Tin khắp nơi – 02/07/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bangladesh: bắt cóc con tin 20 người chết

Các phần tử Hồi giáo ập vào nhà hàng đồng thời là quán cà phê có tên Holey Artisan Bakery để bắt giữ con tin nước ngoài vào tối thứ Sáu, theo giới chức Bangladesh.

Cuộc đối đầu giữa các tay súng vũ trang với quân đội Bangladesh kéo dài hơn 12 tiếng đồng hồ.

Cảnh sát nói trong số những kẻ tấn công, sáu người bị tiêu diệt và một người bị bắt. Cuộc tấn công này được tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhận trách nhiệm.

Một số con tin nước ngoài đến từ Nhật Bản và Sri Lanka, vẫn theo giới chức Bangladesh.

Cuộc giằng co giữa cảnh sát và những kẻ bắt cóc bắt đầu khi mọi người đến nhà hàng ăn tối, sau tháng nhịn ăn của lễ Ramadan kết thúc.

“Đây là một hành động tàn ác”, Thủ tướng Bangladesh bà Sheikh Hasina nói trong một phát biểu trên truyền hình.

“Đây là một hành động tàn ác. Chính phủ chúng tôi sẽ quyết tâm loại trừ khủng bố và tấn công vũ trang tại Bangladesh”Bà Sheikh Hasina, Thủ tướng Bangladesh

“Có người Hồi giáo nào có thể làm như vậy? Đây là những kẻ vô thần.

“Chính phủ chúng tôi sẽ quyết tâm loại trừ khủng bố và tấn công vũ trang tại Bangladesh.”

13 con tin đã được giải cứu bao gồm một người Nhật Bản và hai người Sri Lanka, theo Chuẩn tướng quân đội Naim Asraf Chowdhury.

Phó thư ký Chính phủ Nhật Bản, ông Koichi Hagiuda nói bảy người Nhật khác cũng đang ở quán cà phê vào thời điểm đó.

Tuy nhiên chính phủ Nhật Bản chưa thể liên lạc được với những người này.

Tấn công tàn bạo

Tướng Chowdhury nói các nạn nhân đã bị tấn công “dã man, tàn bạo” bằng một số vũ khí sắc nhọn.

Tờ Daily Star của Bangladesh nói các tay súng đã tra tấn những người nào không trích dẫn được kinh Koran.

Họ cũng chỉ cung cấp bữa tối cho những công dân Bangladesh, tờ Daily Star nói tiếp.

Suman Reza, một quản lý nhà hàng nói mình đang ở khu vực bàn ăn khi cuộc tấn công xảy ra nhưng đã kịp chạy lên mái nhà.

“Toàn bộ tòa nhà rung chuyển khi họ kích hoạt thuốc nổ,” ông Reza nói với truyền thông của Bangladesh. Ông này sau đó nhảy khỏi tầng mái và chạy thoát.

Trước đó, quân đội Bangladesh cho biết đã bố ráp quán ăn, nơi các tay súng hôm thứ Sáu bắt giữ ít nhất 20 con tin, gồm cả người nước ngoài.

Họ nói rằng 13 con tin, trong đó có bốn người nước ngoài, đã được giải cứu.

“Cuộc đấu súng dữ dội đã diễn ra,” Mizanur Rahman Bhuiyan, Lữ đoàn phản ứng nhanh, nói với Reuters.

Các vụ nổ cũng đã được nghe thấy trong khu vực.

Ít nhất hai cảnh sát đã thiệt mạng trong cuộc đấu súng trước đó đêm 01/7 và 30 cảnh sát bị thương.

Giải cứu con tin

Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Chúng tôi đang tìm cách đối thoại với những kẻ tấn côngBenazir Ahmed, Chỉ huy Lữ đoàn phản ứng nhanh

Giới chức nói với BBC rằng quân đội và biệt kích hải quân tiến hành chiến dịch giải cứu con tin, cùng với cảnh sát và lực lượng biên phòng Bangladesh.

Các xe bọc thép cũng được nhìn thấy tiến về phía quán Holey Artisan Bakery.

Người dân khu Gulshan cho biết họ nghe thấy nhiều tiếng súng, sau khi hàng trăm binh sĩ tiếp cận tòa nhà.

Tám hoặc chín người đàn ông có vũ trang xông vào quán ăn ở khu vực ngoại giao của thành phố vào khoảng 21:20 giờ địa phương, tức 20:20 giờ Việt Nam hôm 1/7 và nổ súng.

Một thông cáo phát trên hãng tin Amaq của IS cho biết các tay súng tấn công một nhà hàng “thường xuyên đón khách nước ngoài”.

Thông cáo nói rằng hơn 20 người “quốc tịch khác nhau” đã bị giết chết, nhưng việc này chưa được xác nhận.

Cảnh sát và lực lượng an ninh đã bao vây khu vực và đang thương thuyết để giải thoát con tin.

“Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

“Chúng tôi đang tìm cách đối thoại với những kẻ tấn công,” Benazir Ahmed, Chỉ huy Lữ đoàn phản ứng nhanh của Lực lượng cảnh sát Bangladesh nói.

“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo mạng sống cho những người bị giữ ở bên trong.”

Rất lộn xộn

Quán này có nhiều khách hàng là nhân viên người nước ngoài, các nhà ngoại giao và những gia đình trung lưu.

Truyền thông trích lời các nhân chứng nói khi xảy ra vụ tấn công, họ đã nghe thấy những tiếng hô “Allahu Akbar”, có nghĩa là “Thánh Allah vĩ đại”.

Một nhân chứng khác nói cô nghe những tiếng ồn rất lớn, sau đó là tiếng súng nổ liên hồi.

Ở ngoài đó rất lộn xộn. Đường xá bị chặn và có hàng chục cảnh sát đặc biệtTarique Mir, nhân chứng

“Kính của phòng tôi bị vỡ vụn,” Rashila Rahim nói.

“Cô của tôi, con gái bà và hai người bạn đến quán đó để dự Iftar (một buổi tiệc của tháng ăn chay Ramadan) và họ vẫn chưa quay về.

“Chúng tôi không biết có thể tìm họ ở đâu.”

Một cư dân địa phương, Tarique Mir, nói anh nghe thấy những tiếng súng rời rạc gần ba tiếng sau vụ tấn công xảy ra.

“Ở ngoài đó rất lộn xộn.

“Đường xá bị chặn và có hàng chục cảnh sát đặc biệt,” Tarique Mir nói.

Biên tập vùng nam Á của BBC, Jill McGivering nói dù những vụ tấn công bằng súng rất ít khi xảy ra ở Bangladesh.

Sự cố mới nhất tiếp theo các vụ sát hại gần đây đều được cho là do những kẻ cực đoan thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây ra, vẫn theo biên tập viên của chúng tôi.

thương tại quán cafe Holey Artisan Bakery

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160701_bat_con_tin_dhaka_bangladesh

 

Iraq: hai thủ lĩnh cao cấp IS bị diệt

Hai thủ lĩnh cấp cao của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị tiêu diệt trong cuộc không kích của liên quân do Mỹ cầm đầu tại thành phố Mosul gần mạn Bắc Iraq, theo người phát ngôn của Lầu Năm Góc.

Trong hai người bị tiêu diệt, một là Phó Bộ trưởng Chiến tranh, phụ trách việc đóng quân tại Mosul từ năm 2014, người còn lại là một chỉ huy quân sự cấp cao của IS, theo lời người phát ngôn Lâu Năm Góc Hoa Kỳ, ông Peter Cook.

