Tin khắp nơi 06/07/2016
Tổng thống Obama đi vận động cho bà Clinton
Tổng thống Barack Obama và người từng là đối thủ của ông, bà Hillary Clinton, đã cùng nhau xuất hiện tại một cuộc mít tinh trong lúc bà Clinton ra sức giành phần thắng trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc. Các nhà quan sát cho rằng Tổng thống Obama đang tìm cách để bảo đảm là những chính sách của ông sẽ tiếp tục được thực thi sau khi ông rời khỏi chức vụ. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường trình chi tiết.
Hôm thứ Ba, tại một cuộc mít tinh đông người ở thành phố Charlotte, tiểu bang North Carolina, Tổng thống Obama đã đứng bên cạnh bà Clinton và dùng những lời lẽ hùng hồn để tranh thủ sự ủng hộ cho vị cựu ngoại trưởng của ông.
“Các bạn sẽ có một chọn lựa rõ ràng giữa hai tầm nhìn hoàn toàn khác nhau về tương lai của nước Mỹ. Đây không phải là một sự lựa chọn giữa cánh tả với cánh hữu hay giữa đảng Dân chủ với đảng Cộng hòa. Đây là một sự lựa chọn giữa một bên là bám víu vào một quá khứ trong trí tưởng tượng và bên kia là hướng tới tương lai. Việc này liên hệ tới vấn đề là phải chăng chúng ta sẽ có một nước Mỹ phục vụ cho tất cả mọi người hay chỉ phục vụ cho một vài người”.
Tổng thống Obama và cựu Ngoại trưởng Clinton đã đọc những bài diễn văn trong đó họ nói tới những chính sách và tầm nhìn rất giống nhau cho tương lai của đất nước.
Bà Clinton phát biểu như sau:
“Chúng ta sẽ tiến tới dựa trên tầm nhìn cho nước Mỹ mà Tổng thống Obama đã không ngừng cổ xúy. Một tầm nhìn cho một tương lai mà trong đó chúng ta sẽ đoàn kết với nhau để làm những việc vĩ đại, bất kể là về phe Cộng hòa hay về phe Dân chủ”.
Tổng thống Obama đang có tỉ lệ tán thưởng ở mức cao và sự ủng hộ của ông sẽ mang lại cho bà Clinton một đà tiến mà bà đang cần vào lúc này.
Cuộc vận động tranh cử của bà Clinton đã bị một làn mây mù che phủ vì vụ tai tiếng liên quan tới việc bà đã sử dụng máy chủ email riêng tư khi còn làm ngoại trưởng. Ngoài ra, hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến đều cho thấy bà tiếp tục có tỉ lệ không tán thành ở mức khá cao.
http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-obama-di-van-dong-cho-ba-clinton/3406011.html
Căn cứ quân sự tại Yemen bị đánh bom kép
Hai kẻ đánh bom tự sát tấn công một căn cứ quân sự gần phi trường quốc tế Aden ở Yemen hôm 6/7.
Các nguồn tin trong quân đội cho biết có ít nhất 6 người bị giết. Các nguồn tin an ninh nói các vụ chạm súng diễn ra sau các vụ nổ, trong khi các phần tử chủ chiến tìm cách lợi dụng tình hình hỗn loạn.
Vụ tấn công xảy ra trong ngày lễ Eid al Fitr của người Hồi giáo, ngày đánh dấu mùa chay Ramadan chấm dứt.
Aden từng là thủ đô tạm thời của chính phủ Yemen được Ả Rập Xê-út hậu thuẫn, kể từ khi các lực lượng Yemen giành lại quyền kiểm soát phố cảng này hồi năm ngoái. Tuy nhiên các cuộc tấn công gây chết chóc đã xảy ra thường xuyên hơn, giữa lúc các lực lượng thân chính phủ chạm trán với các nhóm có liên kết với Nhà nước Hồi giáo và nhóm đối nghịch với IS là nhóm al-Qaida.
Những kẻ đánh bom tự sát của Nhà nước Hồi giáo đã giết 45 tân binh tại căn cứ quân sự ở Aden vào tháng 5 năm nay.
http://www.voatiengviet.com/a/can-cu-quan-su-o-yemen-bi-danh-bom-kep/3406059.html
Các đảng nhỏ ở Australia được ủng hộ mạnh trong cuộc bầu cử quốc hội
Các giới chức bầu cử ở Australia đang kiểm hàng triệu lá phiếu khiếm diện và gởi qua bưu điện trong cuộc bầu cử quốc hội hôm thứ 7 tuần trước. Theo tường thuật của thông tín viên Phil Mercer của đài chúng tôi tại Sydney, cả hai đảng chính đều không chiếm thế đa số quá bán trong lúc có sự tăng mạnh của sự ủng hộ dành cho các đảng nhỏ và các ứng cử viên độc lập.
Bốn ngày sau cuộc đầu phiếu, dân chúng ở Australia vẫn chưa biết được ai sẽ đứng ra thành lập chính phủ kế tiếp. Thủ tướng Malcolm Turnbull cho biết ông tin rằng đảng trung hữu của ông sẽ chiếm được thế đa số. Trong khi đó, đảng Lao động đối lập hy vọng thành lập một chính phủ thiểu số với sự trợ giúp của các các đảng nhỏ và các dân biểu, nghị sĩ độc lập, những người có thể nói là những người chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Trong số những người này có bà Pauline Hanson, là người đã vận động tranh cử với chủ trương ngưng cho người Hồi giáo di dân tới Úc. Bà đã giành được một ghế tại Thượng viện và cho biết nhiều người Úc đang cảm thấy bị chén ép bởi những người di dân từ các nước Á châu.
“Họ cảm thấy họ bị tràn ngập bởi người Á châu. Nhiều người Úc giờ đây cảm thấy là người Á châu đang mua đứt những vùng đất nông nghiệp thượng hạng và nhà cửa. Quý vị không thể tiếp tục xây đền thờ Hồi giáo. Không phải riêng tôi, mà toàn thể xã hội chúng ta, đã xuống đường để phản đối việc xây dựng đền thờ. Quý vị không thể phủ nhận một sự thật là bên trong những ngôi đền này họ đã rao giảng những sự hận thù nhắm vào chúng ta”.
Bà Hansom cho biết đảng Một Quốc Gia của bà, là đảng có thể giành thêm hai ghế nữa ở Thượng viện, đang đứng lên để tranh đấu cho những cử tri cảm thấy bị gạt ra bên lề và bị hai đảng chính phớt lờ.
Ông John Maner, giáo sư chính trị học của Đại học Quốc gia Australia, cho rằng chủng tộc không phải là yếu tố duy nhất giúp cho bà Hanson thành công.
“Vẫn còn những sự lo lắng trong dân chúng và bà ấy có thể nói là đã lợi dụng sự lo lắng này. Sự lo lắng về công ăn việc làm trong ngành chế tạo bị mất đi, các cơ hội làm việc thường có trước đây bị mất đi, những vùng có tỉ lệ thất nghiệp ở mức cao, những vùng cảm thấy họ bị bỏ lại đàng sau. Và bên cạnh đó cũng có những sự lo ngại về vấn đề di dân”.
Các đảng nhỏ và những ứng cử viên độc lập đã thu hút được sự ủng hộ ở mức cao kỷ lục trong cuộc bầu cử này. Những người này có thể là một tập hợp tạp nham, từ những người ủng hộ các biện pháp nghiêm khắc để chống nạn cờ bạc cho tới những người muốn cấm mặc áo che kín từ đầu tới chân ở nơi công cộng, nhưng những người ủng hộ họ cho rằng họ không mắc phải điều mà báo chí Úc mô tả là “căn bệnh tự cho mình là nhất” của hai đảng chính.
Một người vô gia cư bị câu lưu ở Rome trong vụ sát hại sinh viên Mỹ
Nhà chức trách Ý hôm thứ Ba đã câu lưu một người đàn ông vô gia cư bị tình nghi sát hại một sinh viên đại học người Mỹ đến từ bang Wisconsin.
Cảnh sát ra một thông cáo xác định danh tính nghi phạm là Massimo Galioto, 40 tuổi, người ở Rome. Họ nói rằng ông ta bị câu lưu vì “bị tình nghi phạm tội giết người nghiêm trọng.”
