Nạn buôn người và bắt cóc trẻ em ở tỉnh Nghệ An

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nạn buôn người và bắt cóc trẻ em ở tỉnh Nghệ An

Phụ nữ miền núi là đối tượng có thể bị bắt cóc. 

 RFA photo

00:00/00:0

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

  Nhóm phóng viên tường trình từ VN

 RFA

2016-07-04

Những huyện miền núi tỉnh Nghệ An đang lên cơn sốt bởi nạn buôn người và bắt cóc trẻ em. Hầu hết những người bị lừa bán sang Trung Quốc đều là phụ nữ lao động và trẻ em độ tuổi mẫu giáo. Bởi cái nghèo, sự thiếu hiểu biết và luôn tin vào những hội, đoàn một cách không có cơ sở, bên cạnh đó, các trang mạng xã hội đến với người miền núi theo hướng kết bạn, trò chuyện, hẹn hò đã nhanh chóng biến thành mảnh đất tốt để kẻ lừa đảo buôn người hoạt động.

Nạn nhân lừa nạn nhân

Một nữ cựu cán bộ an ninh ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Miền núi biên giới, với ở Nghệ An thì ở những vùng sát Lào, nạn bắt cóc và buôn người nhiều. Dạo này ở quê cũng có người về bắt cóc trẻ, có đường dây bắt cóc trẻ rồi. Như hôm trước ở đây có hai trẻ bị bắt nhưng may giải thoát được, kẻ bắt có trốn được. Như những huyện Quỳ Châu, Tương Dương thuộc Nghệ An hoặc ngoài Bắc thì Lào Cai, Yên Bái… Không biết nó bắt cóc làm gì nhưng do nhà nước quản lý lỏng lẻo quá. Nó bắt tùm lum! Nó đợi trẻ đi học về một mình thì nó bắt, cha mẹ chưa kịp đón thì nó bắt à…”

Theo bà này, nạn buôn người đã diễn ra ở hầu hết các huyện miền núi tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận. Bởi những nhóm buôn người hoạt động có tính chất liên lục địa thông qua các trang mạng và mượn danh các đoàn thể của nhà nước. Và không riêng gì chuyện buôn người mà còn chuyện các nhóm lừa bịp chuyên lừa tiền dân nghèo.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Nghệ An, trong vòng một năm trở lại đây, họ đã khởi tố 15 vụ buôn bán người, 29 bị can, giải cứu 28 nạn nhân trở về nhà.

Miền núi biên giới, với ở Nghệ An thì ở những vùng sát Lào, nạn bắt cóc và buôn người nhiều. Dạo này ở quê cũng có người về bắt cóc trẻ, có đường dây bắt cóc trẻ rồi.

– Cựu cán bộ an ninh, Nghệ An

Mới đây nhất, ngày 2 tháng 10 năm 2014, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An bắt quả tang Lô Thị Hợi, trú ở bản Canh Khịt, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An và Vi Thị Pồn, trú ở bản Đình Tài, xã Xiềng My, huyện Tương Dương khi hai người này đang đón xe đưa 4 cô gái sang Trung Quốc để bán.

Hợi và Pồn vốn là hai nạn nhân từng bị lừa bán sang làm vợ cho đàn ông Trung Quốc. Sau đó, cả hai trở thành những kẻ buôn người chuyên nghiệp, về quê dụ dỗ các cô gái nhẹ dạ cả tin. Để đánh lừa các nạn nhân, Hợi và Pồn luôn ăn mặc sang trọng, sử dụng nhiều đồ đắt tiền. Khi tiếp cận “con mồi”, họ tỏ ra hào phóng mua quà tặng rồi khoe mình đang làm những công việc hái ra tiền ở Trung Quốc. Nếu thấy nạn nhân “cắn câu”, chúng sẽ dụ dỗ đưa sang đó kiếm việc làm với mức lương cao.

Ngoài nhóm của Hợi và Pồn ra còn một số nhóm buôn người chưa sa lưới pháp luật, họ vẫn đang hoạt động dưới nhiều lớp vỏ khác nhau khá tinh vi và cơ quan an ninh vẫn chưa đủ bằng chứng để bắt họ. Nhưng, cũng theo bà này, đâu đó có cả những bàn tay bề trên của bà nhúng vào nên mọi việc rất khó để phân định, rất khó nói. Kiểu làm việc mới nhất của các nhóm buôn người, bắt cóc trẻ em này là kết nối và mượn uy tín của cán bộ, biến cán bộ thành những con mồi chài.

Trong đó, không hiếm những cán bộ địa phương cùng đồng lõa trong việc kết nối “con mồi” với các nhóm buôn người. Cách kết nối của họ khá tinh vi. Nghĩa là mời đi uống cà phê, nước chè xanh hay ăn chè chẳng hạn, rồi làm như ngẫu nhiên gặp kẻ buôn người, kẻ buôn người được giới thiệu là bạn của cán bộ nhà nước và hai bên trò chuyện, sau đó kẻ buôn người xin số điện thoại của nạn nhân, riêng cán bộ thì rút hẳn, xem như mình vô can, chỉ ngẫu nhiên gặp nhau.

