Tin thể thao « Euro 2016 » – 02/07/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Xứ Wales thắng nhờ ‘chiến thuật lên ngôi’

Đội tuyển xứ Wales gây bất ngờ lớn khi thắng Bỉ 3-1 tại tứ kết Euro 2016 hôm thứ Sáu nhờ lối chơi, đội hình hợp lý nhờ vai trò của huấn luyện viên khi đã đưa được ‘chiến thuật lên ngôi’, theo một chuyên gia và cựu cầu thủ bóng đá từ Hà Nội.

Bình luận với BBC hôm 02/7/2016, ông Vũ Mạnh Hải, nguyên Tổng biên tập báo Bóng đá Việt Nam, quan chức Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và cựu cầu thủ đội bóng Thể Công, nói:

Chiến thắng của xứ Wales thể hiện rõ vai trò của ông Coleman, huấn luyện viên, ông đã bố trí, sắp xếp đội hình cực kỳ hợp lý và tạo nên những cú đấm hết sức quan trọng và cần thiếtChuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải

“Việc tuyển xứ Wales thắng Bỉ 3-1 chính bản tôi cũng rất bất ngờ, tôi bất ngờ không phải là vì thế trận, mà tôi bất ngờ vì cách chơi của đội tuyển xứ Wales có một sự tiến bộ rất lớn trong cả một quá trình thi đấu.”

Cực kỳ hợp lý

“Họ không được đánh giá cao và thực sự họ không phải là một đội bóng có tiềm lực mạnh về các cầu thủ đồng đều như là các đội bóng khác.

“Thế nhưng tôi nghĩ chiến thắng của xứ Wales thể hiện rõ vai trò của ông Coleman, huấn luyện viên, ông đã bố trí, sắp xếp đội hình cực kỳ hợp lý và tạo nên những cú đấm hết sức quan trọng và cần thiết trong khi đội bóng của ông bị thiệt thòi khi bị dẫn trước tỷ số.

“Tôi nghĩ vấn đề chiến thuật đã lên ngôi trong trận đấu đó và phải thấy một lần nữa vai trò của chiến thuật rất quan trọng, chứ không phải là các cầu thủ ngôi sao như là đội tuyển Bỉ rất dày dặn như thế tạo nên cơ hội lớn.”

Trong cuộc trao đổi với BBC hôm thứ Bảy, chuyên gia bóng đã Vũ Mạnh Hải cũng đưa ra bình luận dự báo, phân tích khả năng thắng bại của các cặp đấu tứ kết còn lại giữa Đức – Ý (hôm 02/7), Pháp – Iceland (hôm 3/7), cũng như thực lực, cơ hội của hai đội bóng bước vào trận bán kết đầu tiên hôm thứ Tư tới đây là xứ Wales và Bồ Đào Nha.

http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2016/07/160702_euro2016_vumanhhai_quarters_semis

 

Wales vào bán kết Euro 2016

Wales tự viết lên trang sử bóng đá của mình khi lần đầu tiên vào vòng bán kết một giải đấu lớn, lội ngược dòng trước một đội Bỉ có rất nhiều ngôi sao, nhưng một lần nữa lại thiếu tính đồng đội.

Bỉ được đánh giá quá cao

Đang đứng thứ hai trên bảng xếp hạng của Fifa, chỉ sau Argentina của siêu sao Lionel Messi, trước khi Euro 2016 bắt đầu, Bỉ được xếp vào một trong những ứng cử viên sáng giá có khả năng lên ngôi vô địch.

Vậy nhưng ngay trận đầu tiên, họ đã bị tuyển Ý đánh bại bằng lối chơi đồng đội và một chiến thuật hợp lý, dù đội hình Bỉ được cho là có nhiều cá nhân xuất sắc hơn, nhưng thiếu tính đồng đội.

Khi tiếng còi trận Ý-Bỉ kết thúc, rất nhiều chuyên gia, bình luận viên như Rio Ferdinand, Alan Shearer, Gianluca Vialli đều có chung nhận định là Bỉ thi đấu rời rạc, dù nhiều cá nhân hay nhưng không có tính đồng đội, thiếu sự kết dính.

