi phạm trong vụ bắn cảnh sát Dallas, các quan chức cho hay.
5 viên cảnh sát đã thiệt mạng và bảy người bị thương trong cuộc tuần hành hôm 7/7 phản đối cảnh sát bắn người da đen.
Nghi phạm Micah Johnson, 25 tuổi, đã bị tiêu diệt khi cảnh sát sử dụng thuốc nổ gắn vào một người máy để chấm dứt cảnh giằng co căng thẳng tại một khu nhà, nơi kẻ này cầm cự.
Thị trưởng Dallas Mike Rawlings cho biết các quan chức tin rằng Johnson là “tay súng đơn lẻ”.
“Chúng tôi tin rằng bây giờ thành phố an toàn trở lại”, thị trưởng cho biết tại cuộc họp báo hôm 8/7.
Cuộc tuần hành tại Dallas đã diễn ra sau cái chết của hai người Mỹ da đen: Philando Castile ở Minnesota và Alton Sterling ở Louisiana.
Các quan chức cho biết rằng một số cuộc tấn công bằng súng nhắm vào cảnh sát và dân thường xảy ra do hậu quả của các vụ bắn người da đen ở Minnesota và Louisiana.
Tại Atlanta, tối 8/7, hàng ngàn người tuần hành phản đối các vụ cảnh sát bắn người gần đây.
Cảnh sát trưởng Dallas nói tay súng “giận dữ về việc người da đen bị bắn chết và muốn bắn người da trắng”.
Nghi phạm này nói với cảnh sát là anh ta hành động một mình, theo cảnh sát trưởng David Brown.
Ông Brown nói tay súng này nói với một nhà thương thuyết rằng anh ta “buồn về phong trào Black Lives Matter, đau khổ vì các vụ bắn người mới đây của cảnh sát. Nghi phạm nói anh ta bức xúc về người da trắng. Anh ta nói anh ta muốn giết người da trắng, nhất là cảnh sát da trắng”.
Ông Brown nói thêm: “Anh ta nói anh ta không nằm trong nhóm nào và hành động một mình”.
Biểu tình ôn hòa
Tiếng súng nổ lúc 20:45 giờ địa phương tối thứ Năm 7/7 (08:45 sáng thứ Sáu 8/7 giờ Hà Nội) khi người biểu tình tuần hành trong thành phố.
Cảnh sát nói vụ tấn công được lên kế hoạch và thực hiện một cách kỹ lưỡng.
Cuộc biểu tình diễn ra sau vụ bắn chết hai người da đen là Philando Castile ở Minnesota và Alton Sterling ở Louisiana.
Tổng thống Barack Obama, người hiện đang có mặt tại hội nghị của Nato ở Ba Lan, gọi đây là “cuộc tấn công hung hãn, có tính toán và đáng khinh bỉ, vào người thi hành công vụ”. Ông nói cả thành phố Dallas đau buồn và “cộng đồng cảnh sát Hoa Kỳ cảm thấy nỗi mất mát này”.
Phát biểu trước đó, ông Brown nói các nghi phạm được cho là phối hợp với nhau dùng súng bắn vào cảnh sát khi cuộc tuần hành chuẩn bị kết thúc.
Hai tay bắn tỉa bắn từ trên cao xuống, nhắm vào lưng các cảnh sát viên.
Cảnh sát trưởng nói:” Chúng tôi cho là các nghi phạm này đã tìm các vị trí … nhằm bắn chết và gây thương tích cho càng nhiều nhân viên công vụ càng tốt”.
Vụ Dallas là vụ gây thương vong nhiều nhất cho lực lượng cảnh sát Hoa Kỳ kể từ sau vụ tấn công 11/9/2001.
Các cảnh sát viên sau đó bao vây một bến đỗ xe gần trường El Centro, nơi tay súng đang cầm cự.
Thị trưởng Dallas Mike Rawlings nói hai người dân thường, một đàn ông và một phụ nữ, cũng bị thương trong vụ này.
Ông nói trên chương trình Today của đài NBC rằng các nghi phạm bị tạm giữ “chưa hợp tác” và “không khai báo gì”.
Cuộc biểu tình ở Dallas là một trong các vụ biểu tình trên khắp nước Mỹ để phản đối cảnh sát sử dụng vũ khí sát thương đối với người Mỹ da đen.