“Việc tiêu diệt hai thủ lĩnh IS, cùng với các cuộc không kích nhằm vào ISIL trong những tháng vừa qua, đã làm suy giảm nghiêm trọng vị trí lãnh đạo của ISIL tại Mosul, cũng như loại trừ những thành viên cao cấp nhất của lực lượng này tại miền Bắc Iraq”Peter Cook, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc

Cuộc không kích này đã giúp các lực lượng Iraq và đồng minh đẩy lùi sự kiểm soát của IS.

Bước tiếp theo: giành lại Mosul

Theo nhìn nhận chung, một cuộc tiến công giành lại Mosul sẽ là bước tiếp theo cho các lực lượng tại Iraq.

Một trong số hai thủ lĩnh IS bị tiêu diệt là Basim Muhammad Ahmad Sultan al-Bajar.

Người này là thành viên al-Qaeda, cũng là chỉ huy một quân đoàn IS thường sử dụng thuốc nổ tự chế, đánh bom liều chết và hơi cay trong các cuộc tấn công, ông Cook nói tiếp.

Người thứ hai bị tiêu diệt là Hatim Talib al-Hamduni.

Đây là một chỉ huy quân đội ở Mosul và là người đứng đầu lực lượng quân đội tại khu vực.

“Việc tiêu diệt hai thủ lĩnh IS, cùng với các cuộc không kích nhằm vào ISIL trong những tháng vừa qua, đã làm suy giảm nghiêm trọng vị trí lãnh đạo của ISIL tại Mosul, cũng như loại trừ những thành viên cao cấp nhất của lực lượng này tại miền Bắc Iraq”.

Trong bài phát biểu, ông Cook đã sử dụng một tên khác của tổ chức IS là ISIL.

“Không kích chuẩn xác”

Hai thủ lĩnh IS bị tiêu diệt bởi một cuộc “không kích chuẩn xác” vào ngày 25 tháng Sáu, vẫn theo lời ông Cook.

Trước đó, vào tháng Sáu năm 2014, lực lượng IS đã đưa quân càn quét và chiếm đóng một vùng rộng lớn ở phía Bắc và phía Tây Iraq, cùng với khu vực phía Tây Syria nhằm thiết lập một “Đế chế Hồi giáo”.

Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng IS từ năm 2014.

Quân đội Iraq tiến hành tổng tiến công từ tháng Ba năm 2016 để giành lại vùng đất này.

Hai triệu người đang sống tại Mosul vào thời điểm thành phố bị nhóm IS chiếm đóng.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160702_two_isil_senior_leaders_killed_us_strike

 

Serbia: 5 người bị bắn chết ở quán cà phê

Một người đàn ông đã bắn chết năm người, đồng thời làm bị thương 20 người khác tại một quán cà phê có tên Makijato ở miền Tây Bắc Serbia, theo giới chức nước này.

Cảnh sát nói tay súng đã giết chết vợ mình và một người đàn bà khác, trước khi chĩa súng một cách ngẫu nhiên vào những khách hàng đang có mặt tại quán cà phê.

Có ba đứa trẻ nằm trong số những người bị thương tại vụ tấn công gần thành phố Zrenjanin, theo Bộ nội vụ Serbia.

Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Serbia, Nebojsa Stefanovic, nói những vị khách tại quán cà phê cuối cũng đã cướp được vũ khí từ tay người đàn ông đó.

Động cơ do ghen tuông?

Các khách hàng tại quán cà phê cuối cũng đã giành được vũ khí từ tay người đàn ông đã nổ súngNenojsa Stefanovic, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Serbia

Tay súng đã bị bắt và cảnh sát đang điều tra động cơ của người đàn ông này, được cho rằng là do ghen tuông.

Hãng thông tấn AP dẫn lời các nhân chứng nói với truyền hình nhà nước Serbia rằng tay súng đến quán cà phê Makijato và thấy vợ mình đang ở đó cùng một nhóm bạn.

Người này sau đó dường như đã trở về nhà và quay lại với một khẩu súng.

“Ông ta rút súng ra và bắt đầu bắn chỉ thiên”, một trong các nhân chứng Svetozar Manojlovic nói.

“Lúc đầu nghe như tiếng pháo nổ,” người này nói tiếp.

“Sau đó một người cạnh tôi ngã xuống sàn và sau đó những người khác cũng ngã xuống.

“Mọi thứ hoàn toàn hỗn loạn”.

Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Serbia ông Stefanovic nói sở hữu vũ khí tự động là phạm pháp.

Ông cũng kêu gọi người dân giao nộp bất cứ vũ khí trái phép từng được phổ biến tại nước này sau chiến tranh vùng Balkan từ thập niên 90.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160702_serb_shooting_5_death_20_injured

 

Hàng vạn người HK tuần hành dân chủ

Hàng vạn người tham dự một cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ thường niên tại Hong Kong.

Những người tuần hành đã giơ cao các tấm ảnh ông Lâm Vinh Cơ, một trong 5 người bán sách bị mất tích năm ngoái sau khi xuất bản các cuốn sách chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Ông Lâm trở về Hong Kong tháng 6/2016 và cho biết ông đã bị giam giữ tại đại lục tám tháng.

Ông được dự kiến đi đầu đoàn diễu hành hôm thứ Sáu 1/7 nhưng cuối cùng không tham dự, được ghi nhận là do lo ngại cho sự an toàn cá nhân.

Image copyrightAFPImage captionÔng Lâm Vinh Cơ được dự kiến đi đầu đoàn diễu hành hôm 1/7 nhưng cuối cùng không tham dự

Trường hợp những người bán sách khiến quốc tế quan ngại rằng sự độc lập tư pháp và tự do ngôn luận của Hong Kong đã bị xói mòn.

Albert Ho, một nghị sĩ và cũng là người tư vấn cho ông Lâm, nói với BBC: “Ông ấy cảm thấy mình đang bị giám sát chặt.”

“Ông ấy bị những người chưa rõ là ai theo sát và chịu áp lực lớn.”

Ông Ho nói thêm rằng ông Lâm được sắp xếp đến một ngôi nhà an toàn.

Image copyrightREUTERSImage captionTrưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh (phải) bị chỉ trích vì đã không bảo vệ được những người bán sách

Cuộc tuần hành hôm 1/7 đánh dấu 19 năm Hong Kong được Anh Quốc bàn giao cho Trung Quốc.

Nhà tổ chức sự kiện cho biết có 110.000 người dự tuần hành, trong khi cảnh sát nói chỉ có 19.300 người ở thời điểm đông nhất.

Những người tuần hành cũng kêu gọi Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh từ chức.

Ông Lương bị những người tuần hành chỉ trích vì đã không bảo vệ được những người bán sách.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160702_hk_thousands_protest_bookseller

 

Lịch sử lá cờ cầu vồng

Kelly Grovier

Sau sự kiện bi thảm ở Orlando, một hình ảnh đã là biểu tượng cho sự đoàn kết. Kelly Grovier tìm hiểu biểu cùng quí vị.

Bỗng nhiên ở đâu cũng thấy chúng, căng trên ban công, bay phần phật ở cọc ăng ten xe hơi, và đính ở ve áo trên khắp thế giới trong sự biểu lộ cảm động về tình đoàn kết với cộng đồng vừa bị khủng bố dã man hôm 12/06 sau một vụ tấn công mù quáng tại một hộp đêm của người đồng tính ở Orlando, Florida.