Thi thể của Beau Solomon 19 tuổi được tìm thấy ở sông Tiber hôm thứ Hai, ba ngày sau khi anh ta mất tích. Solomon được nhìn thấy lần cuối tại một quán rượu ở Rome rạng sáng thứ Sáu.
Solomon đến thủ đô của Ý theo một chương trình giao lưu tại Đại học John Cabot, trường đại học giảng dạy bằng tiếng Anh ở khu Trastevere thuộc trung tâm thành phố.
Khu này nằm gần sông Tiber và là nơi những người trẻ tuổi thường lui tới vì có những quán bar.
Có một khoản phí khoảng 1.500 đôla xuất hiện trên thẻ tín dụng của anh ta tại thành phố Milan, hàng trăm kilômét về phía bắc của Rome, trong khoảng thời gian anh ta biến mất và lúc thi thể của anh ta được tìm thấy.
Hiện chưa rõ liệu thẻ của anh ta đã được sử dụng trực tiếp hay sử dụng từ xa. Tin tức trên truyền hình Ý cho biết các nhà điều tra sẽ kiểm tra camera an ninh gần cửa hàng để xem người nào có thể đã sử dụng thẻ.
Đại sứ Mỹ ở Ý John Phillips cam kết sẽ hỗ trợ nhà chức trách Ý điều tra vụ tử vong này.
Quyết định của Giám đốc FBI về email của bà Clinton bị chỉ trích
Giám đốc FBI James Comey nói sau một cuộc điều tra kỹ càng về việc bà Hillary Clinton sử dụng máy chủ email cá nhân trong khi giữ chức vụ ngoại trưởng, ông không thể đề nghị truy tố bà Clinton. Theo tường thuật của thông tín viên Ken Bredemeier của đài VOA, quyết định đó đã gặp phải sự chỉ trích của nhiều người, nhất là những người về phe Cộng hòa.
Ông Comey nói cuộc điều tra phát giác bà Clinton và các nhân viên của bà đã không cẩn thận đối với những thông tin mật và có chứng cứ là có thể có những sự vi phạm.
Ông Comey nói bà Clinton đã dùng một vài máy chủ và nhiều điện thoại di động để chuyển những email cá nhân và email dành cho công vụ. Trong cuộc điều tra này, FBI đã đọc toàn bộ 30.000 email của bà Clinton.
Ông Comey cho biết trong số 52 chuỗi email có 110 email được xác định là có chứa đựng thông tin mật vào thời điểm email được gởi đi, một số là tuyệt mật, nhưng ông không tìm thấy bằng chứng bà Clinton cố ý vi phạm:
“Các công tố viên cần cân nhắc một số những yếu tố trước khi quyết định có truy tố hay không. Có những việc cần phải xem xét kỹ lưỡng, như bằng chứng rõ ràng, đặc biệt là về ý định. Những quyết định có tinh thần trách nhiệm cũng cần được xem xét trong bối cảnh của những hành động cá nhân và những tình huống tương tự đã được xử trí như thế nào trong quá khứ. Khi nhìn lại những cuộc điều tra của chúng tôi về việc xử lý không đúng cách hay loại bỏ những thông tin mật, chúng tôi không tìm thấy một trường hợp nào có thể truy tố hình sự dựa trên những sự kiện này”.
Ông Comey nói thêm rằng có thể có những kẻ thù đã xâm nhập vào tài khoản email của bà Clinton. Ông cho biết bà Clinton đã sử dụng “rất nhiều” những máy chủ tư tại những nước khác.
Bà Clinton giải thích rằng bà sử dụng tài khoản email trên một máy chủ cá nhân thay vì tài khoản email chính thức của bà vì bà muốn đảm bảo là thư từ riêng tư của bà được bảo vệ.
Các nhà phân tích bên ngoài cho rằng sử dụng một máy chủ như vậy ít bảo đảm hơn là dùng một máy chủ do chính phủ cung cấp.
Tuyên bố của Giám đốc FBI James Comey được đưa ra một tuần sau khi có những tranh cãi chính trị về việc chồng bà Clinton là cựu Tổng thống Bill Clinton gặp Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch tại phi trường Phoenix, tiểu bang Arizona. Cả ông Bill Clinton lẫn bà Lynch nói hai người nói chuyện với nhau khoảng nửa tiếng đồng hồ, không phải về vấn đề email của bà Clinton, nhưng cả hai đều hối tiếc về việc này vì bà Lynch là người giám sát cuộc điều tra về vụ email.
Các đảng viên Cộng hòa lẫn Dân chủ đều chỉ trích bà Lynch đã gặp ông Clinton tại phi trường Phoenix.
Tiếp sau lời loan báo của Giám đốc FBI, phát ngôn viên của bà Clinton nói là toàn bộ ban vận động tranh cử của bà Clinton rất hài lòng về việc FBI không đề nghị truy tố bà Clinton.
Tuy nhiên trong một cuộc vận động tranh cử tại tiểu bang North Carolina, ông Donald Trump, người xem như được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng cử viên tổng thống, gọi kết luận của FBI là “đáng xấu hổ”.Ông Trump nói: “Tôi không biết bạn nghĩ như thế nào nhưng tôi luôn luôn cảm thấy bà Clinton sẽ thoát khỏi việc truy tố hình sự vì cách hành xử nguy hiểm và bất hợp pháp của bà, bởi vì tôi luôn luôn biết và thấy việc này và điều này thật đáng buồn vì hệ thống của chúng ta thực sự bị gian lận, hoàn toàn gian lận và hư hỏng”.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryant nói kết luận của ông James Comey không thể giải thích được. “Từ chối truy tố cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton vì xử lý không đúng đắn những thông tin về an ninh quốc gia và chuyển những thông tin này sẽ tạo thành một tiền lệ nguy hiểm”.
Các cuộc thăm dò cho thấy bà Clinton hơn ông Trump 5% điểm vào 4 tháng trước cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 năm nay để chọn người thay thế Tổng thống Barack Obama, người sẽ rời khỏi nhiệm sở vào tháng 1 sang năm. Các cuộc thăm dò thường có sai số là 3%.
FBI đề nghị không đưa ra cáo buộc trong vụ máy chủ email của bà Clinton
Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) cho biết họ đề nghị không đưa ra cáo buộc hình sự nhắm vào bà Hillary Clinton về việc bà sử dụng một máy chủ email riêng tư khi còn là ngoại trưởng Mỹ. Loan báo này đã dỡ bỏ một rào cản chính trị và pháp lý quan trọng cho ứng cử viên sắp được đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ.
Nhưng Giám đốc FBI James Comey hôm thứ Ba mạnh mẽ chỉ trích bà Clinton, người từng là nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước từ năm 2009 đến năm 2013, và những đồng nghiệp của bà tại Bộ Ngoại giao về điều mà ông gọi là việc xử lý “cực kỳ bất cẩn” những tài liệu bảo mật mà họ gửi cho nhau thông qua một máy chủ email riêng tư mà bà ta đặt trong tư gia của mình ở bang New York.
Nhưng ông Comey cho biết những nhà điều tra FBI, trong một cuộc điều tra rộng lớn về hàng ngàn email của bà Clinton, đã không thể tìm thấy bằng chứng cho thấy bà ta “rõ ràng, cố tình” tìm cách vi phạm luật pháp của Mỹ và rằng “không có công tố viên hữu lý nào sẽ truy tố một vụ việc như vậy” nhắm vào bà dựa trên những bằng chứng được tìm thấy suốt nhiều tuần điều tra.
Cuộc điều tra của FBI về việc bà Clinton sử dụng máy chủ email riêng tư của mình, thay vì máy chủ của chính phủ với những biện pháp kiểm soát an ninh chặt chẽ, đã đưa tới cuộc thẩm vấn kéo dài ba tiếng rưỡi đồng hồ hôm thứ Bảy tuần trước giữa bà với những điều tra viên và công tố viên chính phủ tại trụ sở FBI ở Washington. Tuyên bố của ông Comey được đưa ra một tuần sau một cuộc gặp gỡ gây tranh cãi chính trị lớn giữa chồng bà Clinton, cựu Tổng thống Bill Clinton, và quan chức chấp pháp hàng đầu của đất nước, Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch, trên đường băng sân bay ở thành phố Phoenix, bang Arizona. Cả ông Bill Clinton và bà Lynch đều cho biết họ trò chuyện nửa tiếng đồng hồ nhưng không nói về vụ email, và sau đó bày tỏ sự hối tiếc về cuộc gặp gỡ này. Bà Lynch là người giám sát cuộc điều tra email và có thẩm quyền pháp lý đối với FBI.
