Tin Thế Giới – Thứ Ba 28/1/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – Thứ Ba 28/1/2014

1. Nội các Ukraine từ chức
2. Bangkok kiên quyết duy trì bầu cử trước thời hạn
3. Tướng Sissi được quân đội hậu thuẩn ra tranh cử Tổng Thống Ai Cập
4. Trung Quốc đưa tàu ra bãi cạn có tranh chấp chủ quyền với Mã Lai
5. Trung Quốc tham gia chương trình quốc tế thăm dò dầu khí Biển Đông
6. Tunisia thông qua hiến pháp được xem là kiểu mẫu cho thế giới Á Rập
7. Ấn Độ, Nhật Bản tăng cường quan hệ để đối phó với Trung Quốc
8. Cam Bốt: Cảnh sát giải tán thô bạo người biểu tình tại Phnom Penh
9. TT Obama sẽ đọc diễn văn về Tình Trạng Đất Nước vào hôm nay Thứ Ba

1. Nội các Ukraine từ chức

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã chấp nhận đơn từ chức của thủ tướng và nội các trong lúc đang diễn ra các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov nói bước đi nhằm tạo ra “sự thỏa hiệp xã hội và chính trị”.

Diễn biến xảy ra sau khi quốc hội Ukraine bỏ phiếu với đa số thông qua việc bãi bỏ luật cấm biểu tình.

Ông Viktor Yanukovych cũng đề xuất ân xá cho người biểu tình, với điều kiện họ tháo dỡ các rào chắn và chấm dứt tấn công các tòa nhà của chính phủ. Đề xuất trên đã được đưa ra trong cuộc gặp của ông tổng thống với ba lãnh đạo đối lập chính.

Người biểu tình từng yêu cầu bỏ điều luật gây tranh cãi, đồng thời muốn ông Yanukovych từ nhiệm.

Luật chống biểu tình được Quốc hội vội vã thông qua hôm 16/1. Trong điều luật này có các điểm như cấm dựng lều trại trái phép tại các địa điểm công cộng, và truy tố trách nhiệm hình sự cho hành vi phỉ báng quan chức nhà nước.

Tổng thống Yanukovych đã có cuộc gặp với lãnh đạo đảng Tổ quốc Arseniy Yatsenyuk, đảng Udar Vitali Klitschko, và lãnh đạo phe dân tộc chủ nghĩa Oleg Tyahnybok.

Trong một thông cáo đăng trên website của dinh tổng thống, Bộ trưởng Tư pháp Olena Lukash được dẫn lời nói “một quyết định chính trị đã được đưa ra để bãi bỏ điều luật thông qua hôm 16/1, vốn đã gây tranh luận”.

Bà Lukash cũng nói ông Yatsenyuk đã chính thức không chấp thuận chức thủ tướng mà ông được mời vào.

Đối lập đáp ứng với thái độ hoài nghi, nói rằng họ đang chờ đợi để xem nếu Tổng thống Viktor Yanukovych sẽ chấp nhận từ chức. Có ít nhất một nhà lãnh đạo đảng đối lập cho biết ông đã từ chối đề nghị tham chính và cựu võ sĩ quyền Anh nay là chính khách Vitali Klitschko cho biết ông không thể tưởng tượng được mình nằm trong chính phủ của ông Yanukovych”.

Trong khi đó Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Catherine Ashton đã thay đổi lịch trình tới Ukraine và sẽ đến nước này hôm 28/1, trước kế hoạch hai ngày, để gặp ông Yanukovych và các lãnh đạo đối lập. Bà nói bà “quan ngại” về các thông tin rằng chính phủ đang chuẩn bị đưa ra luật tình trạng khẩn cấp.

Trước đó giới chức Ukraine nói họ chưa có ý định làm điều này. – theo BBC & FP

2. Bangkok kiên quyết duy trì bầu cử trước thời hạn

Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Sinawatra vào hôm nay 28/1, đã khẳng định quyết tâm cho tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn đúng vào ngày quy định là 02/02/2014. Quyết định này được loan báo trở lại bất chấp lời cảnh cáo của Ủy ban Bầu cử Thái Lan về nguy cơ bạo động tràn lan.

