Tin khắp nơi – 07/07/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 07/07/2016

Bắc Kinh cảnh báo Mỹ về biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo Hoa Kỳ không làm tổn hại tới an ninh và chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, ít ngày trước khi Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán quyết về vụ kiện của Philippines.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc điện đàm hôm 6/7, ông Vương Nghị nói với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng Washington nên duy trì cam kết không đứng về phía bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Thông cáo dẫn lời ông Vương bày tỏ hy vọng rằng Hoa Kỳ “phát ngôn và hành động thận trọng, đồng thời không có các hành động làm tổn hại tới các lợi ích về an ninh và chủ quyền của Trung Quốc”.

Căng thẳng hiện gia tăng trước khi Tòa ở La Haye, Hà Lan, ra phán quyết đối với vụ kiện của Philippines về tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông của Trung Quốc.

Hiện Bắc Kinh đang tiến hành cuộc tập trận kéo dài một tuần gần quần đảo Hoàng Sa, trong khi quan chức hải quân Mỹ hôm 7/7 cho biết rằng các tàu khu trục Hoa Kỳ đã thực hiện các cuộc tuần tra gần các bãi đá và đảo do Trung Quốc kiểm soát ở Trường Sa.

Trung Quốc bấy lâu nay thường chỉ trích Washington gây bất ổn tại biển Đông, cáo buộc mà Mỹ thường bác bỏ.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận rằng Ngoại trưởng Kerry đã điện đàm với người đồng nhiệm Trung Quốc, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Bắc Kinh từng tuyên bố rằng Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc không đủ thẩm quyền phân xử, và nhiều lần khẳng định sẽ không chấp nhận phán quyết của Tòa này.

Các chuyên gia quốc tế không ít lần bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc sẽ đáp trả phán quyết bằng việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông, hoặc gia tăng việc bồi đắp các đảo nhân tạo tại vùng biển tranh chấp.

Trong một diễn biến khác liên quan, sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 7/7, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho biết ông không thể đưa ra bình luận về vụ kiện của Philippines, nhưng kêu gọi xử lý các khác biệt một cách hòa bình.

Theo Reuters, Xinhua, CCTV.

http://www.voatiengviet.com/a/bac-kinh-canh-bao-my-ve-bien-dong/3407648.html

 

Lãnh đạo NATO họp bàn chuyện IS, sự gây hấn của Nga và cuộc chiến Afghanistan

Tiếp theo sau loan báo của Hoa Kỳ sẽ duy trì lực lượng gồm 8.400 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan, các lãnh đạo của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ gặp nhau ở Warsaw vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy tuần này để thảo luận 3 vấn đề an ninh chủ yếu: tiếp tục hỗ trợ các lực lượng Afghanistan, đánh bại các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo tại sườn phía Nam của NATO, và răn đe hành động gây hấn của Nga ở mạn đông liên minh NATO. Từ Ngũ Giác Đài, phóng viên Carla Babb của VOA gửi về bài tường trình.

Từ Afghanistan tới Ukraine, cho tới Nhà nước Hồi giáo, không thiếu những mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu để mang ra thảo luận tại hội nghị NATO năm nay.

Ông Anthony Cordesman thuộc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Chiến lược và Quốc tế nhận định:

“Nói một cách thẳng thừng thì liên minh không có sự lựa chọn nào. Họ phải ra sức đối phó và trực diện với các vấn đề đó. Chúng ta không thể xếp hạng ưu tiên trước các mối đe dọa chủ yếu, mà phải giải quyết tất cả các mối đe dọa đó”.

Giữa lúc quân số của lực lượng Mỹ không còn là một yếu tố bất định, giới phân tích nói rằng các nhà lãnh đạo NATO cần có một chiến lược để giúp người Afghanistan giải quyết một loạt những vấn đề, kể cả một nền kinh tế èo uột, sự thất bại trong việc tái khởi động các cuộc đàm phán với phe Taliban, và sự gia tăng trong các con số thương vong về phía Afghanistan tiếp theo sau một mùa giao tranh ác liệt.

Nhà phân tích Cordesman nói:

“Đây không phải là một tình huống trong đó rõ rệt chúng ta đang thất bại, nhưng những gì đang diễn ra tại đó bất kể là gì đi nữa, điều rõ rệt là chúng ta hiện nay chưa đạt được thắng lợi”.

Về phía Nam, NATO hiện không chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo trong tư cách một khối, giữa lúc các nước thành viên NATO chọn đơn phương gửi quân tham gia một liên minh do Mỹ lãnh đạo. Sau cuộc tấn công khủng bố ở Paris hồi năm ngoái, một số người hối thúc NATO hãy viện đến Điều 5 của Hiệp ước Phòng thủ chung của NATO để đối phó với nhóm cực đoan này. Nhưng một số nhà phân tích khuyến cáo NATO chớ nên can thiệp sâu hơn nữa.

Ông Daniel Serwer thuộc Trường Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế, Đại học Johns Hopkins, nhận định:

“Tôi tin rằng NATO sẽ không chính thức tham gia tại Syria và Iraq một cách quy mô, bởi vì chúng ta cần tới sự hợp tác của Nga, đặc biệt ở Syria, và Nga sẽ không hợp tác nếu có sự hiện diện của NATO tại đó”.

Về phần Nga, nước này đặt ra một mối đe dọa tiềm tàng khác đối với liên minh NATO. Nga đã sáp nhập một cách bất hợp pháp bán đảo Crimea của nước láng giềng Ukraine, và trong thời gian qua vẫn tiếp tục hậu thuẫn cho các thành phần ly khai ở đông bộ Ukraine.

Theo tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ, các phi công Nga đã bay sát một cách nguy hiểm gần các tàu chiến Mỹ đang thực hiện các sứ mạng huấn luyện với các đồng minh NATO trong vùng biển Baltic.

Các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh một mặt cần trấn an các đồng minh Đông Âu của NATO, mặt khác, sẵn sàng răn đe hành động gây hấn khác nữa của Nga.

Đại tướng Philip Breedlove, cựu Tư Lệnh Tối cao NATO ở Âu Châu phát biểu:

“Tôi tin rằng một trong những giải pháp chủ chốt để có thể răn đe, điều thật sự có thể răn đe những người tìm cách gây áp lực đối với liên minh của chúng ta, là toàn bộ liên minh NATO chúng ta, cấu trúc quyền lực mà chúng ta hiện có, phải chuẩn bị sẵn sàng hơn, để có thể đáp ứng nhanh nhạy hơn”.

Vẫn theo Bộ Quốc phòng Mỹ, để tiếp sức cho nỗ lực đó, Hoa Kỳ, Anh, Đức và Canada mỗi nước đang có kế hoạch lãnh đạo một tiểu đoàn luân phiên có thể hoạt động từ căn cứ ở mạn đông của liên minh.