Philando Castile bị bắn chết khi xe của ông bị cảnh sát dừng lại tại St Paul, Minnesota, hôm thứ Tư 6/7.
Alton Sterling bị cảnh sát bắn chết một ngày trước đó tại Baton Rouge, Louisiana.
Cả hai vụ này đều được ghi hình video, gây công phẫn và tranh luận trên toàn quốc.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160708_dallas_gunman
Euro 2016 : Nước Pháp ngập tràn không khí bóng đá trước trận chung kết
Chỉ còn hơn một ngày và một trận đấu giữa Bồ Đào Nha và chủ nhà Pháp trên sân Stade de France tối mai 10/07/2016, Euro 2016 sẽ khép lại. Trước trận chung kết trong mơ, không khí bóng đá đang nóng lên từng giờ và tràn ngập khắp nước Pháp.
Từ sau chiến thắng của đội tuyển Pháp trước đội Đức, ở Pháp người ta chỉ nói đến bóng đá. Các chương trình truyền hình, báo, đài phát thanh liên tục theo dõi từng bước chuẩn bị của đội quân áo Lam (les Bleus), bên cạnh đó là về không khí háo hức đón chờ trận chung kết Euro 2016 đang tràn ngập khắp nơi trong cả phía chủ nhà cũng như các cổ động viên Bồ Đào Nha.
Các cửa hiệu, cửa hàng cũng đang hối hả chuẩn bị trang hoàng bằng mầu cờ sắc áo của Bồ Đào Nha và Pháp. Người dân đổ xô đi mua áo thi đấu của đội tuyển Pháp đông đến mức, nhiều cửa hiệu ở Paris đã bị cháy hàng. Chiếc áo lam số 7 in tên Griezmann là mặt hàng khan nhất lúc này.
Ở bất kỳ đâu trong các thành phố của nước Pháp, người ta có thể dễ dàng thấy những lá cờ Bồ Đào Nha và Pháp được treo bên cửa sổ hoặc ban công tạo thành khung cảnh của một ngày lễ lớn thực sự.
Với trên 600 nghìn người, kiều dân Bồ Đào nha là cộng đồng lớn thứ 3 ở Pháp, chỉ sau cộng đồng người Algéri và Maroc. Không khí bên ngoài sân báo hiệu sẽ nóng bỏng trong trận chung kết, không phải ngày mai nhiệt độ ở Paris lên tới trên 30°C mà vì khao khát mong chờ đội nhà chiến thắng đang cháy rực trong hàng triệu người hâm mộ Pháp cũng như Bồ Đào Nha. Các khu fan-zone ở thủ đô Paris cũng như nhiều thành phố lớn như Marseille, Lyon, Bordeaux, Lille… dự kiến sẽ trở nên quá tải trong buổi tối ngày mai.
Riêng về bóng đá, Bồ Đào Nha và Pháp có những sự giao thoa khá thú vị : Mẹ của cây làm bàn đội Pháp, Antoine Griezmann là người Bồ Đào Nha. Thế hệ đội tuyển Pháp vô địch thế giới 1998 và châu Âu 2000 từng có mặt tiền đạo xuất sắc Robert Pires cũng xuất thân từ một gia đình người Bồ Đào Nha. Hai nước cũng đã nhiều lần gặp nhau trên sân cỏ, nhưng chưa một lần Selecçao vượt qua được les Bleus.
Nhưng từng đó dữ kiện vẫn chưa đủ để nước chủ nhà nắm chắc chiến thắng tất cả phụ thuộc vào diễn biến trên sân Stade de France tối mai. Vì thế trong không khí háo hức chờ đón trận chung kết Euro 2016, các cổ động viên Pháp cũng như Bồ Đào Nha không giấu được tâm trạng hồi hộp chờ đợi kết quả cuối cùng của trận đấu.
http://vi.rfi.fr/phap/20160709-euro-2016-nuoc-phap-ngap-tran-khong-khi-bong-da-truoc-tran-chung-ket
Cảnh sát Mỹ lần đầu sử dụng robot cài bom để tiêu diệt tội phạm
Ngày 08/07/16, cảnh sát thành phố Dallas, Mỹ đã sử dụng robot cài bom để tiêu diệt hung thủ xả súng vào cảnh sát ngày 07/07/16.