Theo AFP, ngay sau cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng sáng nay, Phó Thủ tướng Thái Lan ông Surapong Tovichakchaiku đã họp báo để khẳng định rằng: “Cuộc bầu cử ngày mùng 2 tháng Hai phải được tiến hành vì đó là ý muốn của đại đa số người dân”. Phó Thủ tướng Thái Lan cho biết thêm là Ủy ban Bầu cử có trách nhiệm tổ chức cuộc bầu phiếu trong khuôn khổ của Hiến pháp và sẽ phải tìm cách tránh không cho bạo động xẩy ra.

Ông Surapong đã phát biểu trước cuộc họp của Thủ tướng Yingluck với Ủy ban Bầu cử tại một căn cứ quân sự ở Bangkok. Từ nhiều tuần lễ qua, Ủy ban này thường xuyên yêu cầu Chính quyền dời lại ngày bầu cử.

Cuộc họp hôm nay giữa Thủ tướng Yingluck và Ủy ban bầu cử bắt nguồn từ một quyết định của Tòa bảo hiến Thái Lan, đã đánh giá vào tuần qua là có thể dời lại cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, phát biểu của phó Thủ tướng Surapong cho thấy là chính quyền không muốn nhượng bộ trước các sức ép.

Hàng trăm người hôm nay đã tụ tập trước nơi họp của Thủ tướng Thái Lan và Ủy ban Bầu cử để đòi bà Yingluck từ chức. Người ta đã nghe thấy tiếng súng nổ, bắn về phía tòa nhà nơi diễn ra cuộc họp. Một lãnh đạo phong trào phản đối cho biết là một người biểu tình bi thương cùng với người nổ súng, cả hai được chở đến bệnh viện.

Ngoài ra, sáng nay thì cảnh sát đã tìm thấy một người đàn ông, trên người nhiều thương tích bằng đạn, gần một nơi của người biểu tình. Theo cảnh sát nạn nhân có thể là một trong những người biểu tình chống đối hay là một người trà trộn vào đám biểu tình.

Người biểu tình hiện vẫn chiếm đóng nhiều đường phố Bangkok, chặn các ngã tư. Với chủ trương tránh xung đột giữa nhân viên công lực và người biểu tình, cảnh sát đã không giải tán họ.

Hôm qua, 27/01/2014, chính quyền Bangkok đã ra tối hậu thư buộc những người trong phong trào chống đối phải rời khỏi những công sở họ chiếm đóng trong thời hạn 72 tiếng đồng hồ. Điều mà lãnh đạo phong trào, Suthep Thaugsuban đã bác bỏ ngay.

Ủy ban Bầu cử đã gây áp lực nhằm trì hoãn tới bốn tháng. Ủy ban này nêu ra một danh sách dài các vấn đề gây ra từ tình trạng biểu tình kéo dài, trong đó có cả việc ở các khu vực cử tri, không ứng viên nào có thể đăng ký, và tình trạng bạo lực ở các địa điểm bỏ phiếu.

Nhưng chính phủ nói rằng việc trì hoãn bầu cử sẽ gây khó khăn thêm nữa, trong lúc không có gì đảm bảo là người biểu tình và Đảng Dân chủ đối lập rốt cuộc sẽ từ bỏ việc tẩy chay. – theo RFI & BBC

3. Tướng Sissi được quân đội hậu thuẩn ra tranh cử Tổng Thống Ai Cập

Hội đồng quân nhân Ai Cập đã ủng hộ kế hoạch ra tranh cử Tổng thống của Tư lệnh quân đội, người đã lãnh đạo vụ lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi năm ngoái.

Hôm thứ Hai 27/1, Thông tấn xã chính thức MENA của Ai Cập nói rằng, loan báo về việc ra tranh cử của Tướng Abdel Fattah el-Sissi có thể được đưa ra “trong vòng vài giờ nữa.”