Sau loan báo của ông Comey, người phát ngôn của bà Hillary Clinton cho biết ban vận động tranh cử của bà hài lòng với đề nghị không truy tố của FBI. Phát ngôn viên Brian Fallon nói ban vận động “hài lòng rằng những viên chức chuyên nghiệp giám sát cuộc điều tra” đã xác định rằng không cần phải có thêm hành động nào của Bộ Tư pháp. Ông nói thêm ban vận động “mừng là vấn đề này giờ đã được giải quyết.”
Không lâu sau khi FBI đưa ra kết luận, ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump đả kích trên Twitter: “Giám đốc FBI nói Hillary Gian Trá gây tổn hại cho an ninh quốc gia của chúng ta. Không có cáo buộc nào. Ôi chà! Hệ thống gian lận rồi.”
Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát, nói rằng kết luận của ông Comey “không tài nào giải thích nổi. Từ chối truy tố Ngoại trưởng Clinton về việc bà ta xử lý và truyền đi thông tin an ninh quốc gia một cách cẩu thả sẽ đặt ra một tiền lệ tệ hại.”
Nhiều người theo Đảng Cộng hòa đã kêu gọi đưa ra cáo buộc hình sự nhắm vào bà Clinton, nhưng ông Comey nói, “Không có cáo buộc nào là thích đáng trong vụ việc này.” Ông nói ông có thể bảo đảm với công chúng Mỹ rằng cuộc điều tra đã được tiến hành “một cách trung thực, thấu đáo và độc lập… theo một cách hoàn toàn phi chính trị.”
Trung Quốc vận động về Biển Đông ở Washington
Vào lúc căng thẳng đang sôi sục trước khi có một phán quyết quốc tế về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông, nhà hoạch định chính sách ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc Đái Bỉnh Quốc đã đến Washington và đưa ra lời cảnh báo cứng rắn về việc thực thi phán quyết đó.
Cựu ủy viên Quốc vụ viện Đái Bỉnh Quốc hôm 5/7 đã đọc bài phát biểu trước các chuyên gia cố vấn Mỹ tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie. Ông thúc giục Mỹ giảm sự can thiệp “mạnh tay” ở Biển Đông, đồng thời cáo buộc Washington gieo rắc bất hòa và khiêu khích Bắc Kinh.
Nhân vật có hai thập kỷ đóng vai trò trung tâm trong hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc nói: “Nhiệt độ ở Biển Đông đã cao lắm rồi. Nếu một cái đà như vậy không kiểm soát được, tai nạn có thể xảy ra, và Biển Đông có thể chìm vào hỗn loạn, và cả châu Á cũng vậy”.
Việc ông Đái đến Washington được xem là một phần trong chiến dịch vận động của Trung Quốc để bảo vệ lập trường của họ trước công luận thế giới vào lúc Trung Quốc đang đối mặt với một phán quyết có phần chắc rất bất lợi cho họ.
Theo FP, WSJ
http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-van-dong-ve-bien-dong-o-washington/3406162.html
Tàu vũ trụ Juno đi vào quỹ đạo của Sao Mộc
Hôm 4/7, mọi người trong phòng điều khiển tàu Juno tại Phòng Thí nghiệm Lực đẩy Phản lực đã vui mừng khi con tàu vũ trụ không người lái hoàn tất việc mở động cơ để đi vào quỹ đạo Sao Mộc và bắt đầu sứ mệnh dài 20 tháng là lập bản đồ về hành tinh khổng lồ này.
Bà Diane Brown thuộc NASA cho biết việc đưa Juno vào quỹ đạo “hơi khó nhưng đã diễn ra hoàn hảo”. Các nhà khoa học nói quá trình giảm tốc dài 35 phút của Juno đã diễn ra như dự đoán.
37 quỹ đạo phía trước
Con tàu sẽ bay quanh Sao Mộc 37 lần theo quỹ đạo hình elip để lập bản đồ về bề mặt của hành tinh khổng lồ chứa đầy khí. Do đó, Juno sẽ phải chịu mức độ bức xạ mãnh liệt. Một hộp titan nặng 180 kilogram che chắn các thiết bị của tàu khỏi môi trường khắc mỗi khi tàu lại gần hành tinh.
Những thiết bị đó sẽ thăm dò bên dưới những đám mây dày đặc của Sao Mộc để nghiên cứu bầu không khí hỗn loạn, lực hấp dẫn và từ trường của nó, mạnh hơn từ trường trái đất 20.000 lần.
Tìm kiếm manh mối về nguồn gốc hệ thống mặt trời
Các nhà khoa học nói Sao Mộc có thành phần chủ yếu là hydro và heli, giống như mặt trời, và mức độ oxy và nước trong khí quyển có thể mang lại manh mối về sự hình thành của hành tinh. Ông Richard Thorne thuộc Đại học California, Los Angeles, một trong những nhà khoa học làm việc về sứ mệnh này. giải thích: “Chúng tôi nghĩ rằng những vật chất mà chúng tôi sắp lấy mẫu… về cơ bản có tính nguyên thủy, cho chúng ta biết đôi điều về thuở ban đầu của hệ mặt trời”. Các nhà nghiên cứu cũng hy vọng biết được liệu Sao Mộc có lõi rắn hay không.
Đây là con tàu không người lái thứ hai của Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA bay quanh hành tinh khổng lồ chứa đầy khí. Từ năm 1995 đến 2003, tàu thăm dò Galileo đã nghiên cứu Jupiter và bốn mặt trăng lớn nhất của nó, Europa, Ganymede, Io và Callisto.
JunoCam lo việc ghi video
Không chỉ mang các thiết bị khoa học, con tàu còn có một máy ghi hình có tên JunoCam, máy này đã gửi về các đoạn video về các mặt trăng lớn của Sao Mộc. Sẽ còn nhiều lần ghi hình được thực hiện trong những tháng tới, và tất cả hình ảnh đều sẽ được công bố.
Ông Guy Beutelschies thuộc hãng Hệ thống Vũ trụ Lockheed Martin, là hãng đã chế tạo con tàu, nói: “Con tàu đang hoạt động tốt”. Con tàu sẽ bắt đầu gửi về các dữ liệu thu được từ những lần lại gần hành tinh nhất vào ngày 27 tháng 8. Nhà khoa học thuộc dự án Juno Steve Levin cho biết các dữ liệu đó sẽ bắt đầu trả lời “những câu hỏi lớn” về Sao Mộc và hệ mặt trời.
http://www.voatiengviet.com/a/tau-vu-tru-juno-di-vao-quy-dao-cua-sao-moc/3405000.html
Messi bị tù vì gian lận thuế
Tuyển thủ Argentina và Barcelona Lionel Messi lãnh án 21 tháng tù vì tội gian lận thuế.
Cha anh, Jorge Messi, cũng bị án tù vì gian lận 4,1 triệu euro ở Tây Ban Nha trong thời kỳ 2007 – 2009.
Hai người này còn có thể bị phạt hàng triệu euro vì đã trốn thuế thu nhập từ bán hình ảnh thông qua các tài khoản ở Belize và Uruguay.
Tuy nhiên hai cha con Messi được cho là sẽ không ngồi tù vì theo luật Tây Ban Nha, án tù dưới hai năm có thể được thụ án bên ngoài.
Hôm thứ Tư 6/7 tòa án ở Barcelona phán quyết rằng Lionel Messi và cha anh bị ba tội về gian lận thuế.
Messi bị phạt khoảng 2 triệu euro và cha anh bị phạt 1,5 triệu. Hồi tháng 8/2013 hai người đã tự nguyện nộp 5 triệu tiền “khắc phục thiệt hại”, tương đương với khoản thuế bị cho là gian lận có tính cả lãi.
Họ có thể kháng kiện án phạt tới tòa tối cao Tây Ban Nha.
Trong phiên tòa mới, Lionel Messi nói anh “không biết gì” về việc quản lý tài chính của bản thân và chỉ biết chơi bóng đá trong khi cha anh làm việc này.
Về phần mình, Jorge Messi nói ông không đủ kỹ năng để dàn dựng việc trốn thuế, mọi việc là do cố vấn thuế của ông thực hiện.