Bỉ dấy lên hy vọng và được đánh giá cao trở lại sau các màn trình diễn trước Cộng hòa Ireland và Hungary, với hàng công thi đấu bùng nổ, đặc biệt là Hazard và De Bruyne thường xuyên gây khó khăn cho hàng phòng ngự đối phương bằng tốc độ và những pha phối hợp thông minh và sắc sảo.

Tuy nhiên, một lần nữa, khi gặp đối thủ thi đấu gắn kết và đầy tính đồng đội, Bỉ lại vấp ngã, không hẳn vì chuyên môn yếu kém hay chiến thuật sai lầm, mà là vì họ không có thứ vũ khí quan trọng của môn thể thao đồng đội: ý chí quyết tâm và sự nhiệt huyết.

Cũng nhờ thứ vũ khí này mà Wales đã lội ngược dòng thành công trước Bỉ, khi bị dẫn trước và tưởng chừng Bỉ sẽ dễ dàng kết thúc trận đấu với tỉ số đậm.

Khoảnh khắc xuất sắc của Robson-Kanu

Bỉ có bàn dẫn trước tuyệt đẹp, từ cú sút xa như trái phá với khoảng cách tầm 23 mét của tiền vệ Radja Nainggolan vào phút 13 và liên tục gây sức ép lên đối phương.

Đội Wales thi đấu với sơ đồ 3-5-2 với ý đồ hạn chế sự nguy hiểm của bội đôi tiền vệ biên Hazard và De Bruyne.

Và quan trọng hơn cả là tinh thần quyết tâm, khát khao thi đấu đã giúp Wales không nao núng trước các tên tuổi đã thành danh của đội Bỉ.

Ramsey và Bale đã có một trận đấu đáng nhớ.

Nếu Ramsey đóng vai trò cầu thủ cầm chịch và giữ nhịp cho hàng tiền vệ của Wales thì Bale làm rất tốt vai trò truyền cảm hứng với những bước chạy không mệt mỏi suốt trận đấu, kể cả khi đồng đội đang còn choáng vì bị dẫn bàn hoặc khi đã chiếm ưu thế.

Nhưng cầu thủ được nhận danh hiệu hay nhất trận lại là tiền đạo Robson-Kanu, người có khoảnh khắc chói sáng ghi bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1 và có một trận đấu để đời, xét trên thực tế tiền đạo của tuyển Wales đang thất nghiệp sau khi bị câu lạc bộ giải hạng Nhất Reading giải phóng hợp đồng ngay khi mùa giải kết thúc.

Khoảnh khắc Robson-Kanu làm động tác giả, xoay người loại bỏ hai hậu vệ của Bỉ để sút tung lưới Courtois sẽ mãi là một ký ức đẹp của tiền đạo này, trong khi các chuyên gia bình luận sẽ nói đến pha bóng này tương tự như cút ngả bàn đèn của Shaqiri vào lưới tuyển Ba Lan.

Xét về chuyên môn, có thể nói Wales và Bỉ thi đấu ngang ngửa, dù Bỉ có nhỉnh hơn về mặt kiểm soát bóng (54%) nhưng lại kém hơn về dứt điểm (14 so với 15) và lối chơi thiếu sự ăn ý, qua sơ đồ 4-2-3-1.

Wales vẫn sử dụng sơ đồ 3-5-2 như trận trước và gần như khống chế các mũi nhọn của Bỉ một cách hiệu quả.

Như vậy, trong trận thua thứ hai ở giải này, Bỉ lại gặp đối thủ có sơ đồ chiến thuật và lối chơi cũng tương tự như đội Ý, phòng ngự phản công nhanh với các tiền đạo có tốc độ và tận dụng cơ hội rất tốt.

Khác với trận thua trước, thua trận này Bỉ không còn cơ hội để sửa chữa mà phải rời cuộc chơi, dừng chân ở vòng tứ kết!

http://www.bbc.com/vietnamese/sport/2016/07/160701_wales_belgium_euro_2016

 

Tuyển Anh: cái chết được báo trước

Huy BùiViết từ London

Đội tuyển Anh bị loại khỏi vòng knock-out của Euro 2016, trong trận đấu vào đêm thứ Hai, 27/06 trước Iceland, một đất nước nhỏ bé, chỉ với 300.000 dân và không có giải bóng đá nhà nghề.

