Điểm báo Pháp – 02/07/2016
Thùy Dương
Mười nhận định tiêu cực về Liên Hiệp Châu Âu
Hơn 1 tuần sau khi có kết quả trưng cầu dân ý tại Anh Quốc, Brexit vẫn là chủ đề chiếm nhiều trang trên các tuần báo Pháp như Courier International, L’express, L’Obs và l’Expansion.
Những người theo chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu luôn tìm cách bới móc những nhược điểm của Liên Hiệp Châu Âu. Tuần báo l’Obs đã tổng hợp và phân tích 10 nhận định tiêu cực về Liên Hiệp. Theo tuần báo này, một số nhận định là có cơ sở và cần có cải cách. Một số khác thì hoàn toàn sai lầm.
« Liên Hiệp Châu Âu cướp đoạt chủ quyền của các nước thành viên »
Điều này là không đúng vì trên thực tế, mỗi lần chuyển giao quyền lực, mỗi nhiệm kỳ của Ủy Ban Châu Âu đều phải thông qua thỏa thuận chung giữa các chính phủ. Một quốc gia sẽ có nhiều quyền lực hơn khi đoàn kết với các nước khác.
« Không có dân chủ ở Liên Hiệp Châu Âu »
Trên giấy tờ, các tổ chức của Liên Hiệp Châu Âu tôn trọng các nguyên tắc dân chủ về đại diện và trách nhiệm, quyền lập pháp được đảm bảo thông qua Quốc Hội Châu Âu (Quốc hội siêu quốc gia đầu tiên trên thế giới) và Hội Đồng Châu Âu – cơ quan tập trung lãnh đạo các nhà nước và chính phủ thành viên.
Tuy nhiên, ai lãnh đạo Châu Âu : Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu ? Chủ tịch luân phiên Hội Đồng Liên Hiệp Châu Âu ? Hay Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu ? Ủy Ban Châu Âu không phải là một chính phủ thực sự, Quốc Hội Châu Âu cũng không phải là một quốc hội đúng nghĩa. Hiển nhiên là Liên Hiệp Châu Âu thiếu dân chủ. Vấn đề không nằm ở Ủy Ban Châu Âu mà là ở Hội Đồng Châu Âu. Cơ quan này bị coi là « một hố đen triệt tiêu dân chủ ». Được kỳ vọng là đại diện cho lợi ích chung của Liên Hiệp nhưng Hội Đồng Châu Âu lại bảo vệ lợi ích riêng của từng nước. Mà các quốc gia này thì chưa bao giờ chú ý đến việc làm cho Liên Hiệp thực sự trở thành một chế độ dân chủ quốc hội hay chính quyền dân chủ.
« Các khoản đóng góp cho Liên Hiệp Châu Âu quá lớn »
Nhiều người nghĩ khoản tiền mà các nước phải đóng góp cho Liên Hiệp Châu Âu lớn hơn so với những gì họ nhận lại được. Trên thực tế, Liên Hiệp chỉ tiêu tốn 1% tổng sản phẩm quốc nội so với con số 22% tại Mỹ. Chi phí vận hành các tổ chức hành chính cũng rất thấp và chỉ chiếm 6% tổng chi phí của Liên Hiệp trong khi đó bộ máy hành chính Pháp chiếm 14% tổng chi phí ở nước này. Liên Hiệp có 44.000 viên chức so với 50.000 viên chức chỉ tính riêng ở thành phố Paris.
Về mặt logic, các nước giàu phải đóng góp nhiều hơn và các nước khó khăn hơn thì nhận nhiều tiền hỗ trợ hơn. Nước Pháp là nước đóng góp cho ngân sách Liên Hiệp Châu Âu nhiều thứ ba sau Đức và Anh. Mỗi năm Pháp đóng góp 22 tỉ euro và nhận 14 tỉ euro tiền hỗ trợ. Phần chênh lệch 8 tỉ euro coi như tiền đầu tư vào Liên Hiệp, khu vực chiếm 60% thị trường xuất khẩu của Pháp. Đương nhiên, nếu các đối tác thương mại của Pháp phát triển thịnh vượng thì Pháp cũng được hưởng lợi. Hơn nữa, khi là thành viên Liên Hiệp, các nước này còn được hưởng sự tương hỗ về phương tiện và các lợi ích khác về kinh tế, công nghiệp, văn hóa, …
« Liên Hiệp Châu Âu không bảo vệ được các thành viên trước nạn di dân ồ ạt »
Theo Hiệp ước Schengen, xóa bỏ kiểm soát biên giới giữa các nước thành viên phải song song với tăng cường kiểm soát biên giới Liên Hiệp Châu Âu với bên ngoài. Tuy nhiên, ngân quỹ của tổ chức Frontex chuyên hỗ trợ việc giám sát biên giới Liên Hiệp với bên ngoài lại quá hạn chế (85 triệu euro/ năm). Hiện nay, Ủy Ban Châu Âu đang đề xuất thành lập đơn vị canh gác biên giới và củng cố hoạt động của tổ chức Frontex. Bên cạnh đó, các nước thành viên cũng phải có trách nhiệm giám sát việc ra và vào lãnh thổ của họ.