Cuối tháng trước Lionel Messi tuyên bố giải nghệ bóng đá quốc tế. Cầu thủ này giành danh hiệu Cầu thủ của Năm do Fifa trao tặng 5 lần liền và là một trong các vận động viên giàu nhất thế giới.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160706_messi_taxfraud
Tham chiến Iraq ‘chưa phải lựa chọn cuối’
Người đứng đầu cuộc điều tra về việc Anh quốc tham chiến ở Iraq nói chính phủ lúc đó chưa tìm hiểu hết các giải pháp trước khi ra quyết định.
Sir John Chilcot nói hành động quân sự “chưa phải lựa chọn cuối cùng”.
Ông cũng cho rằng các suy xét về vũ khí giết người hàng loạt của Iraq “được trình bày với một sự đoan chắc chưa được kiểm chứng” và kế hoạch hậu chiến “hoàn toàn không phù hợp”.
Sir John đã trình bày về cuộc điều tra vào lúc 11:35 BST (17:35 giờ Hà Nội).
Bản kết quả điều tra 12 tập về cuộc chiến Iraq được thực hiện trong thời gian bảy năm, được gọi là Phúc trình Chilcot.
Sir John nói ông hy vọng các hành động quân sự quy mô như vậy trong tương lai sẽ chỉ được quyết định sau khi có các phân tích và suy xét chính trị cần trọng hơn.
Phúc trình Chilcot được trông đợi sẽ chỉ trích một số cá nhân và tổ chức.
Nó cũng được trông đợi giải đáp một số câu hỏi của gia đình các quân nhân Anh đã chết trong cuộc chiến Iraq.
179 người Anh thiệt mạng ở Iraq trong thời kỳ 2003 – 2009.
Cựu Thủ tướng Tony Blair được cho sẽ bị kêu gọi ra xin lỗi thân nhân những người đã chết cũng như các nhà hoạt động từng phản đối cuộc chiến Iraq.
Phúc trình khổng lồ này đã được chuyển cho Thủ tướng David Cameron và sẽ được công bố trên mạng internet.
Chiến tranh Iraq
Hoa Kỳ bắt đầu cuộc chiến vào tháng 3/2003. Nước này mất 4.487 quân nhân trong cuộc chiến. Số người Iraq thiệt mạng theo các thống kê khác nhau là từ 90.000 tới hơn 600.000.
Chiến sự kéo dài khoảng sáu tuần đã lật đổ chính thể Saddam Hussein vốn cầm quyền 25 năm ở Iraq, và nhiều nghìn người chết trong những năm tháng bạo lực sắc tộc diễn ra sau đó.
Cuộc tấn công đẫm máu nhất xảy ra mới cuối tuần rồi, khi dân quân Nhà nước Hồi giáo đánh bom liều chết vào thủ đô Baghdad của Iraq, giết chết hơn 250 người.
Sir John nói ông tin rằng bản phúc trình 2,6 triệu chữ đã điểm lại đầy đủ các yếu tố dẫn đến quyết định Anh quốc tham chiến tại Iraq.
“Tôi trông đợi rằng trong tương lai, [nước Anh] không thể tham gia các hoạt động quân sự hay thậm chí cả ngoại giao quy mô và hậu quả sâu rộng như thế mà không có các phân tích, đánh giá phản biện cũng như suy xét chính trị tập thể cẩn trọng trước đó.”
Sau cuộc tấn công 11/9/2001 ở nước Mỹ làm 3.000 người thiệt mạng, ý tưởng hành động chống Saddam Hussein nhanh chóng được mang ra bàn luận.
Hoa Kỳ và Anh Quốc là hai nước nằm trong liên minh quốc tế từng tham chiến từ cuối 2001 ở Afghanistan, vốn bị cho là nơi trú ẩn của khủng bố, nhằm tiêu diệt Taliban.
Tháng 1/2002, Tổng thống Bush gọi Iraq là một trong “các trục ma quỷ” và mở “cuộc chiến chống khủng bố”, chống al-Qaeda và các nhóm khác.
Trao đổi giữa Bush và Blair
Cuộc điều tra cũng xem xét kỹ các cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ lúc đó, George W. Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair.
Trong đó có cuộc gặp tại trang trại của ông Bush ở Texas hồi tháng 4/2002 để bàn về Iraq và tại đây ông Blair đã hứa hẹn ủng hộ Hoa Kỳ nếu xảy ra hoạt động quân sự.
Quyết định điều quân Anh tham chiến Iraq của Thủ tướng Tony Blair, theo sau cuộc bỏ phiếu chuẩn thuận việc này tại Hạ viện, là một trong các quyết định đối ngoại gây tranh cãi nhất trong 50 năm qua.
Ông Blair là một trong số hơn 100 nhân chứng ra điều trần trong quá trình điều tra.
Ngoài biên bản hai lần điều trần của ông, bản phúc trình còn phân tích các tài liệu đã giải mật của chính phủ, các đánh giá của tình báo Anh về năng lực vũ khí của Iraq và các trao đổi riêng tư giữa hai ông Blair và Bush về xung đột Iraq cũng như về cơ sở cho quyết định tham chiến.
Các nhà điều tra đã “thu thập, đánh giá và phân tích” 150.000 tài liệu của chính phủ.
Ông cựu thủ tướng Anh bị cáo buộc về nguyên tắc đã đồng ý ủng hộ can thiệp quân sự vào Iraq từ tháng 4/2002 và đã “thổi phồng” và “lạm dụng” thông tin tình báo về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq. Điều này chính phủ Anh từng bác bỏ.
Ông Blair cũng nhiều lần biện hộ cho quyết định điều quân Anh tới Iraq, nói rằng ông sẽ lại làm như vậy nếu thấy đe dọa nghiêm trọng từ Saddam Hussein.
Nhưng sau đó ông cựu thủ tướng đã xin lỗi về điều mà ông gọi là thiếu thông tin tình báo về liệu Iraq có trong tay vũ khí hủy diệt hàng loạt hay không và khả năng sử dụng thế nào.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160706_chilcot_report
Email của bà Clinton ‘gây nguy hiểm’ cho Mỹ
Việc bà Hillary Clinton dùng thư điện tử cá nhân trong vai trò ngoại trưởng đặt “cả quốc gia vào nguy hiểm,” ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump nói.
Quyết định không đề nghị truy tố hình sự đối với bà là ví dụ lớn nhất cho thấy hệ thống này gian lận, ông nói trong cuộc vận động ở North Carolina.
Bà Clinton từ đảng Dân chủ và ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ được chọn ra tranh cử vào Nhà Trắng trong tháng 11.
Họ được cho là sẽ công bố chính thức làm ứng cử viên của hai đảng vào cuối tháng này.
Giám đốc FBI, ông James Comey, nói bà Clinton đã bất cẩn trong việc xử lý thông tin nhạy cảm nhưng không có trường hợp nào có thể đưa thành tội hình sự do không có chứng cứ cho thấy bà cố ý làm sai.
Phát biểu ở Raleigh, ông Trump không đồng tình và cho rằng hệ thống này được lập ra nhằm bảo vệ gia đình Clinton – bà ta đặt “cả quốc gia vào vòng nguy hiểm” và đã có thể bị tấn công tin tặc.
“Óc suy xét của bà ta thật kinh khủng,” ông nói thêm: “Bà ta sẽ là một vị tổng thống tồi tệ, thưa quý vị.”
Vị doanh nhân New York cũng cho rằng Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch đã bị mua chuộc với lời hứa sẽ được giữ nguyên vị trí của bà để đổi lại việc cho phép bà Clinton thoát khỏi bị truy tố.
Cũng trong buổi vận động này, ông Trump khen ngợi vị cựu lãnh đạo Iraq, ông Saddam Hussein.
“Saddam Hussein là kẻ xấu,” ông Trump nói. “Nhưng quý vị có biết ông ta giỏi cái gì không? Ông ta giết khủng bố. Ông ta rất giỏi trong việc đó. Chẳng cần lằng nhằng thủ tục gì cả.”
Các đảng viên Cộng hòa khác cũng chỉ trích quyết định của FBI. Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Paul Ryan nói điều này “không thể hiểu được”.
“Từ chối truy tố Ngoại trưởng Clinton vì thiếu thận trọng trong việc xử lý và chuyển giao thông tin an ninh quốc gia sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu,” ông nói.