Thoạt nhìn, sự khúc xạ tươi tắn của màu trên cờ cầu vồng có vẻ như phản ứng tươi sáng tới lạ lùng đối với sự tàn bạo của việc bắn giết người hàng loạt trong lịch sử nước Mỹ. Nhưng khi chúng ta nhìn những dải cờ kết nối các cộng đồng trên thế giới với nhau thì cũng nên chiêm nghiệm về nguồn gốc của một biểu tượng văn hoá mà nó đã được đẩy lên thành trạng thái hình tượng cách đây 40 năm sau một tấn thảm kịch đau lòng.

Theo nhà hoạt động xã hội đồng tính Gilbert Baker, người được cho là đã tạo ra biểu tượng này vào cuối những năm 1970, thì ý tưởng của việc thiết kế cờ xuất hiện năm 1976, là năm mà Hoa Kỳ kỷ niệm 200 năm độc lập như một nước cộng hòa. Còn đang choáng váng sau 2 vết thương, việc rút khỏi Cuộc chiến Việt Nam năm 1973 và việc từ chức chưa từng có của một Tổng hống Mỹ năm 1974 sau vụ tai tiếng Watergate, nước Mỹ đã cố gắng chuyển mình từ thực trạng xáo trộn quốc gia thành lòng yêu nước. Điều cốt yếu để huy động tinh thần đó là việc trưng bày lại trên khắp đất nước các Sao và Sọc (Stars and Stripes của cờ Mỹ), mà hình vẽ đơn giản của nó che đậy mức độ mãnh liệt của sự náo động sục sôi về tâm lý, chính trị và xã hội.

Chính trong bối cảnh đầy sóng gió này mà Harvey Milk, thị trưởng thành phố San Francisco, người đầu tiên công khai là mình đồng tính được bầu vào công quyền ở California, đã khuyến khích Baker vào năm 1977 chế ra một biểu tượng duy nhất cho cộng đồng đồng tính, một biểu hiệu của tự hào có thể khẳng định sự độc lập mang tính xã hội.

“Các lá cờ”, Baker kể từ đó khẳng định, “là sự tuyên bố về quyền lực.” Như một người đồng tính mặc đồ nữ thích quần áo đẹp nhưng chẳng có tiền, Baker đã trở thành một tay thợ may giỏi, một kỹ năng mà sau này ông đã sử dụng tới để làm các lá cờ chính trị.

Bị cuốn hút bởi sức mãnh liệt bùa mê của lá cờ Mỹ và khả năng của nó để tự chuyển hóa trong nghệ thuật và mốt thời trang (từ các tranh nghệ thuật pop đắt tiền của Jasper Johns đến mảng sờn vải bò) Baker bị lôi cuốn vào sự đơn giản của một nền gồm các băng dải, là biểu tượng của nhiều thứ được khâu nối vào với nhau thành một tấm.

Khi suy xét mình nên sáng chế mẫu hình này như thế nào, Baker đã biết là bất cứ thiết kế nào làm ra cũng sẽ phải cạnh tranh với một biểu trưng đau khổ, cho dù kiên cường, mà cộng đồng đồng tính từ lâu đã dùng. Ở trong trại tập trung của Phát xít, người bị giam vì đồng tính bị đánh dấu bằng một hình tam giác màu hồng gắn vào quần áo.

Trong những thập niên sau Thế Chiến Hai, cộng đồng đồng tính trên khắp thế giới đã gỡ bỏ sự cố tình làm nhục của phù hiệu màu hồng này và chuyển hóa nó với sự tự hào. Nhưng việc đòi lại ý nghĩa cho nó có anh hùng đến mức nào, theo Baker, thì biểu tượng này vẫn bị ám ảnh bởi những hồn ma của Hitler và sự giết choc hàn loạt. Ông tin rằng cộng đồng đồng tính xứng đáng có một biểu tượng cực kỳ tốt đẹp, hoàn toàn cho riêng họ. “Chúng tôi cần một cái gì đẹp,” Baker kết luận, “một cái gì đó của chúng tôi.”

Ý tưởng về trời xanh

Các nhà báo và sử gia đã mất rất nhiều công sức nghiên cứu làm sao mà cầu vồng lại gợi ý cho Baker vào năm 1978 như là một hiện tượng thích hợp để chuyển nó thành lá cờ. Một giả thuyết hay được nói tới cho rằng cầu vồng với sự tỏa sáng chói lọi của nữ nghệ sĩ Judy Garland, trong một thời gian dài được coi một thần tượng đồng tính (với vai bà đóng trong phim The Wizard of Oz, đã có thành ngữ đùa “bạn của Dorothy” để chỉ một người đàn ông đồng tính), và với màn biểu diễn nổi tiếng bài hát Over the Rainbow.

Các nhà văn khác cũng nhận xét những màu sáng mạnh mẽ (như màu xanh cẩm chướng mà Oscar Wilde mặc để thể hiện xu hướng dục tính của mình) trong nhiều thế kỷ được dùng làm lời giới thiệu ngắn về sự đồng tính. Nhưng tại một lần trả lời phỏng vấn năm ngoái ở Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, sau khi mẫu đầu tiên của lá cờ được đưa vào bộ sưu tập cố định, Baker nói là luận cứ của việc chọn cầu vồng là sơ đẳng hơn các luận thuyết đưa ra, “Nó là một lá cờ tự nhiên”, ông khẳng định. “Nó được lấy từ bầu trời.”

Nó cũng được thấy trong lịch sử, mặc dù việc sử dụng nó trong những bối cảnh văn hoá trước đây trên thế giới đã không ngăn cản được Baker gìn giữ thiết kế có tính quang phổ đầy sức sống. Từ cuối thế kỷ 15 với việc nhà thần học người Đức Thomas Müntzer đưa cờ cầu vồng trong thuyết giáo cải cách của ông thì biểu tượng này đã được các nhà hoạt động tôn giáo và xã hội sử dụng để lôi kéo sự chú ý đến lý tưởng của họ. Trong cuộc chiến tranh của nông dân Đức thế kỷ 16 người ta cũng dùng một phiên bản của cờ này để thể hiện cam kết thay đổi xã hội. Ở thế kỷ 18, Thomas Paine, nhà cách mạng và tác giả bản luận văn chính trị gây ảnh hưởng Quyền Con Người, chủ trương dùng cờ cầu vồng là biểu tượng chung để xác định tàu trung lập trên biển.

Lá cờ này từ đó được những người theo đạo Phật ở Sri Lanka dùng ở cuối thế kỷ 19 như là biểu tượng thống nhất tín ngưỡng của họ, những người Ấn dùng hàng năm vào ngày 31 tháng 1 để tưởng nhớ ngày mất của lãnh tụ tinh thần Meher Baba, và từ 1961 các phong trào hòa bình quốc tế dùng cờ này.

Liệu pháp màu sắc

Ở lần đầu, cờ cầu vồng của Baker gồm 8 màu (2 màu nhiều hơn phiên bản lúc này được quốc tế xác nhận như là một biểu tượng cho cộng đồng đồng tính) và mỗi màu có một ý nghĩa. Một băng màu hồng nóng (thể hiện dục tính) chạy suốt phía trên cờ trong mẫu ban đầu, sau đó là màu đỏ (cuộc sống), rồi màu cam (hàn gắn), vàng (ánh sáng mặt trời), lam (thiên nhiên), lam ngọc (phép thuật), tím than (bình an) và tím (tinh thần) ở phía đáy lá cờ.