Một giới chức Mỹ nói với VOA rằng Tổng thống Barack Obama sẽ loan báo rằng Hoa Kỳ sẽ lãnh đạo một tiểu đoàn ở Ba Lan, trong khi các nước khác lãnh đạo các tiểu đoàn ở Estonia, Latvia và Lithuania.

http://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-nato-hop-ban-chuyen-is-su-gay-han-cua-nga-va-cuoc-chien-afghanistan/3407594.html

 

Brexit: Khoảnh khắc ‘bức tường Berlin’ của tuổi trẻ Châu Âu

Heather Murdock

Một số người nói cuộc bỏ phiếu của Anh tách ra khỏi EU là khoảnh khắc ‘Bức tường Berlin’, biểu tượng cho sự tự do. Một số người khác lại cho rằng sự sụp đổ của Bức tường Berlin bắt đầu thời đại toàn cầu hóa trong khi Anh rời bỏ EU mở màn một kỷ nguyên xé bỏ các ràng buộc chính trị vốn giúp cho Châu Âu an toàn và thịnh vượng. Đó là một số ý kiến thông tín viên đài VOA, Heather Murdock, ghi nhận từ Berlin qua cuộc trao đổi với giới trẻ EU dọc theo khu vực tàn dư của Bức tường Berlin về sự thay đổi này.

Năm 1989, người Đức phá bỏ bức tường ngăn chia Berlin và tượng trưng cho những chia rẽ sâu xa hơn trên toàn cầu.

Ngày nay, nhiều phần của Bức tường Berlin vẫn còn đó như một lời nhắc nhớ về những ngày đen tối ở Châu Âu. Sau cuộc trưng cầu dân ý tuần rồi tại Anh để tách khỏi EU, một số người trẻ tự hỏi liệu chăng EU đang có một bước lùi.

Jess Korzenyowska, một thanh niên người Anh, chia sẻ: ‘Thật sự có cảm thấy là lạ khi đến thăm nơi đây vào lúc này khi mà chúng ta lại nghĩ tới chuyện ngăn cách một lần nữa, có cảm giác rất lạ.’

Các cử tri trẻ ở Anh có phần chắc không bỏ phiếu rời khỏi EU, nhưng những người trẻ ở đây không đồng nhất chống lại việc đó.

Jarno Kiri, một người trẻ Phần Lan nói: ‘Một cảm giác hỗn hợp. Không ai biết việc này sẽ tác động tới EU và thế giới như thế nào. Một phần trong tôi cảm thấy việc ấy giống như là trao sức mạnh cho nhân dân, đại loại vậy. Một phần khác trong tôi lại thấy việc này sẽ mang lại những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế.’

Đứng trước một phần bức tường trưng bày hình ảnh về những bi kịch từ các cuộc chiến hiện đại, người thanh niên này nói anh không thích một điều là cuộc trưng cầu dân ý ở Anh bị tác động bởi các quan ngại về di dân.

Một điều chắc chắn rằng, nếu hoặc khi Anh rời khỏi EU, các rào cản kinh tế và hậu cần sẽ được dựng lên, mức độ ngăn cách ra sao, chưa ai biết được.’

Domenico Manfredelli, một thanh niên người Ý, bày tỏ: ‘Đối với tôi, London là biểu tượng của sự hợp nhất, nơi có thể gặp gỡ mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Cho nên Anh ra khỏi EU để lại cho tôi cảm giác, không biết phải nói sao, quả là một tình cảnh hết sức kỳ quặc.’

Cách này hay cách khác, những người trẻ này cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Anh là một khoảnh khắc ‘Bức tường Berlin’ đối với thế hệ này.

Anh thanh niên người Phần Lan tên Jarno Kiri tiếp lời: ‘Hai mươi năm sau nhất định người ta sẽ nhìn lại khoảnh khắc này: trước và sau khi Anh ra khỏi EU.’

Trong khi các đảng phái chính trị tại những nước khác đang bàn tới việc rời khỏi EU, cũng có những ý kiến cho rằng nền an ninh-thịnh vượng Châu Âu trong mấy chục năm qua có liên quan đến sự đoàn kết của EU. Tuy nhiên, theo họ, khó lòng biết được đích xác điều gì lèo lái lịch sử.

http://www.voatiengviet.com/a/brexit-khoanh-khac-buc-tuong-berlin-cua-tuoi-tre-chau-au/3406643.html

 

Bộ Tư pháp Mỹ điều tra vụ cảnh sát bắn người ở Louisiana

Vụ Dân sự Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sẽ dẫn đầu cuộc điều tra vụ cảnh sát bắn chết một người đàn ông da đen bên ngoài một tiệm tạp hóa ngày 5/7 ở thành phố Baton Rouge, bang Louisiana.

Thống đốc John Bel Edwards cho hay Bộ Tư pháp sẽ được Cục Điều tra Liên bang FBI và các cơ quan thực thi luật pháp địa phương hỗ trợ.

Ông Edwards hôm 6/7 nói ‘Tôi hết sức quan ngại. Những hình ảnh video ấy gây bức xúc vô cùng.’

Đoạn video Thống đốc Edwards nhắc tới chiếu cảnh một trong hai cảnh sát nổ súng vào ông Alton Sterling, 37 tuổi trong khi ông đã bị cảnh sát kèm chặt người đè xuống đất.

Đoạn video khiến công luận phẫn nộ, đòi sa thải cảnh sát trưởng của thành phố, Carl Dabadie.

Tại một cuộc họp báo, cảnh sát trưởng Debadie nói ‘khi cảnh sát tới, ông Sterling có võ khí’ và cuộc chạm trán phát sinh.’

http://www.voatiengviet.com/a/bo-tu-phap-my-dieu-tra-vu-canh-sat-ban-nguoi-o-louisiana/3406651.html

 

Mỹ mở rộng ưu đãi mậu dịch cho Campuchia

Đại diện Thương mại Mỹ vừa loan báo một bước mở rộng đáng kể về ưu đãi mậu dịch đối với Campuchia có thể mang lại những lợi ích quan trọng đối với nước này.

Theo Hệ thống Ưu đãi Tổng quát (GSP) mới, Campuchia cùng với các nước đang phát triển khác sản xuất những mặt hàng phục vụ du lịch như túi xách sẽ có thể xuất khẩu các sản phẩm đó sang Mỹ hoàn toàn miễn thuế.

Thông cáo từ đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh nói bước mở rộng này cho phép Campuchia tiếp cận thị trường nhập khẩu các sản phẩm phục vụ du lịch trị giá 10 tỷ đô la, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp dệt may Campuchia.

Đại sứ Mỹ tại Campuchia, William Heidt, cho biết: ‘Loan báo này có tiềm năng mở ra một thị trường hoàn toàn mới cho các nhà xuất khẩu Campuchia, tạo hàng ngàn công ăn việc làm cho người dân Campuchia.’