Điểm chính trong kết quả điều tra của FBI:
Có thể có các “nhân vật thù địch” truy cập được vào tài khoản thư điện tử của bà Clinton
Có hơn 100 thư điện tử chứa thông tin mật khi được gửi hoặc nhận, trái ngược với tuyên bố của bà rằng bà chưa bao giờ gửi thư điện tử mật
Nhưng không có chứng cứ cho thấy bà cố ý chia sẻ tư liệu nhạy cảm
Bà không xóa email nhằm giấu giếm, không có chứng cứ cho thấy bà che giấu sự việc
Vài giờ sau đó, bà xuất hiện trên sân khấu cùng Tổng thống Barack Obama ở Charlotte, North Carolina.
Không ai trong số họ nhắc tới vụ việc. Ông Obama thậm chí còn tỏ ra nhiệt tâm ủng hộ bà trong buổi vận động – là lần đầu tiên ông xuất hiện cùng bà trong chiến dịch tranh cử.
Hai người từng là đối thủ của nhau, nhưng số mệnh chính trị của họ giờ khăng khít. Tám năm sau khi bà Clinton vận động cho ông, Tổng thống Obama bước xuống con đường bầu cử cùng bà; tài vận động và hùng biện tuyệt vời của ông ở Charlotte trong lần xuất hiện chung đầu tiên mang lại lực đẩy khổng lồ.
Sự đảo ngược vai trò thật đáng kinh ngạc. Bà Clinton phát biểu trước, trong lúc tổng thống đứng phía sau, khoanh tay, lắng nghe, với vai trò mới của ông là người đỡ đầu có uy tín nhất của bà.
Bà nhắc tới chiến dịch vận động căng thẳng của họ năm 2008 và sự hòa giải giữa hai người là bằng chứng cho thấy người Mỹ có thể đạt được gì nếu đoàn kết.
Tổng thống dùng một trong những câu yêu thích nhất của ông từ hồi còn vận động chiến dịch khiến đám đông “hăng hái và sẵn sàng”, khi ông nói với người ủng hộ rằng ông trông cậy vào họ để đưa được bà Clinton vào Nhà Trắng. Ông biết, để di sản của mình được lưu giữ, ông cần chiến thắng của bà.
Đứng hai bên là trợ lý của bà, những người vẫn luôn ở đó trong những ngày lạnh lẽo ở Iowa từ năm 2008, những người đã dõi theo mà gần như không mấy tin tưởng rằng con đường của bà có thể dẫn họ tới ngày hôm nay.
Cả bà Clinton và ông Obama đều không nhắc tới điều tra của FBI vào tài khoản email cá nhân của bà, nhưng đám mây ấy phần nào đã được thổi đi và đội của bà Clinton dường như cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Thế nhưng phe Cộng hòa sẽ dùng lời lẽ của ông Comey về cách sử dụng thư điện tử của bà – “cực kỳ bất cẩn” – để chống lại bà trong mọi chặng tiếp theo.
Ông Obama nói ông tin tưởng vào bà Clinton và chưa từng có bất kỳ người đàn ông hay phụ nữ nào đủ năng lực đảm nhận vị trí này hơn bà.
Người phát ngôn cho chiến dịch của bà Clinton ủng hộ quyết định này nhưng thừa nhận việc bà dùng thư cá nhân là “sai lầm”.
Vụ thư điện tử của bà, mà bà dùng cho cả công việc chính phủ và việc riêng, đã phủ bóng lên chiến dịch tranh cử của bà Clinton kể từ khi vấn đề này nổi lên hồi tháng Ba 2015.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160706_donald_trump_on_clinton_emails
Đồng bảng Anh tiếp tục sụt giá
Đồng bảng Anh sụt xuống mức thấp nhất trong 31 năm so với đồng đôla Mỹ trong khi các thị trường tài chính lo ngại về việc Anh rút khỏi EU (Brexit).
Tiền Anh sụt xuống mức 1 bảng ăn 1,2798 đôla Mỹ trên thị trường hối đoái Á châu, sau đó nhích lên một chút là 1,2929 đôla.
Kể từ khi trước trưng cầu dân ý ở Anh, giá trị đồng bảng so với đồng đôla đã sụt khoảng 14% từ mức cao nhất là 1,50 đôla.
Tại thị trường chứng khoán Anh, chỉ số FTSE 100 giảm 11,47 điểm khi mở cửa, tương đương 0,2%, còn 6.533,90 điểm.
Chỉ số FTSE 250 tập trung các công ty chuyên thị trường Anh giảm 0,4% còn 15.671,47 điểm.
Trước đó, các thị trường chứng khoán châu Á đóng cửa ở mức thấp, chỉ số Nikkei ở Nhật Bản giảm 1,9%.
Lợi tức trái phiếu chính phủ ở các nước cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Lợi tức trái phiếu thời hạn 10 năm của Mỹ, Anh, Thụy Sỹ và Đức đều xuống mức thấp nhất từ trước tới nay vì nhà đầu tư chuyển sang mua trái phiếu nhiều hơn với tâm lý cho là chúng an toàn hơn cổ phiếu của các công ty. Giá trái phiếu tăng khiến cho lợi tức giảm.
Làn sóng chao đảo hiện thời bắt nguồn từ quyết định của ba quỹ đầu tư không cho nhà đầu tư rút tiền khỏi các quỹ bất động sản ở Anh.
Họ nói rằng tình trạng bất an sau trưng cầu dân ý khiến cho nhà đầu tư đổ xô đi rút tiền.
Ngân hàng Trung ương Anh Bank of England hôm thứ Ba cũng cảnh báo rằng có bằng chứng cho thấy đang bắt đầu xuất hiện nguy cơ kinh doanh liên quan tới Brexit.
Các thống kê đáng thất vọng từ ngành dịch vụ Anh và sụt giảm đơn đặt hàng ở Mỹ cũng khiến tình hình thêm bi quan.
http://www.bbc.com/vietnamese/business/2016/07/160706_pound_new_low
Tập đoàn TQ mua CLB bóng đá AC Milan
Cựu Thủ tướng Ý, Silvio Berlusconi, nói ông vừa bán câu lạc bộ bóng đá AC Milan cho một tập đoàn của Trung Quốc.
Ông Berlusconi, ông chủ của đội bóng Serie A, nói với báo chí địa phương hôm thứ Ba.
Ông cho biết họ sẽ trả ít nhất 400 triệu euro trong vòng hai năm tới, và như vậy câu lạc bộ này có thể trị giá tới 750 triệu euro kể cả nợ.
“Milan nay bắt đầu con đường hướng tới Trung Quốc,” ông nói tuy nhiên không cho biết danh tính người mua.
Tuy nhiên các phương tiện truyền thông khác trích dẫn nguồn riêng của mình nói các điều khoản của thỏa thuận này vẫn còn đang được hoàn chỉnh nốt.
Ông Berlusconi, 79 tuổi, từng là thủ tướng bốn lần nhưng đã bị kết án tội trốn thuế và hối lộ.
Công ty Fininvest của gia đình ông được nói là đã có các cuộc thương thuyết với tập đoàn đầu tư Trung Quốc hồi tháng Năm.
Tập đoàn này đang tìm cách mua luôn 80% câu lạc bộ này trước khi sẽ mua nốt phần còn lại.
Thỏa thuận thậm chí có thể dẫn tới việc câu lạc bộ này sẽ đăng ký trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, theo hãng tin Reuters đưa tin.
Các nhà đầu tư Á châu
AC Milan là một trong những câu lạc bộ bóng đá thành công nhất châu Âu nhưng hiện đang tìm kiếm thêm tiền đầu tư để có thể thi đấu thành công hơn trước các đối thủ được đầu tư tốt khác.
Câu lạc bộ này đã công bố thua lỗ 93,5 triệu euro hồi năm ngoái.
Ông Berlusconi suýt bán phần lớn cổ phần của ông ở câu lạc bộ AC Milan cho một doanh gia người Thái hồi năm ngoái nhưng sau đó ông đã đổi ý.
Nhiều câu lạc bộ bóng đá châu Âu nay thuộc sở hữu hoặc nhận tiền của các nhà đầu tư hay các công ty giàu có châu Á và Trung Đông.