Được trưng bày lần đầu ở quảng trường Liên Hiệp Quốc ở trung tâm San Francisco tháng 6/1978, phiên bản cờ 8 vạch do một đội 30 tình nguyện viên huy động các máy giặt của một hiệu giặt công cộng để vò sạch thuốc nhuộm trong vải và tới một trung tâm cộng đồng đồng tính để ủi và may nối các dải vải với nhau. Đây là phiên bản mà Harvey Milk đã được biết, cho dù rất ngắn ngủi, trong một vài tháng trước khi ông và thị trưởng San Francisco, George Moscone, bị bắn chết ở Tòa thị chính vào ngày 27 tháng 11 bởi một kẻ tâm thần, người đồng nghiệp cũ của Milk.

Sau các vụ giết người, nhu cầu về cờ cầu vồng tăng lên để mang trong các cuộc diễu hành của người đồng tính và trong các sự kiện tổ chức để tưởng nhớ người đấu tranh cho quyền của người đồng tính bị sát hại. Vì nhiều lý do thực tiễn khác nhau, Baker buộc phải giảm bớt thiết kế xuống, đầu tiên là bỏ bớt dải màu hồng trên cùng (vì màu khó kiếm) rồi đến dải màu lam ngọc (vì lý do đối xứng sẽ giống như cờ treo dọc ở cột đèn).

Trong 38 năm từ khi Baker đề nghị sáng kiến này là biểu tượng chung cho niềm tự hào của người đồng tính thì mức lan tỏa của nó là mạnh mẽ. Năm 1994, một lá cờ dài 1 dặm được chuyển dọc phố xá ở New York để kỷ niệm 25 năm cuộc nổi dậy Stonewall 1969 ở Greenwich Village (một thời khắc trọng yếu trong phong trào giải phóng người đồng tính), lập kỷ lục về lá cờ dài nhất và giúp ấn định biểu tượng này một cách vĩnh viễn trong ý thức xã hội.

Nay cờ này ở khắp mọi nơi. Ngày 12 tháng 6, nó được những người tuần hành vẫy trong cuộc xuống đường đầu tiên của người đồng tính chưa từng có ở Ukraine. Từ 24 đến 26 tháng Sáu lá cờ này lần đầu tiên sẽ bay trên nhà Quốc Hội Anh để kỷ niệm ngày cuối tuần tự hào của London. Năm 2015, Facebook đã đưa vào phần ảnh nền cầu vồng sau phán quyết của Tòa Tối Cao Mỹ là hôn nhân đồng giới là hợp pháp trên toàn quốc. Nhưng các phản ứng trái chiều ở Nga và Trung Đông, và những sự kiện ở Orlando là điều nhắc nhở là đây không chỉ là lá cờ để ăn mừng.

Mặc dù cờ trông bề ngoài sôi nổi nhưng thiết kế của Baker được ghép lại bằng sự kiên định và nhuốm sắc của nỗi đau. Người ta nói rằng ông đã từng thốt lên trong lần kỷ niệm 20 năm ngày lá cờ chào đời rằng “Những lá cờ là sản phẩm được chiết lọc từ tâm hồn nhân dân”.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture

http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/07/160702_the-history-of-the-rainbow-flag_vert_cul

 

Philippines khai quật nơi chôn vùi con tin người Canada

Quân đội Philippines hôm 24/6/2016 tìm kiếm nơi chôn thi thể ông Robert Hall, con tin người Canada bị quân khủng bố Abu Sayyaf chặt đầu ở Nam Bộ Philippines cách đây hai tuần.

Quân đội Philippines hôm nay đã khai quật nơi chôn vùi một thi thể mà họ cho là của ông Robert Hall, con tin người Canada bị quân khủng bố Abu Sayyaf chặt đầu ở Nam Bộ Philippines cách đây hai tuần, sau khi hết hạn trả tiền chuộc.

Dân làng địa phương đã  hướng dẫn quân đội đến vùng sâu gần làng Kamuntayan, thị trấn Talipao, tỉnh Sulu, nơi phiến quân Hồi giáo chặt đầu và vùi xác con tin hôm 13/6. Thủ cấp của ông Robert Hall đã được tìm thấy bên ngoài một nhà thờ Công giáo trong khu vực.

Thiếu tá Filemon, Phát ngôn nhân khu vực của quân đội Philippines cho biết, nhiều khả năng thi thể tìm thấy là của ông Robert Hall. Hiện nay các chuyên viên cảnh sát đang giảo nghiệm tử thi.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/beheaded-canadian-s-body-dug-up-in-southern-philippines-07022016095929.html

 

Myanmar: Xung đột tôn giáo leo thang

Xung đột tôn giáo leo thang ở Myanmar, nơi đại đa số người dân theo Phật giáo. Trong vòng 9 ngày qua đã xảy ra 2 vụ tấn công đốt phá nhà thờ Hồi giáo.

Hôm thứ sáu 1/7, cư dân Hpakant, một thị trấn có mỏ ngọc bích ở Bang Kachin phía bắc Myanmar, đã sử dụng các loại hung khí, dao búa và gậy gộc đập phá và sau đó nổi lửa đốt một đền thờ Hồi Giáo trong vùng.

Báo Global New Light do chính phủ Myanmar quản lý, mô tả một đám người mất kiểm soát, hỗn loạn và bạo động đã đốt phá nhà thờ Hồi giáo sau khi tranh cãi về vấn đề xây dựng nhà thờ này.

8 ngày trước, phần tử cực đoan theo Phật giáo cũng đã phá hủy một đền thờ đạo Hồi ở Bago Trung bộ Myanmar. Vụ việc đã khiến cộng đồng Hồi giáo phải di tản sang một thành phố khác.

Xung đột tôn giáo đang trở thành thách thức lớn cho chính quyền dân chủ non trẻ ở Myanmar, dưới sự lãnh đạo tối cao của bà Aung San Suu Kyi.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/myanmar-mob-torches-mosque-as-religious-tensions-spike-07022016085611.html

 

Taliban: Thánh chiến chống sự chiếm đóng của Mỹ ở Afghanistan sẽ tiếp tục

Tân thủ lĩnh Taliban yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt điều ông gọi là “sự chiếm đóng” ở Afghanistan và tuyên bố rằng phong trào nổi dậy này của người Hồi giáo có quyết tâm “cứu” Afghanistan ra khỏi nanh vuốt của sự chiếm đóng của những kẻ ngoại đạo.

Mullah Hibatullah Akhundzada tuyên bố như vậy ngày hôm nay nhân dịp lễ kết thúc tháng Chay Ramadan.

Ông Hibatullah đã lên nắm quyền lãnh đạo Taliban vài ngày sau khi một vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ ngày 21 tháng 5 tại lân bang Pakistan giết chết thủ lĩnh Mullah Akhtar Mansoor của nhóm nổi dậy này.

Dưới sự lãnh đạo của Hibatullah, phe Taliban đã tăng cường những vụ tấn công và đánh bom tự sát nhắm vào các giới chức và các lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn.

Vụ tấn công mới đây nhất xảy ra ở Kabul hôm thứ tư vừa qua, khi một vụ đánh bom kép bằng xe hơi nhắm vào một đoàn xe cảnh sát giết chết gần 40 tân binh cảnh sát và cảnh sát viên và gây thương tích cho nhiều người khác.

http://www.voatiengviet.com/a/thu-linh-taliban-thanh-chien-chong-su-chiem-dong-cua-my-o-afghanistan-se-tiep-tuc/3401414.html

 

Cử tri Australia đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử, tập trung vào vấn đề kinh tế

Dân chúng Australia hôm nay đi bầu rất đông đảo trong cuộc bầu cử liên bang mà kết quả dự kiến sẽ rất khít khao.

Tuy biến đổi khí hậu, di dân và giáo dục là những vấn đề chính, vấn đề kinh tế có phần chắc sẽ quyết định ai sẽ giành được thắng lợi.