400.jpg

Một phụ nữ đang làm rẫy ở phía Tây Nghệ An. RFA photo

Về phía nạn nhân, khi nghĩ rằng đây là bạn của cán bộ nên chắc hẳn là người có uy tín và tin tưởng. Kẻ buôn người thả mồi dần dần và câu nạn nhân đến cửa tử.

Bà đưa ra nhận định về nạn bắt cóc trẻ em là hầu hết nạn nhân là trẻ em miền núi, nghèo khổ, kẻ bắt cóc lợi dụng lúc người lớn đi làm, đến dụ dỗ trẻ em bằng những cây kẹo hoặc vào thẳng nhà để bắt cóc. Nhiều trường hợp trẻ em bị dắt đi ngay trước mặt hàng xóm một cách vui vẻ, hàng xóm cứ nghĩ người thân dắt bé đi chơi, đến khi gia đình đi tìm thì mới vỡ lẽ.

Hiện nay, tình trạng bắt cóc trẻ em không những dừng ở các huyện miền núi mà đã lan mạnh xuống đồng bằng tỉnh Nghệ An và một số tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Lào Cai, Lạng Sơn. Nữ cựu cán bộ an ninh này cho biết thêm: “Tôi nói thật chứ bộ máy nhà nước nhiều khi những thứ đáng quan tâm thì không quan tâm, còn những thứ không đáng thì… Như vụ cá chết vừa rồi ở biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… đấy! Do bộ máy nhà nước mình quản lý lỏng lẻo làm thiệt hại đến dân.”

Cái nghèo làm mất phương hướng 

Một người cha tên Quyền ở Quì Châu, Nghệ An, chia sẻ: “Bữa nay thì tụi Trung Quốc nó bắt cóc trẻ em, nó đợi cha mẹ đi vắng, hoặc trên đường đi học về, chưa có cha mẹ đi đón, nó dắt đi luôn, mất tích. Còn phụ nữ thì nó lừa, nó bảo làm việc lương cao nhưng qua rồi nó bán đứng cho mấy ông mua về làm vợ, rồi mấy ông lại bán lại cho nhau. Thường thì mấy ông ở trong vùng sâu mua về…”

Theo ông, hiện nay người cháu họ của ông có khả năng đã bị bán sang Trung Quốc bởi suốt nửa tháng nay gia đình người anh trai của ông mặc dù tìm mọi cách liên lạc vẫn không được. Ông cho biết thêm, trước đây nửa tháng, có người đàn ông tên Miền đến nhà chơi, sau đó hẹn hò và dắt cô cháu gái của ông đi ra Hà Nội tìm việc. Ông đã có linh tính không tốt về việc này nhưng do người anh của ông quá nghèo, cần công việc cho cô con gái nên đã để cho con đi theo ông Miền tìm việc.

Bữa nay thì tụi Trung Quốc nó bắt cóc trẻ em, nó đợi cha mẹ đi vắng, hoặc trên đường đi học về, chưa có cha mẹ đi đón, nó dắt đi luôn, mất tích.

– Ông Quyền, Nghệ An

Khi đi người cháu có mang theo điện thoại nhưng sau đó hai ngày thì không thể liên lạc được nữa. Người cha vẫn khăng khăng rằng cô con gái của mình đã đổi số điện thoại vì cô dùng sim khuyến mãi nên thường mua sim mới. Câu chuyện cô cháu gái đi tìm việc làm, có thể chưa hẳn đã bị bắt cóc nhưng nó khiến ông nghĩ ngay đến chuyện này bởi vì trong thời gian qua nạn buôn người ở các khu vực miền núi Tây Bắc ngày càng gia tăng và tiến dần vào miền Nam.

Cũng theo ông Quyền, có nhiều trường hợp bị bán sang Trung Quốc bởi những ông chủ hờ chuyên đi gạ gẫm các cô gái ra Hà Nội tìm việc để rồi sau đó bán đứng. Và một khi đã bị bán đi thì tương lai chẳng biết sẽ ra sao. Nếu may mắn lắm thì sống sót, được một ai đó mua về làm vợ. Nhưng chuyện này rất hiếm.

Có thể nói rằng nạn buôn người qua biên giới, kẻ buôn người đã len lỏi vào các vùng quê ghèo để lừa các cô gái theo kiểu tuyển lao động hoặc gạ gẫm qua các trang mạng xã hội đang ngày càng hoành hành tại các huyện nghèo khổ phía Tây các tỉnh miền Trung. Nó đã thành một vấn nạn gây nhức nhối đối với đồng bào thiểu số và người nông dân nghèo khổ, thiếu thông tin. Và đây cũng là vấn đề nhức nhối trong xã hội Việt Nam hiện tại.