Đọc báo Pháp 08/07/2016
NATO : Những kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh Vacxava
Ba chủ đề chính được nhiều nhật báo Pháp ngày hôm nay quan tâm là hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vacxava, Brexit và trận bán kết bóng đá giữa hai đội Pháp và Đức. Ngoài ra, cũng có một số chủ đề đáng chú ý khác như hai nữ ứng viên vào vị trí thủ tướng Anh, Cựu thủ tướng Anh Tony Blair trong cuộc điều tra về cuộc chiến tranh Iraq, Thủ tướng Pháp hứa hẹn giảm thuế để thu hút đầu tư tài chính, Ngân hàng Trung ương Châu Âu thay đổi chính sách sau Brexit.
Hôm này là ngày hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc tại Vacxava, Ba Lan. Các nhật báo Pháp như Le Monde, Le Figaro, Libération, Les Echos đều có bài viết về sự kiện này. Nhật báo Le Monde phân tích những kỳ vọng của NATO vào hội nghị thượng đỉnh Vacxava lần này.
Điều ngạc nhiên chiến lược mới nhất không đến từ đụng độ quân sự trên vùng biển Baltic mà từ Brexit : trên thực tế, cùng với Pháp, Anh Quốc là một trong hai cường quốc hạt nhân ở châu Âu và cùng với Mỹ, Anh giữ vai trò chỉ huy tác chiến tối cao trong liên minh quân sự ở châu Âu. Không ai biết các chấn động của Brexit sẽ lan tới đâu. NATO không muốn thảo luận về hậu quả của Brexit nhưng việc củng cố hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu sẽ nằm trong chương trình nghị sự.
Liên Hiệp là đối tác chính của NATO và đã tới lúc đưa mối quan hệ giữa hai tổ chức tiến triển thêm một bước. NATO sẽ hỗ trợ Liên Hiệp trong chiến dịch Sophia nhằm chống lại buôn lậu vũ khí từ Libya hoặc tới Libya. Hai khách mời đặc biệt là ông Donald Tusk – chủ tịch Hội đồng Châu Âu và ông Jean-Claude Juncker – chủ tịch Ủy ban Châu Âu sẽ có buổi gặp gỡ với tổng thống Mỹ Obama vào sáng hôm nay 08/07 để đưa ra tuyên bố về an ninh.
Cũng giống như hội nghị thượng đỉnh NATO 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimée, hội nghị thượng đỉnh năm nay cũng rất chú trọng tới mối quan hệ với Nga. Và điều quan trọng nhất là 28 thành viên NATO phải thể hiện được sự nhất quán, tránh bất đồng, gây chia rẽ nội bộ.
Do căng thẳng trước việc Nga phô trương sức mạnh quân sự gần biên giới, các nước Đông Âu thành viên NATO lo ngại và tin vào khẳng định của Trung tâm phân tích Rand Corporation của Mỹ là Nga chỉ cần chưa đến ba ngày là xâm chiếm được các nước Latvia hoặc Estonia, trừ khi NATO triển khai 7 lữ đoàn ở khu vực này. Còn các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Đức thì lại chú trọng tới đối thoại với Matxcơva để tránh không gây ảnh hưởng tới việc thực hiện thỏa thuận Minsk ở Ukraina. Hội nghị thượng đỉnh Vacxava là dịp để NATO tái khẳng định sự ủng hộ lâu dài đối với Kiev và tổng thống Porochenko hiện cũng đang có mặt tại Vacxava.
Trước những căng thẳng chưa từng có về vấn đề khủng hoảng Ukraina, hội nghị thượng đỉnh Vacxava sẽ đưa ra quyết định quan trọng là tăng cường sự hiện diện của NATO ở Đông Âu thông qua triển khai bốn tiểu đoàn đa quốc gia luân chuyển tại bốn nước Estonia, Litva, Latvia và Ba Lan, mỗi tiểu đoàn có quân số 1.000 người. Bộ tham mưu sẽ được đặt ở Ba Lan. Còn các nước Bulgari và Rumani sẽ có các lữ đoàn với khoảng vài trăm binh sĩ. NATO cũng dự kiến triển khai các đơn vị hậu cần ở Đông Âu và các tăng thiết giáp nếu Mỹ hỗ trợ trực tiếp. Tuy nhiên các sức mạnh này chỉ mang tính biểu trưng nhằm buộc Nga phải thận trọng hơn mà không cho Nga có cớ để leo thang chiến tranh.