Đối thủ của họ cũng tại Milan, đội Inter Milan, đã được bán cho Tập đoàn Thương mại Suning chuyên về đồ điện tử cũng của Trung Quốc.
Hồi năm ngoài thương gia Trung Quốc, Tiến sĩ Tony Xia, đã hoàn tất thương vụ trị giá 76 triệu bảng Anh mua đội Aston Villa của Anh Quốc.
Bóng đá là môn thể thao được ưa chuộng tại Trung Quốc và chính phủ nước này hứa sẽ phát triển bóng đá Trung Quốc trở thành một “siêu cường” trên thế giới.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160706_ac_milan_football_club_sold_to_chinese
Iraq: 250 người thiệt mạng vụ đánh bom
Số người chết trong vụ đánh bom cảm tử vào thủ đô Iraq đã lên đến 250, chính phủ Iraq nói, và đây là vụ tấn công tồi tệ nhất từ sau khi liên quân do Hoa Kỳ chỉ huy tiến vào Iraq năm 2003.
Một xe tải đầy chất nổ đã được kích hoạt ở Quận Karrada, khi các gia đình đang mua sắm trong kỳ nghỉ cuối mùa lễ Ramadan.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS nhận trách nhiệm vụ đánh bom tự sát.
Ban đầu, ước tính số người thiệt mạng đến 165 người.
Iraq đang trong những ngày quốc tang tưởng niệm nạn nhân vụ đánh bom.
Nhiều người dân tổ chức lễ thắp nến và cầu nguyện cho hòa bình.
Bộ Y tế Iraq nói có một số người bị thương nhưng đã xuất viện.
Bộ này cho biết những người bị thương nặng đã được đưa đi điều trị ở nước ngoài, nhưng không cung cấp thêm thông tin.
Jeremy Bowen, Biên tập viên Trung Đông của BBC ở Baghdad nhận định:
“Với nhận thức muộn màng sau 13 năm, thế giới trước ngày 9/4/2003 có vẻ bình an hơn và an toàn hơn. Người ta chưa từng có một ngày hòa bình thực sự nào kể từ khi chế độ cũ sụp đổ.
Ít nhất, theo họ nói, luật pháp và trật tự còn tồn tại dưới thời Saddam.
Một số người hi vọng mọi việc trở nên tốt hơn sau khi quân đội chiến thắng tổ chức IS ở Falluja. Nhưng vụ nổ bom tấn công ở Baghdad sớm hôm Chủ Nhật đã thổi bay những hi vọng đó.”
Chìm trong biển lửa
Vụ đánh bom ở khu vực có đông người Hồi giáo Shia diễn ra nửa đêm chỉ sau một tuần quân đội Iraq tái chiếm lại thành phố Falluja từ tay tổ chức IS.
Tin cho biết chiếc xe tải chở thuốc nổ và đậu gần Trung tâm Hadi nơi có nhiều người đến mua sắm.
Cú nổ cực mạnh đã nhấn chìm khu vực trong biển lửa.
Chính phủ Iraq bị chỉ trích nặng nề sau cuộc tấn công. Thủ tướng Haider al-Abadi gặp đám đông giận dữ khi ông đến thăm hiện trường vụ nổ.
Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Nội vụ Mohammed Ghabban nộp đơn từ chức nhưng chưa được chấp nhận.
Ông mô tả các trạm kiểm tra an ninh quanh thành phố Baghdad là “hoàn toàn vô dụng”, theo hãng tin AFP.
Chính phủ đã nâng mức an ninh trong thủ đô Baghdad và cho biết một nhóm tù nhân bị kết tội khủng bố có thể sẽ bị xử tử ngay sắp tới.
Tổ chức IS theo đường lối của những người Hồi giáo Sunni cực đoan và thường nhắm tới người Hồi giáo Shia, mà họ coi là kẻ bỏ đạo.
IS mất hàng loạt khu vực chiếm đóng ở Iraq và các nhà phân tích nói tổ chức này sẽ tăng cường sử dụng đến các chiến thuật tấn công của quân nổi dậy.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160706_iraq_worst_bombing
Thế giới Hồi giáo chấn động vì vụ khủng bố tại thánh địa Medina
Vụ khủng bố hôm thứ Hai, 04/07/2016, nhắm vào thánh địa Medina, Ả Rập Xê Út, ngay gần khu mộ của Nhà Tiên Tri, khiến ít nhất bốn nhân viên an ninh thiệt mạng, gây chấn động thế giới Hồi giáo. Vụ khủng bố xảy ra ngay trước ngày kết thúc tháng thiêng Ramadan của đạo Hồi bị lãnh đạo các hệ phái Sunni và Shia đồng loạt lên án.
Medina được coi là thánh địa quan trọng thứ hai của đạo Hồi, sau Mecca. Vụ khủng bố bị lên án đặc biệt mạnh mẽ tại Iran, quốc gia theo hệ phái Shia, đối thủ của Ả Rập Xê Út theo hệ phái Sunni. Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif khẳng định « những kẻ khủng bố không còn dừng bước trước bất kỳ giới hạn nào. (…) Người Sunni và Shia đều sẽ là nạn nhân của khủng bố, nếu chúng ta không đoàn kết lại ».
Đối với phong trào Hezbollah, đồng minh của Iran, bị Ả Rập Xê Út và các quốc gia vùng Vịnh coi như « khủng bố », thì vụ khủng bố nói trên « là một dấu hiệu mới cho thấy quân khủng bố coi khinh tất cả những gì mà người theo đạo Hồi cho là thiêng liêng ».
Phe Taliban tại Afghanistan chuyển tới AFP một thông báo cho biết, lực lượng này « coi đây là một hành động của kẻ thù chống lại các nghi lễ Hồi giáo, do lòng thù hận ». Tại thủ đô Pakistan, nhiều người tham gia biểu tình lên án các thủ phạm vụ tấn công nhắm vào Medina.
Tại Cairo, Ai Cập, Thánh đường Al-Azhar, định chế có uy quyền nhất trong hệ phái Sunni, nhắc lại « tính chất thiêng liêng của các thánh địa, nhất là Thánh đường Nhà Tiên Tri ».
Medina là nơi nhà tiên tri Mohamet đã sống những thập niên cuối đời, trước khi mất vào năm 632.
Tối hôm qua, vua Ả Rập Xê Út Salman kêu gọi người Hồi giáo « đoàn kết » và bảo vệ giới trẻ trước « những nguy hiểm dình rập chúng, đặc biệt là chủ nghĩa cực đoan », ngụ ý nói đến các nhóm thánh chiến.
Hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon gửi « lời chia buồn sâu sắc » nhất đến gia đình các nạn nhân các vụ khủng bố tại Ả Rập Xê Út, và nhấn mạnh đến việc « cần phải gia tăng các nỗ lực khu vực và quốc tế để ngăn chặn và chống lại chủ nghĩa khủng bố ». Hôm thứ Hai, ngoài Medina, còn có hai vụ khủng bố tự sát xảy ra tại Qatif, một thành phố nằm ở phía đông Ả Rập Xê Út, gần thánh đường của người theo hệ phái Shia.
Hiện tại, chưa có tổ chức nào đứng ra nhận là thủ phạm các vụ tấn công, nhưng theo các nhà quan sát, phương thức tiến hành rất giống với nhiều vụ khủng bố do tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tiến hành từ hơn một năm nay.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160706-the-gioi-hoi-giao-chan-dong-vi-vu-khung-bo-tai-thanh-dia-medina
Anh Quốc : Bộ trưởng Nội Vụ về đầu vòng sơ tuyển ứng viên thủ tướng
Hôm qua, 05/07/2016, các nghị sĩ đảng Bảo Thủ Anh đã tiến hành bỏ phiếu « sơ tuyển » các ứng viên thủ tướng. Sau vòng một, trong danh sách 5 người, chỉ còn lại 3. Và đúng như mọi dự đoán, bộ trưởng Nội Vụ, bà Theresa May đã về đầu, bỏ xa hai đối thủ kia.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix gửi về bài tường trình :
« Không có gì ngạc nhiên, cho đến lúc này, bà Theresa May đã dẫn đầu, bỏ xa các đối thủ, và có được sự ủng hộ của một nửa các nghị sĩ. Đối thủ chính của bà Theresa May hiện nay là bộ trưởng Năng Lượng, bà Andrea Leadsom, chỉ được 66 phiếu, còn ông Michael Gove, bộ trưởng Tư Pháp, 48 phiếu.