Ngay trước khi các tướng lãnh hàng đầu của Ai Cập chấp nhận vai trò ứng cử viên của ông Sissi, Tổng thống lâm thời Adly Mansour đã thăng chức ông lên hàng sĩ quan cao nhất của quân đội là Thống Chế, một vinh dự trước khi ông từ chức khỏi quân đội để ra tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng Tư.

Vị Tư lệnh quân đội này đã trở thành người được nhiều người hâm mộ tại Ai Cập kể từ khi ông lật đổ Tổng thống Morsi hồi tháng Bảy, gây ra một cuộc đảo lộn chính trị và các cuộc biểu tình bạo động trên đường phố tại quốc gia đông dân nhất trong thế giới Ả Rập này.

Một thành phần đáng kể dân chúng coi ông như một nhân vật quả quyết có thể ổn định được đất nước, vốn đã lao đao từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác kể từ khi một cuộc nổi dậy của quần chúng lật đổ nhà độc tài Hosni Mubarak hồi năm 2011. – theo VOA

4. Trung Quốc đưa tàu ra bãi cạn có tranh chấp chủ quyền với Mã Lai

Ba tàu Trung Quốc hôm Chủ nhật 26/1 đã tuần tra ở Bãi cạn James mà Malaysia cũng có tuyên bố chủ quyền. Binh lính, sĩ quan trên tàu đã thề bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở đây trong dấu hiệu mới nhất cho thấy sự quyết liệt của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Tân Hoa Xã cho biết đoàn tàu của Trung Quốc gồm một tàu đổ bộ lưỡng dụng và hai tàu khu trục. Theo Tân Hoa Xã, trong buổi lễ được tổ chức tại khu vực Bãi san hô Tằng Mẫu, cán bộ chiến sĩ trên tàu đã thề quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc. Bãi san hô Tằng Mẫu là tên mà Trung Quốc dùng để gọi Bãi cạn James.

Tại đây, chỉ huy hạm đội của Trung Quốc đã “kêu gọi binh lính và sĩ quan luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, nâng cao khả năng chiến đấu và lãnh đạo lực lượng để giúp xây dựng đất nước thành một cường quốc hàng hải”.

Bắc Kinh xem Bãi cạn James là phần cực nam của lãnh thổ Trung Quốc.

Tháng Ba năm ngoái, Malaysia đã phản đối sự xâm nhập của bốn tàu Trung Quốc ở Bãi cạn James. Thủy thủ Trung Quốc đã bắn chỉ thiên trong chuyến ra thăm bãi cạn này. Vào tháng Tư, một tàu hải giám của Trung Quốc đã quay trở lại Bãi cạn James và để lại những cột làm dấu bằng thép khẳng định chủ quyền. – theo VOA

5. Trung Quốc tham gia chương trình quốc tế thăm dò dầu khí Biển Đông

Một chuyến hải trình nghiên cứu khoa học quốc tế để thăm dò dầu khí trên Biển Đông đã xuất phát từ Hồng Kông ngày 28/01/2014, với sự tham gia lần đầu tiên của Trung Quốc.

Chuyến hải trình này nằm trong khuôn khổ Chương trình Khám phá Đại dương Quốc tế IODP, do Hoa Kỳ khởi xướng từ thập niên 1960, mà đợt mới nhất sẽ kéo dài 10 năm, từ 2013 đến 2023.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tài trợ và tham gia một chuyến hải trinh nghiên cứu như vậy, qua đó một lần nữa thể hiện tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, khu vực được cho là có trữ lượng dầu khí rất lớn.

Theo nhật báo Hồng Kông, South China Morning Post, số ra ngày 27/01, đoàn khoa học gia quốc tế sẽ đi trên chiếc tàu khoan Joides Resolution, của tổ chức National Science Foundation NSF của Mỹ và họ sẽ đi nghiên cứu thăm dò dầu khí tại những vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines trên Biển Đông.

Chuyến đi kéo dài khoảng 2 tháng có sự tham gia của 31 nhà khoa học từ 10 nước và khu vực, trong đó có 13 nhà khoa học Trung Quốc, 9 nhà khoa học Mỹ và 1 nhà khoa học từ Đài Loan. Các nhà khoa học sẽ tiến hành khoan ở ba địa điểm để lấy các mẫu trầm tích và đá. Các mẫu trầm tích và đá này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ sự tiến hóa về kiến tạo của đáy Biển Đông, từ đó xác định được vị trí các mỏ dầu khí tại đây.