Đây là lần đầu tiên cảnh sát Mỹ sử dụng robot cài bom để tiêu diệt tội phạm. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến trong việc sử dụng người máy trong ngành cảnh sát và gây tranh luận về việc quân sự hóa lực lượng cảnh sát. Các chuyên gia công nghệ quân sự nhận định sử dụng robot để tiêu diệt tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng cả về mặt công nghệ và pháp lý cho lực lượng cảnh sát trong thế kỷ 21.
Các robot thường được sử dụng để tháo kíp nổ bom nhằm tránh gây nguy hiểm tới sinh mạng con người. An ninh Mỹ cũng đã từng dùng các loại thiết bị được điều khiển từ xa để hỗ trợ vây bắt nghi phạm, nhưng để tiêu diệt tội phạm thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử.
Ông David Brown, cảnh sát trưởng Dallas thông báo với cảnh sát : « Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng robot cài bom và kích nổ robot để tiếp cận tội phạm. Các giải pháp khác sẽ đặt các nhân viên của chúng tôi và tình huống rất nguy hiểm ».
Trong một cuộc họp báo, ông Mike Rawlings, thị trưởng thành phố Dallas, đã giải thích là loại robot tự động này thường được dùng để kích nổ hoặc vô hiệu hóa các quả bom và cũng đã từng được dùng để cài đặt chất nổ C4 và kích hoạt chất nổ này. Theo một báo cáo chính thức tháng 10/2015, cảnh sát Dallas được trang bị tối thiểu ba robot cài bom.
Theo ước tính của hãng tin Reuters, từ năm 2005, Lầu Năm Góc đã cấp cho cảnh sát liên bang và cảnh sát địa phương 451 robot. Còn theo ước tính của Drone Center, thuộc Đại học Bard Collège ở New York, hơn 200 đơn vị cảnh sát liên bang, cảnh sát địa phương đã được Bộ Quốc phòng Mỹ đã cấp cho ít nhất mỗi đơn vị một robot có khả năng kích hoạt hoặc vô hiệu hóa bom.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160709-canh-sat-my-lan-dau-su-dung-robot-cai-bom-de-tieu-diet-toi-pham
NATO tăng cường lực lượng ở Đông Âu, thách thức Nga
Hôm qua, 08/07/2016, tại cuộc họp thượng đỉnh ở Vacxava, Ba Lan, lãnh đạo của 28 quốc gia thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO đã quyết định triển khai 4 tiểu đoàn ở các quốc gia vùng Baltic và ở Ba Lan, một hành động thách thức Nga chưa từng có kể từ sau Chiến tranh lạnh. Như vậy là 4 ngàn quân sẽ được gởi đến gần sát nước Nga. Lực lượng này sẽ do 4 quốc gia Mỹ, Đức, Anh và Canada giám sát
Hôm nay, ngày cuối cùng thượng đỉnh NATO, thủ tướng Estonia Taavi Roivas đã xem đây là một quyết định « lịch sử », cho thấy sự đoàn kết và thái độ cương quyết của khối này. Cuộc họp thượng đỉnh kết thúc hôm nay với cuộc gặp giữa 28 lãnh đạo NATO với tổng thống Ukraina Petro Porochenko, sau khi dành buổi sáng để bàn về hỗ trợ cho Afghanistan.
Trong bữa ăn tối hôm qua, các nhà lãnh đạo NATO chủ yếu đã bàn về chính sách của khối này đối với nước Nga. Các bài phát biểu đều nhấn mạnh đến sự đoàn kết giữa các nước thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương, đến sự kiên quyết bảo vệ các giá trị của khối này, nhưng cũng khẳng định thái độ sẵn sàng đối thoại với Matxcơva.
Các lãnh đạo NATO cũng đã đề cập đến những hành động hù dọa của Nga ở Ukraina, Gruzia và Moldova, tức là những quốc gia muốn gia nhập khối NATO, gây khó chịu cho Matxcơva.