Việc Anh quyết định rời khỏi Liên hiệp Âu châu đã tạo ra nhiều mối lo ngại ở Australia, và các nhà lãnh đạo chính trị ở đây đã lấy vấn đề an ninh kinh tế làm trọng tâm của chiến dịch vận động tranh cử.

Thủ tướng Malcolm Turnbull nói với cử tri rằng nước Úc cần có sự ổn định mà liên minh trung hữu của ông có thể mang lại.

Nhưng lãnh tụ đảng Lao động, ông Bill Shorten, nói rằng Thủ tướng Turnbill là một nhà lãnh đạo yếu, giống y như Thủ tướng David Cameron của Anh.

Cuộc bầu cử lần này có sự tham gia của một số đảng nhỏ, trong đó có một ứng cử viên của đảng Xanh và những đảng độc lập khác được đặt tên theo tên ứng cử viên. Nhưng những đảng này phải thuyết phục cử tri là họ có khả năng lãnh đạo mà nền kinh tế đang cần.

Các cuộc thăm dò cho thấy hai đảng chính có tỉ lệ ủng hộ ngang ngửa sau 8 tuần vận động tranh cử.

http://www.voatiengviet.com/a/cu-tri-australia-di-bo-phieu-trong-cuoc-tong-tuyen-cu-tap-trung-vao-van-de-kinh-te/3401387.html

 

Israel oanh kích các địa điểm của Hamas ở Dải Gaza

Các giới chức quân đội Israel cho biết họ đã oanh kích 4 địa điểm của phe Hamas ở Dải Gaza sau khi những phần tử chủ chiến bắn rocket vào miền nam Israel, đánh trúng một trường mẫu giáo.

Chưa có tin gì về thương vong ở Dải Gaza lẫn thị trấn Sderot của Israel.

Các giới chức Israel nói rằng những vụ không kích được thực hiện sáng sớm hôm nay, nhắm vào những địa điểm của nhóm Hamas đang cai trị Dải Gaza.

Những vụ tấn công và phản công như vậy đã xảy ra nhiều lần trong hai năm nay. Rocket bắn đi từ Dãi Gaza rất ít khi rơi trúng các toà nhà ở Israel.

http://www.voatiengviet.com/a/israel-oanh-kich-cac-dia-diem-cua-hamas-o-dai-gaza/3401385.html

 

Xe khách lật ở miền bắc Trung Quốc, 26 người thiệt mạng

Các giới chức Trung Quốc cho biết một chiếc xe khách rơi xuống một con kênh, giết chết 26 người trong số 30 người trên xe.

Giới hữu trách nói rằng một bánh xe bị nổ, làm cho người tài xế của chiếc xe khách giường nằm lạc tay lái và chiếc xe đã rơi xuống con kênh ngập nước sau khi tông qua rào chắn ở ven đường.

Tai nạn này xảy ra tối thứ 6 gần thành phố cảng Thiên Tân.

http://www.voatiengviet.com/a/xe-khach-lat-o-mien-bac-trung-quoc-26-nguoi-thiet-mang/3401381.html

 

Xác định danh tính hai kẻ đánh bom sân bay Istanbul

Nhà chức trách Kyrgyzstan và truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ xác định danh tính hai trong số ba kẻ đánh bom tự sát thực hiện vụ tấn công hôm thứ Ba nhắm vào sân bay Ataturk của thành phố Istanbul, làm chết 44 người và làm bị thương hơn 230 người.

Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan cho biết trong một thông cáo hôm thứ Sáu rằng nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ xác định danh tính hai kẻ đánh bom là Rakim Bulgarov và Vadim Osmanov, và rằng cả hai người đàn ông này đều mang hộ chiếu Nga.

Hôm thứ Năm, các hãng thông tấn phương Tây dẫn lời một quan chức cao cấp của Thổ Nhĩ Kỳ, cho hay ba kẻ tấn công ở Istanbul là công dân Nga, Uzbekistan và Kyrgyzstan. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng vụ tấn công do nhóm Nhà nước Hồi giáo thực hiện.

Website báo Daily Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Sáu dẫn nguồn tin ẩn danh từ văn phòng công tố Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Osmanov được xác định danh tính từ một bản sao chụp hộ chiếu cung cấp cho một người môi giới bất động sản ở quận Fatih của Istanbul. Báo này cũng cho hay nguồn tin “không cung cấp bất kỳ thông tin nào về quốc tịch của cả hai người đàn ông.”

Ngoài ra trong ngày thứ Sáu, website báo Yeni Safak của Thổ Nhĩ Kỳ mô tả Bulgarov và Osmanov là “công dân Nga.”

Trong khi đó, báo Milliyet cho biết thông tin từ hộ chiếu có tên Osmanov đang được xác minh để xem nó có bị làm giả hay không.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây đã xác định Akhmad Chataev có thể là kẻ chủ mưu vụ tấn công Istanbul. Chataev là một phần tử chủ chiến người Chechnya, được cho là đã trở thành một nhân vật cao cấp trong hàng ngũ của Nhà nước Hồi giáo.

Vào tháng 2 năm 2015, Chataev xuất hiện trong một video YouTube của IS quay ở Syria, tự xưng là chỉ huy của Tiểu đoàn Yarmuk, một đơn vị của IS nói tiếng Nga.

http://www.voatiengviet.com/a/xac-dinh-danh-tinh-hai-ke-danh-bom-san-bay-istanbul/3400898.html

 

Mỹ tăng cường các biện pháp an ninh cho Lễ Độc lập

 Các biện pháp an ninh đang dược tăng cường trên khắp nước Mỹ trong lúc dân chúng chuẩn bị mừng Lễ Độc lập mồng 4 tháng 7, sau khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố mới đây ở Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh.

Các giới chức chấp hành luật pháp nói không có mối đe dọa cụ thể trong dịp lễ này.

Nhưng sau vụ tấn công ở phi trường Istanbul, Giám đốc CIA John Brennan cảnh báo rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo có thể tìm cách thực hiện một vụ tấn công tương tự ở Mỹ.

Cảnh sát vũ trang đang tuần tiễu tại các phi trường và các trạm xe lửa, xe buýt.

Bộ An ninh Nội địa lại một lần nữa kêu gọi dân chúng đề cao cảnh giác và báo cáo ngay cho nhà chức trách về những sự việc khả nghi.

http://www.voatiengviet.com/a/my-tang-cuong-cac-bien-phap-an-ninh-cho-le-doc-lap/3401403.html

 

Tổng thống Obama kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật phòng chống Zika

Tổng thống Barack Obama hôm thứ Sáu nói rằng một loại vắc-xin hữu hiệu ngăn ngừa virus Zika có thể được bào chế “khá nhanh” nếu Quốc hội hành động mau chóng chuẩn thuận ngân sách cần thiết cho vắc-xin và cho việc nghiên cứu.

Ông Obama đưa ra phát biểu này tại Tòa Bạch Ốc sau khi nghe báo cáo từ những quan chức y tế hàng đầu của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS), Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch (CDC) và Viện Y tế Quốc gia (NIH).

Ông Obama nói rằng để một loại vắc-xin được phổ biến rộng rãi thì phải được thí nghiệm để chắc chắn rằng nó an toàn và hữu hiệu.

Các nhà nghiên cứu đang trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm một loại vắc-xin phòng ngừa loại virus truyền qua muỗi này. Ông Obama nói nếu nỗ lực này được tài trợ đầy đủ thì ông “khá tự tin” rằng một loại vắc-xin hữu hiệu có thể được bào chế trước khi virus lây lan đến lục địa của Mỹ.