Tờ báo Hồng Kông nhắc lại là chương trình OIDP đã mời gọi tổng cộng 26 quốc gia thành viên đưa ra những đề nghị. Riêng Trung Quốc đã đưa ra đề nghị nghiên cứu thăm dò dầu khí ở Biển Đông từ năm 2008. Đề nghị này ban đầu không được ủng hộ lắm, nhưng cuối cùng vẫn được chọn là bởi vì Bắc Kinh đã đồng ý tài trợ đến 70% chi phí của chuyến hải trình quốc tế, tức là khoảng 6 triệu đôla.

Khoản tài trợ này đến đúng lúc, bởi vì tổ chức NSF, vốn tài trợ 70% chi phí hoạt động của tàu Joides Resolution, năm ngoái đã phải cắt giảm ngân sách thường niên dành cho khoan thăm dò nghiên cứu đại dương.

Theo tờ South China Morning Post, tàu Joides Resolution đã được giấy phép từ Philippines và Trung Quốc, nhưng còn chờ trả lời từ phía Việt Nam để khoan thăm dò tại một địa điểm ở khu vực Tây Nam Biển Đông. Nếu không được, thì họ sẽ chuyển sang một địa điểm khác.

Những kết quả nghiên cứu thăm dò dầu khí của các nhà khoa học trên tàu Joides Resolution sẽ được phổ biến ra toàn thế giới, kể cả cho những nước không phải là thành viên của chương trình OIDP. Nhưng khi chấp nhận bỏ tiền tài trợ để chuyến nghiên cứu thăm dò được thực hiện, Bắc Kinh chắc là muốn sử dụng những kết quả nghiên cứu nói trên cho tham vọng độc chiếm nguồn dầu khí ở Biển Đông. – theo RFI

Tin Thế Giới – Thứ Hai 27/1

6. Tunisia thông qua hiến pháp được xem là kiểu mẫu cho thế giới Á Rập

Nền chính trị Tunisia đã bắt đầu một chương mới hồi tối Chủ nhật 26/1, sau khi các nhà lập pháp thông qua một bản hiến pháp mới mà một số người tán dương là kiểu mẫu cho nước Ả Rập.

Theo VOA, một chính phủ tạm quyền vừa được bổ nhiệm đang chuẩn bị tổ chức các cuộc bầu cử. Tunisia rốt cuộc đã có được một bản hiến pháp mới, hơn 3 năm sau cuộc cách mạng lật đổ lãnh tụ độc tài lâu năm Zine El Abidine Ben Ali.

Thủ tướng Tunisia, ông Mehdi Joma, cũng đã thành lập một tân nội các tạm quyền. Các nhà lập pháp sẽ biểu quyết về các vị bộ trưởng trong tuần này.

Những tiếng reo hò mừng rỡ đã vang lên hồi khuya chủ nhật và các nhà lập pháp đã bắt đầu hát bài quốc ca sau khi hiến pháp được chấp thuận với tỉ lệ 200 trên 216, hoàn thành một trong các bước chót để thiết lập một chính phủ dân chủ.

Chủ tịch Hạ viện Mustapha Ben Jaffar đã phát biểu như sau sau cuộc bỏ phiếu: “Dĩ nhiên không có gì là toàn hảo, nhưng chúng tôi mạnh mẽ tin rằng hiến pháp này là một cơ sở tốt để thực thi những cơ chế cần thiết và cân bằng để bảo đảm các quyền và tự do của người dân.”

Tiến trình soạn thảo hiến pháp mới đã mất rất nhiều thời gian và đôi lúc có những tranh cãi gay gắt, đặc biệt là đối với những vấn đề như quyền của phụ nữ và vai trò của tôn giáo.