« Liên Hiệp Châu Âu là con rối trong tay NATO »
Người ta thường trách rằng Liên Hiệp tuân theo chỉ đạo của NATO – tổ chức do Mỹ đứng đầu, đồng nghĩa với việc chủ yếu phục vụ lợi ích của Mỹ. Thế nhưng, chính yêu cầu cấp bách của Liên Hiệp trước nỗi lo về sự bành trướng của quân đội Xô Viết cũ đã dẫn tới sự thành lập NATO năm 1949. Trong hoàn cảnh này, phần lớn các nước đều thiếu ngân sách quốc phòng, chỉ có Mỹ có khả năng quân sự để đối phó với các nguy cơ Liên Hiệp Châu Âu bị tấn công. Vì thế, điều người dân nên lo lắng là Mỹ rút khỏi NATO chứ không phải việc châu Âu trở thành công cụ của Mỹ.
“Các tiêu chuẩn Liên Hiệp Châu Âu quá chặt chẽ”
Đúng là một số tiêu chuẩn nghe có vẻ phi lý và kỳ cục nhưng thực tế là Ủy Ban Châu Âu rất chú trọng bảo vệ người tiêu dùng và môi trường. Ví dụ quy định vòi hoa sen chảy tối đa 8lít nước/phút cho phép các hộ gia đình tiết kiệm tới 6.000 lít nước/năm. Điều này tốt cho cả túi tiền của người dân và tốt cho cả hành tinh của chúng ta.
“Liên Hiệp Châu Âu là sân chơi của các doanh nghiệp lớn và các thị trường, đi ngược lại lợi ích của các dân tộc”
Đúng là Liên Hiệp bảo vệ quyền lao động, bảo vệ môi trường và bảo vệ người tiêu dùng nhưng quả thực Liên Hiệp cũng là công cụ tự do hóa các thị trường. Đồng tiền chung đã khiến các nhà nước mất quyền kiểm soát chính sách tiền tệ và ngân sách. Việc mở rộng sang phía Đông cũng tạo ra sự mất thăng bằng cho thị trường.
Liên Hiệp Châu Âu không chống đỡ được các công ty đa quốc gia gây hại cho môi trường”
Điều này không đúng. Chính Liên Hiệp đề ra nguyên tắc ai gây ô nhiễm thì phải đền bù, yêu cầu cải thiện chất lượng nước, tăng cường năng lượng tái sử dụng, tái chế rác thải sinh hoạt, hạn chế sử dụng túi nilon, … Ví dụ 85% luật môi trường ở Pháp xuất phát từ luật châu Âu. Nhờ có Liên Hiệp mà môi trường Pháp cũng được cải thiện. Pháp chưa ghi nhận trường hợp Liên Hiệp gây hậu quả kéo lùi thành quả bảo vệ môi trường của Pháp. Tuy nhiên, đôi khi cũng xảy ra trường hợp ví dụ như nhãn hiệu Bio của châu Âu làm giảm mức độ khắt khe của hãng Bio AB Pháp.
“Liên Hiệp Châu Âu khiến cuộc sống của nông dân khó khăn”
Ngược lại với nhận định trên, nhờ có chính sách nông nghiệp chung áp dụng từ năm 1962, nông nghiệp Pháp được hiện đại hóa và tăng khả năng cạnh tranh. Nhưng vấn đề là từ năm 1992, khi Liên Hiệp hòa nhập vào thị trường thế giới, đổi lại việc mất giá nông sản, nông dân được nhận những khoản đền bù tương ứng với quy mô sản xuất và đương nhiên điều này có lợi hơn cho các nông trại có quy mô sản xuất lớn chứ không phải cho nông dân sản xuất nhỏ lẻ.