Chính quyền Obama đã đệ trình một yêu cầu ngân sách 1,9 tỉ đôla lên Quốc hội và Tổng thống đang tìm cách đôn đốc những nhà lập pháp thông qua một dự luật phòng chống Zika trước khi Quốc hội nghỉ hè. Tổng thống chỉ trích giới lập pháp “chơi trò chính trị” với sức khỏe của công chúng.

Theo CDC, đã có bốn trẻ nhỏ bị dị tật bẩm sinh liên quan đến virus Zika tại Mỹ, bao gồm ở bang Hawaii và New Jersey.

Cơ quan này cho biết cũng có bốn ca sẩy thai ở Mỹ liên quan đến Zika, và một ca ở lãnh thổ Puerto Rico thuộc Mỹ.

http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-obama-keu-goi-quoc-hoi-thong-qua-du-luat-phong-chong-zika/3400937.html

 

Châu Á đối mặt chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang trỗi dậy ở Âu, Mỹ

Những nước phụ thuộc vào xuất khẩu ở Châu Á ngày càng lo ngại về sự tức giận đang gia tăng ở những người mang chủ trương dân túy tại Mỹ và Châu Âu đối với điều mà họ cho là những chính sách thương mại bất công có thể dẫn tới suy giảm kinh tế toàn cầu.

“Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang trỗi dậy có thể cản trở hệ thống thương mại toàn cầu và do đó bắt đầu khiến nó bị đình trệ,” Frederic Neumann, giám đốc quản lý bộ phận nghiên cứu kinh tế Châu Á của Ngân hàng HSBC tại Hong Kong, nói.

Sự tức giận của cử tri trước tình trạng mất công ăn việc làm ở những nước công nghiệp hóa do toàn cầu hóa và các chính sách tự do thương mại gây ra chính là vấn đề cốt lõi trong cả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh để nước này rời khỏi Liên minh Châu Âu hồi gần đây và cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Những nền kinh tế lớn ở Đông Á đã phản ứng bằng những biện pháp bình ổn kinh tế ngắn hạn trước những biến động của thị trường do cuộc bỏ phiếu Brexit gây nên. Hàn Quốc ra lệnh tăng chi tiêu của chính phủ. Trung Quốc điều chỉnh giá trị đồng tiền của mình và Tokyo cho biết đang cân nhắc những biện pháp tương tự nếu giá trị đồng yen của Nhật Bản tiếp tục tăng.

Tuy nhiên phản ứng ở Châu Á trước thái độ nhiệt thành ủng hộ chủ trương bảo hộ mậu dịch đang được cổ súy ở Phương Tây, đặc biệt là tại Mỹ trong chiến dịch tranh cử tổng thống, tới giờ có phần lặng lẽ.

Peter Drysdale, giám đốc Cục Nghiên cứu Kinh tế Đông Á tại Trường Chính sách Công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Úc, cho biết sự lo âu tại Châu Á được làm dịu bớt bởi quan niệm cho rằng những luận đàm kinh tế hợp lý hơn theo thời gian sẽ chiếm ưu thế.

Ông Drysdale nói: “Những lời lẽ xuất phát từ những chiến dịch chính trị ở Mỹ tất nhiên gây bận tâm cho những nhà lãnh đạo chính sách ở những nơi khác trên thế giới kể cả ở Châu Á, dù ở đó họ nhận thức rõ rằng những lời lẽ đó không nhất thiết chuyển thành chính sách sau cuộc bầu cử.”

Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của phe Cộng hòa

Ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt trọng tâm chiến dịch tranh cử của mình vào việc công kích những hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tuần này ông ta kêu gọi đàm phán lại hoặc bãi bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico, và tái khẳng định sự chống đối của ông ta đối với hiệp định Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm Mỹ và 11 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương khác.

Sự chống đối của phe Dân chủ với TPP

Ứng cử viên sắp được đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton cũng đã lên tiếng chống đối TPP trong chiến dịch tranh cử.

Nhưng trong quá khứ bà đã tỏ lập trường ủng hộ thương mại. Trong tư cách đệ nhất phu nhân Mỹ vào những năm 1990, bà đã phát biểu ủng hộ NAFTA, thỏa thuận mà chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton, đã ký thành luật.

Khi còn là ngoại trưởng của Tổng thống Barack Obama, bà cũng ca ngợi TPP, gọi nó là tiêu chuẩn vàng của những thỏa thuận thương mại.

Giờ là ứng cử viên tổng thống, bà lại chống đối thỏa thuận này, nói rằng phiên bản cuối cùng của nó không phải là một thỏa thuận có lợi cho người lao động Mỹ.

Nhưng sự thay đổi lập trường của bà Clinton về vấn đề toàn cầu hóa và thương mại cũng được coi là một nước cờ chính trị để chống lại sự ủng hộ đang lớn mạnh dành cho đối thủ tranh cử của bà có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, Bernie Sanders, người mạnh mẽ ủng hộ gia tăng những chính sách bảo hộ mậu dịch.

Dù ứng cử viên tổng thống của cả hai đảng lớn đều phản đối TPP, Tổng thống Obama vẫn hy vọng nó sẽ được chuẩn thuận. Ông dự kiến sẽ nỗ lực thúc đẩy dự luật này được thông qua trong phiên họp Quốc hội trong khoảng thời gian trước khi mãn nhiệm sau cuộc bầu cử tháng 11, nhưng trước khi các quan chức mới nhậm chức.

Ông Neumann nói: “Hy vọng là những cái đầu bình tĩnh hơn sẽ thắng thế sau cuộc bầu cử và sẽ đạt một thỏa thuận nào đó, nhưng vào thời điểm này tình hình phía trước trông có vẻ đầy thách thức.”

Những biện pháp thương mại công bằng

Những nhà kinh tế nói rằng các nước Châu Á có thể thực hiện thêm những biện pháp nữa để khai mở nền kinh tế của mình và gia tăng đầu tư ở những nước công nghiệp hóa để kiềm chế sự ủng hộ nhiệt thành đối với chủ trương bảo hộ mậu dịch ở phương Tây. Ông Drysdale cho biết việc này đang diễn ra ở một chừng mực.

“Những nhà đầu tư ở Ấn Độ, Trung Quốc và những nơi khác trong khu vực đang tìm cách đưa những nhà máy và tiền đầu tư vào những nước công nghiệp, đặc biệt là Mỹ,” ông nói.

Tuần này ông Trump nhắm mục tiêu công kích cụ thể vào thỏa thuận thương mại tự do của Mỹ với Hàn Quốc, nói rằng thỏa thuận này đã tăng gấp đôi thâm hụt thương mại của Mỹ với nước đồng minh Đông Á này và hủy hoại gần 100.000 việc làm tại Mỹ.

Ông Neumann nói rằng ông Trump có lý ở chỗ nhiều công ty của Mỹ phàn nàn về những quy định hành chính phức tạp ngăn cản sự tiếp cận thị trường Hàn Quốc, mặc dù đã có FTA.

Ông nói: “Có một thỏa thuận song phương giữa Hàn Quốc và Mỹ. Về lý thuyết hầu hết những lĩnh vực phải được mở ra. Trong thực tế điều mà chúng ta thấy là mối quan hệ này bị mất cân bằng đôi chút.”

Những quan chức ở Seoul thừa nhận Hàn Quốc hiện có thặng dư thương mại 10 tỉ đôla với Mỹ, nhưng nói rằng những công ty Hàn Quốc đang đầu tư nhiều hơn ở Mỹ so với Mỹ đang đầu tư ở Hàn Quốc.