Năm ngoái, vụ ám sát hai chính khách có chủ trương thế tục đã làm cho Tunisia rơi vào một vụ khủng hoảng chính trị. Nhưng hôm nay, nhiều người đã tán dương hiến pháp này là một thí dụ điển hình của sự thỏa hiệp giữa phe thế tục và Đảng Ennahda của phe Hồi giáo ôn hòa.

Các tổ chức nhân quyền đã theo dõi sát tiến trình này. Tuy có một số quan tâm về những từ ngữ trong bản hiến pháp liên quan tới quyền tự do ngôn luận, bà Amira Yahyauoi của tổ chức nhân quyền Al Bawala nói rằng hiến pháp này “tốt đẹp 90%.”

“Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể nói rằng dân chủ không phải là một khái niệm Tây phương mà là một khái niệm phổ quát. Và nước này đã trở thành quốc gia dân chủ đầu tiên trong khối Ả Rập, Trước đây Tunisia là phòng thí nghiệm của cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập, và rõ ràng nước này là nước duy nhất đã thành công để trở thành một nước dân chủ thật sự trong khối Ả Rập.”

Hiến pháp này ngăn cấm tra tấn, bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam giới và nữ giới và quyền của người dân được xét xử theo đúng trình tự pháp lý. Tuy ghi rõ Hồi giáo là tôn giáo của đất nước, hiến pháp này cũng bảo đảm quyền tự do thờ phượng.

Tại Ai Cập, một nước khác đã trải qua cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập, một bản hiến pháp mới cũng đã được thông qua hồi đầu tháng này trong một cuộc trưng cầu dân ý. Đại đa số cử tri đã bỏ phiếu tán thành, nhưng kết quả đó đã có được chỉ vì chính phủ đã mạnh tay đàn áp phe đối lập.

Bà Amira Yahyauoi nói rằng hiến pháp mới của Tunisia có thể mang lại hy vọng cho người Ai Cập. “Tôi hy vọng hiến pháp này và tiến trình này sẽ mang lại niềm tin cho dân chúng Ai Cập để họ hoàn thành cuộc cách mạng của họ và mang lại hy vọng và niềm tin cho các nước khác trong khối Ả Rập.”

Hiến pháp mới của Tunisia dọn đường cho các cuộc bầu cử dân chủ trong năm nay. Tuy nhiên, chính phủ tạm quyền đang đối mặt với nhiều nhiệm vụ khó khăn, trong đó có việc giải quyết nạn nghèo túng, thất nghiệp và ứng phó với sự trỗi dậy của phe Hồi giáo cực đoan. – theo VOA

7. Ấn Độ, Nhật Bản tăng cường quan hệ để đối phó với Trung Quốc

Hai vị thủ tướng của Nhật Bản và Ấn Độ đã bày tỏ quyết tâm tăng cường các mối quan hệ chính trị và chiến lược. Quan hệ giữa hai nước đang được tăng cường để đối phó với những hành động của Trung Quốc trong vùng Đông Á mà một số người cho là hung hãn.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã xem một màn trình diễn về sức mạnh quân sự và sự đa dạng văn hóa của Ấn Độ tại buổi lễ mừng Ngày Cộng hòa ở New Dehli hôm Chủ nhật 25/1.

Một ngày trước đó, hai nước đã cam kết tăng cường quan hệ sau khi ông Abe nhóm họp với các nhà lãnh đạo Ấn Độ. Vị thủ tướng của Nhật nói rằng quan hệ Nhật-Ấn có “tiềm năng to lớn nhất của bất kỳ mối quan hệ song phương nào trên thế giới.”

Ông Abe nói rằng hai nước đã đồng ý tăng cường hợp tác về an ninh hải dương thông qua đối thoại và các chuyến viếng thăm và ông dự kiến sự hợp tác an ninh và chính trị sẽ được tăng cường thêm nữa.

Ấn Độ và Nhật Bản đã tiến hành những cuộc thao dượt hải quân chung từ năm 2012.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho một nhật báo Ấn Độ, Thủ tướng Abe nói rằng môi trường an ninh của khu vực Á châu Thái bình dương đang “mỗi ngày một trở nên nghiêm trọng hơn.”