‘Chúng tôi khuyến khích các nhà sản xuất Campuchia tận dụng cơ hội mới này, vốn có thể giúp đa dạng hóa nền tảng kinh tế của Campuchia, kích thích tăng trưởng kinh tế, và giảm tình trạng nghèo túng.’

GSP là chương trình ưu đãi mậu dịch ra đời từ 40 năm nay, qua đó Mỹ miễn thuế cho hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển được hưởng lợi. Theo Đại diện Thương mại Mỹ, Michael Froman, ‘Mỹ đã dùng các chương trình này tạo cho một số nước nghèo nhất trên thế giới một bàn đạp quan trọng so với các đối thủ cạnh tranh tiên tiến hơn.’

Cố vấn cao cấp của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Tối cao Campuchia, ông Mey Kalyan, nhận xét bước tiến mới của Hoa Kỳ có lợi cho nền kinh tế Campuchia.

Ông Kaylan nói ‘Khi có thị trường, tôi tin rằng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư đổ vốn vào Campuchia. Điều này tạo điều kiện cho kinh tế Campuchia tiến triển, người dân có công ăn việc làm, và quan trọng là mang lại thêm nhiều giá trị gia tăng.’

Campuchia mỗi năm xuất hơn 5 tỷ đô la giá trị hàng hóa sang 2 thị trường chính nhập khẩu hàng dệt may của Campuchia là Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu.

Theo Hệ thống Ưu đãi Tổng quát, xấp xỉ 5 ngàn mặt hàng từ 122 nước và vùng lãnh thổ đang phát triển, trong đó có 43 nước kém phát triển nhất, được miễn thuế khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Năm ngoái, giá trị hàng nhập khẩu miễn thuế sang Mỹ theo chương trình này trị giá 17,4 tỷ đô la.

http://www.voatiengviet.com/a/my-mo-rong-uu-dai-mau-dich-cho-campuchia/3406464.html

 

Chưa có người trúng vé độc đắc Mega Millions ở Mỹ

Chưa có người trúng giải độc đắc Mega Millions của Mỹ trong buổi xổ số tối thứ ba 5/7.

Điều này có nghĩa là giá trị giải độc đắc trong buổi xổ số tối thứ sáu tới đây sẽ tăng lên ngưỡng 508 triệu đô la, giải độc đắc lớn hàng thứ 7 trong lịch sử Hoa Kỳ.

Giải thưởng lần này được tích lũy qua 34 lần xổ số không có người trúng kể từ người thắng giải gần đây nhất hôm 8/3. Con số kỷ lục trước đó là 22 lần xổ số.

Giải độc đắc cao nhất trước nay tại Mỹ là 1,6 tỷ đô la Powerball, với các vé trúng từ 3 tiểu bang hồi tháng giêng năm nay.

Vé số Mega Millions được phát hành tại 44 tiểu bang, thủ đô Washington DC, và quần đảo Virgin thuộc Mỹ.

Người mua chọn năm con số từ 1 tới 75 và một số Mega từ 1 tới 15.

Xác suất trúng cả sáu con số là 1 trên 258.890.850 người.

http://www.voatiengviet.com/a/chua-co-nguoi-trung-ve-doc-dac-mega-millions-o-my/3406339.html

 

Ngũ Giác Đài: Bất cứ điều gì tăng căng thẳng ở Biển Đông đều phản tác dụng

Tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 6/7 cảnh báo với Mỹ rằng sẽ phải trả giá nếu “điều mấu chốt” của Trung Quốc về Biển Đông bị vi phạm. Tờ Nhân dân Nhật báo đăng xã luận viết rằng nếu Mỹ chọn cách hành xử là gây áp lực và hăm dọa nước khác, sẽ chỉ có một kết cục và Mỹ sẽ phải chịu mọi trách nhiệm về việc căng thẳng có thể gia tăng. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, nơi có những tuyến đường biển quan trọng, bất chấp những phản đối và tranh chấp gay gắt với Việt Nam. Philippines và một số bên khác.

Tại Ngũ Giác Đài hôm 5/7, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Mỹ Peter Cook đã phát biểu về những lời lẽ đao to búa lớn gần đây của Trung Quốc. Ông Cook nói bất cứ điều gì làm leo thang căng thẳng ở khu vực đó của thế giới đều phản tác dụng. Ông cho biết Washington đã chỉ ra con đường ngoại giao để giải quyết tranh chấp hàng hải.

Trung Quốc hiện đang thực hiện tập trận quân sự kéo dài một tuần quanh quần đảo Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) trước một phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tại La Haye, dự kiến sẽ đưa ra hôm 12/7, về một khiếu nại của Philippines thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Hôm 5/7, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kêu gọi đối thoại, chứ không phải là chiến tranh, với Trung Quốc về phán quyết mà Bắc Kinh nói họ sẽ không công nhận.

Nhà phân tích Steven Rood thuộc Quỹ Châu Á nói với VOA rằng ông Duterte không rút lui khỏi hành động pháp lý do chính phủ trước đây của ông Aquino nộp lên tòa, mà chỉ là thay đổi chiến thuật. Ông Rood nói mọi dấu hiệu cho thấy tòa của Liên Hiệp Quốc sẽ phán quyết có lợi cho Manila, nhưng vì còn nhiều điều không chắc chắn về ý nghĩa sâu xa của phán quyết, ông tiên liệu rằng sẽ có một loạt các cuộc họp riêng và công khai để đánh giá tác động của phán quyết.

http://www.voatiengviet.com/a/ngu-giac-dai-bat-cu-dieu-gi-tang-cang-thang-o-bien-dong-deu-phan-tac-dung/3406207.html

 

FBI điều trần tại Quốc hội về vụ rắc rối email của bà Clinton

Các thành viên đảng Cộng hòa ở Hạ viện đang giận dữ sẽ ráo riết chất vấn Giám đốc FBI James Comey hôm 7/7 về quyết định của ông, không đề xuất cáo buộc hình sự nào đối với bà Clinton liên quan đến việc bà sử dụng một máy chủ email riêng cho công việc của chính phủ thời bà còn là ngoại trường. Bà Clinton gần như chắc chắn được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên tổng thống.

Ông Comey đã được vời ra điều trần trước Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ của Hạ viện, còn Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch đã được lên lịch ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện vào tuần tới.

Bà Lynch và ông Comey gặp nhau hôm 6/7, trước khi ông ra điều trần. Bà Lynch cho biết bà sẽ làm theo các khuyến nghị của FBI.

Trong tuyên bố sau khi gặp giám đốc FBI, bà nói: “Tôi đã tiếp nhận và chấp thuận khuyến nghị của họ rằng cuộc điều tra kỹ lưỡng kéo dài cả năm được khép lại và không có cáo buộc nào được đưa ra đối với bất kỳ cá nhân nào nằm trong phạm vi cuộc điều tra”.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, thuộc đảng Cộng hòa, cho rằng FBI có thể đã thiên vị bà Clinton trong cuộc điều tra.