Nếu những cái đầu bình tĩnh hơn không thắng thế và những rào cản thương mại lớn được dựng lên để hạn chế nghiêm ngặt hệ thống thương mại toàn cầu liên kết, thì theo lời những nhà phân tích này, đó sẽ là một thảm họa cho cả phương Đông lẫn phương Tây.

http://www.voatiengviet.com/a/chau-a-doi-mat-chu-nghia-bao-ho-mau-dich-dang-troi-day-o-au-my/3400770.html

 

Mỹ công bố báo cáo về thường dân thiệt mạng vì không kích

Tòa Bạch Ốc vừa công bố phúc trình trông đợi lâu nay về số thường dân thiệt mạng trong các cuộc không kích bằng máy bay không người lái bên ngoài các khu vực giao tranh, cho hay trong giai đoạn 2009-2015 có từ 64 đến 116 thường dân tử vong.

Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, tuyên bố chiến lược chống khủng bố của chính quyền Obama càng minh bạch thì càng khả tín hơn, và Tổng thống sẽ công bố sắc lệnh hành chính mới nhằm cung cấp thêm thông tin về các nỗ lực giúp tránh thương vong nơi thường dân, liệt kê và phơi bày các vụ việc xảy ra.

Phúc trình liệt kê các trường hợp thiệt mạng vì không kích từ máy bay không người lái xảy ra tại các địa điểm bên ngoài ‘những địa bàn chiến sự’ tại Pakistan, Yemen, Libya và Somalia, không phải ở Afghanistan, Iraq hay Syria.

Con số chính thức thấp hơn ước tính của các tổ chức bên ngoài vốn cho rằng có khoảng 200 đến hơn 1.000 thường dân tử vong.

Báo cáo nói số thống kê của chính phủ thấp hơn vì dựa trên các thông tin tình báo nhạy cảm và dùng các phương pháp khảo sát mà những tổ chức bên ngoài không có được và rằng các tổ chức bên ngoài chủ yếu dựa trên tin tức truyền thông và một số nghiên cứu thực địa. Vẫn theo phúc trình, phương pháp khảo sát khác nhau cũng có nghĩa là một số trường hợp tử vong mà các tổ chức bên ngoài xem là phi tác chiến lại được chính phủ Mỹ coi là thiệt mạng vì tác chiến. Phúc trình nói báo cáo của các nhóm bên ngoài có thể phức tạp hóa bởi một số cá nhân cố ý lan truyền thông tin sai lệch mà báo chí địa phương lại vô tình phản ảnh.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền chỉ trích báo cáo này, nói rằng Mỹ đã không giải thích rõ ràng mục tiêu bị nhắm là ai và lý do tại sao, khiến khó có thể chứng thực

http://www.voatiengviet.com/a/my-cong-bo-bao-cao-ve-thuong-vong-vi-cac-cuoc-khong-kich/3400683.html

 

Trung Quốc bắt 3 người Việt rải truyền đơn ở Bắc Kinh

Tin cho hay giới hữu trách tại Bắc Kinh đã bắt giữ 7 thành viên của Liên minh Việt Nam-Tây Tạng (VTA) sau khi họ phát tán hàng ngàn tờ rơi ở Quảng trường Thiên An Môn lên án chính sách của Trung Quốc đối với Tây Tạng và Việt Nam.

Liên minh VTA cho hay họ tiến hành chiến dịch phân phát hàng ngàn tờ rơi ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, vào ngày 24/6.

Thông cáo của VTA nói chiến dịch bắt đầu lúc 13:15h chiều ngày 24/6 (giờ địa phương). Thông cáo viết rằng: ‘Các tờ rơi này cung cấp thông tin, lên án kế hoạch của đảng cộng sản Trung Quốc đồng hóa người dân Tây Tạng tại Tây Tạng và thống trị Việt Nam.’

7 thành viên bị bắt gồm 4 đàn ông và 3 phụ nữ. Trong số này có bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, 60 tuổi, Sáng lập viên và lãnh đạo của Liên minh Việt Nam-Tây Tạng; ông Trần Ngọc Phương, 72 tuổi, từ Việt Nam ; ông Đoàn Việt Khánh, người Việt quốc tịch Lào. Bốn người Tây Tạng bao gồm ông Phuntsok, 34 tuổi, ông Tsering, 24 tuổi, bà Singay Choedon, 26 tuổi, và bà Dawa Dhondup, 43 tuổi.

Tờ Tibet Post dẫn lời bà Ngọc Hạnh cho biết cảnh sát Trung Quốc muốn liên kết vụ này với âm mưu đánh bom hôm 12/6 tại sân bay quốc tế Phố Đông ở Thượng Hải, ‘nhưng tất cả các cáo buộc không có căn cứ vì Liên minh Việt Nam-Tây Tạng không dính dáng gì với các vụ tấn công như vậy.’

Thông cáo của Liên minh cho hay ngày 26/6/2016, cảnh sát Bắc Kinh đã quyết định trục xuất bà Hạnh, ông Phương, ông Khánh về nước cư trú lần lượt là Pháp, Việt Nam, và Lào ‘vì họ là công dân nước ngoài.’

Theo lời bà Hạnh, ‘ông Phương có thể đã bị cảnh sát Việt Nam bắt giữ, nhưng hiện chưa có thông tin gì về tình trạng của ông sau 48 giờ ông bị trục xuất.’

Hiện cũng chưa rõ tung tích của 4 người Tây Tạng bị bắt trong nhóm.

Nói với tờ Tibet Post, Chủ tịch Liên minh VTA, Thupten Tenzin, ca ngợi tinh thần dũng cảm của những người tham gia cuộc phản kháng ôn hòa tại thủ đô Trung Quốc. Ông Tenzin nói: ‘Chúng ta nên thực hiện các bước nhỏ như thế này để tiếp tục đấu tranh cho tự do của người Tây Tạng.’

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-bat-3-nguoi-viet-rai-truen-don-o-bac-kinh/3399039.html

 

Pháp tăng cường an ninh cho “Gay Pride Paris”

Thanh Hà

Chiều ngày 02/07/2016 hàng chục ngàn người tuần hành ủng hộ giới đồng tính Gay Pride Paris. Lễ hội của giới đồng tính năm nay được tổ chức ba tuần sau vụ thảm sát ở hộp đêm Orlando, bang Florida làm 49 người thiệt mạng.

Vào lúc 15 giờ trong không khí của ngày hội hóa trang, từng đoàn người diễu hành trên những chiếc xe tải, xe máy dưới bầu trời bạt ngàn những lá cờ 7 sắc cầu vồng, biểu tượng của giới đồng tính. Tham gia tuần hành chiều nay, có nhiều chính khách Pháp như bộ trưởng Văn Hóa Audrey Azoulay hay đô trưởng Paris, bà Anne Hidalgo.

Paris huy động gần một ngàn nhân viên cảnh sát để bảo vệ cho đoàn tuần hành, trên lộ trình từ bảo tàng Louvre đến quảng trường Bastille, trên chiều dài hơn 4,6 cây số. Ban tổ chức tuyển dụng hơn 250 tình nguyện viên để bảo đảm an ninh cho đoàn tuần hành.

Cảnh sát và nhân viên an ninh Paris đặc biệt căng thẳng trong bối cảnh nước Pháp đang tổ chức Cúp bóng đá Châu Âu và vẫn là mục tiêu tấn công khủng bố của quân Hồi giáo thánh chiến.

http://vi.rfi.fr/phap/20160702-phap-tang-cuong-an-ninh-cho-gay-pride-paris

 

Nga –Thổ Nhĩ Kỳ trên đà bình thường hóa quan hệ.