Cho dù sẽ khiến Nga tức giận thêm, khối NATO cũng khởi đầu việc hình thành lá chắn chống tên lửa ở châu Âu. Theo thông báo của tổng thư ký khối NATO, Jens Stoltenberg các cơ sở quân sự của Mỹ đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ, Rumani và Tây Ban Nha nay có thể hoạt động dưới sự chỉ huy của NATO và sự kiểm soát của NATO.
Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO cũng đã thông báo tăng cường hợp tác bảo vệ sườn phía Nam của châu Âu chống các nhóm thánh chiến và các đường dây đưa người nhập cư bất hợp pháp
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160709-nato-tang-cuong-luc-luong-o-dong-au-thach-thuc-nga
Ngoại trưởng Philippines giải thích về « chia sẻ » tài nguyên Biển Đông với Trung Quốc
Trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP hôm qua, 08/07/2016, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã tuyên bố Manila sẵn sàng « chia sẻ » với Trung Quốc các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại những vùng tranh chấp ở Biển Đông, cho dù Tòa án Trọng tài Thường trực ra phán quyết có lợi cho Philippines.
Theo lời ông Yasay, chính phủ của tân tổng thống Rodrigo Duterte hy vọng sẽ nhanh chóng mở đối thoại với Trung Quốc sau khi tòa án ra phán quyết vào ngày 12/07 tới. Các cuộc đàm phán sẽ bàn về việc cùng khai thác khí đốt và nguồn hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nơi mà hai nước có chủ quyền chồng lớn lên nhau.
Tuyên bố nói trên của Ngoại trưởng Yasay đã gặp nhiều chỉ trích ở Philippines, vì không ít người người cho rằng như vậy là chính quyền tổng thống Duterte sẳn sàng từ bỏ các quyền của Philippines ở Biển Đông, mà Manila gọi là biển Tây Philippines.
Vào sáng sớm hôm nay (09/07), tuy là ngày nghỉ cuối tuần, nhưng ông Perfecto Yasay đã phải ra một tuyên bố nói rõ về lập trường của Manila. Ngoại trưởng Philippines nói : « Do phán quyết không nhằm giải quyết vấn đề chủ quyền và phân định ranh giới lãnh hải, có thể là vào một thời điểm nào đó trong tương lai, các nước tranh chấp có thể thảo luận về việc cùng khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên tại những khu vực tranh chấp, mà không gây phương hại cho đòi hỏi chủ quyền của các bên và cho việc phân định ranh giới theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. »
Hôm qua, ngay sau khi bài phỏng vấn của AFP được loan tải, Ngoại trưởng Philippines cũng đã ra một tuyên bố với nội dung tương tự để giải thích rõ lập trường của Manila về vấn đề này.
Chính thức nhậm chức ngày 30/06 vừa qua, tân tổng thống Duterte có giọng điệu hòa hoãn hơn với Trung Quốc so với người tiền nhiệm Benigno Aquino, vốn vẫn từ chối mọi đối thoại trực tiếp với Bắc Kinh, bị xem là hành xử ở Biển Đông không khác gì Đức Quốc xã trước đây. Theo lời Ngoại trưởng Yasay, ông Duterte sẽ tìm cách duy trì quan hệ tốt giữa Philippines với Trung Quốc
Sam Rainsy, vật cản với đối lập Cam Bốt ?
Sự ra đi của cựu thủ tướng Pháp Michel Rocard và các nỗ lực để giúp người tị nạn hội nhập tại châu Âu là chủ đề lớn của các tuần báo Pháp đầu tháng 7/2016. Nhưng trước hết, về thời sự châu Á, tuần san Le Courrier International dẫn lại một bài viết đáng chú ý về thách thức lớn của đối lập Cam Bốt, hai năm trước cuộc bầu cử Quốc Hội, trong bối cảnh thủ lĩnh Sam Rainsy liên tục bị lên án là kẻ « hèn nhát ».
Bài viết « Cam Bốt. Sam Rainsy, một nhà đối lập bị lên án », dẫn lại từ tờ The Diplomat, mô tả trước hết các đàn áp tại Cam Bốt của chính quyền Hun Sen, nhằm triệt hạ đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc. Năm 2015, thủ lĩnh Sam Rainsy chọn con đường lưu vong sang Pháp, phó chủ tịch đảng phải lẩn trốn, để tránh lệnh truy nã của chính quyền. Ông Sam Rainsy cũng đồng thời phải đối mặt với một làn sóng chỉ trích trên truyền thông. Thủ lĩnh đối lập – vốn tự so mình với nhà đối lập lịch sử Miến Điện Aung San Suu Kyi – bị lên án là « hèn nhát », khi chọn con đường lưu vong.