Ấn Độ, là nước có vụ tranh chấp biên giới lâu đời với Trung Quốc, cũng cảm thấy lo ngại đối với Bắc Kinh và ảnh hưởng mỗi lúc một nhiều của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ dương.

Ông Bharat Karnad, một nhà phân tích chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Dehli, cho rằng sự kết hợp giữa Ấn Độ và Nhật Bản được thúc đẩy bởi nhu cầu chung là đối phó với Trung Quốc. “Có một yếu tố hiển nhiên là thái độ hung hăng của Trung Quốc, như vùng nhận dạng phòng không mà họ tuyên bố ở Biển Đông Trung Hoa và những hành động của họ ở Biển Nam Trung Hoa. Một yếu tố khác là sự bất bình của Ấn Độ ở mặt trận Hy Mã Lạp Sơn, về việc Trung Quốc đang gặm nhấm lãnh thổ của Ấn Độ ở vùng biên giới. Đó là mối quan tâm chung, và vì vậy cho nên, chúng ta cần phải có một sự giàn xếp an ninh có tính chất hữu cơ ở Á châu. Điều này có nghĩa là những nước có chung quan điểm ngồi lại với nhau để tìm kiếm những phương thức hợp tác nhằm hạn chế những lựa chọn chiến lược, những lựa chọn quân sự của Trung Quốc.”

Ông Karnad nói thêm rằng mối quan hệ chiến lược này được xây dựng trên nền tảng của sự tăng cường hợp tác kinh tế và Nhật Bản đang sẵn sàng “sử dụng túi tiền của mình.”

Thủ tướng Abe đã loan báo một khoản tín dụng 2 tỉ đô la cho dự án nới rộng hệ thống xe lửa điện ở New Dehli và hứa đầu tư thêm vào các dự án cơ sở hạ tầng mà Ấn Độ đang cần.

Hai nước đang điều đình để Nhật Bản bán cho Ấn Độ máy bay ShinaMaywa US-2, một loại máy bay tiên tiến dùng cho việc tìm kiếm và cứu nạn, và để hai nước cùng nhau sản xuất loại máy bay này.

Các giới chức cũng cho biết cuộc điều đình để ký kết một hiệp định hạt nhân dân dụng đã đạt được nhiều tiến bộ, dọn đường cho Tokyo đầu tư vào ngành điện hạt nhân của Ấn Độ.

Sau cuộc họp với ông Abe, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nói rằng Nhật Bản là trọng tâm của chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và là một đồng minh kinh tế then chốt. “…mối quan hệ hợp tác giữa một nước Nhật Bản hùng mạnh và đang chấn hưng kinh tế với một nước Ấn Độ đang chuyển mình và lớn mạnh một cách nhanh chóng có thể là một sức mạnh hữu hiệu để mang lại những điều tốt đẹp cho khu vực Đông Á.”

Cuộc thảo luận của ông Abe ở New Dehli diễn ra sau một loạt những chuyến viếng thăm cấp cao. Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu đã đến thăm Ấn Độ hồi tháng trước và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã đến New Dehli hồi đầu tháng này.

Nhật Bản và Ấn Độ là hai nền kinh tế lớn hàng thứ nhì và thứ ba ở Á châu. – theo VOA

8. Cam Bốt: Cảnh sát giải tán thô bạo người biểu tình tại Phnom Penh

Vào sáng 27/1, đối lập Cam Bốt tập hợp gần trụ sở bộ Thông tin tại Phnom Penh, đòi chính quyền cấp giấy phép cho một đài truyền hình độc lập hoạt động. Cảnh sát chống bạo động được điều tới giải tán đám đông.

Nhiều nhân chứng tại chỗ kể lại với hãng tin Reuters cảnh sát chống bạo động Cam Bốt dùng dùi cui điện, gậy gộc và lựu đan cay giải tán người biểu tình. Trong số những người bị thương có cả các phóng viên. Người phát ngôn cho quân cảnh nước này, Kheng Tito, nói rằng người biểu tình đã tụ tập bật chấp lệnh cấm của chính phủ. “Chúng tôi phải giải tán họ để giữ trật tự và ổn định. Chúng tôi không thể để họ gây tình trạng vô chính phủ trong nước.”