Mỹ: các lực lượng dân quân sẵn sàng chống lại Washington
Tuần báo Courier International giới thiệu bài viết với tựa “Các lực lượng dân quân sẵn sàng chống lại Washington”. Tờ báo nhận định tổng thống Obama và suy thoái kinh tế đã làm bùng nổ sự tức giận chống lại chính phủ Mỹ.
Các nhóm ái quốc xuất hiện từ những năm 1990 sau khi xảy ra đụng độ giữa người dân và lực lượng an ninh Liên Bang làm chết 90 người. Nhưng chính quyền Mỹ ghi nhận từ năm 2008, trùng với thời điểm nước Mỹ có tổng thống da màu đầu tiên và rơi vào suy thoái kinh tế, các nhóm ái quốc cực đoan đã bùng nổ và trang bị vũ khí để chống lại “chuyên chế” Nhà nước Liên Bang và bảo vệ Hiến Pháp.
Theo một Viện nghiên cứu và giám sát các trào lưu cực đoan, năm 2008, nước Mỹ có khoảng 150 nhóm ái quốc cực đoan, tới nay, đã có hàng ngàn nhóm, đó là chưa kể vài trăm ngàn người ủng hộ trên các mạng xã hội. Internet đã tạo cơ hội và sức mạnh lan tỏa cộng đồng cho các nhóm cái quốc. Viện nghiên cứu này đánh giá đó là các nhóm cực đoan chống chính phủ rất nguy hiểm, thậm chí gọi đó là khủng bố. Vì phần lớn thành viên là dân da trắng, sống ở nông thôn nên họ bị gọi một cách chế giễu là “nhóm Alqaida ở nông thôn” hay “Daech vanille”.
Nhiều nhóm ái quốc thường tích trữ lương thực, thực phẩm đủ sống trong nhiều ngày, học các kỹ thuật sống sót, cách tìm chỗ trú ẩn, cách tìm kiếm thức ăn, nước, cách tạo lửa và chăm sóc vết thương. Họ cũng học cách bắn súng, các kỹ thuật chiến đấu, … Thành viên của các nhóm ái quốc đều có súng. Họ tìm hiểu Hiến Pháp và nhấn mạnh Hiến Pháp cho phép người dân dùng súng và không có điều khoản nào cấm họ tự vệ.
Các nhóm này cho biết họ không phải lực lượng quân sự nhưng họ có kiến thức cơ bản về quân sự. Họ cũng biết cách xử lý khi động đất và các thiên tai xảy ra nhưng họ chú trọng hơn đến các thảm họa do chính con người gây ra. Thành viên các nhóm ái quốc có cảm giác mình có khả năng giúp đỡ những người không có khả năng tự vệ và bảo vệ đất nước.
Một số nhóm ái quốc chấp nhận làm các công tác tình nguyện như vệ sinh đường phố, phân phát thức ăn và quần áo cho các nạn nhân thiên tai, tặng quà Giáng sinh cho trẻ em có hoàn cảnh sống khó khăn, …Các nhóm ái quốc khẳng định mục tiêu của họ là bảo vệ Hiến Pháp nên họ sẽ ủng hộ Chính phủ nếu Chính phủ tuân theo Hiến Pháp. Nếu các nhân viên Liên Bang đe dọa, đàn áp công dân một cách vô lý, họ tự cho mình quyền được đáp trả: lấy súng đạn đáp lại súng đạn.
Venezuela: nạn cướp bóc và đói ăn
Cũng tại châu Mỹ, nhìn xuống phía Nam châu lục, Courier International cho biết nạn thiếu lương thực, thực phẩm đã dẫn đến tình trạng “Venezuela: nạn cướp bóc và đói ăn”.
Nạn thiếu lương thực, thực phẩm đã lan rộng ở Venezuela. Tại nước này, cảnh tượng những đoàn người xếp hàng dài trước các cửa hàng để chờ mua thức ăn đan xen với cảnh tượng cướp bóc.
“Không có gì cả”. Đó là câu nói mà người dân thường nghe thấy tại các cửa hàng lương thực thực phẩm ở Venezuela. Việc khan hiếm lương thực thực phẩm thiết yếu như gạo, bột, đậu lại đi kèm với việc rau, thịt, gà, trứng và các sản phẩm sữa tăng giá. Mua đầy giỏ thức ăn giờ đã trở thành “nhiệm vụ bất khả thi” của đa phần người dân.