Sau khi ông Comey công bố quyết định của mình hôm/7, ông Ryan nói công chúng cần biết “như thế nào và vì sao” ông Comey lại đi đến kết luận đó.

Ông Jason Chaffetz, người thuộc đảng Cộng hòa hiện là Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách, cũng chất vấn về quyết định của FBI.

Ông Chaffetz nói: “Khuyến nghị của FBI thật đáng ngạc nhiên và khó hiểu. Những dữ kiện mà Giám đốc Comey nêu ra cho thấy rõ Ngoại trưởng Clinton đã vi phạm luật. Các cá nhân cố ý né tránh pháp luật phải chịu trách nhiệm”.

Khuyến nghị của FBI hôm 5/7 dỡ bỏ một rào cản chính trị và pháp lý quan trọng đối với tiến trình ứng cử của bà Clinton.

Khi thông báo quyết định của mình, ông Comey mạnh mẽ khiển trách bà Clinton, người từng là ngoại trưởng từ năm 2009-2013, và các đồng nghiệp của bà tại Bộ Ngoại giao về những việc mà ông gọi là “cực kỳ bất cẩn” khi xử lý các tài liệu mật mà họ gửi cho nhau thông qua một máy chủ email riêng do bà Clinton lập ra tại nhà bà ở New York.

Tuy nhiên, ông Comey cho biết các nhà điều tra FBI, trong cuộc điều tra lớn vào hàng ngàn email của bà Clinton, không thấy có bằng chứng là bà tìm cách vi phạm luật pháp Mỹ một cách “rõ ràng và cố tình”. Ông cũng nói “không một công tố viên nào có suy nghĩ hợp lý nào sẽ truy tố một vụ như thế này”.

Ông Comey cho biết các điều tra viên không tin rằng các email của bà Clinton đã bị hack bởi các đối tượng nước ngoài, thù địch.

http://www.voatiengviet.com/a/fbi-dieu-tran-tai-quoc-hoi-ve-vu-rac-roi-email-cua-ba-clinton/3407699.html

 

Bộ Tư pháp Mỹ điều tra vụ cảnh sát bắn người ở Louisiana

Vụ Dân sự Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sẽ dẫn đầu cuộc điều tra vụ cảnh sát bắn chết một người đàn ông da đen bên ngoài một tiệm tạp hóa ngày 5/7 ở thành phố Baton Rouge, bang Louisiana.

Thống đốc John Bel Edwards cho hay Bộ Tư pháp sẽ được Cục Điều tra Liên bang FBI và các cơ quan thực thi luật pháp địa phương hỗ trợ.

Ông Edwards hôm 6/7 nói ‘Tôi hết sức quan ngại. Những hình ảnh video ấy gây bức xúc vô cùng.’

Đoạn video Thống đốc Edwards nhắc tới chiếu cảnh một trong hai cảnh sát nổ súng vào ông Alton Sterling, 37 tuổi trong khi ông đã bị cảnh sát kèm chặt người đè xuống đất.

Đoạn video khiến công luận phẫn nộ, đòi sa thải cảnh sát trưởng của thành phố, Carl Dabadie.

Tại một cuộc họp báo, cảnh sát trưởng Debadie nói ‘khi cảnh sát tới, ông Sterling có võ khí’ và cuộc chạm trán phát sinh.’

http://www.voatiengviet.com/a/bo-tu-phap-my-dieu-tra-vu-canh-sat-ban-nguoi-o-louisiana/3406651.html

 

Bắc Triều Tiên bất ngờ mở đập, xả nước xuống miền Nam

Bắc Triều Tiên sáng sớm 6/7 đã tháo nước từ một con đập ở gần ranh giới tiếp giáp với miền Nam mà không báo trước, làm tăng những lo sợ về nạn lụt tại những khu vực vốn đã bị tác động nặng nề bởi các cơn mưa trút trong mấy ngày gần đây.

Bắc Triều Tiên không báo trước cho các giới chức Nam Triều Tiên về quyết định xả nước ở con đập này.

Seoul nói rằng họ không tin là Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một “cuộc tấn công bằng nước lụt” nhưng đang theo dõi sát mực nước tại đập Hwanggang.

Không có thương vong hoặc thiệt hại nghiêm trọng nào được báo cáo sau vụ tháo nước ngày 6/7, nhưng Nam Triều Tiên đã sơ tán dân chúng sinh sống dọc theo sông Imjin.

Cư dân tại các vùng dễ xảy ra nạn đất chuồi và lụt lội đã được sơ tán hồi đầu tuần này sau nhiều ngày mưa lớn.

http://www.voatiengviet.com/a/bac-trieu-tien-bat-ngo-mo-dap-xa-nuoc-xuong-mien-nam/3406237.html

 

Kêu gọi ‘hạ nhiệt’ ở Biển Đông

Các ngoại trưởng khu vực đang chuẩn bị kêu gọi tất cả các bên tăng nỗ lực để xuống thang, hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông khi họ nhóm họp tại một hội nghị an ninh Asean quan trọng vào cuối tháng này tại Lào, nguồn tin ngoại giao cho hãng tin Kyodo của Nhật Bản hay hôm 07 tháng Bảy.

Các nhà ngoại giao hàng đầu từ các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (Asean) sẽ nhóm họp trong sự kiện này, cùng với hơn một chục nước khác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Hội nghị được dự kiến sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì ổn định trong vùng biển khu vực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, một dự thảo tuyên bố mà nguồn tin Kyodo tiếp cận được cho biết.

Diễn đàn Khu vực Asean năm nay diễn ra vào một thời điểm đặc biệt tế nhị.

Sự kiện sẽ diễn ra chỉ hai tuần sau khi một tòa án quốc tế đưa ra phán quyết về vụ kiện mà trong đó Philippines thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phản ánh tính thân cận của các thành viên này với Trung Quốc, dự thảo được cho là cũng sẽ nói rằng các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nên được các “quốc gia hữu quan” giải quyết thông qua biện pháp hòa bìnhDự thảo tuyên bố Hội nghị

Dự thảo tuyên bố mới nhất của của người chủ trì hội nghị dự kiến được đưa ra sau khi cuộc họp nhóm vào ngày 26 tháng Bảy.

Quan hệ gần gũi

Dự thảo được cho là sẽ tuyên bố rằng hội nghị “đã lưu ý” về những quan ngại mà “một số ngoại trưởng” lên tiếng về các tuyên bố của Trung Quốc và các diễn biến khác trên Biển Đông.

Tuy nhiên, dự thảo sẽ không đề cập và gọi tên bất kỳ quốc gia nào nêu ‘quan ngại’, theo các nguồn tin từ Asean mà Kyodo biết được.