Trái ngược với Iceland, Anh quốc có Premier League, là một giải vô địch quốc gia thành công nhất thế giới. Vậy nhưng, khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, khán giả có lẽ sẽ nghĩ các cầu thủ của Iceland mới là những người đang thi đấu ở Premier League và ngược lại.

Yếu kém về chuyên môn

Đây không phải lần đầu tiên các cầu thủ Tam Sư bị phê phán về mặt chuyên môn, trên nhiều phương diện khác nhau, mà những chỉ trích đã có từ nhiều năm qua.

Trước khi Euro 2016 bắt đầu, việc huấn luyện viên Roy Hodgson lựa chọn đội hình chính thức đã là một dấu hỏi lớn, đối với tất cả chuyên gia bóng đá trong nước, quốc tế và cả người hâm mộ, có chút am hiểu về môn thể thao này.

Dấu hỏi được xoay quanh cách huấn luyện viên người Anh chọn và phân bổ đội hình và việc bỏ qua một số vị trí được cho là nên có trong đội hình chính 23 cầu thủ.

Đội hình của Tam Sư có đến sáu cầu thủ tấn công, nếu tính cả Wayne Rooney nhưng chỉ có một tiền vệ phòng ngự là Eric Dier mà theo các chuyên gia phân tích, Anh nên để lại một vị trí tiền vệ, cộng thêm cho Jack Wilshere ở nhà và thay vào đó là Drinkwater và Michael Carrick.

Image copyrightGETTYImage captionRoy Hodgson không biết phải làm gì để cải thiện chất lượng cho đội tuyển Anh

Vấn đề chiến thuật cũng là điều được nhắc đến nhiều, và có vai trò không nhỏ trong việc khiến đội Anh thất bại.

Trong một loạt trận giao hữu trước thềm Euro, các chuyên gia phân tích như đã nói tuyển Anh gặp vấn đề về chiến thuật khi huấn luyện viên Roy Hodgson không biết phải áp dụng sơ đồ nào cho các học trò: 4-2-3-1, 4-4-2 kim cương và 4-3-3. Sơ đồ chiến thuật sẽ quyết định đến cầu thủ nào được chọn, và hiển nhiên, kể cả trong trường hợp chỉ sử dụng một sơ đồ từ đầu đến cuối, phải chăng một huấn luyện viên lão làng như ông Hodgson lại không nghĩ đến một kế hoạch dự phòng.

Nếu trong trận thua hôm qua trước Iceland, Anh cần phải đổi chiến thuật thì có lẽ lúc ấy huấn luyện viên Hodgson sẽ tiếc nuối khi không có Michael Carrick hoặc Danny Drinkwater, là những cầu thủ tốt hơn hẳn trong việc cầm nhịp trận đấu hoặc hỗ trợ phòng ngự.

Trong cả bốn trận tại Euro 2016, Anh đều thi đấu với sơ đồ 4-3-3 và thực tế cho thấy hiệu quả không cao. Chuyên gia Alan Shearer có bài phân tích nói Anh chỉ nên đá 4-2-3-1 hoặc 4-4-2 kim cương, xét trên nhân lực đang có.

Đánh giá sai về Premier League

Người hâm mộ Anh, dù là trong nước hay quốc tế luôn kỳ vọng vào Tam Sư trong những giải đấu lớn, vì một điều đơn giản- sự hấp dẫn của giải Premier League.

Không thể phủ nhận sự thành công về mặt thương mại của giải vô địch quốc gia nước Anh, với só lượng người theo dõi toàn cầu và doanh thu áp đảo so với những giải vô địch khác của châu Âu như La Liga, Bundesliga và Serie A.