Hậu quả là nhiều người dân xuống đường gõ xoong, nồi phản đối chính phủ và nạn cướp bóc xảy ra hàng ngày.
Cô Marelis có ba con, trong đó có con nhỏ 10 tháng. Cô đã mất việc cách đây vài tháng vì doanh nghiệp nơi cô làm việc phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Cô cho biết cô chỉ ăn tối đa hai bữa một ngày. Cô nói mình có thể nhịn đói còn bọn trẻ thì không. Một số người tuồn lậu hàng trợ cấp ra chợ đen và bán với giá rất cao.
Để tiết kiệm thời gian, một số người dân có tiền chấp nhận mua ở các cửa hàng này. Còn cô Marelis thì phải tiết kiệm tiền để mua được nhiều thức ăn cho con cái nên cô chấp nhận xếp hàng mua đồ ở siêu thị. Hàng ngày, cô và mẹ cô phải đến xếp hàng ở các siêu thị, cửa hàng từ 4h sáng. Một người bạn cô Marelis cũng đang xếp hàng cạnh cô thì cho biết cô phải ăn nhiều thức ăn mà trước đây cô chưa bao giờ phải ăn.
Theo một cuộc điều tra về điều kiện sống vào cuối năm 2015, 12% dân số Venezuela chỉ được ăn tối đa 2 bữa/ngày. Từ đó tới nay, tình trạng còn tồi tệ hơn do lạm phát phi mã và khan hiếm thực phẩm ngày càng trầm trọng. Chính phủ của tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc nạn khan hiếm lương thực, thực phẩm này là do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh kinh tế do phe cực hữu và các doanh nghiệp tiến hành.
Biện pháp gần đây nhất của tổng thống là thành lập các Ủy ban địa phương về tiếp tế và sản xuất để phân phát thực phẩm thiết yếu như gạo, sữa, dầu ăn, đường, bột cho các hộ dân. Tuy nhiên, chính phủ không thể tiếp tế cho toàn bộ dân chúng và các phần tiếp tế cũng chỉ đủ dùng cho một tuần. Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh cũng không được đảm bảo. Việc thiếu ăn cũng dẫn đến tình trạng 25-30% trẻ em phải nghỉ học. Vì không có gì cho con ăn nên các bậc phụ huynh thà để cho con ngủ còn hơn là đánh thức chúng dậy.
Tình trạng thiếu ăn do giá cả tăng và khan hiếm lương thực, thực phẩm mới chỉ ở giai đoạn đầu. Đây là hậu quả do nhập khẩu giảm sút tại đất nước vốn phụ thuộc vào nhập khẩu: năm 2016, nhập khẩu của Venezuela giảm 60% so với năm 2015.
Tuổi nghỉ hưu: độ tuổi hạnh phúc
Tuần báo l’Expresse đưa tin, theo một cuộc khảo sát trên mạng Internet từ 28/01/16 đến 26/02/16 do Viện nghiên cứu về người cao tuổi thực hiện tại bốn nước Đức, Bỉ, Pháp và Ý, 76% người cao tuổi hiện nay nghĩ họ có cuộc sống tốt. Con số này là 78% ở những người trên 80 tuổi. Tuy nhiên, so với năm 2014 thì tỉ lệ này đã giảm. Năm 2014, 87% số người được hỏi trả lời có cuộc sống tốt.
Theo các nhà điều tra, người cao tuổi hiện nay cũng rất nhạy cảm với các vấn đề hiện tại như khủng hoảng nhập cư, khủng bố hay các vấn đề về tài chính công. 22% số người được hỏi nghĩ rằng lứa tuổi về hưu là lứa tuổi đẹp nhất. Chỉ có 16% số người được hỏi cho rằng trẻ nhỏ hoặc thiếu niên là lứa tuổi đẹp nhất. Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy người cao tuổi Pháp là những người gắn bó nhất với cuộc sống gia đình. Người cao tuổi Bỉ ham tìm tòi hiểu biết nhất và kết nối mạng nhiều nhất. Người cao tuổi Ý cảm thấy cô đơn nhất. Còn người cao tuổi Đức thì nhìn chung là lạc quan nhất. Tính tổng thể không phân biệt quốc tịch, 63% số người cao tuổi cho biết họ chỉ cảm thấy thoải mái khi được sống theo đúng nhịp độ của họ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160702-muoi-nhan-dinh-tieu-cuc-ve-lien-hiep-chau-au