Dự thảo được Lào, nước chủ tịch luân phiên Asean năm nay, chấp bút.

Đây là khối mười quốc gia ở khu vực mà trong đó có một số thành viên có quan hệ gần gũi với Trung Quốc.

Phản ánh tính thân cận của các thành viên này với Trung Quốc, dự thảo được cho là cũng sẽ nói rằng các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nên được các “quốc gia hữu quan” giải quyết thông qua biện pháp hòa bình.

Trung Quốc đưa ra lập trường cho rằng các tranh chấp nên được giải quyết mà không cần bất kỳ sự giúp đỡ hoặc can thiệp nào từ các bên không tuyên bố chủ quyền.

Theo đó, Trung Quốc nhiều lần nói rằng Tòa án trọng tài thường trực ở The Hague không có thẩm quyền đối với vụ kiện mà Philippines đệ đơn vào năm 2013.

Và Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận và không tôn trọng phán quyết mà tòa án sắp đưa ra vào thứ Ba tới.

Trong lúc nhiều chuyên gia dự đoán rằng phán quyết này sẽ bất lợi cho Trung Quốc, hành động pháp lý của Philippines đã nhận được sự ủng hộ của châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ, các nước xem vụ kiện như một bước tiến trong việc giải quyết bất đồng thông qua luật pháp quốc tế.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160707_tension_deescalation_calling

 

Trung Quốc: Nỗ lực cứu trợ lũ lụt ở Vũ Hán

Các nỗ lực cứu trợ đang được tăng cường ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng.

Các đầu mối giao thông và mạng lưới cung cấp nước và điện trong thành phố với 10 triệu dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngập lụt khắp miền trung và miền nam Trung Quốc khiến hơn 180 người thiệt mạng, theo truyền thông nhà nước đưa tin.

Thủ tướng Trung Quốc đã kêu gọi các chính quyền địa phương trên cả nước chuẩn bị sẽ có thêm những trận mưa lớn.

Một vài số liệu về lụt lội tại Trung Quốc

32 triệu người tại 26 tỉnh thành trên toàn Trung Quốc đã bị ảnh hưởng do lũ lụt nghiêm trọng

186 người chết và 45 mất tích

1,4 triệu người đã được di dời đi nơi khác

56.000 ngôi nhà bị sập

Hôm thứ tư văn phòng khí tượng Vũ Hán đã đưa ra cảnh báo đỏ sẽ tiếp tục có mưa và lũ lụt. Hôm thứ Năm mưa dường như đã dịu bớt, và người ta quay sang chú trọng tới những nỗ lực cứu trợ và cứu hộ.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin một lượng nước mưa hơn 600mm đã đổ xuống trong tuần qua ở Vũ Hán, nhiều nhất trong lịch sử thành phố nằm bên bờ sông Dương Tử này.

Đường xá và các trạm tàu điện ngầm bị ngập nước, và các chuyến tàu đã bị hủy.

Hôm thứ năm, Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường, đã cảnh báo chính quyền địa phương trên cả nước Trung Quốc phải chuẩn bị sẽ có thêm những trận mưa lớn, và chỉ thị họ phải đảm bảo có các biện pháp tránh những rủi ro có thể nguy hại tới tính mạng người dân.

Ông đã đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng ở các tỉnh An Huy, Hồ Nam và Hồ Bắc và đã tới Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, để giám sát các hoạt động cứu trợ và cứu hộ vào hôm thứ Tư.

Con số chính thức về số người chết có dao động. Truyền hình nhà nước hôm thứ Tư cho rằng tổng số người chết có thể lên tới khoảng 170.

Cư dân mạng đang chia sẻ nhiều hình ảnh trên mạng xã hội cảnh những tòa nhà và xe hơi bị ngập trong nước lụt, và người dân lội nước ngập đến đầu gối.

Họ cũng chia sẻ những câu chuyện về những người đang giúp đỡ với các biện pháp kiểm soát lũ, với hashtag ‘Chúng tôi đang vận động chống lũ lụt tại Vũ Hán.’

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160707_china_flood

 

Hoa Kỳ trừng phạt Kim Jong-un

Hoa Kỳ lần đầu tiên ra chế tài phạt nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, với cáo buộc ông vi phạm nhân quyền.

Một thông cáo từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ nêu đích danh tên ông Kim phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những vi phạm tại Bắc Hàn.

10 quan chức hàng đầu khác của Bắc Hàn cũng bị đưa vào sổ đen. Hiện chưa có phản ứng gì từ chính phủ Bắc Hàn.

Các lệnh phạt này bao gồm biện pháp đóng băng bất kỳ tài sản cá nhân nào có ở Hoa Kỳ và cấm công dân Mỹ kinh doanh với những người bị nêu tên.

Bắc Hàn đã và đang chịu hàng loạt lệnh thanh trừng phạt do hoạt động hạt nhân của mình nhưng giới phân tích xem động thái mới nhất là việc Hoa Kỳ tăng cường ý muốn cô lập quốc gia này.

“Bắc Hàn dưới quyền lãnh đạo của Kim Jong-un tiếp tục ra tay hết sức tàn ác và gây cảnh nghèo khó cho hàng triệu người dân của mình, trong đó có các vụ giết người, cưỡng bức lao động, và tra tấn,” thông báo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói.

Các biện pháp trừng phạt được công bố cùng thời điểm với một phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thống kê các vi phạm tại Bắc Hàn.

Người ta ước tính 80.000 đến 120.000 tù nhân đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Bắc Hàn, nơi thường xảy ra các vụ tra tấn, tấn công tình dục và hành quyết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby thừa nhận các biện pháp trừng phạt nhiều khả năng không có vai trò răn đe với ông Kim.

“Nhưng điều đó không có nghĩa là không làm như vậy là đúng và cũng có nghĩa là chúng tôi nên tiếp tục theo đuổi,” ông nói thêm.

Hoa Kỳ từng áp đặt lệnh trừng phạt đối với người đứng đầu nhà nước trong đó có ông Bashar al-Assad của Syria và cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160704_us_sanctions_kim_jong_un

 

Trung Quốc cảnh báo Mỹ về Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm thứ Tư 6/7, trước thềm phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về Biển Đông và cảnh báo các động thái của Washington vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, hãng tin Tân Hoa Xã nói.

Tân Hoa Xã tường thuật ông Vương Nghị lặp lại sự phủ nhận của Trung Quốc với phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, gọi phiên tòa là “trò hề” và nên kết thúc.

Tòa trọng tài có trụ sở tại The Hague, sắp ra phán quyết vào Thứ Ba 12/7, gây gia tăng lo ngại sẽ có căng thẳng trong khu vực.