Cả hai đối thủ này đều là những người đã kiên quyết đòi Brexit, nhưng sẽ khó có thể thuyết phục được các nghị sĩ tiếp tục ủng hộ họ, nhất là sau các tiết lộ về phát biểu của cựu bộ trưởng thuộc đảng Bảo Thủ, ông Kenneth Clarke. Số là trước cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Sky News, chiều hôm qua, vị chính trị gia ủng hộ châu Âu này đã không biết là các máy quay hình đang hoạt động và ông đã bộc bạch với một vị dân biểu khác rằng ông hy vọng bà Andrea Leadsom không tin vào những điều xuẩn ngốc mà bà đã phát biểu trong chiến dịch vận động cho Brexit. Sau đó, cựu bộ trưởng Clarke vừa cười vừa nói là, nếu ông Michael Gove mà trở thành thủ tướng, thì nước Anh sẽ tiến hành chiến tranh với ba quốc gia cùng một lúc. Đó là một cuộc trao đổi thẳng thắn và thoải mái.
Kết thúc cuộc nói chuyện này, cả hai nghị sĩ đều thừa nhận rằng nếu như bà Theresa May cũng khó tính như cố thủ tướng Margaret Thatcher, nhưng bà là một chính trị gia tuyệt vời và là người duy nhất có khả năng làm tốt công việc của một thủ tướng ».
Seoul muốn tăng gấp đôi loa tuyên truyền ở biên giới
Chiến tranh tâm lý tại biên giới hai miền Triều Tiên đang gia tăng. Để đáp trả các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, chính quyền Seoul cho biết dự kiến tăng gấp đôi số loa tuyên truyền ở biên giới phía bắc. Tuy nhiên, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc từ chối bình luận về các thông tin này.
Hãng tin Yonhap hôm nay, 06/07/2016, trích dẫn một nguồn tin quân sự cho biết số lượng loa phóng thanh hiện nay là 17 chiếc sẽ được tăng gấp đôi từ đây đến cuối năm 2016. Một số loa cũ cũng sẽ được thay mới, hiện đại hơn để có thể nghe được ở khoảng cách hơn 10 km.
Theo đó, chính phủ Hàn Quốc sẽ “nỗ lực nhiều hơn để làm nhụt tinh thần binh sĩ Bắc Triều Tiên đóng ở biên giới và cung cấp nhiều thông tin hơn cho người dân” về thế giới bên ngoài. Trong các thông điệp gởi đi, chính quyền Hàn Quốc sẽ tiếp tục đưa ra những lời chỉ trích nhắm vào lãnh đạo Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un, và chính sách “tồi tệ” của ông.
Cũng theo nguồn tin quân sự này, mục đích là nhằm trừng phạt Bình Nhưỡng về những“hành động khiêu khích” gần đây, bao gồm cả vụ phóng thử tên lửa tầm trung hồi tháng 6/2016. Theo lý thuyết, tên lửa Musudan của Bình Nhưỡng có thể bắn tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam trên Thái Bình Dương.
Phương pháp chiến tranh tâm lý bằng loa phóng thanh đã được khởi sự từ những năm đầu cuộc xung đột giữa hai miền (1950-1953), khi các đơn vị cơ động được trang bị loa phóng thanh di chuyển dọc theo đường chiến tuyến. Những dàn loa đó sau này lần lượt được tắt mở tùy theo tình hình quan hệ xáo động giữa hai miền.
Tháng 8 năm ngoái, sau vụ hai quân nhân Hàn Quốc trúng mìn ở biên giới, Seoul đã cho tái khởi động các dàn loa phóng thanh, sau 11 năm gián đoạn. Kể từ sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Bắc Triều Tiên hồi đầu năm (06/01/2016), Seoul cho phát các loa công suất cực lớn, pha lẫn các chương trình âm nhạc pop, bản tin thời sự với các thông điệp tuyên truyền. Hệ thống tuyên truyền bằng loa có vẻ lỗi thời, nhưng vẫn khiến chính quyền Bắc Triều Tiên tức tối, Bình Nhưỡng đã nhiều lần dọa dập tắt tiếng loa bằng đạn pháo.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160706-seoul-muon-tang-doi-he-thong-loa-tuyen-truyen-o-bien-gioi
NATO giúp châu Âu trong cơn nguy biến
Lãnh đạo của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – họp tại Vacxava trong hai ngày cuối tuần 08 và 09 tháng 07/2016 vào lúc châu Âu phải tăng cường phòng thủ ở biên giới phía đông đối mặt với Nga, đối phó với thánh chiến ở phía nam cùng với những hệ quả bất trắc vì Brexit và làn sóng di dân nhập cư tràn qua Địa Trung Hải.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, tổng thống Pháp François Hollande, thủ tướng Đức Angela Merkel, thủ tướng từ chức của Anh David Cameron cùng với các đồng nhiệm của NATO, tổng cộng 28 vị, sẽ gặp nhau trong hai ngày cuối tuần tại thủ đô Ba Lan. Thượng đỉnh Vacxava mang biểu tượng cao vì chính tại nơi này, vào năm 1955, Liên Bang Xô Viết và các nước vệ tinh chính thức khai sinh khối Vacxava, đối trọng với NATO.
Thượng đỉnh NATO năm nay diễn ra sau một loạt khủng bố tự sát tại Paris, Bruxelles và Istanbul. Theo nhận định của tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, hồi đầu tuần này « an ninh châu Âu đang bị đe dọa từ mọi phía ».
Theo AFP, bàn cờ địa chính trị đã thay đổi sâu đậm từ mùa xuân năm 2014 khi Nga « sáp nhập » bán đảo Crimée của Ukraina và hậu thuẫn cho phe ly khai thân Nga tuyên bố « độc lập » ở miền đông Ukraina.
Cũng trong thời gian này, Daech đánh chiếm một loạt thành phố ở Irak, tiến gần biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO. Tình hình này đã làm cho Liên Minh « một sớm một chiều phải tập trung lo bảo vệ an ninh cho chính biên giới của mình bằng cơ chế phòng thủ tập thể », như đại sứ Mỹ ở NATO, Douglas Lute, phân tích.
Bốn tiểu đoàn tiền phương và lá chắn tên lửa
Do vậy, vào mùa thu 2014, các lãnh đạo của NATO thông qua một loạt quyết định dứt khoát nâng cao khả năng ứng phó của lực lượng quân sự, thành lập một đơn vị có thể điều động ngay trong 48 tiếng đồng hồ khi có lệnh báo động, xây thêm một loạt căn cứ hậu cần, tích trữ trang thiết bị quân sự, tại các quốc gia có cùng biên giới với Nga.
Để trấn an Ba Lan và ba nước Baltic, thượng đỉnh NATO sẽ chính thức hóa kế hoạch đưa sang vùng biên giới phía đông bốn tiểu đoàn tác chiến với nhiệm vụ ngăn chận mọi cuộc tấn công của quân đội Nga trên bộ trong khi chờ đợi viện binh.
Sau khi thấy Nga huy động 15.000 quân trong chiến dịch Crimée, NATO tăng lực lượng tác chiến tại châu Âu từ 20.000 lên 40.000.
Các động thái này của NATO đương nhiên bị Matxcơva lên án. Tổng thống Vladimir Putin cho rằng NATO « công khai chống Nga » và « âm mưu lôi kéo Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và không có lối ra ».
Tuyên bố « không sợ thách thức, không hèn yếu », ông Putin tố cáo NATO liên tiếp tổ chức tập trận « gần biên giới Nga », ở Hắc Hải và biển Baltic.
Một quyết định khác của NATO sẽ làm Nga bất bình thêm. Đó là tuyên bố hệ thống lá chắn chống tên lửa « có thể đi vào hoạt động ». Tháng 5 vừa qua, căn cứ và giàn phi đạn chận tên lửa đã được khánh thành tại Rumani, phối hợp với đài ra-đa ở Thổ Nhĩ Kỳ và bốn chiến hạm chống hỏa tiễn bố trí ở Địa Trung Hải.
Thế nhưng, các nhà lãnh đạo NATO vẫn bảo đảm rằng Thượng đỉnh Vacxava không phải là để « biểu dương sức mạnh chống Nga ». Chờ xem cuộc đối thoại giữa đại sứ Nga và các đồng nhiệm NATO vào đầu tuần sau sẽ mang lại kết quả gì sau 20 tháng gián đoạn.