Mam Sonando, chủ một đài phát thanh có xu hướng đối lập tên là Beehive, đã dẫn đầu một đoàn biểu tình chừng 200 người tới vây bên ngoài Bộ Thông tin để phản đối bộ này bác đơn của ông về việc xây một đài truyền hình và một trung tâm tiếp sóng.

Hàng trăm binh lính và cảnh sát đã được huy động để canh gác tòa nhà của Bộ Thông tin, dùng bom cay và dùi cui để giải tán. Cả quá trình này diễn ra trong khoảng 10 phút và làm khoảng bảy người bị thương.

Cuộc biểu dương lực lượng sáng nay là bước kế tiếp trong tiến trình đấu tranh của đối lập Cam Bốt. Phong trào đối lập Cam Bốt đã được giới công đoàn của ngành dệt may và nhiều thành phần trong xã hội ủng hộ. – theo RFI & BBC

9. TT Obama sẽ đọc diễn văn về Tình Trạng Đất Nước vào hôm nay Thứ Ba

Washington đang chuẩn bị cho bài Diễn văn Tình Trạng Đất Nước của TT Obama sẽ đọc vào hôm nay, thứ Ba 28/1/2014 tại trụ sở Quốc hội Mỹ. Tòa Bạch Ốc đã cho biết những chủ đề chính Tổng thống sẽ đề cập đến và Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ phản ứng ra sao.

Theo phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney, chương trình làm việc của TT Obama cho năm thứ 6 của nhiệm kỳ, sẽ tập trung mạnh vào việc giải quyết cách biệt ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo ở HK. “Tổng thống xem đây là năm hành động, ông sẽ làm việc với Quốc hội ở những khía cạnh có thể làm được và bỏ qua Quốc hội khi cần thiết để đưa những người muốn tiến lên tầng lớp trung lưu.”

Các thành viên Đảng Cộng hòa đồng ý về nhu cầu tạo cơ hội kinh tế nhiều hơn, tuy nhiên họ nói rằng Tổng thống Obama cản trở việc này. Hôm thứ Bảy, Thượng nghị sĩ Roy Blunt bác bỏ trước bài Diễn văn về Tình Trạng Đất Nước. “Điều Tổng thống Obama không thừa nhận là người Mỹ bị thiệt hại vì các chính sách của chính ông. Chương trình làm việc của chính quyền này tạo ra thêm guồng máy chính phủ, chi tiêu nhiều hơn, thêm thuế, và thêm nợ, đã tạo ra một cuộc khủng hoảng bất bình đẳng về cơ hội trong đất nước của chúng ta. Các chính sách đó đã gây thiệt hại quá đáng cho thành phần nghèo nhất trong chúng ta trong 5 năm qua.”

Nữ Dân biểu Cathy McMorris Rodgers, một người chỉ trích về các hoạt động liên bang mà Tổng thống Obama bênh vực, sẽ đọc bài diễn văn đáp từ của đảng Cộng hòa về bài diễn văn của Tổng thống. Dân biểu Rodgers nói: “Khi Washington là trở ngại lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế. Chúng ta có vấn đề.”

Tòa Bạch Ốc nói rằng lời chỉ trích của đảng Cộng hòa sai lạc và phớt lờ bối cảnh lịch sử gần đây. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney nói: “Nhiều người bị rơi vào cảnh nghèo do cơn suy thoái tệ hại nhất kể từ sau cuộc Đại Suy thoái, và tình trạng suy thoái này lên đến cao điểm khi Tổng thống Obama tuyên thệ nhậm chức.”

Không có mấy nhà quan sát kỳ vọng bài diễn văn của Tổng thống sẽ khởi động hành động chung của 2 đảng trong một Quốc hội bị phân cực. Ít nhất thì nó sẽ cho thấy làn ranh cuộc chiến chính trị trong những ngày tháng tới của năm nay, bầu cử toàn thể Hạ viện và 1/3 Thượng viện. – theo VOA