Các quan chức Hoa Kỳ nói nếu Trung Quốc kiên định với lập trường phớt lờ phán quyết, phản ứng của Hoa Kỳ có thể là gia tăng các cuộc tuần tra tự do hàng hải gần khu vực các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, cũng là tuyến đường hàng hải thương mại của thế giới.

Trong cuộc điện thoại với ông Kerry, ông Vương Nghị “cảnh báo Hoa Kỳ tôn trọng cam kết không theo bên nào với các vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền, hãy khôn ngoan với hành động và lời nói, và không có bất cứ hành động nào vi phạm đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc,” hãng tin Tân Hoa Xã nói.

Ông Vương nói bất chấp phán quyết của tòa trọng tài, Trung Quốc sẽ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải hợp pháp và kiên quyết bảo vệ hòa bình và ổn định”.

Ông Vương cũng nói quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nói chung đang đi đúng quỹ đạo và hai bên nên tập trung xa hơn vào hợp tác đồng thời giải quyết đúng đắn những khác biệt.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry xác nhận ông có điện đàm với ông Vương.

“Hai người bàn luận về lợi ích chung. Chúng tôi sẽ không cho biết thêm chi tiết về cuộc đối thoại ngoại giao riêng tư này,” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Gabrielle Price nói.

Trung Quốc giận dữ vì các cuộc tuần tra của Hoa Kỳ trên Biển Đông vài tháng qua, và hôm thứ Ba 5/7 đã khởi động một cuộc tập trận mà Bộ Quốc phòng nước này gọi là “theo thông lệ”.

Hôm thứ Ba 5/7, Bắc Kinh tìm cách giảm nhẹ những lo ngại xung đột trong khu vực Biển Đông sau khi một tờ báo có ảnh hưởng nói Bắc Kinh nên chuẩn bị đối đầu quân sự.

Các quan chức Hoa Kỳ nói họ lo ngại Trung Quốc có thể phản ứng với phán quyết của tòa The Hague bằng cách tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, như đã từng làm ở biển Hoa Đông vào năm 2013, và tiến thêm một bước trong việc bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng thêm.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160707_china_foreign_minister_call_john_kerry

 

Trung Quốc : Vợ của nhiều luật sư nhân quyền bị giam biểu tình phản đối

Trọng Thành

Nhiều luật sư nhân quyền Trung Quốc – vẫn còn bị chính quyền giam giữ, kể từ đợt trấn áp mùa hè năm 2015 – có nguy cơ bị án tù rất nặng. Vợ của họ bị an ninh theo dõi chặt. Ngày 04/07/2016, một nhóm năm người vợ của luật sư đã thoát khỏi vòng kiểm soát để biểu tình ở Bắc Kinh, phản đối các sai phạm tố tụng.

Theo AFP, năm người vợ các luật sư bị giam cầm – mặc áo có in tên chồng mình – biểu tình trước cửa Viện Kiểm Sát Tối Cao tại Bắc Kinh, trong vòng vây của hàng chục công an. Nhiều nhà ngoại giao châu Âu và Hoa Kỳ, có mặt cách đó không xa, chứng kiến cuộc biểu tình phản đối.

Những người phụ nữ này mang theo đơn khiếu nại tới Viện Kiểm Sát Tối Cao, tố cáo các sai phạm của chính quyền thành phố Thiên Tân (Tianjian) trong việc giam giữ chồng của họ. Trong số hơn 200 luật sư nhân quyền và nhà tranh đấu bị bắt năm ngoái, đa số đã được trả tự do. Tuy nhiên, còn hơn 10 người vẫn bị giam. Họ bị cáo buộc tội « âm mưu lật đổ chính quyền », với hình phạt tối đa là tù chung thân. Đa số các luật sư bị giam giữ tại Thiên Tân.

Vợ các luật sư bị theo dõi gắt gao. Theo vợ của luật sư Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang), an ninh đặt camera ngay trước cửa nhà bà. Để tổ chức được cuộc biểu tình đầu tuần này, họ đã phải rời nhà từ nhiều ngày trước, ngủ tại khách sạn, để tránh bị phát hiện.

Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền nhận định việc giam giữ các luật sư nói trên là « đáng ngại ». Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ các chỉ trích, và cho rằng đây là công việc nội bộ của Trung Quốc. Đảng Cộng Sản Trung Quốc cam kết xây dựng « Nhà nước pháp quyền » theo kiểu Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, việc đàn áp các luật sư cho thấy toàn bộ các giới hạn của mô hình này.

Tòa án tại Trung Quốc hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Sản : tình trạng ép cung là hết sức phổ biến, gần như 100% các vụ án đều kết thúc với việc bị cáo bị án phạt. Trước khi những người bị bắt bị truy tố và đưa ra xét xử, truyền thông Nhà nước đã mở chiến dịch tuyên truyền quy kết luật sư, lạm dụng khách hàng hay gây rối trật tự. Văn phòng của luật sư nhân quyền Vương Toàn Chương bị báo đài Nhà nước quy kết là một « tổ chức tội phạm ». Hiện tại, theo những người vợ luật sư, tư pháp Trung Quốc chưa đưa ra quyết định truy tố.

Trong chuyến công du của lãnh đạo Liên Hiệp Quốc hôm nay, công an Trung Quốc thông báo cho tại ngoại có điều kiện đối với một người trợ lý của luật sư nhân quyền Lý Hòa Bình (Li Heping), một trong hơn 10 luật sư bị giam nói trên.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi Bắc Kinh chấp nhận « xã hội dân sự »

Theo Reuters, hôm nay, 07/07/2016, phát biểu trước báo giới, sau cuộc hội kiến với ngoại trưởng Trung Quốc, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi chính quyền Bắc Kinh nên tôn trọng xã hội dân sự. Tổng thư ký Ban Ki-moon nói : « Vào lúc, Trung Quốc đang theo đuổi con đường thay đổi và cải cách, tôi khuyến khích các lãnh đạo Trung Quốc tạo các không gian cần thiếp để xã hội dân sự thực hiện được vai trò quan trọng của mình ». Ông Ban Ki-moon cũng nêu tên các luật sư bảo vệ môi trường và nhân quyền. Ngoại trưởng Trung Quốc, có mặt bên cạnh tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, không có phản ứng gì trước các nhận định của ông Ban Ki-moon về tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160707-trung-quoc-vo-cua-nhieu-luat-su-nhan-quyen-bi-bat-giam-bieu-tinh-phan-doi

 

Cam Bốt : Gia đình Hunsen thống trị nền kinh tế

Thùy Dương

Hôm nay, ngày 07/07/16, tổ chức phi chính phủ Global Witness tố giác Thủ tướng Hun Sen đã sắp xếp cho các thành viên trong gia đình ông nắm quyền điều hành nhiều công ty chủ chốt của nước này.
Tổ chức Global Witness cũng khuyến cáo các nhà đầu tư nước ngoài nên thận trọng khi chọn lựa đối tác ở Cam Bốt. Do thiếu minh bạch và nạn tham nhũng tràn lan, tất cả các trao đổi thương mại đều có liên quan tới chính phủ Cam Bốt, vì thế nguy cơ cho các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tăng.