Theo bài phân tích của The Diplomat, tương lai chính trị của nền dân chủ Cam Bốt trong những năm tới phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của thủ lĩnh Sam Rainsy. The Diplomat ghi nhận « tính cách công dân toàn cầu » của lãnh đạo đối lập Cam Bốt, và nỗ lực để Cam Bốt tiếp tục là một hồ sơ « trọng tâm của cộng đồng quốc tế », và theo hướng này, quyết định lưu vong của lãnh đạo đối lập là « có lý ».
Nhưng bài viết cũng đặt nghi vấn về một quan điểm cơ bản của ông Sam Rainsy về tương lai chính trị Cam Bốt : Ông tin tưởng « Lịch Sử đứng về phía mình », tin tưởng « sự chán ngán của dân chúng đối với chế độ Hunsen cuối cùng sẽ khiến đối lập chiến thắng qua bầu cử », tin tưởng là với thời gian « dân chúng Cam Bốt ngày càng trẻ hơn và đô thị hóa hơn » sẽ đứng về phía đối lập…
Hai năm quyết định với Sam Rainsy
Nếu tin tưởng vào quan điểm « Lịch Sử » chắc chắc sẽ tiến lên, chắc chắn sẽ đi từ độc tài đến dân chủ tự do và kinh tế thị trường, Sam Rainsy sẽ chiến thắng Hun Sen. Cuộc bầu cử 2013 với kết quả đảng đối lập chỉ thua đảng Hun Sen có 300.000 phiếu là một chứng minh cho xu thế này.
The Diplomat lật ngược lại vấn đề, với câu hỏi : Liệu Lịch Sử có được viết sẵn từ trước, và phải chăng cuộc bầu cử năm 2018 sẽ chỉ là sự nối tiếp thành tích của năm 2013, và ông Sam Rainsy sẽ chỉ cần chờ thời điểm thuận lợi để trở thành thủ tướng Cam Bốt ? Tuy nhiên, theoThe Diplomat, cũng có thể nhìn Lịch Sử theo hướng hoàn toàn khác. Bài viết mỉa mai, nếu như trong hai năm tới, thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy không làm gì để chứng tỏ mình là một Aung San Suu Kyi và « từ chối nhường chỗ » cho một thế hệ đối lập trẻ trung hơn, thì ắt hẳn là ông « sẽ phải quen với việc bị coi là đồ hèn, và trở thành một vật cản thực sự đối với sự phát triển của đối lập Cam Bốt ». The Diplomat cho rằng, hiện tại chưa có gì chứng tỏ ông Sam Rainsy đã thay đổi định hướng.
Thượng đỉnh NATO : Trắc nghiệm quan trọng đối với phương Tây
Về thời sự quốc tế, Le Courrier International chú ý đến « Thượng đỉnh NATO : Một trắc nghiệm quan trọng đối với phương Tây ». Bài phân tích trích từ Financial Times nhấn mạnh đến bối cảnh hậu Brexit, và căng thẳng với Nga buộc các nước phương Tây phải « thể hiện rất đoàn kết » trong cuộc thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày, hôm qua và hôm nay 07 và 08/07, tại Varsava.
Thượng đỉnh NATO này còn đặc biệt ở chỗ : Đây là thượng đỉnh cuối cùng với nhiều lãnh đạo chủ chốt của NATO (Mỹ, Anh, và rất có thể là cả Pháp), đường lối quốc phòng của các quốc gia này như vậy có thể sẽ có nhiều thay đổi, và Nga hiểu rõ điều này. Theo Financial Times, chính trong bối cảnh như vậy mà tinh thần đoàn kết lại càng phải được đề cao.
