Thư ngỏ gửi Tướng Vịnh: Cảnh giác với kế sách “Mưu công” của họ Tập
Trịnh Kháng Chiến 2-7-2016
Tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty ImagesTheo báo Dân Trí thì Bộ Lao động – TBXH đang gấp rút chuẩn bị kế hoạch chuyển nghề cho 1 triệu ngư dân ven biển 4 tỉnh miền trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế rời ngư trường, lên rừng làm lâm nghiệp hoặc nông nghiệp. Thoạt nghe thì tưởng là kế hoạch lo liệu cho cuộc mưu sinh của ngư dân, nhưng suy nghĩ kỹ thì đồng thời không thể đặt câu hỏi liệu đây có phải là kế hoạch chuẩn bị giao vùng biển miền trung cho Tập Cận Bình hay không?
Tại sao có câu hỏi như vậy?
Chắc Tướng Nguyễn Chí Vịnh thừa hiểu trong thời bình 1 triệu ngư dân này là người bám biển để mưu sinh nghề đánh bắt cá, còn trong thời loạn thì chính họ là những dân quân am hiểu cặn kẽ vùng biển này và là những người đã được thực hành thành thạo nghề đi biển. Kinh nghiệm vừa qua cho thấy, nếu 1 triệu ngư dân này từ bỏ vùng biển quê hương của họ, mà chẳng may có chiếc Su-30 MK2 hoặc chiếc CASA nào nữa của không quân Việt Nam rớt xuống biển thì ai sẽ tìm, vớt các phi công gặp nạn, như đã cứu thiếu tá Cường? Liệu Hải quân Việt Nam có đủ 1 triệu quân rải khắp vùng biển này, thường trực thay cho 1 triệu ngư dân đó không?
Rồi sau khi thực hiện kế hoạch của Bộ Lao động (tức là của Chính phủ) 1 triệu ngư dân đó rời bỏ, để trống vùng biển này, Tập Cận Bình nhân cơ hội đó, lại phái Dương Khiết Trì sang đàm phán, đề nghị Việt Nam và Trung Quốc là anh em trong nhà, hãy “tạm giao” vùng biển này cho Trung Quốc giữ hộ thì tướng Vịnh và Ngoại trưởng Phạm Bình Minh sẽ đối phó ra sao?
Trong kế sách “Mưu công” thuộc Binh pháp Tôn Tử của Trung Quốc có viết: “Đoạt thành của địch mà không cần tấn công mới là thượng sách”. Vẫn biết dư luận đánh giá Tướng Vịnh và Ngoại trưởng Minh là những người khôn ngoan, nhiều mưu mẹo, nhưng đây là chuyện chủ quyền quốc gia, chuyện đại cục, thiết nghĩ nhắc lại mưu sâu kế hiểm của tổ tiên họ Tập là không thừa, để tránh vô tình hay cố ý, sa vào kế giặc rồi bị ghi vào danh sách cùng với Trần Ích Tắc.
Sau khi Formosa Hà Tĩnh nhận tội gây ra thảm họa môi trường biển miền Trung, có vị học giả đã vội vui mừng cho rằng Việt Nam đã thành công. Thế nhưng Chu Xuân Phàm hỏi “Việt Nam phải tự chọn 1 trong 2 là Gang thép hay Cá” thì rút 1 triệu ngư dân ra khỏi ven biển miền Trung có khác gì chấp nhận từ bỏ vĩnh viễn nghề đánh bắt cá ở vùng biển này, thực chất là trả lời với Chu Xuân Phàm “Việt Nam chịu chấp nhận chọn 1 thứ thôi là Gang thép thay Cá”.
Hiệp 1 đã thất bại rõ ràng. Đến nay, tình thế tự nó đưa đến cho chúng ta phải lựa chọn tiếp 1 trong 2 ở câu hỏi của hiệp 2: “Chọn Gang thép hay chọn Chủ quyền quốc gia”. Dĩ nhiên người dân Việt Nam muốn cả Gang thép và Chủ quyền quốc gia, nhưng chọn gang thép là chọn tiểu cục, chọn chủ quyền quốc gia là chọn đại cục, không được lẫn lộn. Trong trường hợp buộc chỉ được chọn một mà không mắc tội bán nước thì đừng chịu thất bại ở hiệp 2, tức là chỉ được phép chọn Chủ quyền quốc gia.
Hiện nay đang có một nguồn tin rất đáng để các nhà chiến lược của Việt Nam tham khảo thêm, suy nghĩ cân nhắc thận trọng về sự lựa chọn giữa Gang thép hay Chủ quyền quốc gia. Đó là thế giới đang dư thừa nguồn cung cấp thép (*). Giá thép trên toàn cầu đang hạ thấp. Vì vậy trong tháng 3 năm nay, nhà máy thép khổng lồ Port Tabot của Anh mỗi ngày bị lỗ hơn một triệu Bảng Anh (tương đương 1,45 triệu USD). Tình hình ngành sản xuất thép ở Bỉ, Italia, ở Mỹ cũng gặp khó khăn tương tự. Liệu Gang thép Formosa Hà Tĩnh có ngoại lệ không?
Số tiền 500 triệu USD mà Formosa hứa bồi thường chỉ có thể bù đắp cho 1 triệu ngư dân mất nghề truyền thống, mỗi người 11 triệu đồng tiền Việt Nam. Số tiền này không thể dùng cho việc chuyển nghề, cũng không thể giúp họ tiếp tục ngư nghiệp trong môi trường biển đã bị ô nhiễm cực độc. Việc di dân có thể đưa đến ẩn họa về an ninh chủ quyền quốc gia. Vậy phải làm sao?
Chính phủ hãy dừng kế hoạch di dân 1 triệu ngư dân, đưa Formosa ra Tòa, buộc họ phải xử lý độc tố do họ đã thải ra biển, trả lại môi trường biển trong sạch của 4 tỉnh miền Trung như trước khi xảy ra tai họa này, để ngư dân tiếp tục mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá của họ. Nếu Chính phủ không đưa họ ra Tòa, thì hãy để dân chúng đưa họ ra Tòa, đừng ngăn cản và đừng làm những điều thất đức như ông Tô Lâm đã đe dọa.
(*) “Vì sao thế giới dư thừa nguồn cung cấp thép” – Tạp chí nghiên cứu quốc tế ngày 07/6/2016
https://anhbasam.wordpress.com/2016/07/02/8986-thu-ngo-gui-tuong-vinh-canh-giac-voi-ke-sach-muu-cong-cua-ho-tap/#more-169596