Tổ chức phi chính phủ này giải thích với hãng tin AFP là trước đây ông Hun Sen đã khoá chặt chính trường Cam Bốt và giờ đây ông cũng làm điều tương tự với nền kinh tế.

Khi phân tích dữ liệu tài chính của các tập đoàn, Global Witness đã phát hiện ra 21 thành viên trong gia đình Thủ tướng Hun Sen nắm tổng giá trị cổ phần lên tới 200 triệu đô la Mỹ trong hơn 100 doanh nghiệp Cam Bốt. Và đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Người thân của ông Hun Sen tham gia vào tất cả các lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận nhất như nông nghiệp, năng lượng, truyền thông, … và cả các lĩnh vực có nhiều tham nhũng nhất như khai thác mỏ và bất động sản. Sự tham gia độc quyền này gây nhiều tác hại về con người và môi trường, vì nhiều doanh nghiệp của gia đình ông Hun Sen không tuân thủ pháp luật.

Gia đình ông Hun Sen cũng là đối tác quan trọng của nhiều tập đoàn quốc tế như Apple, Nokia, Visa, Unilever, Proctor & Gamble và Honda.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của chính phủ Cam Bốt đã bác bỏ báo cáo trên, cho rằng báo cáo này là chỉ nhằm mục đích làm thủ Tướng mất uy tín nên không làm chính phủ Cam Bốt phải bận tâm.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160707-cam-bot-gia-dinh-hunsen-thong-tri-nen-kinh-te

 

Biển Đông: Chiến hạm Mỹ lại tuần tra gần các đảo Trung Quốc kiểm soát

Thanh Phương

Tờ Navy Times hôm nay, 07/07/2016, trích dẫn một quan chức quốc phòng Mỹ, cho biết là các khu trục hạm của hải quân Hoa Kỳ trong hai tuần qua đã tuần tra gần các đảo do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông. Các cuộc tuần tra này được tiến hành vào lúc Tòa Án Trọng Tài Thường Trực chuẩn bị ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về hồ sơ Biển Đông.

Cụ thể, ba khu trục hạm Stethem, Spruance và Momsen đã tuần tra ở những khu vực cách bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa từ 14 đến 20 hải lý. Khoảng cách này cho thấy đây không phải là những cuộc tuần tra nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải. Theo Navy Times, một cuộc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải, trong phạm vi 12 hải lý chung quanh các đảo, phải có sự chấp thuận của cấp cao hơn.

Ngày 20/06 vừa qua, hải quân Mỹ đã loan báo là ba khu trục hạm nói trên đang tiến hành các chiến dịch ở Biển Đông nhằm bảo đảm an ninh hàng hải và ổn định cho toàn bộ các quốc gia, nhưng không nói rõ địa điểm hoạt động.

Đối với Bắc Kinh, mọi cuộc tuần tra của chiến hạm Mỹ trong phạm vi 12 hải lý là một sự xâm phạm lãnh hải. Theo các chuyên gia quân sự, tuần tra bên ngoài phạm vi này sẽ không có nhiều nguy cơ đụng độ, nhưng cũng là hình thức bày tỏ quyết tâm của Washington đối với Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ, vào lúc Tòa Án Trọng Tài Thường Trực vào ngày 12/07 tới sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về hồ sơ Biển Đông.

Các quan chức Mỹ khẳng định các cuộc tuần tra mới của ba khu trục hạm nói trên và của đội hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ở Biển Đông là nằm trong khuôn khổ sự hiện diện bình thường của hải quân Mỹ ở vùng tây Thái Bình Dương. Nhưng các cuộc tuần tra này diễn ra vào lúc quân đội Trung Quốc đang tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa từ ngày 05/07 đến 11/07/2016.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160707-bien-dong-chien-ham-my-lai-tuan-tra-gan-cac-dao-trung-quoc-kiem-soat

 

Ba sự kiện có thể làm nóng Đông Nam Á trong mùa hè này

Website The Diplomat, ngày 06/07/2016, có bài nêu ra ba sự kiện quan trọng diễn ra trong mùa hè 2016 này, có thể làm thay đổi cảnh quan khu vực Đông Nam Á trong mùa hè này.

1. Phán quyết của Tòa Án Trọng Tài về tranh chấp ở Biển Đông. Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Hay sẽ công bố các phán quyết vào ngày 12/07/2016 liên quan đến trường hợp Philippines kiện các “hoạt động bất hợp pháp” của Trung Quốc tại Biển đông (mà Manila gọi là biển Tây Philippines)

Ngay cả khi Trung Quốc không thừa nhận thẩm quyền của Tòa, bất kỳ phán quyết nào trong vụ kiện này chắc chắn có ảnh hưởng đến mối quan hệ của Trung Quốc không chỉ với Philippines mà còn cả với các nước đang có tranh chấp về Trường Sa. Một phán quyết thuận lợi cho Philippines sẽ gián tiếp thúc đẩy lòng tin của những nước khác trong vùng Đông Nam Á. Động thái này có thể gợi ý cho nhiều nhóm nước kêu gọi “Chexit” tức là Trung Quốc cần chấm dứt hiện diện tại các thực thể đang có tranh chấp. Dự tính là Philippines sẽ thắng kiện, tổng thống Rodrigo Duterte gợi ý đối thoại với Trung Quốc để giải quyết hồ sơ này.

2. Trưng cầu dân ý về Hiến Pháp của Thái Lan. Hai năm sau khi tiến hành đảo chính, quân đội Thái Lan đã soạn dự thảo Hiến Pháp nhằm tái lập sự lãnh đạo của chính quyền dân sự ở nước này. Cuộc trưng cầu dân ý được dự trù vào ngày 07/08 có mục đích thông qua hoặc bác bỏ dự thảo Hiến Pháp. Nếu như có ít thông tin trên các website đặt tại Thái Lan về dự thảo Hiến Pháp, đó là vì chính quyền quân sự cấm mọi cuộc thảo luận có thể tác động đến quyết định của người dân Thái Lan bỏ phiếu thuận hoặc chống tại văn bản này. Trong những tuần lễ gần đây, cảnh sát đã bắt các nhà hoạt động bị cáo buộc phân phát truyền đơn nói về Hiến Pháp.

Một số nhóm ủng hộ dân chủ cho rằng bản Hiến Pháp sẽ củng cố vai trò của quân đội thay vì việc thiết lập nền dân chủ tại Thái Lan. Ít có khả năng xẩy ra khủng hoảng chính trị do cuộc trưng cầu dân ý mà khi lên nắm quyền vào năm 2014, quân đội đã hứa là sẽ tổ chức. Do Thái Lan đang đối mặt với viễn cảnh bất ổn nghiêm trọng, kinh tế của nước này có thể tiếp tục bị tổn hại và điều này cũng có thể tác động đến số phận của những người lao động nhập cư đến từ các quốc gia láng giềng trong khu vực.