6 giải pháp để cứu Liên Hiệp Châu Âu
Vẫn về thời sự châu Âu hậu Brexit, Le Courrier International dẫn lại bài « Sáu giải pháp để cứu Liên Âu », từ báo Ailen « The Irish Times ». Theo nhà phân tích Fintan O’Toole, để cứu châu Âu, trước hết các lãnh đạo Liên Âu phải tỏ ra « khiêm nhường », bởi để xảy ra quyết định Brexit, lỗi không chỉ ở một phía. Thứ hai là, châu Âu nên miễn cho Hy Lạp nghĩa vụ hoàn trả các khoản nợ bất khả thi, để chứng tỏ Bruxelles đã hiểu được bài học Brexit. Thứ ba là thay vì vội vã xây dựng một siêu Nhà nước châu Âu hùng mạnh, với những dự án « điên rồ » như xây dựng một quân đội chung cho toàn châu lục, Liên Âu nên hướng đến một liên minh trên nền tảng « bình đẳng » hơn, không chỉ về mặt kinh tế…. Theo nhà phân tích Ailen, đồng euro cũng là một định chế cần phải từ bỏ, vì điều này chỉ có lợi cho một nhóm nước giàu phía bắc, đặc biệt là Đức.
Giải pháp cuối cùng để cứu Liên Âu, đó là minh bạch hóa ngân sách của Liên Hiệp, theo đòi hỏi của các phong trào dân chủ, như DiEM25, do cựu bộ trưởng Tài Chính Hy Lạp khởi xướng. Tờ báo Ailen nhấn mạnh, để Liên Âu sống sót, không được ảo tưởng rằng, sự ra đi của Vương Quốc Anh sẽ mở đường cho việc xây dựng một Nhà nước châu Âu siêu quốc gia.
Đức : Chính sách tị nạn thiếu một cơ quan điều phối chung
« Tị nạn: Hội nhập là có thể » là tựa của hồ sơ chính của Le Courrier International. Hơn 1,5 triệu người tị nạn đổ vào châu Âu kể từ năm 2015. Tiếp theo việc cung cấp chỗ ở, để đón tiếp khẩn cấp người nhập cư là vấn đề làm thế nào để giúp họ hội nhập. Đức là quốc gia tuyến đầu của châu Âu, với hơn một triệu dân nhập cư được tiếp nhận. Le Courrier International dẫn lại nhiều bài viết trên các báo Đức, Ý và Thụy Sĩ, cho thấy mặc dù chính quyền cũng như dân chúng địa phương châu Âu có nhiều nỗ lực giúp dân tị nạn hội nhập, về chỗ ở, việc làm và học tiếng, tuy nhiên, vẫn thiếu « một cơ quan quản lý thống nhất », tập hợp thông tin về các hoạt động trợ giúp khác nhau, để giúp cho chính quyền trung ương có một cái nhìn tổng thể. Trên đây là nhận định của báo Die Zeit (Đức).
Bên cạnh vấn đề chỗ ở và việc làm, việc dạy tiếng cho dân tị nạn là điều được ưu tiên. Một quỹ khẩn cấp được lập ra, với 559 triệu euro, do bộ Nội Vụ Đức và nhiều cơ sở khác chi trả. Hiện tại quỹ đã cạn tiền, vì nhu cầu thực tế là rất lớn. Bên cạnh việc nhờ đến các giảng viên dạy miễn phí, nhiều người tị nạn cũng đang tự xoay xở để học tiếng Đức qua internet.
Rocard – Người làm rung chuyển cánh tả Pháp
Hình ảnh cựu thủ tướng Pháp vừa qua đời tràn ngập các mặt báo. « Rocard lúc sinh thời » là tựa trang nhất l’Express, báo Le Point giới thiệu « Michel Rocard 1930-2016. Cuộc đời và những bí mật lần đầu công bố ». Tuần báo Le Nouvel Observateur ra số đặc biệt « Rocard và chúng ta ». L’Obs cũng là nơi công bố nhiều bài viết của cựu thủ tướng Pháp. Sự ra đi của chính trị gia đặc biệt này là dịp để giới truyền thông đưa ra những tổng kết về đời sống chính trị Pháp trong gần nửa thế kỷ qua, và những dự cảm tương lai.