Thanh Hà

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu nhân một sự kiện tại Ankara.Reuters

Sau nhiều tháng gián đoạn, Matxcơva và Ankara nối lại đối thoại. Ngày 01/07/2016, Ngoại trưởng hai nước lật sang một chương mới trong quan hệ song phương. Đầu tuần, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chính thức xin lỗi Nga về vụ bắn hạ một chiến đầu cơ của Nga hồi tháng 11/2015.

Thông tín viên đài RFI từ Matxcơva Muriel Pompone cho biết thêm :

« Matxcơva và Ankara dường như đồng ý là cần nhanh chóng đẩy cải thiện quan hệ song phương. Từ thứ Năm vừa qua, du khách Nga đã được phép tham quan Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Nga được tổng thống Putin trao trọng trách đàm phán với Ankara để bình thường hóa quan hệ, đặc biệt là trong lĩnh vực mậu dịch. Nga nóng lòng muốn cà chua của Thổ Nhĩ Kỳ chóng được bầy bán trở lại trên ở các gian hàng.

Sáng hôm qua, ngoại trưởng Sergueï Lavrov thông báo là đôi bên lại bắt tay vào việc để bàn về chính sách chống khủng bố. Trong những ngày tới, các giới chức quân sự của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải phối hợp với nhau trong khuôn khổ quân đội Nga can thiệp tại Syria.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành ngoại giao Nga đã không bỏ qua những chủ đề nhạy cảm trong quan hệ giữa Matxcơva với Ankara. Ông Lavrov hy vọng đôi bên cùng thẳng thắn đề cập đến những vấn đề gai góc, chẳng hạn như là làm thế nào để cắt nguồn viện trợ từ nước ngoài cho quân khủng bố tại Syria, hay tìm kiếm giải pháp tránh để các nhóm khủng bố Syria sử dụng Thổ như một căn cứ hậu cần.

Một dấu hiệu khác cho thấy Matxcơva và Ankara muốn nhanh chóng sưởi ấm quan hệ đó là tổng thống Putin và Erdogan dự trù sẽ gặp nhau vào tháng 8/2016 »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160702-nga-tho-nhi-ky-quan-he-qt

 

Liên Hiệp Châu Âu triển hạn trừng phạt Nga

Thanh Phương

Liên Hiệp Châu Âu hôm qua, 01/07/2016, đã chính thức triển hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề đối với Nga, được ban hành từ mùa hè năm 2014, do vai trò của nước này trong cuộc xung đột tại Ukraina. Matxcơva đã ngay lập tức lên án quyết định trên.

Các biện pháp trừng phạt được triển hạn đến ngày 01/01/2017 chủ yếu nhắm vào các ngân hàng, các công ty dầu khí và quốc phòng của Nga. Các biện pháp này đã gây tác hại nặng nề cho nền kinh tế Nga.

Các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu đối với Nga đã được ban hành vào tháng 07/2014 nhằm phản đối việc Matxcơva yểm trợ cho cuộc tấn công của phiến quân thân Nga ở miền Đông Ukraina, chỉ vài ngày sau vụ chiếc máy bay của Malaysia trúng tên lửa và bị rơi khiến 298 người chết. Cho tới nay Matxcơva vẫn khẳng định không có can dự trực tiếp vào xung đột ở Ukraina, đã khiến hơn 9.400 người chết trong vòng 2 năm.

Ngay sau khi Liên Hiệp Châu Âu công bố quyết định triển hạn các biện pháp trừng phạt nói trên, bộ Ngoại giao Nga đã ra thông cáo cho rằng việc gắn các biện pháp trừng phạt của châu Âu với việc tôn trọng hiệp định Minsk là « phi lý », vì Nga không tham gia vào xung đột ở Ukraina. Hiệp định Minsk đã được ký kết tháng 02/2015, nhưng vẫn chưa chấm dứt được xung đột này. Về phần tổng thống Ukraina Petro Porochenko thì đã bày tỏ « lòng biết ơn » với các lãnh đạo châu Âu, đã hết lòng ủng hộ Kiev.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160702-lien-hiep-chau-au-trien-han-cac-bien-phap-trung-phat-nga

 

Quốc tế kêu gọi Miến Điện ngưng kỳ thị người Hồi giáo

Thanh Phương

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, bà Yanghee Lee hôm qua, 01/07/2016, đã kêu gọi chính quyền dân sự mới của nước này dành ưu tiên cho việc chấm dứt sự kỳ thị nặng nề đối với người Hồi giáo Rohingya và các cộng đồng Hồi giáo khác ở bang Rakhine.

Bà Yanghee Lee đã ra lời kêu gọi như trên sau gần hai tuần viếng thăm Miến Điện, quốc gia có đa số dân theo Phật giáo. Đây là chuyến đi đầu tiên của báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện kể từ khi chính phủ đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền.

Tuy được cả thế giới ca ngợi là một nhà đấu tranh kiên cường cho dân chủ và nhân quyền, bà Aung San Suu Kyi lại bị chỉ trích là đã không có thái độ kiên quyết nhằm chấm dứt thảm nạn của người Hồi giáo Rohingya, cho dù đảng của bà nay đã lên cầm quyền.

Trong chuyến đi Miến Điện vừa qua, bà Yanghee Lee cũng đã đến bang Rakhine, nơi đã xảy ra nhiều vụ bạo động đẫm máu giữa người Hồi giáo và người Phật giáo vào năm 2012.

Hôm nay, báo chí chính thức của Miến Điện vừa loan tin là trong ngày hôm qua một nhà thờ Hồi giáo ở bang Rakhine đã bị một nhóm vũ trang tấn công và đốt cháy. Đây là nhà thờ Hồi giáo thứ hai bị tấn công chỉ trong vòng một tuần. Vào tháng trước một nhà thờ Hồi giáo khác ở Bago, miền trung Miến Điện cũng đã bị phá hủy.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160702-lien-hiep-quoc-md-ky-thi-hoi-giao-qt-xh

 

Nhật Bản « quan ngại sâu sắc » về tình hình Biển Đông

Thanh Hà

Một trong những hình ảnh va chạm trên Biển Đông giữa tàu ngư chính Trung Quốc và tuần dương Nhật được YouTube tiết lộ ngày 05/11/2010Reuters

Phát biểu ngày 01/07/2016 vào lúc Tokyo bắt đầu nắm chức chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bản An Liên Hiệp Quốc, đại sứ Nhật bên cạnh Liên Hiệp Quốc Koro Bessho tuyên bố, nếu được yêu cầu, hồ sơ Biển Đông sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Hội đồng.

Ông Koro Bessho tuyên bố Tokyo « quan ngại sâu sắc » trước các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trong khu vực. Đại sứ Nhật Bản bên cạnh Liên Hiệp Quốc không ngần ngại thông báo là chủ đề này sẽ được đưa vào chương trình làm việc của Hội Đồng Bảo An nếu như một thành viên của Liên Hiệp Quốc yêu cầu.

Ông Koro Bessho phát biểu như trên trong bối cảnh vào ngày 12/07/2016 Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông.

Hãng tin Nhật Kyodo cho là các chuyên gia chờ đợi phán quyết của tòa án La Haye sẽ bất lợi cho Bắc Kinh. Kyodo cũng nhắc lại cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong khu vực như Nhật Bản hay Úc, và cả châu Âu quan ngại trước việc Trung Quốc ồ ạt xây dựng đảo nhân tạo, cơ sở quân sự trong các vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160702-nhat-ban-quan-ngai-sau-sac-bien-dong