Image copyrightGETTYImage captionCác cầu thủ Anh vẫn không thể rời sân, vì không tin đã thua trận trước Iceland

Tính giải trí của Premier League cũng cao hơn khi người xem có cơ hội được nhìn đội chiếu dưới có thể thắng đội đầu bảng và cuộc cạnh tranh luôn bất ngờ chứ không dễ đoán trước như các giải đấu khác của châu Âu.

Lấy ngay ví dụ giải La Liga, trong mùa bóng 2013-2014, Premier League có doanh thu £3.26 tỉ, trong khi La Liga chỉ thu được £ 1.51 tỉ, khiến Chủ tịch của La Liga, Javier Tebas phải thốt lên: “Chúng tôi hy vọng sẽ phát triển để Premier League không trở thành giải đấu lớn nhất thế giới và chúng tôi có thể sánh ngang về mặt tài chính.”

Điều này cho thấy dù La Liga không làm tốt vê mặt thương mại nhưng họ vẫn làm tốt công tác đào tạo cầu thủ và giữ cân bằng giữa cầu thủ nội và cầu thủ ngoại tại giải đấu.

Tuy nhiên, chính sự thành công và hào nhoáng của giải Premier League đã làm người hâm mộ quên đi một thực tế quan trọng không kém, chất lượng chuyên môn của các cầu thủ Anh, nhất là những người đang thi đấu cho đội tuyển quốc gia.

Premier League thu hút nhiều tài năng quốc tế từ khắp nơi trên thế giới, nhưng cũng đồng nghĩa thế hệ kế cận của các cầu thủ Anh không có, hoặc không được chú trọng, vì các câu lạc bộ lớn sẽ chỉ vung tiền là có ngay một tên tuổi từ châu Âu sang.

Thêm vào đó, các ông chủ cũng nóng lòng với thành tích, danh hiệu, vừa để lấy tiếng cho câu lạc bộ, vừa để khuyếch trương tên tuổi cho chính công việc làm ăn của mình, dường như không đủ kiên nhẫn để nhìn lứa mầm non của học viện trưởng thành và đem về danh hiệu.

Cái thời làm bóng đá như hơn 20 năm trước đã không còn, và Premier League cũng không còn một Sir Alex Firguson, là người rất giỏi trong việc phát triển công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Vậy nên, nói Premier League góp phần vào sự thất bại của tuyển Anh không hề sai. Và dù muốn bào chữa thế nào thì việc tuyển Anh ngày càng kém đã được báo trước.

Hãy nhìn vào thực tế để thấy, khi thế hệ vàng gần nhất của tuyển Anh gồm những Beckham, Scholes, Shearer, Gerrard, Ferdiand, Owen… ra đi, thì có được những ai thay thế, và hiện nay, khi Rooney nghỉ thi đấu, liệu tuyển Anh có những cái tên nào trám vào, chưa kể những cái tên đó có mấy người biết đến ở tầm quốc tế.

http://www.bbc.com/vietnamese/sport/2016/06/160628_england_exit_euro_2016

 

Bồ Đào Nha vào bán kết Euro 2016

Bồ Đào Nha lọt vào bán kết Euro 2016 lần thứ tư trong năm giải đấu với chiến thắng trước Ba Lan bằng loạt đá luân lưu.

Ricardo Quaresma ghi bàn thắng quyết định sau khi thủ môn Rui Patricio của Bồ Đào Nha cản được cú sút từ chấm phạt 11m của Jakub Blaszczykowski.

Robert Lewandowski giúp Ba Lan dẫn trước ngay ở phút thứ hai và lính mới Renato Sanches đã san bằng được tỉ số.

Đối thủ bán kết của Bồ Đào Nha sẽ là một trong hai đội xứ Wales hoặc Bỉ .

Đáng chú ý là Bồ Đào Nha đã vào bán kết mà không cần chiến thắng ở trận nào trong thời gian 90 phút sau ba trận hòa ở bảng mà đội chỉ đứng thứ ba và thắng Croatia tại hiệp phụ ở vòng 16 đội.

Từ trước nay chưa từng có đội nào tiến xa tới như vậy tại một giải vô địch châu Âu mà không cần thắng trận đấu trong 90 phút.

http://www.bbc.com/vietnamese/sport/2016/07/160701_portugal_through_to_semi_final