Để tránh chia rẽ, chủ đề mở rộng NATO, cụ thể là yêu cầu được gia nhập NATO của Ukraina và Gruzia sẽ không được đưa ra thảo luận.
Một số quyết định khác mà NATO đã thông qua vào năm 2014 cũng sẽ được triển khai thực hiện. Quân số của lực lượng phản ứng nhanh của NATO sẽ tăng gấp ba lần, lên tới 40.000 người với một « lực lượng mũi nhọn » với quân số 5.000 người và được không quân, hải quân và các lực lượng đặc biệt hỗ trợ. « Lực lượng mũi nhọn » có thể được triển khai chỉ trong vòng 2-5 ngày. NATO cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ canh gác vùng trời các nước baltic và tuần tra ở vùng Hắc Hải và vùng biển Baltic.
NATO cũng sẽ tuyên bố khả năng tác chiến của hệ thống chống tên lửa trên lãnh thổ châu Âu là nhằm chống lại sự đe dọa từ Trung Đông, từ Iran chứ không phải nhằm chống lại Nga.
Các chuyên gia quân sự của NATO vẫn tin rằng Nga không có ý đồ tấn công biên giới Liên Minh nhưng lại lo lắng về thái độ không thể lường trước của Matxcơva. Nhiều chuyên gia cho rằng ông Putin đang sử dụng chiến thuật mập mờ trên tất cả các lĩnh vực như các kịch bản leo thang quân sự, ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, các cuộc tập trận. Và hiện nay, Nga đã triển khai cả nhân lực và trang thiết bị gần biên giới với Ba Lan và Lituanie. Nga cũng đầu tư mạnh vào vũ khí chính xác và các hệ thống ngăn cản thâm nhập.
Tổng thư ký NATO bằng mọi giá muốn tránh việc phá vỡ Hiệp ước cơ sở NATO-Nga ký năm 1997 cấm các lực lượng quân sự hiện diện thường trực với quân số cao ở vùng biên giới phía Đông. Ông cũng nhấn mạnh để bảo vệ các nước thành viên, NATO phải sử dụng phương pháp tiếp cận 360°, có nghĩa là không chỉ tập trung đối phó với các đe dọa từ Nga mà còn phải lưu ý tới kế hoạch đảm bảo sự ổn định ở phía Nam thông qua việc mở rộng chiến dịch « cố gắng tích cực » để kiểm soát tàu thuyền trên biển Địa Trung Hải và tăng cường hỗ trợ các lực lượng quân sự Iraq.
Trung Quốc – Hồng Kông : Chính sách một đất nước, hai chế độ
Còn về Trung Quốc, liên quan tới vụ ông Lâm Vinh Cơ (Lam Wing Kee), nhân viên nhà sách Hồng Kông bị « mất tích » tại Hoa Lục, nhật báo Le Monde có đăng bài về phản ứng của chính quyền Trung Quốc. Bộ trưởng An Ninh Trung Quốc cáo buộc ông Lâm Vinh Cơ đã không tuân thủ thời hạn tự do tạm thời. Vì thế ông này sẽ bị cảnh sát Trung Quốc truy bắt và đưa về Đại lục xét xử. Cảnh sát Hồng Kông cuối cùng cũng đã thay đổi thái độ, cam kết bảo vệ ông Lâm. Về phần ông Lâm, ông dự tính sẽ sang Đài Loan nếu tình hình trở nên căng thẳng.
Vụ việc này được coi như ví dụ minh họa cho sự không nhất quán khi giải thích nguyên tắc « một đất nước, hai chế độ » bị coi là đang chi phối mối quan hệ giữa Hồng Kông và đại lục. Theo một nguồn tin chính thức từ Trung Quốc, Bắc Kinh đánh giá việc người dân Hồng Kông vi phạm pháp luật Trung Quốc khi phân phối sách cấm vào đại lục mà lại không bị xét xử theo pháp luật nước này là không công bằng. Còn người dân Hồng Kông thì lo sợ sẽ không được công lý bảo vệ ở đại lục vì Trung Quốc vốn nổi tiếng với các biện pháp xét xử tùy tiện.