3. Tiến trình hòa bình và hòa giải của Miến Điện. Hơn 60 năm sau khi giành được độc lập, nhiều sắc tộc thiểu số vẫn tiếp tục tiến hành chiến tranh chống lại chính phủ trung ương. Năm ngoái, thỏa thuận ngừng bắn trên phạm vi toàn quốc đã được ký kết nhưng không phải tất cả các nhóm vũ trang đều tham gia sáng kiến này. Thắng lợi áp đảo của đảng dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã làm nẩy sinh hy vọng là cuối cùng thì tiến trình hòa bình và hòa giải sẽ được hoàn tất tại Miến Điện. Để hỗ trợ cho mục tiêu này, tân chính phủ đề nghị tổ chức một đại hội toàn quốc vào tháng tới, theo mô hình hội nghị hòa bình mà cha của bà Aung San Suu Kyi đã tổ chức năm 1947.

Hội nghị Panglong thế kỷ 21 hy vọng tập hợp được tất cả các sắc tộc thiểu số và thuyết phục được các nhóm vũ trang ủng hộ lịch trình tái lập hòa bình và hòa giải của chính phủ. Có một vài thách thức phải vượt qua như sự bùng phát của Phật Giáo cực đoan, tư tưởng bài Hồi Giáo trong số các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan và việc quân đội tiếp tục có vai trò ảnh hưởng, do đã nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1962 đến tận năm nay. Tuy nhiên, thành công của Hội nghị Panglong có thể hỗ trợ cho tiến trình chuyển đổi của Miến Điện hướng tới hiện đại hóa nền dân chủ qua việc thực hiện trên quy mô lớn các cải cách kinh tế. Tiến trình hòa bình của Miến Điện cũng có thể được dùng làm mô hình cho các nước khác như Philippines, nơi vẫn xẩy ra các cuộc chiến tranh cục bộ và các phong trào đòi ly khai.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160707-ba-su-kien-co-the-lam-nong-dong-nam-a-trong-mua-he-nay

 

Phán quyết về Biển Đông trắc nghiệm sự đoàn kết của ASEAN

Thanh Phương

Ngày 12/07 tới đây, Tòa Trọng Tài Thường Trực sẽ ra phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Phán quyết này sẽ là một sự trắc nghiệm đối với sự đoàn kết nội bộ của ASEAN, mà hiện đang bất đồng về hồ sơ Biển Đông.

Vụ kiện đã được Philippines tiến hành từ thời của cựu tổng thống Begnino Aquino, nhưng vấn đề là hiện chưa ai rõ tân tổng thống Rodrigo Duterte sẽ có phản ứng như thế nào về phán quyết của tòa, được dự đoán là sẽ có lợi cho Manila. Theo nhận định của tờ The Nation ( Thái Lan ) hôm nay, 07/07/2016, thái độ của ông Duterte sẽ quyết định phản ứng của các nước khác trong ASEAN và cũng sẽ tác động đến quan hệ tương lai giữa ASEAN và Trung Quốc.

Bắc Kinh đã từ chối tham gia vụ kiện và tuyên bố trước là sẽ không tuân thủ phán quyết của Tòa, mà họ không công nhận thẩm quyền xét xử. Trung Quốc vẫn cho rằng việc Philippines“đơn phương” kiện ra Tòa Trọng Tài là một hành động “vi phạm” luật pháp quốc tế. Cụ thể, theo Bắc Kinh, chính quyền của cựu tổng thống Aquino đã đệ đơn kiện Trung Quốc vào năm 2013 bất chấp thỏa thuận giữa hai nước về việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền Biển Đông bằng thương lượng song phương.

Trong những tháng vừa qua, càng gần đến ngày tòa ra phán quyết, Trung Quốc dường như đã càng gia tăng áp lực lên các nước ASEAN. Áp lực này có lẽ đã gây tác động phần nào. Bằng chứng là trong cuộc họp vào tháng 6 vừa qua với Trung Quốc tại Vân Nam, các ngoại trưởng ASEAN đã không đưa ra được một tuyên bố chung, sau khi rút lại một tuyên bố mà phái đoàn Malaysia gởi cho báo chí. Sự kiện này cho thấy là 10 nước ASEAN vẫn chưa đạt được đồng thuận thậm chí cả về việc bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về căng thẳng gia tăng tại Biển Đông.

Cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN vào ngày 21/07 tới tại Viêng Chăng sẽ có tính chất quyết định sự đoàn kết của khối này, bởi vì các nước Đông Nam Á lúc đó sẽ phải bày tỏ lập trường về phán quyết của vụ kiện Biển Đông.

Nhưng liệu kịch bản của cuộc họp tại Phnom Penh năm 2012 có sẽ tái diễn ? Vào năm đó, nước chủ nhà Cam Bốt, đồng minh thân cận của Trung Quốc, đã ngăn chận việc đưa ra một tuyên bố chung của ASEAN, trong đó có nêu rõ vấn đề tranh chấp Biển Đông. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, khối này không ra được một tuyên bố chung.

Hồ sơ Biển Đông gây chia rẽ cũng là điều dễ hiểu vì trong khối ASEAN chỉ có bốn nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc : Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Hai nước Indonesia và Singapore tuy không có tranh chấp nhưng ngày càng trở thành “các bên có liên quan” trong hồ sơ này. Hai nước Thái Lan và Miến Điện hiện giờ coi như là “quan sát viên”, còn Cam Bốt và Lào, do có quan hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc, nên dễ ngả theo lập trường của Bắc Kinh.

Cho tới nay Bắc Kinh vẫn tuyên bố là họ sẽ chỉ chấp nhận thương lượng song phương với các quốc gia có tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Nhưng theo The Nation vào tuần trước, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore đã khẳng định rằng ASEAN có “cơ sở vững chắc” để giúp giải quyết các tranh chấp một số nước thành viên với Trung Quốc ở Biển Đông, vì đây dầu sao cũng là một ngõ giao thương quan trọng của quốc tế. Hơn nữa, theo bộ trưởng Singapore, vào năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, như vậy ASEAN đã là một bên “có liên quan” trong các tranh chấp này rồi. Vấn đề là không phải ai cũng chia sẻ lập trường nói trên của bộ trưởng Quốc Phòng Singapore và phán quyết mà Tòa Trọng Tài Thường Trực sẽ đưa ra ngày 12/07 có nguy cơ lại gây chia rẽ nội bộ ASEAN.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160707-phan-quyet-ve-bien-dong-trac-nghiem-su-doan-ket-cua-asean