Le Nouvel Observateur có bài xã luận « Rocard và chúng ta », ca ngợi chính trị gia quá cố : «Ông đã tự khẳng định như người duy nhất thực sự sáng suốt, có thể đánh giá được đúng những rối ren (trong nội bộ) cánh tả ». Một trong những lý do là, khác với nhiều lãnh đạo đảng Xã Hội, Michel Rocard có một lập trường rất rõ ràng với chủ nghĩa cộng sản, ông « không bao giờ nhân nhượng tư tưởng cộng sản Bolcheviks và Staline sau này ». Đối với ông, « chủ nghĩa Mác là một tư tưởng lớn, nhưng chủ nghĩa cộng sản là một ảo tưởng hết sức nguy hiểm ».
Le Nouvel Observateur ghi nhận, bên cạnh tư tưởng cải cách, hai trong những quyết định chính trị quan trọng khiến Michel Rocard rất được ca ngợi, đó là thái độ kiên quyết của ông trong việc chống lại chiến tranh Algeri đầu những năm 1960, và người đã can thiệp để lập lại hòa bình tại Tân Đảo (la Nouvelle Calédonie), giành cho xứ thuộc địa cũ này một quyền tự trị rộng rãi, khi ông vừa nắm quyền thủ tướng năm 1988.
Về Rocard, Le Nouvel Observateur có bài viết đáng chú ý của cựu thủ tướng Lionel Jospin, nguyên ứng cử viên tổng thống đảng Xã Hội với tựa đề « Người đã rất nhanh chóng làm rung chuyển các xác quyết của chúng tôi ». Cựu thủ tướng Jospin từng là một lãnh đạo hàng đầu của đảng Xã Hội Pháp, nguyên là ứng cử viên tổng thống đảng Xã Hội năm 2002. Cho dù không đồng ý về tất cả các quan điểm của Rocard, Lionel Jospin đánh giá rất cao cách nhìn của nhà chính trị, về đòi hỏi phi tập trung hóa nhà nước, tìm kiếm thỏa hiệp xã hội, đề cao phương thức tự quản trong doanh nghiệp… Đây là những đề tài gây bối rối rất lớn trong hàng ngũ đảng Xã Hội vào thời đó, bởi đi ngược lại tư tưởng chính thống của đảng, nhưng lại rất được xã hội Pháp quan tâm.
Về Rocard, báo Le Point có bài « Bi kịch của những người nghiêm túc » của nhà nghiên cứu Nicolas Bavarez thì nhấn mạnh đến những mặt thất bại của chính trị hàng đầu nước Pháp, mà cơ bản là thất bại trước « cánh tả triệt để ». Tác giả bài viết muốn chỉ ra một nghịch lý là : « các nỗ lực của Rocard đã không thể giúp cho nước Pháp gia nhập thế giới hiện đại », Michel Rocard, « thuộc về một thế hệ đã làm cho nước Pháp suy tàn, thay vì mang lại giải pháp ».
Còn « Rocard lúc sinh thời » của báo L’Express chú ý đến sự tương phản hết sức lớn giữa « sự nghiệp trí thức » và « thành tích tranh cử » của chính trị gia này với nhận xét : Học thuyết của ông Rocard đã từ từ được khẳng định trong cánh tả, tuy nhiên, với tư cách là một chính trị gia, ông đã thất bại trong việc đi đến đỉnh cao quyền lực.
Những người kế thừa truyền thống Rocard
Khẳng định những ưu điểm của Michel Rocard với tư cách một nhà tư tưởng cải cách, bài viết của L’Express cũng lưu ý độc giả về nhiều nhược điểm của chính trị gia, người vừa là đối thủ của François Mitterand, vừa làm việc dưới quyền vị tổng thống này. Trước hết là « sự mong manh trong tính cách, khó khăn trong giao tiếp và sự kém cỏi trong việc điều hành một tổ chức chính trị » đã khiến Rocard thất bại.
Tuy nhiên, l’Express cũng nhấn mạnh là, hiện tại Rocard đã được « những người kế thừa », như đương kim thủ tướng Manuel Valls hay bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron. Tờ báo dự đoán, « thất bại rất có thể của ông Hollande trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới sẽ là thất bại cuối cùng của truyền thống Mitterand, và việc tái sinh của đảng Xã Hội, của truyền thống xã hội chủ nghĩa Pháp, chắc chắn sẽ phải khởi đầu với sự lên ngôi của truyền thống Rocard ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160709-thu-linh-sam-rainsy-la-mot-vat-can-voi-doi-lap-cam-bot