Các « viên bi » phóng xạ : Sự phát tán từ Fukushima tới Tokyo
Nhật báo Le Monde cũng đưa tin một nhóm các nhà nghiên cứu của nhiều trường đại học đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy 89% các césium phóng xạ thoát ra khỏi ba lò phản ứng ở các nhà máy điện hạt nhân Fukushima tồn tại trong không khí dưới dạng các hạt siêu nhỏ và đã phát tán tới tận Tokyo, cách Fukushima 230km. Các hạt siêu nhỏ này được thu thập trong các mẫu đất lấy từ các mảnh ruộng gần nơi đặt các nhà máy điện hạt nhân một năm sau thảm họa hạt nhân ở Nhật. Và chúng cũng được phát hiện qua một bộ lọc không khí đặt ở một tòa nhà nằm ở khu vực phía Nam thành phố Tokyo.
Theo các nhà nghiên cứu, các hạt phóng xạ có thể đã được hình thành do lõi lò phản ứng tan chảy và bê-tông từ lò phản ứng. Các hạt này phát tán mạnh hơn các ion khí vì có chứa các cesium phóng xạ 134 và 137 ở mức độ đậm đặc nhưng lại rất khó hòa tan trong nước. Các đặc tính này đặt cho các nhà khoa học câu hỏi về tác động lâu dài của các hạt phóng xạ lên sức khỏe con người.
Tốp 10 thành phố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhất
Nhật báo kinh tế Les Echos có cho đăng bài về bảng xếp hạng 10 thành phố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhất. Theo kết quả cuộc khảo sát do OpinionWay thực hiện, thành phố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhất năm vào năm 2016 là NewYork. Luân Đôn vốn đứng đầu danh sách vào năm 2015, nhưng Brexit và hệ lụy là sự mất ổn định đã khiến Luân Đôn tụt xuống vị trí thứ 2. Vị trí thứ 3 thuộc Thượng Hải. Paris xếp thứ 4 trong danh sách, đứng trên Hồng Kông và Tokyo. Bắc Kinh chỉ xếp ở vị trí thứ 10.
Về các tiêu chí đánh giá, 90% các nhà đầu tư chọn sự ổn định chính trị và an toàn về pháp lý làm tiêu chí xếp hạng các thành phố, 88% chọn cơ sở hạ tầng và 85% chọn tăng trưởng kinh tế. Tiếp theo là các tiêu chí về quy mô và sức mở của thị trường, nguồn nhân lực, các phí tổn, lương và chính sách thuế. Các tiêu chí khác như giá bất động sản, nghiên cứu và chất lượng cuộc sống đều giảm tầm quan trọng.
Thành phố Marseille thắng lớn ở giải Euro 2016
Do báo lên trang sớm, Les Echos không kịp cập nhật kết quả trận bán kết giữa hai đội tuyển Pháp và Đức nhưng trên nhật báo kinh tế này có bài đăng với tựa « Marseille đã thắng giải Euro » viết về những cái lợi mà thành phố Marseille được hưởng từ mùa giải 2016. Trong vòng một tháng diễn ra các trận đấu, thành phố đã đón 360.000 khách. Tính trung bình, mỗi khách chi 350 euro/ngày cho ăn, ở, đi lại và thăm thú : tổng số đạt 180 triệu euro.
Từ ngày 06/07/16, không một khách sạn nào trong số 87 khách sạn ở Marseille còn phòng trống. Các du khách cũng không còn cơ may thuê được phòng ở nhà dân. Từ đầu mùa giải Euro 2016 tới nay, tỉ lệ khách đặt phòng đã vượt quá 90% (tính trên tổng số 8.500 phòng). Quan trọng hơn, vài chục ngàn cổ động viên đã trở thành đại sứ du lịch làm thành phố thêm nổi danh. Các khách sạn phục vụ các đội tuyển cũng đã trở nên nổi tiếng hơn trên thế giới. Đó là chưa kể những lợi nhuận thu được từ việc bán vé vào các sân vận động, đặc biệt là vé hạng nhất.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160708-nato-nhung-ky-vong-vao-hoi-nghi-thuong-dinh-vacxava