Daech và phong trào vượt biển
Ở mặt trận phía nam châu Âu, NATO bắt đầu tổ chức lại để đối phó với Daech, chiến tranh Syria và tình hình hỗn loạn tại Libya, cũng như trợ lực cho những chế độ hiếm hoi còn ổn định, như Jordani và Tunisia.
Cuối cùng, để giúp chận đứng làn sóng vượt biển, NATO buộc phải hợp tác chặt chẽ hơn với Liên Hiệp Châu Âu, ngoài hạm đội tuần tra ở biển Aegea, Liên Minh sẽ phải tham gia chiến dịch Sophia ngoài khơi Libya, điểm xuất phát của thuyền nhân vượt biển sang Ý.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160706-nato-giup-chau-au-trong-con-nguy-bien
Biển Đông: Manila sẵn sàng đối thoại với Bắc Kinh sau phán quyết của Tòa Trọng Tài
Trong diễn văn đọc trước giới sĩ quan không quân ngày 06/07/2016, tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đề nghị đối thoại với Trung Quốc về phán quyết của Toà Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, sẽ được công bố vào đầu tuần tới.
Theo AFP, tân tổng thống Philippines cho biết ông tin rằng phán quyết mà Toà công bố ngày 12/07 sẽ thuận lợi cho Manila hơn là cho Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Trước các sĩ quan không quân Philippines, tổng thống Rodrigo Duterte bắn tín hiệu với Trung Quốc là nếu phán quyết này « thuận lợi » cho Philippines như dự kiến thì « chúng ta nên đối thoại ».
Đề nghị đối thoại này được giới phân tích xem là Manila đã chọn thái độ mới. Tổng thống tiền nhiệm, Benigno Aquino từ chối mọi thảo luận song phương với Trung Quốc, vì e ngại bị đối thủ khổng lồ lấn áp.
Đọc thêm : Với Duterte, Manila « song đàm hay song đấu » với Bắc Kinh ?
Lời kêu gọi đối thoại của tân tổng thống Philippines cũng trùng hợp với thời điểm biểu tượng mà Trung Quốc chọn để biểu dương sức mạnh qua cuộc tập trận ở Hoàng Sa kéo dài đến ngày 11/07, tức một ngày trước khi Toà Án Trọng Tài Thường Trực công bố phán quyết, mà Bắc Kinh nói trước là sẽ không công nhận giá trị.
Chưa có thông tin về phản ứng của Bắc Kinh về đề nghị mới của Manila.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160706-tong-thong-philippines-tuyen-bo-san-sang-doi-thoai-voi-bac-kinh
Hồng Kông đề nghị bảo vệ một trong các nhân viên nhà sách “mất tích”
Vụ nhân viên nhà sách Hồng Kông bị “mất tích” lại có thêm diễn tiến mới. Cảnh sát Hồng Kông, hôm nay 06/07/2016, lên tiếng đề nghị bảo vệ ông Lâm Vinh Cơ (Lam Wing Kee), một trong số các nhân viên nhà sách mất tích và bị giam giữ nhiều tháng liền tại Trung Quốc mà không được gặp luật sư.
Ông Hoàng Chí Hùng (Tony Wong), nhân vật thứ hai ngành cảnh sát Hồng Kông tuyên bố : Cảnh sát đặc khu sẵn sàng bảo vệ ông Lâm “nếu ông mong muốn”. Trước đó, chính quyền Bắc Kinh cảnh báo ông Lâm đã vi phạm các điều kiện giám sát tư pháp và ông Lâm rất có thể sẽ phải đối mặt với những biện pháp nghiêm khắc hơn, theo như tường thuật của truyền thông Hồng Kông.
AFP cho biết là Hồng Kông và Trung Quốc chưa ký kết hiệp ước dẫn độ. Do đó, trong vụ việc này, chính quyền đặc khu không bắt buộc phải giao nộp ông Lâm Vinh Cơ cho Bắc Kinh.
Tuy nhiên, vụ việc cũng đã đặt ông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying), trưởng đặc khu hành chính và được cho là ủng hộ Bắc Kinh vào một tình thế khó xử. Ông Lương Chấn Anh giờ nằm trong gọng kìm, giữa một bên là chính quyền Trung Quốc và bên kia là người dân Hồng Kông, đang trong cơn phẫn nộ trước những can thiệp của Bắc Kinh.
Ông Lâm Vinh Cơ, 61 tuổi là một trong số năm nhân viên nhà sách Hồng Kông bị mất tích hồi cuối năm 2015. Theo lời kể, ông Lâm đã bị bắt tại Thẩm Quyến, miền nam Trung Quốc. Sau 8 tháng bị giam, vì tội đưa sách cấm vào đại lục, ông được trả tự do có điều kiện.
Trên nguyên tắc, ông Lâm Vinh Cơ phải trở lại đại lục trong tháng rồi, nhưng ông đã từ chối thực hiện.
Tuần rồi, ông có thông báo tham gia cuộc tuần hành nhân kỷ niệm 19 năm ngày Hồng Kông được Anh Quốc trao trả về cho Trung Quốc, nhưng vào phút chót ông phải từ bỏ ý định, ông cho biết đang bị theo dõi.
Trong vụ năm nhân viên nhà sách mất tích, ông Lâm Vinh Cơ là người duy nhất dám công khai bày tỏ vụ việc, đồng thời ngầm ý cho thấy bốn người khác đang chịu đựng nhiều áp lực từ Trung Quốc. Vụ việc xảy ra càng làm cho người dân Hồng Kông thêm lo sợ là Trung Quốc gia tăng kiểm soát đặc khu hành chính này.
Trung Quốc bị lên án giam giữ một kiều dân Mỹ
Hôm nay, 06/07/2016, một tổ chức bảo vệ nhân quyền đã yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho một nữ kiều dân Mỹ, bị giam giữ tại Trung Quốc từ hơn một năm nay, vì bị cáo buộc làm gián điệp. Trước đó một cơ quan Liên Hiệp Quốc cũng lên án vụ bắt giữ này là “tùy tiện”.
Ông John Kamm, giám đốc điều hành của Đối Thoại (Dui Hua), có trụ sở tại Hoa Kỳ, trong một thông cáo ra hôm nay, đã kêu gọi chính quyền Bắc Kinh “trả tự do ngay lập tức” cho nữ doanh nhân Mỹ. Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Đối Thoại, công dân Mỹ trên ban đầu bị giam giữ trong 6 tháng tại một địa điểm bí mật. Sau đó bà bị biệt giam trong một trại tù ở tỉnh Quảng Tây. Bà Sandy Phan-Gillis chỉ được gặp luật sư sau 14 tháng bị giam giữ.
Bà Sandy Phan-Gillis, nữ doanh nhân tham gia đoàn thương gia của Houston tới thăm Trung Quốc. Bà bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ từ hồi tháng 3 năm 2015, khi trên đường qua Macao, vì bị nghi vấn “làm gián điệp và đánh cắp bí mật quốc gia” của Trung Quốc.
Hôm Chủ nhật (3/7), nhóm công tác về bắt giữ người tùy tiện (GTDA), một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, đã nhận định, trong vụ việc này, chính quyền Bắc Kinh đã không tôn trọng các chuẩn mực quốc tế về quyền tự do và an toàn của cá nhân.
Báo cáo của tổ chức Liên Hiệp Quốc đánh giá những vi phạm của chính quyền Trung Quốc là rất nghiêm trọng, vì đã vô cớ tước quyền tự do của bà Phan-Gillis.
Bà Phan-Gillis là kiều dân Mỹ duy nhất hiện bị giam giữ tại Trung Quốc vì tội làm gián điệp. Tuy nhiên đã có nhiều kiều dân các nước khác bị chính quyền Bắc Kinh kết án vì những cáo buộc tương tự.
Năm ngoái, nhà địa chất học người Mỹ gốc Hoa, Xu Feng, bị kết án vì tội đánh cắp bí mật quốc gia đã bị trục xuất về nước sau khi đã thụ án 7 năm tù giam. Năm 2010, công dân Úc Stern Hu, cán bộ của tập đoàn mỏ nổi tiếng Rio Tinto cũng đã bị kết án 10 năm tù, vì tội tham nhũng và là gián điệp công nghiệp.